Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Những bất cập của BLDS năm 2015 về nội dung quyền sở hữu và hướng hoàn thiện

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.67 KB, 11 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Hệ thống pháp luật dân sự của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam
nói riêng đều có cách tiếp cận khác nhau về chế định tài sản và quyền sở hữu. Vì
chế định tài sản và quyền sở hữu có tầm ảnh hưởng rất lớn tới các chế định khác
trong pháp luật dân sự nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng.
Nên trong bất kỳ Bộ luật Dân sự nào, từ Bộ luật Dân sự năm 1995, đến Bộ luật
Dân sự năm 2005 và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các chế định như
chế định về thừa kế, chế định về hợp đồng, đặc biệt là chế định về tài sản và quyền
sở hữu luôn giữ vị trí trọng tâm của Bộ luật.
Khi xã hội ngày càng phát triển, các quan hệ dân sự và giao lưu dân sự ngày
càng được mở rộng thì chế định tài sản và quyền sở hữu lại là chế định cơ bản,
quan trọng nhất trong Bộ luật Dân sự nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp
của các chủ sở hữu tài sản, bảo đảm trật tự trong giao lưu dân sự. Trước yêu cầu
thể chế hoá đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng,
bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực
của đời sống dân sự, cũng như các tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị
trường, định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu trong đó có quyền sở hữu về
tài sản, quyền bình đẳng giữa các chủ thể đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại
hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48/2005/NQ- TW ngày 24/5/2005 của Bộ
Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến
năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị Quyết số 49/NQ-TW ngày
02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, Hiến
pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, vẫn có những bất cập,
vướng mắc trong nội dung quyền sở hữu. Trong phạm vi bài viết này, em đi sâu
phân tích, làm rõ vấn đề về: “Những bất cập của BLDS năm 2015 về nội dung
quyền sở hữu và hướng hoàn thiện.”


NỘI DUNG
I.
Khái quát chung


1. Khái niệm về quyền sở hữu

Sở hữu là phạm trù kinh tế, phản ánh các quan hệ sản xuất xã hội, phương thức
chiếm hữu và phân phối tài sản trong các hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Sở
hữu ra đời xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và có trước pháp luật. Thời nguyên thủy,
con người sở hữu công cụ săn bắn và thành quả lao động của mình. Việc phân chia
các lợi ích trong xã hội do tập quán quyết định.1
Quyền sở hữu được coi là vật quyền chính, quyền quan trọng nhất thiết lập trên
tài sản, thể hiện chủ quyền đối với tài sản và là cơ sở cho tất cả các vật quyền khác.
Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015) không có quy định cụ thể về khái niệm
quyền sở hữu mà Điều 158 chỉ quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm
hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản theo quy định của luật”. Do đó, ta
có thể hiểu điều luật này đã khẳng định: Quyền sở hữu là quyền của duy nhất của
chủ sở hữu đối với tài sản; quyền sở hữu là quyền tổng hợp của các quyền năng cụ
thể đối với tài sản, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Như
vậy, những chủ thể nào chỉ có được một hoặc hai quyền trên thì sẽ không được
công nhận là chủ sở hữu đối với tài sản mà chỉ là chủ thể có quyền khác đối với tài
sản theo như quy định của Điều 159 của Bộ luật này.
2. Đặc điểm của quyền sở hữu

Mặc dù là một loại vật quyền quan trọng nhất trong các loại vật quyền, mang đầy
đủ và trọn vẹn nhất các đặc điểm, tính chất của vật quyền, song quyền sở hữu vẫn
có các đặc điểm, tính chất riêng bao gồm2:
1 Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, NXB chính trị Quốc gia, tr.241.
2 TS. Nguyễn Minh Oanh (chủ biên), Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại, NXB Công an Nhân dân,
tr.162.


Thứ nhất, quyền sở hữu là vật quyền chính, vật quyền trung tâm, vật quyền
nguyên sinh thể hiện chủ quyền đối với tài sản và là cơ sở cho tất cả các vật quyền

khác;
Thứ hai, quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của chính mình;
Thứ ba, chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản của mình theo ý chỉ của mình;
Thứ tư, quyền sở hữu là quyền liên tục;
Thứ năm, quyền sở hữu là vật quyền không mang tính thời hạn.
3. Nội dung quyền sở hữu

Căn cứ theo Điều 158 BLDS 2015 thì có quy định đó là quyền sở hữu sẽ bao
gồm nội dung về quyền chiếm hữu, quyền sử dụng cũng như quyền định đoạt đối
với tài sản của chủ sở hữu theo đúng theo quy định của pháp luật. Theo định nghĩa
này thì có thể thấy rằng quyền sở hữu bao gồm ba quyền năng cơ bản đó là quyền
chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Như vậy, về cơ bản quyền sở hữu
theo quy định của BLDS 2015 không có nhiều khác biệt so với quy định về quyền
sở hữu so với quy định về quyền sở hữu tại Điều 164 BLDS 2005.
3.1.

Quyền chiếm hữu

Được quy định tại Điều 186 BLDS 2015, theo đó quyền chiếm hữu được hiểu
theo một cách đơn giản thông thường nhất thì đây được xem là sự nắm giữ, quản lý
cũng như chi phối đối với một hay nhiều tài sản của một hoặc nhiều chủ thể. Ví dụ:
cá nhân nào đó thực hiện việc cất giữ đối với số tiền của họ trong tủ hay trong két
sắt của nhà mình.
3.2.

Quyền sử dụng

Điều 189 BLDS 2015 thì có quy định về quyền sử dụng được hiểu là quyền
trong việc khai thác công dụng, cũng như hưởng các hoa lợi, lợi tức của tài sản.



Tuy nhiên thì có thể hiểu một cách đơn giản thì quyền sử dụng là việc khai thác
cũng như việc hưởng lợi ích từ khối tài sản khai thác được. Cũng như xét về quyền
chiếm hữu, thì quyền sử dụng không chỉ thuộc về chủ sở hữu tài sản mà ở đây còn
thuộc về những người không phải chủ sở hữu nhưng được chủ sở hữu giao quyền
hoặc theo quy định của pháp luật. Ví dụ: việc cho người khác thuê nhà của mình để
hưởng lợi tức.
3.3.

Quyền định đoạt

Căn cứ theo Điều 192 của BLDS 2015 thì có quy định: quyền định đoạt tài sản
là việc chủ sở hữu tài sản thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho
người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó của mình. Ví dụ: một người tuyên bố hoặc
có hành vi vứt bỏ một chiếc ti vi thuộc quyền sở hữu của bản thân mình trước đó
đã sở hữu nó.
Quyển định đoạt thực chất là việc định đoạt số phận “thực tế” hoặc “pháp lý”
của một tài sản. Định đoạt “thực tế” là bằng hành vi của mình làm cho tài sản
không còn như phá hủy, vứt bỏ…. Còn định đoạt pháp lý được hiểu là việc chuyển
quyền sở hữu sang cho chủ thể khác như: tặng cho, mua bán…
Với ba quyền năng cơ bản được pháp luật dân sự quy định như trên thì có thể
thấy rằng: chủ sở hữu có toàn quyền quyết định đối với tài sản thuộc sở hữu của
mình.
Như vậy, pháp luật dân sự Việt Nam đã định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu
bằng phương pháp liệt kê chứ chưa đưa ra được một định nghĩa khái quát. Mặt
khác, việc đưa khái niệm này vào BLDS 2015 ở nước ta là một điểm đặc biệt vì
các nước trên thế giới chỉ đề cập tới khái niệm quyền sở hữu trong khoa học luật
chứ không đưa vào luật thực định.



Những bất cập của BLDS năm 2015 về nội dung quyền sở hữu
1. Về quyền chiếm hữu
II.

Khác với quy định của BLDS 2005, ở đây thì BLDS 2015 đã ghi nhận và tách
quyền chiếm hữu thành một điều luật độc lập, thể hiện cách tiếp cận mới và đặc
biệt tiến bộ của các nhà làm luật. Theo đó, chế định chiếm hữu được xem là một
chế định độc lập so với chế định sở hữu. Việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một
cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản là sự chiếm hữu
tài sản thực tế kết hợp với ý chí của người chiếm hữu. Việc chủ sở hữu được thực
hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng
không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 1993 thì
công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Mặt khác, ta có thế thấy
quyền sở hữu là một quyền công dân, do đó, chủ thể sở hữu cũng có thể làm những
gì mà pháp luật không cấm. Hơn nữa, theo Điều 3 BLDS 2015 cũng ghi nhận “cá
nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình
trên cơ sở tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi
phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với
các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.” Qua đó, ta có thể thấy sự không
thống nhất về mặt pháp luật trong quy định về quyền chiếm hữu trong BLDS 2015.
Ngoài ra, đối với người thứ ba ngay tình, BLDS 2015 dành một sự bảo vệ rất
yếu cho người thứ 3 ngay tình. Theo Điều 166 BLDS 2015 về quyền đòi vật, ta
thấy rằng dù người chiếm hữu là ngay tình, chừng nào quyền sở hữu do thời hiệu
chưa được xác lập thì kể cả khi thời dài chiếm hữu đã tương đối dài và tình trạng
chiếm hữu của anh ta là ổn định, anh ta luôn có thể bị chủ sở hữu đòi lại tài sản. 3
Về lý thuyết, một người mua một mảnh đất về xây nhà, kinh doanh buôn bán ổn
định trong 29 năm, vẫn có thể bị đòi lại tài sản; một người chiếm hữu một động
3 Khái luận về quyền chiếm hữu (2013). Nguyễn Thị Quế Anh. Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Tâp 29.



sản, thì sau 9 năm tình trạng chiếm hữu của anh ta vẫn bấp bênh. Đáng nói là khi
anh ta bị đòi lại tài sản, anh là có một quyền lợi bị thiệt hại, thì chính anh ta lại phải
tự mình tìm để kiện đòi bồi thường người đã chuyển giao tài sản cho mình bằng
cách chứng minh thiệt hại và lỗi của người đó. Điều này thật là bất công đối với
người thứ 3 ngay tình. Trong khi luật pháp các quốc gia khác trên thế giới quy định
một thời hạn để kiện đòi tài sản, thì luật Việt Nam lại bảo vệ quyền sở hữu một
cách tuyệt đối như thế. Sự bảo vệ tuyệt đối này không chỉ đem lại bất công, mà còn
làm cho chủ sở hữu không có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình.
Như vậy, chế định bảo vệ chiếm hữu trong BLDS Việt Nam vừa khó thực thi,
lại vừa bất công. Sự bảo vệ như vậy không thể nào giúp cho các mối quan hệ dân
sự được vận hành một cách ổn định, gây nguy hại đến niềm tin của các chủ thể đối
đối với sự bảo vệ của luật pháp, khiến cho nền kinh tế cứ vướng mắc vào tranh
chấp quyền lợi mà không thể phát triển nhanh.4
2. Về quyền sử dụng tài sản

Đối với quyền sử dụng của chủ sở hữu, chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí
của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc
gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Đồng
thời, người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản trên cơ sở ý chí của chủ
sở hữu, theo thoả thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu hiểu
khái niệm theo Điều 189 BLDS 2015 thì quyền sử dụng trong nội dung quyền sở
hữu có thể bao hàm cả quyền sử dụng trong các vật quyền khác. Do đó, hai quyền
năng riêng biệt thuộc nội dung quyền sở hữu không được tách riêng, có thể dẫn
đến việc mất quyền lợi cho chủ thể có quyền sử dụng tài sản. Ví dụ như trên thực
tế, có rất nhiều người tuy được quyền sử dụng tài sản (khai thác công dụng hữu ích

4 Nguyễn Huy Tử Quân, Chế định chiếm hữu trong Bộ luật dân sự 2015


của tài sản) nhưng lại không được hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc khai thác công

dụng hữu ích đó hoặc ngược lại.5
3. Về quyền định đoạt

Chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt biểu hiện ở hai khía cạnh:
Thứ nhất, định đoạt về số phận thực tế của các vật;
Thứ hai, định đoạt về số phận pháp lý của vật.
Pháp luật quy định cho cá nhân là chủ sở hữu hoặc không phải là chủ sở hữu có
quyền định đoạt về tài sản, tuy nhiên để có quyền định đoạt thì phải đáp ứng những
điều kiện nhất định về năng lực hành vi và các trình tự, thủ tục do pháp luật quy
định: (i) về năng lực hành vi, việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành
vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật; (ii) về trình tự, thủ tục theo quy
định của pháp luật về định đoạt tài sản: trong trường hợp pháp luật có quy định về
trình tự, thủ tục định đoạt thì cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục đó.
Tuy nhiên, về điều kiện định đoạt theo đoạn 1 Điều 193 BLDS 2015 không phù
hợp với thực tế và bản chất của việc định đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 192,
việc định đoạt tài sản có thể là từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản
và những hành vi này có thể được thực hiện bởi bất cứ chủ thể nào cũng đều dẫn
tới một hậu quả pháp lý như nhau. Do đó, việc quy định về điều kiện định đoạt tài
sản phải do ngươi có năng lực hành vi dân sự thực hiện chỉ phù hợp với trường hợp
định đoạt bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác thông
qua giao dịch. Như vậy, quy định tại Điều 193 với Điều 192 trong BLDS 2015 vẫn
chưa có sự thống nhất và nhất quán về mặt pháp luật.

5 TS. Nguyễn Minh Oanh (chủ biên), Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại, NXB Công an Nhân dân,
tr.206.


III.

Kiến nghị hoàn hiện


Trước những bất cập đã phân tích ở trên, em có một số đề xuất, kiến nghị hoàn
thiện pháp luật như sau:
Thứ nhất, về chế định chiếm hữu
Nội dung điều 186 cần được quy định phù hợp hơn theo hướng: “Chủ sở hữu
được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của
mình nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội” thay vì
quy định “không được trái pháp luật”.
Thứ hai, bảo vệ người thứ ba ngay tình một cách xứng đáng hơn
Quan niệm chiếm hữu như một tình trạng có thể dẫn tới việc, người đi kiện đòi
tài sản có thể được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải bổ sung thời hiệu khởi kiện
đòi tài sản, quy định kĩ hơn về các hình thức suy đoán để quyền lợi của người thứ 3
ngay tình được bảo vệ tốt hơn. Việc này giúp cho người mua có một thái độ yên
tâm trong việc hành xử tài sản để khai thác tối đa các lợi ích kinh tế đến từ tài sản
ấy, do vậy mà tạo tiền đề cho nền kinh tế được phát triển.6
Thứ ba, quy định chiếm hữu như một tình trạng
Nếu đem so sánh chế định chiếm hữu trong BLDS Việt Nam và luật Dân sự các
nước trên thế giới trên 2 tiêu chí: tính chặt chẽ về mặt lý thuyết; và tính hiệu quả
trong việc bảo vệ lợi ích của các chủ thể có liên quan, thì ta thấy rõ ràng rằng, Luật
Dân sự Việt Nam đang thua kém rất nhiều. Nguyên do chính ở quan niệm kì lạ về
chiếm hữu của các nhà lập pháp, họ không phân biệt được sự khác biệt giữa cái vỏ

6 Ví dụ: Điều 2268 BLDS Pháp quy định “Việc mua bất động sản luôn được suy đoán là ngay tình, người nào viện
dẫn sự không ngay tình thì có trách nhiệm chứng minh”


của mối quan hệ chiếm hữu (tình trạng) và các nội dung pháp lý của mối quan hệ
đó (sở hữu).7
Một biện minh được đưa ra để bảo vệ cho quan điểm xem chiếm hữu như
quyền, là “bởi xưa nay đã thế rồi”. Tuy nhiên, dễ dàng phản bác biện minh trên

bằng 2 lý lẽ: Một là, chế định chiếm hữu vốn không có lịch sử lâu đời trong xã hội
và nền pháp lý của nước ta. Chính vì lý do đó, nhà lập pháp có một tự do tương đối
rộng rãi trong việc lựa chọn lý thuyết nào về chiếm hữu là khoa học nhất để áp
dụng, chứ không bị ràng buộc bởi tập quán xã hội (như luật hôn nhân gia đình là
một ví dụ). Thứ hai, quan niệm về chiếm hữu như hiện nay vốn xuất phát từ trường
phái Pháp luật Sô viết, vốn chịu nhiều yếu tố chính trị và triết học, mà không xuất
phát từ thực tế các mối quan hệ dân sự trong xã hội như quan niệm chiếm hữu như
là tình trạng (có nguồn gốc trong Luật La Mã 8). Vì vậy, không có lý do gì duy trì
một quan niệm làm rối rắm các chế định Tài sản và không giúp bảo vệ lợi ích của
các chủ thể một cách tốt đẹp hơn như trên.9
Thứ tư, về quyền sử dụng tài sản
Nên tách riêng quyền sử dụng tài sản tại Điều 189 BLDS 2015 thành hai quyền
năng riêng biệt, cụ thể: tách riêng nội dung “khai thác công dụng” của tài sản thành
quyền sử dụng tài sản; nội dung “hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản” thành quyền
hưởng lợi từ tài sản.
Thứ năm, về quyền định đoạt

7 Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp (2010). Nguyễn Ngọc Đi ên. Nghiên cứu Lập
pháp, Tâp 14.
8 Nguyễn Ngọc Điên. Giáo trình Luật La Mã. Cần Thơ: NXB Chính trị Quốc gia, 2009.
9 Đề xuất mô hình chế định tài sản cho Bộ luật Dân sự Việt Nam tương lai. Bùi Thị Thanh Hằng. 2014, Tạp chí Khoa
học ĐHQG Hà Nội, Tâp 30.


Tại Điều 193 BLDS 2015 nên sửa đổi tên và nội dung theo hướng quy định
điều kiện định đoạt tài sản thông qua việc chuyển quyền sở hữu tài sản.

KẾT LUẬN
Tóm lại, chế định quyền sở hữu được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015
là sự kế thừa chế định tài sản trong các Bộ luật Dân sự trước đó, đồng thời cũng đã

sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề quan trọng thể hiện sự phát triển của chế định này
trong lịch sử xây dựng pháp luật về dân sự. Đây là một đòi hỏi tất yếu của quá
trình hoàn thiện các quy định của luật dân sự nước nhà, trong đó chế định quyền sở
hữu là một trong những chế định trọng tâm, quan trọng của Bộ luật Dân sự. Tuy
nhiên, việc sửa đổi của Bộ luật dân sự 2015 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập
như đã phân tích ở trên.
Có thể thấy, chiếm hữu và sở hữu là hai chế định vô cùng quan trọng trong
luật tài sản của các quốc gia. Vì vậy việc bổ sung, hoàn thiện chế định này là rất
quan trọng, làm cơ sở tiền đề để xây dựng cũng như áp dụng thống nhất các chế
định khác có liên quan. Trong quá trình phân tích, em cũng đề cập đến một số nội
dung cần làm rõ và quy định cụ thể hơn, và em cũng hy vọng rằng, những nội dung
đó sẽ được đề cập trong các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành để các bên
chủ thể sẽ không gặp những vướng mắc, trở ngại khi áp dụng biện pháp bảo đảm
thực hiện nghĩa vụ dân sự này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Dân sự 2005.
2. Bộ luật Dân sự 2015.
3. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam (Tập 2), Trường Đại học Luật Hà Nội,

NXB. Công an Nhân dân.
4. Nguyễn Ngọc Điện. Giáo trình Luật La Mã, Cần Thơ, NXB Chính trị Quốc
gia, 2009.
5. Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2015, NXB
chính trị Quốc gia.
6. TS. Nguyễn Minh Oanh (chủ biên), Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt
Nam hiện đại, NXB Công an Nhân dân.
7. Khái luận về quyền chiếm hữu (2013). Nguyễn Thị Quế Anh. Tạp chí Khoa
học ĐHQG Hà Nội, Tập 29.

8. Nguyễn Huy Tử Quân, Chế định chiếm hữu trong Bộ luật dân sự 2015.
9. Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp (2010),
Nguyễn Ngọc Điện, Nghiên cứu Lập pháp, Tập 14.
10. Đề xuất mô hình chế định tài sản cho Bộ luật Dân sự Việt Nam tương lai,
Bùi Thị Thanh Hằng, 2014, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, Tập 30.



×