Những vấn đề chung về các biện pháp hạn chế nhập khẩu và đặc
điểm thị trường Nhật Bản
1.1 Những vấn đề chung về các biện pháp hạn chế nhập khẩu
1.1.1 Các công cụ và biện pháp hạn chế nhập khẩu.
1.1.1.1 Thuế quan
Nhật Bản áp dụng 4 hệ thống thuế như sau :
- Thuế suất chung: mức thuế cơ bản căn cứ vào Luật thuế quan hải quan, áp dụng
trong một thời gian dài.
- Thuế suất tạm thời: là thuế suất trong một thời gian ngắn, thay thế cho thuế suất
chung.
- Thuế suất ưu đãi phổ cập ( GSP): là mức thuế áp dụng cho các nước đang phát
triển hay các khu vực lãnh thổ. Mức thuế có thể thấp hơn mức thuế đang áp dụng cho
các nước phát triển. Hệ thống GSP của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực vào từ ngày
1\8\1971.
- Thuế suất WTO: là mức thuế căn cứ vào cam kết WTO và các hiệp định quốc tế
khác.
Về nguyên tắc, mức thuế áp dụng theo thứ tự mức thuế GSP, mức thuế WTO, mức
thuế tạm thời và mức thuế chung. Tuy nhiên, mức thuế GSP chỉ được áp dụng trong
trường hợp thoả mãn các điều kiện cần thiết mà Nhật Bản đưa ra như : là nước đang
phát triển, là thành viên của hiệp ước Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát
triển ( UNCTAD ), là quốc gia mà Nhật Bản cho là thích hợp để hưởng quy chế GSP...
Đối với mức thuế WTO, nó chỉ được áp dụng khi thấp hơn cả mức thuế tạm thời và
mức thuế chung. Như vậy, mức thuế chung là mức thuế áp dụng cho các nước không
phải là thành viên của WTO. Trong trường hợp mức thuế tạm thời thấp hơn các mức
thuế trên, nó sẽ được áp dụng.
1.1.1.2 Các biện pháp hạn chế định lượng
Hạn ngạch nhập khẩu.
Tại Nhật Bản, hạn ngạch nhập khẩu được tính toán trên cơ sở dự đoán các nhu cầu
về hàng hóa và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Vào đầu và giữa
năm tài chính ( từ tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm tiếp theo), Bộ Công nghiệp và
Ngoại Thương ( MITI) Nhật Bản phê chuẩn những mặt hàng nhập khẩu theo quy chế
hạn ngạch được ghi rõ trong thông báo nhập khẩu. Trong thông báo hàng năm của MITI
có quy định rõ trình tự các bước để xin hạn ngạch cho một mặt hàng hay một nhóm mặt
hàng. Khi nhập khẩu các mặt hàng có quy định hạn ngạch, nhà nhập khẩu phải xin hạn
ngạch nhập khẩu trước của MITI, thì mới xin được giấy phép của ngân hàng quản lý
ngoại hôi hay của cơ quan quản lý khác.
Hạn ngạch được áp dụng với 3 nhóm hàng sau:
- Các mặt hàng thương mại thuộc kiểm soát của nhà nước, bao gồm vũ khí, rượu,
chất nổ, súng cầm tay và dao, vật liệu hạt nhân, ma tuý và các thực phẩm chịu sự kiểm
soát ( như gạo ).
- Những mặt hàng hạn chế nhập khẩu
- Các loại thực vật và động vật có tên trong Bản phụ lục I của Công ước về thương
mại quốc tế về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong hệ thống động thực
vật(CITES).
Theo các quy định trước đây của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch GATT
(nay là tổ chức thương mại thế giới WTO) thì các nước thành viên của tổ chức này
không được sử dụng hạn ngạch để tạo rào cản phi thuế quan cản trở buôn bán với các
nước khác. Tuy nhiên, các nước có thể sử dụng hạn ngạch trong một số trường hợp
ngoại lệ như : để bảo hộ nông nghiệp, chống bán phá giá và đảm bảo an toàn tạm thời
trong trường hợp hàng nhập khẩu có thể làm tổn thương các ngành công nghiệp khác.
Hạn ngạch thuế quan
Chế độ hạn ngạch thuế là chế độ, trong đó quy định áp dụng mức thuế bằng không
(0%) hoặc thấp đối với những hàng hoá được nhập khẩu theo đúng số lượng quy định,
nhằm cung cấp với giá hợp lý cho người tiêu dùng. Khi hàng hoá vượt quá số lượng
quy định thì sẽ áp dụng mức thuế cao để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Chế độ
hạn ngạch nhập khẩu thuế được thiết lập dựa trên quan điểm đảm bảo hài hoà mục tiêu
bảo vệ người tiêu dùng và mục tiêu bảo hộ người sản xuất nội địa. Vì vậy, chính phủ
phải dựa trên cơ sở xem xét cung cầu, thực trạng sản xuất trong nước để đề ra mức thuế
lần một, lần hai và thời gian áp dụng... để không cản trở tự do hoá thương mại. Trong
các quy định của GATT/WTO, các nước thành viên không được sử dụng chế dộ hạn
ngạch nhập khẩu, nhưng lại thừa nhận chế độ hạn ngạch thuế với điều kiện không có sự
phân biệt đối xử với từng nước.
Hạn chế xuất khẩu tự nguyện
Là một dạng của hạn chế nhập khẩu, là thoả thuận theo đó một nước đồng ý hạn chế
xuất khẩu của mình sang nước khác đối với một mặt hàng xác định, với một mức tối đa.
Các thoả thuận này là tự nguyện chỉ ở mức độ nước xuất khẩu muốn tránh một mối đe
doạ lớn hơn đối với ngoại thương của mình và do đó chọn biện pháp ít thiệt hại hơn.
Tuy nhiên, đây là biện pháp tạm thời và không có hiệu quả. Bởi vì biện pháp này có thể
giúp làm giảm lượng xuất khẩu của một nước nhưng lại bóp méo quá trình tự do ngoại
thương và dẫn đến việc phân phối các nguồn tài nguyên quốc gia và quốc tế một cách
kém hiệu quả. Tại Nhật Bản, vào cuối những năm 50 đã phải thực hiện hạn chế xuất
khẩu tự nguyện đối với các sản phẩm dệt và một số mặt hàng sử dụng nhiều lao động.
Giấy phép nhập khẩu
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Nhật Bản không cần giấy phép của Bộ Công
Nghiệp và Ngoại thương. Nhưng các mặt hàng sau vẫn cần giấy phép nhập khẩu :
- Hàng hoá liệt kê trong thông báo nhập khẩu thực hiện quản lý bằng hạn ngạch.
- Hàng hoá sản xuất hay vận chuyển từ các quốc gia, khu vực quy định trong thông
báo nhập khẩu đòi hỏi phải có giấy phép nhập khẩu.
- Hàng hoá đòi hỏi phương thức thanh toán đặc biệt.
- Hàng hoá cần sự xác nhận của hải quan về nhập khẩu và phải đáp ứng được các
quy định đặc biệt của chính phủ, như các loại vắcxin nghiên cứu.
1.1.1.3 Các biện pháp hành chính kỹ thuật.
Đây là nhóm các biện pháp gián tiếp ngăn cản và giám sát hàng nhập khẩu từ nước
ngoài vào thị trường Nhật Bản. Các biện pháp hành chính kỹ thuật rất phong phú và đa
dạng. Chúng tuỳ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Nhật
Bản, các biện pháp hành chính được áp dụng rât đa dạng và nó đã hình thành nên một
rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Trong quan hệ ngoại thương, giá cả thường rất quan trọng. Tuy nhiên, tại thị trường
Nhật Bản thì chất lượng của sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Ngay cả đối với những
mặt hàng rẻ tiền, hạ giá thì người tiêu dùng Nhật Bản cũng rất quan tâm đến chất lượng
và độ an toàn của mặt hàng đó. Thực tế là là các tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn
của hàng hoá của Nhật Bản còn cao hơn và chặt chẽ hơn so với yêu cầu thông thường
và các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy nên các sản phẩm của Nhật Bản thường có chất lượng
cao và dễ tràn ngập vào các thị truờng các nước khác. Các dấu chứng nhận chất lượng
mà Nhật Bản sử dụng có thể kể đến như :
Tiêu chuẩn “JIS”
Dấu chứng nhận tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản “ JIS” là một trong những dấu
được sử dụng rộng rãi nhất ở Nhật Bản. Tiêu chuẩn này dựa trên “luật tiêu chuẩn hoá
công nghiệp” được ban hành vào tháng 6 năm 1949. Dấu JIS được áp dụng cho tất cả
các sản phẩm công nghiệp và khoáng sản, trừ những sản phẩm được áp dụng các tiêu
chuẩn chuyên ngành như dược phẩm, phân hoá học, sợi tơ tằm, thực phẩm và các sản
phẩm nông nghiệp khác được quy định trong luật về tiêu chuẩn hoá và dán nhãn các sản
phẩm nông lâm sản. Các nhà sản xuất trong nước hay nước ngoài muốn được cấp giấy
chứng nhận JIS phải làm đơn xin cấp giấy chứng nhận này. Bộ trưởng bộ Công nghiệp
và ngoại thương có phê đuyệt đơn xin phép cấp JIS cho nhà sản xuất hay không dựa
vào kết luận của Hội đồng thẩm định. Quyết định của Bộ trưởng sẽ được thông báo cho
người nộp đơn. Nếu đơn xin phép được phê duyệt thì sẽ đăng trên Công báo. Thời gian
cần thiết kể từ khi nộp đơn cho đến lúc nhận được quyết định và thông báo là 3 tháng.
Tiêu chuẩn “JAS”
Luật tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản được ban hành vào tháng 5 năm 1970. Luật
này quy định các tiêu chuẩn về chất lượng và đóng dấu chất lượng tiêu chuẩn JAS.
Danh sách các sản phẩm được điều chỉnh bởi Luật JAS bao gồm: đồ uống, thực phẩm
chế biến, dầu ăn và mỡ, các nông, lâm thuỷ sản chế biến. Các tiêu chuẩn JAS bao quát
cả sản phẩm được sản xuất trong nước và các sản phẩm nhập khẩu. Tại Nhật Bản việc
sử dụng dấu chứng nhận sản phẩm JAS lên nhãn hiệu sản phẩm là tự nguyện và các nhà
sản xuất cũng như các nhà bán lẻ không bị bắt buộc phải sản xuất hay kinh doanh các
sản phẩm có chất lượng tiêu chuẩn JAS. Tuy nhiên, các quy định về việc ghi nhãn mác
sản phẩm là bắt buộc với những sản phẩm do bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp quy định.
Người tiêu dùng Nhật Bản rất tin tưởng vào chất lượng của các sản phẩm đã được đóng
dấu JAS. Vì vậy, các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu hàng hoá vào Nhật Bản có
được dấu chứng nhận chất lượng JAS sẽ tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng hoá của
mình tại đây.
Các dấu chứng nhận chất lượng khác:
Ngoài dấu chứng nhận chất lượng JIS và JAS còn có nhiều loại dấu chứng nhận
khác được sử dụng ở Nhật Bản. Ví dụ, các dấu chứng nhận sau đang được sử dụng tại
Nhật Bản :
Bảng 1.1 Một số dấu chất lượng của Nhật Bản
Dấu chất lượng Ý nghĩa Phạm vi áp dụng
Dấu Q
Chất lượng và đo độ đồng nhất
của sản phẩm.
Các loại sản phẩm dệt, bao gồm quần áo trẻ
em, các loại quần áo khác, khăn trải giường.
Dấu G
Thiết kế, dịch vụ sau khi bán
hàng và chất lượng
Các sản phẩm như máy ảnh, máy móc, thiết
bị, đồ thuỷ tinh, đồ gốm, đồ văn phòng, đồ nội
thất
Dấu S
Độ an toàn (bắt buộc) Hàng hoá dành cho trẻ em, đồ dùng gia dụng,
dụng cụ thể thao.
Dấu SG
Độ an toàn ( bắt buộc) Xe đạp, xe đẩy, nồi áp suất, mũ đi xe đạp, mũ
bóng cháy và các hàng hoá khác.
Dấu SIF
Các hàng may mặc có chất
lượng tốt
Hàng may mặc như quần áo nam,quần áo nữ,
ô, áo khoác, balô và các sản phẩm phục vụ
cho thể thao
Dấu Len
Các hàng may mặc có chất
lượng tốt.
Sợi len nguyên chất, quần áo len nguyên chất,
đồ len đan.
Nguồn : Nguyễn Hữu Khải, “Hàng rào phi thuế quan trong chính sách thương mại
quốc tế”, trang 155 – 156.
1.1.1.4 Các biện pháp quản lý khác.
Ngoài các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe đối với hàng sản xuất trong nước và hàng
nhập khẩu, Nhật Bản còn ban hành nhiều văn bản pháp luật cơ bản điều chình các hàng
hoá mà có thể gây nguy hại đến sức khoẻ, vệ sinh, đạo đức và sự an toàn chung của
người dân Nhật:
Tiêu chuẩn môi trường.
Vấn đề môi trường cũng rất được quan tâm tại Nhật Bản. Cục môi trường Nhật Bản
đang khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm không làm hại sinh thái ( kể
cả các sản phẩm trong nước cũng như các sản phẩm nhập khẩu ). Các sản phẩm đạt
được ít nhất một trong các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được đóng dấu “Ecomark”:
1. Việc sử dụng sản phẩm đó không gây ô nhiễm tới môi trường hoặc có nhưng ít.
2. Việc sử dụng sản phẩm đó mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.
3. Chất thải sau khi sử dụng không gây hại cho môi trường hoặc gây hại ít.
4. Sản phẩm đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ môi trường theo các cách khác
không được kể đến ở trên.
Ecomark được ban hành năm 1989, và được rất nhiều người Nhật biết đến.
Ecomark không đưa ra các tiêu chuẩn và cũng không nói lên chất lượng cũng như tính
an toàn của sản phẩm. Các công ty nước ngoài có thể xin dấu chứng nhận Ecomark
thông qua các nhà nhập khẩu.
Luật vệ sinh thực phẩm.
Luật vệ sinh thực phẩm ra đời và có hiệu lực từ năm 1947. Luật này áp dụng cho tât
cả các hàng hoá liên quan đến thực phẩm, các gia vị, dụng cụ chứa, các máy móc chế
biến thực phẩm và đồ chơi trẻ em. Hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu đều
phải tuân theo những quy định của Luật như nhau. Bộ Y tế và Phúc lợi sẽ chịu trách
nhiệm thực thi và quản lý vệ sinh thực phẩm
Khi xuất hàng sang Nhật Bản, các nhà xuất khẩu nước ngoài phải hiểu được các quy
định về luật pháp phức tạp liên quan đến vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ví dụ như :
theo quy định thực phẩm sản xuất tại nước xuất xứ phải theo phương pháp phù hợp với
Luật vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Do đó, đồ uống, chân giò, xúc xích, thịt lợn nuôi
và thịt bò nuôi đưa vào bán tại thị trường Nhật Bản phải được khử trùng ở nhiệt độ theo
quy định sản xuất tại Nhật Bản. Trong nhiều truờng hợp, do thiếu hiểu biết về các quy
định vệ sinh, an toàn thực phẩm nên các sản phẩm của các nhà xuất khẩu bị cấm không
được đưa vào Nhật Bản. Hàng đã dỡ xuống cầu cảng lại bị gửi trả lại do không đáp ứng
được tiêu chuẩn. Điều này đã từng xảy ra với mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam. Do
không tìm hiểu các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản nên hàng thuỷ
sản Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản có dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép.
Nhiều lô hàng đã bị trả lại và các đơn hàng tiếp theo đều chịu sự kiểm soát rất gắt gao
của cơ quan quản lý Nhật. Chính vì vậy, đây chính là một rào cản cần nghiên cứu kỹ để
tránh những thiệt hại kinh tế lớn có thể xảy ra.
Luật kiểm dịch thực vật.
Được ban hành nhằm chống lại sự xâm nhập của sâu bệnh và các căn bệnh ở cây
trồng. Trong Luật kiểm dịch quy định rõ các mặt hàng cấm nhập khẩu, các đối tượng
kiểm tra và tổ chức việc kiểm tra rât cụ thể, chặt chẽ. Nếu khi kiểm tra hàng nhập khẩu
mà phát hiện các lô hàng này bị nhiễm bệnh hay sâu hại thì các hàng này bị huỷ bỏ hoặc
trả lại nước xuất khẩu. Đồng thời, việc xuất khẩu các rau quả thực vật bị cấm cho tới
khi nguồn gốc sâu hại, bệnh tật được tìm ra.