Tham luận về phương pháp tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ
Đại hội công đoàn TT, thứ 4, ngày 03/11/2010
Kính thưa đoàn chủ tịch, kính thưa quý vị đại biểu, thưa toàn thể đại hội.
Trước hết tôi xin được trân trọng cảm ơn ban chấp hành công đoàn TT nhiệm kì 2008
– 2010 đã tạo điều kiện cho tôi được phát biểu ý kiến của mình. Tham dự đại hội, là
một công đoàn viên của TT, tôi xin được bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với báo
cáo tổng kết và phương hướng nhiệm vụ mà đoàn chủ tịch vừa thông qua. Về phần
mình, tôi cũng xin được mạnh dạn có một số bàn luận về vấn đề tự học tự rèn để
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên trong quá trình tham gia giảng
dạy. Đây là vấn đề đã nói nhiều lần, luôn được đề cập ở nhiều diễn đàn nhưng vẫn
không hề cũ.
Là một giáo viên giảng dạy môn văn học, lại được giao phụ trách công tác
đoàn thanh niên, tôi phải luôn xác định cho mình một trong những nhiệm vụ cao nhất
là phải tu thân, rèn mình. Tôi cho rằng thuyết phục người khác, đặc biệt là các em lứa
tuổi học sinh THPT, dễ dàng nhất không phải bằng lí lẽ màu xám, giáo điều kinh
viện, mà phải bằng hành động cụ thể, bằng tấm gương rõ ràng. Chúng ta muốn có
học sinh tích cực, sớm nhận thức và hoàn thiện được nhân cách và tri thức của mình
thì giáo viên phải là những người không được tụt hậu, thậm chí không được giậm
chân tại chỗ với phong cách “gõ đầu trẻ” rất cổ xưa. Tôi thấy rằng việc học phải là
thường xuyên. Tôi từng nghe một đ/c lãnh đạo của đơn vị ta nói rằng: Một trong số
những mục đích học tập nâng cao trình độ của đ/c là để cho con mình, học sinh của
mình thấy rằng mình cũng đang phấn đấu, đang học tập. Tôi khâm phục tư tưởng đó.
Để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, với tôi, học có nghĩa là sự cóp nhặt, tôi thuộc nằm
lòng câu tục ngữ của dân tộc Chăm rằng “giọt giọt đầy ống, ào ào ống không”. Tôi
đang học như vậy.
Trong thời gian công tác vừa qua, đặc biệt là sau 4 năm được triển khai học tập
và làm theo tấm gương đạo đức HCM thì vấn đề tự học đã được tôi ý thức rõ ràng và
cụ thể hơn rất nhiều. Thêm vào đó, tôi luôn ý thức được rằng kiến thức không phải là
cái “nhất thành bất biến”, nhất là đối với những môn xã hội. Ví như, trong những
năm 70 của thế kỉ trước trở về trước, người ta thường tiếp cận tác phẩm văn học theo
cách: tác phẩm ấy phản ánh nội dung gì, trong hình thức nghệ thuật như thế nào;
nhưng từ sau thập niên 80 của thế kỉ XX, khi vấn đề thi pháp văn chương từ Nga vào
VN thì người ta thấy phải tìm hiểu tác phẩm theo hướng ngược lại: tức là trong cái
hình thức nghệ thuật xuất sắc này nhà văn đã chuyển tải được nội dung kia.=> Thành
tựu nghiên cứu khoa học sau sẽ có thể phủ định cái trước nó hoặc đưa thành tựu
trước nó lên một tầm cao mới, và điều đó được phản ánh trong sự thay đổi của
chương trình học phổ thông. SGK văn 12 chỉnh lí hợp nhất 2000 không bàn nhiều
đến VHVN sau 1975, nhưng đến SGK hiện nay đang sử dụng thì lại có khá nhiều tác
phẩm phản ánh diện mạo đất nước sau ngày giải phóng. Tôi đã được nghe lời than
phiền, tâm sự của khá nhiều đồng nghiệp về việc chưa bao giờ được tiếp cận với các
tác phẩm lạ lẫm ấy thì dạy như thế nào… Và từ những điều “mắt thấy tai nghe, đầu
tổng hợp” ấy, tôi đi đến một kết luận cho cá nhân rằng: Trên lớp, trong giờ dạy, ta là
bạn đồng hành, bạn vong niên của học sinh, còn ngoài ra ta là phải học trò của tất
thảy.Với tư tưởng ấy, tôi đã rèn mình bằng nhiều cách thức khác nhau, như:
- Luôn biết phủ định mình. Lời dạy này ông nội tôi đã nhắc ngay từ khi tôi mới mò
mẫm đi theo con đường giáo học văn chương. Ông tôi nói rằng khi đọc lại một bài
văn của mình đã từng viết trước đây mà thấy hay quá, tròn chĩnh quá thì đó là lúc
mình phải lo ngại về kiến thức và kĩ năng. Bài học này tôi khắc cốt ghi tâm. Nói vậy
không có nghĩa là đoạn tuyệt với thành tựu quá khứ, tôi vẫn sử dụng những ý tưởng
soạn giảng cũ nếu nó hợp lí, song cần được điều chỉnh, cập nhật để phù hợp với thì
hiện tại.Tính kế thừa và phát huy được thể hiện rất rõ.
- Cùng với đó, tôi luôn cố gắng giữ gìn và phát huy văn hóa đọc. Vẫn biết ngày nay
các phương tiện thông tin đại chúng phát triển rất mạnh mẽ, song cá nhân tôi cho
rằng đọc văn là điều không thể bị bỏ qua. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã hình thành
được thói quen đọc sách. Tôi coi các tác phẩm trong sách giáo khoa là truyện và đọc
nó ban đầu là để giải trí. Bây giờ, khi đọc trở thành một nhiệm vụ thì tôi luôn chú ý
đọc các tác phẩm của tác giả có trong chương trình giảng dạy để bổ sung hiểu biết, có
điều kiện giới thiệu với hs đồng thời tạo hứng thú cho hs với những kiến thức bên
ngoài sgk. Bên cạnh đó, tôi tìm đọc các tác phẩm nổi tiếng đương đại để cập nhật về
đời sống văn học. Tôi cũng luôn cố gắng lồng ghép các thông tin mình có được vào
bài giảng trên lớp. Tôi cho rằng đang ở năm 2010 thì không chỉ dạy học sinh những
kiến thức, những bài học làm người mới chỉ được nghiên cứu đến năm 2000. Trong
năm học 2008-2009 và 2009 – 2010, tôi đã thưc hiện được gần 30 lượt chuyên mục
“Mỗi tuần một cuốn sách” trong chương trình ngoại khóa đầu tuần, giới thiệu được
trên 30 đầu sách tới học sinh.
- Tích cực mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn chuyên môn là một điều mà tôi luôn
nhắc nhở bản thân. Bên cạnh đó học tập từ đồng nghiệp, học tập ở học sinh, ở phụ
huynh cũng là cách tôi chú ý để bồi dưỡng chuyên môn. Tôi học được khá nhiều vốn
văn hóa dân gian, phong tục tập quán, vốn ngôn ngữ địa phương từ khi tôi tham gia
dạy tại lớp 10b, nay là lớp 11B đặt tại VH. Cũng xin được chia sẻ thêm rằng: Trải
nghiệm Việt Hồng cũng khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Ở đó, trước mỗi giờ
dạy, vấn đề khiến tôi lao tâm khổ tứ nhiều lại không phải là kiến thức bài giảng mà là
tâm thế của mình trước những học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Năm học 2009-
2010, một tuần tôi có 4 tiết giảng dạy tại lớp 10A, lứa tuổi nhỏ nhất trong trường PT,
cộng với 4 tiết ở lớp 10B, một lớp mà học viên có độ tuổi từ 17 đến 50. Sự căng
thẳng về tâm thế trong thời gian đầu đã giúp tôi rèn giũa được sự linh hoạt trong
phương pháp giảng dạy, cách thức truyền thụ phù hợp đối tượng, tăng khả năng linh
hoạt trong ngôn ngữ, đồng thời thêm tự tin trong các mối quan hệ xã hội.
- Là một bí thư đoàn TN, với hơn 2 năm kinh nghiệm, tôi nhận thấy đây là một vị trí
đã làm hao tổn của tôi khá nhiều thời gian và tâm lực nhưng cũng mang lại cho tôi
không ít những điều bổ ích. Mạnh dạn, tự tin và linh hoạt hơn trong cuộc sống cũng
như chuyên môn là những món quà lớn tôi nhận được từ khi đảm nhiệm công tác
đoàn.
Kính thưa đại hội, trước khi nói lời cảm ơn tới những người đồng nghiệp lớn
đã tin tưởng và trao cho tôi nhiều cơ hội để phát huy thế mạnh của bản thân, tôi xin
chia sẻ thêm một cách tự học tự rèn nữa của mình để nâng cao hiều quả công việc, đó
là: khi đứng trước học sinh giảng những tinh hoa nghệ thuật văn chương của VN và
thế giới tôi có sử dụng ít nhiều thế mạnh của một cán bộ đoàn; còn khi đứng trên vị
trí một thủ lĩnh thanh niên, tôi cũng không quên mình là một giáo viên ngữ văn.
Thêm vào đó, cùng với quá trình trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tôi cũng không
quên học hỏi kinh nghiệm để trở thành một người giữ lửa thành công trong gia đình.
Ngoài tính tất yếu của công việc này đối với một phụ nữ có gia đình riêng, tôi cho
rằng nó còn giúp tôi có được sự cân bằng cần thiết giữa việc trường và việc nhà. Khi
đến lớp, tôi toàn tâm toàn ý lo việc chuyên môn, khi về nhà tôi lại được thảnh thơi
cùng tương cà mắm muối.
Trên đây là một số chia sẻ của cá nhân tôi về vấn đề tự học tự rèn nâng cao
trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Với tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều, tôi biết mình
có nhiều lạm bàn. Mang đến ĐH bản tham luận này, tôi hướng nhiều đến mục đích
nêu vấn đề. Rất mong nhân được những ý kiến đóng góp của ĐH. Lời cuối, kính
chúc sức jhoer quý vị ĐB, chúc ĐH thu được kết quả tốt đẹp. Trân trọng cảm ơn!