Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO THẦY CÔ GIÁO TRẺ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.27 KB, 3 trang )

LỜI KHUYÊN DÀNH CHO THẦY CÔ GIÁO TRẺ
(Nguyên văn bởi Ho Huu Tho
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam xin trích tặng các thầy cô giáo trẻ một
bài viết của thầy Văn Như Cương:)
Mấy năm trước, các nhà giáo chúng ta rất phấn khởi khi Bộ GD&ĐT tuyên
bố “năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương của mình”. Tuy vậy, có
người tin, có người không tin…
Bây giờ đã là giữa năm 2010. Vừa rồi đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ
GD&ĐT về vấn đề này và Bộ đã trả lời: So với năm 2006 thì tiền lương
giáo viên năm 2010 đã tăng lên gấp 2,1 lần. Ví dụ một Giáo viên tốt nghiệp
Đại học ra trường năm 2010 có mức lương 2.306.000 đồng. Nếu có thâm
niên 10 năm thì mức lương là 3.300.000 đồng.
Có giáo viên cho rằng với mức lương như thế cũng sống được, cũng có
người cho rằng không sống được…Thưa các thầy cô giáo mới ra trường!
Theo thiển ý của tôi thì các thầy cô hoàn toàn có thể sống bằng mức
2.306.000đ/tháng, nếu biết cách ăn tiêu cho khoa học, theo truyền thống
thắt lưng buộc bụng... Sợ các thầy cô còn trẻ quá chưa có kinh nghiệm
quản lí quỹ lương của mình, nên tôi muốn các thầy cô đọc mấy lời khuyên
sau đây của tôi, một nhà giáo già có kinh nghiệm lâu năm trong việc sống
bằng lương thầy giáo:
Trước hết, về nhu cầu ăn, chúng ta cần thấm nhuần câu cách ngôn tuyệt
vời: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Chúng ta có thể ăn
ngày ba bữa: buổi sáng 5 ngàn, buổi trưa 15 ngàn, buổi tối 15 ngàn. Thế là
một ngày chi cho việc ăn là 35 ngàn, một tháng vị chi là 1.050.000 đ. Như
thế cũng là khá lắm rồi, nếu chúng ta biết rằng nhiều nhà máy cho công
nhân ăn bữa trưa một bát mì giá chỉ 5 ngàn mà thôi.
Tuyệt đối không nên uống bia, uống rượu vì rất tốn tiền, rất có hại cho sức
khỏe, và nhất là rượu vào lời ra ảnh hưởng đến tư thế tác phong của thầy
giáo. Tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội, mát mẻ và vệ sinh lắm.
Sau chuyện ăn uống là chuyện ở. Cũng nên nhớ là “ăn hết nhiều chứ ở thì
hết bao nhiêu” để mà đừng chi quá nhiều cho chuyện ở. Nếu chưa có nhà


ở thì cố nhiên tạm thời phải đi thuê, rồi ta sẽ góp tiền dần dần để mua nhà
giá rẻ. Cố tìm mà thuê lấy một căn phòng bình dân với giá khoảng 1 triệu
đồng một tháng, nhưng nên rủ thêm một thầy giáo cùng giới ở chung cho
vui, cho có bạn cùng đàm đạo nhân tình thế sự. Vậy là ta chỉ tốn 500.000đ
cho khoản ở.
Về phương tiện sinh hoạt và làm việc thì cũng nên mua lấy cái quạt, nhưng
đừng cho nó chạy nhiều quá, phải chú ý đến tiền điện. Khoản tivi thì có thể
xem nhờ nhà nào đó nếu người ta dễ tính và mến khách. Máy vi tính thì cố
gắng chờ đợi, tôi tin chắc rằng đến một lúc nào đó, Bộ sẽ phát không cho
thầy giáo mỗi người một cái (hôm nay đọc báo, thấy học sinh tiểu học ở
Uruguay được phát không máy tính rồi). Còn khoản điều hòa nhiệt độ thì
đừng nghĩ đến, đó là chuyện dành cho tương lai. Nên cố gắng chỉ chi
khoảng 100.000 đ cho tiền điện, tiền nước, tiền bột giặt, xà phòng tắm, xà
phòng đánh răng…
Vấn đề trang phục nên hết sức giản dị, không nên chạy theo thời trang;
nhà giáo thì phải ăn mặc đứng đắn để làm gương cho học sinh. Nên mặc
quần áo mầu sẫm để đỡ tốn bột giặt. Giầy dép, áo vét , áo da… nên mua
hàng Tàu giá rất rẻ so với hàng Việt.
Nếu chưa có xe máy thì đừng mua vội. Xe đắt mà giá xăng tăng theo tốc
độ lớn hơn lương tăng. Nên mua vé ô tô tháng để đi dạy, chỉ dăm chục
ngàn một tháng là nhiều. Nếu không tiện thì nên mua một cái xe đạp Xuân
Hòa, đi làm bằng xe đạp là cách tập thể dục tốt nhất.
Đừng mua sách, mua báo làm gì, đến trường tranh thủ vào thư viện mà
đọc báo ngay ở đó, còn sách thì mượn về nhà mà đọc.
Đừng mua vé xem phim, xem kịch, mất thì giờ vào trò nhảm nhí, nhố
nhăng… lại khổ vì nóng nực và đông người.
Có đám tang thì nên đi vì nghĩa tử là nghĩa tận, còn đám cưới thì cố mà
trốn (lấy cớ là bận dạy, hoặc bận đi họp, hoặc phải về quê…). Một tháng
mà đi dự vài ba tiệc cưới là tiêu đời rồi đó.
Một điều hết sức quan trọng là hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe bằng cách

sống điều độ và thanh đạm. Cương quyết “nói không” với đau ốm, bệnh
tật…, “nói không” với bệnh viện, với bác sĩ với thuốc men…. Nếu không
“nói không” như thế thì khó mà sống bằng lương.
Với cách phân bổ quỹ luơng như trên, tính toán lại tôi thấy mỗi tháng các
thầy giáo mới ra trường sẽ phải chi không đến 2 triệu đồng, vẫn còn thừa
ba đến bốn trăm ngàn đồng để gửi vào sổ tiết kiệm và mua vài cái vé sổ
số…
Cố nhiên tính toán trên chỉ đúng đối với các thầy cô giáo chưa xây dựng
gia đình, chưa có con cái, không phải nuôi bố mẹ già đau ốm, không phải
giả tiền vay của nhà nước để học đại học, không phải đóng học phí cho
em…
Đối với các trường hợp sau thì phải điều chỉnh cho phù hợp hoàn cảnh
thực tế. Chẳng hạn ăn sáng thì có thể xơi vài củ khoai lang, bắp ngô luộc,
hoặc cùng lắm là một gói mì ăn liền; hai bữa ăn trưa và ăn chiều có thể
giảm từ 15 ngàn xuống 10 ngàn… có nghĩa là “liệu cơm mà gắp mắm”.
Dẫu sao cũng phải cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng lương cho
chúng ta gấp 2,1 lần so với năm 2006. Thế là chúng ta có thể cố mà sống
bằng đồng lương của chính mình, chứ không phải bằng lương của… ai
khác.
Ghi chú : Văn Như Cương (sinh 1937) là một nhà giáo Việt
Nam, nhà biên soạn sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại
học bộ môn hình học, Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt
Nam. Ông là một Tiến sĩ toán học, được phong học hàm phó giáo
sư. Nhiều bài báo có ghi ông là Nhà giáo Nhân dân, tuy nhiên ông
đã chính thức phủ nhận việc ông có danh hiệu này.
[1]
Ông là người đầu tiên lập ra trường dân lập tại Việt Nam vào thời
kỳ đổi mới
[2]
là trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh-Hà

Nội.

×