Tải bản đầy đủ (.pdf) (88 trang)

Xuất khẩu việt nam năng lực và các yếu tố tác động đến tăng trưởng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (825.28 KB, 88 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------------------

NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG

XUẤT KHẨU VIỆT NAM
NĂNG LỰC VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

TP. Hồ Chí Minh, năm 2011


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------------------------

CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT

NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG

XUẤT KHẨU VIỆT NAM
NĂNG LỰC VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG

Chuyên ngành: Chính sách công
Mã số: 603114

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

Người hướng dẫn khoa học


1. TS. Dwight Perkins
2.Ths. Đinh Vũ Trang Ngân

TP. Hồ Chí Minh, năm 2011


DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU & HÌNH VẼ
BẢNG
Bảng 3.1: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh………….….…13
Bảng 3.2: Tốc độ tăng trưởng của mười thị trường xuất khẩu lớn nhất của mười nhóm mặt
hàng xuất khẩu chủ lực giai đoạn 2004 – 2008…………………………………….………………....15
Bảng 3.3: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các nước giai đoạn 2004 – 2008…………………………...…17
Bảng 4.1: So sánh lợi thế so sánh thể hiện của các sản phẩm chủ lực của Việt Nam (giai đoạn
2004 – 2008) so với các đối thủ……………………………………………………………………..……..…20
Bảng 4.2: Kết quả phân tích theo phương pháp Dịch chuyển - cấu phần cho mười nhóm hàng
xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2004 – 2008……………………….…………….….22
Bảng 4.3: Ma trận phối hợp kết quả tính toán của hai phương pháp: Lợi thế so sánh thể hiện và
Dịch chuyển – cấu phần ………………………………………………………………………...…………………24
HÌNH
Hình 3.1: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giai đoạn 2004–2008……………………….....10
Hình 3.2: Diễn biến của tỷ giá hiệu dụng đồng Việt Nam thực và danh nghĩa……………………......14
Hình 4: Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế so sánh thể hiện năm 2008……...….…19
Hộp 3: Những hạn chế của xuất khẩu Việt Nam năm 2008………………………………………....………......12
PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực năm 2004 – 2008
Phụ lục 2: Vai trò và hạn chế của xuất khẩu Việt Nam
Phụ lục 3: Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới lên xuất khẩu Việt Nam
Phụ lục 4: Lợi thế quốc gia của Việt Nam
Phụ lục 5: Kim ngạch xuất khẩu mười nhóm hàng chủ lực năm 2008 so với đối thủ cạnh tranh
Phụ lục 6: Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế so sánh hiện thị năm 2004

Phụ lục 7: Nguyên nhân những thành công trong xuất khẩu của Việt Nam
Phụ lục 8: Thị trường Hoa Kỳ
Phụ lục 9: Thị trường Nhật
Phụ lục 10: Thị trường Trung Quốc
CÔNG THỨC
Công thức 2.1: Công thức tính lợi thế so sánh thể hiện của hàng hóa xuất khẩu
Công thức 2.2: Công thức tính toán theo phương pháp Dịch chuyển – cấu phần


LỜI CÁM ƠN
Tôi xin được gởi lời cám ơn chân thành đến thầy cô giáo và nhân viên
nhà trường, những người đã trực tiếp giảng dạy, truyền đạt cho tôi những kiến
thức, giúp đỡ, hỗ trợ tôi trong quá trình học tập để hôm nay có thể thực hiện
nghiên cứu này.
Xin cám ơn thầy, cô đã trực tiếp hướng dẫn tôi nghiên cứu, xin cám ơn
gia đình và bạn bè đã động viên và hỗ trợ tôi thực hiện.


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn này hoàn toàn do tôi thực hiện. Các đoạn trích
dẫn và số liệu sử dụng trong luận văn đều được dẫn nguồn và có độ chính xác
cao nhất trong phạm vi hiểu biết của tôi.
Luận văn này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Trường Đại học
Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh hay Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright..

TP.HCM, ngày 10 tháng 7 năm 2011
Tác giả

Nguyễn Nguyên Phương



MỤC LỤC
Chương 1: GIỚI THIỆU ..............................................................................................................1
1.1- Bối cảnh nghiên cứu: ...........................................................................................................1
1.2- Mục đích và câu hỏi nghiên cứu:.........................................................................................1
1.3- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .......................................................................................2
1.4- Số liệu và Phương pháp nghiên cứu: ...................................................................................2
1.5- Điểm mới của nghiên cứu: ..................................................................................................2
1.6- Cấu trúc nghiên cứu:............................................................................................................3
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN ......................................................................................................4
2.1- Giới thiệu một số khái niệm liên quan: ...............................................................................4
2.2- Các nghiên cứu trước:..........................................................................................................4
2.2.1- Phương pháp Lợi thế so sánh thể hiện:.............................................................................5
2.2.2- Phương pháp Dịch chuyển – cấu phần: ............................................................................7
2.3- Khung phân tích: .................................................................................................................8
Chương 3: THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004–2008........9
3.1- Thực trạng xuất khẩu:..........................................................................................................9
3.1.1- Kim ngạch xuất khẩu:.......................................................................................................9
3.1.2- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu:......................................................................10
3.1.3- Cơ cấu ngành hàng xuất khẩu:........................................................................................10
3.2- Các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng xuất khẩu: .............................................................11
3.2.1- Các yếu tố nội sinh: ........................................................................................................11
3.2.1.1- Lợi thế quốc gia:..........................................................................................................11
3.2.1.2- Chính sách xuất khẩu:..................................................................................................12
3.2.2- Các yếu tố ngoại sinh: ....................................................................................................13
3.2.2.1- Thị trường xuất khẩu: ..................................................................................................13
3.2.2.2- Đối thủ cạnh tranh: ......................................................................................................14
3.3- Kết luận chương: ...............................................................................................................16
Chương 4: PHÂN TÍCH LỢI THẾ SO SÁNH VÀ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN
TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004 - 2008..17

4.1- Kết quả phân tích lợi thế so sánh thể hiện của các mặt hàng……………… ……….…………17
4.2- Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu các nhóm mặt hàng
chủ lực của Việt Nam………………………………………………………… ………………..……19
4.2.1- Thị phần quốc gia…………………………………………………………………………………….20
4.2.2- Cơ cấu ngành…………………………………………………………………………………………..21
4.2.3- Thị phần khu vực……………………………………………………………………………………..22
4.3- Phân tích phối hợp các yếu tố tác động đến tăng trưởng xuất khẩu và lợi thế so sánh thể
hiện của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực………………………………………………………….22
4.4- Kết luận chương……………………………………………………………………………………..…..24
Chương 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.................................................................................25
5.1- Kết luận: ............................................................................................................................25
5.2- Gợi ý chính sách: ...............................................................................................................26
5.3- Hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo:..................................................28


TÓM TẮT
Ngoại thương là hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới giữa các
quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động này đã xuất hiện từ rất lâu và đến nay vẫn giữ vai trò hết
sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Việt Nam không là ngoại lệ khi hoạt
động xuất nhập khẩu từ sau thời gian mở cửa hội nhập đã phát triển nhanh chóng và đem lại
nhiều đóng góp tích cực cho kinh tế đất nước. Do đó, ngoại thương, đặc biệt là trong hoạt
động điều hành, quản lý xuất khẩu, đã trở thành mối quan tâm tìm hiểu của nhiều nhà nghiên
cứu và cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua, đem lại nhiều gợi ý, định hướng hữu ích cho
nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu, phân tích thời gian qua đa số đều được
thực hiện trên cơ sở sử dụng phương pháp phân tích thống kê và thống kê mô tả, dẫn đến kết
quả nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan. Với việc ứng dụng thêm hai phương
pháp phân tích khác, phương pháp Lợi thế so sánh thể hiện và Dịch chuyển – cấu phần, tuy
không mới trên thế giới nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, có thể
góp phần hạn chế yếu tố trên.
Hai phương pháp: Lợi thế so sánh thể hiện và Dịch chuyển – cấu phần là hai công cụ

khá hữu hiệu giúp phân tích năng lực xuất khẩu tương đối khách quan. Theo đó, phương pháp
Lợi thế so sánh thể hiện giúp xác định được các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế so sánh và
phương pháp Dịch chuyển – cấu phần là công cụ để bóc tách các cấu phần đã góp phần tác
động lên sự thay đổi như tăng trưởng hoặc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu.
Qua áp dụng hai phương pháp trên, thực hiện tính toán cho mười nhóm mặt hàng xuất
khẩu chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn 2004 – 2008, nghiên cứu đã tìm ra kết quả: xác
định được năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, so với các
quốc gia xuất khẩu trong khu vực. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có thể được chia
thành ba loại chính: có năng lực cạnh tranh, có tiềm năng và loại không có năng lực hoặc tiềm
năng để làm cơ sở phân tích. Ngoài ra, nghiên cứu cũng giúp chỉ ra sự mâu thuẫn trong hoạt
động sản xuất, xuất khẩu của một mặt hàng có lợi thế và tiềm năng nhưng chưa được khai thác
hiệu quả để từ đó làm cơ sở xây dựng giải pháp góp phần hoàn thiện cho hoạt động xuất khẩu
của Việt Nam.

1


CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU
1.1- Bối cảnh nghiên cứu
Sau khi Việt Nam thực hiện bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ vào năm 1995, nền
kinh tế đất nước đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực
xuất khẩu. Số lượng mặt hàng và kim ngạch xuất khẩu liên tục gia tăng. Trong giai đoạn 5
năm 2004 – 2008, kim ngạch xuất khẩu đã nhanh chóng tăng lên gần 2,5 lần từ 26,5 tỷ đô la
Mỹ vào năm 2004 lên 63 tỷ đô la Mỹ trong năm 2008 (Phụ lục 1). Thị trường xuất khẩu được
mở rộng, vị thế của hàng hóa Việt Nam được nâng cao trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao và duy trì liên tục trong nhiều năm đã đóng góp
tích cực vào tăng trưởng kinh tế qua tạo thêm việc làm, giúp tăng thu ngoại tệ, định hướng đầu
tư sản xuất… Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện năng lực cạnh
tranh còn nhiều giới hạn như: thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng; Mặt hàng xuất

khẩu chủ yếu là các sản phẩm sơ cấp, thâm dụng lao động như hàng dệt may, giày dép và thủy
hải sản hoặc các sản phẩm thô, sơ chế như gạo, cà phê, cao su; Các sản phẩm khai thác tài
nguyên thiên nhiên, khoáng sản hoặc các mặt hàng công nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu
nhập khẩu như sản phẩm nhựa, dây và cáp điện… (nghiên cứu của Võ Thanh Thu, 2008).
Theo Jonathan Pincus (2009), sau năm 2008, nền kinh tế thế giới lâm vào khủng
hoảng, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu các nước và Việt Nam. Ảnh hưởng của
khủng hoảng là hết sức nặng nề đối với tăng trưởng kinh tế, qua đó làm nổi rõ hơn những
khiếm khuyết, hạn chế trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (Phụ lục 3), gián tiếp chỉ ra
mức độ năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam còn có nhiều giới hạn. Chính vì
vậy, việc nhìn lại và đánh giá một cách cụ thể, đầy đủ hơn hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
bao gồm năng lực cạnh tranh và các yếu tố tác động đến tăng trưởng để tìm kiếm giải pháp
điều chỉnh và hoàn thiện là hết sức cần thiết, đó cũng là lý do để tác giả lựa chọn và thực hiện
nghiên cứu: “Xuất khẩu Việt Nam – Năng lực và các yếu tố tác động đến tăng trưởng”.
1.2- Mục đích và câu hỏi nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục đích đánh giá thực trạng năng lực xuất khẩu,
đồng thời tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng xuất khẩu cũng như hạn chế
của xuất khẩu Việt Nam những năm qua. Để thực hiện mục tiêu trên, nghiên cứu thực hiện
phân tích lợi thế và các yếu tố tác động đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng


2

chủ lực, qua đó chỉ ra những mặt hàng có lợi thế so sánh, có năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu
cũng hướng đến mục tiêu tìm kiếm, xây dựng các giải pháp để khắc phục những hạn chế và
phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.
Để thực hiện mục tiêu trên, nghiên cứu dự kiến tập trung trả lời ba câu hỏi chính:
• Việt Nam có lợi thế so sánh ở những mặt hàng xuất khẩu nào?
• Yếu tố nào tác động đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu?
• Giải pháp nào giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế so sánh?
1.3- Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Để trả lời các câu hỏi nghiên cứu trên, luận văn chủ yếu tập trung vào nghiên cứu năng
lực cạnh tranh và các yếu tố tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thông qua thực
hiện phân tích mười nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (mặt hàng chủ lực),
chiếm tỷ trọng đến 51,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2008 (Phụ
lục 1).
Nhằm giúp loại trừ bớt những yếu tố tác động đột biến bên ngoài có thể gây ảnh hưởng
làm sai lệch kết quả nghiên cứu, luận văn dự kiến giới hạn phạm vi nghiên cứu trong khoảng
thời gian 5 năm, từ năm 2004 đến năm 2008. Đây là giai đoạn xuất khẩu Việt Nam có tốc độ
tăng trưởng tương đối cao, khá ổn định và tình hình kinh tế thế giới không có nhiều biến động
lớn.
1.4- Số liệu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng bộ số liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Thống kê trong Niên
giám Thống kê Việt Nam các năm 2004 - 2008 và số liệu của Cơ quan Thống kê Liên hiệp
quốc. Số liệu xuất khẩu sử dụng phân loại theo tiêu chuẩn ngoại thương, bản sửa đổi lần 3
(SITC 3) ở cấp độ từ hai đến năm con số. Ở đây, tuy việc sử dụng số liệu với nhiều cấp độ
khác nhau nhưng trong so sánh với các đối thủ cạnh tranh, các mặt hàng ở mỗi cấp độ được sử
dụng nhất quán và không thực hiện tính gộp để tránh kết quả tính trùng. Tiền tệ, thống nhất sử
dụng một loại ngoại tệ là đô la Mỹ làm chuẩn phân tích, đánh giá.
Phương pháp nghiên cứu sử dụng trong luận văn là phương pháp phân tích thống kê
dùng để đánh giá thực trạng, kết hợp sử dụng hai phương pháp: Lợi thế so sánh thể hiện Revealed comparative advantage (RCA) để xác định lợi thế so sánh của các mặt hàng chủ lực
và Dịch chuyển - cấu phần (Shift - Share) nhằm xác định những yếu tố tác động đến tăng
trưởng xuất khẩu.


3

1.5- Điểm mới của nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng thêm hai phương pháp: Lợi thế so sánh thể hiện và Dịch chuyển –
cấu phần để phân tích, qua đó gián tiếp giới thiệu một cách tiếp cận khác trong việc lựa chọn
công cụ phân tích hoạt động xuất khẩu, khác với cách sử dụng thuần túy các phương pháp

phân tích thống kê và thống kê mô tả truyền thống đang được sử dụng khá rộng rãi. Kết quả
nghiên cứu và những đề xuất, khuyến nghị rút ra có thể được sử dụng giúp các nhà nghiên cứu
chuyên môn hoặc các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, đối chiếu, so sánh
với các kết quả nghiên cứu khác, củng cố hoặc phản biện để đạt mục đích cuối cùng là tìm
kiếm và đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hoạt động xuất
khẩu của Việt Nam.
1.6- Cấu trúc nghiên cứu
Kết cấu của nghiên cứu gồm 5 chương với nội dung chủ yếu sau:
Chương 1: Giới thiệu chung về bối cảnh chính sách, mục đích, câu hỏi, đối tượng,
phạm vi và phương pháp nghiên cứu.
Chương 2: Chương Cơ sở lý luận. Chương này chủ yếu trình bày một số khái niệm
quan trọng sử dụng trong nghiên cứu, các mô hình, nghiên cứu trước và đề xuất khung phân
tích.
Chương 3: Tổng quan thực trạng xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2004 – 2008. Nội
dung chương tập trung trình bày tổng quan về thực trạng xuất khẩu Việt Nam, các lợi thế và
yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng xuất khẩu giai đoạn này.
Chương 4: Phân tích lợi thế so sánh và các yếu tố tác động đến tăng trưởng xuất khẩu
các mặt hàng chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2004 – 2008. Chương này trình bày kết quả
phân tích lợi thế so sánh, các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng các mặt hàng chủ lực và kết
quả các phân tích phối hợp các yếu tố trên.
Chương 5: Kết luận và gợi ý chính sách. Chương này đưa ra kết luận của nghiên cứu.
Từ kết quả nghiên cứu, đưa ra gợi ý chính sách, cụ thể hóa bằng các giải pháp nhằm nâng cao
năng lực và hiệu quả hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Cuối cùng là
chỉ ra hạn chế, dự kiến hướng khắc phục và phát triển cho nghiên cứu.


4

CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN

Chương 2 đề cập cơ sở lý thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu thông qua trình
bày các khái niệm, mô hình, nghiên cứu thực nghiệm và cuối cùng là xây dựng khung phân
tích cho đề tài nghiên cứu.
2.1- Giới thiệu một số khái niệm liên quan
Lợi thế tuyệt đối: khái niệm do Adam Smith (1776) đề xuất, theo đó lợi thế tuyệt đối
được sử dụng để chỉ một quốc gia trong tham gia thương mại quốc tế, nhờ lợi thế tự nhiên hay
do nỗ lực tự thân đã có khả năng sản xuất, xuất khẩu một mặt hàng với chi phí thấp hơn so đối
tác thông qua các đặc điểm: giá thành sản xuất thấp hơn, năng xuất lao động cao hơn, chất
lượng các nhân tố đầu vào của sản xuất cao hơn… Với đặc điểm này, khi tham gia vào thương
mại quốc tế, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi cùng trao đổi những mặt hàng mình có lợi thế
tuyệt đối với đối tác (Lê Ngọc Uyển, 2003).
Lợi thế so sánh: khái niệm do David Ricardo (1817) phát triển từ khái niệm lợi thế
tuyệt đối trên cơ sở mở rộng nguyên tắc phân công lao động. Theo đó, “một quốc gia có lợi
thế so sánh trong việc sản xuất một sản phẩm nếu chi phí cơ hội của việc sản xuất sản phẩm
trong quốc gia đó thấp hơn chi phí cơ hội của việc sản xuất sản phẩm đó ở các quốc gia khác”.
Do đó, khi mỗi quốc gia tập trung vào sản xuất các mặt hàng mình có lợi thế so sánh thì việc
trao đổi thương mại vẫn sẽ có lợi ngay cả khi hiệu quả sản xuất các mặt hàng này thấp hơn so
đối tác.
Lợi thế cạnh tranh: theo Michael E. Porter (1990), tác giả lý thuyết về mô hình viên
kim cương, đã đề ra khái niệm lợi thế cạnh tranh của quốc gia trong sản xuất, xuất khẩu hàng
hóa qua phân tích sự tương tác giữa bốn yếu tố: điều kiện các yếu tố sản xuất (cơ sở hạ tầng,
lao động); Các điều kiện cầu (nhu cầu trong nước đối với sản phẩm); Các ngành công nghiệp
phụ trợ và liên quan (có hoặc thiếu những ngành này có khả năng cạnh tranh quốc tế); Chiến
lược công ty, cấu trúc và cạnh tranh nội địa (chính sách quốc gia và cạnh tranh trong nước).
Qua nhắc lại lý thuyết về các khái niệm lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh
tranh cho thấy để có được các lợi thế này cần có sự phối hợp các yếu tố liên quan như: điều
kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, mức độ chuyên môn hóa trong sản xuất, tác
động của yếu tố bên ngoài như thị trường, đối thủ cạnh tranh và cuối cùng là chính sách của



5

nhà nước. Nghiên cứu sẽ thực hiện phân tích các yếu tố liên quan đến các khái niệm trên để
làm cơ sở đánh giá thực trạng, năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
2.2- Các nghiên cứu trước
Hai phương pháp: Lợi thế so sánh thể hiện và Dịch chuyển - cấu phần được sử dụng
tương đối nhiều trên thế giới, trong các nghiên cứu, phân tích về tăng trưởng kinh tế, lao động,
thương mại…
Tại Việt Nam, phương pháp Lợi thế so sánh thể hiện chủ yếu được các nhà nghiên cứu
sử dụng, chưa thấy có ứng dụng trong công tác điều hành, quản lý nhà nước. Riêng phương
pháp Dịch chuyển – cấu phần rất ít thấy được sử dụng. Nghiên cứu của tác giả Vũ Thắng Bình
có sử dụng hai phương pháp trên để đánh giá các yếu tố tác động đến tăng trưởng xuất khẩu và
lợi thế so sánh của tám nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua tác động của ba
yếu tố: thay đổi cầu nhập khẩu thế giới, cơ cấu ngành và lợi thế quốc gia ảnh hưởng lên tăng
trưởng xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 1999 – 2003, đồng thời kết hợp phân tích, đánh giá
lợi thế so sánh thể hiện của các nhóm hàng này, qua đó đề ra khuyến nghị.
Trên thế giới, hai phương pháp nêu trên thường được sử dụng riêng biệt. Các nghiên
cứu của Mustafa Dinc (2002); Kian – Heng Peh and Fot-Chyi Wong (1999)… sử dụng
phương pháp Dịch chuyển - cấu phần để phân tích, lượng hóa các yếu tố ảnh hưởng đến thay
đổi của xuất khẩu (kim ngạch, thị phần). Theo đó, thay đổi xuất khẩu trong một giai đoạn
nghiên cứu bằng tổng thay đổi của ba cấu phần: thị phần quốc gia, cơ cấu ngành và thị phần
khu vực. Từ công thức này, các tác giả đã thực hiện tính toán, phân tích kết quả và đề ra giải
pháp, khuyến nghị đối với hoạt động xuất khẩu thông qua tác động vào ba yếu tố chính trong
công thức. Đối với phương pháp Lợi thế so sánh thể hiện, đã có nhiều nhà nghiên cứu như
Balassa hoặc gần đây là Ian Coxhead sử dụng. Trong nghiên cứu của Ian Coxhead (2006), tác
giả thực hiện so sánh lợi thế so sánh thể hiện của các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc với
năm nước Asean: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines trong giai đoạn
2000 – 2004. Qua đó, tác giả cho biết các mặt hàng xuất khẩu chính có lợi thế so sánh thể hiện
của Trung Quốc và năm nước Asean chủ yếu thuộc về các mặt hàng có lợi thế khai thác tài
nguyên. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ có khả năng tác động tiêu cực đến

xuất khẩu của các nước này.
2.2.1- Phương pháp Lợi thế so sánh thể hiện
Phương pháp xác định lợi thế so sánh thể hiện được giới thiệu bởi Liesner (1958) và
sau này được tác giả Balassa, Giáo sư Kinh tế - chính trị của trường Đại học Hopkins, đưa ra


6

sử dụng từ năm 1965 và được biết đến với tên gọi: “chỉ số Balassa” (Jeroen Hinloopen,
Charles van Marrewijk, 2004). Theo đó, lợi thế so sánh thể hiện của một loại hàng hóa xuất
khẩu phản ánh mức độ chuyên môn hóa và ưu thế tương đối của nền kinh tế quốc gia trong sản
xuất, xuất khẩu mặt hàng này so với mức độ bình quân của thế giới và được tính bởi công
thức:
RCA ij =

x /X
x /X
ij

i

wj

w

(2.1)

Theo công thức trên, lợi thế so sánh thể hiện của một loại mặt hàng xuất khẩu được
tính bằng cách so sánh tỷ trọng xuất khẩu của mặt hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc
gia so với tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này của toàn thế giới trong tổng kim ngạch xuất khẩu

toàn thế giới. Ý nghĩa của hệ số là khi tỷ trọng tương đối trong xuất khẩu mặt hàng của quốc
gia lớn hơn tỷ trọng tương tự của thế giới thì tử số sẽ lớn hơn mẫu số, điều này đồng nghĩa hệ
số RCA > 1, quốc gia được xem là có năng lực và đang chiếm ưu thế tương đối trong xuất
khẩu mặt hàng này so với mặt bằng chung của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu lúc này sẽ được
xem là có lợi thế so sánh thể hiện. Hệ số RCA có giá trị càng cao thì lợi thế này càng cao.
Ngược lại, nếu hệ số RCA < 1 thì mặt hàng không có lợi thế so sánh ( Luca De Benedictis and
Massimo Tamberi, 2011).
Công thức trên cho thấy lợi thế so sánh của sản phẩm xuất khẩu một quốc gia được quy
định bởi bốn yếu tố: kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm, tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia,
kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới sản phẩm này và tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế
giới. Như vậy, với một quốc gia, để nâng cao lợi thế so sánh cho một mặt hàng xuất khẩu thì
giải pháp khả thi quan trọng nhất là nâng cao tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên tổng
kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Trên thực tế, bốn yếu tố nêu trên liên tục thay đổi nên lợi
thế so sánh thể hiện cũng thay đổi theo. Chính vì vậy, hệ số RCA có thể được sử dụng để đánh
giá sự cải thiện trong cơ cấu hàng xuất khẩu của một quốc gia thông qua so sánh thay đổi hệ
số này ở các thời điểm khác nhau hoặc sử dụng để so sánh lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu
tương đồng giữa các nước, tuy nhiên việc so sánh chỉ ở mức độ tương đối do hệ số này chỉ
phản ánh lợi thế so sánh của quá khứ và hiện tại.
Như vậy, lợi thế so sánh thể hiện của một mặt hàng có thể giúp đánh giá được năng lực
xuất khẩu của quốc gia đối với mặt hàng đó một cách tương đối. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng
lợi thế so sánh thể hiện thì chưa thể đánh giá năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu được


7

đầy đủ. Vì vậy, nghiên cứu sử dụng thêm phương pháp Dịch chuyển – cấu phần để phân tích
các yếu tố tác động đến tăng trưởng xuất khẩu, qua đó kết hợp kết quả tính toán tìm ra từ cả
hai phương pháp để làm cơ sở đánh giá năng lực cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu chủ
lực của Việt Nam được đầy đủ hơn.
2.2.2- Phương pháp Dịch chuyển - cấu phần

Phương pháp Dịch chuyển - cấu phần là công cụ phân tích tương đối đơn giản và hữu
dụng. Phương pháp này dựa trên cơ sở kỹ thuật phân rã để tách và xác định nguồn gốc của sự
thay đổi của một yếu tố nào đó, qua đó đánh giá những yếu tố ảnh hưởng lên sự thay đổi của
yếu tố này (tăng trưởng, phát triển hoặc giảm sút) của một quốc gia hoặc của khu vực. Phương
pháp này thường được các nhà kinh tế, kinh tế phát triển, quy hoạch đô thị… sử dụng để phân
tích tăng trưởng trong các lĩnh vực: lao động, du lịch, thu nhập, xuất khẩu… Phương pháp này
được giới thiệu từ năm 1960 và liên tục được cải tiến, mở rộng (Wei Cheng, Jiuping Xu,
2005).
Theo Mustafa Dinc, tổng thay đổi xuất khẩu (tăng trưởng hay giảm sút kim ngạch) của
một quốc gia trong một giai đoạn nhất định (TS) chịu tác động bởi ba yếu tố: thị phần quốc gia
(NS), cơ cấu công nghiệp (IM) và thị phần khu vực (RS) và được tính bằng công thức:
TS = NS + IM + RS (2.2)
Theo đó:
Ảnh hưởng của thị phần quốc gia - NS (National share): dựa trên giả định “nước nổi
thì thuyền nổi” để chỉ ra thay đổi thị phần hoặc kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia tương
ứng với tỉ lệ thay đổi của thị phần hoặc kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới. Cụ thể, khi tổng
kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới tăng sẽ đồng nghĩa cầu nhập khẩu tăng. Do đó, hệ số thị
phần quốc gia NS được xem là sẽ có ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng của mặt hàng xuất
khẩu của một quốc gia khi tăng trưởng tổng xuất khẩu toàn thế giới tăng (tác động +) và ngược
lại (Haynes and Qiangsheng, 1999).
Ảnh hưởng của cơ cấu ngành - IM (Industry Mix): là cấu phần biểu thị cơ cấu ngành
hàng xuất khẩu quốc gia thông qua phân tích tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của thế giới
ở một loại sản phẩm so với tất cả các sản phẩm. Trong trường hợp tốc độ tăng trưởng xuất
khẩu sản phẩm này cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng xuất khẩu toàn thế giới thì quốc gia có
xuất khẩu những mặt hàng này sẽ nhận được tác động tích cực (+) hoặc ngược lại. Hệ số này
vì vậy cũng gián tiếp chỉ ra cầu nhập khẩu mặt hàng này của thế giới cao hoặc thấp. Như vậy,


8


một quốc gia xuất khẩu nhiều sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu
thì càng có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu (Haynes and Qiangsheng, 1999).
Chính vì vậy, để nâng cao năng lực xuất khẩu thì giải pháp liên quan đến yếu tố cơ cấu ngành
là nâng cao tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có hệ số cơ cấu ngành IM dương.
Ảnh hưởng của thị phần khu vực - RS (Regional Share): là cấu phần đo lường sự thay
đổi kim ngạch hay thị phần xuất khẩu một mặt hàng, được quyết định bởi sự khác biệt giữa tốc
độ tăng trưởng hay giảm sút trong xuất khẩu mặt hàng này của quốc gia so với tốc độ tương
ứng của bình quân xuất khẩu mặt hàng này trên phạm vi toàn thế giới. Hệ số thị phần khu vực
RS ngầm chỉ ra nguyên nhân thay đổi là do khác biệt năng lực cạnh tranh của mặt hàng xuất
khẩu quốc gia so với mặt bằng chung của thế giới. Hệ số thị phần khu vực RS dương cũng thể
hiện quốc gia đã khai thác tốt các lợi thế sẵn có của mặt hàng xuất khẩu (Haynes and
Qiangsheng, 1999). Như vậy, tương tự yếu tố cơ cấu ngành, để nâng cao năng lực xuất khẩu
thì giải pháp liên quan đến yếu tố thị phần khu vực là nâng cao tỷ trọng các mặt hàng xuất
khẩu có hệ số thị phần khu vực RS dương.
Như vậy, trong ba yếu tố trên, hệ số thị phần quốc gia NS là cấu phần được quyết định
bởi yếu tố ngoại sinh, phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới, cụ thể là mức độ tăng trưởng
kinh tế. Hai hệ số còn lại: cơ cấu ngành IM và thị phần khu vực RS có vai trò quan trọng hơn
do được quyết định bởi cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, khả năng khai thác năng lực cạnh tranh
của quốc gia. Do đó, để tìm kiếm nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cho xuất khẩu thì các
hệ số cơ cấu ngành IM và thị phần khu vực RS chính là hai yếu tố cần tập trung phân tích và
tác động điều chỉnh.
Căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu, qua rà soát lại nội dung các khái niệm liên quan, các
mô hình và phương pháp nghiên cứu trước, nghiên cứu tiếp tục xây dựng và đưa ra khung
phân tích.
2.3- Khung phân tích
Qua tham khảo các nghiên cứu trước và phân tích các khái niệm liên quan, nghiên cứu
dự kiến xây dựng khung phân tích trên cơ sở trình bày hiện trạng xuất khẩu Việt Nam, thực
hiện phân tích hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến thay đổi tăng trưởng xuất khẩu, đánh
giá sơ bộ năng lực xuất khẩu, tìm ra thế mạnh hoặc hạn chế, năng lực cạnh tranh tương đối của
các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh từ đó đề xuất giải pháp phù

hợp giúp cải thiện, nâng cao năng lực xuất khẩu.


9

Nghiên cứu dự kiến khung phân tích được xây dựng như sau:

Lợi thế
quốc gia

Hiện trạng xuất khẩu
(Tốc độ tăng trưởng, thị trường)

Thị trường
Yếu

Yếu
tố

Lợi thế so sánh

nội

(Lợi thế so sánh thể hiện)

sinh

Các yếu tố tác động đến
tăng trưởng xuất khẩu
(Thị phần, cơ cấu mặt hàng)


Năng lực xuất khẩu
Chính sách
xuất khẩu

tố
ngoại
sinh

Đối thủ
cạnh tranh

Giải pháp nâng cao
năng lực xuất khẩu Việt Nam
Cụ thể, đối với hiện trạng xuất khẩu, nghiên cứu thực hiện mô tả tổng quan thực trạng
xuất khẩu mười nhóm mặt hàng chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2004 – 2008, so sánh với các
mặt hàng xuất khẩu tương đồng của các đối thủ cạnh tranh. Tiếp theo, nghiên cứu sử dụng
phương pháp Lợi thế so sánh thể hiện để tính toán, xác định các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế
so sánh; sử dụng phương pháp Dịch chuyển – cấu phần, xác định các yếu tố tác động đến tăng
trưởng xuất khẩu; sử dụng các kết quả tìm được từ hai phương pháp trên để đánh giá, xác định
năng lực các mặt hàng xuất khẩu so với đối thủ cạnh tranh, từ đó tìm kiểm giải pháp nâng cao
năng lực xuất khẩu, tập trung chủ yếu vào việc nâng cao hiệu quả xuất khẩu các mặt hàng có
lợi thế so sánh.


10

CHƯƠNG 3
TỔNG QUAN THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2004-2008
Chương 3 trình bày tổng quan về thực trạng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn

2004 – 2008. Nội dung gồm giới thiệu và đánh giá thực trạng xuất khẩu các nhóm mặt hàng
chủ lực thông qua phân tích kim ngạch, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, cơ cấu và lợi thế so sánh
của các nhóm mặt hàng này, so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Cuối cùng, trên cơ sở phân
tích, nghiên cứu rút ra kết luận về thực trạng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2004 2008.
3.1- Thực trạng xuất khẩu
3.1.1- Kim ngạch xuất khẩu
Mười nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu năm
2008 đạt 32,4 tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng đến 51,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (Phụ lục 1),
điều này cho thấy cơ cấu mặt hàng có sự tập trung rất cao. Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu
chủ lực vẫn còn thể hiện nhiều hạn chế.
Hình 3.1- Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giai đoạn 2004–2008.
Triệu USD
10000.0
9000.0
8000.0

10 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu 2004-2008

7000.0
6000.0
5000.0
4000.0
3000.0
2000.0
1000.0
0.0
2004

2005


2006

2007

2008

Cà phê

Cao su

Dây điện và cáp điện

Gạo

Giày, dép

Gỗ và sản phẩm gỗ

Hàng dệt, may

Sản phẩm điện tử và máy vi tính

Hàng thủy sản

Nhựa

Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam ( 2010 )
Từ hình 3 trên cho thấy, các mặt hàng chủ lực có thể chia thành 3 nhóm lớn (phụ lục 1):



11

Nhóm 1, gồm các mặt hàng: dệt may (quần áo, vải, sợi), giày dép và thủy hải sản, là
những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn, từ 4,5 tỷ đô la Mỹ trở lên, chiếm tỷ trọng cao
nhất, lên đến 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2008 và có xu hướng tăng trưởng
nhanh trong giai đoạn 2004 - 2008, đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm dệt may.
Nhóm 2 là nhóm các sản phẩm nông, lâm nghiệp, gồm các mặt hàng: gạo, cà phê, cao
su, gỗ; đứng thứ 2 về tỷ trọng và có kim ngạch xuất khẩu trên từng mặt hàng ở mức từ 1 – 3 tỷ
đô la Mỹ. Ngoại trừ mặt hàng gạo, tốc độ tăng trưởng các mặt hàng trong nhóm tương đối
đồng đều và ổn định. Tỷ trọng của nhóm khá cao, chiếm 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của
năm 2008.
Nhóm 3 là nhóm các sản phẩm công nghiệp: hàng điện tử, sản phẩm nhựa và dây cáp
điện. So hai nhóm trước, nhóm này có tỷ trọng nhỏ nhất (7,3%). Tuy nhiên, trong nhóm có
mặt hàng sản phẩm điện tử có kim ngạch xuất khẩu khá cao, đạt 2,6 tỷ đô la Mỹ.
3.1.2- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
So với tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2004 –
2008 (236%), một số sản phẩm chủ lực có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao như: sợi
(581%), hàng điện tử (376%), dây điện (375%), gỗ nguyên liệu (275%), sản phẩm nhựa
(292%). Riêng mặt hàng cáp điện có mức tăng kỷ lục (17.636%) do có xuất phát điểm thấp.
Bốn mặt hàng có tốc độ tăng thấp là: giày dép (79%), thủy hải sản (88%), gỗ nguyên liệu
thành phẩm (69%) và cao su chế biến (52%) (Bảng 3.3).
Nhìn chung, trong giai đoạn 2004 – 2008, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có xu hướng
tăng trưởng nhanh. Cơ cấu thay đổi theo chiều hướng giảm dần so tổng thể. Tuy nhiên, mức
độ thay đổi còn rất nhỏ, giảm từ 54% (năm 2004) xuống còn 51,7% (năm 2008) (Phụ lục 1).
3.1.3- Cơ cấu ngành hàng xuất khẩu (phụ lục 1)
Nhóm 1: chiếm tỷ trọng cao nhất và trong chiều hướng giảm tỷ trọng trong cơ cấu
chung, từ 36% vào năm 2004 xuống còn 29,3% trong năm 2008. Đây là nhóm sử dụng nhiều
lao động, nguyên liệu phụ thuộc nguồn nhập khẩu hoặc dựa trên lợi thế tự nhiên, sản xuất chủ
yếu là gia công nên giá trị gia tăng thấp.
Nhóm 2 gồm: các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, gỗ. Tỷ trọng của nhóm tiếp tục gia

tăng, từ 12% tăng lên 15,1%, trong giai đoạn 2004 – 2008.
Nhóm 3, gồm các sản phẩm công nghiệp, có tỷ trọng tăng từ 6,7% lên 7,3% trong giai
đoạn này. So với hai nhóm trên, đây là nhóm sử dụng ít lao động và có hàm lượng công nghệ
cao.


12

Hộp 3- Những hạn chế của xuất khẩu Việt Nam năm 2008
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng khoáng sản, nông, lâm, thuỷ, hải sản;
các mặt hàng công nghiệp chế biến chủ yếu vẫn mang tính chất gia công; Các mặt hàng xuất
khẩu chưa đa dạng, phong phú, số lượng các mặt hàng xuất khẩu mới có kim ngạch lớn, tốc
độ tăng trưởng nhanh chưa nhiều. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có
mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng các ngành công nghiệp có
mối liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn.
Nguồn: Bộ Công thương ( 2008 )
3.2- Các yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng xuất khẩu
Qua phân tích thực trạng kim ngạch và cơ cấu mười nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực
của Việt Nam trong giai đoạn 2004 – 2008 cho thấy xuất khẩu Việt Nam có mức độ tập trung
khá lớn vào ba nhóm mặt hàng chính. Một phần nguyên nhân đưa đến thực trạng này là do ảnh
hưởng của điều kiện về yếu tố sản xuất (tài nguyên nhân lực và tài nguyên vật chất). Theo
Michael E. Porter (1990), “Một quốc gia sẽ xuất khẩu những hàng hóa nào mà quá trình sản
xuất sử dụng mạnh yếu tố sản xuất nó có nhiều nhất”. Như vậy, thực hiện phân tích các yếu tố
này sẽ giúp làm rõ thêm đặc điểm thực trạng của xuất khẩu việt Nam giai đoạn nghiên cứu,
qua đó sơ bộ đánh giá năng lực cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam giai đoạn này.
3.2.1- Các yếu tố nội sinh
3.2.1.1- Lợi thế quốc gia:
Liên quan đến sản xuất hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, Việt Nam có hai lợi thế
khá nổi bật, mang tính quyết định việc hình thành mặt hàng và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu,
gồm: lợi thế tự nhiên về địa lý và lợi thế về lao động (Võ Thanh Thu, 2008):

Lợi thế địa lý: Việt Nam là quốc gia nằm hoàn toàn trong khu vực nhiệt đới gió mùa,
được thiên nhiên ưu đãi với những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông
sản, cây công nghiệp và thủy hải sản… là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực hiện nay. Cụ thể,
đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt, được phù xa bồi đắp quanh năm,
rất thuận lợi cho trồng lúa và nuôi thủy sản. Các tỉnh miền Đông và Tây Nguyên với đặc điểm
đất đai chủ yếu là đất đỏ Bazan, phù hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp là cao su, cà
phê.


13

Lợi thế lao động: với dân số trên 86 triệu, Việt Nam được xếp loại quốc gia đông dân.
Theo xếp hạng dân số của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới (World
Bank, 2011). Cơ cấu dân số của Việt Nam hiện đang được xem là “cơ cấu vàng” với đa số
trong độ tuổi lao động, tuy nhiên cơ cấu này đang thay đổi nhanh chóng theo hướng già hóa
(Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam, 2009 – 2010). Ngoài ra, Việt Nam còn là quốc gia có
mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tạo ra lợi thế nhân công rẻ trong thời gian qua. Số
liệu xếp hạng quốc gia theo thu nhập bình quân đầu người năm 2009 của Ngân hàng Thế giới
cho thấy thứ hạng của Việt Nam rất thấp, đứng thứ 153 trên tổng số 211 quốc gia và vùng lãnh
thổ, thấp hơn khá nhiều so với các đối thủ cạnh tranh.
Bảng 3.1- Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh
Đơn vị tính: đô la Mỹ
Số
TT
1

Quốc gia

Xếp hạng/211 quốc gia


Malaysia

70

Thu nhập
bình quân đầu người
8.212

2

Thái Lan

105

4.043

3

Trung Quốc

111

3.414

4

Indonesia

129


2.245

5

Philippines

134

1.844

6

Việt Nam

153

1.047

Nguồn: Ngân hàng thế giới (2011)
3.2.1.2- Chính sách xuất khẩu
Về tổng quát, chính sách xuất nhập khẩu Việt Nam thể hiện rõ xu hướng ưu tiên xuất
khẩu. Tuy nhiên, ở mức độ giới hạn, đa số các vấn đề định hướng ưu tiên cho xuất khẩu chủ
yếu chỉ mới dừng lại ở chính sách thuế với những quy định hết sức cụ thể và khá đơn giản mà
chưa triển khai được các hình thức hỗ trợ khác qua các công cụ tỷ giá hay hàng rào kỹ thuật
trong bảo hộ mậu dịch. Các vấn đề ưu tiên thể hiện cụ thể qua các quy định ưu đãi như: hầu
hết các mặt hàng xuất khẩu có thuế suất bằng không; miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu phục
vụ sản xuất xuất khẩu; ưu đãi đầu tư các dự án sản xuất hàng xuất khẩu (Đinh Công Khải,
2010)… nhưng trên thực tế, đối với từng mặt hàng, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà
nước đến nay chỉ mới đề ra được các Đề án, Chiến lược, Quy hoạch… đối với các sản phẩm



14

xuất khẩu truyền thống là các mặt hàng trong nhóm 1 và 2 như: dệt may, da giày, thủy hải sản,
gạo, cà phê… do đó thế mạnh chính của xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ dựa trên những
sản phẩm này.
Về vấn đề tỷ giá, chính sách tỷ giá của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua được quy
định theo cách thức neo cứng tỷ giá đồng Việt Nam vào đô la Mỹ (Báo cáo cuối cùng, Mutrap
II, 2008).
Hình 3.2- Diễn biến của tỷ giá hiệu dụng đồng Việt Nam thực và danh nghĩa

Nguồn: trích Báo cáo cuối cùng, Dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên giai đoạn II
Qua hình 3.2 cho thấy, khác với các giai đoạn trước khi đồng Việt Nam được định giá
thấp, trong giai đoạn các năm 2004 – 2008, tỷ giá danh nghĩa ngày càng vượt xa tỷ giá thực
hiệu dụng, điều này chỉ ra xuất khẩu sẽ gặp nhiều bất lợi do giá trị thực đồng Việt Nam đang
ngày càng tăng. Đến năm 2008, khoảng cách này gia tăng rất lớn làm cho xuất khẩu Việt Nam
thực sự bất lợi, dẫn đến kết quả mức thâm hụt cán cân thương mại liên tục tăng lên và đạt mức
cao nhất trong năm 2008.
Về các công cụ bảo hộ, cho tới trước thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức
Thương mại thế giới WTO vào năm 2007, các công cụ bảo hộ mậu dịch chính vẫn được thực
hiện dưới các quy định về thuế xuất nhập khẩu và tài trợ xuất khẩu thông qua hình thức
thưởng xuất khẩu.


15

3.2.2- Các yếu tố ngoại sinh
3.2.2.1- Thị trường xuất khẩu
Bảng 3.2- Tốc độ tăng trưởng của mười thị trường xuất khẩu lớn nhất của mười nhóm
mặt hàng xuất khẩu chủ lực giai đoạn 2004 – 2008

Đơn vị tính: tỷ đô la Mỹ
Số
TT

Thị trường

1

Hoa Kỳ

2

Kim ngạch
nhập khẩu
2004

Kim ngạch
nhập khẩu
2008

Tốc độ
(%)

5

11,9

137

Nhật


3,5

8,5

139

3

Trung Quốc

2,9

4,9

67

4

Úc

1,9

4,4

131

5

Singapore


1,5

2,7

83

6

Đức

1,1

2,1

95

7

Malaysia

0,6

2

225

8

Anh


1

1,6

56

9

Hàn Quốc

0,6

1,8

195

10

Hà Lan

0,6

1,6

171

Nguồn: Cơ quan Thống kê Liên hiệp quốc ( 2011 )
Qua bảng trên cho thấy, tính tới thời điểm năm 2008, thị trường xuất khẩu lớn nhất của
các mặt hàng chủ lực của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nước: Hoa Kỳ, Nhật, Trung

Quốc, Úc, Singapore, Đức, Malaysia, Anh, Hàn Quốc và Hà Lan. Trong đó, ba quốc gia đầu
cũng chính là ba thị trường nhập khẩu số lượng lớn hầu hết các mặt hàng chủ lực với kim
ngạch của mỗi thị trường năm 2008 từ mức 5 tỷ đô la Mỹ lên đến 12 tỷ đô la Mỹ.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của các mặt hàng thuộc cả ba nhóm 1, 2 và 3.
Ngoại trừ hai mặt hàng gạo và cáp điện, 16/18 mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã được xuất
khẩu vào thị trường này. Trong đó, đứng đầu là các mặt hàng quần áo, giày dép, gỗ nguyên
liệu thành phẩm, đồ gỗ, sản phẩm điện tử và đứng thứ hai, ba về các mặt hàng: thủy hải sản,
sợi, vải, gỗ nguyên liệu, sản phẩm máy tính, cà phê, cao su chế biến, nhựa thành phẩm và dây
điện (Phụ lục 8).
Nhật là thị trường của 17/18 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ( trừ mặt hàng


16

cáp điện ) và là thị trường lớn nhất của các sản phẩm thuộc hai nhóm 1 và 3 gồm: vải, thủy hải
sản, sản phẩm máy tính, mặt hàng nhựa các loại. Nhật cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai
và thứ ba của các mặt hàng: quần áo, đồ gỗ các loại, sản phẩm điện tử, cao su chế biến và dây
điện (Phụ lục 9).
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của các mặt hàng thuộc nhóm 2: sợi, gỗ nguyên liệu,
cao su thô và chế biến, tuy nhiên chỉ có 12/18 sản phẩm chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu
vào thị trường này (Phụ lục 10).
Như vậy, có thể thấy thị trường xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam có tỉ
lệ tập trung cao vào ba thị trường Hoa Kỳ, Nhật và Trung Quốc. Trong đó, thị trường Trung
Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng nguyên liệu thô, Hoa Kỳ và Nhật lại là thị
trường tiêu dùng.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường cũng cho thấy có sự tập trung cao, các
thị trường có tỷ trọng lớn như: Nhật, Hoa Kỳ vẫn được tiếp tục khai thác mạnh với tốc độ
tương đối cao so các thị trường khác. Tuy nhiên, với thị trường Trung Quốc, tốc độ tăng khá
thấp, chỉ ở mức 67% (Bảng 3.2).
3.2.2.2- Đối thủ cạnh tranh

Trên cơ sở so sánh sự tương đồng về lợi thế địa lý, thiên nhiên như: cùng là các nước
nông nghiệp trong khu vực, có cảng biển và hàng không quốc tế; mức độ phát triển kinh tế
không quá chênh lệch và đều xuất khẩu các mặt hàng cùng loại với mười nhóm mặt hàng xuất
khẩu chủ lực của Việt Nam để từ đó có thể chọn ra những quốc gia là đối thủ cạnh tranh thời
gian qua, hiện nay và trong tương lai trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là:
Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Số liệu thống kê năm 2008 của Cơ
quan Thống kê Liên hiệp quốc cho thấy các quốc gia này đều có xuất khẩu với số lượng lớn
các mặt hàng thuộc mười nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (Phụ lục 5).
So với các đối thủ, về giá trị tuyệt đối, đa số các mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch
xuất khẩu thấp hơn hoặc chỉ xấp xỉ bằng. Việt Nam chỉ có duy nhất mặt hàng cà phê có kim
ngạch xuất khẩu đứng đầu. Hai mặt hàng đứng thứ hai là gạo (2,9 tỷ đô la Mỹ) sau Thái Lan
(6,1 tỷ đô la Mỹ) và giày dép (4,9 tỷ đô la Mỹ) sau Trung Quốc (29,7 tỷ đô la Mỹ). Các mặt
hàng có thế mạnh khác của Việt Nam như: cao su, đồ gỗ và thủy hải sản, kim ngạch xuất khẩu
vẫn thấp hơn Thái Lan, Indonesia và Malaysia (Phụ lục 5).
So sánh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam với đối
thủ cạnh tranh, kết quả cho thấy:


17

Bảng 3.3- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các nước giai đoạn 2004 – 2008
Số
TT

Mặt hàng

Việt
Nam
(%)


Trung
Quốc
(%)

Thái
Lan
(%)

Malaysia
(%)

Indonesia
(%)

Philippines
(%)

1

Sợi

581

116

11

72

126


41

2

Vải

144

96

25

26

17

-24

3

Quần áo

105

95

6

55


41

-8

4

Giày dép

79

95

26

-16

43

-11

5

Thủy hải sản

88

52

61


34

45

54

6

Gỗ nguyên liệu

275

91

25

20

16

4

7

Gỗ nguyên liệu chế biến

69

85


47

8

-17

540

8

Đồ gỗ

169

152

2

42

15

-25

9

SP điện tử

376


136

16

-9

4

-6

10

Máy vi tính

122

158

33

-36

49

3

11

Cà phê


229

138

151

102

249

-58

12

Gạo

205

107

127

-47

89

860

13


Cao su thô

227

151

98

81

176

47

14

Cao su chế biến

52

213

168

209

93

239


15

Nhựa

209

232

87

94

62

5

16

Nhựa thành phẩm

292

75

93

87

50


38

17

Dây điện

375

309

152

150

535

395

18

Cáp điện

17.636

157

175

145


343

214

Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu của Cơ quan Thống kê Liên hiệp quốc ( 2010 )
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam nhìn
chung tương đối cao, tương đương Trung Quốc và có sự vượt trội so các đối thủ còn lại. Một
số mặt hàng tuy không tăng đột biến nhưng vẫn có tốc độ rất cao, vượt khá xa so các đối thủ
như: dệt may, cao su thô, nhựa thành phẩm và sản phẩm điện tử. Riêng mặt hàng cao su chế
biến có tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ đạt 52%, so Indonesia tăng thấp nhất (93%), Philippines
cao nhất (239%), Trung Quốc (213%)…
3.3- Kết luận chương
Từ kết quả phân tích kim ngạch, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và qua
so sánh với các đối thủ cạnh tranh cho thấy thực trạng của xuất khẩu Việt Nam giai đoạn 2004
– 2008 có những đặc điểm chính như sau:


18

Xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm
khai thác lợi thế tự nhiên và lao động sẵn có. Tuy nhiên, các lợi thế này hoàn toàn có thể thay
đổi nhanh chóng do tài nguyên thiên nhiên có giới hạn và lực lượng lao động Việt Nam có tốc
độ già hóa cao.
Thị trường xuất khẩu cũng khá tập trung, chủ yếu là bốn thị trường: Mỹ, Nhật, Trung
Quốc và Úc.
Xuất khẩu còn nhiều hạn chế so với đối thủ. Cụ thể: giá trị tuyệt đối của kim ngạch
xuất khẩu thấp; giá trị gia tăng thấp; cơ cấu ngành hàng duy trì lâu trong tình trạng khá bất lợi,
các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và chủ yếu còn ở dạng sản phẩm thô, sơ chế, sản
xuất thâm dụng lao động.



×