Tải bản đầy đủ (.pdf) (179 trang)

Tiểu thuyết lịch sử của lan khai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (941.9 KB, 179 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐỖ THỊ NHÀN

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Hà Nội - Năm 2020


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐỖ THỊ NHÀN

TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI

Chuyên ngành: LÍ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 9.22.01.20

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS TRẦN MẠNH TIẾN

Hà Nội - Năm 2020


i



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu
trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chính xác. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có
xuất xứ rõ ràng. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình.
Hà Nội, tháng 09 năm 2020
Tác giả luận án

Đỗ Thị Nhàn


ii

LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi đã nhận được sự giúp đỡ quý báu
của các thầy cô, gia đình, anh chị em và bè bạn.
Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Trần Mạnh Tiến, người thầy
đã trực tiếp giảng dạy và tận tình hướng dẫn em trong suốt quá trình học tập, hoàn
thành công trình nghiên cứu này.
Em xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giảng viên của Tổ Bộ môn Lí luận văn
học, Khoa Ngữ Văn, Phòng Sau đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tận
tình giúp đỡ em trong quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Hội đồng giáo dục trường THPT
Chuyên Trần Phú, Hải Phòng đã tạo điều kiện tốt để tôi học tập, nghiên cứu nâng
cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn gia đình, người thân, bạn bè, những người đã động
viên tôi trong quá trình tôi học tập và hoàn thành luận án.
Hà Nội, tháng 09 năm 2020
Tác giả luận án


Đỗ Thị Nhàn


iii

MỤC LỤ

LỜI CAM ĐOAN..............................................................................................i
LỜI CẢM ƠN...................................................................................................ii
MỤC LỤC.......................................................................................................iii
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT..........................................................................vi
MỞ ĐẦU...........................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài................................................................................1
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu.....................................................................2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu................................................................3
4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu................................................3
5. Đóng góp mới của luận án............................................................................5
6. Cấu trúc luận án...........................................................................................5
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU................................6
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử..................................6
1.1.1. Khái niệm về tiểu thuyết lịch sử................................................................6
1.1.2. Một số công trình nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử trên thế giới.............8
1.1.3. Các bài viết và công trình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam.....13
1.2. Sự khác nhau giữa TTLS thời kì trung đại và thời kì hiện đại...............25
1.3. Tình hình nghiên cứu về Lan Khai và tiểu thuyết lịch sử của ông..........26
1.3.1. Về nhà văn Lan Khai..............................................................................26
1.3.2. Về tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai........................................................30
1.4. Những vấn đề cấp thiết đặt ra trong nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử của
Lan Khai.........................................................................................................33
Tiểu kết chương 1...........................................................................................34

Chương 2: TỪ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT ĐẾN QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC
TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI.......................................................36
2.1. Về quan niệm của Lan Khai............................................................................36
2.1.1. Quan niệm về nhà văn...................................................................................36

2.1.2. Quan niệm về văn học............................................................................39


iv

2.1.3. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết lịch sử của
Lan Khai.........................................................................................................45
2.2. Quá trình sáng tác của Lan Khai.............................................................47
2.2.1. Sở trường sáng tác và thể tài tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai...............47
2.2.2. Hoàn cảnh sáng tác tiểu thuyết lịch sử...................................................49
2.2.3. Diễn trình sáng tác tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai..............................51
2.2.4. Tiểu thuyết lịch sử trong sự nghiệp sáng tác của Lan Khai và trong sự
vận động của thể tài tiểu thuyết lịch sử Việt Nam............................................55
Tiểu kết chương 2...........................................................................................61
Chương 3: TỪ HIỆN THỰC LỊCH SỬ ĐẾN BỨC TRANH NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI................................63
3.1. Cảm hứng sáng tác trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai....................63
3.1.1. Ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc...........................................64
3.1.2. Ca ngợi cái đẹp, cái thiện........................................................................65
3.1.3. Phê phán xã hội phong kiến và chiến tranh phi nghĩa...........................67
3.2. Sự kiện trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai.......................................70
3.2.1. Sự hoán đổi ngôi vị của các triều đại phong kiến...................................70
3.2.2. Những cuộc nội chiến trong xã hội phong kiến......................................71
3.2.3. Những cuộc nổi dậy của nhân dân chống chế độ phong kiến................72
3.2.4. Những cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai......................72


3.3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai.......................73
3.3.1. Nhân vật vua chúa, quan lại và tướng lĩnh.............................................74
3.3.2. Nhân vật người anh hùng......................................................................79
3.3.3. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến..................................................85
3.3.4. Nhân vật binh sĩ và dân chúng...............................................................97
3.3.5. Nhân vật kẻ thù cướp nước và bán nước..............................................102
Tiểu kết chương 3.........................................................................................106
Chương 4: CÁC PHƯƠNG THỨC VÀ BIỆN PHÁP BIỂU HIỆN NGHỆ
THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI................107
4.1. Sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết
lịch sử của Lan Khai.....................................................................................107


v

4.1.1. Nhân vật và sự kiện lịch sử...................................................................107
4.1.2. Nhân vật và tình huống hư cấu............................................................111
4.2. Nghệ thuật kết cấu..................................................................................115
4.2.1. Kế thừa và sáng tạo kết cấu của tiểu thuyết truyền thống.....................115
4.2.2. Kết cấu kiểu tiểu thuyết hiện đại...........................................................119
4.3. Các phương thức kiến tạo chân dung nhân vật.....................................121
4.3.1. Qua giới thiệu tiểu sử, miêu tả ngoại hình............................................121
4.3.2. Khắc họa nhân vật qua hành động.......................................................123
4.3.3. Khắc họa tâm lí nhân vật......................................................................124
4.3.4. Qua bút pháp miêu tả thiên nhiên........................................................128
4.4. Thời gian và không gian nghệ thuật......................................................129
4.4.1. Thời gian nghệ thuật............................................................................129
4.4.2. Không gian nghệ thuật.........................................................................131
4.5. Nghệ thuật trần thuật.............................................................................138

4.5.1. Người trần thuật và điểm nhìn trần thuật.............................................138
4.5.2. Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật.......................................................140
KẾT LUẬN...........................................................................................................147
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC: DANH MỤC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN CỦA LAN KHAI
PHỤ LỤC: DANH MỤC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM TIÊU BIỂU


vi

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

TTLS: Tiểu thuyết lịch sử


1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Lan Khai là nhà văn nổi tiếng trong trào lưu cách tân văn học giai đoạn
nửa đầu thế kỉ XX. Sự nghiệp sáng tác của Lan Khai đa dạng về thể loại. Đương
thời trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942) nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận
xét: Lan Khai là “lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới”.
Nhiều tác phẩm của Lan Khai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu
trong nước. Thời gian gần đây thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn đường rừng cùng
tên tuổi của Lan Khai đã được giới thiệu trên Tạp chí Quốc tế (ISSN 24103918)
(tháng 7 năm 2019, tập 5, trang 2) của Học viện Kinh doanh hành chính, Luật và
Khoa học xã hội châu Âu. Tuy nhiên mảng TTLS của ông vẫn chưa được nghiên
cứu đầy đủ và hệ thống, mặc dù tính tới thời điểm hiện tại, ông là nhà văn có số

lượng tiểu thuyết lịch sử lớn nhất trong các nhà văn hiện đại Việt Nam (26 tác
phẩm) và là cây bút sớm có tinh thần tiên phong đổi mới, có ảnh hưởng lớn tới sáng
tác ở các giai đoạn sau.
Trong giai đoạn 1930-1945 1945 trào lưu cách tân văn học diễn ra sôi nổi
nhưng “trong cái mới vẫn còn rớt lại nhiều cái cũ” (Một thời đại trong thi ca - Hoài
Thanh) với những quan niệm nghệ thuật mới, TTLS của Lan Khai đã làm sôi động
thêm không khí phê bình văn học, tạo ra những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề
lịch sử và hư cấu nghệ thuật, vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong tiểu thuyết v.v… Với
những đổi mới táo bạo, TTLS của Lan Khai đã có tác động mạnh mẽ đến không khí
phê bình văn học đương thời và kích thích sự sáng tạo của các nhà văn về đề tài lịch
sử. Tuy nhiên, do cái chết đầy bí ẩn của ông suốt thời gian dài chưa được công bố
nên từ sau 1945 trở đi còn nhiều di cảo của Lan Khai và hàng chục TTLS của ông
chưa được tái bản, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc. Cho đến nay vẫn
chưa có công trình nào có tính quy mô, toàn diện và hệ thống về thể tài TTLS của
Lan Khai. Vì vậy trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ tính
tiên phong trong hành trình cách tân thể loại của một cây bút tiểu thuyết giàu tài
năng và tâm huyết nửa đầu thế kỉ XX.
Năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm sinh Lan
Khai và Hội thảo Khoa học: Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại, Lan Khai được
hoàn nguyên, cho thấy di sản văn học của Lan Khai là rất lớn và các TTLS có vị trí
quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông và nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Điều đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có một công trình nghiên cứu kịp thời, quy
mô và hệ thống, toàn diện các tác phẩm của nhà văn ở thể tài TTLS để thấy được
những đóng góp của ông trong giai đoạn 1930 - 1945 và tiến trình phát triển của lịch
sử văn học dân tộc, đồng thời làm sáng tỏ thêm những vấn đề lí luận về thể loại.
1.2. Những năm gần đây, TTLS của các nhà văn đất Việt đã vươn mình lớn
dậy với sự gia tăng không ngừng về số lượng tác phẩm và quy mô phản ánh, hình


2


thành nhiều khuynh hướng đa dạng, phong phú nên đã xuất hiện nhiều quan niệm
nghệ thuật khác nhau trong sáng tác và tiếp nhận. TTLS đã và đang trở thành tâm
điểm của thời sự văn học. Trước trào lưu hội nhập quốc tế, ngày càng xuất hiện
nhiều công trình ứng dụng lý thuyết hiện đại phương Tây vào nghiên cứu văn học
trong đó có TTLS. Tuy nhiên hệ thống lý thuyết về thể tài này còn khá khiêm tốn và
việc giới thiệu ở trong nước còn phân tán, quan niệm về thể loại chưa thống nhất,
sáng tác ngày càng diễn biến phức tạp lại tiếp tục nảy sinh nhiều cuộc tranh luận sôi
nổi xung quanh vấn đề lịch sử và hư cấu nghệ thuật.
Xuất phát từ thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần phải tìm hiểu những sáng tác
đã được trải nghiệm và cách tiếp cận thích hợp mới đem lại cái nhìn sáng rõ hơn về
sự hình thành phát triển của một thể tài văn học mang tính đặc thù trong nền văn
học Việt Nam hiện đại. Do vậy, chúng tôi chủ trương đi sâu nghiên cứu đề tài này
nhằm làm sáng tỏ những điểm mới mẻ, độc đáo trong TTLS của Lan Khai trên
phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Qua những thành quả nghiên cứu
chúng tôi sẽ làm rõ thêm một số vấn đề lí thuyết về quan niệm sáng tác và thể loại
nhằm góp thêm hướng tiếp cận toàn diện và hệ thống TTLS hiện nay.
1.3. Công trình nghiên cứu của chúng tôi còn có ý nghĩa thiết thực trong việc
giảng dạy tích hợp môn Ngữ văn và Lịch sử trong Nhà trường. Kết quả nghiên cứu
của công trình sẽ cung cấp thêm các tri thức lý luận và thực tiễn sáng tác đáp ứng
nhu cầu mở rộng nhận thức của học sinh trong nhà trường phổ thông. Nghiên cứu
TTLS của Lan Khai góp phần làm cho bức tranh văn học sử Việt Nam toàn diện
hơn, giúp học sinh nhận thức lịch sử sâu sắc hơn, khơi dậy những cảm xúc thẩm mĩ
cho các em về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trong nghiên cứu và học tập hiện nay cũng như
góp phần tổng kết các thành tựu tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XX, chúng
tôi chọn đề tài Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lí
luận và thực tiễn sáng tác cũng như những đóng góp của Lan Khai trong hành trình
đổi mới thể loại và hiện đại hóa nền văn học nước nhà giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tập trung khảo sát 20 TTLS tiêu biểu của
Lan Khai đã xuất bản và tái bản từ trước năm 1945 đến nay, bao gồm: Gái thời
loạn, Chiếc ngai vàng, Cái hột mận, Ai lên phố Cát, Chế Bồng Nga, Bóng cờ trắng
trong sương mù, Cánh buồm thoát tục, Đỉnh non Thần, Người thù của mặt trời, Gửi
cái xuân tàn, Treo bức chiến bào, Chàng áo xanh, Tình ngoài muôn dặm, Trăng
nước Hồ Tây, Trong cơn binh lửa, Thành bại với anh hùng, Rỡn sóng Bạch Đằng,
Ái tình và sự nghiệp, Chàng đi theo nước, Chàng kỵ sỹ ở cả hai bình diện nội dung
và hình thức. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra những kiến giải về sự vận động của
TTLS của Lan Khai trong quá trình sáng tác của ông và trong sự vận động của nền
văn học hiện đại Việt Nam.


3

2.2. Phạm vi nghiên cứu
Công trình của chúng tôi tập trung đi sâu khảo sát 20 TTLS của Lan Khai (đã
nêu trong Đối tượng nghiên cứu), khi cần thiết chúng tôi có sự đối sánh với một số
TTLS tiêu biểu khác. Đồng thời chúng tôi cũng quan tâm đến một số truyện ngắn,
kí về thể tài lịch sử của ông như: Sóng nước lô Giang, Mũi tên dẹp loạn, 8023; kết
hợp liên hệ với một số TTLS Việt Nam tiêu biểu và TTLS nước ngoài để nhìn
nhận vấn đề nghiên cứu toàn diện hơn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu:
Công trình nghiên cứu của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ ý thức nghệ thuật và
thành quả đổi mới trong TTLS, những đóng góp quan trọng của Lan Khai đối với
sự phát triển của TTLS Việt Nam hiện đại trong trào lưu cách tân văn học 1930 1945. Dựa trên lí thuyết về thể loại và thực tiễn sáng tác, chúng tôi chỉ ra quan niệm
nghệ thuật, vốn văn hóa, cá tính sáng tạo của nhà văn, các nguồn ảnh hưởng,
phương thức cách tân, các hình thức kết cấu tác phẩm, các nhân tố tạo nên thành tựu
nghệ thuật mới của Lan Khai, từ đó rút ra nhận định về lí luận và sáng tác.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Công trình nghiên cứu của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ những bình diện cơ
bản sau:
Khái quát một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về TTLS trên thế giới và ở
Việt Nam để liên hệ tới những sáng tác của Lan Khai. Tổng hợp lại những kết quả
nghiên cứu tiêu biểu về nhà văn Lan Khai và TTLS của ông. Trên cơ sở đó, chúng
tôi khảo sát quan niệm nghệ thuật và quá trình sáng tác TTLS của Lan Khai trong
nền văn học Việt Nam thời kì đầu thế kỉ XX.
Từ cơ sở lí luận, chúng tôi đi sâu phân tích, lý giải một số đặc trưng TTLS của
Lan Khai ở các bình diện cảm hứng sáng tác, các sự kiện lịch sử và thế giới nhân
vật để làm nổi rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn và những nhân tố chi phối
những sáng tác của ông.
Khảo sát và chỉ ra một số phương thức và phương tiện biểu hiện nghệ thuật
trong TTLS của Lan Khai ở các bình diện như: nghệ thuật hư cấu, tổ chức kết cấu,
việc lựa chọn cốt truyện và sự kiện; kiến tạo chân dung nhân vật, vấn đề không gian
và thời gian, nghệ thuật trần thuật; ngôn ngữ và giọng điệu trong TTLS của nhà
văn. Trên cơ sở đó, chúng tôi chỉ ra những thành quả đổi mới về thể loại và những
đóng góp của Lan Khai cho sự phát triển rực rỡ của TTLS Việt Nam đương đại
cũng như những thành công và những hạn chế trong TTLS của ông.
4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý thuyết
Trong điều kiện tồn tại nhiều hệ hình lý thuyết văn học đa dạng và phong phú
hiện nay, chúng tôi chủ trương lấy học thuyết duy vật lịch sử và duy vật biện chứng


4

của chủ nghĩa Mác Lê - nin làm nền tảng, đồng thời kết hợp với những tri thức của
lí thuyết phương Tây hiện đại để làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật trong TTLS
của Lan Khai. Trong đó, chúng tôi chú ý tới đặc trưng của thể loại TTLS, ý thức

cách tân nghệ thuật của nhà văn, kết cấu cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, tính chất
giao thoa thể loại, vấn đề không gian, thời gian v.v... Đồng thời chúng tôi cũng liên
hệ với những vấn đề lí luận của các trường phái văn học phương Tây như Trường
phái văn hóa lịch sử, Phân tâm học, Chủ nghĩa Siêu thực, Lí thuyết tự sự học, Kí
hiệu học... đã ảnh hưởng ít nhiều tới sáng tác của nhà văn, cho thấy sự kế thừa và
sáng tạo, đổi mới cách nhìn lịch sử của tác giả trong sự vận động của thể loại;
những đột phá của Lan Khai trong việc lựa chọn đề tài, chủ đề, khắc họa nhân vật
v.v… tạo dấu ấn riêng vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, chúng tôi chủ trương
phối hợp đồng thời các phương pháp nghiên cứu sau:
4.2.1. Phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng: Chúng tôi sẽ đặt
các TTLS của Lan Khai vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể trong giai đoạn 1930 - 1945
để khảo sát, đồng thời có liên hệ tới các giai đoạn trước và sau đó, nhằm lí giải
những nguyên nhân và kết quả sáng tạo của ông. Đây là phương pháp nghiên cứu
chủ đạo nhằm khảo sát toàn diện cả về nội dung và hình thức nghệ thuật TTLS của
Lan Khai.
4.2.2. Phương pháp hệ thống: Chúng tôi sẽ tập hợp các TTLS của Lan Khai
thành hệ thống và khảo sát để thấy được quan niệm nghệ thuật, sở trường khám phá
lịch sử và những sáng tạo riêng, thể hiện tính tiên phong về nghệ thuật tiểu thuyết
của ông.
4.2.3. Phương pháp so sánh: Trong quá trình khảo sát, khi cần thiết chúng tôi
có liên hệ, đối chiếu TTLS của Lan Khai với một số TTLS tiêu biểu thời kì trung
đại và của các nhà văn cùng thời, với TTLS đương đại và nước ngoài để thấy rõ
những điểm mới, những sáng tạo độc đáo của nhà văn ở thể tài này.
4.2.4. Phương pháp phân loại: Chúng tôi sẽ phân loại các kiểu dạng nhân vật,
sự kiện, kết cấu tác phẩm cho thấy các góc nhìn khác nhau về lịch sử trong tác
phẩm của Lan Khai.
4.2.5. Phương pháp liên ngành: Chúng tôi tiến hành phân tích mối tương đồng
và khác biệt giữa lịch sử với văn học trong một nền văn hóa nhằm chỉ ra tính đặc

thù thẩm mĩ của văn chương và hiện thực trong quá khứ.
4.2.6. Phương pháp loại hình: Chúng tôi đặt các TTLS của Lan Khai trong
cùng hệ thống nhằm xác định những đặc trưng về kiểu dạng kết cấu và chức năng
với cái nhìn bao quát về mô hình sáng tạo dựa trên các phương diện nội dung và
hình thức nghệ thuật.
Ngoài những phương pháp trên, luận án của chúng tôi còn sử dụng linh hoạt
một số phương pháp tiếp cận khác như: Văn hóa học, Nữ quyền luận, Chủ nghĩa


5

tân lịch sử, Lí thuyết liên văn bản để hoàn thiện mục tiêu nghiên cứu. Đồng thời
chúng tôi sẽ chú trọng sử dụng các thao tác phân tích tác phẩm để đi sâu khám phá
tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của nhà văn, vừa soi sáng lí thuyết thể loại vừa
khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Lan Khai ở thể tài này.
5. Đóng góp mới của luận án
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên có tính quy mô và hệ thống về TTLS của
Lan Khai trên các phương diện quan niệm sáng tác, cảm hứng, sự kiện, nhân vật;
đồng thời làm sáng tỏ những đổi mới trong sáng tạo mang tính đột phá của ông về
các phương thức và biện pháp nghệ thuật, về tạo dựng cốt truyện, miêu tả nhân vật,
sử dụng ngôn ngữ và kết cấu thời gian, không gian nghệ thuật. Chúng tôi chỉ ra con
đường sáng tạo riêng của Lan Khai, những dấu ấn độc đáo và những cống hiến của
ông trong công cuộc cách tân văn học giai đoạn 1930 - 1945 ở mảng sáng tác này.
Luận án đã làm nổi bật tư tưởng và các phương thức sáng tạo nghệ thuật mới
của Lan Khai đã vượt thoát lối mòn truyền thống, tạo nên những phẩm chất mới cho
nền văn học dân tộc và có ảnh hưởng nhất định tới TTLS Việt Nam đương đại. Từ
đó, làm rõ hơn các vấn đề lý thuyết từ cách tiếp cận, lựa chọn sự kiện lịch sử; vấn
đề hư cấu khi phản ánh lịch sử; quan niệm về nhân vật lịch sử trong thời đại mới
cũng như những đổi mới về thi pháp nghệ thuật trong TTLS của Lan Khai.
6. Cấu trúc luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung của
luận án bao gồm 4 chương như sau:
Chương 1.
Chương 2.
Chương 3.
Chương 4.

Tổng quan tình hình nghiên cứu
Từ quan niệm nghệ thuật đến quá trình sáng tác trong tiểu thuyết
lịch sử của Lan Khai
Từ hiện thực lịch sử đến bức tranh nghệ thuật trong tiểu thuyết
lịch sử của Lan Khai
Các phương thức và biện pháp biểu hiện nghệ thuật trong
tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai


6

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử
1.1.1. Khái niệm về tiểu thuyết lịch sử
Tiểu thuyết lịch sử viết về các sự kiện và nhân vật của thời kì quá khứ nhưng
không đồng nhất với cách viết của nhà sử học. Nếu các sử gia mô tả lịch sử một
cách khách quan bằng ngòi bút biên niên sử thì nhà văn gửi gắm cái nhìn chủ quan
và cảm xúc của mình trước hiện thực lịch sử. Người nghệ sĩ nhạy cảm với những
chuyển biến lịch sử, nên quá khứ lịch sử được tái tạo sống động “thêm da thêm thịt”
bởi tính uyển chuyển của nghệ thuật văn chương. Là kết quả giao thoa giữa văn học
và sử học, TTLS thể hiện sự hấp dẫn, độc đáo trong việc nhận thức, phản ánh hiện
thực và khao khát khám phá, lí giải lịch sử của mọi người.

TTLS Việt Nam hình thành và phát triển từ thời kì trung đại và không ngừng
lớn mạnh từ đầu thế kỉ XX cho đến nay. Suốt thời kì văn học trung đại, thể tài này
có mầm mống từ loại hình văn xuôi và mô hình tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, chủ
yếu sáng tác theo nguyên tắc mô phỏng lịch sử với hình thức chương hồi. Đến giai
đoạn đầu thế kỉ XX mặc dù vẫn bị chi phối bởi quan niệm văn - sử - triết bất phân
nhưng TTLS Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và có giá trị nhiều hơn về văn hóa
nghệ thuật. Càng về sau các tác giả càng tăng thêm yếu tố hư cấu, tưởng tượng
khiến thể loại này có sự chuyển mình mạnh mẽ thích ứng với nhu cầu tiếp nhận mới
của người đọc. Do vậy, lịch sử từ chỗ là những chứng tích trong quá khứ đã trở thành
nhân tố cho sự thăng hoa cảm xúc sáng tạo của người nghệ sĩ. Đến thời kì đổi mới, đặc
biệt là trong những năm gần đây, TTLS phát triển rực rỡ đã tạo nên cuộc tranh luận
sôi nổi trên các diễn đàn văn học. Như vậy, loại hình nghệ thuật độc đáo này đã phát
triển qua một chặng đường dài và càng ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn đặc biệt của
nó, đáp ứng nhu cầu khám phá lịch sử của con người đương đại. Đáng chú ý, trong
những năm gần đây sự biến đổi của tình hình văn hóa và thực tiễn sáng tác cùng với sự
xuất hiện các hệ thống lí thuyết mới ở phương Tây như chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa
tân lịch sử, chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa hậu hiện đại thì không khí tranh luận về
thể tài này càng trở nên sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau. Song song với sự ra đời các
tác phẩm mới thì cũng xuất hiện các quan niệm mới về TTLS.
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học (1992) của nhóm tác giả Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử có nhận định: “TTLS là các tác phẩm viết về đề tài lịch sử, chứa đựng
các nhân vật và chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và các sự kiện chính thì
được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói,
trang phục, phong tục tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm lịch sử
thường mượn chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học trong
quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm đối với con người và thời đại đã một đi không trở lại.
Song không vì thế mà hiện đại hóa người xưa, phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể


7


loại này” [40; tr. 352]. Qua đó, các tác giả đã chỉ ra sự khác biệt cơ bản về đề tài và
cách thức phản ánh lịch sử của thể tài này so với các hình thức nghệ thuật khác và
thừa nhận sự kết hợp giữa lịch sử và hư cấu là đặc tính tất yếu tạo nên sức sống
vượt thời gian của TTLS.
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học (1999) của tác giả Lại Nguyên Ân có nêu ý
kiến: “TTLS là tác phẩm tự sự hư cấu, lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính, lịch sử
trong ý nghĩa khái quát là quá trình phát triển tự nhiên của xã hội. Các Khoa học Xã
hội đều nghiên cứu quá khứ loài người trong tính cụ thể và đa dạng của nó. Tuy
vậy, những tiêu điểm chú ý của các sử gia cũng như các nhà văn khi quan tâm đến
đề tài lịch sử thường là sự hình thành, hưng thịnh, diệt vong của các quốc gia, dân
tộc, những biến cố lớn lao trong đời sống xã hội của cộng đồng, quốc gia, trong các
mối quan hệ của quốc gia như chiến tranh, cách mạng, cuộc sống... và sự nghiệp
của các nhân vật có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử” [5; tr. 262]. Theo đó, các tác
giả cũng thừa nhận hư cấu là yếu tố tiên quyết của hoạt động sáng tạo nhưng vẫn
nhấn mạnh nội dung trọng tâm là phản ánh các sự kiện, biến cố trọng đại hoặc các
nhân vật có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của lịch sử.
Bên cạnh đó, bản thân những người sáng tác TTLS cũng bày tỏ những quan
điểm khác nhau. Trong bài viết Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tiểu thuyết lịch sử là sự
giải mã lịch sử của tác giả Cao Minh, trên báo Báo Sài Gòn giải phóng.org.vn có
nêu ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Lịch sử không bày, đặt sẵn mà lịch sử
chỉ giữ lại cho ta những tín hiệu, chẳng khác những mật mã. Công việc của nhà văn
chính là giải mã lịch sử. Chìa khóa để giải mã chính là sự trung thực của nhà văn và
những thẩm thấu văn hóa mà nhà văn tiếp nhận được. Tiểu thuyết nói chung, kể cả
TTLS đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và TTLS cũng không có
ngoại lệ. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực. Sự
thật lịch sử trong TTLS đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống”
[105]. Như vậy, tác giả Hoàng Quốc Hải cũng coi hư cấu là một thuộc tính nổi bật
của thể tài này nhưng phải trong chừng mực nhất định, không được xuyên tạc lịch
sử. Trong cách luận giải này, tác giả vẫn đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác là

phải tôn trọng chân lí lịch sử.
Tác giả Nguyễn Văn Dân trong bài viết Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương
đại, một số xu hướng chủ yếu () đã trích dẫn ý kiến của nhà TTLS
Thái Vũ: “Khi tôi nói tôi viết TTLS sự thật là tôi không viết tiểu thuyết mà tôi viết
lịch sử, trước hết phải trung thực với mọi chi tiết lịch sử” [21]. Như vậy, theo Thái
Vũ thì trung thực với lịch sử là nguyên tắc sáng tác và mục tiêu cần hướng tới của
nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong bài viết Vài suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử
đã luận giải: “Những TTLS của chúng ta ngày nay đều chịu ảnh hưởng của phương
Tây, tức là viết dưới quan niệm của Aristote. Nghĩa là có sự phân biệt rõ ràng giữa
nhà chép sử và nhà TTLS. Ðã là tiểu thuyết thì phải hư cấu, dù đó là TTLS, hư cấu


8

là đặc trưng của tiểu thuyết. Hư cấu là đặc quyền của nhà văn” [79]. Ông cũng chỉ
rõ: “TTLS không phải là sự kể lại lịch sử, minh họa lại lịch sử mà là phản ánh
những vấn đề của con người trong biến cố lịch sử. Người viết không hẳn đã dựng
lại được lịch sử ngày xưa, điều cốt yếu là thuyết phục người đọc” [79]. Nhà văn
Nguyễn Xuân Khánh coi tính hư cấu là một “đặc quyền” của người sáng tác và vì
thế tác phẩm không bị lệ thuộc vào sự độc quyền của tư duy lịch sử.
Trong bài viết Tác giả Trường An: Lịch sử ghi chép rất lạnh lùng của Thu
Hiền có nêu ý kiến của cây bút trẻ Trường An: “Lịch sử chỉ ghi chép số liệu một
cách khô khan, nhiệm vụ của người viết TTLS là phải thêm da thêm thịt cho nhân
vật” [50]. Theo đó, TTLS đi liền với hoạt động hư cấu, sáng tạo để làm sống dậy
các sự kiện và nhân vật lịch sử.
Như vậy, tất cả các lập luận trên cho dù chưa hoàn toàn thống nhất nhưng đều
dựa trên thực tiễn sáng tác và tính đặc thù của thể loại. Xuất phát từ thực tiễn nghiên
cứu, chúng tôi xin đưa ra cách hiểu như sau: TTLS là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa
những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết với những tài liệu của sử học trên cơ sở lấy

lịch sử làm đề tài và tôn trọng sự kiện, nhân vật lịch sử. Tác phẩm đưa ra những kiến
giải sâu sắc về lịch sử, về cuộc sống bù lấp vào những khoảng trống của sử học. Trong
TTLS, hư cấu nhằm phản ánh lịch sử ở cả bề rộng, bề sâu và làm sống động bức tranh
lịch sử, tăng tính chân thực nghệ thuật trong tiểu thuyết.
1.1.2. Một số công trình nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử trên thế giới
TTLS là cầu nối gắn văn học với hiện thực đời sống đã có trong sự vận động
xã hội của nhân loại. Vì vậy, các sáng tác về đề tài lịch sử nói chung và TTLS nói
riêng đã, đang và sẽ có chỗ đứng quan trọng trong văn học và thực tiễn đời sống
của con người. Trải qua các thời kì lịch sử, cách văn học phản ánh lịch sử cũng có
nhiều thay đổi. Khi “Chủ nghĩa tân lịch sử”, “Chủ nghĩa hậu hiện đại” ra đời thì
hầu như các thể loại văn học đều có những đổi thay. Trong phạm vi lý thuyết các
nhà nghiên cứu chú ý hơn đến các thể tài tự sự khác, còn những biến đổi của
TTLS vẫn chưa được quan tâm toàn diện và sâu sắc. Chúng tôi xin được trích lược
những ý kiến tiêu biểu của một số nhà nghiên cứu lý luận phê bình và nhà văn
nước ngoài như sau:
Tiểu thuyết lịch sử (1937) của G. Lukacs (Hungari) là công trình nghiên cứu
chuyên sâu về TTLS. Trong chuyên luận này, G. Lukacs cho rằng “thể tài này ra
đời vào đầu thế kỷ XIX (khoảng thời gian Napoléon sụp đổ và chủ nghĩa tư bản ra
đời với tư cách là một cấu trúc kinh tế), đánh dấu bởi tác phẩm Waverley của tiểu
thuyết gia người Scotland Walter Scott (1771 - 1832), góp phần khẳng định cảm
thức lịch sử như một tiến trình”. Ông kỳ vọng: TTLS phải tái trải nghiệm (reexperience) tâm lý và đạo đức của con người quá khứ như một giai đoạn phát triển
của nhân loại, có liên quan đến con người đương đại. G. Lukacs cũng nhấn mạnh
vai trò của “sự sai lệch thời gian cần thiết” (necessary anachronism) hay hư cấu
trong TTLS. Hư cấu cho phép “các nhân vật diễn đạt tình cảm, tư tưởng về các


9

quan hệ lịch sử có thực rõ nét hơn những con người của thời ấy đã từng trải
nghiệm” nhưng phải luôn xác thực về mặt lịch sử, xã hội” (Dẫn theo Nguyễn Nam,

Cái chết của tác giả (tiểu thuyết lịch sử)? Những vấn đề nhân đọc Hoàng Việt xuân
thu, Nguồn: vanhoanghean.com.vn). G. Lukacs phát triển thêm: “Không chỉ tiểu
thuyết nói chung, mà TTLS phải đạt tới chiều sâu của triết lí lịch sử. TTLS không
chỉ bảo đảm việc miêu tả hoàn cảnh duy trì được không khí lịch sử, mà quan trọng
hơn là miêu tả trung thực bằng nghệ thuật một thời kì lịch sử cụ thể” [24; tr. 299].
Từ đó, G. Lukacs lý giải: “Việc mô tả hiện thực của một thời kì lịch sử có thể thành
công qua việc mô tả đời thường của nhân dân, nỗi đau và niềm vui sướng của những
con người bình thường. Trong lĩnh vực xây dựng TTLS, tài năng bộc lộ qua việc phản
ánh những nguyên nhân dẫn đến sự thật trong trái tim con người, những sự thật mà
biến động của chúng đã bị giới sử học bỏ qua. Các nhân vật của TTLS phải sinh động
hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của TTLS được trao cho sự sống còn các cá
nhân lịch sử thì đã sống” [24; tr. 62]. Đó là do nhà sử học chỉ quan tâm sự kiện hoặc
nhân vật bao trùm lịch sử, nhưng chính nhà văn mới quan tâm tới con người cá nhân
trong những cơn biến động lịch sử. Những luận điểm sắc bén của G. Lukacs có tính
mở đường cho việc xác lập những đặc trưng tiêu biểu của loại hình nghệ thuật này dựa
trên nguyên tắc sáng tác, mục đích nghệ thuật, khác với tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết
kỳ ảo, tiểu thuyết viễn tưởng...
Nhà lí luận Nga G. Lenobl trong công trình Lịch sử và văn học (1960) nêu ra
ba tiêu chí của TTLS: “Một là nhân vật và sự kiện lịch sử. Hai là nguyên tắc hay
chủ nghĩa lịch sử, tức là cho thấy sự xung đột các thời đại, sự quá độ các giá trị. Ba
là nội dung của tiểu thuyết phải là hiện thực đã qua, mà tác giả và người đọc không
phải là người đương thời của hiện thực đó. Người đọc luôn cảm thấy có một sự
khác thời” (Dẫn theo Trần Đình Sử, Về tiểu thuyết lịch sử, nguồn:
). Như vậy, quan niệm nổi bật của G. Lenobl là
coi tính xác thực của sự kiện và nhân vật phù hợp với sách sử là tiêu chí căn bản
trong nguyên tắc sáng tác. Vi phạm điều này coi như thủ tiêu tính chất căn cốt của
thể loại. Tuy nhiên ý kiến của ông còn khá “cứng nhắc” bởi trong thực tế sáng tác
luôn có sự mở rộng và xê dịch cách nhìn về con người và sự kiện lịch sử, nếu
không, tác phẩm khó tránh khỏi sự phỏng chép lịch sử một cách khiên cưỡng, vụng
về và thiếu đi tính uyển chuyển của nghệ thuật văn chương.

Hai tác giả Drothy Brewster và John Angus Burrell trong cuốn sách Tiểu
thuyết hiện đại (1971) cũng đã thể hiện quan niệm riêng về TTLS: “TTLS có thể
thoát thai từ ao ước của một tác giả muốn đào thoát khỏi hiện tại, đồng thời thỏa
mãn ước ao tương tự của độc giả. Nhưng TTLS còn có nhiều tác dụng nữa. Nó có
thể soi sáng những thời kì quá khứ con người đã qua, với những mục đích rõ ràng là
gạn lọc những tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hiện tại. Nó giúp ta làm bảng so
sánh, đối chiếu thời đại nọ với thời đại kia” [12; tr. 213]. Như vậy, TTLS vừa là kết
quả sáng tạo của nhà văn vừa là tư liệu khai sáng quá khứ.


10

Hayden White, một trong những nhà lí luận của chủ nghĩa Tân duy sử bàn về
“siêu lịch sử” (metahistory) đã thể hiện cảm quan hậu hiện đại khá rõ nét. Từ luận
điểm nền tảng đó ông triển khai toàn bộ tư tưởng của mình: “Lịch sử như là tự sự”
[130; tr. 38]. Hayden White khẳng định: “Để cho câu chuyện lịch sử hoàn chỉnh, có
logic sử học cũng phải hư cấu, và có bốn phương thức tu từ của tự sự lịch sử: lãng
mạn khi kết thúc tốt đẹp; bi kịch khi thất bại bi đát, hài kịch, khi nhân vật lịch sử
đóng vai hề, và châm biếm, khi một kẻ ngu dốt đóng vai vĩ nhân” [130; tr. 117].
Với mô hình đó, cách thể hiện lịch sử có nhiều mặt tương đồng với diễn ngôn về
lịch sử. Lí thuyết lịch sử này được gọi là “thi pháp học văn hóa”. Quan niệm trên
khác với ý kiến của Aristote, rằng ông chỉ nói đến “sự thật xảy ra” mà chưa thấy
việc diễn ngôn về lịch sử. Muốn biểu hiện các tiềm năng của lịch sử trong tính chân
thực đã làm cho lịch sử và tiểu thuyết gần nhau. Tuy nhiên không có nghĩa là sử học
và tiểu thuyết sẽ đồng nhất. Câu hỏi thứ ba của Hayden White: “Lịch sử nằm ở vị trí
nào trong hệ thống tri thức của nhân loại? Câu trả lời là “lịch sử nằm giữa khoa học
và nghệ thuật, và vì vậy nó mang bản chất hư cấu và tràn đầy định kiến” [130; tr.
48]. Quan niệm mới của Hayden White về lịch sử kích ứng trào lưu đối thoại lịch
sử, tìm lại lịch sử và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thể tài TTLS.
Tác giả Karl Popper (1902 - 1994), một trong những triết gia có ảnh hưởng

nhất thế kỉ XX, trong cuốn Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (2012, Chu Lan Đình
dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội) đã nhận ra: “Sự nghèo nàn của thuyết sử luận” bởi “họ”
(các nhà sử luận) không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn
giải (lịch sử) về cơ bản tương đương nhau (cho dù một số trong những cách diễn
giải ấy có thể nổi bật lên nhờ vào tính phong phú của chúng - một điều ít nhiều có ý
nghĩa)” [125; tr. 257]. Như vậy, những lập luận của Karl Popper nhấn mạnh tới tính
đa dạng của cách diễn giải lịch sử trong các thời đại có vai trò quan trọng làm
phong phú bức tranh lịch sử.
Khi bàn về diễn ngôn qua các thời đại cụ thể trong lịch sử, Michel Foucault
cũng trình bày một số kiến giải mới về lịch sử có ý nghĩa làm phong phú thêm lí
thuyết thể loại. Trong tác phẩm Triết học và mỹ học phương Tây hiện nay (1992,
Nxb Văn hóa, Hà Nội) có trích dẫn quan điểm của Michel Foucault: “Lịch sử là một
sự đứt đoạn” [116; tr. 216]. Nghĩa là khi đề cập đến sự diễn giải lịch sử, ông tán
thành quan điểm coi “lịch sử như là một diễn ngôn” của Hayden White và bổ sung
thêm luận điểm rất độc đáo. Do vậy sẽ không có một sự trần thuật liền mạch mà
chúng ta giải mã trong dòng chảy lịch sử. Đây là đóng góp quan trọng của Michel
Foucault thúc đẩy tinh thần khám phá lịch sử, khai thác và kết nối những chỗ “đứt
gãy” của lịch sử, thúc đẩy sự sáng tạo của nhà văn khi tiếp cận các đề tài lịch sử.
Ngay từ những năm đầu thế kỉ XX các nhà tư tưởng như P. Valery, M.
Heidegger cho đến J-P. Sartre, C. Levis Strauss và Michael Foucault đã bày tỏ sự
hoài nghi lịch sử như một khoa học khách quan. Khi TTLS chưa phát triển thì
không phải chỉ có lịch sử tồn tại trong các ghi chép của sử gia mà đã được phản ánh


11

dưới nhiều hình thức khác như hình thức dã sử bổ sung hoặc đính ngọa chính sử.
Mặt khác, khi đã khởi sắc rực rỡ cả về số lượng và chất lượng thì tiềm năng khai
thác lịch sử của nó còn rộng và sâu hơn chính sử thậm chí còn xác lập những quan
niệm mới về lịch sử. Do vậy, nếu coi thể tài này chỉ là minh họa hoặc văn chương

hoá lịch sử thì đồng nghĩa với việc chưa đánh giá đầy đủ chức năng của TTLS, còn
phiến diện trong cách nhìn nhận quy luật vận động và phát triển bên trong của thể
loại văn học. Đó cũng là lí do khiến Iu. Lotman trong bài Về bản chất của nghệ
thuật phát biểu: “Sự thật lịch sử là sự thực hiện một trong vô vàn khả năng của hiện
thực quá khứ, sự thật đó đã làm cho vô vàn các khả năng lịch sử khác mất cơ hội
được thực hiện, mà thiếu chúng, ta khó mà hiểu hết hiện thực” [94; tr. 108].
Trong cuốn Nghệ thuật thi ca thời cổ đại Hi Lạp, Aritstote cho rằng: “Nhà sử
học nói về những điều xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những điều có thể xảy
ra” [Dẫn theo Trần Đình Sử; 133]. Còn nhà văn Nga M. Gorki (Nghệ thuật thi ca)
nhấn mạnh: “Lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải
do nhà sử học viết” (Tiềm năng giáo dục nhân văn của tiểu thuyết lịch sử - Zolina
E. N, Tạp chí của IEGU, tập 1, năm 2006, tr. 1) [133]. Hoặc tác giả trích dẫn quan
điểm của nhà mĩ học Đức F. W. Schelling: “Xem quá khứ là một nghệ thuật lịch
sử” (Triết học nghệ thuật của Schelling - Nguyễn Huy Hoàng dịch, Tạp chí Triết
học, số 9, ngày 15 tháng 2 năm 2009) [135]. Còn nhà triết học Ý Benedetto Croce
(Lý thuyết và lịch sử của khoa ký sử, 1912) có nhận định: “Khái niệm lịch sử phù
hợp với khái niệm chung về nghệ thuật” [134]. Còn F. Engels trong cuốn Triết học
lịch sử (1939) lập luận: “Lịch sử thế giới là một nàng thơ vĩ đại, mở đầu là bi kịch,
kết thúc là hài kịch” [133]. Các ý kiến trên đều nhấn mạnh tiềm năng của thể tài này
trong việc tái tạo tính cách, tâm lí con người vốn mờ nhạt trong sử học. Nhà văn,
viện sĩ André Maurois (1885-1967), Viện Hàn lâm Pháp có viết trong cuốn Lịch sử
nước Pháp (1940): “May nhờ có Alexandre Dumas, cả thế giới bao gồm cả người
Pháp mới hiểu về lịch sử nước Pháp, cho dù lịch sử ấy chưa hẳn là chính xác tường
tận nhưng ít ra cũng không phải là vô căn cứ” (Dẫn theo Hiền Thương, Khi bạn
chọn đọc ngôn tình để hiểu thêm về lịch sử, ). Theo đó, lịch sử được
xem là yếu tố tồn tại khách quan, là cơ sở để nhà văn sáng tạo.
Cùng quan điểm trên, tác giả Milan Kundera trong công trình Nghệ thuật tiểu
thuyết (1998) đã chỉ ra sự khác biệt giữa nhà văn và nhà sử học: “Nhà sử học kể lại
các sự kiện đã xảy ra, còn nhà tiểu thuyết nắm bắt một khả năng của cuộc sống, khả
năng của con người và thế giới. Nhà TTLS ghi nhận những kinh nghiệm nhân loại

mà sử gia không quan tâm hoặc không thấy giá trị. Chính điều đó làm ngã bổ những
định kiến chắc chắn, chính thống, làm sụp đổ những khái niệm vĩnh hằng của thế
giới vững tin đã định hình yên chí, nhất thành bất biến và thám hiểm những mặt
khác của vạn vật” [80; tr. 135]. Ông nhấn mạnh quyền năng của người sáng tác:
“Nhà tiểu thuyết không phải là nhà sử học cũng chẳng phải nhà tiên tri: anh ta là
người thám hiểm cuộc sống” [80; tr. 51]. Như vậy kiến giải của Milan Kundera


12

thống nhất với các quan điểm trên khi nhấn mạnh hư cấu là một thuộc tính tất yếu
của TTLS.
Trong công trình Mỹ học của F. Heghen (1999, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội)
có nêu ý kiến của nhà phê bình Biêlinxki: “Chúng ta hỏi và chúng ta chất vấn về cái
đã qua để chúng ta giải thích hiện tại và chỉ ra tương lai cho chúng ta” [44; tr. 58].
Như vậy, lịch sử là căn nguyên nhận thức khám phá hiện thực. Hay như chính trị
gia kiêm nhà văn của nước Anh là George Otto Trevelyan (1838-1928) trong cuốn
Lịch sử xã hội Anh (1922) cũng bày tỏ sự hoài nghi về quá khứ: “Lịch sử không có
giá trị khoa học thực sự, mục đích duy nhất của lịch sử là giáo dục con người” [Dẫn
theo Trần Đình Sử; 135]. Cả hai ý kiến này lại thiên về việc nhấn mạnh vai trò
nhận thức, giải mã lịch sử và chức năng giáo huấn của TTLS. Các quan niệm đó
cho thấy lịch sử và tiểu thuyết có nhiều điểm giao thoa. Cả hai đều tồn tại như là
truyện kể, đều là ý thức xã hội. Cả hai đều dùng tư liệu và tưởng tượng để tái hiện
quá khứ và bù đắp vào chỗ đứt gẫy, chỗ trống vắng trong sử học. Song thực tế cho
thấy, không có căn nguyên hiện thực từ quá khứ, cũng không thể có hư cấu và
tưởng tượng.
Còn Fredric Fukuyama lại thể hiện cảm quan hoài nghi lịch sử với tuyên bố:
“Lịch sử đã cáo chung” (Sự chấm dứt của lịch sử, 1989) [Dẫn theo Trần Đình Sử;
133]. Ý kiến này đã từng tạo ra “cơn địa chấn” gay gắt trong giới nghiên cứu về bản
chất lịch sử. Tuy nhiên, với sự ra đời của các trường phái lí thuyết như: chủ nghĩa

tân lịch sử, chủ nghĩa hậu thực dân, nữ quyền luận và nhiều hệ hình lý thuyết hiện
đại khác thì con người phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên là lịch sử đang được
nhìn nhận một cách cởi mở hơn. Thực chất lịch sử không phải đã “cáo chung” mà
được đặt ở nhiều góc nhìn, nhiều hướng đối thoại và bổ sung nhau. Tiểu tự sự bổ
sung cho đại tự sự và tiểu lịch sử sẽ bồi đắp đại lịch sử. Khi Lí thuyết Hậu thực
dân ra đời thì một số quốc gia trên thế giới nhìn nhận lịch sử càng cởi mở. Như
vậy, điều thú vị là khi tồn tại những quan điểm chưa thống nhất về lịch sử cũng là
cơ hội mở rộng đường biên cho sáng tạo của nhà tiểu thuyết và cách tiếp nhận mới
ở người đọc.
Bên cạnh những quan điểm của các nhà nghiên cứu, bản thân các nhà văn lớn
trên thế giới cũng bày tỏ những kiến giải về TTLS qua thực tiễn sáng tác, góp phần
làm đầy đặn thêm lý thuyết về thể tài này. Tiêu biểu là ý kiến của nhà TTLS vĩ đại
người Pháp Alexandre Dumas (cha) thì lịch sử giống như một cái đinh để mọi
người có thể tự do treo bức tranh của mình vào đó. Theo ông, lịch sử là điểm tựa để
người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Trái lại, trong bài Bàn về tiểu thuyết lịch sử (2012)
của Hải Thanh trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã trích dẫn ý kiến của nhà văn lớn
nước Nga A. Tônxtôi: “TTLS phải chính xác như một nghiên cứu lịch sử” [154].
Hay trong bài Lịch sử và tiểu thuyết lịch sử (2012) của tác giả Trần Đình Sử trên
Báo điện tử Quân đội nhân dân cũng nêu quan điểm của nhà văn Nhật Bản Kikuchi
Kan (1888 - 1948): “Lịch sử trong tiểu thuyết phải là các sự kiện và nhân vật nổi


13

tiếng đã được ghi trong sách sử” [Dẫn theo Trần Đình Sử; 133]. Trong công trình
Tiểu thuyết lịch sử - một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ
đầu thế kỷ XX (2012) của Phan Mạnh Hùng cũng trích dẫn những kiến giải của nhà
văn Goncourt (Pháp): “Lịch sử là tiểu thuyết đã thành hiện thực, còn tiểu thuyết là
lịch sử có khả năng thành hiện thực. TTLS kết hợp hai yếu tố đối lập, nhà văn tùy
theo cảm hứng mà kéo mạnh về cực này hay cực kia. Người viết TTLS là một thầy

lang bốc hai vị thuốc kỵ nhau, nhưng liều lượng phải tính thế nào để chúng bổ sung
cho nhau, để thuốc có hiệu quả - tác phẩm phải hay: vừa có vị tiểu thuyết vừa có vị
lịch sử” [54; tr. 32]. Như vậy, tác giả nhấn mạnh tới tài năng của người viết đồng
hành trong việc xử lí chất liệu lịch sử và kĩ thuật tiểu thuyết.
Nhà TTLS nổi tiếng Hella S. Haasse (Hà Lan) khẳng định: “Mặc dầu những
cuốn tiểu thuyết của tôi là TTLS nhưng chủ định của tôi không bao giờ lấy việc tái
hiện quá khứ làm nhiệm vụ hàng đầu. Trong văn học, đề tài lịch sử là một phương
tiện chứ không phải là một cứu cánh… Viết TTLS chẳng khác nào một trò chơi ú
tim trong bóng tối và nếu trong trò chơi này ta chộp được một bàn tay hay một
khuôn mặt, thì đã là may mắn lắm rồi” [Dẫn theo Nguyễn Thị Tuyết Minh, 106; tr.
31]. Qua đó cho thấy phần lớn các nhà văn kiên quyết phản đối sự sao chép lại
những gì xảy ra trong quá khứ và nhấn mạnh vai trò của hư cấu sáng tạo đối với
người sáng tác khi đứng trước sự phức tạp của sử liệu.
Qua một số bài viết, công trình nghiên cứu tiêu biểu trên cho thấy các góc
nhìn phong phú khác nhau tạo tiền đề để chúng ta khám phá TTLS một cách toàn
diện và sâu sắc hơn trong trào lưu vận động và phát triển của văn học thế giới và
trong nước. Tuy nhiên, thực tiễn sáng tác ở các giai đoạn sau đã thể hiện khả năng
tiềm tàng của thể tài này trong việc nhìn nhận và phản ánh lịch sử. Do đó chỉ có
những cách diễn giải về lịch sử khác nhau còn bản thân lịch sử là những biến cố xã
hội có thời gian và không gian xác định chứ không phải là kết quả diễn ngôn chủ
quan của người cầm bút.
1.1.3. Các bài viết và công trình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam
Nền văn học Việt Nam hiện đại đã cho thấy sự phát triển của TTLS trong từng
giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt là những thập niên cuối của thế kỉ XX cho đến
nay. Tuy nhiên thực tiễn hoạt động nghiên cứu phê bình về TTLS còn khá hạn chế.
Từ đầu thế kỉ XX đến những năm 1930 tình nghiên cứu TTLS mới bắt đầu nhen
nhóm. Đương thời các học giả nổi tiếng như: Trương Tửu, Trương Chính, Vũ Ngọc
Phan đã theo sát sự vận động của TTLS và trình bày những quan niệm về TTLS.
Giữa nhà văn và nhà lí luận phê bình đã có những “đụng độ” quan niệm về thể loại
nhưng chưa có lời giải đáp toàn diện và triệt để. Để phác họa bức tranh nghiên cứu

TTLS ở Việt Nam, chúng tôi khảo sát qua 3 giai đoạn sau đây dựa trên một số bài
viết và công trình tiêu biểu.
1.1.3.1. Giai đoạn 1930 - 1945
Trong công trình Nhà văn hiện đại (1942), tác giả Vũ Ngọc Phan đã trình bày


14

một số nhận định về thể tài lịch sử qua thực tiễn nghiên cứu những gương mặt tiêu
biểu đương thời như: Nguyễn Tử Siêu, Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật, Lan
Khai. Từ những thành tựu cụ thể, ông đã bày tỏ những nhận xét có ý nghĩa thiết
thực trong việc bổ khuyết, đối sánh về sáng tác của các nhà văn để độc giả có cái
nhìn toàn diện hơn. Khi nhận xét về sáng tác của Phan Trần Chúc, ông viết: “Một
lối văn mạnh và cứng, nhưng không bao giờ tránh được những cái ngây ngô, gần
như dịch không thoát một câu tiếng Pháp... làm cho người ta phải lấy làm lạ rằng ở
miệng cổ nhân mà sao lắm khi lại có những lời quá mới, ngây ngô như thế” [126; tr.
510]. Về tác phẩm Chúa Trịnh Khải của Nguyễn Triệu Luật, Vũ Ngọc Phan cũng
phê bình thẳng thắn: “Nếu ông biết loại bớt những cái rườm rà đi, như những lời
bàn, những lời so sánh vô lý, những sự giảng giải không đâu thì những thiên lịch sử
kí sự của ông sẽ được nhẹ nhàng biết bao!” [126; tr. 547]. Vũ Ngọc Phan nhấn
mạnh: “Khi viết một quyển lịch sử, nhà chép sử không lưu tâm đến những việc cá
nhân không ảnh hưởng đến xã hội; nhưng khi viết những bài lịch sử ký sự, nhà văn
có thể viết một cách tỉ mỉ những việc cá nhân không ảnh hưởng gì đến dân chúng,
chỉ có cái thi vị riêng của nó thôi. Không những thế, khi viết một quyển lịch sử ký
sự, nhà văn lại cần phải lưu tâm đến những việc tư lắm lối ấy cũng gần như lối chép
dã sử vậy. Còn như viết lịch sử tiểu thuyết, nhà văn chỉ phải căn cứ vào vài việc con
con đã qua, rồi vẽ vời cho ra một chuyện lớn, cốt cho mọi việc đừng trái với thời
đại, còn không cần phải toàn sự thật.” [126; tr. 541]. Có thể thấy, đương thời Vũ
Ngọc Phan tuy có phê phán việc sử dụng ngôn ngữ nhân vật chưa hợp thời đại của
một số cây bút đương thời nhưng về cơ bản ông tán thành việc nhà văn có thể hư

cấu, sáng tạo khi phản ánh lịch sử.
Bên cạnh một số quan điểm của nhà nghiên cứu, xin điểm qua những ý kiến
tiêu biểu của những người trực tiếp sáng tác đương thời. Trong Ai lên phố Cát
(1937), nhà văn Lan Khai nêu rõ: “Cho nên sưu tầm nguyên sự thực, nhà làm sử gác
bỏ những điều huyền hoặc đã đành. Nhà tiểu thuyết trái lại, có thể tự do biên chép
hết cả để thêm hứng thú cho câu chuyện mình kể” [63; tr. 6]. Theo đó, ý thức phản
ánh chân thực chính xác hiện thực thuộc về nhà sử học, còn ý thức về tính sinh
động là nhu cầu phản ánh nghệ thuật của nhà văn. Không đồng tình với quan điểm
trên, tác giả Nguyễn Triệu Luật trong bài tựa của tác phẩm Bà Chúa Chè (1938) bày
tỏ: “Tôi chỉ là người thợ vụng, có thế nào làm nên thế, gốc tre già cứ để là gốc tre
già, chứ không thể hun khói lấy màu, vẽ vân cho thành gốc trúc hóa long” [73; Phụ
lục TTLS Việt Nam tiêu biểu]. Còn trong lời tựa cuốn Ngược đường trường thi
(1939), Nguyễn Triệu Luật có viết: “Người viết TTLS giống như nhà kim hoàn trộn
lẫn vàng với bạc, với đồng. Vàng thuần thì dễ mòn, đồng thuần tuy cứng nhưng rẻ
quá, không có giá, nay đem trộn lẫn với nhau - một sự hóa hợp chứ không phải hỗn
hợp thì vẫn có giá. Có giá vì không lừa ai, có giá vì không ai thấy nổi vết hàn gắn.
Chín phần vàng không bị hạ giá bởi một phần đồng cho nên vẫn chân giá, tạo ra
một giá trị mới” [74; Phụ lục]. Như vậy, Nguyễn Triệu Luật quan niệm TTLS phải


15

tôn trọng sự kiện và nhân vật lịch sử nhưng không phải là sự “nệ sử” máy móc mà
phải “tạo ra giá trị mới” trên nền lịch sử. Mặc dù những ý kiến đó còn thể hiện
tính chủ quan nhưng là những quan niệm bắt nguồn từ nhu cầu của đời sống văn
học. Đó là những ý kiến cho thấy sự khác nhau về quan điểm sáng tác và tiếp nhận
lịch sử trong trào lưu cách tân văn học.
Như vậy, việc nghiên cứu TTLS Việt Nam ở giai đoạn này còn khá sơ lược.
Các ý kiến hoặc một số công trình nghiên cứu mới dừng lại ở một vài nhận định
khái quát, chưa có sự khảo sát toàn diện, công phu về TTLS. Đồng thời, có nhiều

TTLS của giai đoạn văn học này vẫn còn vắng bóng trong các bài nghiên cứu, phê
bình về TTLS.
1.1.3.2. Giai đoạn từ sau 1945 đến hết thế kỉ XX
TTLS từ sau 1945 đến hết thế kỉ XX được đánh giá ở nhiều góc độ, mức
độ, quy mô khác nhau; được đặt trong nhiều hệ hình lý thuyết khác nhau. Hầu
hết các công trình nghiên cứu đều tập trung vào mối quan hệ giữa lịch sử và hư
cấu, giữa văn và sử. Sau đây, chúng tôi xin điểm qua một số bài viết và các công
trình tiêu biểu:
Sau 1954, ở miền Bắc, trong công trình nghiên cứu Lịch sử văn học Việt
Nam tập III của nhóm Lê Quý Đôn có giới thiệu một phần về Nguyễn Tử Siêu với
tư cách là một nhà văn viết TTLS. Còn ở Nam Bộ có cuốn Văn học thời thuộc
Pháp của Lê Văn Siêu và cuốn Văn học Việt Nam giản ước tân biên của Phạm
Thế Ngũ đề cập đến TTLS giai đoạn 1900 - 1945 nhưng mới chỉ dừng ở mức độ
giới thiệu sơ lược.
Trong cuốn Nguyễn Huy Tưởng (1966) của Hà Minh Đức có nhận định: “Việc
nghiên cứu lịch sử là vô cùng cần thiết đối với nghệ sĩ. Nhưng sự nghiên cứu ấy
không thể thay thế sự sáng tạo. Có khi người nghệ sĩ chỉ cần vài khoảnh khắc trong
đời sống của nhân vật lịch sử, có khi nghệ sĩ đưa vào tác phẩm những điều phi lịch
sử không quan trọng, thậm chí trong một chừng mực nào đó có quyền vi phạm sự
đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử. Bởi vì tác giả chỉ cần đúng đắn lý tưởng mà thôi”
[35; tr. 132]. Có thể thấy tác giả bài viết tán thành quan điểm coi lịch sử là chất liệu
sáng tác và đánh giá cao sự sáng tạo của nhà văn. Quan điểm này phù hợp với cách
tiếp cận và phản ánh lịch sử linh hoạt của nhiều cây bút đương đại.
Công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (tập 1) (1974) của Phan Cự Đệ đã
vận dụng phương pháp phê bình Mác - xít phân tích và nhận định những thành công
và hạn chế của tiểu thuyết Việt Nam qua các thời kì trước 1930, 1930-1945, 19451975. Đặc biệt, trong công trình này, ông còn phân loại một số kiểu tiểu thuyết Việt
Nam hiện đại: tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu
thuyết tâm lý… và nêu bật những vấn đề thời sự được phản ánh trong TTLS:
“Trong thời kỳ 1900 - 1930, TTLS là một hình thái mới của văn học yêu nước và
cách mạng. TTLS tuy viết về quá khứ nhưng lại mang một ý nghĩa rất hiện đại… đó

là nhiệm vụ của các nhà văn khi họ khai thác những đề tài lịch sử” [31; tr. 37].


16

Trong tập 1 của cuốn sách, tác giả Phan Cự Đệ đánh giá: “Trùng Quang tâm sử của
Phan Bội Châu là truyện khởi nghĩa chống Minh đầu thế kỷ XV của một số anh
hùng hào kiệt ở miền Nghệ An, lấy danh nghĩa nhà Trần để mưu khôi phục đất
nước. Nhưng tác phẩm này đồng thời lại là một TTLS có luận đề, luận đề về cách
mạng Việt Nam. Người viết luôn hướng về hiện đại, kêu gọi đồng bào trong nước
nổi dậy làm cách mạng” [31; tr. 38].
Cũng nhìn nhận về Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu, bài viết Tìm hiểu
quan niệm anh hùng của Phan Bội Châu của Nguyễn Đình Chú đăng trên Tạp chí
Văn học, số 12/1967 khẳng định: “Lần đầu tiên trong văn học nước nhà có một tác
phẩm viết về một tập thể anh hùng… Phan Bội Châu đã dựng lên mấy nhân vật phụ
nữ cũng anh hùng tuyệt đẹp như ai” [18; tr. 19]. Như vậy tác giả đã chỉ ra những
đóng góp mới của Phan Bội Châu khi xây dựng những nhân vật anh hùng, làm
phong phú thêm hình tượng người anh hùng trong văn chương truyền thống.
Tác giả Nguyễn Phương Chi trong bài Từ tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử
nghĩ về đề tài lịch sử chống Trung Quốc xâm lược qua một số sáng tác hiện nay in
trên Tạp chí Văn học, số 4/1980 đã nghiên cứu Trùng Quang tâm sử từ góc nhìn thể
loại và từ đề tài lịch sử. Từ đó, tác giả chỉ ra được những đóng góp của Phan Bội
Châu trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Trong công trình Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930 (1983)
của Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng đã đề cập đến hai TTLS giai đoạn này là Ngọn
cờ vàng của Đinh Gia Thuyết và Hai Bà đánh giặc của Nguyễn Tử Siêu với những
nhận xét tinh tế, sắc sảo. Hai nhà phê bình dành nhiều trang viết cho Nguyễn Tử
Siêu nhưng nhận định còn khá dè dặt: “Nguyễn Tử Siêu đã viết nhiều TTLS hơn cả.
Ý nguyện của ông rất rõ ràng: bồi đắp được chút đỉnh về cái quan niệm đối với đất
nước…; cũng như Đinh Gia Thuyết, Nguyễn Tử Siêu có ý thức dùng lịch sử để kêu

gọi lòng yêu nước, tình đồng bào” [57; tr. 334].
Trong Lời giới thiệu cuốn Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng (1984), qua việc đề
cập tới hai cuốn tiểu thuyết Đêm hội Long Trì và An Tư của Nguyễn Huy Tưởng,
nhà nghiên cứu Hà Minh Đức nêu nhận xét: “Những sự kiện lịch sử lớn lao đã
được làm sống dậy chân thực, hào hùng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng.
Có thể nói chất sử thi đã nảy nở trong cảm hứng lịch sử sâu sắc về đất nước trong
những phút trọng đại với những trang viết nhiều khói lửa về một dân tộc anh
hùng” [35; tr. 22].
Tác giả Bùi Văn Lợi trong phần Tổng quan về tình hình nghiên cứu của luận
án Tiến sĩ Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945
(Diện mạo và đặc điểm) (1998) đã khảo cứu khá công phu tình hình nghiên cứu
TTLS Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 qua việc trích dẫn nhiều công trình có
giá trị. Đó là cuốn sách Ngô Tất Tố tác phẩm (1961, Tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội)
của Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức đã đề cập tới một số TTLS của Ngô Tất Tố như:
Lịch sử Đề Thám (1935), Vua Hàm Nghi và việc kinh thành thất thủ (1935), Gia


17

đình Tổng trấn quân Lê Văn Duyệt (1937). Tiếp theo là cuốn sách viết bằng tiếng
Pháp của Nguyễn Khắc Viện Apercu sur la littérature Vietnamienne (Tổng quan về
văn học Việt Nam, in tại Hà Nội năm 1976). Công trình Văn hóa dân gian những
lĩnh vực nghiên cứu (1989) của Kiều Thu Hoạch dựa trên việc nghiên cứu mối quan
hệ giữa văn học dân gian với TTLS đã khẳng định vị trí tiêu biểu của Phan Bội
Châu, Nguyễn Tử Siêu, Đinh Gia Thuyết trong số các nhà TTLS đương thời và Các
thế hệ nhà văn trong ngót một trăm năm nối tiếp nhau soi lại lịch sử (1981) của
Nguyễn Đình Chú đều nhắc tới Nguyễn Tử Siêu với những nhận định trân trọng.
Đặc biệt Bùi Văn Lợi đã trích dẫn những bài nghiên cứu chuyên sâu về Nguyễn Tử
Siêu trong Hội thảo khoa học Nhà văn - Lương y Nguyễn Tử Siêu, 1888-1965 do Sở
Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức vào tháng 12/1995 như bài viết của Nguyễn

Đình Chú, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Huệ Chi… Việc sưu tầm, hệ thống của tác giả
đã góp phần khái quát khá trọn vẹn tình hình nghiên cứu một thể tài văn học trong
một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Trong luận án của mình, Bùi Văn Lợi cũng nêu nhận định: “Ở TTLS, nhà văn
có quyền hư cấu, do đặc trưng mang tính chất thể loại của TTLS quy định. Trong
khi đó bút pháp của chính sử chỉ có một con đường duy nhất là trung thành chính
xác với sự thật. Nói cách khác phận sự của nhà sử học là “truyền tin”, quý ở cái
“chân” còn phận sự của nhà tiểu thuyết là “truyền kỳ”, quý ở “truyền”. Ngòi bút của
nhà sử học là “thực lục” còn ngòi bút của nhà tiểu thuyết là “hư bút”. Ở tiểu thuyết,
nhà văn thường hư hóa cái thực, thực hóa cái hư. Nó khêu gợi trí tưởng tượng và
tăng cường tính mĩ cảm văn học” [92; tr. 30]. Điều đó cho thấy vai trò độc lập của
từng loại hình ý thức xã hội khác nhau trong đời sống. Đồng thời trên cơ sở so sánh,
tác giả nhấn mạnh: Chính yếu tố hư cấu tạo nên diện mạo, sức sống của TTLS.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu thì giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều bài
viết chuyên sâu về TTLS. Trong bài Vài ý kiến về sự thật lịch sử và hư cấu nghệ
thuật trong tiểu thuyết lịch sử phục vụ các em (Tạp chí Văn học số 3/1979), tác giả
Hà Ân đã đặt ra câu hỏi: “Gia giảm, chế biến thêm nếu cần, cách đó có nên có trong
hư cấu nghệ thuật chăng? Mặt hư cấu về một nhân vật là cuộc sống đời thường của
nhân vật đó. Xưa nay sử học chép về một nhân vật qua các sự kiện lịch sử chính
yếu. Nhưng trong một sáng tác văn học, một nhà văn cần phải gần gũi người đời
hơn” [Dẫn theo Trần Mạnh Tiến, Tiểu thuyết lịch sử và người đầu tiên mở hướng
cách tân; 149]. Điều đó cho thấy nhu cầu hư cấu nghệ thuật là tất yếu để hình tượng
nhân vật lịch sử “gần đời thiết thực” (Vũ Bằng).
Năm 1988, khi bộ ba truyện lịch sử Vàng lửa - Phẩm tiết - Kiếm sắc của
Nguyễn Huy Thiệp đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 26/5 và ngày 16/7/1988 đã
như một tâm bão làm “khuấy đảo” không khí phê bình văn học và kích ứng sự tranh
luận sôi nổi về truyện lịch sử. Không khí tranh luận xung quanh hiện tượng văn học
Nguyễn Huy Thiệp được tác giả Phạm Xuân Nguyên tổng hợp trong cuốn Đi tìm
Nguyễn Huy Thiệp (2001) (Nxb Văn hóa Thông tin ấn hành) đã tạo tiền đề cho cuộc



×