Từ 1/7/2010, thực hiện phụ cấp thâm niên cho giáo viên
Theo Kinh tế đô thị - 19/12/2009
KTĐT - Nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo gắn bó với nghề, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm và dành
tâm huyết hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung điều 81 qui định nhà giáo được hưởng chế
độ phụ cấp thâm niên.
Thẩm quyền thành lập trường Đại học vẫn thuộc Thủ tướng, Bộ trưởng GD - ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng
sách giáo khoa, giáo viên sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên… là những nội dung của Luật Giáo dục sửa đổi, có hiệu
lực từ 1/7/2010.
Tại buổi công bố Luật Giáo dục sửa đổi (sáng 18/12) lãnh đạo Bộ GD - ĐT cho biết, chế độ phụ cấp
thâm niên đối với giáo viên được bắt đầu thực hiện từ năm 1988, nhưng đến tháng 11/1995, chế độ
này được bãi bỏ, thay thế bằng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Phụ cấp đứng lớp chỉ thực hiện đối với những người trực tiếp giảng dạy nên dẫn tới thực trạng một số
giáo viên giỏi không muốn về làm công tác quản lí tại các cơ quan quản lí giáo dục vì sẽ bị thiệt thòi.
Nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo gắn bó với nghề, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm và dành tâm huyết hơn
nữa cho sự nghiệp giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung điều 81 qui định nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, Luật sửa đổi qui định, Bộ trưởng GD - ĐT ban hành
chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn
định, thống nhất… Bộ trưởng GD - ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ
thông và sách giáo khoa.
Về đào tạo Tiến sĩ, Luật sửa đổi qui định, có thể được rút ngắn trong trường hợp đặc biệt và giao Bộ
trưởng Bộ GD - ĐT qui định cụ thể các trường hợp được kéo dài hoặc rút ngắn thời gian đào tạo.
Luật cũng qui định cụ thể về điều kiện thành lập trường và điều kiện để được cấp phép hoạt động
giáo dục. Thẩm quyền thành lập trường Đại học thuộc về Thủ tướng, trong khi Bộ trưởng GD - ĐT
có thẩm quyền cho phép hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, Phạm Ngũ Luận cho biết, tới đây, Bộ sẽ
cùng các cơ quan chức năng tổng kết về những mặt được, mặt còn hạn chế của việc thành lập Hội
đồng thẩm định thành lập trường (gồm đại diện của nhiều bộ).
Về việc có thành lập một Hội đồng độc lập hay không sẽ được tính toán, nhưng theo ông Luận, nếu
có một hội đồng như vậy, vấn đề đặt ra là có liệu có đủ việc để làm. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ GD -
ĐT khẳng định, khâu thẩm định dứt khoát phải được củng cố và những trường hợp tư vấn thành lập
trường sai, sẽ phải xử lí.
Cũng trong ngày 18/12, luật Thuế Tài nguyên và luật Dân quân tự vệ đã được công bố. Theo Thứ
trưởng Bộ Tài chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn, luật Thuế Tài nguyên được xây dựng trên cơ sở mục tiêu
hạn chế sử dụng tài nguyên không tái tạo được, thúc đẩy sử dụng tài nguyên tái tạo được.
Cụ thể, luật đã nâng mức thuế sàn của các loại tài nguyên thuộc nhóm khoảng sản kim loại và một số
tài nguyên quí kiếm khác. Luật qui định khung thuế suất và giao UB Thường vụ Quốc hội qui định
mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên…
Luật Dân quân tự vệ qui định, công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi
đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Tổ chức đơn vị dân quân tự vệ nhỏ nhất là tổ và
lớn nhất là tiểu đoàn, hải đoàn…
Cả 3 luật trên đây đều có hiệu lực từ 1/7/2010.
Nhà giáo sẽ có phụ cấp thâm niên
TT - Theo dự thảo lần 2 nghị định của Chính phủ do Bộ GD-ĐT cung cấp, nhà giáo đang giảng dạy
trong các cơ sở giáo dục công lập, làm quản lý giáo dục và nhà giáo có quyết định nghỉ hưu sau ngày
31-3-1993 sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo đó, nhà giáo giảng dạy và làm quản lý ở các cơ sở giáo dục từ năm năm trở lên được hưởng phụ
cấp tính bằng 5%, từ năm công tác thứ 6 trở lên, mỗi năm được tính 1%.
Với nhà giáo đã nghỉ hưu ở thời điểm trên sẽ được hưởng mức phụ cấp thâm niên cá nhân thời điểm
đó.
Nhà giáo công tác 5 năm trở lên được
hưởng phụ cấp thâm niên
(Dân trí)- Chính phủ vừa thông báo Dự thảo lần 2 Nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo đó,
nhà giáo có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập đủ 5 năm trở lên được tính
hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo dự thảo Nghị định, đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên là các nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng
dạy, giáo dục ở nhà trường và các cơ sở giáo dục công lập khác đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số
204/2004/NĐ-CP ngày 14/1/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực
lượng vũ trang. Nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục tại phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ ở các cơ sở giáo dục
công lập và làm công tác quản lý, tham mưu, chỉ đạo về giáo dục, dạy nghề ở cơ quan trung ương và địa phương. Nhà
giáo đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sau ngày 31/3/1993.
Những nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên phải có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở
giáo dục công lập đủ 5 năm (60 tháng liên tục hoặc gián đoạn) trở lên được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Thời gian tính hưởng là thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và thời gian làm
công tác quản lý giáo dục tại phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ ở các cơ sở giáo dục công lập, làm công tác quản lý về
giáo dục, dạy nghề ở cơ quan trung ương, địa phương;
Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được tính như thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
Thời gian không tính hưởng là thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; Thời gian nghỉ việc
riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định
của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác
điều tra, truy tố, xét xử.
Mức phụ cấp thâm niên được tính hưởng bằng 5%, từ năm thứ sáu trở đi (đủ 12 tháng) mỗi năm được tính thêm 1%.
Những nhà giáo đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sau ngày 31 tháng 3 năm 1993 được tính hưởng phụ cấp thâm niên
theo mức phụ cấp thâm niên của cá nhân tại thời điểm ngày 31/3/1993.
Nguồn kinh phí cho phụ cấp thâm niên này, đối với cơ sở giáo dục công lập được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của
đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với cơ quan hành chính và cơ quan bảo hiểm xã hội: Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân
sách nhà nước cấp.
Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2010.