Đề bài: Trình bày quan điểm về việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ và học tập tiếng nước
ngoài
Bài làm:
Ngôn ngữ mẹ đẻ của một quốc gia dân tộc là biểu hiện cho nền văn hóa của đất nước, là
di sản vô cùng quý giá của dân tộc mà ông cha ta đúc kết, hoàn thiện suốt mấy ngàn năm
văn hiến, đồng thời là một trong những yếu tố cấu thành đất nước. Ngày nay trong xu thế
hội nhập toàn cầu, việc biết thêm một vài ngôn ngữ để nâng cao trình độ là hoàn toàn hợp
lý và cần thiết, thế nhưng, không vì thế mà chúng ta bỏ quên không còn trân trọng tiếng
mẹ đẻ, thay vào đó chúng ta phải hết sức giữ gìn và phát huy nó như một niềm tự hào của
dân tộc.
Tiếng mẹ đẻ hiểu nôm na là thứ ngôn ngữ đầu tiên chúng ta được học và tiếp xúc từ thuở
thơ ấu, từ khi chúng ta bắt đầu có nhận thức. Con người từ khi sinh ra đã được nghe
những tiếng à ơi từ lời ru ngọt ngào của bà của mẹ, tiếng nói đầu đời chẳng phải chúng
ta được học ở trường ở lớp mà do chính những người thân trong gia đình chỉ dạy. Nói như
vậy để biết rằng tiếng mẹ đẻ gần như là một bản năng được xây dựng trong chính quá
trình chúng ta sinh sống và phát triển, dù không được giảng dạy chính thức ở trường học
thì bản thân mỗi con người vẫn có thể lĩnh hội được thông qua đời sống hằng ngày, thông
qua giao tiếp với xã hội. Tiếng mẹ đẻ là một dạng ngôn ngữ mang tính truyền thống và
kế thừa, cha mẹ truyền cho con cái của mình thông qua quá trình nuôi dạy, là cái gốc gác
đã ăn sâu vào máu thịt vào tâm hồn của mỗi con người, trở thành nét đặc sắc riêng cho
từng quốc gia, dân tộc, dùng để phân biệt giữa các dân tộc với nhau và thể hiện sự thống
nhất của một cộng đồng người.
Tiếng nước ngoài hay còn gọi là ngoại ngữ, là một ngôn ngữ thứ hai, của một quốc gia
dân tộc khác, việc học tập chúng khá khó khăn, bởi nó không mang tính truyền thống và
kế thừa, cũng không phải được sử dụng phổ biến trong một cộng đồng người của một
quốc gia. Việc tiếp xúc với chúng khá hạn chế, đặc biệt con người khó có thể nói một
ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ bởi chất giọng và thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ từ thời ấu
thơ. Ngoại ngữ là ngôn ngữ thứ hai chúng ta phải học tập tích cực và sử dụng thường
xuyên thì mới có thể sử dụng tương đối thành thạo. Người ta có xu hướng quên đi những
ngoại ngữ mà mình đã học tập, thậm chí là thành thạo, nếu không có sự củng cố thường
xuyên bởi nó là dạng kiến thức tích cực rèn luyện, không phải là một thói quen như tiếng
mẹ đẻ.
Đất nước đang trên đà hội nhập, mở cửa giao lưu với thế giới, nhằm thúc đẩy sự phát
triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự trao đổi giao lưu với người ngoại quốc ngày
càng trở nên phổ biến và cực kỳ quan trọng trong công việc. Điều khuyến khích mỗi cá
nhân cần ý thức tự trau dồi cho mình thêm một vài ngoại ngữ để phục vụ cho nhu cầu
công việc và phát triển bản thân, nâng cao tầm tri thức. Đặc biệt trong các trường học đã
bổ sung thêm môn ngoại ngữ, phổ biến nhất là tiếng Anh để phục vụ nhu cầu học tập
của các em học sinh. Đó là một dấu hiệu tích cực, đánh dấu sự phát triển và quyết tâm
đổi mới của đất nước của nhân dân ta, nhận thức của dân tộc đã ở một tầm cao mới, thật
đáng mừng. Tuy nhiên, tích cực trau dồi ngoại ngữ nhưng chúng ta cũng phải chú ý phát
triển và củng cố tiếng mẹ đẻ, trước khi học một ngôn ngữ khác thì chúng ta phải nắm
cho tinh cho kỹ ngôn ngữ của dân tộc cái đã. Chứ đừng để kiểu nửa vời, tiếng nước họ
thì bập bẹ tiếng mẹ đẻ cũng chẳng tinh thông, bởi ngay cả ngôn ngữ của nước mình mà
cũng không rành thì mặt mũi nào trò chuyện với bạn bè quốc tế, nếu họ hỏi đến, đó là
mất gốc, xấu hổ lắm. Chúng ta phải luôn luôn ý thức được rằng tiếng mẹ đẻ là di sản vô
cùng quý giá của dân tộc mà cha ông ta đã mấy ngàn năm phấn đấu để giữ gìn, rồi truyền
lại cho con cháu, là niềm tự hào của dân tộc. Đã là người Việt thì phải lấy tiếng Việt làm
cái gốc, để dù đi tới đâu người ta cũng nhận ra: "A, anh là người Việt Nam!", không thể
nhầm lẫn với bất kỳ một dân tộc nào khác.
Biết ngoại ngữ cũng là một niềm tự hào, là thứ để khẳng định sự nỗ lực của mỗi cá nhân
trong quá trình hoàn thiện bản thân và chuẩn bị cho bước đường trong tương lai. Thế
nhưng, chúng ta phải sử dụng ngoại ngữ sau cho đúng và hợp lý, lúc nào dùng lúc nào
không, đừng lạm dụng quá mức mà trở thành người kém duyên, thiếu hiểu biết. Nhiều
bạn trẻ, tiếng Anh biết được đôi ba chữ, chẳng lấy gì làm tinh thông, ấy thế mà lúc nói
chuyện cứ phải chêm thêm mấy từ vào, cốt là để cho nó "sang", để khoe khoang với bạn
bè rằng ta đây cũng biết ngoại ngữ. Nhưng làm thế để được gì khi trong mắt người đối
diện bạn thật kệch cỡm và hài hước, phát âm không chuẩn, cấu trúc của tiếng mẹ đẻ thì
bị làm cho rối tung rối mù cả lên, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt? Và đặc biệt
không phải trường hợp nào cũng dùng ngoại ngữ, bạn nghĩ sao về việc ông bà, họ hàng
xưa nay chỉ nói tiếng mẹ đẻ, bạn lại nói chuyện với họ bằng tiếng Anh, thế không phải
là tự tạo sự bất đồng ngôn ngữ và cực kỳ không tôn trọng người đối diện hay sao? Một
quan điểm khác về việc học ngoại ngữ, có người nói rằng ngoại ngữ có hay không cũng
chẳng sao, bởi tôi chẳng bao giờ dùng đến, cũng chẳng có cơ hội ra nước ngoài. Đó là
một quan điểm hết sức sai lầm, đặc biệt là với các bạn trẻ, sao các bạn biết là không
dùng đến, sao các bạn biết là không có cơ hội? Trong khi ngoài kia, các nhà tuyển dụng
luôn yêu cầu trình độ ngoại ngữ các loại làm điều kiện ưu tiên, còn cơ hội ra nước ngoài
là do bản thân bạn tự tạo ra chứ cớ sao nói là không có cơ hội. Chung quy lại cũng chỉ là
do cái suy nghĩ lười biếng, không năng động, tính ì quá lớn của một bộ phận con người,
nếu cứ thế mãi thì bao giờ bạn mới có thể thành công được đây.
Tóm lại, chúng ta phải có ý thức giữ gìn tôn trọng và phát huy tiếng mẹ đẻ, luôn tự hào
về nền văn hiến 4000 năm của dân tộc, nó giúp tâm hồn chúng ta trở nên trong sáng, tìm
về với những bình yên, những giá trị văn hóa tốt đẹp, trân quý của dân tộc. Song song với
đó việc học tập ngoại ngữ là vô cùng cần thiết, giúp chúng ta mở mang đầu óc, tạo những
cơ hội tốt đẹp cho cuộc sống trong tương lai. Đặc biệt đối với ngôn ngữ nào dù là tiếng
mẹ đẻ hay ngoại ngữ chúng ta cũng cần phải có thái độ học tập thật nghiêm túc, tránh
thái độ hời hợt "Nhất bên trọng, nhất bên khinh", hoặc bóp méo ngôn ngữ.