ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN THỊ HỒNG CHUYÊN
CÁC CHU TỐ CỦA ĐỘNG TỪ TIẾNG VIỆT
(TRÊN CỨ LIỆU TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC NGUYỄN CÔNG HOAN)
LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HOÁ VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM
THÁI NGUYÊN, NĂM 2018
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN THỊ HỒNG CHUYÊN
CÁC CHU TỐ CỦA ĐỘNG TỪ TIẾNG VIỆT
(TRÊN CỨ LIỆU TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC NGUYỄN CÔNG HOAN)
Ngành: Ngôn ngữ Việt Nam
Mã ngành: 8 22 01 02
LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ, VĂN HOÁ VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS NGUYỄN VĂN LỘC
THÁI NGUYÊN, NĂM 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì một
công trình nào khác.
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Hồng Chuyên
i
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, ngoài sự cố gắng của bản thân, tôi còn nhận
được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ các thầy cô, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. TS Nguyễn Văn Lộc,
người thầy đã tận tình giúp đỡ tôi nghiên cứu và hoàn thành luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu và Phòng đào tạo Sau đại học, các
thầy cô giáo trong Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên,
các thầy cô giáo trong Viện Ngôn ngữ, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam
đã nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong quá trình học tập.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu Trường THPT Phụ Dực - Thái
Bình, các bạn bè, đồng nghiệp, và những người thân trong gia đình đã tạo mọi điều
kiện thuận lợi giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Thái Nguyên, tháng 04 năm 2018
Tác giả
Nguyễn Thị Hồng Chuyên
ii
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ................................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ...................................................................................................... ii
MỤC LỤC ..........................................................................................................iii
DANH MỤC CÁC BẢNG ................................................................................. iv
MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1
1. Lí do chọn đề tài .............................................................................................. 1
2. Mục đích nghiên cứu ....................................................................................... 1
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................... 2
4. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................. 2
5. Đóng góp của đề tài ......................................................................................... 2
6. Cấu trúc của luận văn ...................................................................................... 2
Chương 1. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ
SỞ LÍ LUẬN, THỰC TIỄN.............................................................................. 3
1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu .............................................................. 3
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về chu tố của động từ trong tiếng Việt ................. 3
1.1.2. Các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ trong “Truyện ngắn chọn
lọc Nguyễn Công Hoan”...................................................................................... 8
1.2. Cơ sở lí luận và thực tiễn ............................................................................ 12
1.2.1. Vài nét về lí thuyết kết trị ........................................................................ 12
1.2.2. Khái niệm diễn tố, chu tố ........................................................................ 18
1.2.3. Những đặc điểm cơ bản của chu tố ......................................................... 20
1.2.4. Mối quan hệ (sự tương ứng) giữa chu tố với trạng ngữ và vai nghĩa ..... 23
1.2.5. Các kiểu chu tố ........................................................................................ 25
1.2.6. Vài nét về Nguyễn Công Hoan và Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn
Công Hoan ......................................................................................................... 26
1.3. Tiểu kết Chương 1 ........................................................................................ 28
iii
Chương 2. CHU TỐ CỦA ĐỘNG TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN
CHỌN LỌC NGUYỄN CÔNG HOAN XÉT VỀ MẶT NGỮ PHÁP......... 29
2.1. Kết quả khảo sát ......................................................................................... 29
2.1.1. Về số lượng .............................................................................................. 29
2.1.2. Về kiểu loại .............................................................................................. 32
2.2. Chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan
xét về mặt cách biểu hiện .................................................................................. 33
2.2.1. Chu tố được biểu hiện bằng thể từ (danh từ, cụm danh từ, đại từ) ......... 33
2.2.2. Chu tố được biểu hiện bằng vị từ, cụm vị từ ........................................... 35
2.3. Chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan
xét về mặt phương thức kết hợp ........................................................................ 37
2.3.1. Chu tố kết hợp gián tiếp với vị ngữ hoặc vị từ ........................................ 37
2.3.2. Chu tố kết hợp trực tiếp với vị ngữ hoặc vị từ ........................................ 41
2.4. Chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan
xét về mặt vị trí .................................................................................................. 41
2.4.1. Các vị trí mà chu tố chiếm giữ trong câu ................................................ 41
2.4.2. Khả năng cải biến vị trí của các chu tố trong câu.................................... 48
2.5. Tiểu kết Chương 2 ...................................................................................... 53
Chương 3. CHU TỐ CỦA ĐỘNG TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN
CHỌN LỌC NGUYỄN CÔNG HOAN XÉT VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
VÀ NGỮ DỤNG............................................................................................... 54
3.1. Chu tố của động từ xét về mặt ngữ nghĩa ................................................... 54
3.1.1. Vai trò ngữ nghĩa của chu tố trong câu ................................................... 54
3.1.2. Các kiểu chu tố của động từ xét về mặt ngữ nghĩa ................................. 56
3.2. Chu tố của động từ xét về mặt ngữ dụng .................................................... 73
3.2.1. Dẫn nhập .................................................................................................. 73
3.2.2. Vai trò của chu tố trong việc tham gia tạo lập cấu trúc đề thuyết của câu .... 74
3.2.3. Chu tố trong vai trò tạo lập cấu trúc thông tin của câu ........................... 82
3.3. Tiểu kết Chương 3 ...................................................................................... 85
KẾT LUẬN....................................................................................................... 86
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN........88
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................... 89
iv
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1: Số câu có chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn
Công Hoan ............................................................................................... 30
Bảng 2.2: Số lượng chu tố của động từ trong 1510 câu ở Truyện ngắn chọn lọc
Nguyễn Công Hoan .................................................................................. 31
Bảng 2.3: Các kiểu loại chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc
Nguyễn Công Hoan xét về mặt ngữ pháp ................................................ 32
Bảng 3.1: Các kiểu loại chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc
Nguyễn Công Hoan xét về mặt ngữ nghĩa ............................................... 57
iv
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Người Việt Nam chúng ta ai cũng biết đến câu “Phong ba bão táp không bằng
ngữ pháp Việt Nam”. Quả đúng như vậy, câu ví thể hiện sự phong phú và phức tạp
của ngữ pháp tiếng Việt. Khi phân tích câu tiếng Việt, ngoài thành phần thuộc nòng
cốt (chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ) ta thấy còn xuất hiện các thành phần khác với cấu tạo,
chức năng và các kiểu ý nghĩa khác nhau. Chu tố của động từ (về cơ bản, tương ứng
với cả trạng ngữ của câu lẫn trạng ngữ hay trạng tố của động từ theo quan niệm
truyền thống) là thành tố cú pháp phổ biến trong câu, có vai trò ngữ pháp và ngữ
nghĩa quan trọng đối với tổ chức của câu.
Việc nghiên cứu về chu tố hay thành tố phụ tự do của động từ (với các tên
gọi khác nhau trong ngữ pháp học truyền thống) mặc dù được đề cập đến trong một
số công trình nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt nhưng đến nay, chúng tôi thấy có
rất ít công trình khảo sát có hệ thống và chuyên sâu về chu tố của động từ theo lí
thuyết kết trị trong một tác phẩm của một nhà văn cụ thể. Theo chúng tôi, việc
nghiên cứu theo hướng này có ý nghĩa cả về lí luận lẫn thực tiễn.
Về lí luận, kết quả nghiên cứu về đề tài này sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm đặc
điểm cú pháp của chu tố nói chung, chu tố của động từ nói riêng với tư cách là thành
tố cú pháp phụ thuộc thể hiện kết trị tự do của vị từ với những biến thể phong phú, đa
dạng khi nó xuất hiện trong câu văn gắn với cách dùng của một tác giả cụ thể.
Về thực tiễn, kết quả nghiên cứu theo hướng này sẽ cung cấp thêm những tư liệu
cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu và dạy học Ngữ văn Việt Nam trong nhà trường.
Với những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài: Các chu tố của động từ
tiếng Việt (Trên cứ liệu Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan) để nghiên cứu.
2. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở sự khảo sát, thống kê, phân loại các chu tố của động từ được sử
dụng trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan, luận văn phân tích làm rõ đặc
điểm về các mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng của chu tố với tư cách là thành tố
phụ tự do của động từ; qua đó, góp phần làm sáng tỏ thêm một số khía cạnh lí thuyết
kết trị và lí thuyết ngữ pháp chức năng liên quan đến chu tố hay thành phần phụ tự do
của vị từ nói chung trong lời nói sinh động; đồng thời, cung cấp một tài liệu cần thiết
phục vụ cho việc nghiên cứu và dạy học Ngữ văn Việt Nam.
1
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các chu tố của động từ trong tiếng Việt
được sử dụng trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan.
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là đặc điểm của các chu tố của động từ
xuất hiện trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan (NXB Văn học, 2013)
về các mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa, và ngữ dụng.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp miêu tả với
các thủ pháp: thống kê, phân loại, phân tích, tổng hợp.
Ngoài ra, để làm nổi bật các khía cạnh ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng của các
chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan, luận văn còn sử
dụng các thủ pháp: lược bỏ, bổ sung, thay thế, cải biến cho phù hợp với đặc điểm
không biến hình của tiếng Việt.
5. Đóng góp của đề tài
Về lí luận: Với đề tài Các chu tố của động từ tiếng Việt (Trên cứ liệu
Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan), luận văn đã làm rõ các biểu hiện phong
phú và đa dạng về hình thức ngữ pháp, về vai trò ngữ nghĩa và ngữ dụng của các chu
tố của động từ trong lời nói sinh động gắn với cách dùng của một tác giả cụ thể có uy
tín về sử dụng ngôn ngữ. Qua đó, luận văn cũng góp phần làm sáng tỏ thêm một số
quan điểm lí thuyết mới về thành phần chu tố hay về trạng ngữ (với tư cách là thành
phần phụ mở rộng tự do cho vị ngữ hay vị từ chứ không phải là thành phần phụ có
quan hệ cú pháp với cả cụm chủ vị như quan niệm truyền thống).
Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được sử dụng làm tài
liệu tham khảo trong nghiên cứu và dạy học Ngữ văn Việt Nam trong nhà trường.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu và cơ sở lí luận, thực tiễn
Chương 2. Chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan
xét về mặt ngữ pháp
Chương 3. Chu tố của động từ trong Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Công Hoan
xét về mặt ngữ nghĩa và ngữ dụng.
2
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ
CƠ SỞ LÍ LUẬN, THỰC TIỄN
1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về chu tố của động từ trong tiếng Việt
Chu tố của động từ được nói đến ở đây được nhìn từ góc độ lí thuyết kết trị và là
thành tố cú pháp vừa có sự tương ứng nhất định với trạng ngữ (gia ngữ, bổ ngữ của câu,
thành phần tình huống của câu), vừa có sự tương ứng với trạng ngữ hay bổ ngữ tự do của
động từ theo cách hiểu truyền thống. Đây là một trong những thành phần cú pháp xuất
hiện phổ biến trong câu và từ lâu đã được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu về
ngữ pháp tiếng Việt theo quan niệm truyền thống với các tên gọi như trạng ngữ, gia ngữ,
bổ ngữ của câu, thành phần tình huống và bổ ngữ tự do của vị từ.
Trong việc nghiên cứu về trạng ngữ (mà theo quan niệm truyền thống được coi là
thành phần phụ bổ sung cho cụm chủ vị nòng cốt của câu), một số vấn đề được giải quyết
khá tốt và đạt được sự nhất trí tương đối cao như: vai trò cú pháp của trạng ngữ trong câu,
đặc điểm ý nghĩa, hình thức của trạng ngữ. Tuy nhiên, cũng còn những vấn đề chưa được
giải quyết thỏa đáng. Dưới đây, chúng tôi xin nêu khái quát tình hình nghiên cứu về trạng
ngữ và bổ ngữ tự do của vị từ (theo cách hiểu truyền thống) trong tiếng Việt.
1.1.1.1. Về bản chất cú pháp của chu tố (trạng ngữ của câu, bổ ngữ tự do của vị từ)
a. Theo quan niệm truyền thống: Hầu như các tác giả Việt Nam theo khuynh
hướng truyền thống đều cho rằng trạng ngữ là thành phần thứ yếu hay thành phần phụ
của câu có quan hệ cú pháp với cả nòng cốt câu.
Nguyễn Kim Thản cho rằng: "trạng ngữ là thành phần thứ yếu của câu biểu thị
các ý nghĩa về thời điểm, địa điểm, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, hay tình thái”
[45, 565]. Phân biệt trạng ngữ với bổ ngữ tự do của vị từ, ông cho rằng trạng ngữ “là
thành phần phụ thêm vào cho cả câu…sự tồn tại của nó không phụ thuộc vào một từ
nào, cũng không phụ thuộc vào loại hay tiểu loại của từ nào” [45, 521]; còn "bổ ngữ
thời hạn thì phụ thuộc vào vị từ” [45, 565].
Hoàng Trọng Phiến cũng coi trạng ngữ "là thành phần thứ yếu của câu, có ý
nghĩa địa điểm, không gian, thời gian, nguyên nhân, mục đích” [39, 124].
3
Tập thể các tác giả (Trung tâm Khoa học xã hội Việt Nam) gọi trạng ngữ là
"thành phần tình huống" và cho rằng "thành phần này có tác dụng bổ sung ý nghĩa
cho cả nòng cốt câu” và "nó là một thành phần thứ yếu so với các thành phần chủ
yếu trong nòng cốt” [57, 239].
Diệp Quang Ban gọi trạng ngữ là "bổ ngữ của câu" và quan niệm "bổ ngữ của
câu là những thành phần phụ của câu nêu lên cái hoàn cảnh trong đó diễn ra sự việc
nói ở nòng cốt câu” [2, 180]. Chủ trương phân biệt thành phần phụ của câu với thành
phần phụ của từ, ông cho rằng: "thành phần phụ của câu có tính chất tự lập tương đối
về mặt ngữ pháp, tức là nó không phụ thuộc về mặt cú pháp vào yếu tố ngôn ngữ nào
trong nòng cốt mà có quan hệ cú pháp với toàn bộ nòng cốt câu” [2, 175].
Hai tác giả Bùi Minh Toán - Nguyễn Thị Lương trong cuốn "Giáo trình ngữ
pháp tiếng Việt" cho rằng "trạng ngữ là thành phần phụ của câu, biểu thị các ý nghĩa
thời gian, nơi chốn, phương tiện, cách thức, mục đích, nguyên nhân…của sự tình
được nêu ra trong câu” [56, 122]. "Cấu tạo của trạng ngữ khá đa dạng, nó có thể là
một từ, một cụm từ, tổ hợp từ” [56, 126].
Trạng ngữ với tư cách là thành phần phụ của câu, có quan hệ cú pháp và ý nghĩa
với nòng cốt câu như quan niệm trên đây được phân biệt với bổ ngữ tự do (bổ tố, trạng
tố) của vị từ. Các tác giả đều cho rằng việc phân biệt thành phần phụ của câu nói chung,
trạng ngữ nói riêng, với thành phần phụ của từ, trong đó có bổ ngữ tự do của vị từ là vấn
đề phức tạp và sự phân biệt này không phải bao giờ cũng "thật rạch ròi được”.
Thực tế cũng cho thấy đến nay, hầu như cũng chưa có tác giả nào đưa ra được
sự phân biệt rạch ròi, thật sự có sức thuyết phục hai kiểu thành tố cú pháp này.
Theo Nguyễn Văn Hiệp, các tiêu chí cho phép phân biệt trạng ngữ với các
thành tố phụ thuộc cấu trúc bậc dưới câu của vị từ là:
+ Quan hệ phụ thuộc với nòng cốt câu.
+ Khả năng cải biến vị trí mà không làm thay đổi quan hệ giữa các thành tố
còn lại trong câu.
Tác giả cho rằng có thể dùng thủ pháp chen một thành tố đồng vị đã xác định
chức năng để thấy được quan hệ phụ thuộc vào nòng cốt câu của trạng ngữ và phân
biệt nó với bổ tố tự do của vị từ. Cùng với thủ pháp chen một yếu tố đồng vị, thủ
pháp cải biến vị trí cũng được tác giả sử dụng để chỉ ra sự khác biệt giữa trạng ngữ và
bổ tố của vị từ [21, 209-222].
4
b. Các quan niệm khác: Ngoài quan niệm phổ biến trên, cần phải kể đến ý kiến
của tác giả V.S.Panfilov trong cuốn Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt. Tác giả cho rằng:
“trạng ngữ là yếu tố mở rộng tự do của vị ngữ, có ý nghĩa sự kiện và có khả năng
thay thế bằng mệnh đề phụ” [38, 315].
Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến cũng cho rằng "trạng ngữ chính là thành phần phụ
của câu thể hiện kết trị tự do của vị từ (hoặc trạng ngữ là chu tố của vị từ)… Mối
quan hệ cú pháp giữa trạng ngữ với vị từ (vị ngữ) được khẳng định bởi sự có mặt
đồng thời của cả mối quan hệ ý nghĩa lẫn mối quan hệ hình thức giữa chúng (khả
năng dùng độc lập của tổ hợp do chúng tạo thành)” [54, 60].
Nhận xét về quan niệm truyền thống đối với trạng ngữ, tác giả Nguyễn Mạnh
Tiến còn cho rằng "việc xác định nội dung và hình thức của trạng ngữ (có quan hệ cú
pháp với nòng cốt của câu, có tính biệt lập về hình thức và khả năng cải biến vị trí)
cũng như việc dựa vào những đặc điểm đó để phân biệt nó với bổ ngữ tự do của vị từ,
qua đó, khẳng định sự đối lập về bản chất giữa hai kiểu thành tố cú pháp này mặc dù
có những cơ sở nhất định nhưng nhìn chung chưa được luận giải một cách thật sự có
sức thuyết phục dựa vào một quan niệm rõ ràng, nhất quán về quan hệ cú pháp và
thành phần cú pháp của câu” [54, 51].
Qua các quan niệm trên, có thể thấy về tính chất của mối quan hệ cú pháp giữa
trạng ngữ với bộ phận còn lại của câu, đến nay, có hai quan niệm chính:
1/ coi trạng ngữ là thành phần phụ của câu có quan hệ cú pháp với cả nòng cốt câu;
2/ coi trạng ngữ là thành phần phụ mở rộng tự do của vị ngữ hay vị từ.
Theo tác giả Nguyễn Văn Lộc, để xác định bản chất của mối quan hệ cú pháp
giữa trạng ngữ và các thành tố khác của câu “cần phải dựa vào khái niệm quan hệ cú
pháp và cách xác định sự có mặt của mối quan hệ cú pháp giữa các từ (cụm từ) trong
câu’’ (theo đó, “hai từ, cụm từ được coi là có quan hệ cú pháp với nhau nếu giữa
chúng có thể xác định một kiểu quan hệ ngữ nghĩa nhất định và ngữ đoạn chứa chúng
có khả năng hoạt động độc lập hoặc tư cách biến thể tỉnh lược của câu”)[30, 343].
Với cách hiểu về quan hệ cú pháp, cách xác định sự có mặt của mối quan hệ cú pháp
giữa các từ như đã chỉ ra, có cơ sở để cho rằng trạng ngữ, về bản chất cú pháp, là
thành tố phụ không bắt buộc của vị ngữ (vị từ) hoặc "là yếu tố mở rộng tự do của vị
ngữ” [30, 343]. Cụ thể: Về nội dung, trạng ngữ đều bổ sung cho vị ngữ hay vị từ một
5
ý nghĩa nhất định. Về hình thức, trạng ngữ có thể cùng với vị ngữ hay vị từ tạo
thành một tổ hợp dùng độc lập hoặc dùng với tư cách là biến thể tỉnh lược của câu
[30, 346]. Chúng tôi cho rằng đây là quan niệm có cơ sở.
1.1.1.2. Về đặc điểm nội dung của chu tố (trạng ngữ truyền thống)
Về đặc điểm nội dung của chu tố (trạng ngữ), các tác giả có ý kiến tương đối
thống nhất. Tác giả Nguyễn Văn Hiệp cho rằng: “…trạng ngữ biểu thị những ý nghĩa
về không gian, thời gian, mục đích, nguyên nhân, phương tiện…cho sự tình được biểu
đạt trong câu” [21, 206].
Nhận xét về mối quan hệ ngữ nghĩa giữa thành phần phụ của câu (trong đó có
trạng ngữ) với các từ ngữ còn lại của câu, Diệp Quang Ban viết: "Về mặt nghĩa, bộ phận
nằm ngoài nòng cốt này có thể liên hệ rõ rệt với một yếu tố nào đó trong nòng cốt câu”
[3, 177]. Về ý nghĩa cụ thể của trạng ngữ, tác giả xác định các kiểu chính như: trạng ngữ
không gian, thời gian, tình hình, nguyên nhân, mục đích, nhượng bộ…[3, 179].
Nguyễn Kim Thản cũng cho rằng: "Trạng ngữ là thành phần thứ yếu của câu
biểu thị các ý nghĩa thời điểm, địa điểm, nguyên nhân, mục đích, phương tiện hay
tình thái” [45, 565]. Tác giả còn chỉ rõ: "Khi đặt ở cuối câu, trạng ngữ có tác dụng
miêu tả hoàn cảnh tiến hành của hoạt động hay trạng thái biểu thị trong bộ phận vị
ngữ” [45, 569] hoặc "Trạng ngữ thời gian thường đặt ở đầu câu. Nó có thể biểu thị
thời điểm cụ thể của đặc trưng (do vị ngữ biểu thị)…” [45, 565].
Đề cập đến đặc điểm nội dung của trạng ngữ, Nguyễn Văn Lộc cho rằng: Về
nội dung, trạng ngữ có ba đặc điểm chính: tính phụ thuộc, tính không bắt buộc (tự
do) và ý nghĩa tình trạng, hoàn cảnh (chỉ không gian, thời gian, nguyên nhân, mục
đích, công cụ, tính chất, cách thức…) [30, 348].
1.1.1.3. Về đặc điểm hình thức của chu tố (trạng ngữ truyền thống)
a. Về cấu tạo (cách biểu hiện)
Hầu hết các tác giả đều cho rằng trạng ngữ có thể được biểu hiện bằng danh từ
(cụm danh từ) hoặc vị từ (cụm vị từ, cụm chủ vị).
Tác giả Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “Trạng ngữ được biểu hiện bằng hai hình
thức chủ yếu là danh từ (cụm danh từ) và vị từ (cụm vị từ, cụm chủ vị)” [30, 351].
Tác giả Nguyễn Thị Nhung cho rằng: “trạng ngữ có thể cấu tạo là một từ, là
đoản ngữ, cụm từ đẳng lập hay cũng có thể có cấu tạo là cụm chủ vị” [37, 164 ].
6
b. Về vị trí
Hoàng Trọng Phiến khẳng định "trạng ngữ có khả năng ở đầu câu, ở giữa và
ở cuối câu nhưng vị trí phổ biến nhất là đầu câu” [39, 156].
Diệp Quang Ban quan niệm: "trạng ngữ thường đứng ở trước nòng cốt câu,
tuy nhiên, vẫn gặp nó sau nòng cốt câu hoặc giữa chủ ngữ và vị ngữ” [3, 178-179].
Nguyễn Kim Thản cho rằng: hai vị trí thường thấy của trạng ngữ là "đầu câu và
cuối câu” [45, 565]. Trạng ngữ "có nhiều khả năng tự do về vị trí ở trong câu”, còn "bổ
ngữ thời hạn thì…chỉ có một vị trí cố định sau vị từ” [45, 565].
Tác giả Nguyễn Văn Hiệp cho rằng: "trạng ngữ là thành phần phụ của câu có
khả năng tham gia cải biến vị trí: đứng trước, đứng sau nòng cốt hoặc chen vào giữa
chủ ngữ và vị ngữ” [21, 206].
Điều đáng chú ý là các tác giả trên đây chỉ nói đến vị trí "phổ biến nhất” hoặc
vị trí thường thấy của trạng ngữ chứ không xác định cụ thể trong các vị trí mà trạng
ngữ có thể chiếm giữ, vị trí nào là vị trí cơ bản (xuất phát).
Trong bài viết "Về vị trí cơ bản của trạng ngữ trong câu xét trong mối quan
hệ kết trị với vị từ”, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định mặc dù có sự tự do về vị
trí nhưng "vị trí cơ bản, vị trí xuất phát, vị trí thuận của trạng ngữ là ở sau vị từ”
[54, 49]. Điều này không chỉ thể hiện ở sự xuất hiện phổ biến của nó ở vị trí này như
Nguyễn Kim Thản đã xác nhận [45, 565] mà còn thể hiện ở chỗ sự xuất hiện của nó ở
vị trí này hầu như không bị hạn chế bởi điều kiện đặc biệt nào [45, 565].
Nguyễn Văn Lộc cũng khẳng định: Về vị trí, "trạng ngữ được đặc trưng bởi
tính linh hoạt, tự do về vị trí trong câu, nhiều trạng ngữ có khả năng chiếm các vị trí:
trước cụm chủ vị, giữa chủ ngữ, vị ngữ hoặc sau chủ ngữ, vị ngữ " [30, 352]. Tuy
nhiên, tác giả khẳng định rằng: "Vị trí sau vị từ của trạng ngữ chính là vị trí có tính
phổ biến cao nhất” [30, 352].
c. Về phương thức kết hợp
Ý kiến tương đối thống nhất của các tác giả là trạng ngữ thường kết hợp gián tiếp
với vị ngữ hay vị từ. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Lộc cho rằng: “trạng ngữ chủ yếu kết hợp
gián tiếp với vị ngữ hay vị từ thông qua một quan hệ từ nhất định. Khi kết hợp gián tiếp
với vị ngữ hay vị từ, trạng ngữ có thể xuất hiện trong hai biến thể: biến thể có quan hệ từ
và biến thể vắng quan hệ từ” [30, 352].
7
1.1.1.4. Về cách phân loại chu tố và các kiểu chu tố (trạng ngữ truyền thống)
Trạng ngữ được phân loại dựa vào các tiêu chí cụ thể khác nhau, trong đó cách
phân loại của Nguyễn Văn Lộc vừa khái quát, vừa cụ thể. Tác giả dựa vào đặc điểm
cấu tạo chia trạng ngữ thành: trạng ngữ được biểu hiện bằng danh từ (cụm danh từ),
và trạng ngữ được biểu hiện bằng vị từ (cụm vị từ, cụm chủ vị) [30, 364].
Dựa vào phương thức kết hợp, có thể chia trạng ngữ thành: trạng ngữ kết hợp
trực tiếp với vị ngữ, vị từ và trạng ngữ kết hợp gián tiếp với vị ngữ, vị từ (với hai biến
thể có và vắng quan hệ từ) [30, 364].
Dựa vào khả năng cải biến, có thể chia trạng ngữ thành: trạng ngữ có khả
năng cải biến vị trí và trạng ngữ không có khả năng cải biến vị trí [30, 364].
Dựa vào ý nghĩa, có thể chia trạng ngữ thành nhiều kiểu cụ thể khác nhau:
trạng ngữ không gian, thời gian, nguyên nhân, mục đích, điều kiện, nhượng bộ, công
cụ (phương tiện, phương thức), số lần hoạt động, tính chất, cách thức, phạm vi,
phương diện, chỉ kẻ cùng tham gia hoạt động, hoàn cảnh, tình huống, kết quả, biểu
thị ý "loại trừ” [30, 365].
Qua một số công trình nghiên cứu trên đây, có thể thấy mặc dù trạng ngữ được
nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đưa ra nhiều quan điểm khác nhau nhưng việc
nghiên cứu cách dùng trạng ngữ (mà về bản chất chỉ là chu tố hay thành phần phụ mở
rộng từ do của vị từ) trong một tác phẩm cụ thể của một nhà văn vẫn chưa được
nghiên cứu một cách có hệ thống, chuyên sâu.
Chọn đề tài: Các chu tố của động từ tiếng Việt (Trên cứ liệu Truyện ngắn
chọn lọc Nguyễn Công Hoan) làm đối tượng nghiên cứu khoa học, trên cơ sở tiếp
thu thành tựu của các nhà nghiên cứu, chúng tôi mong muốn làm rõ hơn đặc điểm của
chu tố với tư cách là thành tố phụ tự do của vị từ gắn với cách dùng của một tác giả
cụ thể trong một tác phẩm văn học cụ thể.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ trong “Truyện ngắn chọn lọc
Nguyễn Công Hoan”
Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn của
văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong
phú như một "bách khoa thư”, một "tấn trò đời” mà đặc trưng là xã hội thực dân
8
phong kiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Qua các sáng tác, ông đã chứng tỏ là bậc
thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Các tác phẩm của ông có sức hấp dẫn lớn đã
thu hút được rất nhiều các nhà nghiên cứu. Tiêu biểu là các nhà nghiên cứu: Lê Thị
Đức Hạnh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Phan Cự Đệ, Nguyễn
Hoành Khung, Vương Trí Nhàn, Trương Chính, Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Thanh
Tú, Nguyễn Khắc Thuần, Trúc Hà , Thiếu Sơn, Hải Triều…
Nguyễn Khắc Thuần khi Khảo sát cấu trúc câu văn truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan khẳng định: "Nguyễn Công Hoan đã sử dụng hầu hết các loại kiểu dạng cấu
trúc câu trong tiếng Việt… Nguyễn Công Hoan sử dụng tài tình, linh hoạt, có hiệu
quả loại câu ngắn, đặc biệt là những câu có từ năm chữ trở xuống. Lúc thì tác giả
dùng liên tiếp tạo thành đoạn văn; lúc thì dùng độc lập ở đầu, ở giữa, hoặc cuối
truyện; lúc thì phối hợp với câu dài ở trong cùng một đoạn văn để lại ấn tượng sâu
sắc cho người đọc đến mức trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan số lượng câu dài
và câu ngắn tương đương nhau nhưng khi đọc truyện ngắn của ông, người đọc có
cảm giác như trong truyện ngắn của ông câu ngắn trong truyện ngắn được dùng
nhiều hơn câu dài. Chính câu ngắn đã tạo nên nét khác lạ về câu văn trong truyện
ngắn Nguyễn Công Hoan với tác giả khác”[50, 85].
Trong số các nhà nghiên cứu về Nguyễn Công Hoan, nhà nghiên cứu Lê Thị
Đức Hạnh đã dành nhiều tâm huyết cho truyện ngắn của ông. Khi nhận xét về ngôn
ngữ của Nguyễn Công Hoan, tác giả đã khẳng định: "Văn Nguyễn Công Hoan khá gọn
gàng, sáng sủa, thiết thực, linh hoạt. Ngôn ngữ của Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ
của quần chúng được chọn lọc và nâng cao, đậm hương vị ca dao, tục ngữ…chữ dùng
của ông thường giản dị, giàu hình ảnh cụ thể hay so sánh ví von” [15, 201-202]. Tác
giả còn cho rằng "Nguyễn Công Hoan luôn giữ cho lời văn, ngôn ngữ trong truyện
trong sáng, chính xác mang bản sắc của văn hóa dân tộc” [15, 208]. Tác giả còn chỉ ra
tính chất cá thể hóa sâu sắc trong ngôn ngữ nhân vật của Nguyễn Công Hoan: "Ngôn
ngữ các loại nhân vật trong truyện của Nguyễn Công Hoan cũng mang sắc thái riêng,
bộc lộ được tâm lí xã hội của từng nhân vật, trộn cũng không lẫn” [15, 117]. Nhà
nghiên cứu còn so sánh sự khác nhau giữa văn phong của Nguyễn Công Hoan với các
nhà văn hiện thực phê phán khác với nhiều nhận xét chính xác và tinh tế.
9
Tác giả Nguyễn Thanh Tú khi nghiên cứu chất hài trong câu văn Nguyễn
Công Hoan nhận xét: "Ngôn ngữ của nguyễn Công Hoan là thứ ngôn ngữ suồng sã.
(…) Trong nội bộ câu văn của Nguyễn Công Hoan thường mang mâu thuẫn hài hước
đối chọi ở bên trong. (…) Nhà văn có những lối ví von so sánh, độc đáo, những liên
tưởng bất ngờ, thú vị. (…) Câu văn Nguyễn Công Hoan thường ngắn gọn (…) có
sự tuân thủ phép lặp cú pháp vì mục đích nghệ thuật gia tăng sắc thái hài hước”
[43, 209-215]. Trong bài "Lời văn mỉa mai trong Đồng hào có ma” tác giả đã chỉ rõ
tài sử dụng ngôn ngữ suồng sã để "lật ngửa”, "lộn trái” đối tượng, tài sử dụng tổ
chức lời văn nhằm mục đích mỉa mai, phê phán đối tượng.
Trong luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ của truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan, tác giả Lò Thị Duyên đã nghiên cứu ngôn ngữ trần thuật, đối thoại và độc thoại
về đặc điểm từ vựng, cú pháp, các biện pháp tu từ. Tác giả cho rằng ngôn ngữ truyện
ngắn Nguyễn Công Hoan là ngôn ngữ trào phúng, châm biếm.
Theo dòng thời gian, các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan càng được khám phá sâu hơn. Năm 2000, với luận văn thạc sĩ
"Phương tiện tu từ nói mỉa trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan”, Nguyễn Thị
Hương Lan đã đề cập đến các dạng thức nói mỉa trên nhiều cấp độ văn bản: cấp độ từ
ngữ trong câu, cấp độ đoạn văn, cấp độ văn bản… để rồi tạo nên những trùng lớp, góp
phần quan trọng vào nghệ thuật trào phúng độc đáo, đặc sắc của Nguyễn Công Hoan.
Năm 2001, Nguyễn Thanh Hương trong luận văn thạc sĩ Đặc điểm tình huống
đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, đã trực tiếp đề cập đến ngôn ngữ đối
thoại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan nhưng ở phương diện tình huống đối
thoại, tức là tìm hiểu tình huống ngữ cảnh của cuộc thoại dựa trên lí thuyết ngữ dụng
học và phong cách học.
Năm 2006, tác giả Lê Ngọc Hòa trong luận văn thạc sĩ Đặc điểm cách xưng hô
của các vai giao tiếp trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đã khảo sát một cách có
hệ thống lớp từ xưng hô trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, từ đó nêu bật mối
quan hệ hữu cơ giữa ngôn ngữ và đặc trưng văn hóa xã hội.
Tác giả Hoàng Minh Hải với đề tài Các phương thức và đặc điểm gây cười
qua lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan năm 2008 đã vận dụng
lý thuyết hội thoại để nghiên cứu và chỉ ra đặc điểm của nghệ thuật gây cười và
10
nguyên lý gây cười mang phong cách Nguyễn Công Hoan. Tác giả Trần Thị Thủy lại
Đối sánh ngôn ngữ trào phúng trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và tiểu thuyết
Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Đây là công trình so sánh đặc điểm ngôn ngữ trào phúng:
so sánh tính chất trào phúng của ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong các
tác phẩm thuộc hai thể loại khác nhau của hai nhà văn trào phúng bậc thầy của văn
học Việt Nam hiện đại.
Năm 2010, tác giả Hà Thị Tuyết trong luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu Câu có
hình thức nghi vấn trong tác phẩm của nguyễn Công Hoan. Tác giả Hoàng Thị Tố
Quyên đã So sánh câu văn trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn
Thạch Lam về phương diện cấu tạo và biện pháp tu từ. Luận văn góp phần nêu ra
những điểm tương đồng và khác biệt về câu văn trong ngôn ngữ truyện ngắn của hai
nhà văn lớn. Tác giả Võ Thị Dung trong luận văn thạc sĩ Chức năng ngữ nghĩa của từ
tình thái đứng đầu phát ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đã chỉ ra những
đặc điểm nổi bật nhất về mặt cấu tạo, sự hành chức cũng như ngữ nghĩa của các từ
tình thái trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.
Năm 2013, trong Tạp chí văn học nghệ thuật, số 343, tác giả Thành Đức Bảo
Thắng với bài Nghệ thuật khắc họa nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
cho rằng ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn trào phúng của ông có ba kiểu chủ yếu:
người kể chuyện đối thoại với nhân vật, người kể chuyện đối thoại với độc giả và nhân
vật đối thoại với nhân vật…Vận dụng sáng tạo và linh hoạt ngôn ngữ đối thoại,
Nguyễn Công Hoan đã tạo mạch nối giữa tiếng cười dân gian và tiếng cười hiện
đại…Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan hướng tới phơi bày
bản chất của con người, của xã hội bằng tiếng cười trào phúng giàu kịch tính. Đó là thứ
ngôn ngữ chứa đựng yếu tố hấp dẫn, tạo được sự bất ngờ, lột trái hiện tượng, phơi bày
mâu thuẫn hài hước… Ngôn ngữ giàu kịch tính xuất hiện nhiều trong truyện ngắn trào
phúng của Nguyễn Công Hoan. Khi kết hợp với thủ pháp tăng cấp, tác giả đưa người
đọc từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác và bật cười khi hiểu rõ câu chuyện.
Năm 2016, tác giả Đặng Thị Thanh Hoa đã nghiên cứu Vai trò của đoạn một
câu trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Đoạn một câu được nhà văn dùng với
năm vai trò: nhấn mạnh; liệt kê; dẫn dắt mạch truyện, liên kết các tình tiết; phương
tiện của phép tu từ vĩ thanh; liên kết các đoạn.
11
Điểm lại một số công trình nghiên cứu trên, có thể thấy rằng các tác phẩm
của Nguyễn Công Hoan được soi chiếu từ nhiều góc nhìn và có không ít những lời
bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm của ông. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên
cứu đầy đủ và sâu sắc về Các chu tố của động từ trong truyện ngắn Nguyễn Công
Hoan. Có thể xem đây là lối ngỏ để tác giả luận văn có thể tìm hiểu, nghiên cứu sâu
hơn về vấn đề này.
1.2. Cơ sở lí luận và thực tiễn
1.2.1. Vài nét về lí thuyết kết trị
1.2.1.1. Khái niệm kết trị và kết trị của động từ
Thuật ngữ kết trị (tiếng Nga: valentnost, tiếng Pháp: valence) vốn được dùng
trong hóa học để chỉ thuộc tính kết hợp của các nguyên tử với một số lượng xác định
các nguyên tử khác. Thuật ngữ này mới chỉ được dùng rộng rãi trong ngôn ngữ học từ
cuối những năm bốn mươi của thế kỷ XX để chỉ khả năng kết hợp của các lớp từ hoặc
các lớp hạng đơn vị ngôn ngữ nói chung.
Theo cách hiểu hẹp thì kết trị chỉ là thuộc tính kết hợp của động từ hoặc một
số từ loại nhất định. Bàn về kết trị của động từ, L. Tesniere trong cuốn "Các yếu tố
của cú pháp cấu trúc” cho rằng động từ trong vai trò ngữ pháp truyền thống gọi là vị
ngữ thực chất chính là thành tố hạt nhân tạo nên cái nút chính của câu. Với vai trò hạt
nhân, động từ quy định số lượng và đặc tính của các thành tố có quan hệ với nó. Các
thành tố này, xét theo mức độ gắn bó với động từ được chia ra thành diễn tố (actant)
(thành tố bắt buộc) hay chủ ngữ và bổ ngữ truyền thống và chu tố (circonstant) (thành
tố tự do) hay trạng ngữ truyền thống (Dẫn theo, [26, 26] ).
Cùng bàn về kết trị của động từ, N.I.Tijapkina cho rằng kết trị của động từ được
xác định dựa vào toàn bộ các mối quan hệ cú pháp có thể có đối với nó. Tác giả chia
kết trị thành kết trị hạt nhân (kết trị bắt buộc) và kết trị phi hạt nhân (kết trị tự do). Kết
trị hạt nhân (bắt buộc) là khả năng kết hợp của vị từ với các actant (diễn tố: gồm chủ
ngữ, bổ ngữ). Kết trị tự do là khả năng kết hợp của động từ và các chu tố (circonstant).
Nhà ngôn ngữ A.M.Mukhin cũng cho rằng ngoài khả năng kết hợp của động
từ với các thành tố bắt buộc (diễn tố, actant), cần tính đến khả năng kết hợp của động
từ với các thành tố tự do (chu tố, circonstant). A.M.Mukhin còn xác định các kiểu kết
trị tự do như kết trị nguyên nhân, mục đích, phương tiện…(Dẫn theo [26, 29]).
12
Với quan niệm dùng thuật ngữ kết trị theo cách hiểu rộng, M.D.Stepanova, kết
trị được hiểu là khả năng kết hợp của các đơn vị ngôn ngữ cùng cấp độ, kết trị vừa là
tiềm năng vừa là sự hiện thực hóa tiềm năng này, nghĩa là, kết trị đồng thời vừa là sự
kiện của ngôn ngữ, vừa là sự kiện của lời nói (Dẫn theo [26, 29]).
Các ý kiến nêu trên cho thấy rõ khuynh hướng phát triển của lí thuyết kết trị.
Kết trị của động từ, theo cách hiểu hẹp, thường được xác định là thuộc tính kết hợp
cú pháp bắt buộc của động từ, tức là khả năng của động từ kết hợp vào mình các
thành tố bắt buộc của câu (các diễn tố, tức là chủ ngữ và bổ ngữ truyền thống). Theo
cách hiểu rộng thì kết trị của động từ là toàn bộ thuộc tính kết hợp của động từ (gồm
cả khả năng kết hợp từ vựng lẫn khả năng kết hợp cú pháp, cả khả năng kết hợp bắt
buộc lẫn tự do, tức là khả năng kết hợp của động từ với chu tố hay trạng ngữ).
Ở Việt Nam, lí thuyết kết trị lần đầu tiên được nghiên cứu có hệ thống trong
công trình nghiên cứu Kết trị của động từ tiếng Việt của Nguyễn Văn Lộc. Tác giả đã
định nghĩa về kết trị của động từ như sau: Kết trị của động từ là khả năng của động
từ tạo ra xung quanh mình các vị trí mở cần hoặc có thể làm đầy bởi những thành tố
cú pháp (những thực từ) mang ý nghĩa bổ sung nhất định. Nói cách khác, kết trị của
động từ là thuộc tính của động từ kết hợp vào mình những thành tố cú pháp bắt buộc,
tự do. Thuộc tính kết hợp này hàm chứa trong ý nghĩa của bản thân động từ. Nó
chính là sự phản ánh những đòi hỏi hoặc khả năng của động từ được cụ thể hóa về
mặt nào đó [26, 34]. Kết trị của động từ được xác định theo số lượng các vị trí mở
bao quanh nó còn bản thân các vị trí mở lại được xác định dựa vào số lượng các
thành tố bổ sung (các kết tố) làm đầy các vị trí mở này. Như vậy, xác định và phân
tích kết trị của động từ thực chất chính là xác định và phân tích các kết tố làm đầy
các vị trí mở bên động từ [26, 35].
Trên cơ sở cách hiểu của các tác giả về khái niệm kết trị được trình bày trên
đây, trong luận văn này, chúng tôi hiểu kết trị và kết trị của động từ theo nghĩa rộng.
Kết trị được hiểu là thuộc tính kết hợp của các đơn vị ngôn ngữ cùng cấp độ. Ở cấp
độ từ, kết trị theo nghĩa rộng được hiểu là thuộc tính kết hợp cú pháp của từ với tư
cách là đại diện của các từ loại, tiểu loại. Kết trị của động từ theo nghĩa rộng là toàn
bộ thuộc tính kết hợp cú pháp của động từ. Đó là khả năng của động từ tham gia
13
vào các mối quan hệ cú pháp nói chung (gồm cả khả năng kết hợp của động từ với
tư cách là thành tố chính, tức là thành tố tạo ra các vị trí mở hay các ô trống cần làm
đầy bởi các thành tố phụ (các diễn tố, chu tố) lẫn khả năng kết hợp của động từ với
tư cách là thành tố phụ (thành tố làm đầy các vị trí mở hay các ô trống được tạo ra
bởi các từ loại khác nhau).
1.2.1.2. Nguyên tắc và các thủ pháp hình thức trong nghiên cứu kết trị của động từ
Là đơn vị ngữ pháp, các thành tố phụ (các kết tố) của động từ được đặc trưng
bởi hai mặt: mặt ý nghĩa và mặt hình thức ngữ pháp. Tính hai mặt của các thành tố
phụ hay các kết tố đòi hỏi khi xác định, phân tích kết trị của động từ phải tính đến cả
mặt nội dung lẫn mặt hình thức. Ý nghĩa đặc trưng cho mặt nội dung của các kết tố là
tổ hợp các nghĩa có quan hệ tôn ti với nhau. Nghĩa chung đặc trưng cho tất cả các kết
tố là nghĩa xác định (bổ sung). Nghĩa cụ thể hơn là các nghĩa cú pháp kiểu như: nghĩa
chủ thể, nghĩa đối thể, nghĩa công cụ, nguyên nhân…
Nghĩa của các kết tố luôn được biểu hiện bằng những hình thức nhất định.
Hình thức ngữ pháp của các kết tố bao gồm khả năng thay thế bằng từ nghi vấn, cách
biểu hiện về mặt từ loại, vị trí so với động từ, sự có mặt hay vắng mặt ở bên chúng
các quan hệ từ và ngữ điệu.
Khi xác định phân tích kết trị của động từ, để tránh sự chủ quan, cảm tính, và
để phát hiện đầy đủ đặc điểm của các kết tố, cần phải dựa vào những thủ pháp hình
thức nhất định như: lược bỏ, bổ sung, thay thế, cải biến.
Lược bỏ là bỏ bớt một thành tố trong câu hay cấu trúc nhất định với mục đích
xác định mức độ cần thiết, tầm quan trọng của thành tố đó đối với tổ chức của cấu
trúc. Bằng thủ pháp lược bỏ, ta có thể xác định phân biệt thành tố bắt buộc (diễn tố,
kết tố bắt buộc hay chủ ngữ, bổ ngữ) với thành tố tự do (chu tố hay trạng ngữ). Chẳng
hạn, với cấu trúc: (1)“Nam tìm bạn ở Hà Nội”, khi dùng thủ pháp lược bỏ, ta sẽ lần
lượt có các cấu trúc:
1a. Nam tìm bạn ở Hà Nội.
1b. Tìm bạn ở Hà Nội. (lược thành tố chủ thể)
1c. Nam tìm ở Hà Nội. (lược thành tố đối thể)
1d. Nam tìm bạn . (lược thành tố vị trí)
14
Như các ví dụ cho thấy, việc lược các thành tố chủ thể (chủ ngữ) và đối thể (bổ
ngữ) sẽ khiến cho nghĩa của động từ hạt nhân (tìm) trở nên không xác định và khiến
câu mất đi tính trọn vẹn tối thiểu (trở thành câu không đầy đủ). Trong khi đó, việc
lược thành tố vị trí (chu tố, trạng ngữ) nói chung, không ảnh hưởng đến tính xác định
về nghĩa của động từ hạt nhân và tính trọn vẹn của câu.
Bổ sung là thêm một hay một số từ vào câu hay cấu trúc nhất định với mục
đích xác định các ô trống còn chưa được làm đầy trong cấu trúc, qua đó, làm rõ đặc
điểm nào đó của cấu trúc.Thí dụ, với câu (2)“Cuốn sách vừa mua rất hay”, việc có
thể bổ sung thành tố chủ thể (tôi) vào trước “vừa mua” (Cuốn sách tôi vừa mua rất
hay) cho thấy trong câu này vẫn còn một vị trí mở (ô trống) chưa được làm đầy. Việc
bổ sung vừa thực hiện cho phép rút ra nhận xét: câu thứ nhất không phải là câu đơn
điển hình mà có nét trung gian giữa câu đơn và câu phức (vì khi bổ sung chủ ngữ vào,
ta sẽ có câu gồm hai cụm chủ vị).
Thay thế là thay một yếu tố nào đó trong câu hay cấu trúc nhất định bằng một
yếu tố có chức năng tương đương với mục đích xác định bản chất, đặc điểm của yếu
tố được thay thế hay đặc điểm của cấu trúc.Thí dụ, trong câu (3)“Cô giáo đang giảng
bài trên lớp là giáo viên giỏi” có thể thay tổ hợp “đang giảng bài trên lớp” bằng đại
từ xác định ấy (kia, đó): “Cô giáo ấy là giáo viên giỏi”. Khả năng thay thế này cho
phép khẳng định rằng “đang giảng bài trên lớp” là định ngữ chứ không phải vị ngữ
và do đó, chủ ngữ của câu trên đây (Cô giáo đang giảng bài trên lớp) không phải là
cụm chủ vị mà là cụm (nhóm, ngữ) danh từ. Cũng bằng thủ pháp thay thế, ta có thể
nhận ra nét gần gũi hay tương đồng giữa thành tố chủ thể (chủ ngữ) với thành tố đối
thể (bổ ngữ), xét trong mối quan hệ cú pháp với động từ.
Ví dụ:
(4) Cha tìm con
Ai tìm ai?
(5) Anh nhớ em
Ai nhớ ai?
Cải biến là biến đổi một câu hay cấu trúc nhất định thành một câu hay cấu trúc
khác với điều kiện không thêm vào một thực từ và không làm thay đổi cơ bản ý nghĩa
của câu hay cấu trúc. Thủ pháp cải biến cho phép xác định nét tương đồng giữa các
thành tố cú pháp (thành phần câu) và các kiểu câu về mặt cú pháp hay về mặt ngữ
nghĩa. Dưới đây là một vài kiểu cải biến thường gặp:
15
Thí dụ:
- Cải biến vị trí:
(6) Nước sôi rồi.
Sôi nước rồi.
(7) Tôi viết thư.
Thư, tôi viết.
(8) Hai bên đã liên lạc được với nhau bằng điện thoại.
Bằng điện thoại, hai bên đã liên lạc được với nhau.
- Cải biến danh hóa:
(9) Đứa trẻ ra đời (đã làm thay đổi bầu không khí trên tàu).
Sự ra đời của đứa trẻ (đã làm thay đổi bầu không khí trên tàu).
- Cải biến bị động:
(10) Địch đốt xóm Chùa.
Xóm Chùa bị địch đốt.
- Cải biến nguyên nhân:
(11) Đứa bé thức giấc vì tiếng động mạnh.
Tiếng động mạnh làm đứa bé thức giấc.
1.2.1.3. Cách xác định thành tố bổ sung (các kết tố) của động từ
Về nội dung, các thành tố bổ sung hay các kết tố của động từ cụ thể hóa ý
nghĩa của động từ, tức là bổ sung cho tình huống mà động từ miêu tả một ý nghĩa
nhất định.
Về hình thức, chúng luôn có khả năng được thay thế bằng từ nghi vấn, tức là luôn
có thể dựa vào động từ để đặt câu hỏi về chúng. Chẳng hạn, trong câu (12) "Họ ăn cơm
bằng đũa” thì "cơm” và "đũa” là các kết tố của động từ "ăn” vì về nội dung, chúng
cụ thể hóa ý nghĩa cho động từ "ăn” ("cơm” bổ sung ý nghĩa đối thể, "đũa” bổ sung
ý nghĩa công cụ), còn về hình thức, chúng đều có khă năng thay thế bằng từ nghi vấn
(thí dụ: Ăn gì? Ăn bằng gì?).
Khi xác định các kết tố của động từ, thủ pháp đặt câu hỏi đặc biệt tiện lợi, có
hiệu quả. Thủ pháp này cũng giúp cho việc xác định khả năng có hay không một kiểu
kết trị nào đó ở một nhóm động từ nhất định. Khi kết hợp thủ pháp đặt câu hỏi với thủ
pháp phân tích ngữ nghĩa, ta còn có thể phân biệt được kết trị đích thực của động từ
với kiểu kết trị thuần nội dung có thể có ở động từ.
16
Việc xác định các kết tố của động từ có thể thực hiện theo các bước sau:
- Xác định các cấu trúc có chứa động từ hạt nhân, tức là xác định cụm động từ
hay nút động từ.
- Xác định kết trị hình thức của động từ bằng thủ pháp đặt câu hỏi.
- Xác định kết trị nội dung của động từ.
- Dựa vào cả mặt nội dung lẫn hình thức để xác định các kết tố (các thành tố
bổ sung gồm diễn tố, chu tố).
Cấu trúc bao gồm động từ và các kết tố của mình sẽ được gọi là cấu trúc động
từ hay cụm động từ (nút động từ theo thuật ngữ của L. Tesniere). Ở dạng điển hình,
cấu trúc động từ bao gồm ba phần: phần đầu, hạt nhân, phần sau. Trong cấu trúc động
từ, hạt nhân là thành tố có vai trò quan trọng nhất, nó có tính thường trực cao nhất
trong cấu trúc, là thành tố chi phối tổ chức của cả cấu trúc. Như vậy, đặc điểm của
cấu trúc động từ phụ thuộc vào thuộc tính kết trị của động từ hạt nhân.
1.2.1.4. Phân loại kết trị động từ
a. Kết trị nội dung và kết trị hình thức
Kết trị nội dung là sự kết hợp về mặt ngữ nghĩa giữa động từ và các kết tố. Kết trị
nội dung của động từ được xác định theo đặc điểm cú pháp - ngữ nghĩa của các kết tố và
phụ thuộc chặt chẽ vào ý nghĩa của động từ. Mỗi kiểu kết trị nội dung thường chỉ gắn với
một kiểu ý nghĩa từ vựng - ngữ pháp của động từ. Kết trị nội dung phụ thuộc chặt chẽ
vào nghĩa của động từ nên sự thay đổi nghĩa từ vựng- ngữ pháp của động từ luôn kéo
theo sự thay đổi kết trị nội dung của nó. Phân tích kết trị động từ theo mặt nội dung có
thể phân biệt các kiểu kết trị cụ thể như: kết trị chủ thể, kết trị đối thể, kết trị công cụ, kết
trị nguyên nhân, kết trị mục đích. Kết trị hình thức của động từ là mối quan hệ hay sự
phù hợp về hình thức giữa động từ với các kết tố. Kết trị hình thức gắn với đặc tính ngữ
pháp của từ. Có thể phân biệt các kiểu kết trị hình thức như: kết trị trước, kết trị sau, kết
trị trực tiếp, kết trị gián tiếp…Trên thực tế không thể miêu tả kết trị nội dung và kết trị
hình thức một cách hoàn toàn độc lập, tách biệt nhau.
b. Kết trị bắt buộc và kết trị tự do
Kết trị bắt buộc là khả năng của động từ tạo ra xung quanh mình các vị trí mở
cần làm đầy bởi các kết tố bắt buộc (các diễn tố hay chủ ngữ, bổ ngữ). Kết trị tự do là
khả năng của động từ tạo ra xung quanh mình các vị trí mở có thể làm đầy bởi các kết
tố tự do (các chu tố hay trạng ngữ theo nghĩa rộng). Ranh giới giữa kết tố bắt buộc
17
(diễn tố) và tự do (chu tố) không phải bao giờ cũng rõ ràng, dứt khoát. Chẳng hạn,
cùng là thành tố chỉ vị trí nhưng trong câu (1)“Nam tìm bạn ở Hà Nội”, “ở Hà Nội”
có tính tự do và là chu tố nhưng trong câu (13)“Nam sống ở Hà Nội”, “ở Hà Nội” lại
có tính bắt buộc và được coi là diễn tố.
c. Kết trị chủ động và kết trị bị động
Kết trị chủ động là khả năng kết hợp của động từ với tư cách là thành tố chính
(thành tố chi phối). Đó là khả năng của động từ tạo ra xung quanh mình các vị trí mở
(các ô trống) cần hoặc có thể làm đầy bởi các thành tố cú pháp (các diễn tố, chu tố)
mang ý nghĩa bổ sung nhất định. Kết trị chủ động của động từ theo cách hiểu trên đây
về cơ bản phù hợp với khả năng kết hợp của động từ theo cách hiểu truyền thống.
Kết trị bị động của động từ là khả năng kết hợp của động từ với tư cách là
thành tố phụ hay thành tố bị chi phối. Kết trị bị động theo cách hiểu này phù hợp với
chức năng cú pháp của động từ theo cách hiểu truyền thống.
1.2.2. Khái niệm diễn tố, chu tố
Theo L.Tesnière, trong tổ chức cú pháp của câu, mỗi yếu tố chính mà ở nó có một
hay một vài yếu tố phụ thuộc lập thành cái ông gọi là nút (noeu) [60, 25]. Nút với từ
chính là động từ được gọi là nút động từ. L.Tesnière cho rằng nút động từ là trung tâm
của câu trong phần lớn các ngôn ngữ châu Âu và nó biểu thị cái tương tự như một vở
kịch nhỏ với các vai diễn (gắn với hành động và hoàn cảnh). Nếu đi từ mặt thực tế của
vở kịch sang bình diện cú pháp cấu trúc thì hành động, các vai diễn và hoàn cảnh sẽ
tương đương với các yếu tố là động từ, diễn tố (actants) và chu tố (circonstants). Động
từ giữ vai trò hạt nhân cú pháp và biểu thị quá trình. Các diễn tố là các thành tố phụ bắt
buộc chỉ người hay vật tham gia vào quá trình với tư cách bất kì (chủ động hay bị động).
Chẳng hạn, trong câu (14) “Alfred frappe Bernard.” (Alfred đánh Bécna.), bên động từ
hạt nhân frappe (đánh) có hai diễn tố là Alfred và Bécna. Chu tố là các thành tố phụ tự do
biểu thị hoàn cảnh (vị trí, thời gian, phương thức…) theo đó, quá trình được mở rộng.
Chẳng hạn, trong câu: (15) “Alfred parle bien.” (Alfred nói hay.), bien (hay) là chu tố.
Các diễn tố có những đặc điểm chung là:
a. Đều phụ thuộc vào động từ, là kẻ thể hiện kết trị của động từ, kể cả diễn tố
chủ thể (chủ ngữ).
18