ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
====
PHAN HẢI VÂN
QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA - HOA KỲ
(1969 – 1975)
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ VIỆT NAM
HÀ NỘI - 2013
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
====
PHAN HẢI VÂN
QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA - HOA KỲ
(1969 – 1975)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số
: 60.22.54
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Văn Kim
HÀ NỘI - 2013
LỜI CAM ĐOAN
***
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi.
Các số liệu được sử dụng trong luận văn có nguồn gốc rõ ràng. Những
đánh giá, nhận định trong luận văn được tôi nghiên cứu trên những tư
liệu xác thực.
Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2013
Tác giả luận văn
Phan Hải Vân
MỤC LỤC
BẢNG DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
MỞ ĐẦU ......................................................................................................... …1
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................... ..1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề......................................................................................3
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................. 11
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................... 11
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn sử liệu ................................................ 12
6. Đóng góp của Luận văn ............................................................................. 13
7. Bố cục của Luận văn .................................................................................. 13
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA - HOA
KỲ (1954 - 1969) ............................................................................................. ..14
1.1. Sự xác lập quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ ......................................14
1.1.1. Sự khởi đầu từ chống phá Hiệp định Genève ................................... 14
1.1.2. Liên minh “chống Cộng” 1956 – 1960 ............................................. 16
1.2. Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt
1961 – 1965 ..................................................................................................... 21
1.2.1. Chiến lược Chiến tranh đặc biệt và sự gia tăng viện trợ và cố vấn Mỹ
cho Việt Nam Cộng hòa .............................................................................. 21
1.2.2. Thất bại của Chiến tranh đặc biệt và ảnh hưởng của nó đến quan hệ
Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ ..................................................................... 25
1.3. Chiến tranh cục bộ - bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa
Kỳ .................................................................................................................... 27
1.4. Sự kiện Mậu thân 1968 và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Việt Nam
Cộng hòa - Hoa Kỳ.......................................................................................... 30
Chương 2: QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA – HOA KỲ TRONG THỜI
KỲ “VIỆT NAM HÓA” CHIẾN TRANH (1969-1973)............................. ..35
2.1. Phi Mỹ hóa, “Việt Nam hóa” chiến tranh và sự rạn nứt trong quan hệ Việt
Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ ................................................................................. 35
2.1.1.Mỹ rút quân về nước .......................................................................... 35
2.1.2. Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ những năm 1969 - 1972..... 40
2.2. Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ dưới tác động của bàn đàm phán
Paris ................................................................................................................. 45
2.2.1.Quá trình đàm phán và phản ứng của Việt Nam Cộng hòa ............... 45
2.2.2. Hiệp định Paris - tác động của nó đối với quan hệ Việt Nam Cộng
hòa - Hoa Kỳ ............................................................................................... 57
Chương 3: QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA - HOA KỲ (1/1973 4/1975).............................................................................................................. ..71
3.1.Tình hình sau Hiệp định Paris ................................................................... 71
3.1.1. Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ ..................................................... 71
3.1.2. Việt Nam Cộng hòa và quá trình thi hành Hiệp định ....................... 77
3.2. Quan hệ Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ sau sự kiện Phước Long ......... 79
3.2.1. Sự kiện Phước Long .......................................................................... 79
3.2.2. Thái độ của Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ .................................... 82
3.3. Sự kiện Buôn Ma Thuột và tác động của nó đối với quan hệ Việt Nam
Cộng hòa - Hoa Kỳ.......................................................................................... 86
3.3.1. Sự kiện Buôn Ma Thuột và cuộc triệt thoái khỏi Tây Nguyên ......... 86
3.3.2. Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ từ sau sự kiện Buôn Ma
Thuột ........................................................................................................... 90
3.4. Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ trong những ngày cuối cùng của
cuộc chiến tranh .............................................................................................. 96
3.4.1. Hồi kết của quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ ........................ 96
3.4.2. Kế hoạch di tản và những toan tính “thời hậu chiến” của Hoa Kỳ .. 98
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 105
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................... 109
PHỤ LỤC ........................................................................................................ 125
BẢNG DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
1. HK
Hoa Kỳ
2. LLCM
Lực lượng Cách mạng
3. MNVN
Miền Nam Việt Nam
4. MAAG
Military Assistance Avisory Group
5. QLVNCH
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
6. PTT-ĐII
Phông Tổng thống Đệ Nhị Cộng hòa
7. PTTg
Phông Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
8. TT II
Trung tâm lưu trữ Quốc gia II
9. VNCH
Việt Nam Cộng hòa
10. VNDCCH
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Bảng 1.1: Viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Nam Việt Nam ................... 18
Bảng 1.2: Viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cho Nam Việt Nam ................... 23
Bảng 1.3: Quân số Mỹ và Đồng Minh tại miền Nam Việt Nam ........................ 28
Bảng 3.4: Quân số Mỹ tại miền Nam ................................................................. 71
Bảng 3.5: Viện trợ nhập cảng CIP ...................................................................... 74
Bảng 3.6: Số tiền đô-la đổi sang tiền đồng VN thu được ................................... 75
Bảng 3.7: Viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa 1973 - 1975 .................................. 76
Bảng 3.8: So sánh tiến trình quân viện Mỹ cho Việt Nam và Do Thái .............. 93
Trong quá trình làm Luận văn thạc sĩ, tôi nhận được sự giúp đỡ của các cơ
quan đơn vị: Thư viện Quân đội, Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội, Thư viện
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phòng tư liệu Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thư viện Viện Lịch sử Quân sự, Ban
Biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự, đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Nguyễn
Văn Kim, người hướng dẫn và tận tình giúp đỡ tôi rất nhiều để bản Luận văn
thạc sĩ được hoàn thành. Tôi xin xảm ơn quý Thầy Cô trong Khoa, Bộ môn Lịch
sử Việt Nam Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã
dạy dỗ và dìu dắt tôi trong suốt thời gian từ ngày đầu vào Trường đến hôm nay.
Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do kiến thức và phương pháp nghiên cứu còn
hạn chế nên Luận văn không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong
được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của quý Thầy Cô và các bạn học viên.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử chiến tranh hiện đại đã ghi nhận Cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước hay Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến tranh dài
nhất, khốc liệt nhất, để lại những dấu ấn hằn sâu trong dư luận và tâm trí của
nhân loại thế kỷ XX.
Những dấu ấn đó có nhiều chiều và nhiều ý nghĩa khác nhau: Là niềm tự
hào của người chiến thắng, là sự bẽ bàng và khủng hoảng trong đời sống chính
trị, tinh thần của những chính khách hiếu chiến ở Mỹ, là sự day dứt nơi những
người đã từng tham gia quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. “Một
cuộc chiến tranh với 6,5 triệu lượt binh sĩ Mỹ trực tiếp tham chiến, lúc cao nhất
tới 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật,
50% lực lượng không quân chiến lược Mỹ, chưa kể hơn 1 triệu quân ngụy và
quân các nước đồng minh, gần 8 triệu tấn bom đạn; một cuộc chiến tranh lôi kéo
đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trực tiếp hoặc gián tiếp đứng về phía chống lại
Việt Nam, liên tiếp 6 đời tổng thống cùng theo đuổi một mục đích thôn tính
miền Nam, và thậm chí là muốn đẩy miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, chi gần 700
tỉ đô-la, huy động 22 ngàn xí nghiệp với 6 triệu công nhân công nghiệp, hơn một
phần ba tổng số nhà khoa học, 260 trường đại học tham gia nghiên cứu chế tạo
các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh…, nước Mỹ chỉ thu về được một cơn
địa chấn tâm lý - xã hội kéo dài nhiều thập kỷ” [5, tr.7].
Cùng với sự can thiệp trực tiếp và phát động cuộc chiến tranh xâm lược
Việt Nam của Mỹ, mối quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa với Hoa Kỳ được xác
lập. Mối quan hệ “đồng minh” đó đã trải qua những bước thăng trầm trước khi
chấm dứt cùng với sự sụp đổ của thể chế Việt Nam Cộng hòa.
Để tôn trọng giá trị nguyên bản một số nguồn tư liệu, tác giả xin sử dụng danh từ “Chiến tranh Việt Nam”
trong một số trường hợp.
1
Hơn hai thập kỷ, quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ có tác động mạnh
mẽ đến cuộc chiến ở Việt Nam cũng như tình hình nội bộ của Việt Nam Cộng
hòa và Hoa Kỳ trên tất cả các bình diện. Mối quan hệ đó có những thời kỳ
“thăng hoa”, nhưng cũng có thời kỳ rạn nứt, băng giá bởi sự căng thẳng nghi
ngờ lẫn nhau, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Đã có không
ít câu hỏi được đặt ra: tại sao mối quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ vốn
“gắn bó mật thiết” như vậy lại có thể xấu đi một cách nhanh chóng kể từ khi
Hiệp định Paris được ký kết?. Phải chăng Việt Nam Cộng hòa đã bị Hoa Kỳ bỏ
rơi?. Và có phải chính sự xấu đi trong mối quan hệ đó là nguyên nhân chính đưa
đến kết cục bi thảm của cuộc chiến như lý giải của Nguyễn Văn Thiệu và các
tướng lĩnh Sài Gòn?.
Bởi những dấu ấn sâu sắc mà chiến tranh để lại nên đã hơn 35 năm kể từ
ngày kết thúc cuộc chiến nhưng vẫn còn đó một “cuộc chiến” trong cách luận
giải về nguyên nhân thất bại cũng như một số vấn đề thuộc về hoặc liên quan
đến cuộc chiến ở Việt Nam. Đặc biệt những nhận định, đánh giá về mối quan hệ
Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ cũng như tác động của nó đối với việc kết thúc
chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ từ khi Mỹ
thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bắt đầu rút dần quân khỏi
chiến trường Việt Nam cho đến ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ nhằm góp
phần lý giải rõ hơn diễn biến, bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược mà Mỹ đã
tiến hành ở miền Nam Việt Nam và nguyên nhân thất bại của nó cũng như giúp
chúng ta hình dung rõ nét hơn về những bước thăng trầm của mối quan hệ đồng
minh hơn 20 năm. Mặt khác, thông qua việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam Cộng
hòa - Hoa Kỳ cho chúng ta thấy được sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của
Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng hòa thời kỳ này cũng chỉ là một trong những tác
nhân dẫn đến sự sụp đổ của cái thực thể mà sống chủ yếu vào ngoại viện. Quan
hệ Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ giai đoạn 1969 - 1975 còn cho thấy tác động
của nó trên bình diện quan hệ quốc tế. Qua đó, có thể rút ra được một số kinh
2
nghiệm về các mối quan hệ song phương, đa phương trong thời kỳ hội nhập và
phát triển hiện nay.
Mặc dù đã có hàng trăm, hàng nghìn công trình nghiên cứu khoa học về
cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có những công trình đề cập đến mối quan
hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ. Nhưng sự hiểu biết về cuộc chiến tranh ấy, về
mối quan hệ Đồng minh đó vẫn chưa thể gọi là đầy đủ, thấu đáo. Nhiều bí mật
liên quan đến mưu toan, kế sách, sự kiện, diễn biến thực tế của phía bên kia vẫn
còn ẩn sâu đâu đó trong các tài liệu, trong trí nhớ của những người trong cuộc.
Làm lộ diện những bí mật ấy không chỉ để phục dựng đầy đủ hơn lịch sử cuộc
chiến tranh đang mờ dần về quá khứ, mà còn để từ đó tìm ra những bài học lịch
sử cho ngày hôm nay, khi mà hàng ngày, loài người vẫn đang còn phải đối diện
với nguy cơ chiến tranh.
Từ nhận thức trên, chúng tôi mạnh dạn chọn “Quan hệ Việt Nam Cộng
hòa - Hoa Kỳ (1969 – 1975)” làm đề tài cho Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành
Lịch sử Việt Nam.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Về Chiến tranh Việt Nam nói chung, quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa
Kỳ nói riêng đã có không ít công trình đề cập, nghiên cứu. Nhiều tài liệu đã
được giải mật, công bố, nhiều cuốn sách đã được xuất bản, một số luận văn thạc
sĩ, luận án tiến sĩ và bài nghiên cứu đăng tải trên các báo, tạp chí viết về những
vấn đề có liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ trong
thời kỳ Chiến tranh Việt Nam (1954-1975), thậm chí có cả hồi ký của những
người từng tham gia cuộc chiến ở những vị trí khác nhau với tư cách là nhân
chứng.
Trong số những công trình của các nhà nghiên cứu viết về đề tài chiến
tranh Việt Nam và những vấn đề có liên quan đến mối quan hệ Việt Nam Cộng
hòa với Hoa Kỳ có thể kể đến như: “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” của
Gabriel Kolko viết từ năm 1964 khi cuộc chiến đang tiếp diễn, xuất bản năm
1985 tại New York, sau đó được dịch sang tiếng Việt và đã tái bản lần 3 (Nxb
3
Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003). Dựa vào những tài liệu mới và những năm
quan sát tại chỗ ở Washington, Paris và những chuyến thăm Việt Nam, Gabriel
Kolko đã phân tích chi tiết, sâu sắc các đối tượng trong cuộc chiến tranh; đồng
thời trình bày triển vọng chiến lược chiến tranh của Mỹ và lập luận rằng mọi sự
can thiệp của Mỹ trong tương lai chắc chắn sẽ phải chịu kết quả tai hại như ở
Việt Nam. Đây là công trình phong phú về tư liệu, rất sinh động và hấp dẫn về
một cuộc chiến tranh có tác động sâu sắc đến toàn thế giới; vào thời điểm đó, có
thể được coi là một điểm then chốt để bắt đầu tất cả các cuộc thảo luận sau đó về
Chiến tranh Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, cuốn sách của Gabriel Kolko là một
công trình “hợp thời”, “thiết tha”, “thúc giục” và “gợi cảm” mà bất cứ người nào
quan tâm đến vai trò quá tự cao tự đại của Mỹ hay một nhà nghiên cứu nghiêm
túc nào về cuộc chiến tranh Việt Nam trên thế giới cần phải đọc.
Thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX xuất hiện một số công trình nghiên
cứu mang tính chất nhìn nhận lại vấn đề lịch sử một cách khách quan hơn. Ví
như: “Cuộc tháo chạy tán loạn” (Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1985) của Frank Snepp
- một chuyên viên phân tích chiến lược CIA (Mỹ). Cuốn sách viết về những
ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, những phản ứng của cố vấn Mỹ trước cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong mùa xuân lịch sử 1975. Với
tư cách là một nhân viên tình báo CIA đã từng làm việc nhiều năm tại Việt Nam,
Frank Snepp đã phân tích khá chi tiết về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn và sự
tháo chạy của người Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam vào tháng 4 - 1975. Đứng ở
toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, được quan sát, nghe những thông tin nóng hổi nhất
trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, tác giả đã ghi lại và phơi bày trước công
luận những sự thật của lịch sử về thất bại và sự di tản nhục nhã của Mỹ ở Việt
Nam. Cuốn sách lôi cuốn, hấp dẫn này cho chúng ta thấy chân dung một loạt
tướng tá và chính khách cấp cao của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa giống như những
“con rối” của thời cuộc.
Cũng đề cập về khoảng thời gian cuối cùng của chế độ Sài Gòn, cuốn
“Những ngày cuối cùng của Mỹ - Thiệu ở Sài Gòn” của Arnold R. Isaac và
4
M.Martin (Sở văn hoá thông tin Đồng Tháp, 1985) đã trình bày một cách tóm tắt
sự khủng hoảng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong những ngày cuối cùng
của chiến tranh. Trong đó, sự ra đi của người Mỹ và tháo chạy của các tướng tá,
quân lực Việt Nam Cộng hòa được xem là một điểm nhấn của lịch sử.
Về quá trình phát động và can thiệp của Mỹ vào vấn đề Việt Nam đã
được tác giả Peter A.Poole diễn tả một cách rõ nét trong cuốn “Nước Mĩ và
đông dương từ Ru-dơ-ven đến Nich-xơn” (Nxb Thông tin, Hà Nội, 1986). Cuốn
sách trình bày các chính sách của 6 đời tổng thống Mỹ từ Roosevelt đến Nixon.
Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến ý đồ của Mỹ cấu kết với một số nước (đặc
biệt là Trung Quốc) nhằm ngăn chặn sự phát triển của các lực lượng Cách mạng
trong khu vực Đông Dương.
Cuốn “Từ tòa Bạc Ốc đến Dinh Độc Lập” (tối mật - tài liệu mật chưa
công bố), Nguyễn Tiến Hưng, Jerrold L.Schecter (Nxb Trẻ, 1990). Tác giả
Nguyễn Tiến Hưng - nguyên là Tổng trưởng Kế hoạch của chính phủ Việt Nam
Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975 (là người nắm hồ sơ, văn thư mật liên quan đến
cam kết giữa hai tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ) cùng với sự góp sức
chủ bút ngoại giao của tờ Time - Jerrold L.Schecter đã công bố những hồ sơ mật
này để minh chứng cho sự phản bội của Hoa Kỳ đối với đồng minh Nam Việt
Nam. Qua đó, tác giả cũng khẳng định rằng chính sự phản bội của Hoa Kỳ đã
dẫn tới kết cục bi thảm của Việt Nam Cộng hòa trong biến cố năm 1975.
Từ quan điểm của một người tham gia trực tiếp với cương vị là một chỉ huy
quân tình báo tại Việt Nam - Philip B. Davidson trong cuốn “Những bí mật của
cuộc chiến tranh Việt Nam” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995) đã nhìn nhận
đánh giá lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Trong đó, tác giả đã
phân tích khá sâu một số vấn đề về chiến lược chiến tranh cách mạng nhân dân của
Việt Nam, về cuộc tấn công Mậu Thân 1968; nguyên nhân thất bại của Mỹ, đồng
thời cũng đưa ra một số giả thiết - những điều Mỹ cần làm để có được chiến thắng.
Những năm gần đây có thêm nhiều công trình được công bố, chủ yếu
dựa trên những tài liệu mới được phía Hoa Kỳ giải mã.
5
Cuốn “Không hòa bình, chẳng danh dự” (Nixon, Kisingger và sự phản
bội ở Việt Nam) của Larry Berman (Nxb Việt Tide, 2003) - Giám đốc Trung
tâm Washington (Đại học California) là một trong những công trình nghiên cứu
tiêu biểu về việc khai thác những nguồn tài liệu được giải mã. Trong đó, tác giả
đã công bố những tư liệu chưa từng được biết đến qua các tài liệu vừa giải mật.
Cuốn sách đề cập nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đàm phán về hòa bình tại
Việt Nam. Sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-11973 buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam mở đầu cho sự sụp đổ của chính quyền
Sài Gòn. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu công phu, thể hiện tính
nghiêm túc, cẩn trọng trong cách đánh giá của tác giả và là công trình có giá trị
về nguồn tư liệu, rất đáng được tham khảo.
Cuốn “Kinh tế miền Nam Việt Nam 1955-1975” của Đặng Phong (Nxb
Khoa học xã hội, 2004) đã giới thiệu khá toàn diện về bối cảnh quân sự và chính
trị của miền nam Việt Nam thời kỳ 1955 - 1975. Tác giả đã phác họa bức tranh
tổng thể về kinh tế của Việt Nam Cộng hòa dưới sự viện trợ của Mỹ; đồng thời,
nhiều phần tác giả tập trung phân tích so sánh, kinh tế, đời sống vùng chính
quyền Sài Gòn kiểm soát và kinh tế, đời sống vùng giải phóng. Những số liệu
thống kê viện trợ Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa về kinh tế, quân sự của tác giả
trong chiến tranh đã giúp người đọc có thể hình dung được phần nào về mối
quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ.
Nền hòa bình mong manh - Washington, Hà Nội và tiến trình của Hiệp
định Paris (“A Bitter Peace (Hòa bình cay đắng) - Washington, Hanoi and the
Making of the Paris Agreement”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005) của
Pierre Asselin. Với nguồn tài liệu chắt lọc, có giá trị tham khảo, cuốn sách đã
tập trung trình bày quá trình đàm phán Hiệp định Paris kéo dài hơn 4 năm giữa
những nhà ngoại giao của Hà Nội và Washington. Thông qua việc chia quá trình
đàm phán thành sáu giai đoạn, tác giả đã đi sâu phân tích bối cảnh, tình hình của
mỗi bên trong từng giai đoạn, từ đó làm rõ động cơ, ý đồ chiến lược của mỗi bên
trong từng thời điểm. Đồng thời nêu lên tình hình cuộc chiến ở Việt Nam sau
6
Hiệp định Paris 1973 - 1975. Trong cuốn sách, tác giả đã sử dụng nhiều nguồn
tài liệu tham khảo khác nhau và phương pháp tiếp cận cũng rất riêng nên có một
số tư liệu được trích dẫn chưa khớp với tài liệu mà các nhà khoa học Việt Nam
đã có. Đồng thời, khi luận chứng về một số vấn đề, nhân vật, sự kiện như cuộc
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cuộc tập kích bằng không quân chiến
lược 12 ngày đêm của Mỹ ở miền Bắc... tác giả đã có điểm khác biệt trong cách
nhìn nhận và đánh giá. Tuy nhiên đây cũng chỉ là quan điểm riêng của tác giả.
Năm 2007, Nxb Công an nhân dân đã cho ra mắt độc giả cuốn “Hồ sơ
Chiến tranh Việt Nam” (tiết lộ bí mật của chiến lược thời kỳ Nich-xơn) của
Jeffrey Kimball - một cuốn sách được trình bày khá sinh động. Bao gồm nhiều
chứng cứ được tổng hợp, đồng thời tác giả đi sâu phân tích các chính sách của
chính quyền Nixon về chiến tranh Việt Nam, những cuộc đàm phán bí mật ở
Paris giữa Henry Kissinger với Lê Đức Thọ cùng các quan hệ Hoa Kỳ - Liên Xô
- Trung Quốc trong giai đoạn này trong bối cảnh chung của lịch sử thế giới.
Bên cạnh đó còn có hồi ký của các tướng lĩnh, quan chức cao cấp của
Việt Nam Cộng hòa, những cuộc phỏng vấn trực tiếp với các nhân vật liên quan
sau khi chiến tranh đi qua một thời gian khá dài, họ có thời gian để suy nghiệm,
đánh giá lại lịch sử. Đây cũng là nguồn tư liệu đáng quý.
“Những
ngày
cuối
cùng
của
Việt
Nam
Cộng
hòa”
(Nxb
Vietnambibliography, C.A, 2003) của Đại tướng Cao Văn Viên - nguyên Tổng
tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cuốn sách cung cấp nhiều chi
tiết về các hoạt động quân sự của hai bên Bắc và Nam Việt Nam sau ngày ngừng
bắn của Hiệp định Paris. Trong cuốn sử liệu này, tác giả đề cập về thực trạng sự
thiếu thốn quân dụng và vũ khí của Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn cuối của
cuộc chiến cũng như bàn một vài vấn đề về sự sụp đổ của một quân đội, một
quốc gia đã hiện hữu hơn hai mươi năm. Đây là một trong những quyển sách có
giá trị về số liệu, được nhiều sử gia hiện đại dùng để trích trong nhiều sách biên
khảo về quân sự và quân sử.
7
Cuốn “Khi Đồng minh tháo chạy” của Nguyễn Tiến Hưng (Csxb Hứa
Chấn Minh, C.A, 2005) - cựu Tổng trưởng Kế hoạch của chính phủ Việt Nam
Cộng hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về vấn đề tái thiết kinh tế của Tổng
thống Nguyễn Văn Thiệu - người có quan hệ thân thiết và cũng là người từng sát
cánh với vị Đại sứ Hoa Kỳ cuối cùng tại miền Nam Việt Nam Graham Martin.
Sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, từ các tướng lĩnh miền Nam cho đến
những anh binh nhì và thường dân đều có một lý giải rất rõ ràng và rất cay đắng
về cuộc chiến: “Miền Nam thua vì Mỹ bỏ cuộc”. Hoa kỳ đã bỏ miền Nam ra
sao?. Mỗi người đều có một cách “hiểu” và diễn giải của riêng mình. Và điều gì
đã xảy ra vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến?. Đoàn người di tản
đã rời Việt Nam như thế nào?. Quan trọng hơn, những bức thư giữa Tổng thống
Nixon và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị Henry Kissinger giấu nhẹm thế
nào?. Cuốn sách này của Nguyễn Tiến Hưng cho mọi người một cái nhìn tổng
quát về những vấn đề trên với tư cách của người trong cuộc.
“Những cuộc đàm phán về hòa bình Việt Nam” của Nguyễn Phú Đức
(Nxb Công an nhân dân, 2010) cũng là cuốn sách có giá trị tham khảo, cung cấp
nhiều tư liệu đáng quý từ phía bên kia. Với cương vị là Cố vấn đặc biệt chuyên về
đối ngoại trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Chính quyền Sài Gòn, tác giả đã
tham gia tất cả các cuộc thương lượng về hòa bình trong suốt tám năm liên tục
dưới thời Chính quyền Johnson cũng như dưới Chính quyền Nixon. Qua những
trang viết đã cho chúng ta biết các cuộc thương lượng kéo dài, không kém phần
căng thẳng giữa chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ từ trước khi chấm dứt ném bom
miền Bắc dưới thời Johnson cho đến lúc chấm dứt hoạt động quân sự của Mỹ tại
Nam Việt Nam để đổi lấy Hiệp định Paris. Tác giả đưa ra một sự phân tích rằng
Hiệp định Paris là kết quả của một chuỗi thất vọng, một nửa sự thật, hoặc dối trá
hoàn toàn đi đôi với hứa hẹn suông, hăm dọa và cuối cùng là phản bội đồng minh
Việt Nam Cộng hòa của Mỹ. Và tác giả cũng cho rằng Hiệp định Paris đã đặt Hoa
Kỳ vào vị thế kẻ xâm lược, phải đơn phương rút quân, triệt phá các căn cứ quân
sự, chấp nhận tôn trọng chủ quyền Việt Nam… đánh dấu một thất bại trong lịch
sử ngoại giao của Hoa Kỳ.
8
Những công trình nghiên cứu của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là hồi ký
của các vị tướng từng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã
góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu.
“Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài
học” của Ban chỉ đạo chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1995) có nội dung chủ yếu là tổng kết quá trình đấu tranh của quân,
dân ta trong thời kỳ lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng
thời, khẳng định thắng lợi là kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng của cả dân tộc
và chiến thắng luôn thuộc về phía chính nghĩa. Cuối cùng rút ra những kinh
nghiệm từ những bài học của Đảng trong lãnh đạo chiến tranh cách mạng.
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ” (Hồi ký, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991) và
“Đại thắng mùa xuân” (tái bản 2005, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật) của Đại
tướng Văn Tiến Dũng. Hai cuốn sách có đề cập về chiến lược “Việt Nam hoá
chiến tranh” và “học thuyết Nich xơn” trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của
nhân dân ta giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nêu một số vấn đề về
nghệ thuật chỉ đạo kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ của Đảng ta. Qua đó
thấy rõ sự chỉ đạo với tài thao lược, tính kiên quyết, tư tưởng cách mạng tiến
công, tính độc lập, sự đấu trí thông minh của Đảng, nhân dân và quân đội ta để
dẫn đến sự toàn thắng.
Cuốn “Nhà trắng với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”, Trần Trọng
Trung (Nxb Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 2005). Tác giả trình bày quá trình can
thiệp và trực tiếp xâm lược Việt Nam, điều hành chiến tranh và những thất bại
của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và bộ ngoại giao Hoà Kỳ ở chiến trường Việt
Nam và trong lòng nước Mỹ. Bên cạnh đó tác giả cũng đề cập về quá trình xây
dựng chính quyền Sài Gòn thành đồng minh của Mỹ để thực hiện cuộc chiến
tranh tại Việt Nam.
Về “Đại thắng mùa xuân năm 1975” (qua tài liệu của chính quyền Sài
Gòn) của Bộ Nội vụ, Cục văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung Tâm lưu trữ Quốc
gia II (Nxb Chính trị Quốc gia, 2010) được hoàn thành khi vừa tròn 35 năm kể
từ khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ kết thúc. Cuốn sách bao gồm 3 chương trong
đó được các tác giả biên soạn, tuyển chọn trên cơ sở tập hợp những tài liệu của
9
chính quyền Sài Gòn thu thập, ghi chép những sự kiện lịch sử diễn ra trong giai
đoạn từ khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết đến kết thúc chiến dịch Hồ
Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Cho dù là tư liệu
của bất kỳ bên nào nếu chỉ dựa một phía thì không thể phản ánh đầy đủ về biên
niên sự kiện, về nguyên nhân thất bại và những thương vong, tổn thất của cuộc
chiến tranh để lại. Nhưng lịch sử luôn được quy chiếu trên cơ sở các sự kiện và
sự thật, do vậy, qua tư liệu mà chính quyền Sài Gòn và báo chí phía bên kia để
lại được chắt lọc trình bày trong cuốn sách là có giá trị tham khảo, giúp cho
người đọc có được thêm tư liệu theo hướng tiếp cận khác, qua đó càng hiểu
thêm về cuộc chiến ở Việt Nam.
Ngoài những công trình nghiên cứu, các xuất bản phẩm trên đây, còn có
nhiều bài viết được đăng trên các báo, tạp chí ít nhiều có đề cập đến những nội
dung thuộc về hoặc liên quan đến mối quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ
trong chiến tranh Việt Nam ở nhiều góc độ khác nhau: “Vừa đánh, vừa đàm
trong chống Mỹ, cứu nước” (Phan Hiển, tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 1, 1988);
Những chấn động dữ dội trong lòng nước Mỹ, (Hồ Khang, Tạp chí Lịch sử quân
sự, tháng 8, 1988); “Hà Nội - Sài Gòn - Washington xuân 1975”, Trần Trọng
Trung, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 2, 1990); “Thử giải trình “Mỹ hóa” “Việt
Nam hóa” chiến tranh” (Hồ Khang, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 4, 1992);
“Mỹ - Ngụy đẩy mạnh bình định lấn chiếm sau Hiệp định Pari, 1973 - 1974” (Trần
Quốc Trung, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 2, 1993); “Quân Mỹ vào, Quân Mỹ
ra” (Nguyễn Quốc Dũng, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 1, 1993); “Cuộc chiến
tranh Việt Nam và nước Mỹ” (Nguyễn Thái Yên Hương, Nghiên cứu lịch sử, số
4, 2005); Cam kết - phi cam kết: chính sách của Mỹ về “vấn đề Việt Nam” và
những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn (Nguyễn Văn Kim, Hội nghị
cấp cao Á - Âu lần thứ 5, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005); “Hòa Đàm
Paris - chính sách hai mặt “Cậy gậy và củ cà rốt” của R.Nixon và H. Kissinger”
(Nguyễn Mạnh Hà, Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 6, 2008); “Quan hệ Mỹ Thiệu trong giai đoạn cuối của cuộc hòa đàm Paris về Việt Nam” (Vũ Dương Ninh,
Tạp chí Lịch sử quân sự, tháng 3, 4, 2008).
10
Tuy nhiên, đến nay, qua quá trình tìm hiểu các công trình nghiên cứu, các
ấn phẩm của những bên tham chiến đã viết về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy
một điều là chưa có một công trình chuyên khảo nào đi sâu nghiên cứu một cách
có hệ thống về quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ giai đoạn 1969 - 1975.
Mặc dù vậy, những xuất bản phẩm, những công trình nghiên cứu và tài
liệu đã được công bố nói trên luôn là những tư liệu quan trọng giúp chúng tôi
tiếp tục đi sâu nghiên cứu và hoàn thành đề tài này.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích
Đề tài nghiên cứu nhằm phục dựng lại một cách toàn diện và khách quan
về mối quan hệ “đồng minh” giữa Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ trong thời kỳ
chiến tranh Việt Nam; lý giải nguyên nhân thất bại trong chiến tranh, sụp đổ của
của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sự kết thúc trong quan hệ với “đồng
minh” - Hoa Kỳ. Bước đầu rút ra một số nhận định về bản chất của quan hệ Việt
Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ và một số bài học kinh nghiệm từ mối bang giao này.
Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận văn tập trung hướng đến giải quyết
những nhiệm vụ sau:
- Hệ thống hóa các tài liệu liên quan đến đề tài và cuộc chiến tranh Việt Nam.
- Mô tả lại một cách khách quan, toàn diện mối quan hệ giữa hai chính
phủ Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ từ lúc khởi đầu, hưng thịnh tới suy vi.
- Phân tích một số mặt cụ thể biểu hiện mối quan hệ giữa hai chính
quyền trong bối cảnh cụ thể của cuộc chiến tranh Việt Nam. Rút ra một số ý
kiến nhận xét, đánh giá và nêu lên bài học kinh nghiệm cho quá trình hợp tác
quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Mối quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ (1969 - 1975) và những ảnh
hưởng của nó đối với cuộc chiến tranh.
11
Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu Quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ là vấn đề phức
tạp và rộng lớn. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn thạc sĩ, chúng tôi giới
hạn trong việc khôi phục lại diện mạo cơ bản của quan hệ Việt Nam Cộng hòa Hoa Kỳ trên các lĩnh vực chủ yếu: chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế.
Thời gian đề tài tập trung nghiên cứu giới hạn trong giai đoạn 6 năm
(1969 - 1975).
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn sử liệu
Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính sau:
Sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử và logic là chủ yếu kết hợp với
phân tích, so sánh, tổng hợp.
- Phương pháp lịch sử được sử dụng khi chúng tôi xem xét và trình bày
quá trình phát triển của các sự kiện, vấn đề theo một trình tự liên tục về thời gian
để làm rõ điều kiện, đặc điểm phát sinh của mối quan hệ hai nước. Đồng thời
trình bày các vấn đề nhiều mặt, biểu hiện của chúng để làm sáng tỏ các mối
quan hệ, đa dạng, phức tạp đó.
- Phương pháp logic, kết hợp, xâu chuỗi các sự kiện một cách linh hoạt
để có thể trình bày vấn đề một cách tương đối đầy đủ, hệ thống. Đồng thời, qua
đó xác định độ tin cậy và giá trị của các sự kiện cũng như làm rõ được mối
quan hệ phức tạp, đa chiều của Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ trong thời kỳ
chiến tranh.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp sử dụng khi chúng tôi tổng hợp các
thông tin có trong các nguồn tài liệu để trình bày vấn đề theo hệ thống. Phương
pháp này còn được chúng tôi vận dụng khi lựa chọn, phân tích giá trị của các sự
kiện liên quan đến đề tài.
- Ngoài ra phương pháp so sánh được chúng tôi sử dụng khi so sánh giữa
đối tượng này với đối tượng khác trong những điều kiện, hoàn cảnh xác định chi
phối chúng. Qua đó nhằm giúp người đọc nhìn rõ nét tương đồng và sự khác biệt
trong mối quan hệ giữa các thực thể.
12
Nguồn sử liệu
Trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi dựa vào các nguồn tư liệu
chủ yếu sau đây:
- Các phông tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975)
lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II.
- Các văn bản, tài liệu công khai và tài liệu mới được giải mật thuộc về
hoặc có liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.
- Các sách báo; những công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam
của các tác giả trong và ngoài nước.
- Các bài viết liên quan đến nội dung đề tài đăng trên các báo, tạp chí…
- Hồi ký của các chính trị gia, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ.
- Hồi ký của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đã trực tiếp chiến
đấu trên chiến trường hoặc tham gia vào các cuộc đàm phán về hòa bình Việt
Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
6. Đóng góp của Luận văn
- Phục dựng mối quan hệ “đồng minh” giữa hai chính quyền Việt Nam
Cộng hòa và Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
- Bổ sung tư liệu, tài liệu về chiến tranh Việt Nam nói chung và quan hệ
giữa Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ nói riêng; đặc biệt là nguồn tư liệu mới được
giải mật và khối tài liệu gốc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
- Kết quả đề tài có thể cung cấp thông tin những bài học kinh nghiệm về
xử lý các mối quan hệ quốc tế.
- Kết quả nghiên cứu đề tài có thể là nguồn tư liệu để tham khảo trong
công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu của các trường, viện nghiên cứu.
7. Bố cục của Luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, phần Nội
dung của luận văn được trình bày trong 3 chương, 10 tiết:
Chương 1: Khái quát về quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ (1954 - 1969)
Chương 2: Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ trong thời kỳ “Việt
Nam hóa” chiến tranh (1969 - 1973)
Chương 3: Quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ từ tháng 1 - 1973 đến
tháng 4 - 1975.
13
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM CỘNG HÒA - HOA KỲ
(1954 - 1969)
1.1. Sự xác lập quan hệ Việt Nam Cộng hòa - Hoa Kỳ
Có hai sự kiện lịch sử quan trọng ghi dấu ấn sâu sắc trong quan hệ
VNCH - HK. Đó là 2 bản Hiệp định lập lại hòa bình cho Việt Nam được ký kết:
Hiệp định Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973). Hai hiệp định này giống
như hai mố cầu đặc biệt mà trên đó là cầu nối lịch sử về quan hệ Sài Gòn Washington từ bước khởi thủy, hưng thịnh tới suy vi.
1.1.1. Sự khởi đầu từ chống phá Hiệp định Genève
Tháng 7 - 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Đây là kết quả 9 năm
trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Theo tinh
thần của Hiệp định, Việt Nam tạm thời được chia làm 2 miền lấy vĩ tuyến 17 làm
ranh giới và sau 2 năm sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Để thi hành Hiệp định, toàn bộ lực lượng kháng chiến ở miền Nam sẽ
tập kết ra Bắc. Trong khi đó, lực lượng quân viễn chinh Pháp cùng ngụy quân
rút về miền Nam.
Nhưng ngay từ đầu, Hiệp định Hòa bình thống nhất đất nước đã không
được đối phương thực hiện. Người Mỹ nhanh chóng gạt Pháp và dựng lá bài
Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Chính quyền này từ chối hiệp thương tổng tuyển
cử tự do với lý do mà Ngô Đình Diệm đưa ra: “Chúng ta không bị ràng buộc
dưới bất kỳ hình thức nào với các hiệp định được ký kết chống lại ý chí của dân
tộc Việt Nam… Chúng ta không thể để lỡ bất cứ một cơ hội nào có thể cho phép
thực hiện sự thống nhất Tổ quốc trong tự do. Nhưng không nghi ngờ gì nữa,
chúng ta sẽ không xem xét bất kỳ đề nghị nào của Việt Minh nếu nó không
chứng tỏ rằng, họ đã đặt lợi ích tối cao của toàn dân tộc lên lợi ích của chủ nghĩa
cộng sản”[97, tr.68]. Vin vào cớ không tham gia vào bản tuyên bố cuối cùng của
Hiệp định, Mỹ đã can thiệp vào nội bộ Việt Nam, ra sức phá hoại Hiệp định
14
nhằm chia cắt lâu dài hai miền của Việt Nam. Do vậy, cuộc tổng tuyển cử tự do
cho việc thống nhất Việt Nam đã không được tổ chức.
Trong khi đó, ở miền Bắc, chính phủ VNDCCH cố gắng thực hiện
nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định. Đồng thời, có những hành động
thiện chí, tích cực để chuẩn bị cho công cuộc thống nhất. Năm 1955, VNDCCH
thành lập một cơ quan chuyên trách lĩnh vực Hiệp thương chính trị “Ban quan
hệ Bắc Nam” (còn được gọi Ban Thống nhất), Ban này có nhiệm vụ đảm bảo
thống nhất lãnh đạo cuộc vận động lập lại quan hệ Bắc - Nam… Ngày 18 - 6 1956, Ban Thống nhất ra nghị quyết số 70 về quan hệ với miền Nam trong đó
nhắc nhở cán bộ kiên trì việc thiết lập quan hệ hai miền; về kinh tế coi buôn bán
giữa hai miền không có tính chất ngoại thương mà là trong một đất nước thống
nhất, vận động trao đổi buôn bán và thư từ qua lại của các gia đình có bà con
giữa hai miền… Đúng theo quy định của Hiệp định Genève, trong thời kỳ còn
tạm phân chia thì nhân dân giữa hai miền có thể thông tin qua lại trong khuôn
khổ những tờ bưu thiếp (có thể viết 5 dòng). Nhưng mối quan hệ ruột thịt Bắc Nam nóng bỏng, thiêng liêng được chuyển tải qua lá thiếp mỏng manh đó cũng
bị Ngô Đình Diệm sớm cấm đoán.
Để thực hiện chủ trương hòa bình thống nhất đất nước, các lực lượng
kháng chiến ở miền Nam nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của Chính phủ
VNDCCH chấm dứt các hoạt động vũ trang, rút quân ra Bắc, bàn giao lại toàn
bộ lãnh thổ miền Nam cho đối phương kiểm soát. Đề cương “Đường lối cách
mạng miền Nam” năm 1956 của Lê Duẩn một lần nữa nhấn mạnh sự bền bỉ với
đường lối đấu tranh hòa bình. Tuy nhiên, những thiện chí của miền Bắc Việt
Nam tiếp tục bị Chính quyền Sài Gòn khước từ với nhiều lý do, trong đó thực
chất ngoài sự căm thù Cộng sản, ngoài lập trường chống Cộng, Diệm và những
người trong bộ máy của Diệm, còn có một lý do trực tiếp nữa: họ biết chắc rằng
nếu để nhân dân được tự do lựa chọn thì đa số sẽ không lựa chọn họ, chế độ
“Cộng sản” mà họ ghét cay ghét đắng ấy lại là chế độ rất được lòng dân. Ngay
từ 1954, các cơ quan tình báo Mỹ đã nhận định rằng: “Nếu để tổng tuyển cử tự
15
do ở Việt Nam thì 80% dân chúng Việt Nam sẽ lựa chọn Chính phủ Hồ Chí
Minh”[48, tr.73]. Một người rất ủng hộ Diệm cũng đã viết trên tờ Lock vào ngày
25 - 1 - 1955: “Nếu tiến hành Tổng tuyển cử ngay ngày hôm nay thì tuyệt đại đa
số người Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho những người Cộng sản”[48, tr.73]. Những
báo cáo đó khiến Diệm không thể tin được rằng ông ta sẽ chiến thắng trong bầu
cử nên đã bác bỏ Hiệp thương Tổng tuyển cử.
Nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ, vị trí của Diệm ngày càng được củng cố. Mỹ
công khai ủng hộ lập trường của Diệm đối với cuộc bầu cử, đồng thời gây sức
ép với một số nước tham gia Hội nghị Genève. Như vậy, cả Diệm và Mỹ đều ra
sức chống phá, bác bỏ Hiệp định Tổng tuyển cử tự do đã được ký kết.
1.1.2. Liên minh “chống Cộng” 1956 - 1960
Sau Hiệp định Genève, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm - một viên quan triều
Nguyễn, được Mỹ đào tạo, thân Mỹ, bài xít Pháp và là một con Chiên ngoan đạo
về làm thủ tướng thay thế Bửu Lộc. Với cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 10
năm 1955, Ngô Đình Diệm lên nắm quyền thay quốc trưởng Bảo Đại.
Lá bài Ngô Đình Diệm - như dư luận HK chỉ rõ, được rút ra từ “tay áo”
Mỹ và HK nhanh chóng ủng hộ lá bài mà họ đã dựng lên. Mỹ cử tướng L.Colins
sang làm đại sứ đầu tiên ở Sài Gòn. Như vậy, về mặt ngoại giao, một tướng 2
sao của HK là vị đại sứ đầu tiên làm cầu nối cho mối quan hệ giữa Washington
và Sài Gòn. Vị đại sứ hàm cấp tướng này đã nhanh chóng vạch 6 điểm để gạt
hẳn mọi ảnh hưởng còn lại của Pháp; mặt khác củng cố thế lực của HK và xây
dựng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Kế hoạch này bao gồm: bảo trợ chính
quyền Diệm, viện trợ thẳng cho Chính phủ Sài Gòn; Xây dựng quân đội Nam
Việt Nam gồm 15 vạn người do Mỹ trang bị, huấn luyện; Bầu cử quốc hội ở
miền Nam, hợp pháp hóa chính quyền Sài Gòn; Định cư cho số người công giáo
di cư vào Nam và vạch kế hoạch cải cách điền địa; Thay đổi chế độ thuế khóa,
dành ưu tiên cho hàng hóa Mỹ ở miền Nam; Đào tạo cán bộ hành chính.
Để tạo chỗ đứng vững chắc cho chính quyền tay sai, Mỹ và Diệm đã dần
loại bỏ ảnh hưởng của Pháp và chính quyền Bảo Đại ở miền Nam với chính sách
16
“đả thực, bài phong”. Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Pháp đã bị Mỹ ép buộc chuyển
giao tất cả những hoạt động còn lại về mặt chính quyền cho Việt Nam quốc gia.
Một khi điều đó được tiến hành, Mỹ có thể trao viện trợ trực tiếp cho Nam Việt
Nam mà không cần thông qua Chính phủ Pháp như trước đó. Đồng thời, Diệm
cũng mạnh tay hơn trong việc dùng bạo lực để tiêu diệt các thế lực giáo phái và
phe phái chống đối Diệm như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên… nhằm xây dựng
chính quyền “độc trị”. Để củng cố chính quyền của mình, Diệm tập hợp các lực
lượng trong giai cấp tư sản, địa chủ và Thiên chúa giáo chống đối lực lượng Cộng
sản, thành lập “Đảng Cần lao nhân vị”, phong trào “Cách mạng quốc gia”,
“Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới” từ Trung ương đến địa phương. Bên
cạnh đó, thông qua các đạo dụ, Diệm chủ định cải cách ruộng đất nhằm tạo lực
lượng và thế lực chủ chốt trong việc ủng hộ sự tồn tại của chính quyền. Ngày 4 3 - 1956, Diệm tổ chức bầu “Quốc hội” và ngày 26 - 10 - 1956 cho công bố “Hiến
pháp Việt Nam Cộng hòa”. Được sự trợ giúp của Mỹ, bằng những chính sách
quyết liệt, ngay sau khi lên nắm quyền, Ngô Đình Diệm đã xây dựng miền Nam
thành một “quốc gia mạnh”.
Cùng với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm và từng bước áp
đặt chủ quyền thực dân mới ở MNVN, mối quan hệ VNCH - HK được xác lập.
Như vậy, chính quyền mới ở Sài Gòn do Ngô Đình Diệm đứng đầu là sản
phẩm trực tiếp của Washington nhằm gạt Pháp để trực tiếp “chống Cộng” ở
miền Nam. Nền đệ nhất Cộng hòa được thiết lập, HK làm “bà đỡ” cho thể chế
MNVN này.
Song song với việc đào luyện bộ máy, HK đã ồ ạt viện trợ về kinh tế,
quân sự cho chính quyền VNCH. Cũng từ đó, “Viện trợ Mỹ và sự hiện diện kinh
tế của Mỹ không đi vào nền kinh tế miền Nam một cách tự nhiên như những
chất dinh dưỡng đi vào một cơ thể, mà là một yếu tố thay thế, nhiều khi lấn át cả
những yếu tố thuộc nội lực của nền kinh tế đó”[48, tr.150]. Thực tế, nếu chỉ tính
riêng những khoản viện trợ chính thức thì viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam là
lớn nhất trong số các nước nhận viện trợ của Mỹ.
17