Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.83 KB, 9 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 3, pp. 39-47
This paper is available online at

PHONG CÁCH DU KÍ NGUYỄN ĐÔN PHỤC

Nguyễn Hữu Lễ
Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu
Tóm tắt. Nguyễn Đôn Phục là cây bút du kí tiêu biểu cho phong cách du kí mang
đậm yếu tố Hán cả trong ngôn ngữ và bút pháp. Những tác phẩm du kí của ông
là cầu nối của dòng chảy du kí trong lịch sử văn học Việt Nam. Vẻ đẹp du kí của
Nguyễn Đôn Phục là sự chọn lọc tinh hoa truyền thống đưa vào văn học hiện đại.
Vẻ đẹp đó đã kết tinh nhân cách, trí tuệ cá nhân với tư tưởng cách tân của thời đại
để làm nên một phong cách du kí mang tính lịch sử và cổ kính.
Từ khóa: Nguyễn Đôn Phục, Tùng Vân, du kí, phong cách du kí, yếu tố Hán.

1. Mở đầu
Du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX là hiện tượng văn học bị bỏ quên đã được tìm
lại trong thập niên đầu của thế kỉ XXI. Cho đến nay, du kí Việt Nam chưa có những đánh
giá đúng mức về vị thế và vai trò của nó đối với lịch sử văn học, nhất là đối với sự tham
gia vào quá trình hiện đại hóa văn học [10, 11]. Du kí Việt Nam giai đoạn này đã thu hút
một lực lượng sáng tác đông đảo với nhiều cây bút chủ chốt hoặc có vị thế của các tạp
chí lớn như: Phụ Nữ Tân Văn, Nam Phong, Tri Tân, Nam Kỳ tuần báo... Ra đời trong buổi
giao thời của văn học Quốc ngữ, du kí đã để lại nhiều dấu ấn trên văn đàn đầu thế kỉ nhiều
tác phẩm của những tác giả: Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn
Trọng Thuật, Trần Huy Bá, Dương Kỵ, Thái Hữu Thành,... Mặc dù Nguyễn Đôn Phục ít
được nhắc đến trong các công trình lịch sử văn học, nhưng là một cây bút du kí tiêu biểu
cho văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

2. Nội dung nghiên cứu
2.1.



Đặc điểm phong cách nghệ thuật

2.1.1. Triết lí nghệ thuật về "sự đi"
Tiếp nhận văn học hiện đại đã loại suy sự tồn tại đồng thời của tác giả (chủ thể
sáng tạo) với tác phẩm nhưng sẽ làm cho người ta hoài nghi về tư cách phát ngôn của chủ
Ngày nhận bài 11/1/2014. Ngày nhận đăng 25/05/2014.
Liên lạc Nguyễn Hữu Lễ, e-mail:

39


Nguyễn Hữu Lễ

thể trong tác phẩm văn học phi hư cấu trong mối quan hệ liên văn bản. Một tác phẩm tự
truyện cũng không phải là hoàn toàn là sự thật, là hoàn toàn khách quan trong văn học.
Trong thực tiễn của đời sống văn học, người ta còn khéo léo vận dụng cái gọi là khách
quan của thể loại để thực hiện các hành vi phát ngôn của mình. Nguyễn Đôn Phục là một
trường hợp như thế. Những quan niệm về cuộc sống như: sự chơi thanh cao, trách nhiệm
và bản lĩnh nhà văn trước cuộc đời, những sự tốt xấu và lẽ yêu ghét,... có thể thấy được
qua một số phát ngôn trực tiếp của Nguyễn Đôn Phục trong những tác phẩm du kí.
Chơi theo Nguyễn Đôn Phục, phụ thuộc vào hạng người, sở thích, mục đích mà có
các cách chơi khác nhau. Du hành cũng là một cách chơi và cũng tùy thuộc vào đối tượng
của nó, "Người đi chơi cũng có lắm hạng, mà cuộc đi chơi cũng có lắm đường...". [1;87].
Trong bốn hạng người du lịch tương ứng với bốn cách chơi: người phong lưu gặp
đâu chơi đó, hạng người phú quý chơi theo kiểu trưởng giả học làm sang, hạng người túng
quẫn chán đời mà chơi suông, hạng người văn chương chơi cùng sử sách là hạng người
trông ra non nước mà ngắm vào sử xanh [1;87]. Cách chơi của hạng người văn chương là
cách chơi chữ nghĩa, chơi có mục đích, không chơi phiếm, chơi suông bình thường mà là
“cuộc chơi” hướng về quốc hồn quốc túy, chơi theo cốt cách mà không nệ cổ sùng văn.

Cách chơi của Nguyễn Đôn Phục trong du kí là cách chơi với cái thú thanh cao, cái vui cổ
kính, không chơi theo kiểu phàm tục.
Đối với Nguyễn Đôn Phục, sự đi của nhà văn là phải “quan phong”, có nghĩa là
quan sát cho xác đáng, nghị luận cho tinh vi [3;182], đi không chỉ thỏa chí du lãm mà còn
biết được sự tình, kể ra cho đúng người. Bởi thế nên "Những nhà văn-học đi quan-phong
thời cái trách-nhiệm lại càng quan-trọng lắm (...) nếu chỉ quệch-quạc lấy dăm ba trang
đuểnh-đoảng, ngâm-nga lấy một vài khúc tơi-bời, để tắc-trách cho sự quan-phong thì
cũng là vô-vị và vô-ích vậy" [3;183].
Nhà văn du lịch khác người bình thường ở chỗ, du lịch cũng là hoạt động văn nghiệp,
có khi là phương tiện để nhà văn tác nghiệp. Sự du lịch của nhà văn cao quý nên nhà văn
cũng có thể trở thành danh nhân một khi kết quả của cuộc hành trình đó làm hài lòng độc
giả bằng những thiên du kí. Các miền đất lạ, các nơi cổ tích, núi non sơn thủy hữu tình,
danh lam thắng tích trở nên đẹp hơn, nổi tiếng hơn cũng nhờ con người khám phá nó, tôn
tạo nó, thăm viếng nó, đề thơ lên nó. Nguyễn Đôn Phục quan niệm về mối quan hệ giữa
danh thắng và danh nhân:
Du kí của Nguyễn Đôn Phục là một sự triết lí về sự đi: đi là sự trở về. Những bài du
kí thăm danh lam, thắng tích, những câu chuyện về các nhân vật lịch sử, tôn giáo là cách
mà Nguyễn Đôn Phục lí giải cho sự trở về cội nguồn của con người, là sự nhắc nhở con
người: nếu bỏ quên quá khứ thì coi chừng tương lai bị đánh cắp. Trong bài Lời cảm cựu
về mấy ngày chơi Bắc Ninh, dụng tâm nghệ thuật của Nguyễn Đôn Phục hướng đến triết
lí sự đi là sự trở về với chính mình, và thông qua câu chuyện gia cảnh để nói về hoàn cảnh
đất nước, thông qua câu chuyện gia đình để tự đánh giá mình: Ký-giả thiếu thời học chữ
Nho, thật là người biếng học. Nhờ đến Bắc Ninh, nơi cách Hà Nội không xa lắm, đi xe
máy xe lửa chỉ trong vài giờ, nhưng nhờ có chuyến đi này tác giả mới biết: nơi ông Đổng
Thiên phá giặc Ân, ông Lý Thường Kiệt phá quân Tống ở đó, biết được đây là quê hương
của Lý Bát Đế, biết được một điều rất quan trọng với con người: những cái gần bên mình
40


Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục


nếu không ra đi tìm hiểu nó thì cũng không biết gì cả, có đi mới tìm thấy những tình cảm
đã qua mà con người tưởng rằng đánh mất nó... Đó là triết lí về lẽ sống của con người theo
quan niệm nhà Nho là như vậy.
Luận về sự chơi, sự đi du lịch nói trên xuất phát từ cái tâm của Tùng Vân Đạo Nhân
Nguyễn Đôn Phục, cái tâm có trách nhiệm, cái tâm tự trọng noi theo các bậc danh Nho.
Cái tâm dùng để điều khiển cái tài, cái tài lại dùng tư tưởng để dẫn dắt con chữ biến hóa
trong văn chương, để văn chương khi chuyển sang quốc âm cũng không bạc đãi tinh hoa
Hán học. Đó là cái tạo nên sắc thái văn phong du kí Nguyễn Đôn Phục trong vườn hoa du
kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
2.1.2. Tiếp cận đối tượng trên phương diện lịch sử và nhân cách nhà Nho
Cách chơi và cách viết có mối quan hệ với nhau. Du kí của Nguyễn Đôn Phục
thường tập trung vào các đề tài: chơi cổ tích, chơi núi, chơi xuân. Dù ở đề tài nào, Nguyễn
Đôn Phục lấy điểm nhìn lịch sử làm hệ quy chiếu, dù tả cảnh hay thuật chuyện du hành
cũng để nói chuyện lịch sử, dùng điển tích lịch sử để xây dựng cấu trúc tác phẩm.
Từ điểm nhìn lịch sử mà thể giới trong các bài du kí: Bài kí chơi Cổ Loa, Cuộc xem
cổ tích miền Hải Dương, Cuộc đi quan phong làng Thượng Cát, Lời cảm cựu mấy ngày
chơi Bắc Ninh, Cuộc chơi Sài Sơn,... Nguyễn Đôn Phục đưa người đọc đến với thế giới cổ
tích của các nhân vật và sự kiện lịch sử mà ông quan niệm nước nào đã có lịch sử thì dấu
vết của tiền nhân để lại tức là cổ tích, cổ tích tức là quốc hồn [2;53]. Đó là thế giới được
xây dựng bởi các tư liệu lịch sử và văn hóa, văn học mà tác giả tích lũy được. Những tư
liệu này chỉ được khơi dậy tại thời điểm tác giả đặt chân đến địa danh hay di tích mang
sự tích đó. Khi đến di tích thành Cổ Loa, Nguyễn Đôn Phục đã làm sống lại truyền thuyết
thành Cổ Loa bởi mục đích tìm kiếm dấu tích lịch sử chi phối cuộc hành trình này.
Nguyễn Đôn Phục có tài kể chuyện lịch sử, cái tài của một nhà Nho kinh thông chữ
nghĩa, hiểu biết về điển tích, điển phạm, giàu xúc cảm và trí tưởng tượng. Câu chuyện
tường thuật du lịch của Nguyễn Đôn Phục đã nhuốm màu sử tích. Nhân vật Mị Châu là
tâm điểm của sử tích (khác với truyền thuyết tô đậm yếu tố thần kì của chiếc nỏ thần) nên
khi đến đoạn cuối câu chuyện, lúc thần Kim Quy xuất hiện, không có cảnh An Dương
Vương giết con, mà chỉ là sự xả thân của nàng để tỏ nỗi oan khuất. Nói xong, thì nước

mắt với nước máu, nước triều tuôn ra, mà lai láng trong miền Nam Hải. Than ôi! Than ôi!
Oan thay! Oan thay! Giọng kể đầy cảm xúc xuất phát từ tâm khảm của một con người tự
xưng là kí-giả, thuộc giống đa tình thâm bỉ những phường mắt trắng ngũ luân; bình sinh
vẫn kính nàng và thương nàng; khi chép truyện nàng, cũng muốn tìm ra một cái triết lí,
để gỡ tội cho nàng, giải oan cho nàng,...[1;207]. Cảm quan lịch sử kéo Nguyễn Đôn Phục
đi xa hơn để khát quát lên vấn đề mà chưa có nhà sử học nào đưa ra phán quyết như thế:
Nhận xét ra, lịch-sử nước Nam ta, có hai người đàn bà, thiên-cổ vẫn phụ cái án vong-quốc.
Một là nàng Thục Mỵ Châu. Hai là bà Lý Chiêu Hoàng. Nhưng Chiêu Hoàng là người
bị-động, mà Mị Châu lại là người chủ-động... [1;208].
Quan niệm lịch sử như là một phương thức nghệ thuật trong mối liên hệ giữa cá thể
và cộng đồng, Nguyễn Đôn Phục cho rằng: Phàm con người ta sinh ra ở đời, cái lịch-sử
thiếu-thời của mình, dù vui-vẻ, dù gian-nan, dù li-kì, dù chuyết-lậu thế nào cũng tức là
41


Nguyễn Hữu Lễ

cái lịch-sử bắt đầu chú-tạo ra cái hình ảnh mình. Vả lại cái lịch-sử trong một con người
dù thủa lớn, dù thủa nhỏ thế nào, cũng đều có trực-tiếp với non-sông, với nhân-vật, với
cỏ hoa trong một cõi. Ăn cơm mới há lại quên chuyện cũ đó hay sao [4;348]. Lịch sử của
con người trong lịch sử non sông đất nước. Lịch sử non sông đất nước có được chỉ khi con
người nhận thức được mình tồn tại, nhận thứ được lịch sử của mình. Quan niệm này thể
hiện trong du kí của ông để xây dựng cấu trúc truyện kể lồng trong tác phẩm du kí: kể
chuyện danh nhân lịch sử, văn hóa bằng cảm quan của người đến thăm di tích gắn liền với
nó; kể chuyện mình như là một kiểu nhận thức và đối ứng lịch sử.
Trong thế giới nghệ thuật du kí của Nguyễn Đôn Phục có nhiều nhân vật không chỉ
đầy đủ tên tuổi, danh tính, dấu tích và công trạng của họ mà còn cả số phận, tính cách
thông qua cảm nhận và trí tưởng tượng của tác giả. Mỗi tác phẩm có nhiều nhân vật, có
tên, có tuổi, có gốc tích trong lịch sử; có những nhân vật được tác giả định danh dựa trên
sự cảm phục tài năng của họ. Câu chuyện lịch sử trong du kí của ông chỉ hướng đến nhân

vật quan trọng, hoặc ít ra là ông yêu mến, cảm phục để kể lại. Trong tác phẩm Cuộc xem
cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương có nhiều tên nhân vật lịch sử được nêu ra: Chu Văn
An, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh,...
và có tên hai nhân vật nữ được tác giả gọi là tài nữ Nguyễn Thị Lộ, và nữ khảo quan đời
Trịnh Nguyễn Thị Du. Trong tác phẩm này, có hai nhân vật lịch sử được tác giả kể lại
một cách chi tiết: Phạm Sư Mạnh và Nguyễn Thị Du. Cụ Phạm Sư Mạnh là người được
tác giả cảm phục nhất, bởi cụ là người tài năng rộng rãi, khí độ cứng mạnh, thật là một
nhân vật có quan hệ với cuộc đời. Cụ Phạm Sư Mạnh có đầy đủ nhân cách và bản lĩnh
nhà Nho nên được tác giả gọi là Nho tướng đời Trần. Về tính cách, cụ lại hay thích đi
chơi lịch-lãm, những nơi sơn-thủy thanh-kì, đi đến đâu có thơ ngâm đến đấy, thơ có vẻ
phóng-dật hào-hùng [5; 57].
Nguyễn Đôn Phục không phải là nhà Nho thủ cựu mà là một nhà Nho thức thời.
Về thú đọc truyện, ông thích Quan Âm Thị Kính, Kim Vân Kiều Truyện,... là những truyện
về thân phận nữ giới. Kể chuyện lịch sử, ông thường chú trọng đến nhân cách và số phận
những tài nữ.
Nhân vật trong các câu chuyện sử tích của ông thường có dấu hiệu về nhân cách chí
sĩ hoặc mang bóng dáng nhà Nho. Đó là bởi cái tâm nho học của ông vậy.
Sự uyên bác lịch sử đã đào luyện ngòi bút của Nguyễn Đôn Phục trở nên linh hoạt
hơn, tinh vi hơn ở tài năng hư cấu lịch sử. Nguyễn Đôn Phục không hư cấu nhân vật mà
chỉ hư cấu sự kiện, không “xâm phạm” về mặt tư tưởng đối với lịch sử dân tộc mà chỉ
dựng bối cảnh để nói về lịch sử gia đình hay của một địa phương. Trong Lời cảm cựu mấy
ngày chơi Bắc Ninh, Nguyễn Đôn Phục thuật lại hoàn cảnh bản thân mình trong bối cảnh
loạn lạc của đất nước lúc ông tuổi mới lên năm, lên sáu lên bảy. Trong bối cảnh quân giặc
giày xéo khắp nơi, người dân chạy loạn khổ ải thì xuất hiện người hào kiệt khả kính là ông
Nguyễn Hữu Thống người làng Cổ Loa là người hào kiệt vùng đó. Đây là một kiểu tôn
vinh con người thành nhân vật lịch sử theo quan niệm dân gian. Nguyễn Đôn Phục đến
Bắc Ninh, hồi tưởng lại kí ức những ngày thơ ấu, lúc theo mẹ chạy loạn được người hào
kiệt cứu giúp, lúc đi chơi với bạn hữu trong rừng làm bạn với mấy chú tiều phu, lúc nghe
tiếng cười tiếng hát trong rừng, đến năm Canh Tí, mình tuổi hai mươi ba mới bắt đầu từ
42



Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục

đất Bắc Ninh xuống Tràng Thi Nam Định,... chỉ là tưởng tượng để nói lên những lời cảm
cựu về mảnh đất, con người đã nuôi dưỡng mình thủa thiếu thời, là lời nhắc nhở đừng
quên quá khứ, bởi kí-giả tự đấy là người Hà Đông, không phải người Bắc Ninh [4;355].
Đó cũng chính là thái độ du lịch của Nguyễn Đôn Phục, biết ơn những nơi đem đến sự
yêu thích và cơ hội giải bày mà lòng cảm tưởng ấy không phải cuộc đi chơi này mới phát
hiện [4;332].
Hư cấu sử tích của Nguyễn Đôn Phục không giống với tiểu thuyết lịch sử ở chỗ, tiểu
thuyết lịch sử hư cấu dựa trên cốt truyện xoay quanh nhân vật lịch sử mà thêm chi tiết để
nhân vật lịch sử trở thành hình tượng, còn trong du kí của Nguyễn Đôn Phục là đưa nhân
vật lịch sử vào trong cốt truyện hư cấu để minh họa cho một quan điểm nào đó của tác
giả. Sự hư cấu được nói ở đây chính là tác phẩm Cảnh Lạc Hương. Đó là một nơi du hí
huyễn tưởng không có ở thế gian này, một nơi chứa đầy triết lí của sự hoan lạc. Bởi thế
nên Nguyễn Đôn Phục đã lấy lời danh nhân để luận về chuyện này: đó là lời khuyên của
trạng nguyên như Tống Chi Vấn (Phiếm đảng làm vui không phải sự ta – là ý bảo người
đời không nên vào chốn Lạc hương), trạng nguyên Đỗ Thiếu Lăng (Xét kỉ lẽ vật nên làm
vui – là ý bảo người đời nên vào Lạc Hương để làm vui, không vui thì cũng thiệt), trạng
nguyên Phạm Trọng Yêm (Thiên hạ chửa lo ta nên lo trước, thiên hạ vui rồi ta sẽ vui sau –
là ý bảo người đời nên đi trước thiên hạ mà lo việc đời, đi sau thiên hạ mà vào Lạc Hương),
trạng nguyên Trương Uẩn Cổ (Vui không nên vui quá, vui quá hóa buồn – là ý bảo người
đời vào Lạc Hương thì vào nhưng phải biết đường ra). Cảnh Lạc Hương [6;166-173] là
bài phiếm du, nhưng có nhiều ý vị, không phải bởi câu chuyện tưởng tượng hay ý nghĩa
giáo dục của tác phẩm mà chính là triết lí về sự chơi trong du kí Nguyễn Đôn Phục.
2.1.3. Nghệ thuật ngôn từ
Du kí của Nguyễn Đôn Phục như là một hình thức đối thoại nghệ thuật giữa hai
trường phái tư tưởng: cách tân và thủ cựu, trong đó đông đảo nhà văn Hán học bị xếp
chung vào lớp “hủ Nho”. Đứng chân trong đội ngũ làm báo một tờ tạp chí văn hóa của

người trí thức là Nam Phong tạp chí, Nguyễn Đôn Phục cũng như nhiều nhà Nho khác gắn
bó máu thịt với văn chương truyền thống nhưng cũng đều có thể sử dụng chữ Quốc ngữ,
đặc biệt lại được sự hỗ trợ khích lệ của những tờ tạp chí với chủ trương “điều hòa tân cựu”,
“bảo tồn cổ học”...[8;147] đã phát huy tinh hoa cổ học vào trong sáng tác để tạo ra một
kiểu văn du kí đặc trưng của những thập niên đầu thế kỉ XX. Dựa vào phương thức tiếp
cận tư tưởng – cấu trúc để xác định đặc điểm phong cách, du kí của Nguyễn Đôn Phục
có thể được xem xét ở các yếu tố: kết cấu và cấu trúc văn bản, phương thức kể chuyện và
người trần thuật, tổ chức ngôn ngữ và sử dụng chất liệu, điển pháp – điển phạm – điển
tích, giọng điệu và lời văn.
Du kí của Nguyễn Đôn Phục là kiểu du kí “chơi cổ tích”. Nhiều bài kí “chơi cổ tích”
của Nguyễn Đôn Phục cũng bắt đầu bằng hai từ “chơi” và “xem” (chơi Cổ Loa, chơi Sài
Sơn, chơi Bắc Ninh, xem cổ tích, quan phong). Những bài không có từ “chơi” hoặc “xem”
đều được đưa vào mục “Văn uyển” của Nam Phong tạp chí như các bài Ngọc Tân du kí và
Du Tử trầm sơn kí đi kèm với phụ đề thể loại là “tản văn”; bài Cảnh lạc hương theo quan
niệm tác giả thuộc dạng bài cầm bút viết bỡn như phần chú thêm ở đầu bài du kí cũng
nằm trong kiểu bài du kí này. Hai kiểu bài du kí của Nguyễn Đôn Phục thể hiện hai cách
43


Nguyễn Hữu Lễ

chơi của từng kiểu người: chơi suy nghiệm của kẻ phong nho và chơi đàm văn của văn sĩ.
Tuy nhiên, cách phân ra hai kiểu như thế này chỉ là tương đối, bởi vì dù chơi kiểu gì, dù
viết lách nghiêm túc hay tùy hứng, phóng bút như thế nào thì du kí của Nguyễn Đôn Phục
cũng không vượt ra khỏi quan niệm về sự chơi thanh cao, lịch lãm, mang màu sắc cổ điển
được.
Những bài du kí “chơi cổ tích” của Nguyễn Đôn Phục cũng có cốt truyện hành trình
như một số tác phẩm của những nhà văn đương thời nhưng chỉ khác ở yếu tố liên kết
các thành phần cốt truyện trong một chỉnh thể. Yếu tố liên kết cốt truyện trong du kí của
Nguyễn Đôn Phục khá đa dạng và linh hoạt, không phải là mạch cảm xúc tự nhiên của tác

giả thể hiện một cách tự do mà là một sự chủ ý trong cấu trúc chủ đề tác phẩm.
Yếu tố liên kết cốt truyện du kí Nguyễn Đôn Phục thường được thể hiện ở hai dạng
cơ bản: câu chuyện cổ tích lịch sử và lời bình luận của tác giả. Tác phẩm Bài kí chơi Cổ
Loa tiêu biểu cho dạng cấu trúc này. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Đôn Phục dành một trang
văn để luận về sự chơi, cho việc giới thiệu đi chơi Cổ Loa thành chỉ một câu:
Như ngày rằm tháng tám năm Khải-Định thứ chín, lịch Tây năm 1924 vừa rồi, tôi
với ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Hữu Tiến, ông Phạm Văn Duyệt cùng nhau đi chơi
Cổ-Loa-thành há vị gì đâu, cũng vì chút cảm tình với lịch-sử mà đi chơi vậy [1;203].
Với mục đích là “cuộc đi chơi lịch sử”, chuỗi câu chuyện lịch sử được kể lại. Sau đó
là chuyện đi thăm miếu, thăm đình, thăm nơi thờ An Dương Vương, thăm bi đình, thăm
mộ nàng Mị Châu. Đến đâu, tác giả cũng luận bàn sự tích. Phần tả người, thuật chuyện đi
được lồng trong những lời diễn giải đó nên người đọc khó nhận ra. Lối thuật chuyện kiểu
“vòng vo tam quốc” của Nguyễn Đôn Phục được sử dụng như là phương “trì hoãn” để kéo
dài hành trình với ý nghĩa: cuộc thăm Cổ Loa, hành trình về với lịch sử lâu đời của dân
tộc là cuộc hành trình lâu dài.
Lời bình trong tác phẩm của Nguyễn Đôn Phục là những câu văn bình phẩm về đối
tượng, sự liên hệ bản thân và có nhiều câu mang tính chất châm ngôn, triết lí.
Cho nên xưa nay không gì thú bằng cái cảnh lên lầu, mà cũng không gì buồn bằng
cảnh lên lầu. Nhưng anh em ta thì không thế; khi mới sinh ra đời không dám chọn ngày
mà sinh, khi muốn vỗ nợ đời cũng không dám cả gan mà vỗ, không phải là không có dạ
thơ, nhưng thơ cũng không dám ngâm phí ngâm hoài, không phải là không có nước mắt,
nhưng nước mắt cũng không dám lạm-dụng về đường vô-ích; khi đăng-lâm du-lãm, âu
cũng chỉ một niềm trông xa non nước mà ngắm lại sử xanh, để cầu lấy một cái gương cho
thân thế ấy mà thôi [11; 210].
Ngoài ra, Nguyễn Đôn Phục cũng thường dùng những đoạn thán văn chứa thán từ
để kết thúc một câu chuyện, một sự việc nào hay bộc lộ tình cảm của mình về người, vật,
việc gặp phải trên lộ trình. Có thể lẩy ra đây những câu chứa thán từ trong các đoạn thán
văn trong Bài kí chơi Cổ Loa: Chao ôi! Cái thần nỏ ấy... [1;205], Trời kia nở phụ đấy ư!
Trời kia nở phụ đấy ư!... [1;206], Trời kia chẳng thấu cho ư! Trời kia chẳng thấu cho ư!...
[1;207] Than ôi! Cái cây có tội gì...[1;209], Than ôi! Nàng Mị Châu bị oan! Hòn đá này

cũng bị oan!... [1;209], Thương ôi! Oan tình chưa tỏ cho ai!...[1;209], Than ôi! Tự cổ hồng
nhan đa bạc phận... [1;214]. Hình thức cảm thán để liên kết trong cấu trúc tác phẩm được
thể hiện trong nhiều bài khác của Nguyễn Đôn Phục.
44


Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục

Người trần thuật trong du kí Nguyễn Đôn Phục xuất hiện ở hai vị thế: cá nhân của
tác giả và người đại diện cho phát ngôn xã hội; thường xuất hiện người kể chuyện xưng
“tôi” và người kể chuyện xưng “kí giả”. Người kể chuyện xưng “tôi” xuất hiện trong vai
trò đại diện cho cá nhân mình phát biểu quan niệm, tự thuật bản thân; xưng “kí giả” trong
vai trò là nhà văn, cho phép vượt qua giới hạn hiện thực khách quan để tiếp cận hiện thực
chủ quan. Đơn cử một vài trường hợp sau đây:
Trong bài du kí Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh, người kể chuyện xưng “tôi”
trong những trường hợp: Phát biểu quan niệm, tự giới thiệu; Người kể chuyện nhân xưng
là “kí giả” trong những trường hợp: Người đi du lịch, quan sát cảnh vật và người “xây
dựng” tiểu sử cá nhân.
Khác với một số tác phẩm du kí của một số nhà văn đương thời, nhân vật - người
trần thuật trong du kí Nguyễn Đôn Phục không đại diện cho sự chung, vì thế mà không
có sự nhân xưng ngôi thứ ba “chúng tôi”. Điều đó cũng phản ánh cá tính trong nghệ thuật
du kí Nguyễn Đôn Phục. Tuy nhiên, vấn đề nhân xưng của nhân vật trần thuật không đại
diện cho phong cách du kí mà chỉ đóng vài trò chủ thể phát ngôn mà thôi. Phong cách văn
chương chính là cách sử dụng ngôn ngữ. Nếu bỏ qua vốn từ Hán Việt khá phong phú mà
ông sử dụng nó như là phương tiện nghệ thuật thì sẽ gây nên sự hoài nghi về phong cách
tác giả trong sáng tác văn học đối với du kí Nguyễn Đôn Phục. Từ Hán Việt không còn là
thứ ngôn ngữ “ngoại nhập”, mà nó là hệ quả của quá trình tiếp biến văn hóa để làm giàu
giá trị văn hóa dân tộc, là phương tiện biểu đạt tư duy và tâm hồn người Việt. Trong đông
đảo các nhà văn hiện đại, người sử dụng vốn từ Hán Việt làm chất liệu sáng tác phong phú
như Nguyễn Đôn Phục chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếu không có một khả năng huy

động vốn từ và sử dụng vốn từ đó làm công cụ của tư duy và sáng tạo nghệ thuật thì dù
có muốn cũng khó viết nên những câu văn đậm đặc từ Hán Việt đến mức nhuần nhuyễn
như Nguyễn Đôn Phục. Chúng ta có thể lấy ra bất cứ đoạn du kí nào và thử thống kê tần
số xuất hiện của nó.
Một là vì cái cớ tân-bằng liêu-lạc bấy lâu nay các bạn cố-tri trong làng Nho ta gặp
phải cái cảnh-ngộ tân-cựu giao-thời; có người thời vì một đôi chút lộc-sĩ, ngoi-ngóp trên
đường tử-mạch, ra vào trong cõi chu-môn, ngựa xe tất-tả trong cõi hồng-trần, mà cái thú-vị
thanh-sơn ngày một nhãng; cũng có người vì quay ra thực-nghiệp, cờ đến tay phải phất,
nước đến chân phải nhẩy, dù chẳng thương-công cũng phải thương-công, dù chẳng kế-lợi
cũng phải kế-lợi [7;169].
Kí hiệu vật chất của ngôn ngữ dân tộc trên báo chí và sách vở bằng chữ Quốc ngữ
thể hiện trên in ấn ở đầu thế kỉ XX khác so với hiện nay. Đó là những từ Hán Việt và từ
láy thường có dấu gạch ngang (-) dính liền ở giữa các tiếng trong từ. Nhìn vào đoạn văn
trên sẽ thấy được tần số xuất hiện từ Hán Việt rất cao. Phần lớn từ Hán Việt trong du kí
Nguyễn Đôn Phục là từ đa âm, nhiều nhất là từ hai âm tiết. Trong những từ Hán Việt đó
có thể phân thành hai loại: từ Hán Việt thông dụng và từ Hán Việt cổ điển. Từ Hán Việt
thông dụng xuất hiện rải rác và được dùng một cách tự nhiên như những từ thuần Việt,
Chỉ có từ Hán Việt cổ điển là những từ được lựa chọn trong mối quan hệ với tư duy để
hình thành thông tin thẩm mĩ của phát ngôn. Những từ này chiếm số lượng lớn trong du
kí của Nguyễn Đôn Phục.
45


Nguyễn Hữu Lễ

Văn du kí của Nguyễn Đôn Phục có nhiều đoạn không chấm câu, chỉ ngắt nghỉ bằng
dấu phẩy (,) hoặc dấu chấm phẩy (;) giống như lối biểu đạt của hình thức văn tự chữ Hán
dùng để hành lễ, nghi thức.
Trong nhiều bài du kí, Nguyễn Đôn Phục còn điển tích hóa sự hành văn theo kiểu
viện dẫn hoặc liên tưởng thường gặp trong văn học cổ. Chẳng hạn câu sau đây:

Trông ra thì thuần là mầu con gái nhà quê, chất phác tự-nhiên, lại chẳng khác gì
cái hoa đào ở trong suối Vũ-lăng chưa trải qua một hồi mưa Âu gió Mĩ vậy. (Cuộc chơi
Sài Sơn; 245).
Câu văn trên sử dụng điển tích: chàng ngư phủ người đất Vũ-lăng lạc lối vào cõi
Đào- nguyên (theo sự chú thích của tác giả). Những điển tích khác, ông thường tạo ra từ
trong sử sách hay văn chương của dân tộc, nhiều chỗ mới lạ, ông giải thích và có những sự
giải thích thành câu chuyện lịch sử. Một dạng khác của điển tích trong du kí Nguyễn Đôn
Phục là điển tích thơ; thay vì nói lên cảm xúc suy nghĩ trước cảnh vật thì tác giả lại dẫn ra
một bài thơ của một nhân sĩ tiếng tăm nào đó. Du kí của cụ Lê Hữu Trác hay Trương Vĩnh
Ký có nhiều bài thơ ứng tác trước cảnh vật, trước sự việc hữu ý hữu tình, còn thơ trong du
kí Nguyễn Đôn Phục là tích thơ kết hợp với thơ của tác giả đối ứng với tiền nhân.
Trong nhiều tác phẩm du kí của các nhà văn thời bấy giờ, cách ghi song ngữ (chữ
Quốc ngữ và chữ Hán) về tên người, tên văn bia bảng hiệu khá phổ biến để minh chứng
cho sự hiện hữu của con người, thắng tích mà các giả chứng kiến, tác giả để tâm đến;
nhưng đồng thời cũng tạo ra tính thông tin cho bài du kí về sự hiện hữu của nhân vật đồng
hiện với một địa danh, địa điển cụ thể nào đó. Vì thế mà sau mỗi phần trích lược đều có
chú nghĩa. Nhưng trong du kí của Nguyễn Đôn Phục, tác giả ghi ra mà không chú nghĩa.
Chủ trương của ông chủ bút Nam Phong tạp chí là nên dùng chữ Nho trong văn
Quốc ngữ, còn dùng như thế nào thì theo Phạm Quỳnh: Phải tùy tính cách, trình độ bài
văn (...) có hạng văn phổ thông nói những sự tầm thường cho ai cũng dễ hiểu (...) hạng văn
tả-tình, tả-cảnh, du-hý, khôi-hài đã cao hơn hạng trên một tầng và phải có ý-vị lí-thú mới
hay, tất có nhiều ý lời ta nói không hết, nhiều cảnh tiếng nôm tả không thấu, phải mượn
răm ba chữ nho cho nó nổi cái ý, chỉnh lời văn và khỏi tục tằn quá,...[7;91]. Vì thế mà
nhiều tác phẩm du kí dùng nhiều chữ nho của Nguyễn Bá Trác, Đặng Xuân Viện, Nguyễn
Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến hiển nhiên được in cả chữ Hán và
phiên âm trên Nam Phong tạp chí. Là biên tập viên đã từng duyệt qua nhiều bài du kí có
sự trích lục những đoạn văn thư bằng chữ Hán của các tác giả đó, thì không thể Nguyễn
Đôn Phục không biết cách người khác từng làm. Ông để nguyên trạng của những văn tự
chữ Hán cùng với phiên âm ra Quốc ngữ nhưng không giải nghĩa ra quốc âm như những
nhà văn cùng thời chắc phải có ý đồ riêng của ông. Có thể tác giả xác định đối tượng đọc

du kí mình là những học trò cửa Khổng sân Trình; hay các bản văn tự chữ Hán trong bài
du kí của ông không quan trọng nên không cần giải nghĩa; nhưng cũng có thể là sự dụng
tâm của tác giả khi tạo ra chất cổ văn trong du kí của mình buộc người đọc phải vừa đọc
vừa ngẫm, vừa đọc vừa nghĩ, đọc để thấy được cái hay, cái ý vị của văn chương nước nhà.

46


Phong cách du kí Nguyễn Đôn Phục

3. Kết luận
Du kí mang trong nó hai yếu tố để hiển thị diện mạo bên ngoài làm cho người ta
nhận ra nó: cách đi và cách viết. Quan niệm về cách đi đối với nhà văn của Nguyễn Đôn
Phục, dù chỉ là đi chơi thì cũng phải là chơi thanh cao, đi để đến những nơi mình muốn, đi
đến thắng tích, đi trải nghiệm lịch sử, để đưa người khác cùng đi. Cách viết của Nguyễn
Đôn Phục bị chi phối bởi văn phong luận lí, một lối văn yêu cầu về cấu trúc phải chặt chẽ,
nói ra phải có lí có tình, kể chuyện phải có đầu, có đuôi, ứng xử phải có phép tắc, xưng
hô phải có trên có dưới. Đó là kiểu văn Nho mà Nguyễn Đôn Phục đã thấm nhuần từ kinh
sách, đã từng trải trong cuộc đời. Vì thế, khi thuật chuyện đi chơi hay kể chuyện lịch sử,
nói chuyện thế sự hay góp tích văn chương, nói với đồng môn hay giải bày tâm sự với công
chúng, lúc nào cũng tha thiết, cũng duyên dáng, cũng trang nghiêm. Trong vườn hoa du kí
Việt Nam đầu thế kỉ XX đầy hương sắc, du kí của Nguyễn Đôn Phục là thứ trầm hương,
khó đọc nhưng đọc rồi thì khó quên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Đôn Phục, 1925. “Cuộc đi chơi Sài Sơn”. Nam Phong tạp chí, số 93 (3/1925).
[2] Nguyễn Đôn Phục, 1924. “Bài kí chơi Cổ Loa”. Nam Phong tạp chí số 87 (10/1924).
[3] Nguyễn Đôn Phục, 1925. Du tử Trầm sơn kí. Nam Phong tạp chí, số 59, (5/1922).
[4] Nguyễn Đôn Phục, 1926. “Cuộc xem cổ tích miền đông bắc tỉnh Hải Dương”. Nam
Phong tạp chí, số 102 (12/1925).
[5] Nguyễn Đôn Phục, 1922. “Ngọc Tân du kí”. Nam Phong tạp chí, số 57 (3/1922).

[6] Nguyễn Đôn Phục, 1925. “Lời cảm cựu mấy ngày chơi Bắc Ninh”. Nam Phong tạp
chí, số 100 (10/1925).
[7] Nguyễn Đôn Phục, 1925. “Cuộc xem cổ tích miền Đông Bắc tỉnh Hải Dương”. Nam
Phong tạp chí, số 102 (12/1925).
[8] Nguyễn Đôn Phục, 1926. “Cảnh Lạc Hương”. Nam Phong tạp chí, số 108 (6/1926).
[9] Phạm Quỳnh, 1920. “Bàn về sự dùng chữ Nho trong văn Quốc ngữ”. Nam Phong tạp
chí, số 20 (2/1919).
[10] Lê Văn Siêu, 1956. Văn học sử Việt Nam. Nxb Văn học (tái bản), Hà Nội. 1999.
[11] Phạm Xuân Thạch, 2004. “Báo chí và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”
trong sách Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900 – 1945. Mã Giang Lân (chủ
biên), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
ABSTRACT
Nguyen Don Phuc’s style of travel writing
Nguyen Don Phuc is a travel writer who demonstrates a deep Chinese influence
in both language and penmanship. His travel writing works are an important element in
the history of Vietnam literature. Nguyen Don Phuc’s travel writing introduced traditional
beauty in modern literature which combined his personal characteristics and intelligence
in an innovative manner to create travel writing which is both historic and ancient.

47



×