Phương cách lèo lái công ty
vượt qua khủng hoảng
Ban quản trị giỏi giống như người lái xe, cần biết cách xử lý khôn ngoan
khi đi trên con đường gập ghềnh, có lúc cần chạy chậm, đạp thắng,
dừng lại, thậm chí phải… lùi lại
Đến với cuộc tọa đàm “Phương cách lèo lái công ty qua cơn khủng hoảng”,
nhiều doanh nhân không giấu nổi tâm trạng đầy ắp lo âu.
Chuyên viên tư vấn tài chính Võ Tá Hân, diễn giả chính của buổi tọa đàm,
đã lưu ý các doanh nghiệp “cần biết rõ mình đang lo lắng điều gì. Những nỗi
lo mông lung không giúp giải quyết vấn đề”.
“Nặn óc” nghĩ cách
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất hóa chất cung cấp cho ngành
sản xuất nông sản xuất khẩu cho biết công ty của ông vẫn đang kinh doanh
có lãi, nhưng ông hết sức lo lắng trước tình hình xuất khẩu nông sản nhìn
chung sụt giảm.
Ông Hân đã “tra chìa” bằng câu hỏi “Doanh nghiệp đã mở rộng việc bán
hàng ở thị trường trong nước chưa?”. Và ông khuyên doanh nghiệp nên
tuyển thêm nhân viên tiếp thị, bán hàng để tăng doanh số ở thị trường trong
nước, đồng thời liên kết với các ngân hàng mở chương trình cho nông dân
vay ưu đãi mua sản phẩm của công ty. Ông nhận định: “Việt Nam là nước
nông nghiệp, những ngành hàng như thế thì ngay cả những công ty mới
tham gia thị trường vẫn có đất kinh doanh”.
Với mấy chục năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, ông Hân
cho biết nhiều trường hợp doanh nghiệp chưa “mắc bệnh” nhưng do khủng
hoảng tác động tâm lý nên luôn cho rằng mình bị bệnh.
Ngoài ra, có những cơ hội ở ngay trước mắt nhưng doanh nghiệp lại không
nhìn thấy. Ông kể câu chuyện về một cặp vợ chồng nọ - chủ một nhà hàng
lớn, chủ nhân chiếc xe Rolls Royce đắt tiền. Đôi vợ chồng này than vãn thời
kinh tế khủng hoảng, nhà hàng có 50 bàn nhưng mỗi đêm chỉ một, hai bàn
có khách. Nhờ được tư vấn, hai người đã đưa ra chương trình “đặt tiệc cưới,
tặng miễn phí xe Rolls Royce cho lễ rước dâu”. Ngay sau đó, nhà hàng nhận
được rất nhiều hợp đồng đặt hàng tiệc cưới!
Một ban quản trị giỏi giống như người lái xe, cần biết cách xử lý khôn ngoan
khi đi trên con đường gập ghềnh, có lúc cần chạy chậm, có khi phải đạp
thắng, dừng lại, thậm chí phải… lùi lại
“Bài học ở đây là càng trong khủng hoảng càng phải “nặn óc” nghĩ cách làm
như thế nào và nên tự trấn an là luôn có cách. “Khủng hoảng sớm hay muộn
rồi cũng sẽ qua bởi không có con đường nào đi xuống dốc mãi. Do vậy,
“nghiệm” của bài toán vượt khủng hoảng là... cầm cự được!”, ông Hân nói.
Theo ông Hân, bề nổi của cuộc khủng hoảng, gây nên mối lo lắng thường
nhật cho nhiều doanh nghiệp, nằm ở vấn đề tài chính, mà vấn đề này luôn có
mối liên quan với các ngân hàng. Ông Hân khuyên các doanh nghiệp cần hết
sức cởi mở và minh bạch trong mối quan hệ nhạy cảm này.
Trong khủng hoảng, bị kẹt tiền, chậm trả nợ là chuyện dễ hiểu. Trốn tránh
các cuộc gọi chỉ càng làm chủ nợ tăng thêm sự hoài nghi và mối quan hệ
giữa đôi bên càng trở nên căng thẳng.
Hai bên nên ngồi lại với nhau, bày tỏ thiện ý thì sẽ tìm ra cách giải quyết vấn
đề. “Không bị rơi vào tình huống không còn cách cứu chữa, trong quá trình
kinh doanh, doanh nghiệp phải xem trọng việc quản lý rủi ro, đừng chủ quan
dẫn đến tình trạng nước đến chân vẫn không kịp nhảy”, ông nói.
Nhiều thắc mắc của doanh nghiệp cho thấy họ đang có những nỗi lo khá trừu
tượng, hoặc thuộc về những vấn đề quá vĩ mô, ngoài khả năng giải quyết của
doanh nghiệp. Lời khuyên của ông Hân là cần bình tĩnh và tỏ ra sáng suốt.
“Suy nghĩ những điều càng cụ thể càng giúp nảy ra nhiều cách làm, nhờ đó
mà doanh nghiệp có thể cân nhắc, chọn lựa phương cách tốt nhất”.
Ông cho rằng thay vì phí công sức đi tìm câu trả lời cho những vấn đề như
“kinh tế Mỹ đã xuống đến đáy chưa, khi nào hồi phục?” hoặc “Việt Nam sẽ
hồi phục sớm hay muộn, theo kiểu nào, độ trễ bao nhiêu?”, mỗi nhà doanh
nghiệp nên tập trung chăm sóc công ty của mình cho thật kỹ, xác định những
gì là “bò sữa” của công ty để mà nâng niu, gìn giữ. Và điều quan trọng hơn
là phải xắn tay vào làm chứ không chỉ nghĩ và bàn bạc mãi.
Ông Hân cho biết bí quyết thoát khỏi khủng hoảng mà nhiều công ty đã áp
dụng thành công là “tìm cho ra nhu cầu thị trường trong thời điểm đó và đáp
ứng nhu cầu đó”. Theo ông Hân, thời no đủ, những câu chuyện “win - win”
(hai bên cùng thắng) là một hiện thực tốt đẹp, nhưng khi đói kém thì mỗi
nhà tự lo nồi cơm của mình. Có nồi cơm đầy ắt sẽ có nồi khác vơi.
Quan tâm đến vấn đề quản trị
Trên thực tế, nhiều nhà doanh nghiệp vẫn xem tiền bạc là yếu tố quyết định
số 1 và luôn nghĩ “giá mình có tiền để giải quyết khủng hoảng”. Một số khác
cứ mãi than vãn ở vào hoàn cảnh “lực bất tòng tâm”. Nhưng theo ông Hân,
kinh nghiệm ở các nước đã đúc kết, trong số các nguyên nhân khiến cho một
doanh nghiệp sập tiệm, có đến 80% là do những yếu kém nội tại, chỉ có 20%
là do yếu tố bên ngoài tác động.
Vấn đề cần lưu ý đầu tiên, theo ông Hân, chính là xem lại năng lực của ban
quản trị. Một ban quản trị giỏi giống như người lái xe, cần biết cách xử lý
khôn ngoan khi đi trên con đường gập ghềnh, có lúc cần chạy chậm, có khi
phải đạp thắng, dừng lại, thậm chí phải… lùi lại. “Tài năng, hơn thua là ở
chỗ này, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh hay thời thế”, ông nói. Ba vấn đề
của người lãnh đạo cần được nhấn mạnh: (1) biết lắng nghe và khuyến khích
nhân viên đóng góp ý tưởng, càng khủng hoảng càng cần nhiều ý tưởng; (2)
phải thể hiện sự tin tưởng đối với nhân viên. Trong khủng hoảng, điều càng
cần được thể hiện rõ hơn, vì sẽ giúp trấn an và ổn định nguồn nhân lực; (3)
các thành viên trong ban quản trị có cùng lúc tham gia điều hành quá nhiều
công ty hay không. Đây là một điểm yếu vẫn đang tồn tại ở nhiều công ty
thuộc các nước phát triển, làm hạn chế năng lực của ban quản trị.
Một điểm yếu nội tại khác thường thấy ở nhiều công ty được ông Hân nêu ra
là vấn đề giám đốc tài chính - cánh tay mặt của tổng giám đốc. Theo ông
Hân, sự vận hành dòng vốn và những con số thuộc phạm trù tài chính vốn đã
quan trọng lại càng hết sức quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng. Ở góc
độ chuyên môn, giám đốc tài chính là người lái xe, hệ thống các con số là
bản đồ. “Luôn bám vững các con số là phương cách theo dõi thường xuyên
sức khỏe doanh nghiệp để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời”, ông Hân
chia sẻ.
Theo Thanh Phương
TBKTSG