Tải bản đầy đủ (.pdf) (91 trang)

Phong cách nghệ thuật của nguyễn nhật ánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.09 MB, 91 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

ĐOÀN QUỐC PHƯƠNG

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

Chuyên ngành: LÝ LUẬN VĂN HỌC
Học mã số:

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. TRẦN THÁI HỌC

HUẾ, NĂM 2017


Lời cam đoan

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu
và kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả
cho phép sử dụng và chưa được công bố ở bất kỳ công trình nào khác.

Họ và tên tác giả

Đoàn Quốc Phương


Lời cảm ơn



Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô Khoa Ngữ văn, Phòng Đào tạo
Sau Đại học Trường Đại học sư phạm Huế. Tôi xin trân trọng cảm ơn các bậc
Giáo sư, Tiến sĩ đã nhiệt tình giảng dạy và gợi mở cho tôi nhiều ý kiến quý báu
trong quá trình học tập và thực hiện luận văn.
Đặc biệt, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy giáo PGS.TS. Trần Thái
Học – Người đã trực tiếp tận tình hướng dẫn tôi thực hiện và hoàn thành luận
văn.
Xin cảm ơn những người thân, gia đình và bạn bè đã giúp đỡ, động viên
tôi trong thời gian học tập và thực hiện luận văn.

Đoàn Quốc Phương


MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 3
2.1. Những công trình nghiên cứu liên quan gián tiếp đến đề tài ................. 3
2.2. Những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài.................. 4
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 6
3.1. Đối tượng nhiên cứu............................................................................... 6
3.2. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 6
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 7
5. Đóng góp của luận văn .................................................................................. 7
6. Cấu trúc của luận văn .................................................................................... 8
B. PHẦN NỘI DUNG ........................................................................................... 9
CHƯƠNG 1: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VÀ VĂN XUÔI VIẾT VỀ ĐỀ
TÀI THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH ................................................ 13
1.1. Quan niệm nghệ thuật .............................................................................. 13

1.1.1. Khái niệm về “Quan niệm nghệ thuật” ............................................. 13
1.1.2. Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh .................................. 14
1.2. Văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh ......................... 15
1.2.1. Đề tài thiếu nhi trong văn xuôi Việt Nam đương đại........................ 15
1.2.2. Đề tài thiếu nhi trong văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh ........................... 28
1.3. Văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh trong không gian
văn hóa Việt Nam đương đại
CHƯƠNG 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH NHÌN TỪ NHÂN VẬT, KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT
2.1. Thế giới nhân vật trong văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn Nhật
Ánh .................................................................................................................. 41
2.1.1. Các kiểu nhân vật .............................................................................. 41
2.1.1.1. Thế giới nhân vật phù thủy


2.1.1.2. Thế giới trẻ em bất hạnh đáng thương ............................................ 45
2.1.1.3. Thế giới nhân vật trẻ em được sống đầy đủ, hạnh phúc ................. 48
2.1.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện thiếu nhi của Nguyễn
Nhật Ánh ..................................................................................................... 50
2.1.2.1. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình .................................................... 51
2.1.2.2. Miêu tả nhân vật qua biểu hiện nội tâm ........................................ 54
2.1.2.3. Miêu tả nhân vật qua hành động ................................................... 56
2.2. Không gian nghệ thuật trong văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn
Nhật Ánh ......................................................................................................... 58
2.2.1. Không gian ma quái, kỳ ảo ............................................................... 58
2.2.2. Không gian gia đình .......................................................................... 60
2.2.3. Không gian trường học ..................................................................... 61
2.3. Thời gian nghệ thuật trong văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn
Nhật Ánh ......................................................................................................... 63
2.3.1. Thời gian hiện thực hàng ngày.......................................................... 64
2.3.2. Thời gian hồi tưởng ........................................................................... 65

CHƯƠNG 3: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH –
NHÌN TỪ NGÔN NGỮ, GIỌNG ĐIỆU ........................................................... 68
3.1. Ngôn ngữ văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh .............................................. 68
3.1.1. Ngôn ngữ đối thoại............................................................................ 69
3.1.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm .............................................................. 71
3.2. Giọng điệu văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh ............................................ 73
3.2.1. Giọng điệu tinh nghịch, hóm hỉnh

74

3.2.2. Giọng điệu suy tư, triết lí .................................................................. 76
C. KẾT LUẬN ................................................................................................... 16
D: TÀI LIỆU THAM KHẢO


A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong nghiên cứu văn học, tìm hiểu về phong cách là việc làm luôn
có ý nghĩa thiết thực. Bởi xét đến cùng, lịch sử văn học chính là lịch sử của
những phong cách. Tiến trình văn học, ở một gốc độ nhất định, được đánh dấu
bằng những nhà văn kiệt xuất với phong cách độc đáo của họ. Trong ba cấp độ:
Phong cách thời đại, phong cách tác phẩm, phong cách tác giả; phong cách tác
giả thường được chú ý hơn cả. Thực tế văn học cho thấy, phong cách thời đại và
phong cách nhà văn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phong cách thời đại ảnh
hưởng sâu sắc đến nhà văn và ngược lại, sự độc đáo của phong cách nhà văn sẽ
làm cho văn học thời đại thêm phong phú. Còn phong cách tác phẩm chính là
phong cách của nhà văn thể hiện trong một tác phẩm cụ thể. Vậy phong cách
nghệ thuật là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Phong cách là những đặc điểm có tính chất hệ
thống về tư tưởng nghệ thuật, biểu hiện trong sáng tác của một nghệ sĩ hay

trong các sáng tác nói chung thuộc cùng một thể loại (nói tổng quát). Phong
cách một nhà văn, Phong cách văn học nghệ thuật” [1].
1.2. Theo quan điểm của Lý luận văn học truyền thống, Nhà văn phải có
nghĩa vụ phản ánh hiện thực khách quan như nó tồn tại. Chú trọng miêu tả con
người gắn với hoàn cảnh, tính cách con người bị quy định bởi hoàn cảnh. Với
đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng cảm quan sinh động và cụ thể,
mang dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ; văn học là tấm gương phản chiếu xã
hội, là sản phẩm của sự nhận thức thẩm mỹ của chủ thể sáng tạo. Đối với các
bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, phản ánh hiện thực có nghĩa là tìm kiếm các
giá trị nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ của đời sống, lột trần các dối trá, phơi bày
mọi ung nhọt, xé toạt mọi mặt nạ, là dấn thân vào tiến trình tiến bộ của xã hội.
Các tư tưởng đó đã diễn đạt khá đúng và hay về mối quan hệ giữa văn học và
đời sống lịch sử trên tầm vĩ mô, nghĩa là toàn bộ các sự kiện, nhân vật, tư tưởng,
1


tình cảm thể hiện trong văn học nghệ thuật đều là sự phản ánh của đời sống xã
hội. Cho dù quan niệm phương Đông xưa xem văn học là dùng để nói chí, hoặc
chủ nghĩa lãng mạn phương Tây xem văn học là biểu hiện tình cảm, khát vọng
chủ quan của con người thì cái chí ấy, cái tình cảm ấy cũng đều là phản ánh đời
sống xã hội. Qua đây chúng ta thấy văn học đã đề cao tính hiện thực (tức là tính
nội dung) mà ít quan tâm đến phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Chưa đề
cao vai trò, ý nghĩa của phong cách nghệ thuật.
1.3. Theo quan điểm của Lý luận văn học hiện đại, tác phẩm văn học như
là quá trình không phải là tính hiện thực mà là tính kí hiệu là thuộc tính bản thể.
Theo Ferdinand de Saussure ngôn ngữ là kí hiệu. Văn học sử dụng ngôn ngữ
làm chất liệu nên văn học là kí hiệu và bản chất của văn học là giao tiếp.
Nhìn từ lý thuyết kí hiệu học quá trình văn học gồm hai quá trình: Thứ
nhất đó là quá trình lập mã hay quá trình sáng tác qua đây thể hiện cá tính sáng
tạo của nhà văn; thứ hai là quá trình giải mã hay là quá trình tiếp nhận. Qua đây

ta thấy phong cách nghệ thuật bao gồm phong cách nghệ thuật do nhà văn sáng
tạo và phong cách nghệ thuật do người đọc thiết lập và định vị cho tác giả.
Như vậy, nghiên cứu phong cách nghệ thuật hay cá tính sáng tạo là vấn đề
luôn luôn mang tính chất thời sự.
Nghiên cứu văn học hôm nay đã có những bước đột phá mới mẻ với sự
xuất hiện của nhiều lý thuyết: Thi pháp học, Tự sự học, Kí hiệu học, Chủ nghĩa
hiện sinh, Chủ nghĩa hình thức, Chủ nghĩa hậu hiện đại,… Vì vậy, vấn đề phong
cách – đặc biệt là vấn đề cá tính sáng tạo của nhà văn không bao giờ cũ, nó vẫn
luôn được đề cập đến ở phương diện này hay phương diện khác, bằng cách này
hay cách khác trong lý luận văn học.
1.4. Nguyễn Nhật Ánh cũng chính là tên thật của nhà văn. Anh sinh năm
1955 tại Quảng Nam. Từ năm 1973 sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo học
ngành sư phạm, tốt nghiệp năm 1976. Từng đi Thanh niên xung phong, dạy học
và phụ trách câu lạc bộ thiếu nhi. Từ năm 1986 đến nay là phóng viên báo Sài
Gòn Giải Phóng. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố
2


Tháng Tư, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, 1984 (in chung với Lê Thị Kim).
Truyện dài đầu tiên: Trước vòng chung kết, Nhà xuất bản Măng Non, 1984. Từ
đây nhà văn thiên viết về văn xuôi, chuyên viết về đề tài thanh thiếu niên. Bên
cạnh 5 tập thơ, 30 tập truyện tranh, 12 tập kịch bản phim, anh đã xuất bản
khoảng 100 đầu sách văn xuôi về đề tài thanh thiếu niên, ví như bộ 23 quyển
cho tuổi mới lớn và các bộ nhiều tập khác như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang
biang,… Ngoài ra, anh còn in 3 tập bình luận thể thao và 50 tập tư vấn tình yêu
dưới các bút danh khác. Anh thuộc số người viết có bút lực dồi dào vào bậc nhất
Việt Nam và là người gánh sứ mệnh lịch sử - người giữ lửa cho văn học thiếu
nhi Việt Nam suốt thời kì đổi mới và hội nhập. Năm 2003 được Trung ương
Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương “Vì Thế hệ trẻ”.
Năm 2005 được Thành phố trao danh hiệu “Gương mặt tiêu biểu của Thành phố

trong 30 năm” (1975-2005). Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có lẽ là một trong số rất
ít những nhà văn Việt Nam hiện đại, sống tốt bằng nghề viết của mình.
Qua quá trình tìm hiểu nghiên cứu chúng tôi nhận thấy nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh đã chọn thể loại văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi. Với đề tài này nhà
văn đã tạo được dấu ấn, phong cách riêng cho mình và đã trở thành “hiện tượng
Nguyễn Nhật Ánh”. Và với đề tài này nhà văn đã có sự đóng góp đáng kể cho
nền văn học Việt Nam đương đại ( ở mảng văn học thiếu nhi).
1.5. Với những lí do trên khiến cho đề tài mà chúng tôi lựa chọn là
“Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh”, mang tính thời sự và chứa
đựng các tình huống khoa học.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Những công trình nghiên cứu liên quan gián tiếp đến đề tài
Những vấn đề về phong cách đã được bàn đến trong nhiều công trình của
các tác giả trên thế giới và trong nước. Trên thế giới, có thể kể đến công trình
nổi tiếng như: “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học” của
M.B.Khrachenko; Các công trình của M.Bakhtin: “Lý luận và thi pháp tiểu
thuyết, Những vấn đề thi pháp Đốtxtôiépxki”.
3


Ở trong nước, ngoài Giáo trình lý luận văn học của các tác giả Lê Đình
Kỵ, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hạnh, Hà Minh Đức,… các Cuốn Từ điển văn
học, Từ điển thuật ngữ văn học, Giáo trình về thi pháp học của Giáo sư Trần
Đình Sử phải kể đến các công trình nghiên cứu phong cách nhà văn tiêu biểu
như “Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn”; “Nhà văn – tư tưởng
– phong cách” của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, “Tìm hiểu phong cách Nguyễn
Du trong truyện Kiều” của Phan Ngọc,…
Những năm gần đây, có thêm các chuyên luận nghiên cứu phong cách tác
giả và phong cách thời đại: “Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu”
của Tôn Phương Lan, “Phong cách văn xuôi Nguyễn Khải” của Tuyết Nga,

“Phong cách văn xuôi Thạch Lam” của Nguyễn Thành Thi và “Phong cách thời
đại nhìn từ một thể loại văn học” của Nguyễn Khắc Sính,…
2.2. Những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài
Thành công của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ vì ông viết cho thiếu nhi,
thông qua không gian của tuổi thơ ông viết cho tất cả đối tượng bạn đọc. Trong
một cuộc hội thảo về Nguyễn Nhật Ánh được Trường Đại học sư phạm Hà Nội
và Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học - Nghệ thuật Trẻ em tổ chức năm 2015 tại
Hà Nội, giới nghiên cứu, phê bình văn học đã đánh giá rất cao về Nguyễn Nhật
Ánh. PGS.TS Văn Giá cho rằng: “Nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thiếu nhi e
chừng cái danh xưng ấy trở nên quá chật chội với nhà văn này. Anh là người
viết nhiều, và viết hay. Anh viết cho thiếu nhi, và không chỉ thiếu nhi. Thực ra,
anh viết cho tất thảy người lớn - những người đã từng có một thuở thiếu nhi, và
đang còn giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn. Anh viết cho tất cả. Và anh
thuộc về tất cả”.
GS.TS Lê Huy Bắc thì cho rằng: “Có thể nói, viết truyện thiếu nhi vốn đã
khó nhưng để thành công như Nguyễn Nhật Ánh thì tiềm lực văn hóa có lẽ cần
gấp bội phần khi viết các loại truyện cho những đối tượng khác. Nhà văn chứng
tỏ được điều, thế giới con người dù già hay trẻ cũng đều cần chút “gia vị” tuổi
thơ. Những ai đánh mất tuổi thơ thì không thể tìm thấy được hạnh phúc ở thực
4


tại và tội ác thường có nguồn gốc từ những sai lạc từ tuổi thơ mà không kịp thời
điều chỉnh. Đến đây ta thấy, Nguyễn Nhật Ánh còn là môn đồ xuất sắc của nhà
phân tâm học Sigmund Freud, và những ai trót lỡ đánh mất tuổi thơ thì có thể
quay tìm lại, dẫu đã muộn, trên những trang viết ma mị nhưng thấm đẫm tình
người của ông”.
Vân Thanh, nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi, trên Tạp chí Văn học đã
từng nhận xét: “Truyện của Nguyễn Nhật Ánh có khả năng đi vào lòng người
bởi tình cảm nồng hậu của tác giả đối với các lứa tuổi trẻ thơ mà anh luôn yêu

quý và tôn trọng. Có trái ngược chăng, ở tuổi trưởng thành, Nguyễn Nhật Ánh
đã phải chịu đựng biết bao gian lao, vất vả và cay đắng, nhưng viết về lứa tuổi
này, anh lại không hề đi vào những chua chát, mỉa mai, oán hận đời. Anh luôn
muốn truyền cho các em lòng tin vào cuộc sống và nghị lực vượt mọi khó khăn”.
Lòng tin yêu cuộc sống và nghị lực vượt khó khăn là những đức tính tốt đẹp của
thiếu nhi đã được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh truyền tải qua câu chuyện của
mình một cách gần gũi với thiếu nhi nhất.
Lê Phương Liên trong bài viết Văn xuôi và trẻ em đã nhận xét: “Nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả thành công với bạn đọc trẻ, anh là người có
một “khóe văn” riêng. Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc cũng
không ngoài quy luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ, không ngoài sự tự
phát hiện ra chất hài hước của chính mình”.
Nhà văn Lê Minh Khuê trên báo Tiền Phong đã nhận xét: “Nguyễn Nhật
Ánh trong sáng từ cách nghĩ, cách cảm, từ ngôn ngữ đối thoại, từ cách miêu tả
đến xây dựng nhân vật. Tất cả đều đầy sức khơi gợi tới cái đẹp. Anh khơi dậy sự
tự tin, tin vào sức mạnh của trí tuệ, tin vào con đường của mỗi người trong đời.
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh in hàng chục ngàn bản mỗi cuốn, là sự chờ đợi
háo hức như chờ đợi người “hò hẹn” của các em. Mấy ai được hạnh phúc như
anh”. Nhà văn có một khoảng trời riêng và thực sự làm chủ khoảng đất sáng tạo
của mình đó chính là lý do người đọc háo hức chờ đón tác phẩm mới của
Nguyễn Nhật Ánh”.
5


Qua quá trình thu thập tài liệu, người viết nhận thấy nhà văn Nguyễn Nhật
Ánh đã tạo được một chỗ đứng khá vững chãi trong lòng bạn đọc, đồng nghiệp,
trong nền văn học Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào
đem lại cái nhìn toàn diện về phong cách nghệ thuật nói chung, phong cách văn
xuôi nói riêng của Nguyễn Nhật Ánh. Với lí do đó, trên cơ sở tiếp thu thành quả
của những người đi trước, chúng tôi chọn đề tài “Phong cách nghệ thuật của

Nguyễn Nhật Ánh” với mong muốn làm sáng rõ cá tính sáng tạo của nhà văn ở
mảng văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi, góp phần đem lại một cái nhìn toàn diện
hơn về nhà văn này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nhiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu các phương diện nổi bật trong nội dung,
hình thức ở các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh góp phần làm nên
phong cách của nhà văn.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Để nghiên cứu đề tài này, luận văn tập trung khảo sát những tác phẩm tiêu
biểu của Nguyễn Nhật Ánh như :
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ( truyện dài, 24/10/2010)
Chuyện xứ Lang Biang (Bộ truyện 4 phần, 2004- 2006)
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Truyện, 1/2008)
Tôi là Bêtô (Truyện, 4/4/2007)
Đảo mộng mơ (Truyện, 21/10/2009)
Chú bé rắc rối (Truyện dài, 1989)
Lá nằm trong lá (Truyện dài, 24/09/2011)
Mắt biếc (Truyện, 1990)
Bàn có năm chỗ ngồi (Truyện dài, 1987)
Kính Vạn Hoa (Bộ truyện 54 tập, 1995 – 2002)
Những cô em gái (Truyện dài, 07/05/2000)
Bong bóng lên trời (Truyện dài, 1991)
6


Ngày xưa có một chuyện tình (Truyện dài, 18/09/2016)
Và một số tác phẩm khác.
4. Phương pháp nghiên cứu
Quá trình triển khai nghiên cứu, chúng tôi sử dụng một số phương pháp

và thủ pháp sau đây:
4.1. Phân tích – tổng hợp:
Sử dụng để phân tích tác phẩm trên các phương diện nội dung và hình
thức, nhất là những dẫn chứng minh họa, từ đó tổng hợp, khái quát theo các bình
diện nghiên cứu đề tài.
4.2. So sánh – đối chiếu: (Theo hai hướng: đồng đại và lịch đại)
- Về đồng đại: Để làm rõ những nét nổi bật, độc đáo của phong cách văn
xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, người viết so sánh văn xuôi
Nguyễn Nhật Ánh với thơ, báo chí; văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh với văn xuôi của
các tác giả cùng thời. Qua đó tìm nét tương đồng, nhất là nét khác biệt của nhà
văn.
- Về lịch đại: So sánh, đối chiếu mảng văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh
trên trục thời gian trong hành trình sáng tác để thấy được sự đa dạng mà thống
nhất của phong cách.
4.3. Thống kê – phân loại:
Thống kê các yếu tố thuộc nội dung và hình thức văn xuôi , từ đó phân
loại để chỉ ra dấu ấn phong cách Nguyễn Nhật Ánh.
4.4. Cấu trúc – hệ thống:
Những đặc sắc trong tư tưởng nghệ thuật bao giờ cũng có sự thống nhất
trong chỉnh thể toàn vẹn của nó. Phong cách tác giả là một chỉnh thể và nó biểu
hiện trong sáng tác ở cả hai mặt nội dung và hình thức.
Ngoài ra, chúng tôi còn vận dụng một số lý thuyết liên ngành như: Thi
pháp học, Mỹ học tiếp nhận, Tâm lý học,…
5. Đóng góp của luận văn
5.1. Về mặt lý luận: Luận văn làm rõ biểu hiện phong cách của nhà văn Nguyễn
7


Nhật Ánh trong việc thể hiện quan niệm và sự vận động trong nội hàm khái
niệm phong cách nghệ thuật.

5.2. Về mặt thực tiễn: Luận văn tìm hiểu, phát hiện sự độc đáo của nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh ở mảng văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn được triển khai trong ba
chương:
Chương I: Quan niệm nghệ thuật và văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của
Nguyễn Nhật Ánh
Chương II: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh – nhìn từ nhân
vật, không gian và thời gian nghệ thuật
Chương III: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh - ngôn ngữ,
giọng điệu

8


B. PHẦN NỘI DUNG
Trong đời sống, phong cách được hiểu như những đặc điểm riêng độc đáo
của một người nào đó trong hành vi ứng xử, trong công việc (Phong cách sống,
phong cách làm việc, phong cách công tác,…). Phong cách cũng có thể hiểu như
là cách thức: “Phong cách (style) là cách viết hoặc kể một nội dung nào đó theo
một cách thức (way) đặc biệt”. Có khi phong cách được hiểu như khả năng biểu
hiện nghệ thuật ấn tượng, độc đáo của một nghệ sĩ (Phong cách biểu diễn). Dù là
đặc điểm riêng, cách thức thực hiện hay khả năng biểu hiện nghệ thuật, yếu tố
hạt nhân của phong cách chính là tính độc đáo, mới mẻ cùng những phẩm chất
thẩm mỹ mà chủ đề bộc lộ trong quan hệ với đối tượng.
Trong văn học, “Phong cách là khái niệm dùng để nhận diện một tác giả,
một tác phẩm, một trào lưu hay một khuynh hướng nhất định”. Có nhiều khuynh
hướng nghiên cứu phong cách: Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản, nghiên
cứu phong cách tác giả, phong cách tác phẩm, phong cách tác giả - tác phẩm,…
phổ biến nhất là nghiên cứu phong cách nhà văn (Phong cách tác giả). Với mỗi

tác giả lại có thể vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau: Nghiên
cứu trực tiếp qua thế giới hình tượng nghệ thuật của tác phẩm, nghiên cứu gián
tiếp qua tiểu sử, hoàn cảnh sáng tác,… Bên cạnh đó còn có thể kể đến khuynh
hướng nghiên cứu phong cách của một trào lưu, trường phái, phong cách thời
đại,…
Phong cách là thuật ngữ chung của nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Trong nghiên cứu văn học, thuật ngữ này sớm được quan tâm và vẫn đang là
vấn đề thời sự của lý luận văn học, bởi nghiên cứu văn học từ phương diện nào,
cũng ít nhiều đề cập đến phong cách. Ở phương Tây trong mấy chục năm qua,
tồn tại nhiều cách định nghĩa khác nhau về thuật ngữ này. Theo Khrapchenko:
“Những định nghĩa này xòe như cái nan quạt, giữa sự thừa nhận phong cách là
một phạm trù lịch sử - thẩm mỹ rộng nhất, bao quát và sự nhìn nhận nó như
những đặc điểm của những tác phẩm riêng lẽ” [2].
9


Ở nước ta cũng vậy, có bao nhiêu người nghiên cứu về phong cách có bấy
nhiêu giới thuyết thuật ngữ khác nhau. Nếu Giáo sư Phương Lựu phát biểu khái
quát: “Đặc điểm phẩm chất, bao gồm cả tài đức, cộng với sở trường, sở thích
riêng tạo thành cá tính – hiểu theo nghĩa rộng của từ này – và dẫn đến phong
cách nhà văn. Nhưng phải là cá tính sáng tạo luôn đổi mới” [3], thì Giáo sư Lê
Ngọc Trà lại chú trọng đến hình thức tác phẩm: “Các đặc điểm này có nguồn gốc
trong ý thức nghệ thuật của nhà văn” [4]. Nếu Giáo sư Đỗ Đức Hiểu nhấn mạnh
đến “độ lệch” của ngôn ngữ văn chương: “Phong cách là sự khác biệt (độ lệch)
giữa ngôn từ văn chương và lối nói thông thường” [5], thì Giáo sư Phan Ngọc lại
lưu tâm đến các kiểu lựa chọn: “Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các
kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một cách lịch sử và chứa đựng một giá trị lịch
sử có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại, một tác phẩm hay một
tác giả” [6].
Có lẽ cách định nghĩa được nhiều người tán đồng hơn cả là Từ điển thuật

ngữ văn học của Lê Bá Hán. Phong cách nghệ thuật là “một phạm trù thẩm mỹ,
chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng của các phương
tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của nhà văn,
trong tác phẩm riêng lẽ, trào lưu văn học hay văn hoc dân tộc” [7]. Với ý nghĩa
này, phong cách nghệ thuật bao gồm phong cách thời đại, phong cách của trào
lưu và các dòng văn học, phong cách cá nhân của tác giả.
Phong cách nghệ thuật nhà văn là biểu hiện những đặc điểm cá tính sáng
tạo, là nhận thức và cách nhìn của nhà văn đối với thế giới. Không phải nhà văn
nào cũng có phong cách, “chỉ những nhà văn tài năng, có bản lĩnh mới có được
phong cách riêng độc đáo” [8].
Phong cách nhà văn thể hiện ở nhiều phương diện: Quan niệm nghệ thuật,
tài năng, hình tượng nghệ thuật, thể loại, ngôn ngữ, giọng điệu, có thể nói có bao
nhiêu yếu tố của tác phẩm, có bao nhiêu phương diện thuộc sáng tác thì có bấy
nhiêu dấu ấn của phong cách,… Nhưng “Đặc trưng của phong cách không phải
là bản thân những yếu tố riêng lẽ này hay những yếu tố riêng lẽ khác của hình
10


thức và nội dung mà là tính chất đặc biệt của sự kết hợp giữa chúng” [9]. Cũng
cần lưu ý rằng: Phong cách nhà văn không phải là sự thống nhất giữa các yếu tố,
là những nét riêng độc đáo được “lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm của nhà
văn” [10] mà còn mang tính chất phong phú và đa dạng vì phong cách “không
phải là cuốn sổ tiết kiệm dành cho những món chi tiêu xuất… Nghệ thuật đòi hỏi
một sự chiếm lĩnh liên tục, không thể tách phong cách ra khỏi lao động sáng tác
và tài tăng” [11].
G.N.Poxpelov cho rằng phương pháp sáng tác là những nguyên tắc phản
ánh (yếu tố nội dung), còn phong cách là những nguyên tắc miêu tả, biểu hiện
(yếu tố hình thức). L.Novichenco hiểu phong cách văn học là những đặc thù
trong những tác phẩm của nhà văn, biểu hiện tính chất đặc trưng về nội dung và
hình thức của tác phẩm. Ya.Elxberg định nghĩa phong cách theo mối quan hệ

chặt chẽ giữa hình thức và nội dung: “Phong cách biểu hiện toàn vẹn của hình
thức có tính nội dung, được hình thành trong sự phát triển, trong tác động qua
lại và trong sự tổng hợp các yếu tố của hình thức nghệ thuật, dưới ảnh hưởng
của đối tượng và nội dung tác phẩm… Phong cách đó là sự thống trị của hình
thức nghệ thuật, là sức mạnh tổ chức của nó” [12]. Theo viện sĩ Timopheev,
phong cách “là sự thống nhất các đặc tính nghệ thuật, tư tưởng căn bản (tư
tưởng, chủ đề, tính cách, ngôn ngữ), thể hiện trong suốt quá trình sáng tạo của
nhà văn” [13].
Nhận định về phong cách của tác phẩm văn học, V.Jirmunxki đã nhấn
mạnh mối quan hệ giữa phong cách và thế giới quan nhà văn, mà thế giới quan
đó lại được thể hiện trong những hình tượng bằng các phương tiện ngôn ngữ.
Ông đề xuất nghiên cứu phong cách qua những phương tiện nội dung – hình
thức của tác phẩm.
Không chỉ đề cập đến mối liên hệ giữa các yếu tố nội dung và hình thức
nghệ thuật, Kovalev nâng phong cách lên thành yếu tố thống nhất trong một cấu
trúc chỉnh thể. Ông viết: “Phong cách đó là một sự thống nhất chỉnh thể của
nhà văn… đó là liên hệ qua lại giữa những yếu tố trong hệ thống nghệ thuật của
11


nhà văn, là sự quy định lẫn nhau của các yếu tố đó” [14].
Phong cách là yếu tố vừa mang tính ổn định, bền vững, nhất quán vừa
biến đổi. Tính ổn định giúp định hình phong cách, nhờ đó ta có thể phân biệt nhà
văn này với nhà văn khác. So sánh phong cách với phương pháp sáng tác có thể
thấy rõ hơn điều này. Khi hoàn cảnh lịch sử thay đổi, thế giới quan của nhà văn
cũng thay đổi theo, từ đó dẫn đến sự thay đổi trong quan niệm về đời sống,
phương thức lựa chọn, phản ánh đời sống, phương thức xây dựng hình tượng,…
Mặc dù vậy, phong cách cũng không phải là một yếu tố dĩ thành bất biến.
Nó hình thành bởi tài năng và quá trình lao động không mệt mỏi của nhà văn.
Theo quá trình sáng tác, phong cách cũng dần định hình. Tính ổn định của

phong cách chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ với nhà văn khác, trong mối quan
hệ giữa các tác phẩm của một nhà văn lại phải xét đến tính độc đáo, tính không
lặp lại. Ở đây không chỉ xét đến các yếu tố bề ngoài như đề tài, chủ đề hay nội
dung tư tưởng mà còn phải xét đến các cách thức nhà văn xử lý đề tài đó như thế
nào, thể hiện tư tưởng nghệ thuật tác phẩm đó ra sao, và ngôn ngữ, giọng điệu
cũng là những yếu tố cần được quan tâm.
Với những đặc điểm trên, phong cách nghệ thuật chính là “thước đo nghệ
thuật” [15] để khẳng định vị thế nhà văn trong cuộc đời nhà văn.

12


CHƯƠNG 1:
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VÀ VĂN XUÔI
VIẾT VỀ ĐỀ TÀI THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

1.1. Quan niệm nghệ thuật
1.1.1. Khái niệm về “Quan niệm nghệ thuật”
Cho đến nay khái niệm “Quan niệm nghệ thuật” vẫn chưa được thống
nhất. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, quan niệm nghệ thuật là: “Nguyên tắc cắt
nghĩa về thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó
có khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó”, “Cung cấp một mô
hình nghệ thuật về thế giới có tính chất công cụ để thể hiện cuộc sống”, “Cung
cấp một điểm xuất phát để tìm hiểu nội dung của tác phẩm văn học cụ thể”,
“Cung cấp một cơ sở để nghiên cứu sự phát triển, tiến hóa của văn học” [16].
Còn trong cuốn “Lý luận văn học – Vấn đề và suy nghĩ” của Nguyễn Văn Hạnh
và Huỳnh Như Phương thì cho rằng: “Nói đến quan niệm nghệ thuật là nói đến
ý hướng của nhà văn hướng đến thế giới và con người ngay trong khi sáng tạo
văn học không có ý hướng này thì không thể có tiền đề để biến thế giới của vật –
ta – nó thành thế giới của vật – cho – ta . Cùng với ý hướng đó, nhà văn bộc lộ

thái độ, trình độ nhận thức và cách lý giải của mình đối với thế giới và con
người” [17]. Tuy các tác giả có cách lý giải khác nhau nhưng về cơ bản họ đều
khẳng định tầm quan trọng của quan niệm nghệ thuật trong hoạt động sáng tạo
văn chương.
Trên cơ sở các ý kiến trên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho
rằng: Quan niệm nghệ thuật “thực chất là cái nhìn của nhà văn về thế giới và
con người” [18], cái nhìn đó “thể hiện chiều sâu tư tưởng và sự nhạy bén của
người nghệ sĩ” [19] và biểu hiện qua một hệ thống những quan niệm thể hiện rõ
tư duy nghệ thuật của nhà văn, là hệ quy chiếu của tất cả các yếu tố trong quá
trình sáng tạo của nhà văn như đề tài, chủ đề, kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ, thể
loại,… Đây chính là một trong những yếu tố làm “nền móng, là xương cốt của
13


một thế giới nghệ thuật” [20] và “tầm cỡ của một nhà văn rút cuộc phụ thuộc
vào tầm cỡ tư tưởng của ông ta” [21]. Chính vì vậy, khi nghiên cứu phong cách
nghệ thuật của nhà văn, không thể không đề cập đến quan niệm nghệ thuật của
họ.
1.1.2. Quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh là một người yêu nghề viết văn và đặc biệt là sáng tác
cho thiếu nhi. Lòng yêu nghề được nhà văn coi là một trong những tiêu chí quan
trọng bậc nhất của bất kì nghề nào. Nhà văn sáng tác trước hết là vì đam mê, là
sự thôi thúc của tâm hồn chứ không phải vì mục đích mưu sinh hay mưu cầu
danh tiếng. Nhà văn không đặt cho văn chương những trọng trách quá nặng nề
mà chưa chắc bản thân nhà văn đã gánh hết được bởi tác phẩm có thành công
hay không là do cái tài và cái tâm của nhà văn chứ không phải do ý đồ miễn
cưỡng. Quan niệm như vậy nên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết một cách thong
dong, viết là bước vào một thế giới khác không có sự phiền muộn của đời
thường. Ông cũng đặt tầm quan trọng của bạn đọc – đối tượng tiếp nhận, cảm
thụ, xem xét đó như là một yếu tố trong quá trình sáng tác. Quan niệm về

phương thức tiếp cận đã ảnh hưởng đến quan niệm của nhà văn về việc lựa chọn
kỹ thuật viết. Viết truyện cho trẻ em vốn đòi hỏi một bút pháp giản dị và trong
trẻo.
Những tiêu chí xác định một tác phẩm viết cho thiếu nhi thành công theo
ông không chỉ là số lượng, số lần xuất bản khổng lồ mà ít nhất nó phải đạt hai
yếu tố: “Trẻ em khen hay và phụ huynh khen tốt”. Nghĩa là nó vừa đảm bảo
được tính thẩm mĩ hợp với gu mĩ cảm của trẻ em nhưng vừa phải có ý nghĩa
giáo dục. Nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục
như ông luôn tâm niệm.
Với quan niệm sáng tác rất riêng và độc đáo của mình, Nguyễn Nhật Ánh
đã thực sự chinh phục được đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi vốn rất hồn nhiên và đôi
khi cũng khó chiều. Cho dù đứng trước nhiều loại hình giải trí nghe – nhìn hấp
dẫn khác, truyện của Nguyễn Nhật Ánh vẫn thu hút một khối lượng bạn đọc
14


khổng lồ bởi tài năng, tâm huyết và quan niệm rõ ràng của nhà văn khi viết cho
các em. Sáng tác cho thiếu nhi không chỉ là hạnh phúc của người viết truyện
“được sống lại lần thứ hai tuổi thơ của mình” mà còn là hạnh phúc của trẻ em, là
hạnh phúc của những người đọc lớn tuổi nhớ về tuổi thơ của mình.
1.2. Văn xuôi viết về đề tài thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh
1.2.1. Đề tài thiếu nhi trong văn xuôi Việt Nam đương đại
1.2.1.1. Giai đoạn 1975 – 1985:
Xã hội Việt Nam từ sau cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhất là từ thời kì đổi
mới của đất nước đã bước vào một giai đoạn mới với những thay đổi to lớn và
sâu sắc, toàn diện. Văn học phản ánh xã hội thông qua con mắt nhà văn, vì thế
sự phát triển của văn học tuy có tính độc lập nhưng cũng có mối quan hệ mật
thiết với sự phát triển của xã hội. Nếu ở giai đoạn trước năm 1975, văn học phát
triển trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh nên văn học cũng phải: “Theo
sát nhiệm vụ chính trị, tự ý thức mình như một vũ khí tư tưởng, nó đã tập trung

mọi cố gắng vào việc giáo dục đào tạo, xây dựng con người mới. Phát hiện con
người cộng đồng trong mỗi cá nhân, con người như sản phẩm hoàn hảo của
hiện thực cách mạng là cống hiến của văn học với tư cách một mặt trận tư
tưởng” [22]. Thì sau năm 1975 đất nước được giải phóng, giang sơn thu về một
mối. Với thực tiễn như thế yêu cầu văn học phải có sự thay đổi : “Hoàn cảnh
lịch sử sau 1975 đòi hỏi một kiểu văn học mới. Chủ trương đổi mới tư duy của
Đảng gắn liền với việc coi trọng nhân tố con người. Văn xuôi từ xu hướng lấy
lịch sử làm trung tâm, làm đích quy chiếu chuyển dần sang xu hướng coi con
người làm trung tâm, là đích quy chiếu lịch sử” [23]. Sự đề cao ý thức cá tính
của nhà văn giúp cho việc tìm tòi, khám phá, thể hiện tiếng nói, tư tưởng riêng,
tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sáng tác của các tác giả. Truyện viết cho
thiếu nhi sau 1975 tuy có dòng chảy riêng nhưng cũng không nằm ngoài bức
tranh chung của văn học Việt Nam sau 1975, nhất là văn xuôi Việt Nam ở giai
đoạn này. Quan sát sự vận động của truyện viết cho thiếu nhi sau 1975 cùng với
cách xác định mốc giai đoạn văn học phổ biến hiện nay, có thể chia truyện viết
15


cho thiếu nhi sau 1975 làm hai giai đoạn chính: Giai đoạn 1975-1985 và giai
đoạn 1986 đến nay. Hai giai đoạn này được đánh dấu bằng mốc đại hội Đảng
VI.
Đại hội Đảng VI đã tạo điều kiện “cởi trói” cho các nhà văn cũng như
công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước ta. Tuy nhiên vấn đề đổi mới không
phải diễn ra trong một sớm, một chiều mà sự vận động của nó là cả một quá
trình. Vì thế, việc chia tách cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối. Nhìn một cách
tổng thể, mỗi giai đoạn có những nét đặc trưng riêng nhưng quá trình phát triển
của truyện viết cho thiếu nhi không hoàn toàn đứt đoạn mà nó có sự kế thừa nhất
định những thành tựu của giai đoạn trước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự khởi đầu cho một thời kì mới trong
lịch sử dân tộc ta, đồng thời cũng mở ra một thời kì mới với những biến đổi về

mọi mặt trong đời sống văn học nước nhà. Thành tựu nổi bật của văn học kháng
chiến là sự phát hiện và sáng tạo hình tượng con người quần chúng ở nhiều bình
diện. Truyện viết cho thiếu nhi nói riêng và văn xuôi 1945-1975 nói chung đã có
những đóng góp đáng kể trong việc hình thành và tạo nên diện mạo phong phú
cũng như các giá trị của nền văn học mới trong chặng đường 30 năm đầu tiên.
Những đặc điểm và thành tựu của nó đã để lại dấu ấn đáng ghi nhớ không chỉ
trong giai đoạn lịch sử đương thời mà còn góp phần cho sự phát triển của văn
học Việt Nam từ sau năm 1975.
Văn học trong khoảng thời gian 1975-1985 là giai đoạn trăn trở, tìm tòi.
Nhìn chung vẫn gần với cách tiếp cận cũ, sự tiếp nối này thể hiện rõ nhất là
trong những năm đầu, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc. Phần lớn truyện
vẫn xoay quanh đề tài kháng chiến. Võ Quãng viết “Tảng sáng” vẫn tiếp nối
mạch cảm xúc của “Quê nội”. Đó là cảm hứng ngợi ca quê hương đất nước và
ngợi ca cách mạng. Nhiều tác phẩm được viết trong cảm hứng day dứt về một
thời đạn bom, lớp lớp trẻ em từ thành phố về nông thôn sơ tán cũng phải tự lập,
tự lo toan mọi bề. Những tác phẩm tạo được ấn tượng với người đọc như “Ngôi
nhà trống” của Quang Huy, “Những tia nắng đầu tiên” của Lê Phương Liên,…
16


viết về trẻ em trong những ngày bom đạn ác liệt khá cảm động.
Tuy vẫn tiếp nối, gần gũi với văn học giai đoạn trước năm 1975 nhưng
dần dần truyện viết cho các em đã mở ra những bình diện mới trong cách lí giải
và thể hiện con người. Trong quan hệ với tập thể, con người chủ yếu được nhắc
đến ở phương diện thái độ đối với sự nghiệp chung, ở cái riêng cá nhân trong
quan hệ thống nhất với cái chung. Nhìn vào văn học thiếu nhi ở thể loại văn xuôi
nói riêng, có thể thấy đặc điểm: “Văn xuôi sau 1975 dần dần quan tâm đến con
người ở tư cách cá nhân như một nhân vị độc lập” [24].
Viết về cuộc sống mới khi đất nước hoàn toàn được thống nhất, các nhà
văn chú ý nhiều đến vấn đề đạo đức của con người. Những tác phẩm như: “Tình

thương” của Phạm Hổ, “Bến tàu trong thành phố” của Xuân Quỳnh, “Hành
trình ngày thơ ấu” của Dương Thu Hương,… có thể coi là những tác phẩm mở
đường, đã mạnh dạn phơi bày những tiêu cực của xã hội như nó vốn có với
những cái xấu, cái lạc hậu và sự nhỏ nhen, đố kị của lòng người. Đây là phương
diện mà trước đây người ta còn ngại đề cập đến.
Tác phẩm “Tình thương” của Phạm Hổ đã đưa ra một cái nhìn mới,
mang tính chất khách quan trong mô tả nhân vật. Câu chuyện xoay quanh một
nhóm trẻ hư, lang thang bụi đời được thu gom vào trường Kim Đồng để giáo
dục. Mỗi nhân vật khi bước chân đến đây đều mang theo một hoàn cảnh éo le
đặc biệt, một bản tính riêng. Câu chuyện cho người đọc thấy một điều rằng, con
người ta đôi khi muốn hướng đến cái tốt, cái thiện vẫn chưa chắc trở thành tốt,
thành lương thiện vì một khi bên cạnh họ còn có những kẻ không tốt, quay lưng
lại và chủ tâm ngăn cản con đường hướng thiện của họ thì mong muốn tưởng
chừng như đơn giản ấy cũng trở nên khó khăn vô cùng. Cái triết lí mà tác giả
đưa ra ở đây tưởng như quen thuộc tự bao giờ: Hoàn cảnh gia đình éo le, ngang
trái gần như là nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của trẻ em và để cứu vớt những
tâm hồn tội lỗi ấy thì điều cần thiết nhất là tình yêu thương và thiện chí của con
người.
Đi sâu vào quan tâm tới số phận của các em trong nhiều tình huống và
17


cảnh ngộ là vấn đề mới mẻ thu hút nhiều nhà văn. Nó làm thay đổi cách nhìn
nhận một chiều phiến diện về trẻ em và người lớn mà văn học thiếu nhi trước đó
vẫn thường thể hiện: Người lớn luôn luôn đúng, luôn luôn tốt đẹp. Chỉ người lớn
mới có quyền dạy bảo và tác động đến trẻ em. Bây giờ họ mới thấy rõ một thực
tế không phải như thế. Có nhiều người lớn cũng rất xấu và đôi khi trẻ em cũng
có thể tác động trở lại đối với người lớn. Với tác phẩm “Chú bé có tài mở khóa”
của Nguyễn Quang Thân và “Hành trình ngày thơ ấu” của Dương Thu Hương,
khái niệm “trẻ em hư” đã được xem xét lại, các tác giả không chú tâm vào các

hành động của các em mà điều quan trọng là xuất phát từ nguyên nhân nào mà
dẫn đến những hành động bộc phát đó. Vấn đề đạo đức không còn được quan
niệm và phản ánh một cách xuôi chiều đơn giản mà được phân tích trong đời
sống nội tâm phức tạp. Cô bé Bê trong “Hành trình ngày thơ ấu” vừa ham học,
thông minh vừa nông nổi, vừa mơ mộng vừa thẳng thắn dữ dội. Hùng trong
“Chú bé có tài mở khóa” ham chơi, ngại học , nổi tiếng với chùm chìa khóa vạn
năng đi ăn trộm nhưng lại luôn luôn mủi lòng, thông cảm với nổi bất hạnh của
người khác. Hùng vô cùng thương mẹ, người mẹ bất hạnh đã không đủ sức cho
Hùng một tuổi thơ đủ đầy và êm ấm. Càng đau khổ cho thân phận mình, em
càng day dứt khi tìm thấy trong đống đồ ăn cắp con búp bê – món quà sinh nhật
của bé Liên. Hùng tìm cách vượt qua sự nguy hiểm để trả lại con búp bê cho
Liên và như thế cũng chính là để tìm thấy sự thư thả trong tâm hồn của mình.
Thành công lớn nhất của Dương Thu Hương và Nguyễn Quang Thân
trong hai tác phẩm của mình không chỉ là các tác giả đã đưa vào các tác phẩm
các mặt xấu, mặt tiêu cực của hiện thực đời sống mà còn là ở chỗ nhà văn đã
đưa các em, những con người mới vào chính cuộc đấu tranh hôm nay. Dương
Thu Hương và Nguyễn Quang Thân đã xây dựng thành công các nhân vật không
giống những gương mặt trước đây. Các tác giả đã khám phá ra những tiềm năng
đạo đức xã hội của con người như lòng vị tha, khả năng đồng cảm với người
khác và khát vọng sống hoàn hảo. Cả Bê và Hùng đều mang một khát vọng
muốn được trở thành người tốt, muốn làm những việc tốt nhưng chính sự tha
18


hóa trong đạo đức của một số người lớn đã làm vẩn đục tâm hồn trong sáng thơ
ngây của các em. Với việc xây dựng nhân vật Vũ Thị Bê có phần táo bạo,
Dương Thu Hương có cái lí riêng của mình đó là mong muốn đưa đến cho người
đọc một cuộc sống trong tính đa chiều, muôn mặt như nó vốn có. Chị muốn cho
các em tiếp cận cuộc sống một cách nghiêm ngặt, có mặt phải, mặt trái, giúp các
em sắp bước vào đời thấy được sự phức tạp của cuộc sống, để giúp cho các em

tiếp xúc với thế giới thực, từ đó tránh được những ngỡ ngàng của sự vỡ mộng.
Rõ ràng, ý thức nhìn nhận con người ở nhiều hướng, nhiều chiều đang được các
nhà văn quan tâm.
Đất nước và con người trong hoàn cảnh chiến tranh được nhìn nhận
không còn đơn giản xuôi chiều. Ở giai đoạn trước, trong không khí hừng hực
của cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, văn học nước ta, trong đó có
văn học thiếu nhi, không thể nói nhiều tới những tổn thất và mất mát. Văn học
sống trong bầu không khí chiến tranh, mang cảm hứng chung là ca ngợi cuộc
trường kì kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bao thế hệ trẻ em Việt Nam, với
quá trình thức tỉnh cách mạng, với khát vọng và ý chí chiến đấu đã thấu hiểu sâu
sắc chân lí của thời đại cách mạng. Đây là sự nhận thức sâu sắc và thiêng liêng
của tuổi thơ trong chiến tranh. Việc học hành là cần thiết nhưng khát khao chiến
đấu thì bùng cháy dữ dội, ý thức về Tổ quốc, về trách nhiệm được các em nhận
thức cụ thể và giản dị: “Giải phóng quân mắc đi đánh bot chỉ có giải phóng
quân con ở nhà đây thôi! Con giải phóng quân không biết đầu hàng” [25]. Rõ
ràng, trong nhiệt huyết của cuộc kháng chiến, mối quan tâm lớn nhất và gần duy
nhất của con người là đánh giặc. Văn học cũng không thể nói khác đi những
điều mà cả dân tộc đang quan tâm, trẻ em cũng buộc phải lớn nhanh và già dặn
hơn lứa tuổi của mình là điều tất yếu. Những tác phẩm tiêu biểu lúc ấy như:
“Những đứa con trong gia đình”, “Mẹ vắng nhà” của Nguyễn Thi,… Tuy viết
về gia đình nhưng lại thể hiện một hiện tượng lịch sử đó là quy luật “chuyển
giao thế hệ của người Việt Nam”. Thế hệ trước là những thanh niên mẫu mực
của gia đình về lòng yêu nước, căm thù giặc, sẵn sàng xả thân vì đất nước. Chất
19


anh hùng đã trở thành máu thịt trong con người họ để họ truyền cho con cháu.
Những đứa trẻ đã sục sôi lòng căm thù giặc sâu sắc, dám lăn xả vào gánh vác sự
nghiệp chung của toàn dân tộc đó là đánh đuổi giặc ngoại xâm. Khi cuộc chiến
đấu đã qua đi, những nhà văn đã từng kinh qua cuộc kháng chiến vẫn viết với

những ấn tượng còn nóng hổi nhưng cái nhìn của họ bình tĩnh hơn, suy nghĩ đi
vào chiều sâu số phận con người. Lần đầu tiên truyện viết cho các em đã đề cập
đến sự khốc liệt của cuộc chiến tranh với những tổn thất ghê gớm do chiến tranh
đem lại. Chính vì thế mà số phận trẻ em trong chiến tranh được quan tâm và
thông cảm sâu sắc. Những tác phẩm như: “Cơn giông tuổi thơ” của Thu Bồn,
“Tảng sáng” của Võ Quảng, “Hồi đó ở Sa Kì” của Bùi Minh Quốc, “Tìm gặp
lại anh” của Phạm Hổ, “Cát cháy” của Thanh Quế,… đã dựng lại không khí
chung của đất nước trong suốt một thời kì dài đau thương khói lửa của hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.
Đề tài lịch sử rất phát triển trước 1975 thì đến bây giờ hầu như chững lại.
Các tác giả chuyên viết truyện lịch sử trước đây như Nguyễn Huy Tưởng, Hà
Ân, Lê Vân, An Cương,… thường khai thác lịch sử gắn với các nhân vật anh
hùng và truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tới giai đoạn
này, Tô Hoài mở ra một hướng khai thác mới, hướng khai thác lịch sử gắn với
huyền thoại, phong tục và văn hóa. Những tri thức và bài học lịch sử ở đây
không chỉ gắn với lịch sử chiến đấu mà đã được mở rộng ra cùng khắp thiên
nhiên, làng nước, tạo một thế giới xa xưa, hư ảo thật là mới lạ và hấp dẫn. Đọc
“Đảo hoang”, “Chuyện nỏ thần”, “Nhà chử” của Tô Hoài, người đọc như được
trở về cái nôi văn hóa Đại Việt thuở khai sơn lập địa. Các em không chỉ được
cung cấp những tri thức về truyền thống chống thiên tai, được mở rộng sự hiểu
biết về thiên nhiên từ cái thuở mà con người có thể ăn hoa quả thay cơm, săn thú
làm thức ăn, mài đá, đãi cát lấy vàng làm công cụ lao động, thuần hóa thú dữ,
xây cất nhà cửa,… (Đảo hoang), cái thuở mà thuồng luồng, cá sấu bị vỡ tổ trên
đầu nguồn trôi về dày đặc cả lòng con sông cái,… (Nhà chử). Tác phẩm của Tô
Hoài đã mở ra cho các em một mối quan hệ phong phú và sinh động với thế giới
20


×