CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ VÀ
SỰ CẦN THIẾT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG THUỶ SẢN
VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG EU
1.1. Cơ sở lý luận chung về xuất khẩu hàng hóa
1.1.1. Khái niệm và vai trò của xuất khẩu hàng hóa
* Khái niệm về xuất khẩu
Hoạt động xuất khẩu là một hoạt động ngoại thương của một quốc gia,
trong đó có sự di chuyển hàng hóa và dịch vụ sang quốc gia khác để bán.
* Vai trò của xuất khẩu hàng hóa
- Xuất khẩu tạo ra nguồn vốn quan trọng để thỏa mãn nhu cầu nhập khẩu
và tích lũy phát triển sản xuất
Hoạt động xuất khẩu kích thích cho các ngành kinh tế phát triển, góp phần
tăng tích lũy vốn, mở rộng sản xuất,tăng thu nhập cho nền kinh tế... Ngoại tệ thu
được từ xuất khẩu sẽ là nguồn vốn quan trọng để mua máy móc, thiết bị, công
nghệ... phục vụ cho sản xuất, cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất
nước. Đồng thời đây cũng là nguồn dự trữ ngoại tệ quan trọng, là điều kiện cần
thiết để giúp cho quá trình ổn định nội tệ và chống lạm phát.
- Xuất khẩu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Xuất khẩu tạo ra khả năng cung cấp đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng
lực sản xuất trong nước. Xuất khẩu tạo ra những tiền đề kinh tế nhằm cải tạo
nâng cao năng lực sản xuất, từ đó sản xuất thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao
hơn góp phần cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Ngoài ra, để hàng xuất khẩu
cạnh tranh được với thị trường về giá cả và chất lượng đòi hỏi phải tổ chức lại
sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất luôn thích ứng được với thay đổi của thị
trường. Do đó xuất khẩu giúp cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển kéo
theo sự phát triển nền kinh tế của đất nước.
- Xuất khẩu đóng vai trò kích thích đổi mới trang thiết bị và công nghiệp
sản xuất
- Xuất khẩu có vai trò chủ yếu cho nhập khẩu công nghệ, máy móc và
những nguyên vật liệu cần thiết phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện
đại hóa đất nước.
- Xuất khẩu được đẩy mạnh sẽ tác động đến sự thay đổi cơ cấu kinh tế
ngành theo hướng sử dụng có hiệu quả nhất lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh
của đất nước
Theo lý thuyết thương mại thì các quốc gia nên tập trung chuyên môn hóa
sản xuất những sản phẩm mình có lợi thế sau đó trao đổi với quốc gia khác. Sau
đó xuất khẩu lại có vai trò tác động trở lại làm sức cạnh tranh của hàng hóa
được nâng lên, tăng trưởng kinh tế trở nên ổn định và bền vững và hơn nhờ các
nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn.
- Xuất khẩu làm cho sản phẩm sản xuất của một quốc gia sẽ tăng thông qua
việc mở rộng thị trường tiêu thụ ra thị trường thế giới.
Hoạt động sản xuất của quốc gia phát triển không những đáp ứng được nhu
cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài các mặt hàng mà quốc gia đó có
lợi thế. Ngoài ra, các ngành sản xuất hàng xuất khẩu tạo điều kiện cho ngành
khác có cơ hội phát triển thuận lợi như là các ngành cung cấp nguyên liệu đầu
vào, ngành công nghiệp chế tạo thiết bị, ngành công nghiệp phụ trợ hàng xuất
khẩu. Như vậy, các sản phẩm sản xuất của quốc gia sẽ tăng lên nhờ hoạt động
xuất khẩu.
- Đẩy mạnh xuất khẩu sẽ có tác động tích cực đến việc nâng cao mức sống
của nhân dân, giải quyết vấn đề việc làm.
Khi sản xuất phát triển, nhiều sản phẩm được xuất khẩu, quy mô sản xuất
tăng lên, thu hút nhiều yếu tố đầu vào hơn trong đó có yếu tố lao động. Người
lao động có việc làm nên có thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Xuất khẩu
còn tạo ra nguồn vốn để nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống
và đáp ứng ngày càng phong phú nhu cầu của người dân. Họ có cơ hội để lựa
chọn đa dạng sản phẩm, tiếp cận những sản phẩm tốt, chất lượng cao. Đồng
thời, xuất khẩu còn tác động tích cực đến trình độ tay nghề của người sản xuất
và thay đổi thói quen tiêu dùng.
- Đẩy mạnh xuất khẩu có vai trò tăng cường sự hợp tác quốc tế giữa các
nhà nước, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Quan hệ ngoại giao là cơ sở cho các hoạt động thương mại phát triển trong
đó có xuất khẩu. Khi các quan hệ thương mại phát triển thì việc xuất khẩu sản
phẩm ra thị trường quốc tế gắn liền với nó là xuất xứ của sản phẩm. Sản phẩm
xuất khẩu ngày càng phát triển thì vị trí của quốc gia đó trên trường quốc tế
ngày càng được nâng cao. Mỗi bước phát triển của sản phẩm xuất khẩu là một
bước tăng cường địa vị kinh tế của quốc gia đó.
1.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa
* Yếu tố về vốn
Vốn là yếu tố vô cùng quan trọng mà bất cứ hoạt động sản xuất kinh doanh
nào cũng cần phải có. Vốn dùng để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho sản
xuất, mua nguyên liệu đầu vào, thuê nhân công...Vốn có thể là từ nguồn vốn
chủ sở hữu, vốn góp của các cổ đông, vốn vay từ ngân hàng, các tổ chức tín
dụng, từ các nguồn khác...
* Yếu tố lao động
Lao động là yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động sản xuất. Lao
động phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu thủy sản đòi hỏi trình độ
không quá cao trong đánh bắt thủy sản. Trong nuôi trồng, chế biến, kiểm tra
chất lượng hàng thủy sản đòi hỏi trình độ cao hơn. Nguồn nhân lực nước ta dồi
dào, đa số các ngư dân có tay nghề trên ngư trường.
* Yếu tố nguyên liệu
Nguyên liệu cũng là một trong những yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng
trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu nói chung và hoạt động sản xuất hàng
thủy sản xuất khẩu nói riêng. Nguyên liệu cho hàng thủy sản phải tươi, đảm bảo
về chất lượng cao vì nhiều thị trường rất khắt khe trong vấn đề kiểm tra. Nguồn
nguyên liệu có thể đánh bắt ngoài biển hoặc do ngư dân nuôi trồng.
* Yếu tố kinh tế
Muốn xuất khẩu được thì phải có người tiêu dùng hay còn gọi là sức mua.
Sức mua lại này lại ảnh hưởng bởi các thông số kinh tế như thu nhập, chi phí
sinh hoạt, lãi suất và kết cấu tiết kiệm của một quốc gia. Một yếu tố cơ bản
được phản ánh kích thước của thị trường tiềm năng đó là dân số, quan trọng hơn
là so sánh tốc độ tăng GNP với tốc độ tăng dân số để dự đoán khả năng mở rộng
thị trường của quốc gia đó. Đồng thời các nhà nghiên cứu thị trường nước ngoài
còn phải chú ý đến mức phân phối theo tuổi, mật độ, sự phân bố, đặc tính phân
phối thu nhập.
Tùy vào trình độ phát triển của quốc gia mà hoạt động xuất khẩu phát triển
mạnh hay không. Những quốc gia mà nền kinh tế chỉ đáp ứng nhu cầu của
người dân để tồn tại thì cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của các công ty ít. Còn
các quốc gia thường xuất khẩu nguyên liệu thô, có nền kinh tế đang công nghiệp
hóa hay đang công nghiệp sẽ tạo điều kiện triển vọng, mở ra nhiều thời cơ cho
các công ty kinh doanh quốc tế. Do vậy, những nhà xuất khẩu này có thể dự
đoán tình hình thị trường quốc tế sẽ giúp họ giảm được những chi phí không
đáng có và vượt qua được những biến động kinh tế.
* Môi trường văn hóa- xã hội
Đây là môi trường hình thành các niềm tin cơ bản, các giá trị và những tiêu
chuẩn, đồng thời đây cũng là nơi xác định mối quan hệ giữa người với người.
Các đặc tính văn hóa ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh quốc tế ở những
khía cạnh sau:
- Tính bền vững của những giá trị văn hóa cốt lõi: Người dân trong bất cứ
một xã hội nào cũng lưu giữ một số giá trị và niềm tin, chúng mang tính bất di
bất dịch khá cao. Do đó các nhà xuất khẩu khi xuất khẩu phải lựa chọn các mặt
hàng phù hợp với họ, phải thích nghi hóa. Còn để tiêu chuẩn hóa thì đòi hỏi rất
cao về mặt sản phẩm cũng như tài chính của công ty để thay đổi họ.
- Các tiểu văn hóa và sự biến chuyển trong các giá trị văn hóa thứ cấp: Tùy
từng nơi mà có thể theo tôn giáo, phật giáo... Những ngôn ngữ khác nhau trong
cùng một quốc gia sẽ dẫn tới những bản sắc văn hóa của từng dân tộc và những
phong tục tập quán khác nhau. Mặc dù các giá trị văn hóa khá bền vững, những
biến đổi văn hóa cũng có thể xảy ra do đó nhà xuất khẩu phải phán đoán những
thay đổi sẽ xảy ra để chọn những tiểu văn hóa làm thị trường trọng điểm của
mình.
* Môi trường chính trị - pháp luật
Môi trường này có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn mặt hàng và thị
trường xuất khẩu. Nếu nhà xuất khẩu sang một thị trường mà chính trị đầy biến
động thì nhà xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều rủi ro về vận chuyển, thanh toán... Vì
vậy các nhà xuất khẩu thường chọn thị trường có môi trường chính trị ổn định.
Môi trường pháp lý cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu
nên nhà xuất khẩu quan tâm không chỉ là pháp luật ở nước mình mà còn pháp
luật ở nước xuất khẩu đến. Có pháp luật nước nhập khẩu quy định những mặt
hàng nào được và không được xuất khẩu (nước đến là nước nhập khẩu) và có
những quy định gì về vệ sinh an toàn hay không, những mặt hàng nào phải xin
phép, môi trường pháp lý có ổn định không, thuận lợi không,...
Đặc biệt là định hướng xuất khẩu và các công cụ quản lý xuất khẩu của
nhà nước. Nhà xuất khẩu cần phải nghiên cứu yếu tố này, vì nó ảnh hưởng trực
tiếp đến lợi ích nhà xuất khẩu. Nhà xuất khẩu sẽ biết được mặt hàng nào được
ưu tiên hay không được ưu tiên. Những mặt hàng nào nằm trong định hướng
xuất khẩu sẽ được chính phủ tạo điều kiện thuận lợi hơn, hay những thị trường
mà chính phủ đang coi là cần phát triển, mở rộng thì có những ưu đãi đặc biệt
thông qua những công cụ quản lý xuất khẩu của nhà nước. Các công cụ biện
pháp mà các nước thường sử dụng là:
- Thuế xuất khẩu là một loại thuế đánh vào mỗi đơn vị hàng hóa xuất khẩu
của mỗi quốc gia. Do vậy loại thuế này có tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa
xuất khẩu và ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
xuất khẩu. Vì thế mà các doanh nghiệp quan tâm đến loại thuế này. Thuế quan
là một loại công cụ quan trọng mà chính phủ dùng để khuyến khích hay hạn chế
nhập khẩu.
- Công cụ phi thuế quan
Cũng giống như công cụ thuế, công cụ phi thuế quan là một trong những
công cụ quan trọng mà chính phủ dùng để khuyến khích hay hạn chế xuất khẩu,
nhập khẩu.
+ Hạn nghạch
Là những quy định của nhà nước về số lượng cao nhất của một mặt hàng
hay một nhóm hàng được phép xuất khẩu hay nhập khẩu từ một thị trường trong
một thời gian nhất định thông qua hình thức giấy phép.
Công cụ này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhà
xuất khẩu. Vì khi nước xuất khẩu đưa ra số lượng hàng hóa đươc xuất khẩu hay
nước nhập khẩu đưa ra hạn nghạch nhập khẩu thì đều làm hạn chế hàng hóa
xuất khẩu.