JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2014, Vol. 59, No. 2, pp. 143-149
This paper is available online at
TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC MÔI TRƯỜNG
CHO HỌC SINH
Nguyễn Thị Thọ
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh, cho thế hệ trẻ hiện nay đang
là vấn đề cấp thiết đối với cả nhân loại, bởi quan hệ giữa con người với tự nhiên
đang đặt ra những vấn đề bức bách. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. . . đang
trở thành những trở ngại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển. Để phát
triển bền vững, chúng ta cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với tự nhiên,
phải đối xử một cách có đạo đức với tự nhiên - thực hiện đạo đức môi trường và
giáo dục đạo đức môi trường cho thế hệ trẻ.
Từ khóa: Con người, tự nhiên, đạo đức môi trường, phát triển bền vững.
1. Mở đầu
Đạo đức là một trong những phương thức căn bản điều chỉnh hành vi của con người
trong quan hệ với tự nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình. Là một lĩnh vực đặc
thù của đạo đức, biểu hiện trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, đạo đức môi
trường đã hình thành, phát triển và ngày càng trở nên cần thiết đối với mọi quốc gia trong
đó có Việt Nam. Lịch sử nhân loại từ trước đến nay thực chất là lịch sử của mối quan hệ
giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội và với chính bản thân mình. C.Mác đã
từng khẳng định: “Bản chất con người không phải là cái trừu tượng cố hữu của cá nhân
riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã
hội” [1]. Con người với tư cách là một thực thể xã hội, bằng hoạt động thực tiễn của mình
tác động vào tự nhiên, cải biến giới tự nhiên, đồng thời thúc đẩy sự vận động, phát triển
của lịch sử xã hội. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì sự tác động của con người vào
tự nhiên đang bộc lộ nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đòi hỏi con người phải đối xử một
cách có đạo đức với tự nhiên để đảm bảo yêu cầu cho phát triển bền vững. Vì vây, nghiên
cứu đạo đức môi trường và giáo dục nó cho học sinh là một việc làm hết sức cần thiết, có
ý nghĩa cả về phương diện lí luận và thực tiễn.
Ngày nhận bài: 15/08/2013. Ngày nhận đăng: 15/01/2014.
Liên hệ: Nguyễn Thị Thọ, e-mail:
143
Nguyễn Thị Thọ
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đạo đức môi trường
Tư tưởng về sự tương đồng, hoà hợp giữa con người và tự nhiên, tình yêu thương
giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật đã được đề cập đến cả trong
triết học phương Đông và phương Tây và trong các tôn giáo từ xa xưa. Nhưng, cùng với
sự phát triển của lịch sử xã hội loài người, sự phát triển của nhận thức, của khoa học công
nghệ; sự thay đổi trong quan niệm, lối sống con người đang dần phá vỡ mối quan hệ với
tự nhiên, đang phá vỡ quy luật tự nhiên, làm cho tự nhiên biến đổi mạnh mẽ theo chiều
hướng không có lợi cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Thực
tiễn lịch sử đang đòi hỏi, muốn có sự phát triển bền vững thì con người cần có thái độ
đúng đắn với tự nhiên, cần bảo vệ môi trường sống một cách tự giác và tự nguyện. Triết
gia Mĩ Aldo Leopold, người được coi là đã đưa ra những đánh giá đầu tiên về mặt đạo đức
giữa con người với tự nhiên, là người sáng lập Đạo đức học môi trường đã khẳng định:
“Hành động tốt là hành động nhằm bảo vệ sự toàn vẹn, sự ổn định và vẻ đẹp của cộng
đồng sinh vật, còn ngược lại thì đó là hành động xấu” [2].
Từ khi xuất hiện đến nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất, vẫn còn nhiều luận
bàn, đến năm 1979, thuật ngữ Đạo đức học môi trường và tương ứng với nó là Đạo đức
môi trường mới từng bước được sử dụng một cách phổ biến. Ngày nay, khi nói đến Đạo
đức học môi trường hoặc Đạo đức môi trường là người ta muốn nói đến “một phương diện
của phát triển. Nó thật sự có vai trò và ý nghĩa không thể thay thế trong việc bảo vệ môi
trường, trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại” [3].
Trên bình diện đạo đức, sự phản ánh yêu cầu của phát triển bền vững, của bảo vệ
môi trường vào ý thức đạo đức con người, loài người, sự thể hiện ý thức đó trong thực tiễn
phát triển xã hội và bảo vệ môi trường chính là ý thức và thực tiễn đạo đức môi trường. Do
vậy, đạo đức môi trường được hiểu “là một phương diện của đạo đức nói chung, là sự thể
hiện và thực hiện đạo đức xã hội trong lĩnh vực quan hệ giữa con người và tự nhiên” [4].
Để bảo vệ môi trường thì sự điều chỉnh bằng các công ước, luật môi trường hay
các quy chế là chưa đủ. Nên đạo đức môi trường có vai trò to lớn và không thể thiếu được
trong việc điều chỉnh mọi hành vi trong quan hệ giữa con người và tự nhiên. Sự điều chỉnh
bằng đạo đức là sự điều chỉnh không chỉ tự giác mà còn tự nguyện, điều mà sự điều chỉnh
bằng pháp lí không có được. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của đạo đức môi trường
càng trở nên quan trọng. Tất cả các quốc gia cần phải tự nguyện nêu cao trách nhiệm đạo
đức trong việc bảo vệ môi trường, cùng chung tay hành động trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường, chống biến đổi khí hậu và “cứu lấy trái đất” để bảo vệ sự sống của con người trên
cả hành tinh.
144
Tăng cường giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh
2.2. Sự cần thiết giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh
Môi trường tự nhiên là điều kiện sống vô cùng cần thiết và không thể thiếu được
đối với con người. Con người để tồn tại và phát triển thì đã, đang và sẽ phải tác động vào
tự nhiên, phải cải biến tự nhiên để tạo ra của cải vật chất nuôi sống con người và xã hội
loài người. Con người là sản phẩm của tự nhiên, là kết quả của sự phát triển cao nhất của
tự nhiên. Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Bản thân chúng ta, tất cả xương thịt, máu mủ
và đầu óc chúng ta là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên” [5].
Bởi vậy, con người không thể sống tách rời tự nhiên, con người cần phải hoà hợp với tự
nhiên; để duy trì sự tồn tại của mình, con người đồng thời phải chú ý đến sự tồn tại của tự
nhiên. Muốn làm được điều đó con người phải đối xử với tự nhiên một cách có đạo đức
để cả tự nhiên và con người cùng tồn tại, phát triển.
Ngày nay, vì mục tiêu phát triển của mình, phạm vi và mức độ tác động của con
người vào giới tự nhiên ngày càng gia tăng. Từ chỗ chỉ biết lợi dụng tự nhiên, sống dựa
vào tự nhiên một cách thụ động, thì ngày nay, con người đã tiến đến cải tạo, biến đổi tự
nhiên theo ý muốn của mình; từ chỗ bị các lực lượng tự nhiên chi phối, con người đã dần
vươn lên chế ngự tự nhiên. Những thành tựu mà con người đạt được, xét riêng về phương
diện kinh tế, là hết sức vĩ đại. Nó thể hiện sức mạnh, năng lực cải biến, chinh phục tự
nhiên để làm nên lịch sử của con người.
Tuy nhiên, xét từ góc độ sinh thái học, đạo đức học, dường như cái gọi là những
thành tựu trong tiến trình chinh phục tự nhiên lại đang "chống lại" con người. Những nhà
kinh điển của chủ nghĩa Mác đã từng khẳng định: “Chúng ta cũng không nên quá tự hào
về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một
thắng lợi, là một lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta” [6]. Trên thực tế, ngày nay, con
người đang phải gánh chịu sự "trừng phạt" của tự nhiên do những hành động thái quá,
phiến diện của mình. Tiếng chuông cảnh tỉnh về những nguy cơ, thảm hoạ môi trường
sinh thái đang được gióng lên ở tất cả các nước. Tự nhiên đang phải "gồng mình" để chịu
đựng những tổn thương tích tụ ngày càng lớn do tác động của con người, cả về phạm vi
lẫn tính chất nghiêm trọng. Cùng với đó, cả nhân loại cũng đang phải “gồng mình” gánh
chịu hàng loạt vấn đề môi trường bức bách. Con người, với việc khẳng định mình là trung
tâm, tất cả vì lợi ích sống còn trước mắt của mình đang tác động vào tự nhiên như “một
kẻ đi xâm lược”, điều đó đã dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái, thiên nhiên đang “kêu
cứu”, sự sống con người đang bị đe doạ, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống ô nhiễm,
đa dạng sinh học suy giảm, lũ lụt, hạn hán, mất cân bằng sinh thái, đến những căn bệnh
hiểm nghèo... đang đe doạ sự tồn tại và phát triển của cả loài người.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam, sau gần 30 năm tiến hành đổi mới, những thành tựu
mà chúng ta thu được về kinh tế, về nâng cao đời sống vật chất là rất đáng kể. Tuy nhiên,
cùng với đó thì vấn đề môi trường cũng đang báo động ở nhiều khía cạnh. Quá trình công
nghiệp hoá, đô thị hoá, trên bình diện môi trường, sự gia tăng tốc độ đô thị hoá dẫn đến
ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, tệ nạn xã hội, dịch bệnh đang trở thành những
145
Nguyễn Thị Thọ
thách thức đe doạ sự phát triển. . . Vì vậy, việc bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề
trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài. Phải coi việc bảo vệ môi trường, đối xử có đạo đức
với môi trường là một phương diện hữu cơ của bản thân sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá.
Với những lí do đó, giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh, hướng những người
chủ tương lai của đất nước đối xử có đạo đức đối với tự nhiên, với môi trường đang là một
trong những vấn đề cấp thiết, cần làm ngay. Bởi, học sinh - thế hệ hiện tại, chủ nhân tương
lai của đất nước, những người sẽ viết tiếp lịch sử về mối quan hệ giữa con người với tự
nhiên cần có hiểu biết sâu sắc và hành động đúng trong quan hệ với tự nhiên. Giáo dục
đạo đức môi trường cho thế hệ trẻ, cho học sinh không chỉ để giải quyết những vấn đề cho
thực tiễn hôm nay, mà còn giải quyết những vấn đề cho ngày mai, cho tương lai, góp phần
đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của nhân loại. Uỷ ban thế giới về môi
trường và phát triển (WCED) đã nhấn mạnh: phát triển bền vững là “phát triển để đáp ứng
nhu cầu của đời này mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của đời sau” [7].
2.3. Thực trạng và giải pháp giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh ở
Việt Nam hiện nay
Nhận thức được mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, tầm quan trọng của môi
trường đối với sự sống còn của con người và với chiến lược phát triển bền vững của mỗi
quốc gia. Đặc biệt, đứng trước thực tiễn ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. . . các quốc
gia đang có những nỗ lực để “cứu lấy trái đất” nhằm mục đích “cứu lấy” cuộc sống của
con người.
Ở Việt Nam, từ năm 1993, Luật bảo vệ môi trường đã được ban hành. Năm 2005,
Chủ tịch nước công bố Luật bảo vệ môi trường bổ sung với 15 chương, 136 điều quy định
về hoạt động bảo vệ môi trường, chính sách, nguồn lực, biện pháp để bảo vệ môi trường. . .
Hệ thống quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương tới địa phương từng bước
được kiện toàn và đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, trong các nhà trường, việc giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của
môi trường đối với sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người, nâng cao
nhận thức về đạo đức môi trường cho học sinh, coi nó như là một phương diện đặc biệt của
đạo đức xã hội để có được sự phát triển bền vững, phát triển không chỉ cho hôm nay mà
cho cả mai sau; giúp học sinh hiểu được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường
sinh thái. . . đã được thực hiện trong chương trình giáo dục từ bậc học tiểu học đến trung
học cơ sở, trung học phổ thông và cao hơn nữa ở những mức độ nhất định. Đặc biệt, trong
môn học Giáo dục công dân đã có những bài giảng về chủ đề môi trường và phát triển bền
vững, về trách nhiệm của học sinh trong việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Ngoài
ra, giáo dục đạo đức môi trường còn được thực hiện lồng ghép trong các môn học khác,
trong các hoạt động Đội, Đoàn, từ đó góp phần hình thành và phát triển tình yêu thiên
nhiên, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho học sinh.
146
Tăng cường giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh
Tuy nhiên, những kết quả thu được trong giáo dục đạo đức môi trường chưa tương
xứng với đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Nhân loại đang đứng trước những cảnh báo về
sự “trả thù” của tự nhiên, của biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam được xem là một
trong những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề “trước cơn thịnh nộ” của tự nhiên.
Hơn nữa, ý thức bảo vệ môi trường đối xử có đạo đức với tự nhiên chưa cao. Việc thực
thi luật bảo vệ môi trường với hiệu quả thu được chưa thực sự như mong muốn. Đánh
giá những hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện
cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 - 2011) có
đoạn viết: “Vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức lạc hậu
so với thực tiễn; thiếu kiên quyết, thiếu giải pháp cụ thể, thiếu nguồn lực để xử lí những
cơ sở, những địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng; môi trường sinh thái, môi trường tự nhiên
ở nhiều nơi đang bị xuống cấp, bị huỷ hoại, gây ra những hậu quả to lớn, khó lường, lâu
dài về nhiều mặt” [8].
Theo báo cáo môi trường quốc gia, các năm 2010, 2011, chất lượng môi trường ở
Việt Nam vẫn đang tiếp tục suy thoái, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững, sức
khoẻ và đời sống của nhân dân. Cụ thể: Biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng trên
phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở Việt Nam. Môi trường đất đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Môi trường nước mặt hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và suy thoái.
Môi trường không khí vẫn tiếp tục suy giảm [9].
Để bảo vệ môi trường sinh thái, để giải quyết tốt mối quan hệ hài hoà giữa con
người với tự nhiên, để thế hệ tương lai không phải gánh chịu những hậu quả do thế hệ
hiện tại để lại. . . thì đã đến lúc chúng ta cần có sự nghiêm túc hơn nữa trong nhìn nhận,
đánh giá mối quan hệ giữa con người với tự nhiên một cách khách quan nhất, từ đó đưa ra
những giải pháp hữu hiệu giải quyết tốt mối quan hệ này.
Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức môi trường, hình
thành ở mỗi công dân tinh thần tự nguyện, tự giác trong ứng xử có đạo đức với môi trường
thì chúng ta cần chú ý tới một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đưa Đạo đức môi trường vào trường học như là một nội dung bắt buộc
trong chương trình học của các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Giáo dục để giúp
học sinh nhận thức được bảo vệ môi trường là bảo vệ lợi ích chung của xã hội trong đó có
lợi ích của mỗi người; không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn là lợi ích lâu dài, không
chỉ cho đời này mà còn cho đời sau.
Thứ hai, giáo dục cho học sinh nắm được những chuẩn mực đạo đức môi trường
để tự điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực đó. Cơ sở của chuẩn mực đạo đức môi
trường là những hiểu biết, những tri thức về mối liên hệ, tính quy định lẫn nhau giữa con
người (xã hội) và môi trường. Những chuẩn mực căn bản của đạo đức môi trường hiện nay
thường được bàn đến là:
- Tôn trọng và bảo vệ sự hài hoà của hệ thống con người - xã hội - tự nhiên
- Sử dụng tài nguyên tiết kiệm và có hiệu quả.
147
Nguyễn Thị Thọ
- Tự giác và tự nguyện nâng các yêu cầu pháp lí về bảo vệ môi trường thành các yêu
cầu đạo đức.
- Công bằng trong khai thác và bảo vệ môi trường.
- Nâng cao tinh thần tương trợ và phối hợp hành động giải quyết các sự cố môi
trường.
- Giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp trong đời sống thường nhật.
- Thực hành lối sống văn hoá, thể hiện quan hệ hài hoà giữa mức sống và ý nghĩa
cuộc sống.
Thứ ba, triển khai rộng rãi hơn môn học “Em học sống xanh” ở các cấp học phổ
thông. Hiện tại môn học này đang được thí điểm ở một số trường trong nội thành Hà Nội,
thông qua một dự án có sự tài trợ của nước ngoài và thu được những kết quả khả quan.
Cần đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa để học sinh ở nhiều cấp học, trường học, vùng miền
được hiểu rõ về tầm quan trọng của tự nhiên đối với con người và ý thức của con người
trong bảo vệ môi trường tự nhiên.
Thứ tư, giáo dục học sinh thực hiện hành vi có đạo đức đối với môi trường, với
các hoạt động ngoại khoá hướng về môi trường xanh sạch đẹp, ngày thứ 7, ngày chủ nhật
xanh. . .
Con người với tính cách một sinh vật phát triển nhất, phải nuôi dưỡng một ý thức
tôn trọng sự tồn tại của mọi khách thể khác thay vì sự ngự trị của thế giới quan cũ với quan
niệm cho rằng, con người là chúa tể của muôn loài, có quyền năng vô hạn trước tự nhiên.
Giáo dục đạo đức môi trường cần phải hướng tới trang bị cho con người những hiểu biết
sâu sắc về những mối liên hệ và tính quy định đó. Những hiểu biết này sẽ là điều kiện để
nảy sinh và phát triển tình yêu thiên nhiên và là nhân tố để hình thành và thực hiện trách
nhiệm đạo đức đối với môi trường.
Có thể khẳng định rằng, để tạo nên quan hệ hài hoà giữa con người và tự nhiên nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội, thì đã đến lúc con người cần phải có sự
thay đổi trong nhận thức về vai trò của giới tự nhiên, về vị trí của con người trong hệ thống
tự nhiên - xã hội - con người; cần phải nâng cao sự hiểu biết về cái “thân thể vô cơ” - cái
thân thể mà thiếu nó, cũng không có sự tồn tại, phát triển của con người, đồng thời tự giác
điều chỉnh hành động của mình phù hợp với quy luật của giới tự nhiên.
3. Kết luận
Có thể khẳng định rằng, đạo đức môi trường là một lĩnh vực đặc thù của đạo đức,
được thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với môi trường xung quanh.
Lịch sử xã hội luôn vận động biến đổi, cùng với đó là sự tác động của con người vào tự
nhiên đã tạo nên cơ sở cho sự hình thành và phát triển của đạo đức môi trường. Ngày nay,
khi nhân loại đã bước sang thế kỉ XXI với những thành tựu nổi bật của khoa học công
nghệ, công cụ lao động ngày càng được cải tiến, sự tác động của con người vào tự nhiên
148
Tăng cường giáo dục đạo đức môi trường cho học sinh
ngày càng mạnh mẽ, một mặt thể hiện năng lực chinh phục tự nhiên của con người, đem
lại nguồn của cải ngày càng lớn cho sự phát triển của xã hội. Mặt khác, cùng với sự phát
triển đó là sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu
đang trở thành những hiểm nguy đe doạ sự sống của con người. Bởi vậy, nhìn nhận đạo
đức môi trường như một phương diện không thể thiếu của cuộc sống hiện tại sẽ là một
giải pháp cần thiết để mỗi quốc gia có được sự phát triển bền vững
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] C.Mác và Ph.Ăng ghen. Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, T.3, tr 11.
[2] Aldo Leopold, “The Land Ethic”, in: A Sand County Almanac, New York: Oxford
University Press, 1949, p. 224-225.
[3] Nguyễn Văn Phúc, 2013. Đạo đức môi trường, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 9.
[4] Trần Đăng Sinh, Nguyễn Thị Thọ, 2008. Giáo trình Đạo đức học. Nxb Đại học Sư
phạm, Hà Nội, tr. 156.
[5] C.Mác và Ph.Ăng ghen. Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, T.20, tr
654, 655.
[6] Cứu lấy trái đất: Chiến lược cho cuộc sống bền vững. Nxb Khoa học Kĩ thuật, 1993,
tr 10.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, 2010. Báo cáo tổng kết 20
năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã
hội (1991 -2011), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 119.
[8] Bộ Tài nguyên và môi trường, Báo cáo môi trường quốc gia, 2010, 2011.
ABSTRACT
Improving environmental education
The need for a morally good education is needed and the lack of a moral relationship
with nature posese an urgent problem. Climate change and environmental pollution are
having a serious detrimental impact on national development. For development to be
sustainable, people would need to have an ethical relationship with nature.
149