Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Con người ái kỉ và nhân vật bi kịch trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (160.04 KB, 3 trang )

KHOA HỌC XÃ HỘI

CON NGƯỜI ÁI KỈ VÀ NHÂN VẬT BI KỊCH

TRONG TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM SAU 1975
TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng
Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn
Trường Đại học Hùng Vương
TÓM TẮT
Khi ý thức về con người cá nhân bùng phát, cũng là lúc ái kỉ trở thành một trạng thái phổ biến. Trạng thái
này gắn với nhiều kiểu nhân vật, có nhiều biểu hiện phong phú trong truyện ngắn. Nhân vật bi kịch là một
kiểu nhân vật điển hình thể hiện rõ nhất trạng thái thiếu lòng tin, dị biệt trong hành vi tự thỏa mãn - một
biểu hiện điển hình của ái kỉ.
Từ khóa: con người cá nhân, ái kỉ, truyện ngắn

1. Đặt vấn đề
Con người ái kỉ là một khái niệm phức tạp. Theo từ
điển Tâm lí học, ái kỉ là một “loại bệnh xuất hiện do sự
đam mê tình dục (libido) hướng vào cái Tôi (nói cách
khác là yêu chính bản thân mình)”. S. Freud khẳng
định: căn bệnh này có liên quan đến chứng hoang
tưởng bộ phận (Paraphrenia và paranoia). “Những
dấu hiệu đặc trưng của bệnh này là hoang tưởng cao
và mất đi sự hứng thú đối với thế giới, với mọi người và
với sự vật”; “đa nghi, hoang tưởng trong các mối quan
hệ, quan niệm cố định, xét đoán nghiêm khắc, thích
sự diễn giải hoang tưởng” [3; 10]. Ái kỉ (Narcissism)
- trong tiếng Anh là sự vị kỷ, hợm hĩnh, tự phụ, ích
kỷ.Từ narcissism cũng có nguồn gốc từ thần thoại Hy
lạp. Chuyện kể về chàng trai trẻ Narcissus, con trai
của thần sông Cephisus và nữ thần Lyriope do quá


say đắm chính mình nên đã lao xuống sông tự tử. Cái
tên Narcissus sau này đã được dùng để chỉ hội chứng
Narcissism - Hội chứng tự yêu thái quá. Freud nhấn
mạnh: Trong bất kỳ người nào cũng có một lượng
narcissism nhất định, tuy nhiên có một ngưỡng giới
hạn. Vượt qua ngưỡng đó, ta có rối loạn nhân cách tự
yêu mình (narcissistic personality disorder).
Như vậy, con người ái kỉ được hiểu là con người “tự
yêu mình”. Con người ấy luôn luôn tự đề cao bản thân,
ngưỡng mộ mình (tới mức thái quá). Khát vọng thỏa
mãn khiến họ dễ đố kị, ganh ghét hoặc dễ trở nên kiêu
căng, tự phụ. Với những ẩn ức không được người xung
quanh thỏa mãn, họ mất niềm tin, thiếu sự cảm thông,
đồng cảm. Người ái kỉ nhiều khi tự thỏa mãn chính
mình trong “cơ chế” tự yêu.
Biểu hiện của ái kỉ khá phức tạp: Tự cao tự đại về
tầm quan trọng của mình; Ảo tưởng về sự thành đạt,
quyền lực; Tin tưởng rằng mình là người đặc biệt và
duy nhất; Thèm muốn mãnh liệt được ngưỡng mộ;
Nghĩ phải được phục vụ một cách đặc biệt và thỏa mãn

một cách vô điều kiện các ước vọng; Tận dụng những
mối quan hệ để phục vụ các mục tiêu bản thân; Thiếu
sự đồng cảm, không nhận thức và chia sẻ tình cảm,
nguyện vọng của người khác; Luôn đố kỵ với người
khác và tin rằng người khác cũng sẽ đố kỵ mình; Có
thái độ, hành vi kiêu căng…
Nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của trạng thái này
không giống nhau. Trong thời kỳ hiện đại, do những
tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, những thay

đổi chóng mặt của đời sống hiện đại, sự giao lưu các
nền văn hóa đông tây, thậm chí xuất phát từ bi kịch cá
nhân, con người cũng dễ rơi vào ái kỉ, từ mức độ nhẹ
cho tới bất thường.

2. Nhân vật bi kịch trong truyện ngắn Việt Nam sau
1975 và trạng thái thiếu lòng tin; dị biệt trong hành vi
tự thỏa mãn
2.1. Nhân vật bi kịch
Nhân vật bi kịch xuất hiện từ rất sớm trong những
bi kịch Hi Lạp cổ đại, từ khoảng thế kỉ V trước công
nguyên, khi bi kịch là một thể loại sân khấu thịnh
hành. Theo lịch sử văn học, bi kịch đã không ngừng
biến đổi về nội dung và hình thức để đáp ứng nhu cầu
thẩm mĩ của công chúng trong các thời đại. Vào thế
kỉ XVI, XVII, bi kịch phát triển khá thịnh hành ở các
nước châu Âu. Các nhân vật bi kịch thời kỳ này đã để
lại dấu ấn sâu đậm về một thời trung cổ trì trệ, tù túng,
khủng hoảng dữ dội.
Ở Việt Nam, không có bi kịch như một thể loại văn
học - sân khấu theo quan niệm cổ điển. Tuy nhiên,
ngay trong hệ thống truyện cổ (Trọng Thủy - Mị Châu;
Trương Chi; Hòn Vọng Phu) cũng đã xuất hiện nhân
vật với yếu tố bi kịch. Về sau, Truyện Kiều, Chinh phụ
ngâm, Cung oán ngâm khúc cũng ít nhiều chứa đựng
yếu tố bi và nhân vật mang hình dáng bi kịch. Nửa đầu
thế kỉ XX, thấp thoáng một vài tác phẩm biểu hiện
Tạp chí Khoa học Công nghệ • Số 1 (1) - 2015

63



KHOA HỌC XÃ HỘI
yếu tố bi (Tố Tâm - Hoàng Ngọc Phách; Lão Hạc, Chí
Phèo - Nam Cao; Kép Tư Bền, Người ngựa ngựa người
- Nguyễn Công Hoan…). Những tác phẩm này đã xây
dựng được các nhân vật có ý thức sâu sắc về nỗi đau
của mình. Không ít nhân vật trong số họ đã phải tìm
đến cái chết thương tâm để giải thoát khỏi nỗi khổ.
Văn học giai đoạn 1945 - 1975, gần như vắng bóng
cái bi trong sáng tác mặc dù chiến tranh luôn đi liền
với những mất mát, đau đớn nặng nề cả về vật chất
lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chữ Bi như một thứ kiêng kị
(mà nguyên nhân sâu xa chính là nằm trong ý thức, tư
tưởng của người sáng tác gắn với yêu cầu thời đại và
nguyên tắc thẩm mĩ của phương pháp sáng tác hiện
thực xã hội chủ nghĩa). Nhân vật bi kịch vì vậy không
có cơ hội để xuất hiện. Sau 1975, trong hoàn cảnh lịch
sử mới với quan điểm phát triển văn hóa mới, cái bi
có cơ hội phục hưng - đúng với bản chất của nó. Yếu
tố bi kịch, những mặt trái vốn có của đời sống xã hội
- con người xuất hiện khá đậm đặc trong văn học. Và
thật khác so với những nhân vật trong bi kịch cổ điển,
“thường là những nhân vật anh hùng với ý nghĩa tích
cực cao cả”, nhân vật bi kịch trong văn xuôi hiện đại đa
số là con người của đời thường, mang trong mình nỗi
đau, sự thất vọng, nỗi ê chề khó giải thoát. Bi kịch gắn
liền với tính cá thể hóa, giống như kiếp người trong
cuộc sống nhiều dạng, vẻ: bi kịch thân phận, bi kịch
gia đình, bi kịch huyết tộc, dòng họ, bi kịch lầm lẫn. Bi

kịch không loại trừ một ai và trong mỗi bi kịch, nhân
vật bị đẩy tới tận cùng đau khổ. Truyện ngắn cũng
không là một ngoại lệ khi phản ánh nội dung này.
2.2. Nhân vật bi kịch và trạng thái thiếu lòng tin,
dị biệt trong hành vi tự thỏa mãn
Gắn với nhân vật bi kịch, trạng thái ái kỉ khá điển
hình - trạng thái thiếu lòng tin và sự dị biệt trong hành
vi tự thỏa mãn - được thể hiện tương đối đậm đặc
trong nhiều trang viết. Trước hết, xin được nói về bi
kịch người lính thời hậu chiến. Mang theo hào quang
chiến thắng và cả những đau thương mất mát, người
lính không dễ gì hòa nhập với cuộc sống thời bình đa
chiều, phức tạp. Họ dở dang trong niềm tin, hoài nghi
các giá trị, cô đơn trong hồi ức và đổ vỡ trước hiện
thực tàn nhẫn. Nhiều người trong số họ đã không còn
cơ hội có được cuộc sống gia đình. Nỗi đau mất mát,
niềm kiêu hãnh về quá khứ đáng tôn thờ, sự khát thèm
hạnh phúc đời đàn bà, những hoài nghi hiện thực…
đôi khi khiến họ có hành vi khác thường, thậm chí
tự giết chết chính mình. Hàng loạt truyện ngắn: Mai
Hiên ngông cuồng (Nguyễn Thị Anh Thư); Bốn mươi
chín cây cơm nguội (Nguyễn Quang Lập); Nước mắt đỏ
(Trần Huy Quang); Người còn sót lại của rừng cười (Võ
Thị Hảo)… thể hiện rõ điều đó. Mai Hiên (Mai Hiên
ngông cuồng) là một nữ chiến sĩ trở về từ chiến tranh,
vẫn mang trong mình niềm tự hào về cuộc chiến cùng
nhiều mất mát và không thể hòa nhập cuộc sống hiện
tại. Ước vọng về một người chồng tốt, một gia đình
64


Tạp chí Khoa học Công nghệ • Số 1 (1) - 2015

bình dị không thực hiện được. Cô gầy mòn vì “khao
khát một sự xáo đổi, một tiếng động vang lên trong
căn buồng lạnh lẽo trống trải”. Có lúc Mai Hiên nghi
hoặc lẽ sống và bi kịch của chính mình: “Lẽ nào tôi
không ở trong quy luật của muôn vàn sinh linh cây
cỏ?”. Cô từng tỉnh táo để biết “mình ao ước có bên
cạnh một người đàn ông vững vàng… che chở cho
mình”. Nhưng chị không thể vượt qua cảm giác bị “sỉ
nhục” khi một người đàn ông tầm thường yêu. Cũng
chính cái sự cứng nhắc này đã khiến chị ngã vào vòng
tay Thi Phát - một người đàn ông mà chị cho là tầm
thường nhất. Để rồi sau cái đêm định mệnh ấy, người
đàn bà tìm đến cái chết, kết thúc tấn bi kịch cô độc,
rũ bỏ “vết nhơ” trong cuộc đời mình. Do quá duy lý
trong quan niệm về cái “thánh thiện”, Mai Hiên đã rơi
vào bi kịch thảm thương đau đớn nhất. Người đàn bà
trong Bốn mươi chín cây cơm nguội cũng là một “biến
thể” tương tự. Bốn mươi tuổi, trở về từ chiến tranh, chị
mất hết cơ hội làm vợ, làm mẹ. Những người đàn ông
yêu chị, chị yêu đã lần lượt ra đi mãi mãi. Chị “lạc lõng,
vô duyên” giữa những cô gái trẻ. Chị đã từng tưởng
tượng ra “một triệu chàng trai đẹp đang lẽo đẽo theo
sau lưng” mình… cho thỏa cơn khát một mái ấm. Hơn
thế, trong lúc cô độc nhất, chị đã tì ngực, áp má vào gốc
cây cơm nguội, coi đó là bộ ngực vạm vỡ đàn ông, đắm
đuối tìm cảm giác về một nụ hôn “mát rượi và ram ráp”
mà chị chưa bao giờ có. Đó là bi kịch đau đớn nhất của
sự “tự yêu” đối với người đàn bà trở về từ chiến tranh,

một trạng thái đặc biệt của ái kỉ.
Không phải chỉ những con người trở về từ cuộc
chiến mới rơi vào bi kịch mất niềm tin, hoài nghi và
có hành vi “tự yêu” mình một cách dị biệt. Y Ban xoáy
sâu vào bi kịch của người đàn bà đời thường trong khát
vọng hạnh phúc, khát vọng yêu thương và dâng hiến.
So với những chuẩn mực đạo đức và những mặc định
đặt ra trong xã hội đầy định kiến, họ dễ bị chê trách,
phỉ báng và luôn cô đơn (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Người
đàn bà có ma lực, Ai chọn giùm tôi, I am đàn bà, Tự,
Cuộc tình Silicon…). Tự phản ánh bi kịch của cặp vợ
chồng trẻ sau biến cố “yêu nhau” trong ngôi nhà chật.
Cả gia đình lớn bé gần mười con người đều tập trung
vào diện tích chưa đầy ba mươi mét vuông của căn hộ
tập thể, “bốn góc nhỏ có bốn tiểu gia đình”. Đó chính là
nguyên nhân tạo ra biến cố đau đớn cho cặp vợ chồng
trẻ không có không gian để yêu nhau. Ông anh trai
người chồng từ đâu xuất hiện giữa lúc đôi lứa thăng
hoa nhất. Sự tủi hổ, bẽ bàng khiến cho tất cả mọi thứ
đều chấm hết kể từ đó. Anh không còn khả năng mang
lại hạnh phúc ái ân cho chị. Dù kinh tế khá giả dần.
Dù họ đã ra ở riêng với một căn hộ mới. Dù tình yêu
vẫn đong đầy. Một ngày anh bỏ đi và mãi mãi chẳng
trở về. Chị cô độc giữa những người đàn ông xắng xở
khát thèm. Chị thực sự không muốn trở thành món
hàng, bị tận dụng như một sự trao đổi. Chị “thương


KHOA HỌC XÃ HỘI
thân mình cháy ruột” và cũng muốn cao ngạo trong

những ánh mắt khát thèm kia. Chị có thể tự đem lại
cảm giác sung sướng cho chính bản thân mình mà
không cần đối tác - những người đàn ông chỉ biết sống
bằng cái vỏ hào nhoáng. “Công nghệ máy móc” thời
hiện đại, những “cái chim giả” sẽ giúp chị. Chị định “tự
lực” giải quyết “vấn đề”. Cái chính là cái sự “tự” ấy sẽ
giúp chị ngẩng cao đầu, “bảo toàn được những sự tốt
đẹp cho những người đàn ông dân tộc”. Từ chỗ mong
muốn tự mình khỏa lấp những ẩn ức nhục dục, từ chỗ
không thể tìm thấy sự tin tưởng và tình yêu đối với
một người đàn ông khác, chị đã rơi vào ái kỉ. Tự giải
quyết những xung lực dục tình dồn nén để không cần
tìm đến bất kỳ một người đàn ông vụ lợi nào khác, chị
bước đầu thỏa mãn. Nhưng sâu thẳm, nỗi đau của đời
đàn bà thật không dễ gì thấu được. Nhân vật nữ trong
Người đàn bà đứng trước gương cũng rơi vào bi kịch tự
“khoái” vì những khát vọng được sống cho riêng mình.
Nàng thường dùng tấm gương mờ ảo để thưởng thức
hình thể. Nàng “yêu” mình qua tấm gương mờ, tự mãn
sâu sắc vì “sắc đẹp” và “tài năng”.
Khi phản ánh bi kịch của con người tha hóa nhân
cách, tự đánh mất mình, truyện ngắn sau 1975 cũng
chỉ ra nguyên nhân của nó chính là trạng thái mất
niềm tin, hoài nghi vào tình yêu, hạnh phúc. Trạng
thái này được khắc họa khá nổi bật trong Cánh đồng
bất tận, Gió lẻ (Nguyễn Ngọc Tư), Tôi, anh, thằng bé và
con rắn (Y Ban), Chọn chồng (Ma Văn Kháng), Bóng
đè, Dòng sông hủi (Đỗ Hoàng Diệu)… Tiêu biểu là Út
Vũ trong Cánh đồng bất tận. Nỗi đau mất vợ đã biến
thành sự hận thù khôn nguôi đối với đồng loại. Hai

chữ trả thù khiến ông rơi vào bi kịch không đáy hoang
hoải của người đàn ông không còn lòng tin trên “cánh
đồng bất tận”. Trong sâu thẳm, người đàn ông cô đơn.
Nỗi cô đơn này thật khủng khiếp khi nó biến thành
sự lạnh lùng tàn độc. “Con sói” cô độc đó đã trả thù.
Quan trọng hơn, “nó” tự ve vuốt nỗi cô đơn và nỗi đau
của chính mình mỗi khi “tiêu diệt” được một “con
mồi”. Tất cả những người đàn bà Út Vũ dày công chinh
phục lẫn những người đàn bà hiến thân lặng lẽ cho

ông đều được xâu vào chuỗi “thành tích” của người
đàn ông không còn tin vào chữ tình này. Ông quyến rũ
họ rồi nhanh chóng bỏ rơi họ. Kể cả người đàn bà yêu
ông một cách đau đớn, bỏ cả lòng tự trọng vì ông như
Sương cũng không làm cõi lòng kia hồi lại chút con
người. Út Vũ đã nhìn Sương bằng con mắt của con sói
được trả thù. Sương cũng chỉ là một phần hóa thân của
người vợ phản bội. Song “Càng gieo rắc càng đau. Vết
thương cũ mở miệng toang hoác, không da thịt nào có
thể lấp đầy”. Sự trả thù và nỗi lòng hả hê đầy nước mắt
ấy chính là một biểu hiện của ái kỉ - một “căn bệnh”
thật sự khó chữa khi người ta trượt dài trong trạng
thái hận - thù - ghét - bỏ - hoang hoải - chán chường.
Nó cũng là kết quả của sự mất lòng tin vào tình yêu
con người.

3. Kết luận
Thiếu lòng tin, dị biệt trong hành vi tự thỏa mãn
chính là một trong những biểu hiện đầu tiên của chứng
ái kỉ. Biểu hiện này đa số xuất hiện khi con người rơi

vào bi kịch. Suy cho cùng, đó cũng là cách bày tỏ phản
ứng đối với thế giới trong khi con người thiếu lòng tin
hoặc rơi vào nỗi đau. Sự tự thỏa mãn xúc cảm, nhục
dục bằng mọi cách gắn với trạng thái tự tôn, tuy nhiên
đó là những biểu hiện có nhiều chiều hướng tiêu cực.
Mặc dầu vậy, không thể phủ nhận, sự xuất hiện
của con người ái kỉ trong văn học giai đoạn mới đã
góp phần thể hiện sự “phục sinh” của ý thức cá nhân
một cách mạnh mẽ trong văn học giai đoạn sau 1975.
Với ý thức sáng tạo tự giác và cái nhìn nhân bản, văn
học đã thực hiện được chức năng ưu việt của nó khi
khai thác và tiếp cận với con người trong tính đa chiều,
biện chứng.

Tài liệu tham khảo

[1] Phạm Tuấn Anh(2009), Sự đa dạng thẩm mĩ của văn
xuôi Việt Nam sau 1975, Luận án TS Ngữ văn, Đại học Sư
phạm Hà Nội
[2] Nguyễn Minh Châu (5/12/1987), Hãy đọc lời ai điếu
cho một giai đoạn văn học minh họa, Báo Văn nghệ (49-50).
[3] Vũ Dũng (Cb) (2008), Từ điển Tâm lí học, NXB Từ điển
Bách khoa.

SUMMARY
NARCISSISM AND TRAGIC CHARACTER IN POST-1975 VIETNAMESE SHORT STORIES
Nguyen Thi Thuy Hang
Faculty of Social Sciences and Humanity
When the concept of an individual human being arises, it is the right time for narcissism to grow popular.
This state is manifested in many types of characters especially the tragic one who losses their belief in life with

their self- satisfactions - a form of narcrissism.
Keywords: individual human being, narcissism, short stories.
Tạp chí Khoa học Công nghệ • Số 1 (1) - 2015

65



×