Một số hình ảnh biểu tượng trong ký Hoàng
Phủ Ngọc Tường
Trần Thị Thu Nga
Hoàng Phủ Ngọc Tường nhập sâu vào từng sự vật để chắt lắng, dâng tặng cho đời những dòng văn ý
nghĩa. Mỗi hình ảnh biểu tượng chứa đựng vẻ đẹp riêng mang chiều sâu của trí tuệ uyên thâm
triết học.
Đọc văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta thấy có những hình ảnh được tác giả nhắc đến nhiều
lần. Đó không chỉ là những hình ảnh ngẫu nhiên mà có sức ám ảnh lớn đối với tác giả và mang
tính biểu tượng cao như: hoa, cỏ, tiếng chim, lửa, dấu chân. Những biểu tượng đó có ý nghĩa
sâu sắc bởi qua đó, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp đến người đọc. Nghệ thuật xây dựng hình
ảnh và biểu tượng trong văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường có một vẻ đẹp riêng mang chiều
sâu của trí tuệ uyên thâm triết học của nhà văn. Đọc những dòng hình ảnh mang tính biểu
tượng trên trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ta như thấy đồng hiện tâm và trí của người nghệ
sĩ đang nhập sâu vào từng sự vật để chắt lắng, dâng tặng cho đời những dòng văn ý nghĩa.
Đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, cùng với mộng, hoa cũng là một “báu vật của trời cho khi người ta
còn trẻ”. Hoa không chỉ là sắc đẹp của thiên nhiên mà còn là linh hồn của biết bao kỷ niệm dọc đời
người. Năm tháng dần trôi nhưng nhà văn không bao giờ quên những bông hoa đã gặp trên mỗi nẻo
đường đi qua. Không nhắc đến hoa, tự tâm ông là nỗi nhớ da diết và cảm thấy đã có lỗi đối với
những người bạn tâm tình. Hơn bốn mươi loài hoa từng nở trong ký Hoàng Phủ. Cái tài mang tính
nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là ông không chỉ ép lên trang văn những xác hoa vô
hồn mà mỗi bông hoa bừng nở là một nỗi niềm, một ẩn dụ về cuộc đời, số phận con người. Hoa phù
dung đổi màu thay sắc, sớm nở tối tàn là biểu tượng của cái đẹp mong manh, là thời gian trôi chảy
chóng mặt, cũng là tượng trưng cho cái hữu hạn của đời người trên trần ai (trong Hoa bên trời).
Bông ngũ sắc hoang dại ta vẫn thường thấy dọc ven đường và thờ ơ vô tâm thì với Hoàng Phủ Ngọc
Tường, nó là biểu tượng cho trí nhớ của đất (Bông hoa ngũ sắc). Bông hoa dại nhỏ xíu, đỏ thắm
mong manh bám trên đá là biểu tượng của sức sống và sự cống hiến hết mình (Hoa bên trời). Hoa cỏ
may là biểu tượng cho "cái lẽ có-và-không" (Sử thi buồn)...
Tiếng chim véo von khúc nhạc đồng quê đã bầu bạn cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường từ thuở ấu thơ.
Nó lặp đi láy lại trong nỗi nhớ quay quắt tuổi thơ của tác giả. Nên, biểu tượng đầu tiên, tiếng chim
chính là tiếng hồn của quê hương thân thương. Bên cạnh đó, tác giả cũng xây dựng nhiều biểu tượng
ý nghĩa qua âm thanh tiếng chim như: tiếng chim gõ kiến tượng trưng cho dòng thời gian đều đều
(Đời rừng); chim bách thanh là hình ảnh của những thói học đòi đến mức đánh mất chính mình
(Chim bách thanh); chim chàng làng là biểu tượng của tiếng hót tự do (Rừng tuổi dại); chim cuốc là
biểu tượng cho nguồn lửa và cũng là biểu tượng cho tình yêu chung tình (Bước tới Đèo Ngang);...
Đặc biệt, tiếng chim ca cút trở đi trở lại nhiều lần trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường là biểu tượng
cho lòng chung tình "Trái tim vỡ nát - Lòng vẫn yêu người” (Đánh giặc trên hàng rào điện tử); là
tiếng vọng hồn thiêng đất nước, biểu tượng cho lòng yêu nước (Châu thổ ngàn năm, Đất nước, Đánh
giặc trên hàng rào điện tử).
Khi ta lớn, cuộc hành trình đã mở
Trên dấu chân từng lớp người đi qua
Và những dấu chân người đi trước đã ám ảnh Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn luôn cảm nhận đó là
những dấu chân tự thuở nào xa xưa vĩnh hằng theo tháng năm, in dấu ở hiện tại và tương lai. Trong
không gian nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng, ông đã nhận ra hình ảnh bàn chân như một điểm sáng
trung tâm của tác phẩm: “Đấy là bàn chân người Giao Chỉ, bởi dạng to bè đặc biệt của ngón cái, và
những dấu hà ăn lỗ chỗ trên gót vì dầm dề lâu năm trong nước mặn”; hay khi qua cầu Long Biên,
nhìn những dấu chân mỏng manh trên cát bến bãi sông Hồng, nhà văn cũng thấy: “Những dấu chân
có hai ngón cái chếch vào nhau của người Giao Chỉ đã in lên vùng bãi này từ lúc nó mới bồi nên
những lớp phù sa đầu tiên. Và mặc cho bao mưa lũ, nước triều, bao nhiêu kẻ xâm lược muốn vùi xóa
nó, những dấu chân nọ vẫn còn đấy, y nguyên tự tại trên mặt đất châu thổ như một dấu ấn của vĩnh
viễn” (Châu thổ ngàn năm). Bàn chân ở đây là biểu tượng cho lớp lớp người Việt vượt qua mọi khó
khăn gian khổ và cũng là sức mạnh trường tồn của dân tộc. Từ châu thổ ngàn năm, đến miền cùng
cuối đất nước, HPNT lại cảm nhìn thấy qua ánh đèn những dấu chân của một đoàn người: “Những
cái bóng bập bùng của một dòng người vô tận, súng với nóp mang trên vai, dấu chân in còn tươi trên
mặt bùn rừng đước”. Đây là biểu tượng cho lớp lớp người Việt trên hành trình bảo vệ Tổ quốc.
“Dấu chân in tươi trên mặt bùn” của cha ông như kéo gần quá khứ và hiện tại, xoá đi khoảng không
mông lung vô ảo của thời gian, khỏa lấp vào đó là hơi ấm sự sống, của tình người. Trên nẻo đường
hành quân, những người chiến sĩ vẫn cảm nhận:
Người trước qua đây hành quân giết giặc
Người sau qua đây thấy dấu ông cha
(Tôi đi trên những con đường cũ)
Chỉ có những ai đã từng trải qua, từng trân trọng mới thấu hiểu được “sức nghìn năm khôi phục giữa
tâm hồn” khi đặt bàn chân mình vào dấu chân quá khứ. Trên những nẻo đường vắng heo hút rừng
suối trong chiến tranh: “Người lội suối không ai bảo ai, vẫn đặt bước đứng vào những phiến đá
thuận tiện cho bàn chân; người đi triền miên tháng năm, dấu dép cao su lõm sâu vào đá in rõ mồn
một con đường dài nghĩa quân. Người lính Lam Sơn thuở xưa chắc cũng lặn lội suối khe như thời
tôi, dáng dấp con đường vẫn chưa mở trong câu thơ Nguyễn Trãi: “Dấu người đi là đá mòn”. Nước
vẫn chảy ngày đêm trong lòng khe, không làm trôi đi những dấu chân người in trên đá” (Bản di chúc
của cỏ lau). Dấu chân vì thế không chỉ là biểu tượng cho dấu ấn lịch sử, sức mạnh dân tộc mà còn là
biểu tượng của sức mạnh vĩnh hằng. Người người đã qua đi, đã là gió là mây, là cát bụi hư không và
nước chảy đá mòn, còn dấu chân vẫn in hằn rõ nét không hề phôi pha. “Hỡi con người có bàn chân
nhỏ, sao có thể đi qua những biến động của lịch sử như gió thổi qua đại dương?” (Cồn Cỏ ngày
thường). Câu hỏi của nhà văn cũng đồng thời là lời khẳng định cho sức mạnh của con người, của
dân tộc Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới trong văn học nhưng bằng cách xây dựng hình ảnh
bàn chân với những biểu tượng như trên, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có cách nói riêng của mình.
Không lời lẽ đại ngôn, hoa mĩ, chỉ qua một hình ảnh bình dị, nhà văn đã khắc ghi trong tâm khảm
người đọc một tình cảm dân tộc thiêng liêng.
Là nhà văn có những trang ký “rất nhiều ánh lửa” (Nguyễn Tuân), quả là HPNT đã truyền đến người
đọc một cảm giác ấm nóng từ những trang ký của mình. Sức ấm nóng từ những ánh lửa thực, ánh
lửa biểu tượng và hơn cả là tự lửa trong tâm của một nhà văn luôn đau đáu nỗi đời, trăn trở tìm đến
ánh sáng của một cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, vì thế, ta có
liên tưởng đến hình ảnh chàng Danko trong câu chuyện của Maxim Gorky đã xé toang lồng ngực
của mình, lấy trái tim soi sáng đường cho mọi người tiến bước. Không hẳn có sự tương đồng với
Danko nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là người nghệ sĩ đã thắp lửa trái tim, tâm hồn mình để
đốt nóng sáng tình yêu cuộc sống đời thường và để đi, cảm, viết, rồi truyền đến người đọc những
tình cảm cao đẹp. Nhiều lần nhắc đến lửa nhưng mỗi lần, ánh lửa được tác giả miêu tả, cảm nhận
với những hướng nhìn khác nhau. Lửa là biểu tượng cho lòng yêu nước cháy bỏng: ngọn lửa tự thiêu
cháy mình của người cách mạng kiên cường (Miếng trầu đỏ); ngọn lửa điềm tĩnh, bé bỏng từ cây
đèn nhỏ đã thắp sáng cuộc đời chiến đấu của người chiến sĩ trong những đêm rừng tối thẳm (Bản di
chúc của cỏ lau)... Là biểu tượng cho ước vọng cháy bỏng của con người như: ngọn lửa nhỏ bé từ
chiếc đèn dầu người mẹ làng Trà (Miếng trầu đỏ) suốt mấy mươi năm trường vẫn bền bỉ sáng không
nguôi, cũng như cuộc đời của mẹ luôn ấp iu, gìn giữ khát vọng sống mãnh liệt của người Việt Nam;
là ước vọng của những người dân Cồn Hến (Rất nhiều ánh lửa) khao khát hướng đến ánh sáng tri
thức qua từng buổi học đêm sau những ngày làm việc mệt mỏi... Lửa cũng có khi là biểu tượng cho
một nét văn hoá không thể thiếu được mà nhà văn đã cảm nhận ra trong món cơm hến dân dã quen
thuộc xứ Huế (Chuyện cơm hến). Ánh lửa còn là biểu tượng cho nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện
tại: ánh lửa hiện về trong sâu thẳm tâm linh như một miền ảo ảnh trên dòng Hương giang buổi chiều
sương sa - ánh lửa trên con thuyền Phan Bội Châu thuở nào (Sử thi buồn); “ánh lửa thuyền chài của
một linh hồn mô tê xưa cũ” trong những đêm cố đô đầy sương (Ai đã đặt tên cho dòng sông?); ánh
lửa của những bếp bản Thượng bập bùng trong ký ức sâu thẳm khi Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi
bên lửa trại trên đỉnh Bạch Mã (Ngọn núi ảo ảnh)... Ngọn lửa vì thế không phải chỉ là hình ảnh thực
mà nó còn là quá khứ cồn cào, nóng bỏng, là hơi ấm của sự sống luôn âm ỉ cháy sáng trong tâm hồn
mỗi người. Nó chính là kỷ niệm, là máu thịt của cuộc sống đời người một thời, là than đá của quá
khứ cồn cào trong lòng đất.
“Quê hương ai cũng có một dòng sông”, nên dòng sông luôn là một hình ảnh biểu tuợng cho quê
hương. Với HPNT cũng vậy, sông Hương chính là Huế. Dòng sông “vừa là một cảnh quan thiên
nhiên, vừa là một thành phần của văn hóa phi vật thể của cố đô Huế”; và là “tấm lòng người dân nơi
Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”. Không chỉ là hình ảnh dòng chảy lắng hồn
thiêng xứ sở, dòng sông còn mang nhiều biểu tượng khác qua cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc
Tường. Dòng sông là biểu tượng cho lẽ vô thường. Với tình cảm sâu nặng, tài quan sát tỉ mỉ của một
nhà địa lý có tầm văn hóa sâu rộng và một vốn ngôn từ nghệ thuật phong phú, nhà văn đã tái hiện
thủy trình của sông Hương cũng là biểu hiện cho sự biến dịch của tự nhiên. Sông uốn khúc thăng
trầm qua nhiều vùng miền khi dữ dội, hoang dại, khi dịu dàng, mềm mại. Và đặc biệt, dòng sông
luôn biến dịch không ngừng theo thời gian, không chỉ theo mùa mà còn trong từng khoảnh khắc của
một ngày: “Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” và “Sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng, nó thay
màu nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và đôi khi màu nước không biết từ đâu mà có,
không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố...” (Sử thi buồn). Là biểu
tượng cho lẽ vô thường, nên dòng sông cũng đồng thời là biểu tượng cho đời người. Người Trung
Hoa cũng cho rằng 64 quẻ trong Kinh dịch, quẻ kí tế (đã qua sông) lại ở trước quẻ vị tế (chưa qua
sông) mang một ý nghĩa thật sâu xa về cuộc đời, nói lên cuộc hành hương vô tận của con người
trong thời gian, vũ trụ. Đúng là trong mỗi con người cũng có những dòng sông, là “những dòng máu,
vận hành trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ và chuyên chở biết bao điều huyền nhiệm của cuộc sống”.
Ngược lại, mỗi dòng sông cũng gói trong lòng nó biết bao thân phận đời người như: “A Pàng, dòng
sông ‘Đời Người’, ôi con sông Huế, nó đã chảy đầy phận người từ thuở từng giọt địa chất sinh ra.
Nguyễn Du đã có lần thở dài: "Hương giang nhất phiến nguyệt - Kim cổ hứa đa sầu, thế vậy!” (Sử
thi buồn). Tiếp nhận sông Hương từ phương diện triết học, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho ta thấy rõ
hơn sự ám ảnh về nỗi bất lực của kiếp người hữu hạn trước dòng trôi vô thủy vô chung của thời
gian. Nhìn dòng Hương trôi chảy, ông nhớ đến xưa kia: "Có một người Hi Lạp tên là Hêraclit đã
khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi quá nhanh!”; hay khi đứng ngắm dòng thác Xai-tô-đó trên
đỉnh Bạch Mã mải miết qua ghềnh, qua đá vọng âm hưởng bí ẩn từ đáy sâu, ông lại tự hỏi: “Dòng
nước ư, chảy mãi thế sao, ngày đêm không nghỉ, chảy như sông Thù, sông Tứ nơi quê nhà của ông
Thánh đã ngồi viết Kinh Dịch...”. Thời gian với những quy luật nghiệt ngã của mất - còn luôn là nỗi
trăn trở của loài người. Sông đây đã chảy, đang chảy và vẫn sẽ luôn chảy nhưng “một trăm năm
mươi... chỗ tôi ngồi...”, bờ sông bồi lở, vật đổi sao dời, đời dâu bể và cái gì còn, cái gì mất? Đọc tác
phẩm Thiên văn của Nguyễn Huy Thiệp, ta cũng thấy bi kịch đau đớn này:
"Này nhé: này là dòng sông
Định mệnh cứ cuồn cuộn chảy
Bồi và lở"
Thấu hiểu hơn ai hết, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhập thế, sống hết mình, hòa cái tôi của mình vào
dòng chảy cuộc sống để nâng niu trân trọng những giá trị đang hiện hữu. Mà có lẽ cũng vì thế, ông
mới yêu quý tha thiết “điệu chảy lặng lờ” như “điệu slow tình cảm” của sông Hương khi nó ngang
qua thành phố...
Hình ảnh ngọn cỏ đã đi vào nhiều áng văn thơ của cổ kim đông tây với những ý nghĩa khác nhau. Là
nhà văn của "miền cỏ thơm", tự nhận rằng mình sinh ra từ cỏ, những lúc buồn vui đều tìm về với
cỏ... Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xây dựng hình ảnh cỏ như một biểu tượng đa nghĩa. Cỏ là không
gian xứ sở, không gian văn hóa của Huế. Không phải chỉ Huế mới nhiều cỏ, nhưng, HPNT đã nhận
thấy "Huế là một cố đô mang linh hồn của cỏ". Và, bằng trái tim giao cảm tinh tế, nhà văn đã níu giữ
được từng làn hương cỏ êm dịu, nồng nàn. Cỏ còn là chiếc cầu nối để con người thỏa khát vọng hòa
nhập với thiên nhiên, vũ trụ. Theo quan niệm của người Huế sống trong không gian nhà vườn cũng
“là nơi con người được sống với cỏ cây trong một tình bạn lớn: qua đó, con người có thể từ ngôi nhà
nhỏ của mình bước vào ngôi nhà lớn của vũ trụ”. Cỏ hòa nhập với tâm hồn con người, đến mức
những nàng thiếu nữ sông Hương ngồi lên vạt cỏ tím lâu ngày “tâm hồn họ nhiễm phải căn bệnh
trầm uất sinh ra bởi những bụi phấn tím của bông cỏ mùa xuân” . Đối với các đấng tiên hiền “khi
cần tới tiết tháo hoặc khi đời không còn nhiệm vụ gì thì nhẹ thênh quay về căn nhà vĩnh hằng của
tâm thức giữa lòng vũ trụ xanh biếc”. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng khát vọng “muốn làm Liệt Tử
cưỡi gió mà đi khắp nơi trên thành phố kinh xưa (...) thành phố nằm phơi mình giữa non xanh nước
biếc, tỏa rộng linh hồn vô ưu thênh thênh trong hương cỏ” (Miền cỏ thơm). Và, nói như tác giả Lê
Thị Hường trong bài Đọc bút ký "miền cỏ thơm" của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì: “Như bản năng
của một đứa trẻ ôm bầu vú mẹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thể hiện thật tinh tế cơn khát cháy lòng
hóa nhập với vũ trụ. Phải khát đến cháy lòng (Tâm), phải quan sát thật tỉ mỉ (Trí), phải biết chọn
những con chữ thật sống, thật có hồn (Tài) nhà văn mới biến rêu, cỏ, sương, và... tôi, thành một cơn
mê cuồng hòa nhập: “Những đám rêu mỗi lúc một dày hơn, và rồi hiện ra những chấm bụi nước li ti
trên những cọng bông rêu nhỏ như sợi tóc... Tôi uống cạn vũng nước ấy bằng hơi thở đắm đuối của
một chiếc hôn; xong nằm phủ phục giữa lòng con suối khô, giống như một con tắc kè uống sương,
thè lưỡi đón những giọt nước tái sinh như sữa mẹ” (Sử thi buồn). Cỏ cũng là biểu tượng cho sự vĩnh
hằng. Quá khứ đã qua nhưng với HPNT, nó luôn là vĩnh hằng. Sự vĩnh hằng có khi đọng trong một
dáng cỏ. Đó là hình ảnh của thi sĩ Ngô Kha bất tử “nằm úp mặt xuống cỏ với một vết đạn hồng sau
gáy”; là tháng năm chiến tranh khói lửa với khoảnh khắc yên bình lắng đọng qua hình ảnh: “Một con
đường ven sông có thảm cỏ dày, và hương cỏ đêm khuya thơm lạ lùng làm người ta nghĩ đến một
nỗi bình yên nào đó không có ở đời”; hay mãi mãi trong tâm trí Hoàng Phủ là hình ảnh: “Khi Đỗ
ngủ say, Ngô Kha đi nhặt đâu đó những cánh hoa phượng vĩ hồng, đem rải quanh người anh, để khi
anh ngủ dậy, còn lại dấu vết một hình người trên mặt cỏ”... Cỏ còn là biểu tượng cho tiếng nói của
tâm linh bởi, có những điều người ta đã quên đi nhưng cỏ vẫn lưu nhớ. Cỏ là trí nhớ sâu thẳm của
đất đai, của miền tâm linh linh thiêng: “Đất này thì tưới nhiều máu, nên cây cỏ hoa màu đỏ. Có
nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà con người đã quên đi cây cỏ nhắc lại”. Cỏ thấm máu
nên cỏ là trí nhớ của đất; nhưng cũng vì thế mà nhắc đến cỏ, người ta còn nghĩ đến sự bội bạc, lãng
quên của con người vì cỏ cũng là biểu tượng cho thế giới hoang tàn. Có những con đường không còn
ai đi, chỉ có cỏ lau bạt ngàn phủ lối, nhưng cỏ mọc không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của con người
(Bản di chúc của cỏ lau). Thành Cổ ghi dấu những cuộc chiến oanh liệt một thời, giờ là thế giới
hoang của cỏ dại: "Lau lách, đót, tranh, chuối hoang và trăm nghìn thứ cỏ trên trái đất, cứ sau một
cơn mưa lại mọc lên tươi tốt phồn vinh” và “phải cần đến một ngân sách có trách nhiệm của Nhà
nước, nhưng điều đó dĩ nhiên không có ai nghĩ tới”. Ngọn núi ảo ảnh Bạch Mã một thời huy hoàng
giờ chỉ là một thế giới tan hoang giữa rừng lau: “Không còn gì cả ngoài mấy mảnh tường vỡ vùi
ngập dưới lay sậy lút đầu” . Tuyệt tình cốc in dấu những tháng ngày tuổi trẻ say mê đầy mộng của
HPNT và bạn bè "bây giờ nhà xiêu vách đổ, cỏ ống mọc lút cả chân thềm"... Cỏ còn là biểu tượng
cho sự vô thường của cái có có - không không. HPNT đã nhận ra điều này khi ngắm những bông hoa
cỏ may tim tím hoang dại trong chuỗi chuông ngân nga trên chùa Thiên Mụ (Sử thi buồn). Và, trong
trong bài ký Chế ngự cát, ta thấy cát lấp cỏ, cỏ bị vùi sâu dưới cát nhưng rồi cỏ lại mọc trên triền đê
xanh tốt và: "Cả một vùng cát mênh mông ven biển dậy lên trong sắc đẹp của cỏ hoa đồng nội”. Đó
cũng là sự biến hóa có có - không không theo vòng xoay của sinh - trụ - dị - diệt...
Qua việc tìm hiểu nghệ thuật xây dựng một số hình ảnh và biểu tượng như trên, chúng ta phần nào
thấy khá rõ tài năng, sự sáng tạo và vẻ đẹp tâm hồn của tác giả. Và, gấp trang sách lại, những hình
ảnh, biểu tượng đó còn vương khắc mãi trong tâm trí người đọc, hay đó cũng chính là sức sống của
những trang ký sâu sắc! HPNT đã khẳng định tên tuổi của mình trong dòng ký Việt Nam hiện đại.
Tất cả không chỉ là lý thuyết, là câu chữ sáo rỗng mà đó là khối óc và trái tim của một người nghệ sĩ
chân chính. Đặc biệt, không dừng lại với những gì đã có, nhà văn vẫn luôn gắng gượng với mọi nỗi
đau bi kịch để dâng cho đời những trang hoa đẹp tươi. Viết ký là viết tiếp trang văn của sự sống, là
trái tim còn đập và cuộc đời còn niềm vui, hạnh phúc. Viết bằng tất cả huyết lệ của một đời con tằm
nhả tơ, con yến nhỏ máu xây tổ. Viết bằng ngọn bút dũng cảm, bằng vốn sống và miền tâm cảm, tâm
linh ấp ủ trái tim thắm đỏ tình người, tình yêu Tổ quốc!
(Nguồn Evăn)