Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Không - thời gian nghịch dị trong tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của G. G. Marquez

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (78.42 KB, 8 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

Social Sci., 2013, Vol. 58, No. 6, pp. 39-46

KHÔNG - THỜI GIAN NGHỊCH DỊ TRONG TIỂU THUYẾT
HỒI ỨC VỀ NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM BUỒN CỦA TÔI CỦA G.G.MARQUEZ

Phan Tuấn Anh
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Tóm tắt. Áp dụng lí thuyết của M.Bakhtin về những đặc trưng của nền văn hóa trào
tiếu dân gian, chúng tôi đã chứng minh tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm
buồn của tôi của G.G.Marquez là sự kế tục và phục hưng truyền thống văn hóa đặc
sắc ấy trong thời hậu hiện đại. Từ đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm là không – thời
gian nghịch dị, bài viết đã làm rõ mã thẩm mĩ đặc thù của tác phẩm, xóa bỏ những
định kiến và khoảng cách thẩm mĩ với người đọc đương đại. Qua những phát hiện
trên, bài viết nỗ lực khám phá tính chất nhân văn của tiểu thuyết Marquez, với tư
cách sự kế thừa xuất sắc nền tảng nền văn hóa trào tiếu dân gian Trung cổ và Phục
hưng, cũng như dấu ấn hậu hiện đại và phong cách cá nhân của tác giả.
Từ khóa: Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Marquez, yếu tố nghịch dị.

1. Mở đầu
Rất có thể trong nhiều năm qua, chúng ta đã chưa thực sự hiểu đúng và đủ về giá trị
thẩm mĩ trong ngôn ngữ tiểu thuyết Marquez. Nhiều công trình nghiên cứu về Marquez
chủ yếu đi vào quan niệm về cái huyền ảo, về nỗi cô đơn, về cảm quan hậu hiện đại. Một
số công trình khác chủ yếu phân tích vào hình thức tác phẩm, nhưng cũng chỉ trên góc độ
những thủ pháp nghệ thuật như giễu nhại, huyền thoại hóa, đa trị, tính nhục thể. . . Trong
một số công trình và bài viết có đề cập đến phương thức trần thuật (trong đó có chúng
tôi) cũng chỉ mới dừng lại ở việc khảo cứu đặc trưng tự sự mê lộ trong tiểu thuyết của
Marquez. Không/chưa có ai chú ý đúng/đủ mức đến nền tảng cốt lõi nhất của hình thức
tiểu thuyết Marquez, đó chính là ngôn ngữ và không gian, thời gian. Bài viết sẽ đi sâu tìm


hiểu không gian, thời gian này như là những yếu tố nghịch dị trong tiểu thuyết Hồi ức về
những cô gái điếm buồn của tôi của Marquez.

Ngày nhận bài 5/10/2012. Ngày nhận đăng 25/1/2013.
Liên lạc Phan Tuấn Anh, e-mail:

39


Phan Tuấn Anh

2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Không gian nghệ thuật nghịch dị
Tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi trước tiên đã được xây dựng
dựa trên không gian nghệ thuật điển hình cho thi pháp học tiểu thuyết của Marquez: không
gian nhà chứa. Trong nhiều tác phẩm khác nhau của Marquez, nhiều nhân vật (nam) chính
đã sống một cuộc đời trong các động gái điếm. Ở đó, họ đã nhận chân ra những giá trị của
cuộc sống, bản chất của con người và khám phá được những bí mật của xã hội. F.Ariza đã
sống những năm tháng cô đơn sau khi F.Daza ra đi trong những khu phố đèn đỏ (Tình yêu
thời thổ tả), hai anh em Aureliano và José Arcadio cũng đã được ủi an và thỏa mãn trong
nhà chứa của bà chủ chứa có tài tiên tri Pilar Ternera (Trăm năm cô đơn), ngay trong tự
truyện Sống để kể lại của mình, Marquez cũng thừa nhận đã từng đốt đời mình bên cạnh
những cô gái làng chơi gợi cảm. Đặc biệt, với truyện ngắn Chuyện buồn không thể tin
được của Erendira và người đàn bà bất lương, toàn bộ câu chuyện đã được diễn ra trong
không gian của một nhà chứa. Cuộc sống của nhà báo già chủ yếu cũng diễn ra trong
không gian nhà chứa, nơi ông lén lút đến vào mỗi tối sau khi xong công việc và chuồn đi
vào sáng sớm.
Nhà chứa là một không gian nghệ thuật đặc biệt, là nơi thân xác trở thành trung tâm
của thế giới, ân ái là mục đích chủ yếu và là nơi mọi thiết chế đạo đức, tuổi tác, địa vị xã
hội bị bỏ qua một bên. Những nhà thổ luôn tồn tại một cách đặc biệt, nó luôn bất hợp pháp

trong xã hội, nhưng lại là sự tồn tại có tính tất yếu, được các Nhà nước ngầm ẩn cho phép
tồn tại. Chính những quan chức nắm chính quyền và luật pháp lại thường là những khách
hàng thường xuyên của các nhà chứa: “Không bao giờ bà ta (Rosa Cabarcas) phải trả một
xu tiền phạt nào, bởi vì sân vườn của bà ta là miền khoái lạc của quan chức địa phương từ
viên tỉnh trưởng đến nhân viên quèn của tòa thị chính” [4;25]. Nhà chứa chính là không
gian bất hợp pháp nhưng lại phổ thông và được mọi người sử dụng khá phổ biến trong xã
hội. Nhà chứa vừa là không gian công cộng, vì mọi người đều có thể đến nhằm sử dụng
dịch vụ, nhưng lại là không gian riêng tư cá nhân, bởi từng hành vi làm tình cụ thể chỉ
có thể diễn ra một cách biệt lập so với không gian xã hội và cả đối với những không gian
nhà chứa khác. Chính vì nằm giữa làn ranh hợp pháp/bất hợp pháp, suy đồi/tất yếu, cấm
đoán/thừa nhận đó nên nhà chứa là không gian có tính nghịch dị rõ nét. Không gian nhà
chứa mang đậm tính chất của thứ không gian hội hè carnaval, nó đề cao khoái lạc, không
có tên thật và địa chỉ công khai, không phân biệt đối xử với bất kì hạng người nào và là
nơi tự do, bình đẳng nhằm trải nghiệm thân xác. Theo Bakhtin, trong những lễ hội cải
trang, người ta cũng không phân biệt diễn viên và quần chúng, không phân biệt địa vị xã
hội, không phân biệt đường biên sân khấu và thời gian quảng diễn, một không gian mang
tính “trò chơi”.
Không gian nhà chứa trong văn học hậu hiện đại là không gian hội hè đặc thù, nơi
lưu trữ lại truyền thống trào tiếu của nền văn học dân gian. Bởi ở đó, con người được sống
với hạ tầng thân xác, nơi họ đến với nhau bằng những tên giả, biệt danh, nơi thể hiện sự
lộn trái của xã hội, những kẻ đạo mạo có tiền nhất lại lộ nguyên hình là kẻ đê tiện nhất.
Chúng tôi đang đề cập đến “nhà chứa” như một hình tượng văn học hậu hiện đại đặc thù,
40


Không - thời gian nghịch dị trong tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi...

nơi thể hiện cảm quan và dụng ý nghệ thuật ngầm ẩn trong tiểu thuyết của Marquez nói
riêng và văn học hậu hiện đại nói chung, chứ không có ý biện hộ, khuyến khích cho sự
tồn tại, hoặc ngợi ca, cắt nghĩa giá trị của hoạt động mại dâm. Bởi vì, nhà chứa xuất hiện

không chỉ một lần trong tiểu thuyết Marquez, không hề và không đơn thuần chỉ mang ý
nghĩa trụy lạc, tiêu khiển cuộc đời tha hóa của những nhân vật (nam) chính, mà là một
biểu tượng văn hóa đặc thù có nguồn gốc xa xưa từ văn hóa trào tiếu dân gian, kết hợp
với cảm quan hậu hiện đại, nên cần xét đến nó như một không gian nghệ thuật mang tư
tưởng của tác giả. Sự suy giảm tiếng cười sau thời Phục hưng, tức sự lấn át của văn hóa
kinh viện, văn hóa duy lí và giáo điều, văn hóa của những đại tự sự đối với văn hóa trào
tiếu dân gian đã đẩy không gian lễ hội rộng lớn ngoài đường phố (các lễ hội carnaval) thu
gọn vào trong không gian của nhà chứa. Tức thu hẹp hóa và bất hợp pháp hóa không gian
của những lễ hội. Trong nghĩa đó, chúng tôi tin rằng, không gian nhà chứa là thánh địa bí
mật còn sót lại cuối cùng của những lễ hội trào tiếu dân gian quảng trường có nguồn gốc
từ xa xưa.
Chỉ còn trong không gian những nhà chứa, con người mới sống thật với bản nguyên
của mình, cởi bỏ mọi danh xưng đạo mạo và những trách nhiệm xã hội nặng nề. Trong
Tình yêu thời thổ tả cũng như Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Marquez đã cho
thấy mọi hạng người cao quý, có địa vị trong xã hội đã lộ nguyên hình như thế nào trong
nhà chứa, nơi họ thường để lộ những bí mật quan trọng của quốc gia và công việc, cũng
như bị những cô gái điếm mạt hạng của xã hội chi phối bởi quyền lực ghê gớm của “tình
yêu”. Nơi “tính mau mồm mau miệng của các vị chính khách vốn thường hay thổ lộ bí
mật quốc gia cho các người tình một đêm mà không biết rằng ngay sát vách bìa các tông
có đôi tai của đại diện báo chí. . . ” [4;21-22]. Nhìn chung, nhà chứa là một loại không
gian nhại không gian của thiên đường trong các kinh sách. Ở trong nhà chứa, các khách
làng chơi là những thượng đế, các cô gái bán dâm là những thiên thần, mụ/ông chủ chứa
là Chúa trời và nguyên nhân được tưởng thưởng hoan lạc chỉ đơn giản là vì tiền, không hề
có một quy tắc đạo đức hay thiện nguyện nào. Marquez đã từng miêu tả hình tượng mụ
chủ chứa kiêm gái điếm Castorina trong hào quang của Đức Mẹ đồng trinh Maria: “. . . bà
ta là một người đàn bà đi lên từ những góc phố khốn cùng ở cảng sông để chiếm giữ ngai
vàng thiêng liêng của mẹ thánh lớn nhất (PTA nhấn mạnh)” [4;118]. Bước vào nhà chứa
là chỉ có hai hạng người: khách làng chơi và gái điếm. Con người được sống trọn vẹn cuộc
sống thiên đường trên trần thế, bất chấp họ đã cư xử như thế nào và có ngoan đạo hay
không. Thật vậy, cuốn tiểu thuyết của Marquez từng tả về nhà chứa: “tôi đã đi lên trên và

thấy một quang cảnh thần tiên. Những người đàn bà đã bán rẻ thân xác của mình cho đến
tận sáng bạch. . . lõa thể và luôn miệng hét kể lại những cuộc phiêu lưu đêm hôm trước”
[4;117]. Một thiên đàng hoan lạc nằm ở ngoại biên đời sống xã hội, nhưng không kém
phần nhân văn: “nơi bà ta (Castorina – PTA) mời các khách hàng nghèo cùng dùng bữa ăn
điểm tâm kha khá, cho họ mượn xà phòng, chữa đau răng cho họ, và trong những trường
hợp cấp hơn, còn cho họ một cuộc tình từ thiện” [4;118]. Cần hiểu đúng không gian nhà
chứa trong tiểu thuyết của Marquez, chứ không thể lấy quan niệm hẹp hòi, khắc kỷ của
một người hiện đại nhằm cắt nghĩa về một hình tượng đậm tính nhân văn có nguồn gốc
xa xưa từ nền văn hóa trào tiếu dân gian. Bởi vậy, khi nhân vật nhà báo già nói rằng ông
41


Phan Tuấn Anh

đã bị các cô gái điếm không cho đủ thời gian để lấy vợ, cũng như cuộc sống mỗi đêm đều
đốt đời mình trong những khu đèn đỏ, thì không nên hiểu đó là một cuộc sống sa ngã suy
đồi, mà chính là ước vọng và nỗ lực được sống trong một thế giới lộn trái, thế giới mang
tính chất nghịch dị cuối cùng còn sót lại của những lễ hội trào tiếu dân gian xa xưa.

2.2. Không gian nghệ thuật nghịch dị
Ngoài việc đưa ra một cảm quan không gian nghịch dị đặc thù, cuốn tiểu thuyết của
Marquez còn đưa thời gian trở thành một hình tượng mang tính nghịch dị. Marquez đã
diễn trình lại thời gian bằng sự đối lập của hai chiều kích: từ quá khứ đến hiện tại và từ
hiện tại vận động chưa hoàn thành để tiếp tục phát triển. Chiều kích từ quá khứ đến hiện
tại trải dài đến 90 năm, bao gồm sự điểm xuyết qua một số cột mốc cơ bản như:
+ 12 tuổi: bị cưỡng dâm, lần đầu tiên quan hệ xác thịt.
+ 19 tuổi: mẹ dắt đến tòa soạn và bắt đầu nghiệp cầm bút trong 40 năm.
+ 20 tuổi: bắt đầu ghi lại tên những người phụ nữ đã làm tình cho đến năm 50 tuổi,
đây cũng là thời gian bắt đầu đến chợ hoa Cartagena.
+ 32 tuổi: mồ côi cha lẫn mẹ và bắt đầu một cuộc đời cô đơn.

+ 42 tuổi: bắt đầu thấy những cơn đau vai và đi khám.
+ 50 tuổi: bắt đầu nhầm lẫn và lãng quên nhiều điều.
+ 90 tuổi: tổ chức một lễ sinh nhật đặc biệt bằng cách gọi cho mụ chủ chứa.
Chúng ta có thể nhận ra, trong quãng thời gian gần một thế kỉ ấy, tác giả không
miêu tả nhiều thông tin, mà chủ yếu chỉ điểm qua những sự kiện chính với khoảng cách
trên dưới mười năm mới miêu tả đến một lần. Trong 90 năm đằng đẵng ấy, chỉ có khoảng
ước chừng bảy cột mốc chính được nhắc đến một cách cụ thể. Ngược lại, khoảng thời gian
hiện tại chưa hoàn thành chỉ kéo dài trong vòng chưa đầy một năm, nhưng lại chiếm phần
lớn thời gian trần thuật. Như vậy, đã có một độ chênh giữa thời gian biên niên và thời gian
trần thuật. Trong đó, 90 năm cô đơn trôi qua chỉ được miêu tả sơ sài còn một năm tình
yêu trong thì hiện tại chưa hoàn thành thì tái hiện chi tiết đến từng phút, từng giờ. Chỉ tính
riêng trong 1/2 ngày thứ 6 (28 tháng 8), vào dịp sinh nhật lần thứ 90, đã có một hệ thống
điểm mốc thời gian được miêu tả đến như sau:
+ 15h gọi điện cho mụ chủ chứa Rosa yêu cầu một cô gái đồng trinh (chúng tôi căn
cứ vào việc mụ Rosa hẹn một tiếng sau sẽ hồi âm).
+ 16h: có được cuộc gọi của mụ Rosa về việc đã tìm được một cô gái đồng trinh.
+ 19h hoặc 20h: băn khoăn trong việc chọn trang phục, cạo râu.
+ 22h: lên xe taxi đến nghĩa trang Hoàn Cầu.
+ 23h: vào phòng có Delgadina đang ngủ và làm vệ sinh thân thể.
+ 24h: đi ngủ và tiếng chuông báo hiệu bước sang ngày 29 tháng 8.
+ 5h sáng ngày 29: tỉnh dậy và rời nhà chứa.
Như vậy, chỉ trong một ngày, mà thực chất là chưa trọn 24h (từ 15h hôm trước đến
5h sáng hôm sau), đã có 7 điểm mốc thời gian được miêu tả đến, cứ trung bình 2h thì
42


Không - thời gian nghịch dị trong tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi...

miêu tả một lần. Những này sau đó (ngày 29, “ngày thứ hai”, “ngày thứ ba”) cũng đều
được miêu tả với mật độ chi tiết thời gian dày đặc một cách tương tự. Thông qua thủ pháp

nghịch dị, tính tương đối của thời gian biên niên trong thực tại đã bị vạch rõ. Khi đó, con
người ta chỉ thực sự sống, thực sự cảm nhận được thời gian chỉ ở thì hiện tại, một cánh cửa
hiện tại được mở ra bằng chìa khóa của tình yêu. Mặt khác, thời gian luôn là hình tượng
trung tâm trong văn hóa lễ hội carnaval, cũng như trong nền văn học mang dấu ấn nghịch
dị trào tiếu dân gian. Trong thế giới lễ hội carnaval, thời gian hiện hữu không phải là thời
gian của ba chiều kích quá khứ - hiện tại – tương lai, mà là thời gian của hiện tại vận động
đến tương lai. Bakhtin từng cho rằng: “Mô hình thế giới về thời gian biến đổi tận gốc: nó
trở thành cái thế giới mà ở đó không có lời đầu tiên (sự khởi nguyên của ý tưởng), còn lời
cuối cùng thì cũng chưa được phát ra” [Bakhtin (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết,
Trường Viết văn Nguyễn Du, tr.61]. Bên cạnh đó, Bakhtin cũng cho rằng: “Nhưng tiếng
nói hội hè của thời gian trước hết là tiếng nói về tương lai. . . dự đoán một tương lai tốt
đẹp hơn” [1;454]. Chính nhờ tính hiện tại hướng đến tương lai này, mà con người đã dám
sống và được sống một cách hiện sinh trong thời gian. Nhân vật nhà báo già ở tuổi 90 đã
không bao giờ chấp nhận chờ đợi, mà luôn đòi hỏi nhu cầu phải được thực thi trong hiện
tại. Ông không “chuẩn bị sống” (Trương Đăng Dung), mà luôn cố gắng sống một cách
đích thực trong hiện tại, hiện hữu tại thế. Chính bởi cảm quan này, mà nhà báo già luôn
phát ngôn chối từ sự chờ đợi trong thời gian (tương lai), chối từ cả thời gian đã trôi qua và
thời gian đánh mất (quá khứ): “Tôi nói một cách nghiêm túc với bà ta. . . ở vào tuổi của
tôi, thì mỗi giờ là bằng cả một năm” [4;10].
Hình tượng nghịch dị luôn được xây dựng dựa trên một cảm quan về thời gian đang
trong trạng thái biến thiên, chưa hoàn thành, mọi sự việc đều vận động theo thời gian.
Chính vì vậy, nhà báo già từng thú nhận: “Tôi không bao giờ quỳ gối trước thứ của lạ. . .
Mà đạo đức cũng thay đổi theo thời gian” [4;10]. Việc một ông lão 90 tuổi nằm bên cạnh
một cô gái 14 tuổi với một tình yêu tha thiết điên cuồng, một mối giao hòa tinh thần ngầm
ẩn thông qua thân xác chính là biểu tượng rõ nét nhất cho sự tuần hoàn của thời gian.
Sự sống và cái chết, thanh xuân và tuổi già, tàn lụi và sinh sôi luôn đồng hành với nhau,
không phủ định nhau mà thống nhất trong một mối quan hệ tạo sinh biện chứng. Lúc này,
nhờ xác lập quan hệ thời gian tuần hoàn, và đề cao tính biến chuyển chưa hoàn thành, nên
cái chết và tuổi già đã không còn mang khuôn mặt tử thần, hoàn toàn không mang nỗi
sợ hãi. Nỗi sợ hãi thường trực trong những cuốn tiểu thuyết của Marquez không phải là

cái chết, mà là nỗi cô đơn trong thời gian. Do đó, các nhân vật thường xuyên nghĩ rằng:
“Không có gì bất hạnh bằng chết trong cô đơn” [4;106], chứ không phải không có gì bất
hạnh bằng cái chết hoặc cái chết sớm. Do đó, nếu tìm thấy ý nghĩa của hiện sinh trong
thời gian, thì bản thân cái chết không hề đáng sợ hãi: “Cuối cùng thì đó chính là đời thực,
với trái tim tôi mạnh khỏe nhưng đã bị tuyên án sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp
hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm của tôi” [4;122]. Thông qua
hình tượng Delgadina và tình yêu bất diệt với nàng, nhà báo già đã khắc phục được cảm
thức cô đơn trong thời gian.
Trên một phương diện khác, với cảm quan nghịch dị, bản thân hình tượng thời gian
của tuổi trẻ, của mùa xuân, của sinh nhật cũng hàm chứa cái mệnh đề phản thân của nó.
43


Phan Tuấn Anh

Từ cảm quan thời gian nghịch dị này, chúng ta có thể hiểu tại sao mỗi sinh nhật của nhà
báo già là một gánh nặng, một nỗi ám ảnh cái chết và càng tăng thêm cảm thức cô đơn.
Trong cảm quan hiện sinh rõ nét, luôn ý thức về thời gian, mỗi lần sinh nhật là nhà báo
già lại cảm thấy cận kề với cái chết: “tôi bắt đầu cảm thấy sức nặng của chín mươi năm
đè lên mình, và bắt đầu đếm từng phút một số phút giây ban đêm còn lại để đến với cái
chết” [4;36]. Phải hiểu cảm quan thời gian mang tính nghịch dị ấy trong tiểu thuyết của
Marquez, mới hòng giải mã được tại sao một ông lão trí thức tuổi 90, vào đúng sinh nhật
của mình lại quyết định mua trinh một cô bé 14 tuổi, dù cả đời đã ý thức sâu sắc rằng:
“không có cuộc phiêu lưu nào tránh khỏi sự trừng phạt” [4;19]. Nếu theo quan niệm tuổi
già càng phải giữ gìn và tôn trọng đạo đức, tuổi già phải nâng đỡ cho tuổi trẻ. . . thì chúng
ta sẽ hiểu sai hoàn toàn giá trị nhân văn trong tiểu thuyết của Marquez. Cần nhớ lại hai
bài kinh cầu nguyện của Panurge và thầy dòng Jean (Gargantua và Pantagruel – Rabelais)
về hình tượng chúa Kyto cần phải xả hết ống dẫn tinh trước Ngày phán xử cuối cùng, và
đề xuất cho mỗi tên tử tội trước khi tử hình được phép thụ thai cho một người phụ nữ như
một hành vi tái sinh để hiểu về văn phong nhại kiểu nghịch dị, cũng như nỗi lo sợ trước

cái chết của nền văn hóa trào tiếu dân gian.
Thời gian trong tiểu thuyết của Marquez là thời gian nghịch dị, kết hợp tính hiện
sinh với cảm quan văn hóa trào tiếu dân gian. Trong đó, cặp đối xứng già/trẻ, sống/chết
phải đi liền với nhau, và càng già người ta lại càng cần được cứu rỗi thông qua vẻ đẹp của
một thiếu nữ trẻ tuổi, bởi họ nhận thức được sự bi đát của kiếp người thông qua thời gian.
“Đó là hình tượng của cơ thể song thân: ông (Rabelais – PTA) nói rằng bản thân tuổi già
lại khai hoa trong tuổi trẻ mới. Ông đã chuyển cái hình tượng nghịch dị - dân gian tuổi già
mang thai hay cái chết sinh nở sang một thứ ngôn ngữ hoa mĩ chính thống, gần gũi với
tinh thần của nguyên bản” [1;642-643]. Trong Lolita, nhân vật H.Humbert cũng từng nhắc
nhở chúng ta: “Ngoài ra, vì ý niệm thời gian đóng vai trò kì diệu đến thế trong chuyện
này, người nghiên cứu chớ ngạc nhiên khi biết rằng phải là một khoảng cách, không bao
giờ dưới mười năm, theo tôi nghĩ, thường là ba hay bốn mươi, thậm chí chín mươi năm
(PTA nhấn mạnh) trong một số trường hợp nổi tiếng, giữa cô gái với người đàn ông, mới
khiến cho người này gục ngã dưới sức quyến rũ của tiểu nữ thần” [9;27]. Nên nhớ rằng,
ông lão Eguchi trong Người đẹp say ngủ đến với những cô gái điếm khỏa thân say ngủ
là nhằm hoài niệm về quá khứ, còn nhà báo già đến với Delgadina là nhằm sống với hiện
tại. Eguchi không yêu những cô gái điếm đang ngủ cạnh mình, mà hoài niệm về nhưng cô
gái đã đi qua đời ông, những cô gái đang say ngủ chỉ là những khách thể trong tâm hồn
Eguchi. Ngược lại, nhà báo già yêu Delgadina đến điên cuồng, nàng là toàn thể hiện tại
đối với ông, những cô gái được hoài niệm lại trong quá trình yêu nàng chỉ làm rõ hơn giá
trị tinh thần của Delgadina, bởi tất cả những người phụ nữ trong quá khứ ấy đã không thể
cứu rỗi nỗi cô đơn trong trái tim nhà báo già, nhưng nàng thì hoàn toàn có thể. Delgadina
là chủ thể của trái tim nhà báo già trong thời gian hiện hữu tại thế. Do đó, tựa đề là “hồi
ức” về “những cô gái điếm” nhưng kì thực lại là cuốn tiểu thuyết được viết trong thì hiện
tại, và chủ yếu chỉ viết về Delgadina.
Chúng ta có thể thấy tiêu chí để lường định thời gian trong Hồi ức về những cô gái
điếm buồn của tôi cũng mang tính chất nghịch dị. Marquez đã không dùng mùa màng,
44



Không - thời gian nghịch dị trong tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi...

năm tháng, thiên nhiên nhằm đo lường thời gian, mà dùng chính thân thể của con người
nhằm xác định sự trôi chảy của thời gian. Nhà báo già chỉ tin mình đang già đi và thời
gian đang trôi bằng những triệu chứng bệnh lí của cơ thể: chiều cao thu ngắn lại cả một
gang tay, xương cốt đau nhức, hậu môn bỏng rát, lãng quên trí nhớ, đau vai. . . Ngược lại,
ông cũng tin thực chất thời gian đang không trôi đi quá nhanh, bởi dòng nước đái vẫn chảy
“ào ào và liên tục như của chú ngựa hoang” [4;33]. Như vậy, đo thời gian bằng tín hiệu
và hiện trạng cơ thể cũng mang tính nghịch dị, bởi cơ thể già đi không đều nhau giữa các
bộ phận. Có nơi già đi rõ rệt và thảm hại, nhưng cơ quan sinh dục/bài tiết của nhà báo già
thì không. Tính tương đối của thời gian, chính xác hơn, tính chủ quan của thời gian cũng
được đề cao trong tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà Kawabata đã chọn ngôi kể thứ ba
có tính toàn tri cho Người đẹp say ngủ, nhưng Marquez lại chọn ngôi kể thứ nhất (nhân
vật kể chuyện xưng “tôi”) cho Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Chọn ngôi kể
thứ nhất là một dụng ý nghệ thuật nhằm trải nghiệm thời gian trong tính nhận thức chủ
quan của chủ thể. Thời gian là thời gian của bên trong con người, được con người cấp cho
nó một ý nghĩa, chứ hoàn toàn không có thời gian khách quan. “Thật kỳ quặc: nhìn ngắm
và xoa xoa thân thể bằng da bằng thịt của em, tôi lại cảm thấy không thật bằng hình bóng
nàng trong ký ức của mình” [4;68]. Như vậy, tưởng tượng quan trọng hơn thực tại, và ký
ức xác thực hơn hiện tồn. Số tuổi của Delgadina là 14, nhưng cũng chẳng có gì xác nhận
cho điều đó. Chính vì vậy, nhà báo già đã tùy ý mặc định số tuổi cho nàng theo từng hôm,
với những bộ trang phục khác nhau: “Tôi khoác trang phục cho nàng tùy theo tuổi tác và
điều kiện phù hợp với tâm lí của tôi” [4;66]. Có khi là nữ hoàng xứ Babylon 70 tuổi, khi
là cô dâu vào tuổi 20, lại có khi gái gọi ở tuổi 40, nữ thánh tuổi 100. . . Thời gian trong
tiểu thuyết của Marquez vẫn là thời gian của lễ hội carnaval, nhưng đó là thứ thời gian của
những lễ hội tình. Do đó, trong sinh nhật lần thứ 90 của mình, nhà báo già mới nảy ra ý
định tổ chức một lễ hội phóng đãng bằng cách ngủ với một thiếu nữ đồng trinh. Đó không
phải là một hành vi suy đồi, mà cần hiểu nó theo nghĩa đó là một nỗ lực níu giữ, đánh dấu
thời gian, tái sinh thời gian trong tình yêu.


3. Kết luận
Tóm lại, nếu như không – thời gian truyền thống trong văn hóa trào tiếu dân gian
của Rabelais là không gian quảng trường và thời gian lễ hội, thì đến thời hậu hiện đại,
với một cảm quan mới, không – thời gian ấy dù vẫn giữ được tính chất nghịch dị truyền
thống, nhưng đã được khúc xạ thành không gian nhà chứa và thời gian tình yêu/dục. Thời
gian trong Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi là kiểu hình tượng thời gian nghịch
dị được xây dựng bằng một thủ pháp đặc biệt: “Tôi vui vẻ thấy rằng cuộc đời không phải
như dòng sông ngầu đục của Heraclite, mà là một dịp duy nhất được xoay trên que xiên
ngang và tiếp tục được nướng tiếp ở mặt khác trong chín mươi năm nữa” [4;115]. Đó là
kiểu xây dựng hình tượng thời gian bằng cách áp dụng nguyên tắc lộn trái thế giới (xoay
ngược), cảm quan biến chuyển, luân hồi thời gian (tiếp tục sống thêm 90 năm nữa), cũng
như cách quan niệm mang tính phanh xẻ cơ thể (xiên ngang) và cỗ bàn tiệc (nướng) rất
đặc trưng trong chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Chính nhờ cảm quan ấy, tính bi đát thời
45


Phan Tuấn Anh

gian của Heraclite (không ai tắm hai lần trên một dòng sông) đã được siêu thoát và hóa
giải, chính nhờ tiếng cười, con người đã thực sự được cứu rỗi và giác ngộ chân lí trước
thời gian.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] M.M. Bakhtin, 2006. Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung
cổ và Phục hưng. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Lê Huy Bắc, 2009. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez. Nxb
Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[3] Gabriel Garcia Marquez, 2001. Giờ xấu. Nxb Văn học, Hà Nội.
[4] Gabriel Garcia Marquez, 2007. Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Nxb Thành
phố Hồ Chí minh, Tp Hồ Chí Minh.
[5] Gabriel Garcia Marquez, 2000. Tin tức về một vụ bắt cóc. Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí

Minh.
[6] Gabriel Garcia Marquez, 2004. Tình yêu thời thổ tả. Nxb Văn học, Hà Nội.
[7] Gabriel Garcia Marquez, 2000. Tướng quân giữa mê hồn trận. Nxb Văn học, Hà Nội.
[8] Gabriel Garcia Marquez, 2003. Trăm năm cô đơn. Nxb Văn học, Hà Nội.
[9] Vladimir Nabokov, 2012. Lolita. Nxb Hội nhà văn. Hà Nội.
ABSTRACT
The grotesque space and time in the novellas
Memories of my Melancholy Whores by G.G.Marquez
Applying the theory of M. Bakhtin on the characteristics of satirical folk culture,
we have proved that the novel Memories of My Melancholy Whores of G.G. Marquez
continues and revives the tradition of unique culture in the postmodern period. Making
use of space and time, the article clarifies the particular aesthetic code of the work, and
removes the prejudices and gap between aesthetics and current readers. Through the above
findings, this article attempts to explore the nature of humanity in Marquez’s novel as an
excellent inheritance of the background of the satirical folk culture of the Middle and
Renaissance Ages, as well as a postmodern work presenting the personal style of the
author.

46



×