Liệu có mạo hiểm khi đầu tư vào các công ty nhỏ thua lỗ?
Trong thung lũng Silicon có hàng trăm công ty thành lập từ lâu bị mắt
kẹt trong lòng các doanh nghiệp công nghệ lớn - những doanh nghiệp này
không còn vui sướng với các hãng nhỏ họ chộp được trong thời kỳ sáp nhập
điên cuồng của thập niên ’90.
Giờ đây, một số nhà đầu tư vốn có trụ sở tại thung lũng Silicon đã thành lập một
quỹ với số vốn $250 triệu nhằm mua và phục hồi những doanh nghiệp này, điều mà
Terry Garnett, một trong hai người sáng lập quỹ, gọi là “những đứa trẻ mồ côi và không
được yêu thương.” Trong một số trường hợp, ứng cử viên nặng ký nhất để nằm quyền
điều hành công ty mới được giải phóng hoá ra lại là người sáng lập ban đầu của công
ty đó. Ông Garnett nói: “Một số người thành lập công ty nói với chúng tôi rằng ‘Ôi trời,
chúng ta đã bán doanh nghiệp của mình cách đây bốn năm, và bây giờ đứa con của
chúng ta bị ốm và chúng ta muốn chúng trở về với mình.”
Quỹ mới thành lập với cái tên Garnett & Helfrich Capital được dự đoán là sẽ
chiếm giữ một vị trí đáng kể trong chòm sao đầy các doanh nghiệp hợp doanh và cổ
phần tư nhân của thế giới công nghệ này. Các hãng khác như Francisco Partners và
Silver Lake Partners chuyên mua doanh nghiệp phá sản, nhưng họ tập trung vào các
mục tiêu trị giá hàng trăm triệu đô la. Garnett & Halfrich thì thường nhằm vào các hợp
đồng dưới $50 triệu, quá nhỏ với các hãng khổng lồ kia. Các hãng kinh doanh vốn
truyền thống thỉnh thoảng cũng tham gia vào loại giao dịch này, đôi khi có tên gọi là “cắt
nhỏ”, nhưng chỉ rải rác và thường cộng tác với các hãng khác. Tại thời điểm này, các
nhà kinh doanh vốn đang quan tâm đến các công ty chưa được thử nghiệm, mới đủ
lông đủ cánh với hy vọng rằng sẽ phất to với các công ty này bằng một ý tưởng mới
nào đó chứ không để ý tới các công ty đã chất nhiều gánh nặng. Giám đốc điều hành
của hãng kinh doanh vốn Carlyle Group, ông Allan Thygesen, nói: “Bây giờ không có
nhiều hãng kinh doanh làm các vụ cắt nhỏ, và đặc biệt là không hãng nào chuyên về
các vụ này cả. Đây thực sự là một khu vực bị lãng quên.”
Về hai thành viên sáng lập quỹ, Garnett đã từng giữ vị trí điều hành cao cấp tại
Oracle, một nhà cung cấp phần mềm để điều hành các hệ thống kinh doanh cho nhiều
công ty lớn; còn Helfrich là thành viên của nhóm sáng lập Copper Mountain Networks,
một nhà chế tạo thiết bị nối Internet tốc độ và từng làm việc cho 3Com Corporation và
Ascend Communications – hai công ty chế tạo thiết bị mạng khác.
Ý tưởng thành lập quỹ đến với họ như sau. Trước đây, ông Garnett là hội viên
chính của Venrock Associates, một nhánh kinh doanh của gia đình Rockefeller, nơi ông
đã gặt hái nhiều thành công. Cùng với một cộng sự thuộc Doll Capital Management,
ông định đầu tư vào một công ty phần mềm mới nhằm bảo mật thư điện tử và instant
message khỏi các con mắt tò mò, Nhưng rồi Garnett và người bạn nhận ra rằng
Network Associates, công ty chuyên về an toàn máy tính, đang chuẩn bị bán một công
ty tên là PGP (viết tắt của Pretty Good Privacy) có sản phẩm tương tự ra thị trường.
PGP là một công ty công nghệ tốt với một cơ sở khách hàng lớn. Đó là một trong
số hơn 40 công ty mà Network Associates đã mua từ 1997 đến nay, và là một trong
nhiều cơ sở hãng muốn đẩy đi sau khi thuê một giám đốc điều hành mới vào đầu năm
2001. Venrock và Doll Capital đã mua PGP vào tháng 8/2002 “rẻ hơn đáng kể” so với
cái giá mà Network Associates đã phải trả trước đó năm năm. Ông Garnett nói: “Điều
đó chứng tỏ ý tưởng của tôi là đúng. Chúng tôi đã sửa lại sản phẩm phần mềm một
chút rồi thu tiền suốt sáu tháng sau khi mua công ty này.”
Vào tháng 2/2003, Garnett và David Helfrich, lúc đó là hội viên chính của Com
Ventures, ăn sáng cùng nhau tại Il Fornaio, một quán ăn nổi tiếng ở Pato Alto. Họ ngẫu
nhiên quen nhau, rồi sau đó trở nên thân thiết hơn vì con gái họ cùng tham gia đua
ngựa ở Woodside, California. Tại đó, Garnett nói với Helfrich về PGP. Bốn tháng sau
bữa sáng đó, cả hai gửi thông cáo cho các hãng mà họ nhằm sẵn.
Mùa hè 2003, Grove Street Advisors trở thành nhà đầu tư đầu tiên của quỹ. Nhà
đầu tư lớn nhất của quỹ là Công ty Quản trị Kinh doanh Havard - một công ty đầu tư
của trường đại học nổi tiếng cùng tên. Quỹ dự định thực hiện 1 hoặc 2 hợp đồng mỗi
năm, và khoảng 6 đến 8 hợp đồng trong suốt thời gian hoạt động của quỹ, vì mỗi vụ
giao dịch tốn khá nhiều thời gian.
Tất nhiên là có rất nhiều các công ty “mồ côi” để Garnett và Helfrich lựa chọn.
Theo tạp chí Thomson Financial, từ năm 1999 đến 2001 có khoảng 3500 bị sát nhập
(không kể các giao dịch viễn thông) xảy ra mỗi năm trong thế giới công nghệ Hoa Kỳ,
trong khi con số này vào đầu và giữa thập niên 1990 chỉ là 500 và 1500.
Cả Garnett và Helfrich đều nói rằng trong hầu hết mọi trường hợp, họ sẽ giao
việc điều hành công ty cho một ban giám đốc mới và một dãy dài các nhân viên quản lý
đang xếp hàng đợi nhận việc từ họ. Helfrich nói: “Ngày nay rất khó thu hút được một
đội ngũ quản lý giỏi, đặc biệt là một CEO giỏi vào một công ty mới thành lập. Thông
thường sẽ phải mất hai đến ba năm mới cho ra được một sản phẩm, và khả năng
thành công của các công ty khởi sự khá thấp.” Ngược lại, các công ty mà họ dự định tài
trợ đã ổn định hoạt động kinh doanh. Cũng theo Helfrich, “Việc tăng doanh thu của một
công ty từ $50 triệu lên $100 triệu dễ hơn nhiều so với tăng doanh thu từ $10 triệu lên
$20 triệu.”
Roger McNamee, người đồng sáng lập Silver Lake Partners, nói: “Tôi hoàn toàn
chắc chắn rằng những anh chàng này sẽ có rất nhiều cơ hội giao dịch.” Tuy nhiên, điều
này có chuyển thành lợi nhuận đối với hai nhà sáng lập quỹ và các nhà đầu tư không
thì lại là một vấn đề khác.
Thygesen ở Carlyle nói: “Loại giao dịch này cũng có những điểm khó.” Đặt giá
công ty là một vấn đề lớn; thường thì không có những con số kế toán nào gắn với một
đơn vị trong một công ty lớn cả. “Một rủi ro nữa là bạn sẽ nhận được những người
chưa bao giờ bị buộc phải làm việc, phải cạnh tranh để kiếm sống. Họ không phải là
những nhà kinh doanh. Tuy vậy, nếu nhóm đầu tư có sự lựa chọn đúng đắn thì rất có
khả năng họ sẽ thu lợi nhuận cao.