Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kì

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (932.4 KB, 13 trang )

HNUE JOURNAL OF SCIENCE
Educational Sciences, 2020, Volume 65, Issue 4C, pp. 112-124
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2020-0032

TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN TRẺ Ở HOA KÌ

Nguyễn Thu Hà
Trung tâm Nghiên cứu Giáo viên, Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giáo viên trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong việc
thích ứng với các hoạt động thực tiễn ở trường phổ thông. Theo Liên đoàn Giáo viên Hoa
Kì (AFT), tỉ lệ giáo viên bỏ nghề sau năm đầu tiên bước vào sự nghiệp giảng dạy khoảng
20 – 30% và có thể lên tới 50% ở một số khu vực. Họ cũng cho rằng các giáo viên ở Mỹ
không được tham gia các chương trình bồi dưỡng có khả năng rời đi gấp đôi trong 3 năm
đầu tiên. Điều đó cho thấy rằng, các chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng đã tác động tích cực để
giáo viên trẻ làm quen và tiếp tục duy trì nghề nghiệp trong tương lai. Ở Hoa Kì, để đảm
bảo cho các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ được sự chấp nhận của Uỷ ban kiểm định
chất lượng giáo viên các bang được tiến hành thì cần phải đáp ứng được các yêu cầu và tiêu
chuẩn đặc biệt của một chương trình bồi dưỡng giáo viên. Bài báo trên cơ sở nghiên cứu
các tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Mỹ,
từ đó đưa ra các bài học đối với Việt Nam trong công tác xây dựng các chương trình bồi
dưỡng giáo viên trẻ. Đó là các bài học về việc xây dựng chương trình bồi dưỡng dành riêng
cho giáo viên trẻ; phân công và vai trò cụ thể đối với các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm
chính đối với việc phát triển năng lực nghề nghiệp dành riêng cho đối tượng giáo viên trẻ
và việc xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể cho các chương trình hỗ trợ
cho đối tượng giáo viên trẻ ở Việt Nam.
Từ khoá: tiêu chuẩn, điều kiện tiên quyết, giáo viên trẻ, chương trình bồi dưỡng giáo viên
trẻ, Hoa Kì.


1. Mở đầu
Giáo viên trẻ được định nghĩa là những giáo viên mới vào nghề, với thời gian làm việc ở
trường phổ thông bắt buộc không quá 5 năm với rất nhiều bước chuyển đổi phức tạp trong vai
trò của một giáo viên [1]. Điều đó, gây nên những khó khăn không nhỏ cho giáo viên trẻ khi mới
bước vào hoạt động nghề nghiệp. Thực tiễn cho thấy, đa số giáo viên trẻ mới bước vào nghề thường
bị “sốc” trước thực tế ở giáo dục phổ thông. Nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy, có khoảng 1/3
giáo viên trẻ bỏ nghề trong những năm đầu tiên đi dạy, bởi họ gặp không ít khó khăn, thách
thức cả trong dạy học, giáo dục và quản lí học sinh, nhưng ít nhận được sự hỗ trợ từ đồng
nghiệp, nhà trường cũng như từ nơi trực tiếp đào tạo họ [2; tr.1].
Sự chuyển đổi thành công từ giáo viên trẻ làm quen sang một giáo viên lành nghề đòi hỏi
một chương trình bồi dưỡng giáo viên toàn diện. Một chương trình như vậy định hướng cho các
giáo viên trẻ bắt đầu tham gia vào công việc của nhà trường và cộng đồng. Ngoài ra, nó liên kết
các cơ hội phát triển nghề nghiệp và các sáng kiến cải tiến trường học với một hệ thống cố vấn
được thiết kế để hỗ trợ giáo viên nắm vững nhiều khía cạnh liên quan đến việc dạy và học. Cho
Ngày nhận bài: 29/2/2020. Ngày sửa bài: 27/3/2020. Ngày nhận đăng: 12/4/2020.
Tác giả liên hệ: Nguyễn Thu Hà. Địa chỉ e-mail:

112


Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kỳ

đến nay, các chương trình bồi dưỡng được xây dựng để phục vụ việc phát triển nghề cho giáo
viên trẻ bắt buộc trong 17 quốc gia hoặc khu vực, trong đó có Hoa Kì [3; tr.3]. Không phải tất
cả các bang ở Mỹ đều yêu cầu giáo viên trẻ và người mới bắt đầu tham gia vào các chương trình
bồi dưỡng, nhưng các nghiên cứu cho thấy chương trình đó có tác động tích cực để giáo viên trẻ
làm quen và hỗ trợ trong việc duy trì nghề nghiệp của họ [4]. Chương trình bồi dưỡng giáo viên
trẻ của Hoa Kì muốn được triển khai cần phải được phê duyệt của Uỷ ban kiểm định chất lượng
giáo viên các bang trên cơ sở thoả mãn các điều kiện tiên quyết, bộ chuẩn chung và tiêu chuẩn
của chương trình bồi dưỡng giáo viên do mỗi bang đưa ra. Đây là những tiêu chuẩn hết sức chặt

chẽ và có thể trở thành bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo
viên trẻ ở Việt Nam. Bởi lẽ, ở nước ta giáo viên trẻ chiếm tỉ lệ lớn, đây là lực lượng cần có sự
quan tâm bồi dưỡng về năng lực nghề nghiệp bởi những khó khăn mà họ gặp phải trong những
năm đầu tiên của sự nghiệp. Mặt khác, việc bồi dưỡng giáo viên thực tế hiện nay chủ yếu được
triển khai theo quy định đại trà, được áp dụng với toàn bộ hệ thống giáo viên, không có chương
trình/chính sách và tiêu chuẩn, tiêu chí riêng dành cho đối tượng giáo viên trẻ mới vào nghề.
Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tổng quan các tiêu chuẩn và điều kiện tiên
quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Mỹ, từ đó rút ra bài học thành bài học kinh
nghiệm cho việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Việt Nam.

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đào tạo giáo viên và giáo viên trẻ ở Hoa Kì
- Hệ thống giáo dục Hoa Kì: Giáo dục Hoa Kì chủ yếu là nền giáo dục công do Chính phủ
liên Bang, tiểu Bang và địa phương điều hành và cung cấp tài chính. Giáo dục phổ thông bắt
buộc đối với trẻ em ở tất cả các bang, kéo dài từ 8 đến 13 năm (tuỳ thuộc vào bang) và thường
bắt đầu từ độ tuổi 6 đến 16 hoặc 18. Hoa Kì là quốc gia có hệ thống giáo dục đa dạng nhất và
phát triển nhất trên thế giới, với hệ thống trường công lập và tư thục ở mọi cấp độ giáo dục trải
dài từ mẫu giáo đến đại học. Tuy nhiên, mỗi bang khác nhau lại có những đặc trưng khác nhau;
và trong từng bang các đơn vị trường học cũng có sự khác nhau [5; tr.2]. Ở California, giáo dục
đại học có tính liên thông rất cao. Có ba loại thiết chế giáo dục đại học công chủ yếu trong bang:
Hệ thống Cao đẳng cộng đồng (CC), hệ thống Đại học bang California (CSU) và hệ thống Đại
học California (CU). Hệ thống Cao đẳng cộng đồng phục vụ cho nhiều đối tượng sinh viên nhất
và có yêu cầu đầu vào rất thấp. Những sinh viên cao đẳng cộng đồng muốn vào học tại một
trường thuộc hệ thống CSU hay CU có thể tham gia vào các khóa học tại một trường cao đẳng
và được bảo đảm rằng họ sẽ được chuyển sang và xét đầu vào ở một trường thuộc hệ thống
CSU hay CU. Hai mươi ba (23) phân nhánh của CSU bắt đầu như là các trường cao đẳng sư
phạm và qua thời gian trưởng thành đã trở thành các trường đại học toàn phần. Khác với Việt
Nam, các trường đại học này rất toàn diện và có các khoa chuyên môn khác nhau, từ Kinh
doanh đến Giáo dục, từ Hóa học đến Thiết kế thời trang [5; tr.5].
- Đào tạo giáo viên ở Hoa Kì: Ở các trường đại học sư phạm Hoa Kì tồn tại hai chương

trình đào tạo giáo viên 4 năm và 5 năm. Sự khác biệt lớn nhất của hai chương trình này chính là
tổng lượng thời gian thực hành ở trường phổ thông của giáo sinh sư phạm. Đối với Đại học
bang Iowa (chương trình 4 năm) thời gian thực hành của sinh viên ở trường phổ thông là 13
tuần tương đương với 1 học kì. Khi sinh viên đi ra ngoài để thực hành giảng dạy trong học kì
mùa Thu hay học kì mùa Xuân, họ luôn bỏ kì khai giảng hay bế giảng của trường, nơi diễn ra
rất nhiều công việc của người giáo viên. Các sinh viên tại Đại học California (UC) – chương
trình 5 năm, sinh viên thực hành giảng dạy trong cả một năm, gấp đôi so với tại Đại học bang
Iowa. Các giáo sinh Đại học California bắt đầu công việc với người giáo viên phối hợp với họ
trước khi bắt đầu năm học và học cách tổ chức một lớp học, chuẩn bị kế hoạch bài học và giáo
án, gặp gỡ học sinh vào ngày đầu tiên của lớp học, có được kinh nghiệm đầu tay với những hoạt
113


Nguyễn Thu Hà

động bổ túc tại trường mà thường diễn ra trước khi bắt đầu năm học. Sau đó các sinh viên của
Đại học California làm việc với người giáo viên phối hợp với họ để kết thúc năm học. Nói cách
khác, các sinh viên của Đại học California có một kinh nghiệm rất khác so với các sinh viên của
Đại học bang Iowa. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ ràng bởi vì các sinh viên thuộc Đại học
California trở thành “người nhà” bên trong văn hóa của trường học, chứ không phải là “người
ngoài” đáo qua trường trong một thời gian ngắn. Rõ ràng là kinh nghiệm thực hành giảng dạy
kéo dài cả năm đem lại nhiều lợi ích hơn, nhưng thời gian giám sát đối với những giáo sinh này
sẽ tăng gấp đôi, và khi đó chi phí cũng tăng lên [5; tr.10].
- Các yêu cầu cấp chứng chỉ (giấy phép) cho giáo viên trẻ ở California – Hoa Kì: Giống
như các bang Michigan và New York, California yêu cầu phải mất đến năm thứ 5 để có được
một chứng nhận kiểm định giảng dạy (hầu hết các bang khác không đòi hỏi như vậy). Tất cả các
giáo viên tương lai phải có một bằng cử nhân và sau đó quay trở lại trường đại học học thêm
một năm kiến thức nghiệp vụ để được chứng nhận kiểm định giáo viên. Trường đại học được
chứng nhận kiểm định gợi ý cho sinh viên kiếm một chứng chỉ kiểm định, nhưng Ủy ban kiểm
định chất lượng giáo viên California cấp và chứng nhận cho chứng chỉ kiểm định. Ngoài bằng

cử nhân, các yêu cầu còn bao gồm [1; tr.10]: 1) vượt qua một cuộc sát hạch đánh giá những kĩ
năng đọc, viết và toán; 2) vượt qua một cuộc sát hạch về kiến thức bộ môn giảng dạy (ví dụ, hóa
học, sinh học, nông nghiệp, lịch sử, phát triển trẻ em…); 3) ghi hình và sau đó phân tích hoạt
động giảng dạy của bản thân bằng việc tư duy phê bán về một bài giảng. Những tư duy ở dạng
viết ra được các giám khảo chấm điểm và 4) hoàn tất thành công năm thứ năm chương trình
chuẩn bị giáo viên bao gồm các khóa học về tâm lí học, giáo dục học, phương pháp giảng dạy,
hướng dẫn đọc, sử dụng công nghệ trong lớp học, v.v.., và cũng hoàn tất việc thực hàng dạy
học, trong một giai đoạn tối thiểu 23 tuần. Tại Đại học California, Davis, 185 ngày thực hành
giảng dạy học sinh là yêu cầu bắt buộc [1].
Như vậy, giáo viên trẻ (new teachers, novice teacher, junior teacher, beginning teacher,
early career teacher, starting teacher,…) ở Mỹ được định nghĩa là giáo viên mới vào nghề, có
thời gian làm việc ở các trường phổ thông bắt buộc từ 5 năm trở xuống và tốt nghiệp tại các
trường đại học sư phạm hoặc các cơ sở đào tạo giáo viên [1].
Các nghiên cứu về đào tạo giáo viên [3, 6] đã chỉ ra rằng, đào tạo giáo viên là một quá trình
liên tục bao gồm thời gian đào tạo ban đầu, tập sự và phát triển nghề nghiệp liên tục. Giáo viên
phải được hỗ trợ để phát triển nghề nghiệp liên tục [3; tr.5]. Một chương trình bồi dưỡng giáo
viên định hướng cho các giáo viên trẻ bắt đầu tham gia vào công việc của nhà trường và cộng
đồng. Ngoài ra, nó liên kết các cơ hội phát triển nghề nghiệp và các sáng kiến cải tiến trường
học với một hệ thống cố vấn được thiết kế để hỗ trợ giáo viên nắm vững nhiều khía cạnh liên
quan đến việc dạy và học. Việc giáo viên tham gia vào việc bồi dưỡng phát triển nghề tác động
tích cực đến niềm tin và thói quen của giáo viên cũng như việc học tập của học sinh cũng như
việc thực hiện cải cách giáo dục [3]. Cho đến nay, các chương trình bồi dưỡng được xây dựng
để phục vụ việc phát triển nghề cho giáo viên trẻ bắt buộc trong 17 quốc gia hoặc khu vực. Tất
cả các chương trình này nhằm mục đích hỗ trợ giáo viên trẻ giúp họ thích ứng được với nghề và
làm giảm khả năng bỏ nghề sớm [3; tr.5].

2.2. Chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở các bang của Hoa Kì
Vấn đề bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trẻ trong trường phổ thông được quan tâm ở
cấp độ quốc tế trong giai đoạn 2010 – 2014 với các vấn đề về đánh giá cải cách đào tạo và thực
tiễn giảng dạy và nâng cao chất lượng; bồi dưỡng để phát triển thực hành/thực tập dựa trên sự

tôn trọng quyền con người và các nguyên tắc giáo dục hòa nhập để tôn trọng sự đa dạng và thay
đổi do sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới khi dạy và học. Bồi dưỡng thường
xuyên liên quan đến việc hiểu biết quá trình phát triển của nghề nghiệp [3; tr.3]. Trong quá trình
đó, việc chuyển từ việc làm giáo viên tập sự sang công việc đầu tiên của nghề giáo viên thường
114


Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kỳ

gây ra một cú sốc thực tế cho một số người, kết quả từ nhận thức về sự khác biệt giữa thực tế và
lí tưởng được tạo ra trong suốt thời gian đào tạo ban đầu [3]. Điều này thường gây ra cảm giác
bất lực và sợ hãi trước thất bại của giáo viên trẻ. Các nghiên cứu về giáo viên trẻ ở Mỹ [8, 9] chỉ
ra rằng nếu giáo viên có hỗ trợ và đào tạo, họ có nhiều khả năng ở lại trong nghề hơn, điều này
dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ giữ chân giáo viên. Giáo viên trẻ thường được giao cho cùng một
nhiệm vụ ở trong và ngoài lớp học, giống như một giáo viên giàu kinh nghiệm. Các chương
trình bồi dưỡng chất lượng cho tất cả giáo viên trẻ rất quan trọng và nghiên cứu [7] cho thấy
rằng giáo viên mới tham gia chương trình bồi dưỡng có khả năng ở lại trong nghề gần gấp đôi
so với những người không tham gia [8]. Nhiều giáo viên mới có cảm giác bị cô lập và thiếu sự
hỗ trợ là yếu tố quyết định quan trọng trong quyết định rời khỏi giảng dạy. Theo Liên đoàn Giáo
viên Hoa Kì (AFT), tỉ lệ tiêu hao cho giáo viên mới bắt đầu là từ 20-30% và có thể lên tới 50%
ở một số khu vực. Họ cũng cho rằng các giáo viên không có chương trình bồi dưỡng có khả
năng rời đi gấp đôi trong ba năm đầu tiên giảng dạy. Không phải tất cả các Bang ở Mỹ đều yêu
cầu giáo viên trẻ và người mới bắt đầu tham gia vào các chương trình bồi dưỡng, nhưng các xu
hướng cho thấy chương trình đó có tác động tích cực để giáo viên trẻ làm quen và hỗ trợ trong
việc duy trì nghề nghiệp [7; tr.5].
Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đều có chương trình bồi dưỡng dành cho giáo
viên trẻ (có thể là bắt buộc hoặc tự nguyện) trừ Bang Washington D.C, American Samoa và
Virgin Islands [7; tr.3]. Đối với từng bang, sự cố vấn hỗ trợ giáo viên trẻ có sự khác nhau với
các chương trình khác nhau: Có thể kể đến chương trình bồi dưỡng và hỗ trợ cho giáo viên trẻ,
giáo viên tập sự (BEST) của Bang Connecticut; Chương trình cố vấn/hỗ trợ dành cho giáo viên

trẻ của Bang Delaware; Chương trình tập sự dành cho giáo viên trẻ (BTIP) của Bang Indiana;
Chương trình tập sự của Bang Kentucky (KTIP); Chương trình Đánh giá và hỗ trợ giáo viên trẻ
ở Louisiana (LaTAPP) và các chương trình hỗ trợ giáo viên trẻ khác. Các chương trình này hầu
hết là do Hội đồng giáo dục tiểu bang thành lập với mục đích hỗ trợ và đánh giá giáo viên trẻ,
giáo viên tập sự lấy chứng chỉ giáo dục ban đầu dưới sự cố vấn của các chuyên gia giáo dục và
giáo viên cốt cán. Theo chương trình này, các nhà giáo dục sẽ được yêu cầu tham gia trong hai,
ba năm nếu cần. Các chương trình được thiết kế để đảm bảo các giáo viên trẻ có cơ hội củng cố
kiến thức về các chủ đề và các chiến lược giảng dạy cũng như nâng cao hiểu biết của họ về học
sinh, chuẩn bị cho việc giáo viên trẻ phát triển và thể hiện thành công các kĩ năng và năng lực
nền tảng cũng như các tiêu chuẩn giảng dạy cụ thể theo nội dung các tiêu chuẩn nghề nghiệp; hỗ
trợ giáo viên trẻ hiểu mục tiêu và thành tích của học sinh theo các Tiêu chuẩn học thuật của các
bang để vượt qua các kì thi cấp chứng chỉ trở thành các giáo viên chính thức; và cung cấp nền
tảng cho một quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp suốt đời. Cuối cùng, mục tiêu của các
chương trình là giúp các giáo viên trẻ nâng cao hiệu quả giảng dạy của họ, từ đó dẫn đến việc
học tập của học sinh được cải thiện [7].
Trong số các chương trình này, chương trình đánh giá và hỗ trợ giáo viên tập sự tại Bang
Califonia (BiTSA) có vai trò quan trọng nhằm cung cấp những đánh giá định hướng, hỗ trợ từng
cá nhân, và nội dung nâng cao cho những giáo viên mới và những giáo viên chuẩn bị được cấp
chứng chỉ hành nghề giáo viên. Chương trình hỗ trợ này có thời gian là 2 năm. Chương trình
này được định hướng bởi hai bộ chuẩn khác nhau: 1) Chuẩn nghề nghiệp giảng dạy California
(CSTP) và (2) Chuẩn chất lượng và hiệu quả dành cho Các chương trình hỗ trợ nghề nghiệp
cho giáo viên tập sự (Chuẩn chương trình). CSTP là cơ sở cho các chương trình phát triển nghề
nghiệp, trong khi Chuẩn chương trình định hướng cho hoạt động của chương trình. Chương
trình dựa trên các nghiên cứu về cách thức giáo viên học tập qua công việc. BiTSA có mục tiêu
là: Cung cấp khả năng chuyển tiếp hiệu quả trong định hướng dạy học trong năm đầu và năm
thứ hai của các giáo viên tại bang California; Cải thiện công tác giáo dục sinh viên thông qua
việc nâng cao đào tạo, thông tin và hỗ trợ cho các giáo viên tham gia chương trình; Cho phép
các giáo viên tập sự hoạt động hiệu quả hơn trong công tác đào tạo học sinh, những người đến
115



Nguyễn Thu Hà

từ các nền văn hóa, khu vực, ngôn ngữ và trình độ khác nhau; Đảm bảo thành công về chuyên
môn và khả năng tiếp tục theo nghề dạy học cho các giáo viên mới; Đảm bảo một người hỗ trợ
cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sâu rộng cho từng cá nhân đến từng giáo viên tập sự tham gia
chương trình này; Đảm bảo rằng luôn có một kế hoạch hỗ trợ tập sự cá nhân cho từng giáo viên
tập sự tham gia chương trình và dựa trên một đánh giá thường xuyên về khả năng phát triển của
giáo viên tập sự; và Đảm bảo chương trình được liên tục cải thiện thông qua nghiên cứu, phát
triển và đánh giá thường xuyên [1, 9, 10, 11].
Thiết kế các chương trình hỗ trợ giáo viên trẻ trong BiTSA có sự khác biệt giữa các trường,
dựa vào các nhu cầu và các chương trình đang được thực hiện. Việc đáp ứng chuẩn chương
trình có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Các giáo viên cốt cán (được trả lương) hỗ trợ giáo
viên thu thập và diễn giải các minh chứng về việc dạy học, phản ánh việc dạy học và xác định
các hoạt động phát triển chuyên môn. Các lãnh đạo BiTSA cấp hạt tổ chức các hội thảo và các
hoạt động điều phối đối với các trường trong địa bàn [1, 9].
Quy trình bồi dưỡng giáo viên trẻ của BiTSA dựa vào 20 chuẩn chương trình: Các chuẩn
giáo viên, chuẩn học sinh, các nguồn minh chứng và các tiêu chí; minh chứng về việc rèn luyện
bao gồm các phương pháp khác nhau như tự đánh giá, dự giờ, phân tích bài làm của học sinh, lập
kế hoạch và thực hiện bài giảng; và Hệ thống đánh giá định hướng theo yêu cầu bao gồm các chu
kì lập kế hoạch, giảng dạy, phản ánh và ứng dụng. Giáo viên và các cán bộ cốt cán cùng xây dựng
các mục tiêu phát triển chuyên môn (Kế hoạch bồi dưỡng cá nhân) dựa trên các nhiệm vụ của giáo
viên, các nhu cầu phát triển đã được xác định các kinh nghiệm và ưu tiên đào tạo [9, 10].
Có thể nói, đây là chương trình tiến bộ nhất của Mỹ [7]. Từ khi thành lập đến nay, BiTSA
có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giáo viên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp giảng dạy đang ở
giữa chừng sự nghiệp được cải thiện từ năm 2000. Nói cách khác, BiTSA gắn liền với tỉ lệ duy
trì sự nghiệp của các giáo viên [10, 11].

2.3. Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ
Hoa Kì

2.3.1. Các điều kiện tiên quyết để tham gia vào các Chương trình bồi dưỡng đã được Uỷ
ban thông qua
Điều kiện tiên quyết được định nghĩa là những điều kiện cần phải được đáp ứng trước khi
xin chứng nhận kiểm định cho một chương trình bồi dưỡng giáo viên. Thường thì những điều
kiện tiên quyết này được thiết kế để thể hiện rằng các trường cao đẳng và đại học có sự hỗ trợ
thể chế và có khả năng thực hiện một chương trình đảm bảo chất lượng. Các điều kiện tiên
quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ do Luật nhà nước và Ủy ban kiểm định chất
lượng giáo viên California đề ra. Theo Bộ luật Giáo dục, phần 44227 (a) của Mỹ, mỗi chương
trình bồi dưỡng giáo viên trẻ để lấy chứng chỉ phải tôn trọng các yêu cầu sau của Uỷ ban: [9, 10].
- Về phê duyệt tín chỉ kiến thức chuyên môn: các chương trình phải do một trường đề xuất
và thực hiện; trường đó phải: (a) được chính thức công nhận bởi Hiệp hội các trường học
phương Tây hay bất kì một hiệp hội nào khác trong sáu hiệp hội chỉ định cấp khu vực; và (b)
cấp tín chỉ học tập sau khi tốt nghiệp tú tài, hoặc cả (a) và (b) [9, 10].
- Về trách nhiệm và quyền hạn: Các trường/cơ sở đào tạo giáo viên phải chỉ rõ vị trí nào
trong phạm vi cơ cấu tổ chức chịu trách nhiệm giám sát liên tục đối với tất cả các chương trình
đào tạo giáo viên do trường/cơ sở đào tạo (kể cả chương trình bồi dưỡng) [9, 10].
- Về quyết định nhân sự: trường/cơ sở đào tạo/LEA này phải hoàn toàn quyết định vấn đề
nhân sự mà không tính đến những khác biệt về giới hoặc các vấn đề khác mà hiến pháp và pháp
luật nghiêm cấm [9, 10].
- Về việc chứng minh nhu cầu: chương trình bồi dưỡng giáo viên phải chứng minh được sự
cần thiết phải thực hiện chương trình [9, 10].
116


Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kỳ

- Về những đảm bảo của Uỷ ban: Các nhà tài trợ các chương trình bồi dưỡng giáo viên
phải: (a) chứng minh được rằng chương trình sẽ đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn phù hợp về chất
lượng và hiệu quả của chương trình đã được Uỷ ban thông qua và có sự chấp thuận của Sở Giáo
dục California; (b) đảm bảo rằng trường/cơ sở đào tạo sẽ phối hợp với một nhóm làm việc bên

ngoài để đánh giá chương trình hoặc sẽ phối hợp giám sát chương trình cùng với Uỷ ban; và (c)
đảm bảo rằng trường/cơ sở đào tạo sẽ tham gia vào các xem xét và đánh giá trọng tâm về một
hoặc nhiều khía cạnh của chương trình khi được Uỷ ban chỉ định [9, 10].
- Về yêu cầu dữ liệu: trường/cơ sở đào tạo phải chỉ định một người có năng lực chịu trách
nhiệm báo cáo và đáp ứng mọi yêu cầu của Uỷ ban về việc cung cấp dữ liệu điện tử liên quan
đến số lượng người được tiếp nhận vào chương trình, số người hoàn tất chương trình, các quá
trình thuyên chuyển của học viên, các tiêu chí của Giải pháp hoàn thành sớm và số người hoàn
tất chương trình Giải pháp hoàn thành sớm, và dữ liệu báo cáo cho học viên, tiểu bang và liên
bang trong phạm vi thời gian theo quy định của Uỷ ban [9, 10].
- Về tiêu chuẩn các ứng viên được tiếp nhận vào chương trình: các chương trình chỉ chấp
nhận những học viên đáp ứng hai yêu cầu sau đây: có Chứng chỉ giảng dạy nhiều môn và/hoặc
một môn cơ sở của tiểu bang California có giá trị hiệu lực (Chứng chỉ Ryan hoặc SB 2042). Nếu
không được đào tạo tại tiểu bang, học viên phải có tối đa hai năm kinh nghiệm giảng dạy [3, 4].
- Ngoài ra, các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ còn có các yêu cầu của Chương trình
hoàn thành sớm đối với các học viên xuất sắc và có kinh nghiệm, đã thoả mãn các tiêu chí mà
chương trình đề ra; Về những người hỗ trợ cho chương trình: việc giao nhiệm vụ cho một
người hỗ trợ mỗi giáo viên trẻ tập sự sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày đầu tiên của thời kì tập sự
giáo viên trong một chương trình bồi dưỡng, như vậy cả học viên và người hỗ trợ có thể bắt tay
vào xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghề nghiệp vì sự trưởng thành của mỗi giáo viên trẻ. Người
hỗ trợ phải có chứng chỉ sư phạm hợp lệ của tiểu bang California hoặc có trình độ và kinh
nghiệm chuyên ngành tương đương; và Kĩ năng tiếng Anh của giáo viên: chương trình bồi
dưỡng yêu cầu học viên chứng minh hiểu biết của mình về các phương pháp phát triển kĩ năng
tiếng Anh, kể cả kĩ năng đọc hiểu, cho toàn bộ học sinh, kể cả những em học sinh sử dụng tiếng
Anh là ngôn ngữ thứ hai. Cuối cùng là việc hoàn tất các yêu cầu: Khi có học viên đề xuất được
cấp chứng chỉ, một trường/cơ sở đào tạo tổ chức một chương trình bồi dưỡng giáo viên phải xác
định được rằng học viên đó đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng đã được phê chuẩn [9, 10].
2.3.2. Các tiêu chuẩn chung của chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kì
Các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Mỹ phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung về
chương trình bồi dưỡng giáo viên của từng Bang, trên tất cả các mặt, bao gồm 9 tiêu chuẩn
dưới đây:

Tiêu chuẩn 1: Đội ngũ quản lí giáo dục: Trường và cơ sở đào tạo xây dựng và thực hiện
một tầm nhìn cho việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên căn cứ vào nghiên cứu, công việc chuẩn bị
này là để đáp ứng các khung chương trình học và các tiêu chuẩn đã được thông qua của tiểu
bang California. Tầm nhìn này đưa ra định hướng cho các chương trình, các khoá học, giảng
dạy, để xây dựng các chiến lược hiệu quả nhằm thoả mãn yêu cầu của mọi chương trình và đại
diện cho lợi ích của mỗi chương trình trong phạm vi trường học. Cơ sở giáo dục thực hiện và
giám sát một quá trình giới thiệu để lấy chứng chỉ phải đảm bảo rằng các học viên được giới
thiệu để nhận chứng chỉ đều đã thoả mãn mọi yêu cầu đề ra [9, 11].
Tiêu chuẩn 2: Đánh giá cơ sở đào tạo và chương trình học: Cơ sở đào tạo tiến hành
một hệ thống đánh giá chương trình hiện có và đánh giá về cơ sở đào tạo cũng như sự tiến bộ
của mình. Hệ thống này sẽ thu thập, phân tích và sử dụng các dữ liệu về năng lực của học viên
và người hoàn tất chương trình cũng như dữ liệu về các hoạt động của cơ sở. Việc đánh giá tất
cả các chương trình bao gồm hoạt động thu thập dữ liệu hiện có và toàn diện liên quan đến
trình độ chuyên môn, sự thành thạo và năng lực của học viên cũng như tính hiệu quả của
117


Nguyễn Thu Hà

chương trình; và đánh giá này được sử dụng cho mục đích cầu tiến [9, 11].
Tiêu chuẩn 3: Các nguồn lực: Trường học cung cấp cho cơ sở đào tạo số ngân sách cần
thiết, đội ngũ nhân sự có trình độ, các trang thiết bị phù hợp và các nguồn lực khác giúp học viên
thoả mãn các tiêu chuẩn về giáo viên tập sự do tiểu bang thông qua. Các nguồn lực được phân bổ
một cách thích hợp nhằm thực hiện hiệu quả mỗi chương trình học lấy chứng chỉ xét về việc điều
phối, tiếp nhận học viên, tư vấn, xây dựng chương trình học và phát triển nghề nghiệp, hướng dẫn,
các kinh nghiệm lí thuyết và/hoặc giám sát dựa trên thực tế, và quản lí việc đánh giá [9, 11].
Tiêu chuẩn 4: Cán bộ giảng dạy và nhân sự hướng dẫn: Những giáo viên có trình độ
đều được tuyển dụng và phân công giảng dạy tất cả các lớp để có sự phát triển về chuyên môn
và giám sát các kinh nghiệm lí thuyết và/hoặc thực tiễn trong mỗi chương trình học lấy chứng
chỉ. Cán bộ giảng dạy và giáo viên hướng dẫn có kiến thức về nội dung mà họ giảng dạy, họ

hiểu bối cảnh học tập ở trường công và các kĩ năng chuyên môn tốt nhất về dạy và học, học
bổng và các hoạt động, kiến thức uyên thâm nhiều chiều về văn hoá, ngôn ngữ, và sự đa dạng về
dân tộc và về giới; nắm vững các tiêu chuẩn và khung học thuật, các hệ thống giải trình chi phối
chương trình học của các trường công; phối hợp một cách thường xuyên và có hệ thống với các
đồng nghiệp tại các cơ sở đào tạo đại học/cao đẳng/trung học cũng như các thành viên của cộng
đồng nghề nghiệp và quy mô lớn hơn để cải thiện kĩ năng giảng dạy, việc học tập của học viên
và việc tập sự giáo viên. Cơ sở đào tạo đều đặn đánh giá năng lực của những người giảng dạy lí
thuyết và những người giám sát thực hành, công nhận sự xuất sắc và chỉ giữ lại những người
làm việc thực sự hiệu quả [9, 11].
Tiêu chuẩn 5: Tiếp nhận: Trong mỗi chương trình chuẩn bị nghề nghiệp, các học viên
đều được nhận vào học căn cứ vào các tiêu chí và thủ tục tiếp nhận đã được xây dựng chặt chẽ,
bao gồm cả mọi yêu cầu mà Uỷ ban đã thông qua. Cơ sở đào tạo xác định rằng các học viên
được tiếp nhận đã có kinh nghiệm phù hợp từ trước và các đặc tính cá nhân, kể cả độ nhạy trước
dân cư đa dạng của California, kĩ năng giao tiếp hiệu quả, kĩ năng học tập cơ bản và các kinh
nghiệm đã có chứng tỏ khả năng sẽ làm việc hiệu quả [10, 12].
Tiêu chuẩn 6: Tư vấn và hỗ trợ: Những thành viên có trình độ của cơ sở đào tạo được
phân công và luôn sẵn sàng tư vấn cho học viên và ứng viên về sự phát triển cá nhân, nghề
nghiệp và học tập, cũng như hỗ trợ việc bố trí nơi thực tập cho mỗi học viên. Các thông tin phù
hợp có thể dễ dàng tiếp cận được để hướng dẫn mỗi thí sinh thoả mãn mọi yêu cầu của chương
trình. Trường và/hoặc cơ sở đào tạo hỗ trợ cho các học viên và chỉ giữ lại những học viên phù
hợp cho chương trình học tập hoặc có thể tiến bộ trong nghề sư phạm [10, 12].
Tiêu chuẩn 7: Lí thuyết và kinh nghiệm thực tế: Cơ sở đào tạo xây dựng, thực hiện và
thường xuyên đánh giá một chuỗi các kinh nghiệm lí thuyết và thực tiễn theo kế hoạch để giúp
học viên phát triển và chứng minh kiến thức và kĩ năng cần thiết để dìu dắt và hỗ trợ hiệu quả
cho mọi sinh viên để các sinh viên phổ thông có thể thoả mãn các tiêu chuẩn về học thuật đã
được tiểu bang thông qua. Đối với mỗi chương trình học lấy chứng chỉ và tín chỉ, cơ sở giáo dục
phối hợp với các đối tác của mình gắn với các tiêu chí về lựa chọn các điểm trường, đội ngũ
nhân lực hiệu quả cũng như đội ngũ giám sát ở cơ sở. Những kinh nghiệm lí thuyết và/hoặc
công việc thực tế cho học viên cơ hội lĩnh hội và xử lí được nhiều vấn đề tác động tới môi
trường học tập, dạy và học, và giúp học viên xây dựng các chiến lược dựa trên nghiên cứu để

cải thiện việc học tập của học sinh [10, 12].
Tiêu chuẩn 8: Những người giám sát do cơ sở đào tạo tuyển dụng: Những người giám
sát do cơ sở đào tạo tuyển dụng đều có bằng cấp và kinh nghiệm về giảng dạy môn học cụ thể
cũng như thực hiện các công việc quy định thuộc phạm vi đào tạo cấp chứng chỉ. Quá trình
tuyển chọn người giám sát có trình độ và khả năng hỗ trợ việc học của sinh viên phải căn cứ vào
các tiêu chí đã đề ra. Những người giám sát được đào tạo về giám sát, được định hướng để phục
vụ vai trò giám sát, được đánh giá và thừa nhận một cách có hệ thống [10, 12].
118


Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn 9: Đánh giá trình độ của học viên: Các học viên chuẩn bị gia nhập đội ngũ
cán bộ giảng dạy chuyên nghiệp phải biết và chứng tỏ được kiến thức và kĩ năng chuyên môn
cần thiết để giáo dục và hỗ trợ hiệu quả cho mọi sinh viên, giúp các em đáp ứng được các tiêu
chuẩn về học tập đã được tiểu bang thông qua [10, 12].
2.3.3. Các tiêu chuẩn của chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kì
Để được cấp chứng nhận chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Bang Califonia, các
chương trình bồi dưỡng giáo viên phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng. Đó là: 1) Các
chương trình chỉ ra nguyên tắc thiết kế hiệu quả và 2) Các chương trình mang lại cơ hội để học
viên chứng tỏ khả năng giảng dạy hiệu quả với các tiêu chí cụ thể của từng yêu cầu như sau:
a) Yêu cầu 1: Các chương trình chỉ ra các nguyên tắc thiết kế hiệu quả
Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và thiết kế của chương trình: Chương trình bồi dưỡng kết hợp
chặt chẽ cơ cấu phát triển nghề nghiệp và công việc chuẩn bị được sắp xếp hợp lí, giúp các giáo
viên tham gia có thể đáp ứng nhu cầu học tập của mọi học sinh phổ thông, và giữ lại các giáo
viên có trình độ cao. Thiết kế chương trình phải phù hợp với nhu cầu của từng giáo viên và tuân
theo quy định trong Bộ luật Giáo dục, đồng thời phải gắn với các điều kiện dạy và học hiện có,
bố trí hoạt động điều phối giữa các bộ phận hành chính của chương trình như bộ phận tiếp nhận,
tư vấn, đánh giá và hỗ trợ người tham gia, bố trí người hỗ trợ và đánh giá chương trình.
Thiết kế chương trình tạo cơ hội áp dụng và chứng minh kiến thức và kĩ năng sư phạm cần

thiết trong chương trình lấy chứng chỉ ban đầu. Thiết kế chương trình bao gồm sự hỗ trợ tập
trung của mỗi cá nhân đối với mỗi người tham gia, các kinh nghiệm về cộng tác với đồng
nghiệp và nhân lực nguồn, đồng thời cũng kèm theo một hệ thống đánh giá được xây dựng dựa
trên điều tra căn cứ vào các Tiêu chuẩn về nghề sư phạm của tiểu bang California. Chương trình
đào tạo kết hợp với các trường phổ thông để hợp nhất các hoạt động của chương trình bồi dưỡng
với các hoạt động phát triển nghề nghiệp của cơ sở đào tạo và các trường đối tác [9, 10, 11].
Tiêu chuẩn 2: Giao tiếp và cộng tác: Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cộng tác với
đội ngũ nhân lực của cơ sở đào tạo đối tác. Đó có thể là những cán bộ nhân sự, các cán bộ về
giáo dục và các cán bộ quản lí hành chính hỗ trợ học viên và chương trình.
Sự cộng tác giữa chương trình bồi dưỡng và những người quản lí tạo nên một cộng đồng
giáo dục chuyên nghiệp, đảm bảo cơ cấu hỗ trợ các hoạt động bồi dưỡng và điều phối các cơ hội
phát triển nghề nghiệp của cơ sở đào tạo/khu vực bổ sung. Các chương trình cung cấp sự phát
triển nghề nghiệp cho các cán bộ quản lí, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển giáo
viên mới, xác định các điều kiện làm việc mà tối ưu hoá sự thành công của các giáo viên tham gia
và thực hiện các bước đi hiệu quả để cải thiện hoặc khắc phục những khía cạnh đầy thách thức
trong môi trường làm việc của giáo viên, và những cơ sở và quá trình đào tạo để chuyển tiếp hiệu
quả từ việc đào tạo giáo viên tập sự sang vai trò của người giáo viên chuyên nghiệp [9, 10, 11].
Tiêu chuẩn 3: người hỗ trợ và người phát triển nghề nghiệp: Chương trình bồi dưỡng
tuyển chọn, chuẩn bị và phân công người hỗ trợ và người phát triển nghề nghiệp, vận dụng các
tiêu chí được quy định chặt chẽ, phù hợp với trách nhiệm được giao của người đó trong chương
trình. Theo trách nhiệm được giao, những người cung cấp chương trình nhận được sự phát triển
nghề nghiệp hiện tại và ban đầu để đảm bảo rằng họ am hiểu về chương trình và có kĩ năng
trong phạm vi vai trò của mình. Đào tạo người hỗ trợ bao gồm việc phát triển kiến thức và kĩ
năng cố vấn, các Tiêu chuẩn về nghề sư phạm của bang California, Hạng mục B: các Tiêu
chuẩn giảng dạy hiệu quả thuộc các tiêu chuẩn của chương trình bồi dưỡng, cũng như việc sử
dụng hợp lí các công cụ và các bước đi trong các hệ thống đánh giá hình thành.
Chương trình đã xác định các tiêu chí phân công những người hỗ trợ cho các giáo viên
tham gia một cách đúng lúc. Các bước đi được xác định để tái phân công khi một cặp giáo viên
tham gia và người hỗ trợ không làm việc ăn ý với nhau [9, 10, 11].
119



Nguyễn Thu Hà

Chương trình thường xuyên đánh giá chất lượng các hoạt động mà những người hỗ trợ
dành cho các giáo viên tham gia và đánh giá năng lực thực hiện của những người hỗ trợ phát
triển nghề nghiệp, sử dụng các tiêu chí vững chắc. Người/những người chỉ đạo chương trình
cung cấp phản hồi hình thành cho những người hỗ trợ và người phát triển nghề nghiệp về công
việc của họ, chỉ giữ lại những người thoả mãn được các tiêu chí đề ra [9, 10, 11].
Tiêu chuẩn 4: Hệ thống đánh giá hình thành: Chương trình đào tạo sử dụng một hệ
thống đánh giá hình thành để hỗ trợ và thông báo cho các giáo viên tham gia về sự phát triển
nghề nghiệp của họ khi họ phản ánh và cải thiện việc giảng dạy của mình là một phần trong chu
kì tiến bộ liên tục. Đánh giá hình thành định hướng công việc của những người hỗ trợ và người
phát triển nghề nghiệp cũng như thúc đẩy và phát triển các tiêu chí nghề nghiệp liên quan đến
việc điều tra, cộng tác, đối thoại liên quan đến dữ liệu và nhận xét để cải thiện việc học tập của
sinh viên.
Hệ thống đánh giá hình thành dựa trên điều tra của chương trình, với đặc tính là một chu kì
lập kế hoạch, giảng dạy, nhận xét và áp dụng, gồm ba phần chính: các tiêu chuẩn, bằng chứng
thực tế và các tiêu chí. Các bước đánh giá hình thành (được xây dựng nhằm cải thiện việc giảng
dạy) căn cứ vào các Tiêu chuẩn về nghề sư phạm của bang California và gắn với các tiêu chuẩn
về nội dung học phổ thông. Bằng chứng thực tế bao gồm nhiều giải pháp như tự đánh giá, quan
sát, phân tích việc học của giáo viên và hướng dẫn lập kế hoạch và thực hiện. Một công cụ đánh
giá chỉ ra nhiều mức độ về năng lực giảng dạy được coi là thước đo việc giảng dạy. Nhận xét về
bằng chứng thực tế là một quá trình cộng tác với một người hỗ trợ và/hoặc các đồng nghiệp
khác theo sự bổ nhiệm của chương trình bồi dưỡng.
Các giáo viên tham gia và những người hỗ trợ cộng tác với nhau để phát triển các mục tiêu
nghề nghiệp (Kế hoạch bồi dưỡng cá nhân) căn cứ vào nhiệm vụ của giáo viên, các nhu cầu phát
triển, việc chuẩn bị trước và các kinh nghiệm, kể cả các kết quả Đánh giá năng lực giảng dạy
(TPA) (nếu có). Kế hoạch đào tạo cá nhân (IIP) định hướng các hoạt động để hỗ trợ sự phát
triển và cải thiện thói quen nghề nghiệp trong ít nhất là một lĩnh vực trọng tâm. IIP là một tài

liệu làm việc và được định kì xem xét lại để có nhận xét và cập nhật [9, 10, 11].
b) Yêu cầu 2: Các chương trình mang lại cơ hội để học viên chứng tỏ khả năng giảng
dạy hiệu quả
Tiêu chuẩn 5: Nghiệp vụ sư phạm: Các giáo viên tham gia chương trình được hình thành
và tăng cường khả năng cân nhắc và áp dụng các Tiêu chuẩn nghề giáo viên của California và
những kĩ năng sư phạm cụ thể cho việc giảng dạy từng bộ môn, ngoài những gì đã được chứng
tỏ trong chứng chỉ sơ cấp. Họ vận dụng các tiêu chuẩn nội dung đào tạo và mức độ đánh giá
sinh viên đã được thông qua, các khung chương trình giảng dạy và tài liệu giảng dạy trong
phạm vi bộ môn giảng dạy của mình [9, 10, 11].
Các giáo viên tham gia sử dụng và diễn giải số liệu đánh giá học sinh từ nhiều nguồn đa
dạng về trình độ đầu vào, giám sát tiến độ, và đánh giá tổng hợp kết quả học tập của người học
để định hướng cho việc giảng dạy. Họ lập kế hoạch và đa dạng hóa hoạt động giảng dạy với
nhiều tầng nấc phù hợp dựa trên kết quả đánh giá cá nhân, đọc viết và ngôn ngữ học thuật, và
nhu cầu học tập đa dạng của tất cả các nhóm người học (ví dụ, các sinh viên gặp khó khăn trong
việc đọc, sinh viên có nhu cầu đặc biệt, sinh viên học tiếng Anh, sinh viên không sử dụng tiếng
Anh như tiếng mẹ đẻ, và các sinh viên ở trình độ cao). Để tối đa hóa việc học tập, các giáo viên
tham gia đã thiết lập và duy trì các phòng học được quản lí tốt giúp hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt
động về thể chất, nhận thức, tình cảm và xã hội của sinh viên. Họ xây dựng môi trường học tập an
toàn, lành mạnh và dành cho tất cả mọi người – môi trường thúc đẩy sự tôn trọng, đề cao sự khác
biệt, và hòa giải những xung đột theo luật pháp bang và các quy định của địa phương [9, 10, 11].
Các giáo viên tham gia phải sử dụng thành thạo các nguồn lực công nghệ và tận dụng các
công nghệ sẵn có để đánh giá, lập kế hoạch và giảng dạy sao cho mọi sinh viên đều có thể theo
120


Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kỳ

học. Giáo viên tham gia sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên sử dụng công nghệ để thúc đẩy việc
học tập của mình. Những chính sách về công nghệ của phân khu trường học địa phương sẽ được
các giáo viên tham gia tuân thủ khi thực thi hững chiến lược nhằm tối đa hóa quá trình học tập

và nhận thức của sinh viên về quyền riêng tư cá nhân, an ninh và an toàn [9, 10, 11].
Tiêu chuẩn 6: Tiếp cận phổ thông: Công bằng với mọi sinh viên: Các giáo viên tham
gia sẽ bảo vệ và hỗ trợ tất cả sinh viên bằng cách thiết lập và thực hiện một môi trường đào tạo
công bằng dành cho tất cả mọi người. Họ sẽ tối đa hóa những thành tựu trong giáo dục cho mọi
sinh viên đến từ tất cả các nhóm sắc tộc, chủng tộc, kinh tế - xã hội, văn hóa, đào tạo, ngôn ngữ
hoặc gia đình; giới, nhận định giới hoặc định hướng tình dục; các sinh viên khuyết tật và học
viên ở trình độ cao; và sinh viên có nhu cầu học tập đặc biệt. Khi xây dựng kế hoạch và tiến
hành giảng dạy, các giáo viên tham gia sẽ rà soát và cố gắng giảm hết mức có thể sự thiên vị
trong lớp học, trường học và cả hệ thống giáo dục nói chung, đồng thời sử dụng những thông lệ
giảng dạy sư phạm phù hợp về văn hóa.
Các giáo viên tham gia sử dụng nguồn tư liệu đa dạng (bao gồm các công cụ liên quan tới
công nghệ, phiên dịch viên, v.v.) để phối hợp và giao tiếp với sinh viên, đồng nghiệp, cán bộ
nhân sự và các gia đình học sinh để cho phép người học được tiếp cận đầy đủ nhất các tiêu
chuẩn về nội dung đào tạo đã được bang thông qua [9, 10, 11].
- Giảng dạy cho người học tiếng Anh: Giáo viên tham gia lập kế hoạch giảng dạy cho
người học tiếng Anh dựa trên mức độ sử dụng thành thạo tiếng Anh của sinh viên và ngôn ngữ
ban đầu được đánh giá thông qua nhiều biện pháp, ví dụ như Bài kiểm tra phát triển ngôn ngữ
tiếng Anh của California (CELDT), Bài kiểm tra trình độ của California (CST), và các hoạt
động đánh giá ở cấp độ địa phương. Các giáo viên tham gia sẽ sử dụng những tài liệu giảng dạy
chuẩn hóa đã được thông qua để dạy cho người học tiếng Anh [9, 10, 11].
- Giảng dạy cho các nhóm người học đặc biệt: Để bảo đảm thành tích học tập cho các
nhóm người học đặc biệt, các giáo viên tham gia phải tuân thủ triệt để những quy định pháp lí
và đạo đức đối với việc giảng dạy cho nhóm người học đặc biệt (các sinh viên được xác định
cần giáo dục đặc biệt, sinh viên khuyết tật, sinh viên trình độ cao và các sinh viên yêu cầu sự kết
hợp các nhu cầu giảng dạy đặc biệt). Các giáo viên tham gia sẽ sử dụng những tài liệu và nguồn
lực giảng dạy chuẩn hóa đã được thông qua để dạy cho các nhóm người học đặc biệt (ví dụ như
đa dạng hóa chiều sâu và mức độ phức tạp của nội dung chương trình, quản lí các giáo viên
thỉnh giảng, sử dụng các công nghệ hỗ trợ và công nghệ khác) [9, 10, 11].

2.4. Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ

ở Việt Nam
Qua việc nghiên cứu tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết trong việc xây dựng chương trình bồi
dưỡng giáo viên trẻ của Mỹ, chúng tôi rút ra một số kết luận và cũng chính là những bài học cần
thiết cho Việt Nam trong việc phát triển năng lực đội ngũ giáo viên trẻ mới vào nghề:
- Thứ nhất, Bài học về việc xây dựng chương trình bồi dưỡng dành riêng cho giáo viên trẻ
ở Việt Nam. Ở Mỹ, việc phát triển năng lực nghề nghiệp, nhất là năng lực nghề nghiệp cho giáo
viên trẻ mới vào nghề đã trở thành một chính sách quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của
quốc gia với sự đầu tư rất lớn về kinh phí. Điều này, được thể hiện ở chỗ hầu như các bang của
Hoa Kì đều có chương trình hỗ trợ và bồi dưỡng dành cho giáo viên trẻ mới vào nghề (có thể là
bắt buộc hoặc tự nguyện) ngoại trừ các Bang Washington D.C, American Samoa và Virgin
Islands. Mục đích chính của các chương trình này nhằm xác định xem các giáo viên này có đạt
được mức độ năng lực cho phép họ lấy chứng chỉ giáo dục tạm thời hay không, đồng thời đây
cũng là chương trình thiết kế để bổ sung cho chương trình hỗ trợ của địa phương và đảm bảo
rằng các giáo viên trẻ có sự hỗ trợ tối thiểu tại trường học, do các cố vấn hoặc nhóm hỗ trợ được
phân công giáo viên trẻ trong năm đầu tiên [7]. Tất cả các giáo viên trẻ mới vào nghề đều phải
121


Nguyễn Thu Hà

tham gia tích cực vào sự phát triển năng lực dạy học của mình. Nhà nước/ Hội đồng giáo dục các
bang bảo đảm để giáo viên trẻ được tiếp cận các chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng nghề nghiệp hiệu
quả ngay từ khi vào nghề, được huấn luyện một cách phù hợp suốt quá trình phát triển nghề, được
khuyến khích trau dồi kiến thức, kĩ năng và năng lực mới thông qua học tập chính quy, không
chính quy và phi chính quy. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khi rà soát lại hệ thống các văn bản
chỉ đạo, các chương trình bồi dưỡng giáo viên của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như của các
trường đại học sư phạm, chúng ta chưa thấy có bất cứ quy định hay chương trình nào về phát
triển năng lực dạy học cho giáo viên mới bước vào nghề. Đây là một vấn đề mà Việt Nam cần
được quan tâm và phải được đưa vào chính sách trong bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên
trẻ để giúp họ có đủ năng lực và sự tự tin trong giảng dạy, đồng thời hạn chế tình trạng bỏ nghề

trong những năm đầu.
- Thứ hai, Bài học về sự phân công và vai trò cụ thể đối với các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm
chính đối với việc phát triển năng lực nghề nghiệp dành riêng cho đối tượng giáo viên trẻ ở Việt
Nam. Các hoạt động phát triển năng lực dạy học cho giáo viên trẻ ở mỗi bang ở Mỹ tuy khác
nhau về nội dung, hình thức, cách thức tiến hành, nhưng đều do nhiều bên tham gia: có thể do
Bộ Giáo dục & Văn hóa tổ chức hoặc do các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục địa phương; các
Hiệp hội giáo viên; các trường phổ thông,… Đặc biệt, ở mỗi trường đại học có một trung tâm
bồi dưỡng giáo viên riêng để đảm bảo cho tất cả các đối tượng giáo viên liên tục cập nhật kiến
thức và phương pháp giảng dạy mới nhất. Như vậy, mọi tổ chức về giáo dục đều có thể tham gia
phát triển năng lực dạy học cho giáo viên. Đối với Việt Nam, chưa có một cơ quan, tổ chức nào
chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển năng lực nghề cho riêng giáo viên trẻ. Việc phát
triển năng lực dạy học cho giáo viên trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân và sự trợ giúp
từ phía các đồng nghiệp tại trường phổ thông.
Bên cạnh đó, vai trò của Uỷ ban kiểm định chất lượng giáo viên các bang trong việc đảm
bảo quản lí chất lượng giáo viên và các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ các bang ở Mỹ rất
quan trọng. Uỷ ban kiểm định chất lượng giáo viên Bang California (CCTC) là một cơ quan nửa
chính phủ do người đứng đầu bang California – thống đốc bang – chỉ định. CCTC có nhiệm vụ
bảo đảm rằng học sinh ở California được giảng dạy bởi những giáo viên có chất lượng cao nhất
có thể. Những luật này được CCTC giám sát tuân thủ; CCTC cũng đặt ra các chuẩn cho các
khoa sư phạm đại học. Những chuẩn này nằm dưới hình thức các điều kiện tiên quyết, bảo đảm
rằng luôn có một cơ cấu để hỗ trợ cho các chương trình chứng nhận kiểm định tại trường đại
học. Sau đó là Bộ chuẩn chung, liên quan chủ yếu đến sự vận hành của chương trình chứng
nhận kiểm định giáo viên. Cuối cùng, có các chuẩn bộ môn cụ thể, chứng nhận cho một giáo
viên mới sẽ được chuẩn bị để giảng dạy trong một bộ môn cụ thể. Nhiều trong số các chuẩn này
được thiết kế để bảo đảm rằng các giáo viên giáo viên có kiến thức và những kĩ năng giảng dạy
trong những chuyên ngành rất khác nhau [12]. Trong bối cảnh Việt Nam, sẽ là thích hợp nhất
khi để các Sở Giáo dục và Đào tạo, hay bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp giấy phép giảng
dạy, bởi vì thông tin về giấy phép giáo viên có thể được tập trung hóa. Ở cấp tỉnh, sẽ là kinh tế
và hiệu quả nhất nếu để cho các Sở Giáo dục và Đào tạo đảm nhận vai trò tổ chức người rà soát
đối với các khoa đào tạo giáo viên của trường đại học hoặc cao đẳng trong vấn đề đạt chuẩn. Ở

các tỉnh nhỏ, có ít dân và ít trường đại học, các giảng viên đại học và những người khác liên quan
đến hoạt động giáo dục có thể vượt tuyến để rà soát lại tài liệu và thực hiện các chuyến công tác
thực tế đến các khoa đào tạo giáo viên láng giềng. Điều này sẽ phát huy hiệu quả theo một số cách
bởi vì nó sẽ: 1) cho phép thực hiện đánh giá thỏa đáng và trung thực hơn đối với các chương trình
đào tạo giáo viên, 2) ít tốn kém hơn, và 3) cho phép các khoa giáo dục và các đối tượng khác liên
quan đến giáo dục học hỏi từ các chương trình giáo dục cao đẳng và đại học khác [12].
- Thứ ba, Bài học về việc xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể cho các chương
trình hỗ trợ cho đối tượng giáo viên trẻ. Mỗi chương trình bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên trẻ ở Hoa
Kì để được tiến hành đều đáp ứng được các yêu cầu về các điều kiện tiên quyết, tiêu chuẩn
122


Tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết của các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở Hoa Kỳ

chung và tiêu chuẩn của chương trình hỗ trợ, bồi dưỡng giáo viên trẻ. Một chương trình giáo
viên trẻ muốn được Uỷ ban chấp nhận thì phải thoả mãn các yêu cầu này. Đặc biệt, trong đó bộ
tiêu chuẩn chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ đưa ra 2 yêu cầu cụ thể đó là yêu cầu về nguyên
tắc thiết kế chương trình từ mục tiêu, giao tiếp – cộng tác giữa người học – giảng viên; giảng
viên (cố vấn hỗ trợ), và hệ thống đánh giá và yêu cầu về hiệu quả của chương trình đối với
người học (mang lại cơ hội để học viên chứng tỏ khả năng giảng dạy hiệu quả) với các tiêu
chuẩn về nghiệp vụ sư phạm và tiếp cận chương trình: công bằng với mọi học sinh trong khi
Việt Nam các quy định mang tính bắt buộc đối với các chương trình bồi dưỡng này còn chưa
đồng bộ và khác nhau giữa các địa phương. Do đó, việc đưa ra bộ tiêu chuẩn, tiêu chí dành
riêng cho các chương trình bồi dưỡng giáo viên nói chung và chương trình bồi dưỡng dành
riêng cho đối tượng giáo viên trẻ ở Việt Nam sẽ giúp các cơ quan quản lí kiểm soát được chất
lượng chương trình bồi dưỡng, đồng thời giúp giáo viên trẻ tiếp cận được một hệ thống chương
trình chất lượng và đồng bộ.

3. Kết luận
Có thể nói, chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ của Mỹ có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ

chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên trẻ, nhất là phát triển năng lực dạy học và thích ứng với
môi trường giáo dục phổ thông, vượt qua các kì thi cấp chứng chỉ trở thành các giáo viên chính
thức, chuẩn bị cho một quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp suốt đời. Để làm được điều
đó, các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ ở các bang của Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt các
điều kiện tiên quyết, các chuẩn chung và chuẩn chương trình bồi dưỡng giáo viên của từng bang
dưới sự phê duyệt của các Uỷ ban kiểm định chất lượng giáo viên. Quy trình kiểm duyệt chặt
chẽ các chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ của Mỹ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm đối
với công tác xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên trẻ của Việt Nam, trong bối cảnh của
đổi mới giáo dục phổ thông. Giáo viên trẻ là lực lượng nòng cốt tham gia công cuộc đổi mới
chương trình và sách giáo khoa sau năm 2018. Sự thành công của đổi mới giáo dục phụ thuộc
vào chất lượng đội ngũ giáo viên, trong đó có lực lượng rất lớn là giáo viên trẻ. Do vậy, bên
cạnh sự thành công của chương trình bồi dưỡng giáo viên còn cần có sự nỗ lực rất lớn của đội
ngũ giáo viên này, bởi “giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục, nếu không giải
quyết được khâu giáo viên, mọi chương trình đổi mới đều thất bại”.
Lời cảm ơn: Bài báo là sản phẩm Nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Trường,
năm 2019. Mã số: SPHN 19 – 04 VNCSP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ủy ban kiểm định chất lượng giáo viên California, 2008. Các yêu cầu về công tác chuẩn bị
giáo
viên

California.
Truy
cập
số
ra
ngày
13-11-2008
tại:
/>[2] Phạm Thị Kim Anh, 2018. Thực trạng về những khó khăn và nhu cầu hỗ trợ nghề nghiệp

của giáo viên trẻ ở trường trung học phổ thông hiện nay. Tạp chí Khoa học, Trường Đại
học Sư phạm Hà Nội. Số 63. 2A. Tr.81-88, 2018.
[3] Cristina Maciel de Oliveira, 2017. A Professional Development Program for Beginning
High School Teachers. DOI: />[4] Jeanne Kaufmann, 2007. Induction Programs for New and Beginning Teachers. Education
Commission of the States • 700 Broadway, Suite 1200 • Denver, CO 80203-3460 •
303.299.3600 • Fax: 303.296.8332 • www.ecs.org December.
[5] Antonella corsi-bunker, 2010. Guide to the education system in the united states.
International Student an scholar Services, University of Minnesota.
123


Nguyễn Thu Hà

[6] Veenman S, 1984. Perceived problems of beginning teachers. Research article. Sage
Journals. (First Published).;54:143-178. DOI: 10.3102/00346543054002143
[7] Huberman M, 1992. Teacher development and instructional mastery, In: Hargreaves A,
Fullan M, editors. Understanding Teacher Development. New York, NY: Longman
Publishers; pp. 216-241.
[8] Villegas-Reimers E, 2013. Teacher Professional Development: An International Review of the
Literature [Internet]. Corporate author: UNESCO. International Institute for Educational
Planning. Available from: images/0013/001330/133010e.pdf
[9] Đại học California, Riverside. 2007. Hỗ trợ và đánh giá giáo viên tập sự California và
Nghiên cứu đánh giá các phương án cấp chứng chỉ thực tập (California Beginning Teacher
Support and Assessment and Intern Alternative Certification Evaluation Study).
/>[10] Commission on Teacher Credentialing, 2008. Induction Program Standards. Truy cập:
/>[11] Commission on Teacher Credentialing, 2009. California Standards for the Teaching Profession
(CSTP). />[12] Commission on Teacher Credentialing, 2016. Preconditions for Teacher Education
Induction Programs. Truy cập: />ABSTRACT
Standards and Preconditions for Beginning Teacher Education Induction Programs in USA


Nguyen Thu Ha
Centre for Teacher Research, Institute for Education Research,
Hanoi National University of Education
Many studies have shown that beginning teachers have a lot of difficulties adapting to
practices at high school. According to the Federation of American Teachers (AFT), the
percentage of teachers who quit after the first year of teaching is about 20-30% and may reach
50% in some areas. They also believe that teachers in the United States who are not taking part
in in-service training programs likely to leave in the first three years twice. This shows that the
support and training programs have positive impacts for beginning teachers to get acquainted
and continue to maintain careers in the future. In the United States, in order to ensure that
beginning teachers training programs are approved by teachers' accreditation committees at state
level, they need to meet the special requirements and standards for teacher in-service training
program. This article is based on researching the Standards and Preconditions for Beginning
Teacher Education Induction Programs in US, thereby giving lessons for Vietnam in the
development of beginning teacher training programs. Those are lessons on developing training
programs for beginning teachers; the specific assignment and role for organizations and units,
that are primarily responsible for developing professional competence for beginning teachers
and the development and implementation of specific standards and criteria for programs, that
support beginning teachers in Vietnam.
Keywords: standards, preconditions; B, beginning teachers, beginning Teacher Education
Induction Programs, USA.

124



×