Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Gợi ý lựa chọn chính sách dựa trên kết quả bước đầu đánh giá chi phí – hiệu quả của các can thiệp điều trị bệnh tâm thần phân liệt tại Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (230.02 KB, 7 trang )

Nghiên cứu chính sách

Gợi ý lựa chọn chính sách dựa trên kết quả
bước đầu đánh giá chi phí - hiệu quả của các can
thiệp điều trị bệnh tâm thần phân liệt tại Việt Nam
ThS. Nguyễn Quỳnh Anh, CN. Nguyễn Thu Hà,
CN. Bùi Ngọc Linh, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hương1

Tóm tắt
Đặt vấn đề. Nhằm cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về chi phí - hiệu quả của các can thiệp điều trị bệnh
tâm thần phân liệt (TTPL), nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu: Xác định gói can thiệp điều trị TTPL có
chi phí - hiệu quả cao nhất, có cân nhắc đến các tiêu chuẩn lựa chọn liên quan đến chính sách bao gồm độ
mạnh của bằng chứng, tính công bằng, tính khả thi, tính chấp nhận và tính bền vững. Phương pháp. Hai
nhóm can thiệp được phân tích gồm liệu pháp hóa dược và nhận thức gia đình. Mô hình Markov được xây
dựng để tính toán chi phí và hiệu quả của các can thiệp. Các tham số đầu vào cho mô hình được lấy từ số liệu
tại Việt Nam và tổng quan tài liệu trên thế giới. Việc đánh giá các tiêu chuẩn lựa chọn liên quan đến chính
sách được thực hiện thông qua thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu với chuyên gia y tế. Kết quả. So sánh với
phương án không can thiệp, tất cả can thiệp đều có tính chi phí-hiệu quả cao. Chi phí-hiệu quả nhất là sử
dụng thuốc an thần kinh (ATK) thế hệ cũ kết hợp với liệu pháp nhận thức gia đình (tiết kiệm 6.545.718 đồng
cho 1 năm sống hiệu chỉnh theo mức độ tàn tật ngăn ngừa được tăng thêm). Kết luận. Gói can thiệp tối ưu
trong điều trị bệnh TTPL tại cộng đồng ở Việt Nam hiện nay nên bắt đầu bằng sử dụng ATK thế hệ cũ kết hợp
với liệu pháp nhận thức gia đình.
Từ khóa: Phân tích chi phí - hiệu quả, tâm thần phân liệt, liệu pháp hóa dược, liệu pháp nhận thức gia
đình.

Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, các bệnh tâm thần kinh là
nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật
năm 2008, trong đó tâm thần phân liệt (TTPL)
chiếm 7% (xếp thứ 5) tổng gánh nặng bệnh tật
của nhóm bệnh này [1]. Ước tính tỉ lệ mắc bệnh


TTPL nói chung trong cộng đồng từ một điều tra
dịch tễ học lâm sàng đối với 10 bệnh tâm thần tại
Việt Nam năm 2002 là khoảng 0,47% [2]. Dự
án bảo vệ sức khỏe tâm thần (SKTT) cộng đồng
trong khuôn khổ của Chương trình mục tiêu
quốc gia (MTQG) đã được chính phủ phê duyệt
từ năm 1999 trải qua hai giai đoạn thực hiện từ
1999-2005 và từ 2006-2010, đến năm 2011
được đổi tên thành Dự án sức khỏe tâm thần
cộng đồng thuộc Dự án phòng, chống các bệnh
30

không lây nhiễm, Dự án thành phần trong
Chương trình MTQG y tế năm 2011, thể hiện
cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong chăm sóc,
điều trị, hướng tới giảm gánh nặng bệnh tật do
TTPL gây ra.
Hiện tại ở Việt Nam, liệu pháp hóa dược là
biện pháp chính được sử dụng trong điều trị
bệnh TTPL. Các thuốc an thần kinh (ATK) thế
hệ cũ và mới đều có những hiệu quả nhất định
đối với các triệu chứng của bệnh TTPL. Tuy
nhiên mỗi loại thuốc gây ra những tác dụng phụ
khác nhau và hiện nay, giá của các thuốc ATK

1

Trường Đại học Y tế Công cộng



Tạp chí

Chính sách Y tế - Số 9/2012

thế hệ mới đắt hơn nhiều so với các thuốc ATK
thế hệ cũ. Do đó các thuốc ATK thế hệ cũ vẫn
được sử dụng chủ yếu trong Chương trình
MTQG - Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng [3]. Tuy
nhiên, việc áp dụng liệu pháp hóa dược đơn
thuần thường dẫn đến việc kém tuân thủ điều trị
và hạn chế trong việc phục hồi chức năng tâm lý
xã hội của người bệnh [4]. Các nghiên cứu khoa
học trên thế giới khuyến cáo rằng cần áp dụng
kết hợp liệu pháp hóa dược và các liệu pháp tâm
lý trong điều trị TTPL [4]. Trong Chương trình
MTQG - Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng cũng
như tại một số bệnh viện chuyên ngành, bên
cạnh liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý cũng
được sử dụng nhằm phục hồi chức năng cho
người bệnh. Trên thực tế, việc áp dụng các liệu
pháp tâm lý còn nhiều hạn chế do đội ngũ cán bộ
y tế được đào tạo về liệu pháp này còn hạn chế cả
về số lượng và chất lượng [3, 5].
Cho đến nay tại Việt Nam chưa có nghiên
cứu cung cấp bằng chứng về việc nên sử dụng
liệu pháp nào để điều trị TTPL nhằm đem lại kết
quả cao và tiết kiệm chi phí để hỗ trợ cho các nhà
hoạch định chính sách trong việc ưu tiên phân
bổ nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu của
Dự án bảo vệ SKTT quốc gia. Do đó, nghiên cứu

này được thực hiện với mục tiêu: Xác định gói
can thiệp điều trị TTPL có chi phí-hiệu quả cao

đồng thời cân nhắc đến độ mạnh của bằng
chứng, tính công bằng, tính khả thi, tính chấp
nhận và tính bền vững.

Phương pháp nghiên cứu
- Phân tích chi phí hiệu quả (CEA) sử dụng mô
hình để tổng hợp các kết quả về cả chi phí và
hiệu quả từ nhiều nguồn số liệu và giả định
khác nhau.
- Phương pháp nghiên cứu định tính nhằm
đánh giá các tiêu chuẩn về độ mạnh của bằng
chứng, tính công bằng, tính khả thi, tính chấp
nhận và tính bền vững giúp bổ sung thông tin
làm cơ sở để đưa ra các khuyến nghị chính
sách phù hợp.
Quá trình nghiên cứu gồm 3 bước chính sau:
Bước 1 - Lựa chọn các can thiệp đưa vào
phân tích: là các can thiệp dựa trên cộng đồng,
lựa chọn dựa trên các tiêu chí: (1) khả thi để thực
hiện ở Việt Nam; (2) nhận được sự ưu tiên hay
quan tâm của Dự án chăm sóc SKTT cộng đồng
hay các bác sĩ điều trị; (3) có bằng chứng về hiệu
quả của can thiệp; (4) có thông tin về chi phí của
can thiệp. Từ đó, 8 phương án can thiệp được
đưa vào phân tích (Bảng 1).

Bảng 1: Các phương án can thiệp được phân tích

Phương án

Giả định

1. Không can thiệp

Không triển khai Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng

2. ATK thế hệ cũ

100% người bệnh sử dụng ATK thế hệ cũ (Chlopromazine, Haloperidol,
Levomepromazine)

3. Risperidone

100% người bệnh sử dụng Risperidone

4. Clozapine

100% người bệnh sử dụng Clozapine

5. Olanzapine

100% người bệnh sử dụng Olanzapine

6. ATK thế hệ cũ (67%)+
Risperidone (33%)

67% người bệnh sử dụng ATK thế hệ cũ và 33% sử dụng Risperidone


7. ATK thế hệ cũ+Liệu pháp
nhận thức gia đình

100% người bệnh sử dụng ATK thế hệ cũ kết hợp liệu pháp nhận thức gia
đình

8. ATK thế hệ cũ (67%)+Risperidone
(33%)+Liệu pháp nhận thức gia đình

67% người bệnh sử dụng ATK thế hệ cũ và 33% sử dụng Risperidone kết
hợp liệu pháp nhận thức gia đình

31


Nghiên cứu chính sách

Bước 2 - Xây dựng mô hình và tính toán
Mô hình Markov được xây dựng để tính toán
chi phí và lợi ích của các phương án can thiệp.
Trong đó hiệu quả của các can thiệp được đo
lường bằng số năm sống điều chỉnh theo mức độ
tàn tật (DALYs) ngăn ngừa được nhờ các can
thiệp. Chi phí của các can thiệp được tính toán
gồm: (1) chi phí hành chính, triển khai và quản
lý chương trình; (2) chi phí thuốc ATK; (3) chi
phí thuốc, xét nghiệm để điều trị hay dự phòng
tác dụng phụ; (4) chi phí điều trị nội trú; (5) chi
phí thực hiện liệu pháp nhận thức gia đình. Các
số liệu về chi phí và hiệu quả được thu thập từ

các số liệu thực tế tại Việt Nam và từ tổng quan
các tài liệu trên thế giới. Các số liệu này được sử
dụng để tính toán tỷ số chi phí-hiệu quả tăng
thêm (ICER, Incremental Cost-Effectiveness
Ratio) theo công thức:
ICER =

Chi phí2 - Chi phí1
Kết quả2 - Kết quả1

(Với chi phí/kết quả1 là của phương án đối
chứng và chi phí/kết quả2 là của phương án được
đề cập đến). ICER cho biết để thu thêm được 1
đơn vị kết quả thì cần thêm hay tiết kiệm bao
nhiêu đơn vị chi phí [6].
Bước 3 - Đánh giá các tiêu chuẩn lựa chọn
liên quan đến chính sách: Nhằm đưa ra kết

luận và khuyến nghị phù hợp với bối cảnh Việt
Nam, nhóm nghiên cứu thực hiện và phân tích
kết quả của 4 cuộc phỏng vấn sâu và 2 cuộc thảo
luận nhóm với 14 chuyên gia y tế về độ mạnh
của bằng chứng, tính công bằng, tính khả thi,
tính chấp nhận và tính bền vững của các phương
án can thiệp [7].

Kết quả
Kết quả so sánh chi phí-hiệu quả giữa các
phương án can thiệp khác nhau
Khi so sánh với phương án không can thiệp,

tất cả các can thiệp đều có chi phí thấp hơn và
hiệu quả cao hơn (Bảng 2). Trong đó, chi phíhiệu quả nhất là phương án ATK thế hệ cũ +
liệu pháp nhận thức gia đình, tiếp đến là
ATK thế hệ cũ và ATK thế hệ cũ (67%) +
Risperidone (33%). Xét liệu pháp hóa dược
đơn thuần, phương án có chi phí-hiệu quả cao
nhất là sử dụng ATK thế hệ cũ (ICER so với
không can thiệp = -6.470.804 đồng/1DALY
ngăn ngừa được tăng thêm, có nghĩa là sử dụng
ATK thế hệ cũ thì sẽ tiết kiệm được gần 6,5 triệu
đồng cho 1 DALY ngăn ngừa được tăng thêm),
tiếp đến là phương án thay thế ATK thế hệ cũ
bằng Risperidone cho 1/3 số người bệnh (với
ICER so với không can thiệp = -5.792.695
đồng/1DALY ngăn ngừa được tăng thêm).

Bảng 2: Tỷ số ICER của các phương án can thiệp khi so sánh với không can thiệp
Phương án can thiệp

Tỷ số ICER (95%CI)

ATK thế hệ cũ

-6.470.804 (-7.186.005,-5.753.613)

Risperidone

-5.213.498 (-5.884.922,-4.603.591)

Olanzapine


-2.698.846 (-3.421.165,-2.595.205)

Clozapine

-1.206.766 (-1.332.569,-997.565)

ATK thế hệ cũ (67%) + Risperidone (33%)

-5.792.695 (-6.691.297,-5.332.117)

ATK thế hệ cũ + Liệu pháp nhận thức gia đình

-6.545.718 (-6.547.795,-4.768.425)

ATK thế hệ cũ (67%)+Risperidone (33%)+Liệu pháp
nhận thức gia đình

-2.963.878 (-3.194.625,-2.257.077)

32


Tạp chí

Chính sách Y tế - Số 9/2012

Tuy nhiên, khi xét đến gói can thiệp kết hợp
thì kết quả chỉ rõ can thiệp có chi phí-hiệu quả
cao nhất là phương án ATK thế hệ cũ + liệu

pháp nhận thức gia đình (ICER = -6.545.718
đồng /1 DALY ngăn ngừa được tăng thêm). Cụ
thể hơn, khi kết hợp sử dụng thuốc ATK thế hệ
cũ với liệu pháp nhận thức gia đình thì bản thân
liệu pháp nhận thức gia đình đã mang lại kết
quả tiết kiệm chi phí là 1.893.242 đồng cho
mỗi DALY ngăn ngừa được tăng thêm. Tiếp
đến là phương án sử dụng ATK thế hệ cũ cho
2/3 người bệnh và Risperidone cho 1/3 người
bệnh kết hợp với liệu pháp nhận thức gia đình
(ICER = -2.963.878 đồng/1 DALY ngăn ngừa
được tăng thêm).
Kết quả đánh giá các tiêu chuẩn lựa chọn
liên quan đến chính sách
Các phương án can thiệp được lựa chọn đưa
vào trao đổi với nhóm chuyên gia là những
phương án can thiệp được chỉ ra là có tính chi phí
hiệu quả bao gồm 4 phương án: (1) ATK thế hệ
cũ; (2) ATK thế hệ cũ + Liệu pháp nhận thức gia
đình; (3) ATK thế hệ cũ (67%) + Risperidone
(33%); (4) ATK thế hệ cũ (67%)+Risperidone
(33%)+Liệu pháp nhận thức gia đình.
Độ mạnh của bằng chứng
Nghiên cứu đã được các chuyên gia làm việc
trong lĩnh vực SKTT đánh giá là một nghiên cứu
có chất lượng trong bối cảnh hạn chế về nguồn
thông tin như hiện nay tại Việt Nam: nghiên
cứu CEA không phải là mới, trên thế giới đã làm
rất nhiều và đã có quy chuẩn nhưng trong
ngành y tế ở Việt Nam thì đây là nghiên cứu mới

và đươc thực hiện một cách quy mô và phương
pháp nghiên cứu được sự hỗ trợ từ các chuyên
gia quốc tế (Nam, Bộ Y tế, TLN chuyên gia).
Tính công bằng
Phương án can thiệp thuốc ATK thế hệ cũ +
liệu pháp nhận thức gia đình không những
được chỉ ra là có tính chi phí hiệu quả cao nhất
thông qua kết quả tính toán mà còn được các
chuyên gia làm việc trong lĩnh vực SKTT tại

Việt Nam đánh giá là vừa chi phí hiệu quả vừa
công bằng và bền vững hơn, mang lại hiệu quả
điều trị tốt và tạo được điều kiện cho các nhóm
dễ tổn thương tiếp cận được (Nam, Bộ Y tế,
PVS chuyên gia). Liệu pháp nhận thức gia đình
được nhận định là liệu pháp có tính dự phòng
cao hơn cả do đó có tính công bằng cao hơn cả
và nếu không được thực hiện, nhất là ở vùng
nông thôn thì người bệnh có thể bị bỏ rơi
(Nam, Bộ Y tế, PVS chuyên gia). Đó chính là lý
do mà liệu pháp nhận thức gia đình được khuyến
cáo áp dụng rộng rãi trong Dự án bảo vệ SKTT
tại cộng đồng kết hợp với việc sử dụng các thuốc
ATK thế hệ cũ.
Bên cạnh đó, phương án can thiệp thuốc
ATK thế hệ cũ (67%) + Risperidone (33%) +
liệu pháp nhận thức gia đình cũng được các
chuyên gia nhận định là đảm bảo tính công bằng
vì không thể áp dụng một công thức cho tất cả
mọi người được, việc bổ sung Risperidone là

cần thiết để đảm bảo được nhu cầu điều trị của
người bệnh (Nam, Dự án bảo vệ SKTT tại cộng
đồng, PVS chuyên gia). Kết quả nghiên cứu
cũng chỉ ra bên cạnh thuốc ATK thế hệ cũ thì
Risperidone là lựa chọn chi phí hiệu quả nhất
trong các thuốc ATK thế hệ mới được đưa vào
phân tích.
Tính khả thi
Bên cạnh các thuốc ATK thế hệ cũ đã được
thực hiện rộng khắp trong Dự án bảo vệ SKTT
cộng đồng thì việc thực hiện kết hợp liệu pháp
nhận thức gia đình được nhận định là hoàn toàn
có tính khả thi trên khía cạnh chuyên môn và
người hưởng lợi. Tuy nhiên, để liệu pháp nhận
thức gia đình được triển khai rộng khắp và hiệu
quả trên toàn quốc thì các chuyên gia nhận định
rằng cần có thêm những thông tin và bằng
chứng bổ sung cho các nhà hoạch định chính
sách về nguồn lực cần đầu tư để thực hiện trong
đó có cân nhắc đến nguồn lực đang phân bổ cho
cả các chương trình khác: cần có thông tin về
nguồn lực cần đầu tư để thực hiện cho một năm
là bao nhiêu, so với ngân sách hiện tại là bao
33


Nghiên cứu chính sách

nhiêu và so sánh với các chương trình khác là
bao nhiêu (Nam, Bộ Y tế, PVS chuyên gia).

Tính chấp nhận
Các phương án can thiệp được đưa vào thảo
luận đều được các chuyên gia nhận định là
được ủng hộ từ phía các nhà chuyên môn,
người bệnh và gia đình người bệnh (Nam, Bộ Y
tế, PVS chuyên gia), đều có tính chấp nhận về
cả mặt kinh tế và xã hội (Nam, Dự án bảo vệ
SKTT cộng đồng, PVS chuyên gia).
Tính bền vững
Các phương án can thiệp được đưa vào thảo
luận cũng được các chuyên gia nhận định rằng
từ các kết luận về chi phí hiệu quả, về tính công
bằng, chấp nhận sẽ kết luận được về tính bền
vững, tức là chương trình có hiệu quả xã hội và
hiệu quả kinh tế rất cao do đó đương nhiên sẽ
dẫn đến tính bền vững (Nam, Dự án bảo vệ
SKTT cộng đồng, PVS chuyên gia). Đồng thời,
các phương án này cũng được đánh giá là có tính
bền vững về tài chính vì việc đầu tư chỉ tốn kém
trong năm đầu tiên còn các năm sau thì có tính
kế thừa, đặc biệt là đối với việc triển khai liệu
pháp nhận thức gia đình (Nam, Bộ Y tế, PVS
chuyên gia).
Kết quả thảo luận với nhóm chuyên gia về
các tiêu chuẩn lựa chọn liên quan đến chính
sách cho thấy thứ tự ưu tiên của một số can thiệp
được lựa chọn được sắp xếp như sau: (1) Thuốc
ATK thế hệ cũ + Liệu pháp gia đình; (2) Thuốc
ATK thế hệ cũ; (3) Thuốc ATK thế hệ cũ (67%)+
Risperidone (33%)+ Liệu pháp gia đình; (4)

Thuốc ATK thế hệ cũ (67%) + Risperidone
(33%).

Bàn luận
Mặc dù các kết quả về tính chi phí hiệu quả
được chỉ ra giúp cung cấp những bằng chứng
mang tính khoa học và khách quan rất quan
trọng cho nhà hoạch định chính sách, tuy nhiên
nó cũng chỉ đề cập đến một trong rất nhiều yếu
tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định mà không
34

cung cấp được tất cả các thông tin cần thiết cho
việc hoạch định chính sách. Đó là lý do việc
phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm chuyên gia về
một số các tiêu chuẩn lựa chọn liên quan đến
chính sách cũng được nhấn mạnh trong nghiên
cứu này nhằm đưa ra kết luận và khuyến nghị
phù hợp nhất với bối cảnh Việt Nam.
Các phương án can thiệp nằm trong khuôn
khổ Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng luôn được
đánh giá là có tính công bằng cao vì Dự án
được triển khai rộng khắp các tỉnh thành trong
cả nước, miễn phí đối với tất cả người bệnh
TTPL, do vậy làm tăng khả năng tiếp cận và tính
chấp nhận cho người bệnh. Do đó, cả các thuốc
ATK thế hệ mới như Risperidone, mặc dù có chi
phí cao hơn các thuốc ATK thế hệ cũ nhưng hiện
tại cũng nằm trong danh mục thuốc thiết yếu và
danh mục thuốc của Dự án bảo vệ SKTT cộng

đồng.
Kết quả đánh giá của các chuyên gia nhìn
chung cho thấy sự tương đồng về thứ tự sắp xếp
các can thiệp theo tính chi phí - hiệu quả được
rút ra từ kết quả tính toán theo mô hình cũng như
sau khi cân nhắc đến các tiêu chuẩn lựa chọn
liên quan đến chính sách. Riêng thứ tự sắp xếp
của hai phương án ATK thế hệ cũ (67%)+
Risperidone (33%)+ Liệu pháp gia đình và
ATK thế hệ cũ (67%)+ Risperidone (33%)
được đảo cho nhau, nếu kết quả tính toán chỉ ra
ATK thế hệ cũ (67%)+ Risperidone (33%)+
Liệu pháp gia đình được xếp sau phương án
ATK thế hệ cũ (67%)+ Risperidone (33%) về
tính chi phí hiệu quả thì kết quả thảo luận với
chuyên gia về các tiêu chuẩn lựa chọn liên quan
đến chính sách lại chỉ ra về kinh tế sắp xếp thế
này (ATK thế hệ cũ (67%)+ Risperidone
(33%) được sắp xếp trước ATK thế hệ cũ
(67%)+ Risperidone (33%) + Liệu pháp gia
đình mình nhìn qua là thấy phù hợp. Nhưng để
mang tính xã hội thì phương án có cả
risperidone và có cả có liệu pháp gia đình ưu
tiên hơn số phương án chỉ có thêm
risperidone vì nó vừa mang tính kinh tế vừa
xã hội, thêm liệu pháp gia đình đương nhiên là


Tạp chí


Chính sách Y tế - Số 9/2012

tăng chi phí nhưng về góc độ xã hội lại rất tốt
(Nam, Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng, PVS
chuyên gia).
Đây là nghiên cứu đầu tiên về chi phí - hiệu
quả của các can thiệp điều trị TTPL sử dụng kỹ
thuật mô hình hóa tại Việt Nam. Trên thế giới đã
có các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật tương tự
nhưng rất ít đề cập đến can thiệp không sử dụng
thuốc ATK (ví dụ như liệu pháp nhận thức gia
đình) như nghiên cứu này. Nghiên cứu có một số
ưu điểm: (1) chi phí của can thiệp được tính toán
dựa trên các nguồn số liệu đáng tin cậy với các
số liệu thực tế được thu thập từ Ban quản lý Dự
án bảo vệ SKTT cộng đồng và một số giả định
được thu thập từ tổng quan các nghiên cứu tương
tự trên thế giới; (2) hiệu quả của can thiệp được
đo lường qua số DALYs ngăn ngừa được; (3) có
xét đến tính không chắc chắn của số liệu; (4) kỹ
thuật mô hình hóa được thực hiện mô phỏng
theo một nghiên cứu tại Thái Lan, do vậy kết
quả nghiên cứu có tính so sánh với quốc gia
trong khu vực.
Tuy nhiên nghiên cứu vẫn còn một số hạn
chế: (1) phải sử dụng một số giả định từ các
nghiên cứu tổng quan được thực hiện tại các
nước phương Tây do hạn chế về số liệu trong
nước và các nước trong khu vực; (2) mô hình
hóa chi phí và hiệu quả trên các trường hợp mắc

trung bình có thể không hoàn toàn chính xác
nhưng do hạn chế về số liệu nên hiện tại đây là
kỹ thuật tốt nhất có thể thực hiện [9], do đó trong
tương lai, khi có các số liệu lâm sàng và dịch tễ
học của từng cá nhân, hạn chế này có thể được
khắc phục bằng kỹ thuật mô phỏng vi mô; (3) chi
phí điều trị nội trú chưa được tính đầy đủ do sử
dụng giả định lấy từ một nghiên cứu về phí dịch

vụ bệnh viện [10], cần thiết phải có các nghiên
cứu về chi phí điều trị bệnh tâm thần để khắc
phục hạn chế này.

Kết luận và khuyến nghị
Kết quả phân tích từ mô hình cân nhắc với kết
quả đánh giá về độ mạnh của bằng chứng, tính
công bằng, khả thi, chấp nhận và bền vững cho
thấy, gói can thiệp tối ưu về chi phí - hiệu quả
nên bắt đầu bằng sử dụng ATK thế hệ cũ kết hợp
với liệu pháp nhận thức gia đình, tiếp theo đó
là phương án ATK thế hệ cũ, ATK thế hệ cũ
(67%) + Risperidone (33%) (theo thứ tự giảm
dần về tính chi phí-hiệu quả). Bên cạnh đó, với
tỷ số hiệu quả chênh lệch (ICER) nhỏ nhất trong
3 loại thuốc ATK thế hệ mới, nhóm nghiên cứu
khuyến cáo nên cân nhắc đến việc sử dụng
Risperidone để thay thế một phần cho các thuốc
ATK thế hệ cũ trong gói can thiệp tối ưu này.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra liệu pháp nhận
thức gia đình đem lại hiệu quả tăng thêm rất lớn

với chi phí tăng thêm nhỏ khi triển khai kết hợp
với điều trị bằng thuốc ATK. Với kết quả này,
nhóm nghiên cứu hi vọng trong tương lai Dự án
bảo vệ SKTT cộng đồng sẽ nhận được nhiều
kinh phí và hỗ trợ về mặt chuyên môn hơn nữa
để liệu pháp gia đình được thực hiện rộng khắp
và có chất lượng.
Cần tiếp tục có những đánh giá kinh tế y tế tiếp
theo để cung cấp thêm bằng chứng cho hoạch
định chính sách liên quan đến TTPL nói riêng và
các vấn đề SKTT nói chung. Cần chú trọng cải
thiện tính sẵn có của các nguồn thông tin thứ cấp
phục vụ cho đánh giá kinh tế y tế về các vấn đề
SKTT nói riêng và sức khỏe nói chung.

Tài liệu tham khảo
1. Nhung N.T., Long H. K., Linh B. N., Vos T. , Anh N. D., Hương N. T., Gánh nặng bệnh tật và chấn
thương ở Việt Nam 2008. 2010, Hà Nội: Nxb Y học.
2. Cường, T.V., Điều tra dịch tễ học lâm sàng một số bệnh tâm thần thường gặp. 2002.

35


Nghiên cứu chính sách

3. Chương trình MTQG-Dự án chăm sóc SKTT cộng đồng, Bệnh tâm thần phân liệt-Những hiểu biết cơ
bản về điều trị, chăm sóc, quản lý và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 2000, Hà Nội.
4. Mari, J.d.J., et al., Packages of care for schizophrenia in low- and middle-income countries. PLoS
Med, 2009. 6(10): p. 1-8.
5. BQL Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, Báo cáo kết quả thực hiện chương trình mục tiêu

quốc gia dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng giai đoạn 2006 - 2010
6. Drummond, M.F., et al., Methods for the economic evaluation of health care programmes. 2nd ed.
2003, New York: Oxford University Press. 305.
7. Drummond, M.F., et al., Methods for the economic evaluation of health care programmes. 3rd ed.
2005, New York: Oxford University Press.
8. Lohr, K.N., Rating the strength of scientific evidence: relevance for quality improvement
programs. International Journal for Quality in Health Care, 2004. 16(1): p. 9-18.
9. Heeg, B.M.S., et al., Modelling approaches: the case of schizophrenia. Pharmacoeconomics, 2008.
26(8): p. 633-48.
10. Xuyên, N.T., et al., Phí dịch vụ Bệnh viện: Phương thức thanh toán trọn gói theo trường hợp bệnh.
2007, Hà Nội: Nhà xb Y học.

36



×