Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong xu thế thời đại những năm 20 của thế kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (223.69 KB, 6 trang )

KHOA HỌC XÃ HỘI

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ
TRONG XU THẾ THỜI ĐẠI NHỮNG NĂM 20 CỦA THẾ KỶ XX
Trần Văn Hùng, Chu Thị Thanh Hiền
Khoa KHXH & NV – Đại học Hùng Vương

Nhận bài ngày 25/10/2017, Phản biện xong ngày 16/12/2017, Duyệt đăng ngày 17/12/2017

TÓM TẮT

T

rong những năm 20 của thế kỷ XX, đấu tranh về quyền phụ nữ là một vấn đề nóng
bỏng của thế giới cùng với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ
nghĩa đế quốc. Tiếp thu tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào
đấu tranh về quyền phụ nữ trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã có những
đóng góp quan trọng cho phong trào. Tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về giải phóng phụ
nữ trong thời kỳ này thể hiện qua những bài viết, hành động của Người với những nội
dung cơ bản: Nhận thức về tình cảnh phụ nữ thế giới và phụ nữ Việt Nam; Vai trò của
phụ nữ; Mục tiêu đấu tranh giải phóng phụ nữ và thực hiện “Bình đẳng giới”.
Từ khóa: Phụ nữ; giải phóng phụ nữ; bình đẳng giới

1.Đặt vấn đề

Phụ nữ qua mọi thời đại luôn chiếm
khoảng ½ dân số thế giới, đảm nhiệm nhiều
công việc trong xã hội, sản xuất và gia đình.
Tuy nhiên, phụ nữ trong thời kỳ dài là bộ
phận yếu thế, bị coi thường, hạ thấp; bị ràng
buộc bởi những quy tắc khắt khe, ngặt nghèo.


Đấu tranh cho bình đẳng giới của phụ nữ là
cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, dai dẳng
của nhân dân tiến bộ thế giới. Những năm
20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc có nhiều
bài viết về phụ nữ, hoặc nói đến những nội
dung liên quan đến đấu tranh cho phụ nữ
đăng trên các báo, tạp chí quốc tế. Từ những
bài viết này, chúng tôi nhận thấy những vấn
đề lớn về nhận thức, chủ trương và hành

động của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh
về giải phóng phụ nữ.

2.Kết quả nghiên cứu

2.1.Đấu tranh giải phóng phụ nữ trên
thế giới cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX
Đến những năm 70 (thế kỷ XIX), cách
mạng tư sản đã thành công ở nhiều nước,
chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống trên
toàn thế giới nhưng phụ nữ vẫn chưa được
giải phóng khỏi những ràng buộc của quy
tắc xã hội, chưa có sự bình đẳng với nam
giới. Năm 1870, sau cuộc nội chiến lần thứ
hai, Hiến pháp mới của Mỹ được ban hành
vẫn chỉ thừa nhận quyền bầu cử của tất cả
nam giới không kể màu da, lúc này “phụ nữ
Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 4 (9) – 2017  15



KHOA HỌC XÃ HỘI

vẫn không có quyền bầu cử” [5]. Tại nhiều
nơi, lao động phụ nữ cùng với lao động trẻ
em được sử dụng rộng rãi với tiền công rẻ
mạt. Tại Nhật Bản, hiến pháp cải cách năm
1883 quy định quyền bầu cử chỉ dành cho
nam giới đối với Viện bình dân: “cử tri phải
là những nam giới, trên 15 tuổi, đóng thuế
15 yên/năm, tương đương 100 ngày công
của thợ dệt. Thời gian cư trú là 1,5 năm”
[5]. Với quy định đó, chỉ có khoảng 1% dân
số được tham gia bầu cử. Vì vậy, đấu tranh
giành quyền bình đẳng toàn diện cho phụ
nữ là một yêu cầu của cách mạng, đồng thời
phát huy sức mạnh của phụ nữ trong cuộc
đấu tranh cách mạng là một nhiệm vụ của
những người cộng sản. Vì vậy, C. Mác và
V.I. Lênin trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng
của mình đã đưa ra quan điểm về vai trò và
yêu cầu giải phóng phụ nữ; về việc xây dựng
tổ chức để vận động phụ nữ tham gia đấu
tranh cách mạng. C. Mác đã khẳng định:
“Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa
sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào,
thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và
việc làm của đàn bà, con gái thì biết xã hội
tấn bộ ra thế nào”. Phát triển quan điểm
của C. Mác, V.I. Lênin khẳng định: “Đảng
cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu

ăn cũng phải biết việc nước, như thế cách
mệnh mới gọi là thành công”.
Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi kinh
tế, chính trị cho phụ nữ diễn ra mạnh ở Mỹ,
châu Âu, New Zealand, Australia, Nga cuối
thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một số đại biểu
nữ đi đầu trong phong trào đấu tranh này là
Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony
(Mỹ), Clara Zetkin (người Đức); Rosa
Luxemburg (Ba Lan); Nadezhda Krupskaya
(Nga – vợ Lênin). Cuộc đấu tranh đã thu
được thắng lợi bước đầu ở một số quốc gia
16  Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 4 (9) – 2017

về công nhận quyền bầu cử của phụ nữ như:
New Zealand (1893); Australia (1902).
Ngay sau cách mạng Tháng Mười Nga
năm 1917, nước Nga Xô viết đã ban hành
““Sắc luật” tuyên bố về sự bình đẳng giữa
nam và nữ” [6]. Nhiều hành động cụ thể về
bình đẳng nam và nữ được chính quyền Xô
viết Nga (sau này là Liên Xô) thực hiện: lao
động 8h; phụ nữ được nghỉ thai sản; phụ nữ
được quyền bầu cử và tham gia chính quyền;
hỗ trợ học tập nâng cao trình độ;… “Sắc
luật” của nước Nga Xô viết là văn bản pháp
lý đầu tiên trên thế giới của một nhà nước
công nhận về quyền bình đẳng toàn diện
giữa nam và nữ.
Từ ảnh hưởng của cách mạng Tháng

Mười Nga, phong trào cách mạng ở các nước
châu Âu, Bắc Mỹ phát triển mạnh. Hàng
triệu công nhân, trong đó có bộ phận quan
trọng là nữ tham gia đấu tranh chống chính
quyền tư sản trong những năm 1919 – 1923,
buộc chính quyền các nước tư bản phải thực
hiện những cải cách hiến pháp tích cực hơn,
trong đó có công nhận quyền bầu cử của
phụ nữ. Ở Đức, Hiến pháp Vaima (1919) quy
định Quốc hội gồm hai viện: Viện Liên bang
(gồm đại biểu những tỉnh lớn) và Nghị viện
do những công dân nam, nữ từ 20 tuổi trở
lên bầu bằng hình thức phổ thông đầu phiếu.
Năm 1920, nước Mỹ thông qua “Tu chính án
19” (Amendment 19), công nhận quyền bầu
cử của phụ nữ trên toàn Liên bang Mỹ. Ở các
nước Anh, Pháp, Canada lúc này cũng công
nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Như vậy, đến đầu những năm 20 (thế kỷ
XX), trên thế giới hình thành phong trào
đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Từ phong trào hình thành hai xu hướng giải
quyết quyền bình đẳng cho phụ nữ: ở các
nước tư bản, đế quốc, chính phủ công nhận


KHOA HỌC XÃ HỘI

quyền bình đẳng về bầu cử; ở nước Nga Xô
viết (Liên Xô sau này) công nhận quyền bình

đẳng toàn diện của phụ nữ. Tư tưởng giải
phóng phụ nữ toàn diện của Lênin và nước
Nga Xô viết là tiến bộ, xu thế tất yếu của thời
đại. Tuy nhiên, vấn đề giải phóng phụ nữ ở
các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam
chưa được đề cập đến.

2.2.Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh
giải phóng của phụ nữ các dân tộc thuộc
địa trong những năm 20 của thế kỷ XX
Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc đã
dẫn chứng, nêu bật nhận thức thực tiễn
của Người về thân phận, khả năng của phụ
nữ thế giới, Việt Nam. Cũng trong phần
viết “Phụ nữ Quốc tế”, Nguyễn Ái Quốc
đã dẫn chứng về những tấm gương phụ
nữ điển hình của cách mạng thế giới như:
người học trò Sáclốt Coócđây, Luy Misen
(Pháp), tấm gương của 1854 phụ nữ Nga
tham gia cách mạng Tháng Mười – 1917:
“Năm 1917, ngày 23 tháng 2, đàn bà ở kinh
đô Nga nổi lên ‘đòi bánh cho con’ và đòi
‘giả chồng chúng tôi lại cho chúng tôi’ (vì
chồng phải đi đánh). Sự bạo động này làm
mồi cho cách mệnh” [4]. Phần nhiều trong
các bài viết của Nguyễn Ái Quốc những
năm 20 của thế kỷ XX là phản ánh về thân
phận, phong trào đấu tranh của nhân dân
các nước thuộc địa, trong đó có tầng lớp
phụ nữ.

Trong bài “Nông dân Bắc Phi”, nói về nông
dân các nước Angiêri, Tuynidi, Marốc,…,
Người đã phản ánh về sự bóc lột nặng nề của
thực dân đối với nông dân, trong đó có phụ
nữ. Những người dân bản địa ở đây đã bị
tước đoạt ruộng đất, phải lao động khổ sai:
“1 – Tất cả họ đều bị dồn đến tình cảnh con
vật thồ. 2 – Họ không chỉ bị những kẻ chiến

thắng bóc lột, mà còn bị những người bản
xứ bóc lột nữa” [3].
Trong những bài viết, Nguyễn Ái Quốc đã
trích dẫn những luận điểm quan trọng của
C. Mác, V.I. Lênin về tiềm lực, vai trò của
phụ nữ. Trong bài “Phụ nữ phương Đông”,
Người nhấn mạnh phong trào cách mạng
của phụ nữ các nước chống thực dân phương
Tây: “Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ
đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa
đế quốc phương Tây. Phụ nữ Ấn Độ vùng lên
chống sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc
tham gia cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều
Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ
quốc”. Viết về “Cương lĩnh của Hội sinh viên
cách mạng” Trung Quốc, Người đã đề cập
đến chủ trương giải quyết “Vấn đề phụ nữ”
của Hội: “Quyền bình đẳng về giáo dục kinh
tế và chính trị có cả đàn ông cũng như đàn
bà thi hành hệ thống trường học thống nhất
– tức là thành lập các trường trong đó con

trai và con gái cùng học. Trả công như nhau
cho sự lao động như nhau” [3].
Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy những
chuyển biến về chất của phụ nữ trong phong
trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước
thuộc địa. Phụ nữ các nước thuộc địa đã đoàn
kết đấu tranh chống kẻ thù chung. Tiêu biểu
như phong trào đấu tranh của công nhân nữ
ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ. Từ sự tổ
chức, giác ngộ của Quốc tế Phụ nữ, của Đảng
Cộng sản các nước nên phụ nữ các dân tộc
thuộc địa đã giác ngộ cách mạng vô sản, hiểu
được vai trò to lớn của Quốc tế III và Đảng
Cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng
dân tộc, giải phóng chính tầng lớp mình.
Từ thực tiễn sự tham gia trong phong trào
cách mạng các nước trên thế giới, Người đã
khẳng định vai trò của phụ nữ đối với cách
mạng: “Vậy nên muốn thế giới cách mệnh
Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 4 (9) – 2017  17


KHOA HỌC XÃ HỘI

thành công, thì phải vận động đàn bà con gái
công nông các nước” [3]. Luận điểm này của
Nguyễn Ái Quốc cũng là một nhiệm vụ của
cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh
giải phóng dân tộc. Những phản ánh của
Nguyễn Ái Quốc về tình cảnh, phong trào

đấu tranh cách mạng của phụ nữ các dân tộc
trên thế giới, nhất là ở các nước thuộc địa
cho thấy những nhìn nhận thực tiễn sâu sắc
của Người đối với các giai tầng trong xã hội,
tố cáo sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, cổ
vũ sự tham gia của phụ nữ trong cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

2.3.Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ Việt Nam trong những
năm 20 của thế kỷ XX
* Tình cảnh phụ nữ Việt Nam
Từ tình hình phụ nữ thế giới, soi vào Việt
Nam, Nguyễn Ái Quốc có những nhận thức
đúng đắn về thân phận, truyền thống, khả
năng cách mạng của phụ nữ và đề ra mục
tiêu đấu tranh giải phóng phụ nữ. Trong các
bài viết nói chung trong những năm 20 của
thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc thể hiện rõ nét
nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam
với thân phận người dân nô lệ. Ngoài ra,
Người còn có những bài, phần viết riêng về
tình cảnh phụ nữ Việt Nam. Trong tác phẩm
“Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã
dành một mục viết về “Nỗi khổ nhục của
người phụ nữ bản xứ”. Những nỗi khổ cực
của người phụ nữ Việt Nam lúc này không
chỉ là việc phải lao động khổ sai; mất chồng,
mất con; đóng sưu cao, thuế nặng; bị bắt bớ
và bỏ tù vô cớ, mà còn bị sát hại, hãm hiếp

tàn bạo từ những em bé gái nhỏ tuổi đến
phụ nữ trung niên và người cao tuổi: “Một
ngày lễ nọ, một tên lính trong cơn vui, tự
nhiên vô cớ nhảy bổ vào một bà già người
18  Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 4 (9) – 2017

Việt Nam, lấy lưỡi lê đâm bà một nhát chết
ngay… Không phải chỉ có những cuộc khám
xét nhà hàng loạt, liên tục, mà còn có những
cuộc khám xét thân thể người bản xứ bất kể
ở chỗ nào, bất kể là nam hay nữ!...” [3]. Thực
dân thực hiện việc bắt bớ, sát hại vô cớ: “Một
cô giáo bản xứ đã bị bắt giải về tỉnh lỵ, cổ
đeo gông, đầu phơi trần dưới ánh nắng như
thiêu đốt…. Một sĩ quan khác hiếp một em
bé gái bằng những cách dâm bạo vô cùng
ghê tởm. Bị truy tố trước tòa đại hình, hắn
được trắng án, chỉ vì nạn nhân là người Việt
Nam...” [3].
Trong hoàn cảnh của cách mạng Việt
Nam, thực tiễn phong trào cách mạng thế
giới và truyền thống yêu nước của phụ nữ
Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định
“Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới
tham gia mới thành công, mà nữ giới Việt
Nam muốn cách mệnh thì phải theo phụ
nữ quốc tế chỉ bảo” [3]. Từ nhận thức sâu
sắc về tình cảnh người phụ nữ thế giới cũng
như Việt Nam thời kỳ này, Người rất đồng
cảm, trân trọng và dành cho họ những tình

cảm thân thương nhất qua tên gọi, lời hỏi
thăm, động viên ân cần. Người thường dùng
những tên gọi trân trọng, thân mật về phụ
nữ như “chị em gái”, “chị em mình”, “nữ
giới”, “người mẹ”, “người vợ”, “em bé gái”,
“cháu gái”, “bông hồng” (chỉ những người
công nhân nữ của Liên Xô). Sau khi rời nước
Pháp, Người đã viết “Thư gửi các bạn cùng
hoạt động ở Pháp”. Trong bức thư này, Người
đã nói đến những cháu trai, cháu gái ở Pháp
như A-lít-xơ (Alice) hay Pôn (Paul). Những
tình cảm thân thương, những lời nhắc nhở
ân cần được Người gửi gắm cho các cháu:
“Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu
các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói
với những người bạn nhỏ Việt Nam là các


KHOA HỌC XÃ HỘI

cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu
bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam… Chú sẽ luôn
nhớ các cháu…. Các cháu ngoan. Học thuộc
bài. Vâng lời cha mẹ.” [3]
* Tư tưởng giải phóng phụ nữ Việt Nam
Trước hết, Nguyễn Ái Quốc chủ trương
vận động cách mạng Việt Nam để giải
phóng dân tộc, cũng là giải phóng phụ nữ
Việt Nam khỏi thân phận người dân thuộc
địa, giải phóng khỏi những áp bức, bóc lột

tàn bạo của thực dân, phong kiến tay sai
như đã nhấn mạnh ở trên. Sau khi thực
hiện thành công cách mạng giải phóng dân
tộc, giải phóng thân phận nô lệ của phụ nữ,
cách mạng chủ trương thực hiện những
chính sách bình đẳng toàn diện giữa nam
và nữ. Khi thành lập Hội Việt Nam cách
mạng Thanh niên, trong “điều kiện vào hội”,
“quyền lợi hội viên”, Nguyễn Ái Quốc đã thể
hiện chủ trương bình đẳng quyền chính trị
của phụ nữ. Điều kiện vào hội ghi rõ: “Hễ
ai tín ngưỡng tôn chỉ hội, thừa nhận điều
lệ, chương trình hội…. thì được vào hội”.
Như vậy có nghĩa là không có sự phân biệt
nam hay nữ khi tham gia vào tổ chức hội.
Về quyền lợi hội viên, gồm biểu quyết, tuyển
cử và bị cử, nghĩa là nam hay nữ khi tham
gia vào hội đều có quyền như nhau về biểu
quyết, ứng cử và bầu cử. Vấn đề này cho
thấy, tư tưởng hành động của Người đúng
với quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin và
hơn hẳn hành động mới công nhận quyền
bầu cử của nữ giới ở các nước tư bản.
Cùng chủ trương bình đẳng quyền chính
trị, trong bản “Chính cương tối đê hạn độ”
của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên
khẳng định việc cách mạng thực hiện những
nhiệm vụ cách mạng sẽ thực hiện cho phụ
nữ Việt Nam: “Thực hành chế độ tám giờ cho
thợ thuyền đàn ông và sáu giờ cho thợ thuyền


đàn bà và trẻ con/ Định luật lao động cấm chỉ
thuê đàn bà, trẻ con làm công ban đêm và các
chỗ độc địa/ Đàn ông, đàn bà tuyệt đối bình
đẳng, bình quyền về các phương diện (pháp
luật, tục lệ, v.v…)” [1].
Trong Cương lĩnh thành lập Đảng tháng
2/1930 do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, giải
phóng toàn diện phụ nữ Việt Nam đã được
thể hiện rõ với vai trò là một người dân của
nước Việt Nam. Bên cạnh đó, “Chánh cương
vắn tắt” đã khẳng định một chính sách quan
trọng về phương diện xã hội của Đảng là “b)
Nam, nữ bình quyền. v.v..” [2]. Ngay sau khi
thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra
“Lời kêu gọi” nhân dân Việt Nam, trong đó
có “chị em” phụ nữ đấu tranh chống thực
dân Pháp, phong kiến tay sai. Hưởng ứng
lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn chị em phụ
nữ Việt Nam đã tham gia phong trào cách
mạng trong những năm 1930–1931, đỉnh cao
là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Từ những bài viết của Nguyễn Ái Quốc,
chúng tôi thấy mấy điểm lớn của tư tưởng
Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong
những năm 20 của thế kỷ XX như sau:
Thứ nhất: Qua những hoạt động thực tiễn
cả trong nước và thế giới, Nguyễn Ái Quốc
– Hồ Chí Minh đã nhận thấy phụ nữ ở các
nước thuộc địa và các nước tư bản đều có

thân phận thấp kém, khổ cực, bất hạnh. Họ
bị tư bản, thực dân áp bức, bóc lột nặng nề,
tàn bạo. Người phụ nữ dù ở nước tư bản hay
chính quốc đều là bộ phận bị tổn thương
nặng nề nhất bởi các chính sách của chính
quyền tư bản, thực dân.
Thứ hai: Hồ Chí Minh đã nhận thức đúng
đắn, sâu sắc về tư tưởng giải phóng phụ nữ
của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhận thức sâu
sắc về những việc làm cụ thể của Liên Xô đối
với phụ nữ các dân tộc Liên Xô. Người đồng
Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 4 (9) – 2017  19


KHOA HỌC XÃ HỘI

thuận và xác định phương hướng giải phóng
phụ nữ theo quan điểm của chủ nghĩa Mác–
Lênin—quan điểm giải phóng toàn diện,
bình đẳng toàn diện: quyền về chính trị, về
kinh tế, về giáo dục và các quyền khác.
Thứ ba: Hồ Chí Minh nhận thức rõ về vai
trò của phụ nữ thế giới, phụ nữ Việt Nam
ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX. Đối
với phụ nữ Việt Nam, Người nhận thấy một
truyền thống quý báu được duy trì từ buổi
đầu dựng nước. Do vậy, Người xác định rõ
phụ nữ là một bộ phận không thể thiếu của
cách mạng ở chính quốc và thuộc địa. Người
chủ trương phải thu hút, vận động, bồi

dưỡng, tổ chức để phụ nữ tham gia mạnh
mẽ vào cuộc cách mạng chung của dân tộc.
Thứ tư: Những chủ trương giải phóng phụ
nữ Việt Nam của Hồ Chí Minh thời kỳ này là
sự vận dụng sáng tạo tư tưởng giải phóng phụ
nữ của chủ nghĩa Mác–Lênin vào hoàn cảnh
cụ thể của cách mạng Việt Nam: giải phóng
thân phận người dân nô lệ; sau giải phóng
phải thực hiện bình đẳng quyền lợi chính trị,
kinh tế, văn hóa; hỗ trợ tích cực về mọi mặt
để phụ nữ có thể thực hiện bình đẳng thật
sự với nam giới. Người dành cho phụ nữ thế
giới, phụ nữ Việt Nam sự trân trọng, tình
cảm thân thương không chỉ qua lời nói, mà
cả những hành động cách mạng thực tiễn.
Thứ năm: Trong bối cảnh thế giới lúc đó,
các nước tư bản phát triển mạnh về kinh tế
nhưng việc thực hiện bình đẳng mới dừng
lại ở quyền bầu cử, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp
thu tư tưởng tiến bộ của các bậc tiền bối
như C. Mác, V.I. Lênin và xác định phải
giải phóng toàn diện cho phụ nữ. Mặt khác,
Người đã phát triển tư tưởng giải phóng
phụ nữ thêm một bước qua chủ trương giải
phóng phụ nữ các dân tộc thuộc địa, trực
tiếp là phụ nữ Việt Nam. Như vậy, Nguyễn
20  Tạp chí Khoa học & Công nghệ số 4 (9) – 2017

Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một trong những
người đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp

giải phóng toàn diện phụ nữ thế giới.

3.Kết luận

Tư tưởng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí
Minh về giải phóng phụ nữ trong những
năm 20 của thế kỷ XX là sự tiếp thu sâu sắc,
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về
công tác phụ nữ trong thời đại mới vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của
Người trong giai đoạn này là nền tảng định
hình chủ trương, hành động thực tiễn giải
phóng phụ nữ Việt Nam từ khi Đảng Cộng
sản Việt Nam thành lập đến nay. Hồ Chí
Minh đã có những đóng góp thiết thực về
lí luận và thực tiễn cho cuộc đấu tranh giải
phóng phụ nữ. Thực tiễn những chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về
bình đẳng giới cho phụ nữ Việt Nam là một
trong những minh chứng cho thấy việc xây
dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo
[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1998.
[2]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng
toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1998.

[3]  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1920–1925),
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980.
[4]  Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2 (1925–1930),
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980.
[5]  Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử
thế giới cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
[6]  Nguyễn Anh Thái, Lịch sử thế giới hiện đại,
Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.
(Xem tiếp trang 27)



×