Tải bản đầy đủ (.pdf) (252 trang)

Báo cáo tổng kết đề tài độc lập cấp nhà nước luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược phòng ngừa và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở việ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.78 MB, 252 trang )

TTCP
VKHTT

THANH TRA CHÍNH PHỦ
Viện khoa học thanh tra
17 Cao Bá Quát

Báo cáo tổng kết
Đề tài độc lập cấp nhà nước:

LUẬN CỨ KHOA HỌC CHO VIỆC XÂY DỰNG
CHIẾN LƯỢC PHÒNG NGỪA VÀ NÂNG CAO
HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM
NHŨNG Ở VIỆT NAM CHO ĐẾN NĂM 2020

TS. Mai Quốc Bình
Phó Tổng Thanh tra – Thanh tra Chính phủ

6754
10/3/2008
Hà Nội, 7 – 2007


DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN
1. TS. Mai Quốc Bình – Phó Tổng Thanh tra, TTCP
2. TS. Lê Tiến Hào – Phó Tổng Thanh tra, TTCP
3. TS. Nguyễn Văn Thanh - Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, TTCP.
4. ThS. Đinh Văn Minh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, TTCP
5. GS.TS Trần Ngọc Đường – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
6. GS.TSKH Đào Trí Úc - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật.
7. PGS.TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.


8. Thiếu tướng. PGS.TS Lê Văn Cương - Viện Chiến lược và khoa học Công an.
9. TS. Nguyễn Văn Luật - Viện trưởng Viện khoa học Xét xử, TANDTC
10. TS. Nguyễn Văn Thuỵ - Nguyên vụ trưởng, Ban trung ương 6(2).
11. TS. Ngô Văn Điểm – Phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng.
12. TS. Nguyễn Văn Lạng – Phó Chánh Thanh tra, Bộ Tài nguyên môi trường.
13. ThS. Trần Đại Thắng - Viện khoa học Kiểm sát, VKSNDTC
14. Phan An Sa – Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin.
15. Trần Quang Trung – Chánh Thanh tra Bộ Y tế.
16. ThS. Trần Huy Trường - Trưởng phòng Thanh tra, Bộ Tài chính.
17. Trần Đức Lượng - Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ.
18. Cao Văn Thống - Phó vụ trưởng Uỷ ban kiểm tra trung ương.
19. Lê Văn Lân – Vụ trưởng, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham
nhũng.


BẢNG CÁC CHỮ VIẾT TẮT

WTO

: Tổ chức Thương mại thế giới

QSH

: Quyền sở hữu

GTGT

: Giá trị gia tăng

TNHH


: Trách nhiệm hữu hạn

BCH

: Ban Chấp hành

CAND

: Công an nhân dân

VKSND

: Viện Kiểm sát nhân dân

TAND

: Toà án nhân dân

CHXHCN

: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa

HĐND

: Hội đồng nhân dân

UBND

: Uỷ ban nhân dân


UBTVQH

: Uỷ ban thường vụ Quốc hội

NDT

: Nhân dân tệ

TTDVMSC

: Trung tâm dịch vụ mua sắm công

MSCTT

: Mua sắm công tập trung


MỤC LỤC
Nội dung
MỞ ĐẦU
Chương I:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ THAM NHŨNG VÀ CÔNG TÁC
ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG
I. Quan niệm và các dấu hiệu đặc trưng của tham nhũng
1.1 Quan niệm về tham nhũng
1.2 Các dấu hiệu đặc trưng của tham nhũng.
II. Nguồn gốc và nguyên nhân của tham nhũng
2.1 Nguồn gốc của tham nhũng
2.2 Nguyên nhân của tham nhũng

III. Các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành
IV. Tham nhũng nhìn từ góc độ văn hoá
4.1 Văn hoá và sự cần thiết tiếp cận vấn đề tham nhũng từ góc độ văn hoá
4.2 Đặc trưng, nguồn gốc và hậu quả của tham nhũng – nhìn từ góc độ văn hoá
4.3 Vấn đề phòng, chống tham nhũng – nhìn từ góc độ văn hoá
V. Một số nét về lịch sử pháp luật chống tham nhũng ở nước ta
5.1 Quan niệm và kinh nghiệm chống tham nhũng trước Cách mạng tháng Tám
5.2 Quan niệm và kinh nghiệm chống tham nhũng thời kỳ sau Cách mạng tháng
Tám đến nay
VI. Quan điểm, tư tưởng của Hồ Chủ tịch về tham nhũng và đấu tranh chống
tham nhũng
6.1 Quan điểm, tư tưởng của Hồ Chủ tịch về tham nhũng
6.2 Quan điểm của Hồ Chủ tịch về chống tham nhũng
Chương II
THỰC TRẠNG, HẬU QUẢ VÀ NGUYÊN NHÂN
THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
I. Thực trạng tham nhũng
1.1 Khái quát chung về thực trạng tham nhũng và những khó khăn trong việc đánh
giá thực trạng tham nhũng hiện nay
1.2 Đánh giá chung tình hình tham nhũng
1.3 Tình hình tham nhũng trong một số lĩnh vực cụ thể
1.4 Đối tượng tham nhũng
II. Các hậu quả của tham nhũng
2.1 Tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, của tập thể và của
nhân dân.
2.2 Tham nhũng cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước.
2.3 Tham nhũng làm thay đổi, xâm phạm, thậm chí đảo lộn những chuẩn mực đạo
đức xã hội, làm vẩn đục mối quan hệ xã hội và những giá trị đạo đức tốt đẹp có tính
truyền thống của dân tộc.
2.4 Tình trạng tham nhũng của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước làm hoạt động

công vụ trở thành hoạt động vụ lợi, tha hoá.
2.5 Tham nhũng xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với sự
nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trang
12
16
16
16
18
19
19
20
21
23
23
24
25
26
26
27
30
30
33
39
39
39
43
52
61

62
62
62
63
63
63


III. Những nguyên nhân chủ yếu của tệ tham nhũng hiện nay
3.1. Phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái, công tác
quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên yếu kém.
3.2. Cơ chế chính sách pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ .
3.3 Cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế “xin – cho” vẫn còn
phổ biến; thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo kẽ hở cho sự sách
nhiễu, vòi vĩnh, ăn hối lộ
3.4. Những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường
3.5 Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước trong đấu tranh chống tham
nhũng chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo, thiếu một cơ chế phối hợp cụ thể, hữu
hiệu.
3.6. Thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu.
3.7. Do ảnh hưởng của một số tập quán văn hóa cũ không lành mạnh
3.8 Việc huy động lực lượng đông đảo nhân dân cũng như sự tham gia của lực
lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn chưa được quan tâm đúng
mức.
3.9. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tham nhũng và đấu
tranh chống tham nhũng mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa tạo ra một sự
chuyển biến tích cực trong ý thức của xã hội trong việc phản ứng với tệ nạn tham
nhũng cũng như đề cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia vào
cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Chương III

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG
THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
I. Về những kết quả đã đạt được trong công tác đấu tranh chống tham nhũng
1.1. Về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng
1.2. Công tác phòng ngừa phát hiện và xử lý tham nhũng của các cơ quan nhà nước
1.3 Sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, nhân dân và các cơ quan thông tin đại
chúng vào đấu tranh chống tham nhũng
II. Về những hạn chế, nhược điểm trong công tác phòng, chống tham, nhũng
2.1. Việc ban hành chủ trương, chính sách, giải pháp về phòng, chống tham nhũng
còn chậm và thiếu những quy định chưa chặt chẽ, tính khả thi chưa cao.
2.2. Hạn chế trong việc thực hiện chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về
phòng, chống tham nhũng.
2.3 Thiếu cơ chế để bảo đảm an toàn và động viên nhân dân cũng như các cơ quan
thông tin đại chúng, nhà báo tích cực tham gia phát hiện và đấu tranh chống tham
nhũng.
2.4 Quá trình điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm về tham nhũng thường gặp
nhiều khó khăn hơn so với các tội phạm khác.
2.5 Việc phối kết hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, công chức có hành vi tham
nhũng còn chưa có hiệu quả.
III. Nguyên nhân của những tồn tại, thiếu sót trong tổ chức phòng, chống tham
nhũng

64
64
65
66
66
68
69
70

71

72

72
73
73
77
91
93
93
94
99
101
102
104


Chương IV
YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VỚI NHIỆM VỤ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
I/ Những tiêu chuẩn cơ bản của một nhà nước pháp quyền
1.1 Nhà nước pháp quyền dựa trên nền tảng của chủ nghĩa lập hiến
1.2 Pháp luật giữ vị trí chi phối và có hiệu lực pháp lý tối thượng trong xã hội, Nhà
nước cũng phải chịu sự ràng buộc của pháp luật
1.3 Bảo đảm nguyên tắc phân quyền và yêu cầu về sự độc lập của tư pháp.
1.4 Pháp luật phải được áp dụng công bằng, nhất quán, phải bảo đảm tính công
khai, sự minh bạch, dễ tiếp cận, áp dụng kịp thời.
1.5 Tôn trọng và bảo vệ quyền công dân và quyền con người.
II. Những yêu cầu đặt ra đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã

hội chủ nghĩa Việt Nam và vấn đề đấu tranh chống tham nhũng
2.1 Những yêu cầu chung
2.2 Các yêu cầu và nguyên tắc của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta –
cơ sở của việc xác định giải pháp phòng, chống tham nhũng
2.3 Giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước là điều kiện cần thiết để phòng,
chống tham nhũng trong một nhà nước pháp quyền.
2.4 Giám sát của xã hội dân sự đối với các hoạt động của bộ máy nhà nước và cán
bộ, công chức là một yếu tố quan trọng góp phần đấu tranh chống tham nhũng
Chương V
MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
TRONG LỊCH SỬ NƯỚC TA VÀ TRÊN THẾ GIỚI
I. Sơ lược lịch sử về chống tham nhũng ở nước ta
1.1 Pháp luật chống tham nhũng thời kỳ phong kiến
1.2 Pháp luật chống tham nhũng từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945
II. Quan niệm về tham nhũng và chủ trương phòng, chống tham nhũng của các
nước trên thế giới
2.1 Quan niệm về tham nhũng
2.2 Tình hình phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới
III. Những giải pháp phòng, chống tham nhũng chủ yếu ở các nước
3.1 Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
3.2 Các biện pháp phát hiện tham nhũng
3.3 Các biện pháp xử lý tham nhũng
IV. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chống tham
nhũng
4.1 Khái quát mô hình tổ chức của các cơ quan chống tham nhũng trên thế giới
4.2 Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chống tham nhũng theo các mô hình khác
nhau
V. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng
5.1 Những quy định chung
5.2 Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

5.3 Hình sự hoá và thực thi pháp luật:
5.4 Những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước
VI. Kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong đấu tranh chống tham nhũng

108
109
109
110
111
112
113
115
115
118
128
133
137
137
137
147
150
150
152
157
157
165
168
170
170
170

177
177
178
180
181
181


6.1 Liên Hợp quốc
6.2 Tổ chức về phát triển và hợp tác kinh tế (OECD)
6.3 INTERPOL
6.4 Ngân hàng thế giới (WB).
6.5 Tổ chức minh bạch quốc tế (TI).
6.6 Tổ chức toàn cầu của Nghị viện chống tham nhũng (GOPAC)
VII. Nội dung cơ bản của chiến lược phòng, chống tham nhũng của một số
quốc gia trên thế giới.
7.1 Các đánh giá về bối cảnh xây dựng và thực hiện chiến lược
7.2 Các giải pháp phòng, chống tham nhũng
7.3 Tổ chức thực hiện chiến lược
Chương VI
CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH
CHỐNG THAM NHŨNG
I. Các giải pháp nâng cao năng lực, phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ, công
chức, tăng cường kiểm soát hoạt động công vụ nhằm phòng ngừa tham nhũng.
1.1 Về công tác cán bộ
1.2 Về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống và nâng cao nhận
thức, ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức.
1.3 Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền
1.4 Xây dựng và bảo đảm thực hiện qui tắc ứng xử của cán bộ công chức:
1.5 Tăng cường minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đề cao tính tự

giác và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức danh lãnh
đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội
1.6 Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan,
tổ chức hoặc ngành lĩnh vực, địa phương mà mình phụ trách
1.7 Cải cách chế độ tiền lương nhằm phòng ngừa tham nhũng.
1.8 Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ của các cơ quan nhà
nước và các cán bộ công chức nhà nước.
II. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội nhằm nâng
cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng
2.1 Về quản lý và sử dụng đất đai
2.2 Công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động mua sắm công.
2.3 Đẩy mạnh cải cách nền tài chính công, kiểm soát tốt hơn nữa công tác thu chi,
ngân sách
2.4 Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quản lý vốn
và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
2.5 Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng
III. Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ
quan nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng
3.1 Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý
tham nhũng.
3.2 Sửa đổi quy định của pháp luật nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng
tham nhũng.
3.3 Sửa đổi, bổ sung chính sách hình sự và các biện pháp phát hiện tham nhũng

182
182
184
184
184
185

186
186
187
194
198
200
200
202
203
207
209
211
211
214
214
214
215
218
221
221
227
227
229
229


3.4 Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét
xử các vụ việc, vụ án tham nhũng
IV. Các giải pháp nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của xã hội tham gia
tích cực vào đấu tranh chống tham nhũng.

4.1 Các giải pháp nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của xã hội tham gia tích
cực vào đấu tranh chống tham nhũng
4.2 Phát huy vai trò của xã hội công dân trong đấu tranh chống tham nhũng
V. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng
Chương VII
ĐỊNH HƯỚNG, YÊU CẦU, NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC PHÒNG, CHỐNG
THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM
I. Sự cần thiết của việc xây dựng chiến lược phòng, chống tham nhũng của Việt
Nam
II. Những yêu cầu của Chiến lược phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đến
năm 2020
III. Cơ cấu và những nội dung cơ bản của chiến lược phòng, chống tham
nhũng của Việt Nam đến năm 2020
Danh mục tài liệu tham khảo

232
233
233
235
237
238
238
243
245
253


BÀI TÓM TẮT
Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài: Đánh giá một cách toàn diện thực
trạng tham nhũng và cơ chế phòng, chống tham nhũng hiện nay, từ đó dự

báo về tình hình tham nhũng trong thời gian tới và đưa ra những luận cứ
khoa học cho hình thành Chiến lược chống tham nhũng ở Việt Nam đến năm
2020.
Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của Đề tài và sự
cần thiết phải nghiên cứu Đề tài: Phòng, chống tham nhũng luôn là vấn đề
được quan tâm tại nhiều nước trên thế giới và hiện nay đang trở thành vấn đề
có tính chất quốc tế. Tại nhiều nước cũng như một số tổ chức quốc tế có các
công trình nghiên cứu hoặc đánh giá về vấn đề này. Tuy nhiên ở mỗi nước
đều có những điều kiện về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa khác nhau nên
định hướng và kết quả nghiên cứu các giải pháp đấu tranh chống tham
nhũng cũng khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy các giải pháp đấu tranh chống
tham nhũng ở các nước là khác nhau và cần có sự nghiên cứu, vận dụng một
cách có lựa chọn.
Thanh tra Chính phủ, Ban chỉ đạo TW 6 (lần 2), Ban Nội chính TW
Đảng, Bộ Tài chính đã có những nghiên cứu, đánh giá bước đầu về thực
trạng, nguyên nhân tham nhũng và đưa ra một số kiến nghị về đổi mới cơ
chế, chính sách quản lý nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham
nhũng.
Ngoài ra, từ trước đến nay cũng đã có một số công trình nghiên cứu
khoa học về chống tham nhũng, những thường nghiên cứu tham nhũng ở
từng phương diện cụ thể hay từng lĩnh vực cụ thể và chủ yếu nghiên cứu
tham nhũng với tính chất là một tội phạm hình sự. Chưa có công trình
nghiên cứu nào nghiên cứu toàn diện cơ sở khoa học vấn đề tham nhũng và
chống tham nhũng, đặc biệt là nghiên cứu tham nhũng như một hiện tượng
chính trị - văn hoá - xã hội để tìm ra các giải pháp có tính chất tổng thể nhằm
phòng ngừa và chống tham nhũng có hiệu quả.
Trong khi đó, Công ước chống tham nhũng của LHQ mà Tổng Thanh
tra thay mặt Chính Phủ ký ngày 9-12-2003 yêu cầu các quốc gia thành viên
phải xây dựng Chính sách quốc gia/Chiến lược chống tham nhũng. Để chuẩn
bị tích cực cho việc phê chuẩn Công ước, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra

Chính phủ khẩn trương nghiên cứu nhằm góp phần cùng các cơ quan nhà
nước có thẩm quyền xây dựng chiến lược phòng, chống tham nhũng ở Việt
Nam.


Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng
Chiến lược tổng thể về phòng, chống tham nhũng bao gồm những giải pháp
cấp bách trước mắt và những giải pháp cơ bản có tính chất chiến lược.
Đặc biệt, việc nghiên cứu đề tài này gắn bó chặt chẽ và có tác dụng
tương tác, hỗ trợ cho việc soạn thảo Luật chống tham nhũng mà Quốc hội và
Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì trong năm 2005.
Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật được sử dụng:
Đây là một đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng lớn và rất phức tạp cho
nên cần sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học, cụ thể như
sau:
1. Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử:
Xem xét tham nhũng với tư cách là một hiện tượng xã hội lịch sử, đặc
biệt khi nghiên cứu về bản chất, nguyên nhân và nguồn gốc của nó; quan hệ
của tệ tham nhũng với việc thực hiện quyền lực và quá trình phát triển của bộ
máy nhà nước; đấu tranh chống tham nhũng như là một yêu cầu tất yếu của
quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nghiên cứu các biện pháp phòng, chống tham nhũng trên quan điểm lịch
sử cụ thể để đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện vận động và phát
triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay cũng như dự báo trước
những nguy cơ và chiều hướng phát triển của tệ tham nhũng trong những năm
tiếp theo.
2. Phương pháp hệ thống cấu trúc:
Đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng trong tổng thể quá trình đổi mới
hệ thống chính trị, đổi mới bộ máy nhà nước và cải các hành chính cũng như
quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

3. Phương pháp so sánh:
Nghiên cứu các biện pháp, giải pháp phòng chống tham nhũng trong
lịch sử Việt nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tìm ra những vấn
đề có tính quy luật, những điểm chung có thể áp dụng trong điều kiện Việt
Nam.
4. Phương pháp điều tra xã hội học:
Cần thiết phải đánh giá nhận thức và phản ứng của xã hội đối với tệ tham
nhũng, từ đó xem xét các khả năng và yếu tố nhằm thức đẩy sự tham gia của
xã hội vào đấu tranh phòng chống tham nhũng.
5. Phương pháp mô hình hoá:


Đề tài hướng tới việc tìm ra các giải pháp cụ thể cho đấu tranh phòng
chống tham nhũng cho nên cần mô tả sự hình thành, phát triển tệ tham nhũng
nói chung và các biện pháp tác động nhằm ngăn ngừa tham nhũng, đồng thời
mô tả một số hành vi tham nhũng điển hình và sự tham tham gia của các yếu
tố có liên quan. Trên cơ sở đó nêu ra các hướng tác động nhằm đấu tranh
ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới loại trừ tham nhũng. Để đạt mục tiêu nghiên cứu
đó, Đề tài đã thực hiện các công việc chính sau: thu thập thông tin tài liệu
trong nước và nước ngoài về chống tham nhũng; tiến hành điều tra xã hội
học, khảo sát thực tế trong nước và ngoài nước; phân tích tài liệu, số liệu điều
tra khảo sát; tổ chức hội thảo khoa học. Về phương pháp nghiên cứu, Đề tài
đã kết hợp khảo sát thu thập tài liệu hiện có với điều tra phỏng vấn, thực hiện
phân tích – tổng hợp, so sánh, kết hợp logic và lịch sử, …Các kết quả nghiên
cứu trước đây liên quan đến đề tài đã được kế thừa và quá trình nghiên cứu
luôn xuất phát từ tình hình thực tiễn cũng như xu hướng phát triển và biến
động của tình hình.


nhấn mạnh những nội dung về phòng, chống tham nhũng. Ngày 7 tháng 11

năm 2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với mục đích làm cho toàn đảng toàn
dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng
đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tu dưỡng rèn luyện
và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc
biệt là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao đạo đức cách
mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội. Đây có coi là một thuận lợi hết
sức to lớn tạo nền tảng cho công tác giáo dục đạo đức góp phần đấu tranh
chống tham nhũng có hiệu quả trên mặt trận văn hoá, tư tưởng.
Đảng viên, cán bộ, công chức, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cam kết
không tham nhũng, không khoan nhượng với bất cứ hành vi tham nhũng nào,
kể cả với người thân của mình; vận động, giáo dục thành viên trong gia đình,
người thân không lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi; giáo dục và
quản lý cán bộ, đảng viên, công chức dưới quyền để họ không tham nhũng và
không tiếp tay cho tham nhũng.
Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần đặc biệt coi trọng việc đa
dạng hoá các hình thức và xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền,
giáo dục phù hợp với mỗi loại đối tượng khác nhau, đặc biệt, cần gắn bó nội
dung tuyên truyền, giáo dục với thực tiễn cuộc sống và những đặc điểm về
truyền thống, tâm lý... của các đối tượng khác nhau để bảo đảm hiệu quả của
công tác này. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng, sự mẫn cán, liêm
chính của những người cán bộ, công chức, tính tiên phong gương mẫu của
người đảng viên, người lãnh đạo...Cuộc vận động này phải được làm thường
xuyên sâu rộng, tránh hình thức “đầu voi đuôi chuột”, tranh khô khan, sáo rỗng
vốn là hình ảnh hiện nay của công tác giáo dục, tuyên truyền
Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch”» trước những tác động
tiêu cực từ bên ngoài xã hội và sự cám dỗ của tiền bạc vật chất cùng lối sống vị
kỷ tầm thường, tạo yếu tố nội sinh, thái độ vững vàng của cán bộ, đảng viên
trước mọi tình huống.

1.3 Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền
Công khai, minh bạch là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm phòng
ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Kinh nghiệm của nhiều nước đã khẳng
định điều này. Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng cũng nhấn mạnh
tính cần thiết của biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động công quyền.
203


Vì vậy, cần phải có những biện pháp cụ thể để thực hiện nguyên tắc công khai,
minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức. Nói một cách khác, cần phải
cơ chế hoá việc công khai, minh bạch, từ việc quy định trách nhiệm và phương
thức công khai đến các biện pháp bảo đảm quyền yêu cầu cung cấp thông tin
của người dân để quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện
trên thực tế.
1.3.1 Thực hiện nguyên tắc mọi hoạt động của cơ quan tổ chức phải
công khai trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước
Để thực hiện nguyên tắc này, cần có cơ quan nhà nước kiểm soát việc
xác định danh mục bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác (những nội dung
không công khai) để tránh sự tuỳ tiện trong việc xác định những nội dung bí
mật, cản trở việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch. Đề nghị giao
Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Công an và Bộ Nội vụ giúp Chính phủ
xem xét danh mục các nội dung bí mật do các cơ quan, tổ chức đề nghị.
- Nội dung đó có thuộc nội dung bắt buộc phải công khai mà luật đã xác
định hay không?
- Nội dung đó có cần thiết phải bí mật hay không?
1.3.2 Ban hành cơ chế công khai, minh bạch và quyền tiếp cận của
công dân đối với thông tin về hoạt động của cơ quan, tổ chức
Đây là biện pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc công khai. Cần cụ thể
hoá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công khai trong
hoạt động của cơ quan, tổ chức mình, quy định các hình thức công khai bắt

buộc hoặc lựa chọn. Nghiên cứu ban hành Luật về quyền tiếp cận thông tin về
hoạt động của cơ quan, tổ chức của công dân như ở nhiều nước trên thế giới đã
có. Trong đó, xác định quyền của người dân được tiếp cận, sao chụp, khảo cứu
các tài liệu thông tin của cơ quan, tổ chức (không nằm trong danh mục bí mật);
trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp hoặc trả lời yêu cầu của
công dân về thông tin liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình;
trách nhiệm kỷ luật đối với cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm nếu vi
phạm...
Công khai, minh bạch là một chủ trương lớn để xây dựng xã hội dân chủ,
nhà nước pháp quyền, đồng thời là một chính sách, biện pháp rất quan trọng để
ngăn chặn tham nhũng. Cốt lõi của một nền dân chủ là sự tham gia tích cực và
có ý nghĩa của người dân vào các quyết định của Chính phủ “Một Chính phủ
của đại chúng mà không có thông tin rộng rãi hoặc không có phương tiện để có
204


được những thông tin đó thì chỉ là đoạn mở đầu của một tấn bi kịch hoặc hài
kịch hay có thể là của cả hai” (James Madison, 1822)
Quyền được thông tin cần được thực hiện theo hai hướng: một là, Nhà
nước có nghĩa vụ chủ động cung cấp thông tin cho người dân và hai là, người
dân có thể tự mình tiếp cận các thông tin hoặc yêu cầu nhà nước cung cấp cho
mình những thông tin mà mình muốn biết. Tuy từ hai hướng khác nhau nhưng
nó đều thể hiện một nguyên tắc nhất quán đó là nhà nước có trách nhiệm cung
cấp thông tin và công dân có quyền chờ đợi hay đòi hỏi thông tin từ phía nhà
nước.
Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đã có nhiều quy định nhằm tăng
cường tính công khai, minh bạch trong các quá trình ra quyết định và thúc đẩy
sự tham gia của công chúng vào quá trình đó.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật nước ta về bảo đảm tính công
khai, minh bạch và thúc đẩy sự tham gia của công chúng vào quá trình ra các

quyết định còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể và tính khả thi chưa cao. Tính công
khai, minh bạch và sự tham gia của công chúng vào quá trình ra các quyết định
chủ yếu mới được thể hiện dưới dạng những quy định chung, khái quát, có tính
chất nguyên tắc, ít có những quy định cụ thể, chi tiết. Nguyên tắc chung là:
công dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và công chức
nhà nước; mọi cơ quan nhà nước và công chức nhà nước chịu sự giám sát của
nhân dân; nhân dân có quyền tham gia ý kiến xây dựng Nhà nước… nhưng
việc cụ thể hoá và biện pháp để thực hiện các quyền này còn bất cập. Vì vậy,
việc thực hiện các yêu cầu này trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn và kết quả
còn hạn chế. Cần phải nghiên cứu để có cơ chế phù hợp hơn, hiệu quả hơn.
Trong một nhà nước dân chủ, một nguyên tắc phổ biến là công dân có
thể làm mọi điều mà pháp luật không cấm. Việc tiếp cận thông tin cũng có thể
áp dụng nguyên tắc này. Cụ thể, công dân được quyền biết mọi thông tin nếu
những thông tin đó không thuộc bí mật nhà nước và việc thực hiện quyền tiếp
cận đó không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Công ước Liên hợp quốc
về chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết và đang trong quá trình chuẩn bị
phê chuẩn đã có những nguyên tắc khá rõ ràng về vấn đề này:
"1. Mỗi quốc gia thành viên của Công ước, trong khả năng có thể và phù
hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp nước mình, áp dụng các biện
pháp thích hợp, nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của các cá nhân và tổ
chức…và nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về sự tồn tại, nguyên nhân
205


và tính chất nghiêm trọng cũng như sự đe doạ của tham nhũng... thông qua các
biện pháp như:
(a) Tăng cường tính minh bạch trong các quá trình ra quyết định, thúc
đẩy đóng góp của công chúng vào các quá trình ra quyết định;
(b) Đảm bảo cho công chúng được tiếp cận thông tin một cách hiệu quả;
(c) Tổ chức các hoạt động thông tin cho công chúng góp phần đấu tranh

không khoan nhượng chống tham nhũng, cũng như các chương trình giáo dục
công chúng, bao gồm cả chương trình giảng dạy trong nhà trường và trường
đại học.
(d) Tôn trọng, tăng cường và bảo vệ sự tự do tìm kiếm, nhận, xuất bản và
tuyên truyền thông tin về tham nhũng. Sự tự do đó có thể cũng có một số giới
hạn nhất định, nhưng những giới hạn đó phải được pháp luật quy định và phải
là cần thiết để:
(i) Tôn trọng quyền và uy tín của người khác;
(ii) Bảo vệ an ninh quốc gia hay trật tự xã hội hay sức khoẻ cộng đồng
hay giá trị đạo đức".
Những điều nêu trên hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Nhà nước
Việt Nam và đã được thể hiện tại các quy định của Luật Phòng, chống tham
nhũng.
Từ nội dung quy định nêu trên, có thể thấy giới hạn của việc thông tin
như cách quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là phù
hợp (là cần thiết để:Tôn trọng quyền và uy tín của người khác;Bảo vệ an ninh
quốc gia hay trật tự xã hội hay sức khoẻ cộng đồng hay giá trị đạo đức). Điều
này cũng rất phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp Việt Nam. Ngoài ra,
một chuẩn mực hạn chế nữa đối với việc tiếp cận thông tin đó là người dân chỉ
có thể tiếp cận hoặc đòi hỏi cung cấp các thông tin chính thức. Trên thực tế
không phải mọi tài liệu của cơ quan nhà nước đều là tài liệu chính thức, chẳng
hạn dự thảo của một quyết định, một văn bản có tính chất chỉ đạo điều hành nội
bộ hoặc các tài liệu tương tự sẽ không phải là tài liệu chính thức và cơ quan nhà
nước không buộc phải cung cấp cho công dân. Về điểm này Luật phòng, chống
tham nhũng cũng đã có quy định “Công khai là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị
công bố, cung cấp thông tin chính thức về văn bản, hoạt động hoặc về nội dung
nhất định” (Điều 2 của Luật). Có thể thấy quy định này là chưa rõ ràng và cần
được cụ thể hoá trong các văn bản hướng dẫn thi hành
Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân có tác dụng to lớn
trong việc bảo đảm sự trong sạch của một nền công vụ, sự liêm chính của đội

206


ngũ cán bộ, công chức nhà nước, là một trong những điều kiện cho sự thành
công của cuộc chiến chống tham nhũng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ III Ban
CHTW Đảng Khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng chỉ rõ cần nghiên cứu ban hành Luật
bảo đảm quyền được thông tin của công dân
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng
về việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị;
đồng thời nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm công khai, minh
bạch quá trình ra quyết định, bao gồm cả quá trình xây dựng chủ trương, chính
sách, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương và
quá trình ra quyết định giải quyết một vụ việc cụ thể của cơ quan nhà nước ở
tất cả các cấp chính quyền.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hoá danh mục bí mật nhà nước theo
hướng mở rộng công khai các tài liệu, văn bản của từng cơ quan, tổ chức, đơn
vị.
- Hoàn thiện và thực hiện đúng các định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi
tiêu, sử dụng ngân sách và tài sản công, như: sử dụng ô tô, điện thoại, chi phí
hội nghị, tiếp khách, nghiên cứu khoa học... ở tất cả các cấp, các ngành; phổ
biến công khai các định mức, tiêu chuẩn, chế độ và kết quả thực hiện để cán bộ,
công chức và nhân dân giám sát.
1.4 Xây dựng và bảo đảm thực hiện qui tắc ứng xử của cán bộ công
chức
Việc thực hiện tốt điều này sẽ là một nội dung hết sức quan trọng để cán
bộ, công chức thực hiện công vụ trong sự liêm chính, khách quan, tránh được
các tác động tiêu cực có thể nảy sinh tham nhũng trong quan hệ công vụ và cả
quan hệ xã hội.
1.4.1 Xây dựng và thực hiện nghiêm chỉnh những điều cán bộ, công

chức không được làm, những điều phải làm và những điều nên làm như là
những chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức trong quan hệ công vụ và
cả trong quan hệ xã hội
Quy định về vấn đề này có trong Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp
lệnh Cán bộ công chức. Vấn đề là phải có cơ chế để bảo đảm thực hiện. Muốn
vậy cần thực hiện tốt thanh tra công vụ. Chính phủ cần ban hành Nghị định về
thanh tra công vụ và triển khai thực hiện tốt công tác này. Các ngành cần
nghiên cứu ban hành qui tác ứng xử đối với cán bộ, công chức trong ngành
207


mình phụ trách phù hợp với đặc điểm hoạt động và lĩnh vực công tác của
ngành, địa phương mình.
Thanh tra công vụ là biện pháp cực kỳ quan trọng để đấu tranh chống tệ
“quan liêu, lãng phí, tham ô”, tệ sách nhiễu cửa quyền đòi hối lộ, vốn là những
biểu hiện cụ thể và rõ nét của tệ tham nhũng. Cần đặc biệt lưu ý để có những
quy định phù hợp về những việc cán bộ, công chức không được làm. Thanh tra
Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện chú trọng thanh tra công vụ, bảo
đảm thanh tra thực sự là lực lượng quan trọng trong việc giám sát hoạt động
công quyền, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước
1.4.2 Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để ngăn ngừa tham
nhũng
Đây là giải pháp mà nhiều nước thực hiện và Luật Phòng, chống tham
nhũng đã quy định về nguyên tắc. Nhà nước cần ban hành danh mục các vị trí
công tác cần thực hiện việc chuyển đổi định kỳ, chủ yếu là các vị trí công tác
liên quan đến quản lý tiền tài sản của nhà nước hoặt trực tiếp giải quyết công
việc của công dân và doanh nghiệp; các nguyên tắc của việc chuyển đổi để bảo
đảm phòng ngừa tham nhũng nhưng không làm ảnh hưởng đến tính ổn định và
chuyên nghiệp của bộ máy, nhất là trong hoạt động quản lý hành chính. Trên
thực tế, việc xác định những vị trí dễ nảy sinh tham nhũng phụ thuộc vào tính

chất và đặc điểm hoạt động từng ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, Chính phủ
có thể chỉ quy định các nguyên tắc chung, còn việc xác định cụ thể được giao
cho Thủ trưởng cơ quan quản lý các ngành, các cấp tiến hành.
Rà soát, sửa đổi và bổ sung quy định những điều đảng viên, cán bộ, công
chức không được làm; công bố công khai để nhân dân giám sát thực hiện.
Chính phủ đã qui định cụ thể về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà
tặng của cán bộ công chức để tránh việc lợi dụng thực hiện hành vi đưa nhận
hối lộ. Tuy nhiên, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để mọi người tự giác
chấp hành, đồng thời tiếp tục nghiên cứu cơ chế giám sát để bảo đảm những
qui định này được thực hiện nghiêm túc
Các bộ, ngành phải khẩn trương ban hành quy tắc ứng xử theo quy định
của Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó cần tập trung quy định rõ các nội
dung sau:
- Quy tắc quan hệ giữa người thực hiện công vụ đối với công dân, tổ
chức, doanh nghiệp là đối tượng quản lý của ngành, lĩnh vực mình;
- Quy tắc quan hệ giữa người lãnh đạo, quản lý với cán bộ cấp dưới và
giữa cán bộ, công chức của cơ quan cấp trên với cán bộ, công chức của cơ quan
208


cấp dưới; cấp trên phải nghiêm túc, gương mẫu trong công việc nhưng phải bảo
đảm dân chủ, cởi mở với cấp dưới; cấp dưới phải phục tùng cấp trên những
phải năng động, chủ động, sáng tạo...Trong quan hệ đồng nghiệp phải đoàn kết,
thân ái, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, công vụ.
- Quy tắc ứng xử trong việc cưới, việc tang, tân gia, sinh nhật;
- Quy tắc ứng xử về bằng cấp, học hàm, học vị, về danh hiệu thi đua,
khen thưởng... theo hướng đề cao, tôn trọng những cá nhân, đơn vị thực sự có
thành tích, cống hiến, tài năng; ngăn chặn tệ “chạy bằng cấp, chạy danh hiệu”.
- Nghĩa vụ công chức phải khước từ các ưu ái quá mức đối với bản thân
và gia đình từ các tổ chức, cá nhân là đối tượng quản lý, như: mời đi tham

quan, du lịch, tặng cổ phiếu, tài trợ cho việc học tập, chữa bệnh...
Các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử phù hợp với
đặc thù cơ quan, đơn vị mình, nhất là những cơ quan, đơn vị có quan hệ trực
tiếp với người dân và doanh nghiệp, hình thành văn hóa cơ quan, tổ chức, công
ty, nhất là các công ty nhà nước.
1.5 Tăng cường minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức,
đề cao tính tự giác và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là những
người có chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, nhà nước,
tổ chức chính trị xã hội
Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức luôn là biện pháp
phòng ngừa có hiệu quả và được áp dụng ở nhiều nước. Việt Nam cũng đã áp
dụng biện pháp này từ năm 1998 nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn do
việc kê khai còn mang tính hình thức. Luật Phòng, chống tham nhũng đã có
quy định chi tiết về vấn đề này. Tuy nhiên, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi
tiết hơn để việc kê khai có tác dụng thiết thực trong việc kiểm soát tài sản, thu
nhập nhằm phòng ngừa tham nhũng; tập trung vào những nội dung chủ yếu sau
đây:
- Bảo đảm việc kê khai tài sản chính xác, trung thực; xác định rõ đối
tượng phải kê khai tài sản; loại tài sản phải kê khai và trình tự thủ tục kê khai;
- Bảo đảm thực hiện việc xác minh tính trung thực của việc kê khai tài
sản khi cần thiết;
- Bảo đảm việc công khai đúng lúc, đúng chỗ về tính trung thực của việc
kê khai tài sản của người kê khai giúp cho việc đấu tranh phòng, chống tham
nhũng.

209


Cần nghiên cứu quy định để đấu tranh với hành vi làm giàu bất chính.
Đây là định hướng mà trong các Nghị quyết của Đảng đã hết sức lưu ý và ngay

trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng có nêu vấn đề này.
Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức và xác
minh tính trung thực, minh bạch trong việc kê khai tài sản theo quy định của
Luật Phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hết sức phức tạp,
cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng trong quá trình nghiên cứu để đưa ra các quy
định cũng như trong việc tổ chức thực hiện. Việc minh bạch hoá tài sản của cán
bộ, công chức là một việc làm cần thiết nhưng cũng phải bảo đảm cân đối với
việc tôn trọng quyền công dân, quyền bí mật về đời tư của mỗi người về vấn đề
tài sản. Cần có quan điểm lịch sử và lộ trình thực hiện việc kiểm soát tài sản,
thu nhập của cán bộ, công chức cùng với quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý
kinh tế xã hội, đổi mới phương thức thanh toán và áp dụng khoa học công
nghệ.
Nghiên cứu để từng bước kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ, công
chức, nhất là những biến động lớn về tài sản và yêu cầu cán bộ, công chức thực
hiện việc giải trình về sự gia tăng của tài sản; trường hợp không giải trình được
một cách hợp lý thì tuỳ từng trường hợp mà có biện pháp xử lý thích đáng đối
với tài sản đó và người có tài sản không giải trình được một cách hợp lý. Về
vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 đã chỉ rõ: “Trong Đảng xây
dựng và thực hiện cơ chế đảng viên là cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài
sản theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng phải công khai trong chi
bộ bản kê khai, là cấp uỷ viên thì còn phải công khai trong cấp uỷ ; phải giải
trình nguồn gốc tài sản của mình theo yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm
quyền ; trong trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý thì
bị xem xét về kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể. Tiến tới tất cả đảng viên là
cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản, công bố trong chi bộ, cấp uỷ và
giải trình nguồn gốc khi có yêu cầu”. Sớm có quy định xử lý đối với tài sản
không được giải trình hợp lý theo hướng phải kê khai, nộp thuế thu nhập, phạt
tiền. Đây có thể coi là những định hướng hết sức quan trọng cho quá trình thực
hiện minh bạch hoá tài sản của cán bộ, công chức. Sự minh bạch về tài sản của
cán bộ, công chức là một phần quan trọng thể hiện sự trong sạch, đáng tin cậy

của bộ máy nhà nước trước nhân dân.
Trong vấn đề này, cần đề cao tính tự giác và gương mẫu của những
người giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính
trị. Vì vậy, có thể nghiên cứu, xây dựng quy định người đứng đầu các tổ chức
210


đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội tự công bố tài sản và cam kết
về sự trong sạch của mình. Trước mắt, nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để
các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, người đứng đầu Bộ ngành ở
Trung ương, Bí thư và Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung
ương gương mẫu thực hiện chủ trương này và tạo khí thế mới cho công tác
phòng, chống tham nhũng và để cho tất cả cán bộ, lãnh đạo quản lý noi theo.
1.6 Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng
trong cơ quan, tổ chức hoặc ngành lĩnh vực, địa phương mà mình phụ
trách
Để đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, cần phải có biện pháp đề
cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đây là vấn đề rất phức
tạp nhưng dứt khoát phải có quy định để có căn cứ xử lý trách nhiệm. Mặc dù
Luật đã quy định nhưng cần ban hành Nghị định riêng về vấn đề này, trong đó
xác định trách nhiệm chung của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của
cấp phó và người phụ trách các đơn vị, bộ phận khi để xảy ra tham nhũng; cần
quy định nhiều loại với các mức độ trách nhiệm khác nhau: trách nhiệm trực
tiếp; trách nhiệm gián tiếp; trách nhiệm liên đới; xuất phát từ các nguyên nhân
do yếu kém về năng lực quản lý, do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
hoặc do bao che cho hành vi tham nhũng để có mức kỷ luật thích đáng. Vừa
qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý
trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Tuy nhiên, nội dung
của Nghị định này còn chưa thật sự cụ thể, cần phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể

hoá để có cơ sở thực hiện trong thực tế.
Nghiên cứu để bổ sung quy định về Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ
chức Chính phủ... về việc từ chức nếu để xảy ra tham nhũng đối với các chức
danh lãnh đạo và “khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm”
1.7 Cải cách chế độ tiền lương nhằm phòng ngừa tham nhũng
Mặc dù không phải đối tượng tham nhũng nào cũng vì lý do đời sống
khó khăn nhưng rõ ràng lương thấp, đời sống không bảo đảm cũng là một trong
những nguyên nhân khiến cho tình trạng tham nhũng trở nên tràn lan và có cơ
sở tồn tại. Chính vì vậy, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải cách
chế độ tiền lương đến 2007, tiếp tục xây dựng lộ trình cải cách tiền lương trong
những năm tiếp theo theo hướng có mức cải thiện cao hơn thu nhập cho cán bộ,
công chức. Thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí về việc giao khoán kinh phí hoạt động và giao quyền tự chủ về
211


tài chính cho tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp có đủ điều kiện.
Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, tạo ra động lực mạnh mẽ để mọi
người tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hiện tốt chủ
trương này sẽ tạo điều kiện để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
Quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 450.000 đồng là một cố gắng
lớn của nhà nước sẽ góp phần bảo đảm ổn định đời sống mà “không cần tham
nhũng”.
Cùng với vấn đề tiền lương, cần tính đến một vấn đề khác nữa liên quan
đến việc đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức đó là vấn đề chỗ ở. Mặc dù
nhất định không thể quay lại thời kỳ bao cấp về nhà ở nhưng rõ ràng, chỗ ở
luôn là vấn đề lớn nhất đối với cán bộ, công chức và với mức lương như hiện
nay, rất khó nói đến chuyện họ có thể tự lo được nơi ăn, chốn ở cho mình nếu
Nhà nước không có chính sách thoả đáng. Chính sách ở đây có thể là việc tạo
điều kiện cho họ có thể mua được nhà riêng thông qua các hình thức ưu đãi

(cho vay lãi suất thấp, mua nhà trả dần…) hoặc tạo ra các khu nhà công vụ để
giải quyết khó khăn cho những người chưa thể có chỗ ở riêng. Tất nhiên, cần
thực hiện tốt chế độ quản lý nhà công vụ để tránh bị “tư nhân” hoá vốn là tình
trạng phổ biến, đáng lo ngại như hiện nay. Một số vụ việc mà báo chí nêu lên
trong thời gian vừa qua cho thấy đây chính là nơi xảy ra việc lợi dụng chức
quyền để tham nhũng với số lượng và giá trị tài sản cực kỳ lớn, gây bất bình
trong nhân dân.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, cơ cấu lại chi ngân sách
cho khu vực này để có điều kiện nâng mức chi ngân sách cho việc trả lương ở
khu vực hành chính; xúc tiến xây dựng cơ chế tiền lương riêng cho công chức
hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết chống nhũng
nhiễu trong việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu như khám, chữa bệnh,
giáo dục và đào tạo. Tiếp tục tăng quyền chủ động về nhân sự và tài chính cho
các bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu đi đôi với thực hiện nghiêm túc quy
chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để các đơn vị này chủ động nâng cao thu
nhập cho đội ngũ công chức, viên chức. Trên cơ sở bảo đảm cung cấp các dịch
vụ thiết yếu cho mọi công dân, nhất là các đối tượng chính sách và người
nghèo, các đơn vị cung cấp dịch vụ công được phép thu công khai các khoản
phí dịch vụ tương xứng với chất lượng dịch vụ được người thụ hưởng chấp
nhận. Cần phải có sự thay đổi lớn về mặt nhận thức để tạo điều kiện đẩy nhanh
việc hiện thức hoá chính sách mới trong việc xã hội hoá một số lĩnh vực. Các
giải pháp phòng, chống tham nhũng phải đặt trong bối cảnh chung của quá
212


trình đổi mới và phải có các giải pháp “đi cùng với thị trường”, phản ánh đúng
thực tiễn sôi động của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tình trạng
“chạy trường”, quà cáp khi thực hiện các dịch vụ công đang là hiện tượng nhức
nhối và không dễ gì chấm dứt nếu chúng ta không công khai thừa nhận và thực
hiện một cơ chế mới, trong đó cho phép các cơ sở dịch vụ công có thể thu các

khoản phí dịch vụ tương xứng với chất lượng dịch vụ mà người thụ hưởng chấp
nhận. Làm như vậy sẽ góp phần giải quyết được một nhu cầu hết sức chính
đáng của xã hội về các dịch vụ chất lượng cao, đồng thời, cũng khuyến khích
các cơ sở dịch vụ công đề cao trách nhiệm, nâng cao “thương hiệu” của mình
và nhất là những người thực sự có tài năng và tận tụy có thể nhận một mức
lương xứng đáng một cách công khai, đàng hoàng.
Tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc
cho cán bộ, công chức các ngành Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Công an,
Kiểm sát, Tòa án và một số ngành dễ phát sinh tham nhũng nhằm bảo đảm
“dưỡng liêm” gắn với việc tăng cường chế độ trách nhiệm trong việc thực thi
công vụ và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm.
Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế trả lương và mọi khoản thu
nhập khác của cán bộ, công chức qua tài khoản mở tại ngân hàng, kho bạc,
trước hết là ở những nơi có điều kiện, nhất là ở khu vực đô thị. Trước mắt
khuyến khích, tiến tới bắt buộc mọi cán bộ, công chức phải chuyển các khoản
tiền tích luỹ được vào tài khoản. Quy định hạn mức tối thiểu bắt buộc phải
thanh toán qua tài khoản khi cán bộ, công chức mua bán hàng hóa và dịch vụ,
trước mắt áp dụng ngay với các giao dịch có giá trị lớn như mua bán nhà đất, ô
tô… Quy định hạn mức tối đa tiền mặt được rút hàng tháng từ tài khoản riêng
của cán bộ, công chức.
Chiến lược cải cách chế độ tiền lương cần được xác định theo các
nguyên tắc nhất định để bảo đảm cán bộ, công chức có mức sống trung bình,
không bị câu thúc bởi cuộc sống dẫn đến tham nhũng. Bản thân cán bộ, công
chức cũng cần có nhận thức đúng đắn về chế độ lương, không nên và không thể
đòi hỏi và so sánh với những người hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh
doanh hoặc các hoạt động khác trong khu vực tư nhân có thu nhập cao.
Cải cách tiền lương không chỉ là vấn đề tăng lương mà phải chú ý một
số điểm sau đây:
- Tăng quĩ tiêu dùng trong cơ cấu ngân sách hiện nay một cách phù hợp;
- Chú trọng tăng lương đối với những người lương thấp;

213


- Cố gắng tiền tệ hoá các khoản có thể đưa vào lương (lương và các
khoản thu nhập hợp lý hiện nay) để làm sao về cơ bản thu nhập của cán bộ
công chức chủ yếu là lương;
1.8 Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ của
các cơ quan nhà nước và các cán bộ công chức nhà nước
Toàn bộ các biện pháp nêu trên muốn được thực hiện nghiêm chỉnh cần
có một sự kiểm soát thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Vì vậy, việc tăng
cường các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động công vụ là rất quan trọng.
- Cần tạo ra có chế để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát của các cơ
quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp).
- Cần thực hiện tốt thanh tra công vụ để tăng cường kiểm soát hoạt động
thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức. Nghiên cứu sửa đổi Luật
thanh tra theo hướng Thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện chú
trọng thanh tra công vụ, trong đó trao thêm quyền hạn cho các tổ chức thanh tra
trong việc xử lý các cán bộ, công chức vi phạm trong hoạt động công vụ của
mình, bảo đảm giám sát hoạt động công quyền, góp phần làm trong sạch bộ máy
nhà nước. Theo định hướng này, cần nghiên cứu để kết hợp công tác thanh tra
của nhà nước với hoạt động kiểm tra đảng, nhất là trong việc xử lý kỷ luật cán
bộ, công chức một cách thuận tiện, nhanh chóng và có hiệu quả.
II. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội
nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng
Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và vấn đề hết sức quan trọng để
phòng ngừa tham nhũng. Đây chính là điều mà chiến lược phòng, chống tham
nhũng của các nước gọi là “không thể tham nhũng”. Xét cho cùng, vấn đề hoàn
thiện cơ chế chính sách là yếu tố quan trọng nhất, cơ bản nhất trong các giải
pháp phòng ngừa tham nhũng
Tổ chức thực hiện tốt các chủ trương đã có về việc chuyển đổi cơ chế

quản lý kinh tế, xã hội, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số chủ
trương mới nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo tiền đề vững chắc cho việc
phòng ngừa tham nhũng.
2.1 Về quản lý và sử dụng đất đai
Có thể thấy, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vừa có tính phổ biến vừa
có quy mô lớn. Những vụ việc tham nhũng bị phát hiện và xử lý trong thời gian
qua đã chứng tỏ điều này. Tình trạng chia chác nhau một cách có tổ chức, có
214


tính hệ thống, cán bộ “ăn đất” đang là nỗi bức xúc lớn của người dân và mối
quan tâm lo lắng của Đảng và Nhà nước. Kinh doanh nhà đất đang mang lại
siêu lợi nhuận nên cũng là nơi diễn ra tình trạng đưa, nhận hối lộ ghê gớm nhất.
Quan chức vì lợi ích riêng tìm cách làm sai hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật
để tiếp tay cho những kẻ kinh doanh bất hợp pháp, làm giàu bất chính. Vì vậy,
chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai luôn phải được đặt lên hàng đầu. Yếu
tố quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá
trình quản lý và sử dụng đất. Cần phải công khai, minh bạch và lấy ý kiến rộng
rãi các cơ quan, tổ chức và người dân trong việc xây dựng quy hoạch sử dụng
đất; nhanh chóng quy hoạch chi tiết việc sử dụng đất đai và công khai kết quả
quy hoạch; nghiêm cấm việc tùy tiện sửa đổi quy hoạch. Thường xuyên rà soát,
đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất, kiên quyết thu hồi đất trong những trường
hợp sử dụng kém hiệu quả, lãng phí.
Đối với quỹ đất dành cho các dự án kinh doanh hạ tầng đô thị, trung tâm
thương mại, nhà ở và tất cả các cơ sở dịch vụ có vị trí kinh doanh thuận lợi,
nhất là dọc các trục đường giao thông, nhất thiết phải thực hiện cơ chế đấu thầu
công khai quyền sử dụng đất nhằm tăng thu cho ngân sách và chống lãng phí,
tham nhũng.
Các cơ quan, đơn vị có dự án sử dụng đất ở và xây nhà chung cư có
nghĩa vụ niêm yết công khai danh sách những người được mua nhằm ngăn

chặn những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua bán đất ở, nhà ở hưởng
chênh lệch giá; nghiêm cấm việc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà công vụ.
2.2 Công tác quản lý đầu tư xây dựng và hoạt động mua sắm công
Trong vấn đề này, trước hết cần thực hiện nghiêm túc Luật Đấu thầu và
Luật Xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch.
Chấn chỉnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, quyết định đầu tư
và thực hiện dự án theo tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng, đặc
biệt chú ý tới các dự án sử dụng vốn ODA. Hạn chế các dự án sử dụng vốn vay
ODA có ràng buộc điều kiện mua hàng hóa, dịch vụ của bên tài trợ.
Thực hiện cơ chế dân chủ trong phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư
theo hướng: các dự án đầu tư quan trọng trước khi được phê duyệt chủ trương
phải công bố công khai để tham khảo ý kiến cộng đồng; HĐND quyết định
những dự án đầu tư quan trọng thuộc ngân sách địa phương.
Trước mắt, trong những lĩnh vực đã có đủ điều kiện cạnh tranh, không
cho phép các công ty tư vấn, thiết kế, giám sát, công ty xây lắp đang chịu sự
quản lý của một bộ hoặc UBND cùng thực hiện một dự án đầu tư nhằm chống
215


khép kín trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời đẩy mạnh thực hiện
cổ phần hóa các doanh nghiệp nói trên nhằm tạo sự cạnh tranh thực sự trong
các lĩnh vực này.
Cần nghiên cứu và xây dựng qui chế về hoạt động của các ban quản lý
dự án đầu tư xây dựng, bố trí đủ cán bộ có phẩm chất, năng lực quản lý và tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Lành mạnh hoá hoạt động mua sắm trong khu vực công theo hướng phải
bảo đảm công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ
các hợp đồng mua sắm trong các cơ quan, tổ chức. Thực hiện thí điểm mô hình
mua sắm công tập trung, nhất là đối với các loại hàng hóa, dịch vụ có giá trị lớn
và nhu cầu sử dụng mang tính phổ biến.

Trung tâm dịch vụ mua sắm công (TTDVMSC) là nơi cung cấp các dịch
vụ mua sắm các loại hàng hoá và dịch vụ có sử dụng ngân sách nhà nước cho
các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy nhà nước.
Mục đích chính của việc mua sắm công tập trung là để tiết kiệm chi tiêu,
nâng cao hiệu quả đầu tư bằng ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng hàng
hoá và dịch vụ, giảm thiểu rủi ro về tham nhũng và góp phần thúc đẩy sản xuất
hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp.
Mua sắm công tập trung (MSCTT) là mô hình không còn mới và xa lạ
trên thế giới. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Na-uy, Anh quốc, Hàn Quốc và một số
quốc gia khác đã thực hiện mua sắm công tập trung từ nhiều năm nay, đều rất
hiệu quả, đạt được các mục đích đề ra, khẳng định vai trò không thể thiếu của
các trung tâm này và trở thành điều kiện bắt buộc trong hoạt động mua sắm
công. Điều kiện để áp dụng mô hình mày là ở những quốc gia có cơ sở hạ tầng
viễn thông tốt để áp dụng công nghệ thông tin.
Những lợi ích từ việc mua sắm công tập trung:
- Hàng hoá và dịch vụ công được mua theo giá bán buôn, thay vì mua
theo giá bán lẻ như hiện nay.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì việc mua sắm công tập
trung có thể tiết kiệm từ 25 đến 55% chi phí cho ngân sách do mua được hàng
hoá và dịch vụ theo giá bán buôn.
- Nếu lấy mức tổng chi ngân sách nhà nước năm 2005 là 630 ngàn tỷ,
trong đó chi tiêu thường xuyên không kể lương là 95,7 ngàn tỷ (khoảng 15%
tổng chi ngân sách), chủ yếu dành cho mua sắm hàng hoá và dịch vụ công. Chỉ
cần 20% đến 50% tổng mức chi đó sử dụng để mua tập trung (từ 19 ngàn tỷ
đến 80 ngàn tỷ), hiệu quả tiết kiệm ở mức khiêm tốn là 20%, thì tổng số tiền
216


×