Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động của các dự án
FDI tại Việt Nam
I. Một số giải pháp
Các rủi ro xảy ra đối với các hoạt động của các dự án FDI được phân tích
ở trên có xuất phát từ rất nhiều chủ thể khác nhau. Trong phạm vi của đề tài
nghiên cứu, chỉ tập trung chủ yếu vào các các giải pháp và kiến nghị đối với các
cơ quan Nhà Nước, một trong những chủ thể quan trọng trong quản lý hoạt
động của các dự án FDI.
1. Các giải pháp chung.
1.1. Giải quyết những vấn đề trong cải cách thủ tục hành chính.
Nước ta đang phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng chủ ngiã
xã hội. Tuy nhiên, các quy luật thị trường vẫn chưa được tôn trọng , nền kinh tế
còn chịu quá nhiều ảnh hưởng nặng nề từ sự chi phối của hệ thống hành chính
Nhà nước.
Vì vậy, việc đầu tiên nên làm chính là hệ thống hoá và rà soát lại toàn bộ
các văn bản quy phạm pháp luật một cách rõ ràng và minh bạch, tạo sự thông
thoáng cho các hoạt động đầu tư, tránh những quy định không còn phù hợp với
những thay đổi trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế.
Năng lực quản lý hành chính cũng là vấn đề cần quan tâm khi muốn đổi
mới hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà Nước. Cần có sự thống nhất
giữa chính quyền các cấp về những quy phạm được áp dụng cho các dối tượng
đầu tư khác nhau nhằm hạn chế sự ngừng trệ của các dự án do chính quyền địa
phương mang lại.
Cần lắng nghe những đóng góp cũng như phản ánh từ phía các nhà đầu tư
để có thể hiểu được thực tế hoạt động của các dự án và có những điều chỉnh hợp
lý. Bên cạnh đó, cũng tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, tránh tâm lý chán nản
trước một quyết định đầu tư được đưa ra.
1.2. Phát triển các loại thị trường một cách đồng bộ trên cơ sở hoàn thiện
hệ thống pháp luật áp dụng đối với dự án đầu tư.
1.2.1. Nền tảng của mọi hoạt động đầu tư là dựa trên cơ sở của hệ thống
pháp luật.
Mỗi nhà đầu tư đều mong muốn có môi trường kinh doanh thuận lợi vì
vậy, cần bảo vệ quyền tự do kinh doanh của họ và tạo nên một môi trường kinh
doanh lành mạnh, khuyến khích tự do cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế
nhằm thúc đẩy tăng trưởng
Ngoài việc tổ chức thực hiện tốt Luật kinh tế và Luật đầu tư nước ngoài,
cũng cần ngày một hoàn thiện pháp luật về thương mại và dịch vụ phù hợp với
tư do thương mại và những ký kết Việt Nam đã ký với các nước khác cũng như
việc tham gia các tổ chức quốc tế
Các chính sách thuế cũng có những tác động lớn đến hoạt động của các dự
án đầu tư. Do đó, cần cải cách thuế một cách ổn định, đơn giản hoá nhưng vẫn
có thể giữ hiệu quả trong hoạt động tài chính công. Cần ban hành đầy đủ các
văn bản luật không chỉ ở trong nwocs mà còn luật pháp quốc tế áp dụng vào các
dự án đầu tư. Với mỗi lĩnh vực cụ thể cần có những chính sách ưu đãi phù hợp
để thúc đẩy đầu tư theo những ngành nghề khác nhau.
Tiếp tục hoàn thiện những luật có liên quan ngoài kinh tế như; luật về công
nghệ thông tin, tài nguyên môi trường, sở hữu trí tuệ và an ninh lượng thực,...
Điều này giúp đảm bảo sự hài hoà trong việc kết hợp giữa kinh tế và các linh
vực khác khi thực hiện các hoạt động của dự án, tránh những mục tiêu ngược
chiều, gây mâu thuẫn và cản trở dự án tiếp tục hoạt động.
Ngoài những ưu đãi dành cho các nhà đầu tư, một phần rất quan trọng,
không thể thiếu chính là trách nhiệm pháp lý, chế tài dân sự, hành chính... một
cách rõ ràng đối với các hành vi gây thiệt hại về người, tài sản cũng như môi
trường tự nhiên, ô nhiễm,... khi thực hiện hoạt động của dự án.
Ưu tiên xây dựng các văn bản pháp luật và các thiết chế cần thiết nhằm
bảo vệ nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như đối xử tối huệ
quốc, đối xử quốc gia, các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp và
các biện pháp đối kháng trong thương mại quốc tế.
1.2.2. Phát triển các loại thị trường khác nhau.
Trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, để tạo môi trương fkinh doanh
công bằng và hiệu quả cần có sự phát triển đồng đều của tất cả các loại thị
trường trong nền kinh tế.
Thị trường lao động là nơi cung cấp lực lượng lao động cho các dự án đầu
tư. Phát triển thị trường lao động đồng bộ; tạo môi trường thông suốt để tăng sự
gắn kết cung-cầu lao động; đa dạng hoá các hình thức giao dịch việc làm; bảo
đảm quyền lựa chọn chỗ làm việc, nơi cư trú của người lao động. Thực hiện
rộng rãi chế độ hợp đồng lao động; bảo đảm quyền lợi của cả người lao động và
lẫn người sử dụng lao động; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện
chính sách tuyển mộ và sử dụng lao động trong khu vực kinh tế nhà nước và bộ
máy công quyền; phát triển thị trường nhân lực quản trị kinh doanh. Tăng
cường hệ thống thông tin, thống kê về thị trường lao động.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động xuất
khẩu có kỹ thuật và chuyên gia. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động
xuất khẩu lao động.
Phát triển thị trường tài chính theo hướng hoàn chỉnh cơ cấu, quy mô và
phạm vi hoạt động rộng, an toàn, được giám sát, quản lý chặt chẽ, bảo vệ lợi ích
hợp pháp của mọi đối tượng tham gia đầu tư, chủ động hội nhập thị trường tài
chính quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển mạnh thị trường chứng khoán, làm cho
thị trường này thực sự trở thành kênh huy động vốn chủ yếu cho đầu tư phát
triển. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng đủ các điều kiện
có thể niêm yết cổ phiếu và huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Tăng
cường hệ thống thông tin, thống kê về thị trường chứng khoán.
Tăng cường hoàn thiện thị trường tiền tệ; lành mạnh hoá các hoạt động giao
dịch vốn ngắn hạn và mua bán các giấy tờ có giá trên thị trường; tăng cường
liên kết giữa thị trường tiền tệ với thị trường tài chính cả về hoạch định chính
sách, cơ chế hoạt động, quản lý điều hành và giám sát hoạt động.
Đối với thị trường khoa học, công nghệ: Thực hiện các chính sách ưu đãi,
công nhận và cấp bằng sáng chế đối với các công trình khoa học và hoạt động
sáng tạo, hoàn thiện và ứng dụng công nghệ mới. Hình thành các doanh nghiệp
khoa học và công nghệ, các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học
và công nghệ hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Thúc đẩy thương mại hoá
các sản phẩm khoa học và công nghệ. Tạo môi trường mua bán thuận lợi các
sản phẩm công nghệ, gắn kết hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ,
phát triển quan hệ hợp đồng giữa doanh nghiệp sản xuất với cơ sở nghiên cứu
khoa học, công nghệ. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu,
triển khai, phát triển công nghệ mới. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ về sở hữu
trí tuệ, tư vấn, mua bán công nghệ, giám định, đánh giá, chuyển giao công nghệ.
Hình thành các tổ chức trung gian giao dịch công nghệ, chợ công nghệ, vườn
ươm công nghệ.
Chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ sang chế độ tự chủ
tài chính hoặc doanh nghiệp; thực hiện việc công ty hoá các tổ chức nghiên cứu
ứng dụng công nghệ. Xoá bỏ độc quyền trong hoạt động khoa học, công nghệ;
hoàn thiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu để tuyển chọn các dự án, đề tài nghiên cứu
và đơn vị thực hiện sản phẩm công ích và khoa học, công nghệ. Thực hiện cơ
chế tự chủ tài chính trong hoạt động
nghiên cứu triển khai.
Với một số thị trường khác có liên quan đến hoạt động đầu tư của các dự
án. Tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc
quyền gắn với thị trường. Đổi mới quản lý nhà nước về giá phù hợp với nền
kinh tế thị trường. Thực hiện tự do hoá thương mại và đầu tư phù hợp với các
cam kết song phương, đa phương và theo thông lệ quốc tế. Tập trung phát triển
mạnh thị trường dịch vụ, nhất là thị trường dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia
tăng lớn.
Thực hiện các chính sách để dễ dàng chuyển quyền sử dụng đất thành hàng
hoá, nhờ đó, đất đai thực sự trở thành nguồn lực và nguồn vốn phát triển. Tạo
điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà
ở, khách sạn, văn phòng cho thuê, đường, cầu, bến cảng, kho tàng... Hình thành
cơ chế giá bất động sản theo thị trường. Nhà nước điều tiết giá đất bằng các
chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp và thông qua quan hệ cung - cầu. Phát triển
các hoạt động dịch vụ trung gian về bất động sản (môi giới, định giá, thông tin,
thế chấp, bảo lãnh…). Xây dựng hệ thống đăng ký, thông tin bất động sản; ban
hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ
ngày 01/01/2007. Sớm ban hành Luật Đăng ký bất động sản.
1.3. Hoàn thiện hơn cơ chế thực hiện quy hoạch dự án đầu tư.
1.3.1. Giải quyết các vấn đề trong cơ chế thực hiện đối với công tác quy
hoạch.
Cần thực hiện thống nhất các quy định mới của Luật Đầu tư trong công tác
quy hoạch. Việc xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm phải phù
hợp với các cam kết quốc tế. Đặc biệt chú trọng công tác dự báo (ngắn hạn,
trung hạn và dài hạn) nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch (quy hoạch phát
triển ngành, sản phẩm, địa bàn...)
Ngoài ra việc quy hoạch phải có căn cứ khoa học, có tầm nhìn dài hạn, thu hút
rộng rãi ý kiến đóng góp, tranh thủ sự giám sát thực hiện của nhân dân. Trừ một số
nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, tất cả các loại quy hoạch đều phải
được công khai hoá.
Quy hoạch phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh, quy hoạch các sản
phẩm chủ lực chỉ mang tính dự báo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xây
dựng chiến lược kinh doanh của mình. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản
phẩm chỉ có giá trị trong việc thẩm tra đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn của
nhà nước; không áp dụng để thẩm tra đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn
khác.
1.3.2. Tham nhũng, vấn nạn của xã hội
Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ
ngày 01/06/2006. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc chống tham nhũng, sách
nhiễu dân, coi thường kỷ luật, kỷ cương và tắc trách trong công việc.
Thực hiện nghiêm quy chế công chức và chế độ công vụ, đề cao trách
nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi pháp luật và phục vụ nhân dân.
Thực hiện các hình thức về công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ
quan, tổ chức, đơn vị như: công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây
dựng cơ bản, trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, tài chính và ngân sách nhà
nước, trong huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, trong quản
lý sử dụng khoản hỗ trợ, viện trợ, trong quản lý sử dụng đất đai...
2. Các giải pháp tác động trực tiếp đến các dự án FDI.
2.1. Vấn đề luật pháp, chính sách và công tác phổ biến luật pháp.
Trước tiên cần rà soát chính sách thuế và ưu đãi đầu tư đang còn cản trở
thu hút đầu tư (việc áp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, chi phí
quảng cáo..).
Nhanh chóng ban hành, phổ biến rộng và tập huấn Luật Đầu tư và Luật
Doanh nghiệp cùng các văn bản hướng dẫn việc áp dụng và thi hành đối với các
Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.
Một trong những nội dung quan trọng là cần hoàn thiện chính sách tiền
lương; kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về lao động và
tiền lương nhằm hạn chế tình trạng tranh chấp trong các doanh nghiệp. Xây
dựng lộ trình một mặt bằng chung về mức lương tối thiểu cho lao động làm việc
trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tăng cường công tác tuyên
truyền nâng cao hiểu biết về Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành
đối với người lao động và người sử dụng lao động.