PHÒNG GIÁO DỤC – ĐT NINH HÒA ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI HỌC SINH GIỎI
HUYỆN
NĂM HỌC 2009 – 2010
Môn Ngữ văn lớp 9
Thời gian làm bài: 150 phút (không tính thời gian
phát đề)
Câu 1: (4 điểm)
Đọc bài thơ sau: “Ông tập đứng
Cháu tập đi.
Ông bảy mươi ba
Cháu mười tám tháng.
Ông tập mãi mà cái lưng không thẳng
Đã thẳng một đời, nay nó lại cong.
Trước mặt ông là cái xe lăn
Trước mắt cháu: nước non nghìn dặm”
(“Ông và cháu” - Nguyễn Bùi Vợi - Báo Văn nghệ trẻ - Xuân Bính Tuất - 2006)
1. Em suy nghĩ gì về hai từ “thẳng” và “cong” trong bài thơ?
2. Suy ngẫm của em về hai câu cuối của bài thơ.
* Lưu ý: Bài viết không quá 20 dòng.
Câu 2: (6 điểm)
Với người mẹ, Nguyễn Duy viết:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”
Nguyễn Khoa Điềm cũng đã từng tự bạch:
“Và chúng tôi một thứ quả trên đời.
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”.
Nhưng B.Babbles lại nói: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho
con cái mà là làm chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”.
Cách nhìn về người mẹ như vậy có mâu thuẫn với nhau không? Từ đó, trình bày
những suy nghĩ của em về vai trò của người mẹ.
* Lưu ý: Bài viết không quá một trang giấy thi.
Câu 3: (10 điểm)
Nói về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, người ta hay nhắc đến bài
thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Có mối liên tưởng nào giữa bài thơ “Bánh trôi nước” với hai tác phẩm “Chuyện
người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và “Truyện Kiều” (qua các đoạn trích đã học)
của Nguyễn Du?
Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em.
---HẾT ---
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
KỲ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN NĂM HỌC 2009 - 2010
Câu 1: (4 điểm)
a. “cong” và “thẳng” có hai lớp nghĩa:
- Chuyện cái lưng lúc trẻ và lúc già của ông (lớp nghĩa thực).
(1 điểm)
- Nói về lối sống đẹp, khí phách: sống thẳng (lưng) và một lối sống thấp hèn, “vào
luồn, ra cúi”, không có khí phách: sống cong (lưng) (lớp nghĩa ẩn dụ).
(1 điểm)
b. Học sinh tự viết bài văn ngắn dựa trên sự liên tưởng vừa đối lập, vừa thống nhất giữa hai
hình ảnh: “Trước mặt ông là cái xe lăn
Trước mắt cháu: nước non nghìn dặm”
Đó cũng chính là quy luật của cuộc sống của sự phát triển: “Tre tàn măng mọc”
(2 điểm)
* Lưu ý: Chỉ đạt điểm tối đa khi bài viết có cảm xúc, bố cục chặt chẽ, diễn đạt tốt,
đúng quy định về số dòng.
Câu 2: (6 điểm)
Cách nhìn, cách nghĩ về người mẹ không mâu thuẫn nhau:
- Cả hai lời thơ về hình ảnh người mẹ là lời tự bạch của chủ thể trữ tình (người
con), là lời tự thú chân thành và cảm động của đứa con về tình mẫu tử trước bước đi lặng
lẽ mà cũng thật nghiệt ngã của thời gian. Đồng thời, đây cũng là tiếng lòng, tấm lòng của
con hướng về mẹ. Trong tình mẫu tử bao la vĩ đại kia, đứa con nào cũng chỉ là “một thứ
quả non xanh” được chở che, nâng niu trong bàn tay mẹ…
(3 điểm)
- Còn lời nói của B.Babbles lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục con
cái biết sông chủ động, tích cực, không dựa dẫm. Người mẹ luôn dang rộng vòng tay để
che chở, yêu thương nhưng cũng cần nới rộng vòng tay của mình để mọi sự nâng đỡ không
khiến con trẻ ỷ lại, biết tự đứng và bước đi bằng chính đôi chân của mình, tức là làm cho
“chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”… (3 điểm)
* Lưu ý: Chỉ đạt điểm tối đa khi bài viết có cảm xúc, bố cục chặt chẽ, diễn đạt tốt,
đúng quy định về số trang.
Câu 3: (10 điểm)
1. Yêu cầu chung:
- Nội dung: + Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
+ Giá trị hiện thực và nhân đạo của cả ba tác phẩm.
- Phương pháp: + Nghị luận văn học (chung).
+ So sánh văn học (cụ thể).
- Kỹ năng: + Trình bày thành hệ thống luận điểm.
+ Phân tích – tổng hợp, so sánh – đánh giá.
+ Diễn đạt, hành văn.
2. Các ý cần đạt: (gợi ý)
2.1. Luận điểm 1: Giới thiệu giá trị nội dung bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân
Hương: Trong hoàn cảnh bị phụ thuộc, người phụ nữ vẫn khẳng định vẻ đẹp hình
thức lẫn vẻ đẹp tâm hồn của mình, đặc biệt là “tấm lòng son”.
Từ hình ảnh trên gợi những liên tưởng về người phụ nữ trong hai tác phẩm
“Chuyên người con gái Nam Xương” và “Truyện Kiều”.
2.2. Luận điểm 2: Những người phụ nữ ấy có tài sắc vẹn toàn nhưng đều là nạn nhân
của xã hội phong kiến (giá trị hiện thực).
- Vũ nương đẹp người đẹp nết, hiếu thảo, đảm đang nhưng phải chịu bao bất công,
oan khuất (dẫn chứng – phân tích).
- Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn nhưng đành sống kiếp trôi nổi, đoạn trường. (dẫn
chứng – phân tích).
- Họ luôn bị ràng buộc trong lễ giáo phong kiến, chịu sự áp chế bất công của chế độ
“trọng nam khinh nữ”, của thế lực đồng tiền (dẫn chứng – phân tích – đánh giá).
2.3. Luận điểm 3: Trong hoàn cảnh đó, mỗi tác phẩm là lời khẳng định giá trị, phẩm
chất của người phụ nữ với những ước mơ, khát vọng chân chính (giá trị nhân đạo).
- Họ luôn tìm cách đấu tranh vượt thoát khỏi hoàn cảnh của số phận để khẳng định
phẩm chất trong sạch, khẳng định “tấm lòng son” của mình (dẫn chứng – phân tích).
- Họ luôn khao khát về hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình; ước mơ công lý,
công bằng xã hội (dẫn chứng – phân tích – đánh giá).
3. Biểu điểm:
- Điểm 9 – 10: Đạt tốt các yêu cầu trên (về nội dung, phương pháp, kỹ năng…), chấp
nhận các cách trình bày suy nghĩ cá nhân một cách sáng tạo nhưng phải
có hệ thống luận điểm hợp lý, bắt buộc phải có luận điểm 1. Bài viết tỏ
ra có kiến thức về tác giả, tác phẩm, biết vận dụng so sánh văn học để
đưa ra những kiến giải cá nhân hợp lý.
- Điểm 7 – 8: Bài chưa đạt được yêu cầu khung điểm 9 - 10 nhưng tốt hơn yêu cầu
khung điểm 5 – 6.
- Điểm 5 – 6: Đạt trung bình các yêu cầu trên. Bài viết tuy có hệ thống luận điểm
nhưng chưa rõ ràng, hợp lý (nhất là luận điểm 1). Nếu bài viết thực hiện
phân tích từng đoạn trích, từng bài thì không vượt quá khung điểm này.
- Điểm 3 – 4: Chưa xác định đúng yêu cầu của đề. Bài viết chưa có hệ thống luận điểm
và tỏ ra chưa nắm vững kiến thức tác phẩm hoặc mắc nhiều lỗi diễn đạt
trong khi hành văn. Nhìn chung, bài viết sơ sài, nghèo nàn…
- Điểm 1 – 2: Bài viết quá kém, chưa thể hiện được yêu cầu của đề hoặc chỉ viết được
phần mở bài.
- Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoàn hoặc bỏ giấy trắng.
-------------------