MỞ ĐẦU
Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến nền văn minh Ấn Độ với dãy
Himalaya hùng vĩ, linh thiêng, với hai con sông lớn Ấn và Hằng – chứng nhân của
những thành tựu văn minh Ấn Độ rực rỡ. Con người Ấn Độ đầy lòng khoan dung
và giàu trí tưởng tượng. Họ đã để lại cho kho tàng văn học Ấn Độ nói riêng và thế
giới nói chung những bộ sử thi đồ sộ. Trong đó tiêu biểu là hai bộ sử thi Ramayana
và Mahabharata. Nếu như Ramayana nói về tình yêu thì Mahabharata lại kể về
những cuộc chiến vương quyền gay gắt. Có thể nói Mahabharata như
một đại dương mênh mông, nó bao quát nhiều mặt của cuộc sống, nó chứa đựng
nhiều vấn đề triết học, sử học, xã hội học, dân tộc học… Và đọc Mahabharata
người đọc không chỉ được tiếp xúc với một nền văn học đồ sộ của Ấn Độ mà
còn tiếp nhận cả một nền văn minh, văn hoá vĩ đại.
NGHỆ THUẬT SỬ THI MAHABHARATA
Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật
Mỗi nhân vật trong tác phẩm Mahabharata mang một tính cách, một đời
sống tinh thần riêng chứ không phải là nhân vật mang tính chất ước lệ, có
khuôn
mẫu sẵn đã từng thấy ở một số truyện dân gian khác.
Yuhi đức độ, sáng suốt; Acgiuna dũng cảm kiêu hùng; Bhima xông xáo,
sôi nổi quyết giữ trọn lời thề cho đến chết; Kacna hùng dũng và kiêu căng;
Krixna tài trí siêu việt; còn Đơrita tuy mù nhưng vẫn oai nghiêm trong cốt cách
của một ông vua vừa gian hùng vừa xảo quyệt;…
Mỗi nhân vật đều để lại một ấn tượng khó quên trong tâm hồn người đọc.
Rômet Đơt – Nhà nghiên cứu văn học Ấn Độ nhận xét rằng: “Trừ tác phẩm Iliat
ra không có tác phẩm nào mà nghệ thuật miêu tả nhân vật phong phú và chân
thực như Mahabharata. Nhân vật không đau khổ dằn vặt như nhân vật của
Đantê, không say mê cực độ như nhân vật của Sêcxphia, trái lại các nhân vật
đều phản ánh tính cách uy nghiêm, trầm lặng của sức mạnh tinh thần chẳng khác
gì những hình tượng bất hủ bằng cẩm thạch từ thời xa xưa để lại mà các nghệ sĩ
điêu khắc ngày nay không tài nào mô phỏng lại.”
Mahabharata không chỉ không thể hiện xung đột giữa Dharma – Adharama
thành cuộc giao tranh giữa hai phe Pandava – Kôrava trên chiến trường mà còn
chủ quan hóa xung đột đó trong sự đấu tranh và khắc phục giữa cái cao thượng
và cái thấp hèn, ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn của mỗi nhân vật. Sử thi này
không phân tuyến nhân vật một cách đơn giản theo cực thiện – cực ác.
Sử thi Mahabharata cho thấy cái anh hùng trong quan niệm Ấn Độ không
bao giờ tách rời các tiêu chuẩn đạo đức, nó bao hàm cái cao thượng, vị tha, yêu
chuộng hòa bình. Sức mạnh của người anh hùng không chỉ thể hiện trong khả
năng hành động mà nhiều khi ở chính sự kiên nhẫn, sức chịu đựng, quyết định
lùi bước trước những hành động không xứng đáng.
Sử thi này xây dựng hệ thống nhân vật của nó mà ngay cả những anh hùng
mẫu mực nhất cũng không phải luôn luôn chiến thắng trong cuộc chiến tâm hồn
giữa Dharma và Adharma của bản thân. Ở đây hiện tượng hàng loạt anh hùng
suy thoái, tha hoá qua tiến trình chiến tranh. Khiến cho cuộc chiến lúc đầu tuân
theo những luật lệ cao nhưng càng về cuối các luật lệ đó càng bị vi phạm.
8
Yudihititra, người anh cả trong năm anh em Pandava, người anh hùng nổi
tiếng
đạo cao đức trọng đến ngày thứ 14 của cuộc chiến tranh cũng bị dục vọng lôi
cuốn để sa xuống con đường người trần tục.
Trong sử thi, các nhân vật được xây dựng theo kiểu nửa trần tục – nửa thần
linh, ở đây chúng ta nói đến những anh hùng được xây dựng theo kiểu nửa trần
tục – nửa thần linh, không chỉ vì họ là con của một người cha thần thánh và một
bà mẹ trần tục. Mà chủ yếu vì Mahabharata đã thể hiện họ vừa cao thượng vừa
thấp hèn, luôn luôn trong cuộc đấu tranh bản thân giữa Dharma và Adharma –
Đạo lý và phi lý, vừa chịu lực hút mãnh liệt của trái đất trần tục này vừa hướng
tới thiên giới tâm linh vời vợi cao trên kia. Dù rằng, việc các anh hùng đôi khi
đắm chìm trong suy tư, chiêm nghiệm hơn là thể hiện nhiệt tình hành động cũng
bộc lộ bản tính “yếu đuối” không dễ dàng biện hộ của họ. Mahabharata đã cống
hiến cho gia tài chung các anh hùng ca cổ điển của thế giới kiểu mẫu “anh hùng
suy tư” “anh hùng – đạo sĩ” rất Ấn Độ, rất phương Đông.
Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện
Đọc Mahabharata, người đọc còn bị lôi cuốn vào quang cảnh chiến tranh
tràn ngập hào khí, sôi động. Người đọc sẽ say mê đến mức hồi hộp theo dõi
những trận giao tranh ác liệt xảy ra trong 18 ngày liền. Cảm xúc càng tăng lên
khi chiến tranh tiến dần đến ngày kết thúc, khi những tướng lĩnh dũng mãnh
nhất dần dần ngã gục ở chiến trường.
Một nhà Ấn Độ học phương Tây cho rằng: “Trong văn học thế giới, có lẽ
khó tìm thấy những đoạn văn miêu tả cảnh chiến tranh đặc sắc như vậy.”
Cuộc đua tài đọ sức khá sôi nổi giữa các dũng sĩ khắp bốn phương đến cầu
hôn Đrôpadi, cuộc đụng độ nảy lửa giữa hai dũng sĩ Acgiuna và Kacna được ví
như cuộc giao chiến Achin va Herto trong thần thoại và sử thi Hi-lạp, tình cảm
và thái độ phản kháng mãnh liệt của nàng Đrôpadi khi nàng bị anh em Kôrava
định chiếm đoạt sau ván cờ bất hạnh của Yuhi khiến cho cả thần linh cũng phải
xúc động và ra tay can thiệp. Đó là những đoạn văn có sức truyền cảm mạnh đối
với người đọc.
Ấn Độ là nước tôn vinh tình yêu và niềm hoan lạc vô biên. Trong tác phẩm, tình
yêu được thể hiện trong mối quan hệ của nàng Draupadi với 5 anh em nhà Panda
và những gắn bó khác nhau.
Nghệ thuật miêu tả cái chết
Cái chết trong sử thi Mahabharata được miêu tả rõ nét, mang lại hai chiều
hướng cảm xúc khác nhau.
1. Cảm quan ngợi ca, tôn kính
Gắn với chiến trận Kurukshetra có 85 cái chết được miêu tả một cách cụ thể,
54 cái chết không được nêu rõ họ tên, 31 cái chết có tên tuổi rõ ràng. Sau chiến
trận, Mahabharata còn tiếp tục miêu tả cụ thể 10 cái chết nữa của những nhân vật
anh hùng.
Sự sống và cái chết là mối quan tâm lớn mang tính thời đại
Thường thì các sử thi anh hùng kỳ diệu hóa trong miêu tả cái chết để ngợi
ca, tôn vinh lòng dũng cảm chiến binh. Với Mahabharata, kỳ diệu hóa trong miêu
tả cái chết còn để diễn tả ý nghĩa đạo đức và xác lập cơ sở cho sự siêu thoát của
người anh hùng. Ảnh hưởng tư tưởng luân hồi - nghiệp báo (karma - samsara) của
Hindu giáo, người Ấn Độ cho rằng cuộc đời hiện tại của mình chỉ là mắt khâu gần
nhất trong một chuỗi xích dài những cuộc đời kế tiếp nhau vô hạn, từ quá khứđến
hiện tại và tới tương lai. Vậy nên, nếu cái chết trên chiến trận đối với người anh
hùng Hy Lạp là để đạt tới tuyệt đích vinh quang lưu danh cho hậu thế thì với người
chiến binh Ấn Độ là để "mởđược cánh cửa trời" tiếp tục sống một kiếp khác trong
niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Bởi, người Ấn quan niệm cái chết thuộc phạm trù của
cái bất tử. Quan điểm đó chi phối bút pháp nghệ thuật. Mahabharata đã lựa chọn
những hình ảnh, biểu tượng sinh động để miêu tả cái chết, thể hiện cảm quan tươi
sáng thi vị về một sự giải thoát. Cái chết được miêu tả như cây rừng trong gió bão
bị bật gốc, cán cờ lớn sau ngày hội vui hay một ngôi sao lạc...; cái chết sống lại
trong tâm trí người đọc gợi bao niềm tiếc nuối, hoặc linh thiêng, huyền thoại như
một sự hiển thánh… Với những biểu hiện phong phú khác thường, cái chết của
người anh hùng trong Mahabharata được soi rọi dưới hai góc nhìn: võ sĩ và tu sĩ,
chứa đựng ý nghĩa mỹ học và triết lý nhân sinh. Kỳ diệu hóa trong miêu tả cái chết
vừa để diễn tả vẻ đẹp hùng tráng của người chiến binh Kshatriya, vừa để ngợi ca
nét đẹp tâm linh siêu thoát của người anh hùng Ấn Độ.
Kỳ diệu hóa trong miêu tả cái chết của bậc chiến binh lão thành
Nếu trong Iliad mọi cái chết trên chiến trận đều đáng ngợi ca như nhau, thì
trong Mahabharata cái chết được miêu tả với nhiều cung bậc, sắc thái, mang ý
nghĩa đạo đức. Mahabharata sử dụng hình ảnh thiêng liêng, huyền diệu để bất tử
hóa người anh hùng qua cái chết.
Nổi bật trong muôn vàn cái chết kiểu đó là cái chết của lão tướng Bhisma tổng thống lĩnh quân đội Kaurava, được miêu tả trong suốt một chương
sách Bhisma qua đời. Đây không phải là cái chết đầu tiên trên chiến trường
Kurukshetra bởi chiến trận đã diễn ra đến ngày thứ mười, trước đó đã có bao người
ngã xuống. Thế nhưng, đây là cái chết làm kinh động nhất đến thần linh và đất trời,
tác động sâu sắc đến lòng người. Bỗng chốc "quân đội hai bên thôi không giao
tranh nữa, tất cả các chiến binh chạy đến vây quanh Bhisma vĩđại... Các thần linh
chứng kiến đều đứng khoanh tay cung kính chào ông, một ngọn gió nồm sực nức
hương thơm phe phẩy thổi và những giọt mưa mát lạnh thấm ướt chiến địa".
Không gian lung linh huyền ảo nửa thực, nửa hư, chính là vòng nguyệt quế vinh
quang của sự bất tử vĩnh hằng. Nó lớn hơn tất cả mọi lời ngợi ca.
Trên chiến trận Kurukshetra, các chư thần hiện ra 12 lần cả thảy, có khi là để
chứng kiến người trần thi đấu, tỏ thái độ lên án hoặc cổ vũ khích lệ, có khi là để
chứng kiến cái chết của các chiến binh dũng cảm... Ởđây, sự hiện diện của thần
linh như dấu hiệu báo trước "cửa trời đã mở", sẵn sàng đón nhận "người anh hùng
xứng đáng làm khách của Indra".
Kết tinh cao nhất của sự kỳ diệu hóa trong miêu tả cái chết của người anh
hùng là hình ảnh Bhisma ngã xuống trên chiến địa: "Thân mình tên cắm chi chít
đến nỗi không còn kẽ hở nào cho một mũi tên khác lọt vào nữa. Bhisma từ trên xe
ngã xuống, nhưng thân thể không chạm đất vì nằm trên một chiếc giường bằng mũi
tên, gối trên một chiếc gối bằng mũi tên và uống dòng nước mát dâng lên từ mũi
tên cắm sâu vào lòng đất”. Bộ ba hình ảnh giường tên, gối tên, nước uống dâng từ
mũi tên đan dệt bầu không khí huyền thoại, hoành tráng, ngợi ca tầm vóc vũ trụ lớn
lao, ý nghĩa thiêng liêng bất tử của người anh hùng vĩđại. Những hình ảnh độc đáo
kỳ vĩđó khiến Bhisma đứng cao hơn mọi người. Bằng cái chết xứng đáng của một
Kshatriya lý tưởng, Bhisma đã đạt tới đỉnh cao của cuộc sống chính đáng và là
“hiện thân của chính sự thanh khiết”. Cái chết đó đã triệt tiêu khoảng cách giữa cõi
trần và cõi trời, tạo nên ảo ảnh về cõi thiên đường giữa trần gian.
Kỳ diệu hóa trong miêu tả cái chết của tầng lớp chiến binh non trẻ
Bên cạnh cái chết của các bậc lão tướng cao niên, Mahabharata còn thể hiện
những cái chết của tầng lớp chiến binh trẻ tuổi mà trước mắt họ là tất cả lạc thú yêu
thương, đã để lại trong lòng người đọc một mối thương cảm sâu sắc. Đó là Uttara,
Sveta, Sangia, Iravan, Santanika, Panchalya, Lasmana, Abhimanyu, Vikarna,
Ghatotkacha...
Trong ngày giao chiến đầu tiên diễn ra cái chết của hai vị hoàng tử trẻ tuổi
con vua Virata. Uttara giao tranh ác liệt với Salya và bị chết tức thì bởi một mũi
lao. Chàng thiếu niên dũng cảm và trung thực ấy chết trong khúc độc hành của
tiếng voi rống, một cái chết oai phong lẫm liệt xứng đáng với đẳng cấp chiến binh:
"Lao bay vút, xuyên thủng ngực Uttara, cây đòng nhọn thúc voi tuột khỏi tay
chàng và chàng ngã nhào xuống chết". Một cái chết làm nổi bật phẩm chất anh
hùng và ý nghĩa cao cả của sự sống Uttara.
Sveta là hoàng tử con thứ hai của nhà vua Virata, là người đầu tiên chết bởi
tay lão tướng lừng danh Bhisma. Điều đó đã đem đến cho chàng niềm vinh quang
rất lớn. Cái chết của chàng diễn ra kỳ vĩ tức thì: Sveta trúng tên ngã vật xuống.
Uttara và Sveta là những con người chưa kịp sống, đại diện cho thế hệ tương lai.
Chiến tranh thật khủng khiếp. Cái chết của họ trở thành hình ảnh thu nhỏ toàn bộ
cuộc chiến. Họ ra đi để hậu chiến chỉ còn lại người già nua, mù lòa, phụ nữ... khóc
than cho người thân đã bị vùi chôn dưới nấm mồ của chiến tranh tàn khốc. Người
kể Mahabharata biểu lộ thái độđồng cảm với những mất mát của chiến tranh, thể
hiện khát vọng tha thiết với hòa bình.
Là hoàng tử trẻ tuổi nhất trong số các Kaurava, Vikarna thấu hiểu sâu sắc lẽ
dharma, sống chính trực gan dạ. Cái chết của chàng rất đặc biệt, bởi nó gieo vào
lòng đối thủ - người giết chàng - một nỗi dày vò khủng khiếp, vì đạo lý bị hủy diệt
tàn khốc. Lời đánh giá cao nhất, đem lại vinh quang lớn nhất cho Vikarna nằm
ngay trong tiếng than khóc của kẻ giết chàng: Bhima đặt Vikarna ngang với
Bhisma lão thành, thể hiện hứng thú ngợi ca tuyệt đối của Mahabharata.
Trong số những cái chết của các chiến binh trẻ tuổi, cái chết
của Abhimanyu để lại nhiều ấn tượng hơn cả. Mahabharata miêu tả cái chết ấy vẻn
vẹn chỉ có ba từ: Chàng tắt thở, nhưng nó ngưng đọng trong tâm trí của độc giả
một nỗi xót xa về cái thiện, cái đẹp, cái đạo lý bị hủy diệt quá sớm. Cái giản dị của
ngôn từ mang ý nghĩa rất sâu, bởi trước đó Mahabharata đã miêu tả rất sinh động
quá trình giải thoát của nhân vật. Tắt thở chỉ có nghĩa thông báo cái chết về thể
xác, còn sự siêu thoát về linh hồn đã diễn ra từ bên trên, khi “chàng nhanh nhẹn
đến nỗi trông tưởng chừng nhưđôi chân không bám trên mặt đất mà đang bay liệng
trên không”. Bằng sự kỳ diệu hóa, Mahabharata đã chắp cho chàng thiếu niên dũng
cảm, sáng chói tài năng đôi cánh, để bàn chân chàng không chạm mặt đất tràn ngập
tội lỗi, xấu xa của những suy đồi đạo lý.
Ghatotkacha, con trai Bhima và một Asura, có một tâm hồn nhân hậu ẩn
dưới một bộ mặt kỳ dị. Cái chết của Ghatotkacha không được Mahabharata chú
trọng ở góc độ mỹ cảm, mà được nhìn nhận ở giá trịảnh hưởng: "Ghatotkacha đang
từ lưng chừng trời phóng những mũi tên chết người vào quân đội Kaurava, rơi
xuống chết, dìm quân Pandava vào nỗi đau buồn tang tóc". Cái chết của chàng
thiếu niên trẻ tuổi tạo nên một nỗi thương tiếc khôn nguôi đối với một tài năng đầy
hứa hẹn. Giá trị lớn nhất của cái chết này là đã thế mạng cho Arjuna, cứu sống một
bậc dũng sĩ anh tài. Vậy là, một đối sánh ngầm được thiết lập, đẩy sự ngợi ca lên
đến tột đỉnh: Ghatotkacha ngang với Arjuna về mọi mặt.
2. Cảm quan phê phán, hạ bệ
Bên cạnh những cái chết được thể hiện với một thái độ ngợi ca tôn vinh
nhằm bất tử hóa người anh hùng, còn có những cái chết thể hiện sự vô vị, tầm
thường của cuộc sống nhân vật. Qua sự miêu tả cái chết người đọc cảm nhận rất rõ
dụng ý của tác giả: ngợi ca hay phê phán, tôn vinh hay hạ bệ đối với nhân vật.
Cái chết méo mó, biến dạng, không đạt được sự giải thoát
Kichaka là một dũng tướng, tổng chỉ huy quân đội của triều đình Virata, một
trong ba võ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Nhưng, kiêu căng và dục vọng đã làm lu
mờ trí tuệ, hạ thấp nhân phẩm của Kichaka. Nhân vật phải trả giá cho hành động
vô đạo đức của mình bằng cái chết nhục nhã: chết trong bóng tối, không biết mặt
kẻ giết mình, chết không giữđược nguyên vẹn thi thể…Đây là cái chết đến hai lần
cả về thể xác lẫn linh hồn, phản ánh lối sống méo mó, phẩm hạnh đạo đức loang lổ
của nhân vật.
Cái chết của Kichaka gợi nhớ cái chết của Yavakrida trong câu chuyện đạo sĩ
Lomasa kể cho Yudhisthira vào thời kỳ lưu vong mười hai năm trong rừng.
Yavakrida là một người thông tuệ, nhưng rốt cục lại chết trong một cơn khát - khát
nhận thức, bị tước mất phép màu nhiệm và sức mạnh. Đây chính là sự trả giá cho
hành động vô đạo đức, cho dục tính bản năng trong Yavakrida.
Cái chết sự trả giá cho tội ác
Dữ dội và khủng khiếp là cái chết của Dussasana độc ác qua hình ảnh thi thể
tả tơi, tương xứng với tư cách và nhân phẩm đồi bại của hắn. Kết cục số phận
Dussasana là một minh chứng rõ nét cho tư tưởng nhân quả nghiệp báo.
Cái chết tầm thường của kẻ mưu lừa, mẹo lọc
Cái đầu gốc rễ của mọi hành vi tội lỗi lăn lông lốc trên đất... là hình ảnh về
cái chết của Sakuni gợi cho ta một cảm giác ghê rợn. Mahabharata kết luận: "Cái
đầu đó chính là gốc rễ của mọi hành vi tội lỗi của họ Kaurava". Mưu mô ván bài
oan nghiệt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc chiến tranh khốc liệt, làm suy đồi
đạo lý dharma. Cái chết cho ta lần ngược lại ý nghĩa sự sống của nhân vật.
Sử thi Mahabharata là một câu chuyện lớn và kỳ diệu mang đậm màu sắc
tôn giáo đạo đức: "Những đau buồn của cuộc sống nhân gian được mô tả với một
vẻđẹp cao cả và nó diễn ra trên một toàn cảnh lớn. Đằng sau câu chuyện về những
lầm lạc và đau khổ, nhà thơ giúp chúng ta có một ảo tưởng về cõi thực và cõi thiên
tiên".
Kỳ diệu hóa trong miêu tả cái chết cho thấy nhân vật anh hùng của sử thi
này một mặt chịu sự ràng buộc chặt chẽ với những đam mê trần thế mãnh liệt, một
mặt không nguôi vươn tới những khát vọng tâm linh huyền bí cao đẹp. Vì
thế, Mahabharata vừa mang vẻđẹp truyền thống lại vừa mang nét độc đáo riêng
biệt. Chính cảm quan nghệ thuật ấy đã làm nên chiều sâu giá trị của tác phẩm, để
Mahabharata vượt ngoài dòng chảy của thời gian, đăng quang cho cái đẹp, cái
thiện trên cõi đời. Sử thi như một thể loại văn học đã một đi không trở lại, nhưng
cảm hứng sử thi hướng tới sự cao cả, thiêng liêng và kỳ diệu thì mãi mãi là nhiệt
hứng sáng tạo nghệ thuật muôn đời.
KẾT LUẬN
Ngạn ngữ Ấn Độ có câu: “Những gì không có trong Mahabharata thì không có trên
đất nước Ấn Độ”. Điều đó chứng tỏ sử thi Mahabharata đã bao trùm toàn bộ cuộc
sống của con người Ấn Độ. Đó là niềm tự hào của người dân Ấn Độ về pho sử thi.
Và điều này cũng nói lên tầm quan trọng to lớn của Mahabharata đối với đất nước
và con người Ấn Độ. Cho đến hôm nay, Mahabharata vẫn còn tác động rất lớn đến
đời sống tinh thần và tập tục của người dân Ấn Độ. Nó trở thành một báu vật quý
trong kho tàng văn học Ấn Độ, là cảm hứng sáng tạo cho hội họa, điêu khắc, thơ
ca, điện ảnh,… Mahabharata như bộ bách khoa toàn thư của người dân Ấn Độ. Tác
phẩm cho thấy người Ấn Độ đề cao tính nhân sinh, sự chính nghĩa và giá trị của
cuộc sống.