Chuyện kể dành cho quản lý
Trí khôn của Thỏ rừng
Thỏ rừng, Sơn dương và Lừa đang ăn chung với nhau vui vẻ, đột nhiên Sư tử xuất hiện,
nhe nanh gầm lên:
- Các ngươi ăn cỗ với nhau mà quên mời ta. Vậy ta sẽ ăn thịt tất cả các ngươi.
Cả bọn sợ hết hồn. Trong lúc cuống, thỏ rừng chợt nghĩ ra một cách ứng phó, nó bèn
bưng mâm thức ăn lại trước mặt Sư tử, nói:
- Thưa đại vương, con biết đại vương thể nào cũng đến, nên không đi mời ngài. Mong
ngài lượng thứ. Chỉ xin ngài chớ tức giận mà hại cho ngọc thể. Mời ngài bớt giận, tạm
dùng vài món này. Nếu thiếu, ngài muốn gì chúng con cũng xin chiều ý.
Nghe lời lẽ của Thỏ rừng, Sư tử bớt giận quá nửa, nghĩ bụng, trước hết cứ thưởng thức
mâm này đã, sau sẽ ăn thịt mấy con kia cũng chưa muộn. Nó bèn sai:
- Sơn dương, đi lấy nước, còn con Lừa kia, hãy chuẩn bị trái cây cho ta.
Ba con vật nhỏ yếu ớt ân cần phục vụ Sư tử. Chúa sơn lâm đánh chén một bữa no nê thì
buồn ngủ, nằm xoa bụng khoan khoái.
Thỏ rừng thấy Sư tử đã quá no, bèn nói nhỏ với Sơn dương và Lừa:
- Hãy lợi dụng lúc này mà chạy trốn cho mau.
Nói đoạn, nó cùng hai con kia mỗi đứa một ngả. Lúc Sư tử dụi mắt tỉnh dậy nhìn kỹ thì
xung quanh đã vắng tanh.
Lời bàn
Thỏ rừng và các bạn nó dùng lối phục vụ tận tình để làm cho Sư tử động lòng, tạm thời
gác lại ý định ăn thịt chúng. Sau đó, chúng nhân cơ hội Sư tử đã quá no mà trốn thoát.
Lý luận tiếp thị thị trường hiện đại đặc biệt nhấn mạnh: muốn mở rộng thị trường một
cách hữu hiệu, tăng cường doanh thu nhờ lượng hàng được tiêu thụ, thì phải tiến hành
“hoạt động tiền sản” (như nghiên cứu thị trường, tung sản phẩm mới) và “hoạt động hậu
mãi”. Đó là một quá trình hoàn chỉnh, không thể thiếu bộ phận hữu cơ nào.
Trong hàng loạt hoạt động ấy, người ta thường dễ xem nhẹ hoạt động hậu mãi. Thực
chất đó là vấn đề bảo đảm chất lượng phục vụ toàn diện, đáp ứng đúng nhu cầu của
khách hàng.
Hai hiệu cắt tóc
Tại thị trấn nhỏ nọ có hai hiệu cắt tóc, một của Cột, một của Kèo. Hiệu cắt tóc của cột lúc
nào cũng đông khách, còn hiệu cắt tóc của Kèo thì vắng tanh, có nguy cơ phải đóng cửa.
Kèo bèn lân la sang hỏi bí quyết của Cột.
Cột đáp:
- Bí quyết thì chẳng có, nhưng cần nói rõ hai điều. Thứ nhất, ở thị trấn này chỉ có hai hiệu
cắt tóc, của tôi và của anh. Đầu tóc của anh do tôi cắt, còn đầu tóc của tôi là do anh cắt.
Đầu tóc anh trông đẹp thế kia, còn đầu tóc tôi thì nham nhở như thế này đây! Vậy là mọi
người đủ biết tay nghề của tôi hơn hẳn của anh. Thứ hai, khách vào hiệu cắt tóc của tôi,
tôi đều phục vụ chu đáo; còn khách vào cắt tóc ở hiệu của anh thì anh làm quấy quá cho
xong.
Lời bàn
Hiệu cắt tóc của Cột ăn nên làm ra, hơn hẳn hiệu cắt tóc của Kèo vì hai lẽ: tay nghề cao
và phục vụ chu đáo.
Trong cuộc cạnh tranh ác liệt để chiếm lĩnh thị trường, chất lượng và phục vụ là hai vấn
đề gốc rễ, quyết định sự sống còn của xí nghiệp. Chất lượng cao của sản phẩm và bảo
đảm phục vụ hậu mãi chu đáo, nhất định sẽ giành được sự ưu ái của khách hàng.
Âm mưu của Sư tử
Một con Sư tử đã già, cảm thấy việc kiếm ăn ngày càng tốn sức, bèn quyết định dùng
mưu để thay đổi cách kiếm ăn. Nó suốt ngày nằm trong hang, giả vờ bị bệnh, cứ rên hừ
hừ. Bách thú nghe tin, lần lượt ghé thăm, con nào vào trong hang cũng đều bị Sư tử ăn
thịt.
Sau có một con Cáo nhờ óc quan sát, phát hiện âm mưu của Sư tử. Cáo đến thăm Sư tử,
nhưng chỉ đứng xa xa ngoài cửa hang, Sư tử mời khan mời vã, rủ Cáo vào nói chuyện
cho vui, Cáo vẫn không chịu vào. Cáo nói:
- Cám ơn ý tốt của ông, tôi đứng ngoài này cũng được. Tôi không vào vì tôi thấy có rất
nhiều dấu chân đi vào hang, mà đáng sợ thay, không thấy một vết chân nào đi ra!
Lời bàn
Bao nhiêu loài vật mắc mưu con Sư tử già mà bỏ mạng. Riêng con Cáo tinh khôn, nhờ óc
quan sát dấu chân những con vật đi trước mà kịp thời dừng lại, giữ được tính mạng.
Khi chúng ta nhìn lại lịch sử, sẽ rút ra các bài học vô giá về thành công và thất bại mà
tiền nhân để lại, như thế sẽ tránh đi đường vòng, tránh lặp lại sai lầm.
Trong quản lý xí nghiệp cũng vậy, nhất là khi xí nghiệp lâm vào tình thế khó khăn, nếu
không phát hiện đầy đủ nguyên nhân thất bại, mà cứ mù quáng dấn bước, không kịp thời
nhận biết “vết xe đổ”, thì sẽ càng nguy ngập hơn mà thôi. Phải tỉnh táo suy xét, xác định
cái gì có thể làm, các gì tuyệt đối không thể.
Người bắt quạ thết khách
Có một người sống bằng nghề bắt quạ. Một hôm có bạn đến chơi, anh ta muốn đi bắt quạ
làm thịt đãi khách. Nhưng hôm nay xui, không bắt được con quạ nào. Anh ta bèn bắt con
gà gô ngày ngày anh ta vẫn dùng làm mồi nhử quạ. Con gà gô xin chủ tha cho nó. Nó kể
công:
- Thưa ông, mong ông đừng quên hằng ngày tôi vẫn kêu gù gù ru ông ngủ, khi bắt quạ thì
tôi thay ông gọi bầy quạ đến cho chúng sa lưới. Nếu không có tôi, rồi ông làm sao bắt
quạ được đây?
Người bắt quạ nghe có lý, bèn thả gà gô và bắt một con gà trống choai làm thịt. Gà trống
choai cũng van xin:
- Nếu ông làm thịt tôi, thì sau này ai gáy báo sáng để ông đi kiếm ăn?
Người chủ đáp:
- Ngươi nói đúng, ít lâu nữa ngươi cũng đắc dụng thật, song ta cần ngươi hy sinh bây giờ
để thết đãi bạn ta.
Lời bàn
Người bắt quạ đối với bạn thật có nghĩa khí, anh ta sẵn sàng hy sinh những con vật quý
của mình để thết bạn.
Đối với anh ta, con gà gô và con gà trống choai đều quan trọng, nhưng xét ra thì con gà
gô quan trọng hơn nhiều nên anh ta làm thịt con gà trống choai.
Trong công tác quản lý, giữ lại và đề bạt những người ưu tú, những người đắc dụng là
nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc sống còn để phát triển xí nghiệp, công ty.