Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Tác động của đô thị hoá tới phát triển kinh tế - Xã hội của một số làng nghề ở thành phố Hà Nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.53 KB, 11 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Interdisciplinary Science, 2013, Vol. 58, No. 1, pp. 166-176
This paper is available online at

TÁC ĐỘNG CỦA ĐÔ THỊ HOÁ TỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
CỦA MỘT SỐ LÀNG NGHỀ Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Đặng Thị Phương Anh, Cao Hoàng Hà và Bùi Thị Thu Vân
Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tóm tắt. Quá trình đô thị hoá của Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển rất năng
động. Nó ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các làng nghề truyền thống.
Một vài làng nghề đang lụi tàn, trong khi một số khác phát triển hơn. Để tồn tại, các
làng nghề phải thay đổi công nghệ sản xuất, mô hình, chất lượng, giá cả, phương
pháp xúc tiến quảng bá. Nghệ nhân, người sử dụng lao động và chính quyền địa
phương cần thực hiện tổng hợp các biện pháp trong công nghệ sản xuất, marketing
cũng như sử dụng nhân công.
Từ khóa: Làng nghề, đô thị hoá, phát triển, tồn tại, công nghệ sản xuất, mô hình,
chất lượng, giá cả.

1.

Mở đầu

Phân tích, nghiên cứu về đô thị hoá ở nước ta không còn là vấn đề mới mẻ, bởi quá
trình đô thị hoá đang ở giai đoạn phát triển sôi động, kéo theo đó là hàng loạt các hệ quả.
Đô thị hoá đang phát triển đa dạng, phức tạp hơn, nên bổ sung nghiên cứu thực tiễn ở bất
kì phạm vi nào đều là hoạt động đáng được khuyến khích. Trong bài báo này, chúng tôi
đánh giá, phân tích ảnh hưởng của một chủ thể được coi là hiện đại: đô thị hoá với một
chủ thể mang tính chất truyền thống là làng nghề. Căn cứ vào các điều kiện chủ quan và
khách quan, nhóm tác giả lựa chọn tác động của quá trình đô thị hoá tới phát triển kinh tế


xã hội của một số làng nghề nổi tiếng tại thành phố Hà Nội, từ đó đóng góp một số giải
pháp cụ thể nhằm bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề trong điều kiện tác
động của quá trình đô thị hoá.

Received December 11, 2011. Accepted May 24, 2012.
Contact Cao Hoang Ha, e-mail address:

166


Tác động của đô thị hoá tới phát triển kinh tế - xã hội của một số làng nghề...

2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Cơ sở lí luận về đô thị hoá và làng nghề

2.1.1. Về đô thị hoá
Đô thị hóa được hiểu khái quát là quá trình hình thành và phát triển các thành phố
không chỉ về quy mô mà còn về cả chất lượng. Sự gia tăng số lượng và quy mô các thành
phố đã góp phần làm thay đổi tương quan dân số giữa thành thị và nông thôn.
Quá trình đô thị hóa thường kéo theo quá trình công nghiệp hóa và do đó đô thị
hóa luôn là người bạn đồng hành với công nghiệp hóa. Quá trình đô thị hóa cũng là quá
trình biến đổi sâu sắc về cơ cấu sản xuất, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu tổ chức sinh hoạt
xã hội, cơ cấu không gian kiến trúc xây dựng. Quá trình đô thị hóa liên quan chặt chẽ với
đặc điểm hình thành dân cư đô thị và sự phát triển của thành phố. Đô thị càng phát triển,
càng mở rộng thì mức độ phụ thuộc và tác động của nó đối với các khu vực ngoại ô xa xôi
càng nhiều.
Quá trình đô thị hóa ở Hà Nội - thủ đô, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã

hội của cả nước đang phát triển mạnh theo chiều rộng và có sức lan tỏa mạnh. Vào thế
kỉ XIX, Hà Nội là trung tâm hành chính, kinh tế với những cái tên 36 phố phường được
đặt theo hàng hóa trao đổi. Vào đầu những năm 2000, Hà Nội có bốn quận và năm huyện,
đến 1/8/2008, thành phố được mở rộng sang toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh
Vĩnh Phúc, và bốn xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương
Sơn tỉnh Hòa Bình. Diện tích đất tự nhiên hiện nay đã lên tới 334460,2 ha [8] (gấp 3,6 lần
so với trước), với dân số cũng không ngừng tăng cao. Năm 1995, Hà Nội mới chỉ có 2,4
triệu người, đến năm 2000 lên được 2,76 triệu thì đến năm 2009 đã đạt tới con số 6,47
triệu dân, sơ bộ năm 2010 là 6561,9 nghìn người [8]. Trong vòng 10 năm, dân số Hà Nội
đã tăng lên khoảng 3,8 triệu người. Không chỉ có thế, tỉ lệ dân thành thị của Hà Nội cũng
đạt được mức khá và có sự gia tăng nhanh (tính đến năm 2010, tỉ lệ dân số thành thị của
Hà Nội đã đạt 41,3% [8]).
Trong khi mức độ và tốc độ đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc ở Việt Nam chậm
hơn so với các nước khác trên thế giới và trong khu vực, thì Hà Nội, đã có tốc độ đô thị
hóa nhanh hơn nếu so sánh với chính bản thân thành phố qua các thời điểm, nó đã đạt
được tương đương với tỉ lệ đô thị hóa ở các thành phố của các nước phát triển trong khu
vực châu Á và đang phấn đấu gia nhập hàng ngũ các thành phố có dân số lớn hơn 10 triệu
người của thế giới.
2.1.2. Về làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống hay làng nghề thủ công là trung tâm sản xuất hàng thủ
công, nơi quy tụ các nghệ nhân và nhiều hộ gia đình chuyên làm nghề mang tính truyền
thống lâu đời, có sự liên kết hỗ trợ trong sản xuất, bán sản phẩm theo kiểu phường hội,
kiểu hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, có cùng Tổ nghề và các thành viên luôn ý thức
tuân thủ những ước chế xã hội và gia tộc [7].
Đặc điểm nổi bật nhất của các làng nghề là tồn tại ở nông thôn, gắn bó chặt chẽ với
167


Đặng Thị Phương Anh, Cao Hoàng Hà và Bùi Thị Thu Vân


nông nghiệp. Các làng nghề xuất hiện trong từng làng - xã ở nông thôn sau đó ngành nghề
thủ công nghiệp được tách dần nhưng không rời khỏi nông thôn, sản xuất nông nghiệp và
sản xuất - kinh doanh thủ công nghiệp trong các làng nghề đan xen lẫn nhau. Người thợ
thủ công trước hết và đồng thời là người nông dân. Công nghệ kĩ thuật sản xuất sản phẩm
trong các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thủ công truyền thống thường khá thô sơ,
sử dụng kĩ thuật thủ công là chủ yếu. Đa số nguyên vật liệu của các làng nghề thường là
tại chỗ. Hầu hết các làng nghề truyền thống được hình thành xuất phát từ nguồn nguyên
liệu sẵn có trên địa bàn địa phương. Phần đông lao động trong các làng nghề là lao động
thủ công, nhờ vào kĩ thuật khéo léo, tinh xảo của đôi bàn tay, vào đầu óc thẩm mĩ và sáng
tạo của người thợ, của các nghệ nhân. Một đặc trưng dễ nhận thấy là các sản phẩm làng
nghề mang tính đơn chiếc, có tính mĩ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, là sự
kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm
làng nghề truyền thống vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mĩ cao, vì nhiều loại
sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa là vật trang trí trong nhà, đền chùa, công sở
Nhà nước.
Sở dĩ các làng nghề có sức sống mạnh mẽ và trường tồn cùng lịch sử dân tộc, tới
hàng chục thế kỉ qua, bởi chúng được đảm bảo bởi hệ thống các nhân tố có mối quan hệ
mật thiết với nhau bao gồm: nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường đối với hàng thủ
công truyền thống, trình độ của nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề, kĩ thuật truyền thống
và kinh nghiệm lâu đời, vị trí địa lí - môi trường của làng nghề.
2.1.3. Một số làng nghề truyền thống tại Hà Nội
a. Làng gốm Bát Tràng
Bát Tràng là làng nghề gốm lâu đời và lừng danh bậc nhất ở Việt Nam. Làng gốm
Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 10 km về phía
Đông. Từ trung tâm thành phố có thể đến Bát Tràng theo nhiều hướng, bằng cả đường bộ
cũng như đường sông.
Làng gốm này ra đời từ khoảng thế kỉ XIV-XV, dưới thời Trần. Trải qua hơn 5 thế
kỉ tồn tại và phát triển, Bát Tràng đã tích luỹ được bề dày kinh nghiệm và kĩ thuật sản
xuất, nổi bật là việc áp dụng nghiêm ngặt các quy trình sản xuất: tạo cốt gốm – xương
gốm (chọn đất, xử lí và pha chế đất, tạo dáng, phơi sấy và sửa cốt gốm mộc), trang trí và

tráng men, lựa chọn lò và kĩ thuật nung. Dòng men chính là điểm nhấn ấn tượng và nổi
tiếng bậc nhất trong các dòng sản phẩm của gốm Bát Tràng, các loại men chính bao gồm:
men lam, men nâu, men trắng (ngà), men rêu xanh, men rạn. Tổng hợp kĩ thuật kết hợp
với các dòng men và minh văn tạo nên các dòng sản phẩm tinh xảo và có giá trị cao.
b. Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã
Ngũ Xã là làng nghề đúc đồng có truyền thống và nổi tiếng hàng đầu của nước ta.
Làng nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, phía Tây Tp. Hà Nội. Vào khoảng thời Lê (1428 – 1527),
dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Thượng, Diên Tiên và Dao Niên thuộc huyện Văn
Lâm - Hưng Yên và Thuận Thành - Bắc Ninh vốn có nghề đúc thủ công, được triều đình
trưng tập về kinh thành để lập trường đúc tiền và đồ thờ theo yêu cầu của Nhà nước. Dân
168


Tác động của đô thị hoá tới phát triển kinh tế - xã hội của một số làng nghề...

các làng này kéo về Thăng Long lập nghiệp và lập nên làng nghề mới, lấy tên Ngũ Xã để
ghi nhớ 5 làng quê gốc mình. Sau đó, họ tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường
đúc đồng Ngũ Xã.
Trình độ đúc đồng của các nghệ nhân Ngũ Xã đã đạt tới đỉnh cao không chỉ trong
phạm vi nước ta. Bên cạnh sự thông minh sáng tạo, đôi mắt nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo
léo và đức tính cẩn trọng, người thợ thủ công còn có bí quyết nghề nghiệp và kinh nghiệm
từ lâu đời. Bí quyết đúc đồng của Ngũ Xã là ở khâu làm khuôn, nấu đồng, rót đồng thành
sản phẩm, trạm khắc đồng. Cách tạo mẫu, làm khuôn, chất liệu của khuôn, cách nấu đồng
và rót đồng đều tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt của các bí quyết được lưu giữ từ
lâu đời.
c. Làng dát vàng Kiêu Kỵ
Làng Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội, cách trung tâm Hà
Nội khoảng 10 km về phía Đông Bắc, là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm vàng
quỳ. Nghề làm vàng quỳ đã có ở Kiêu Kỵ hơn 250 năm, hai vị được coi là tổ nghề của
làng là cụ Nguyễn Quý Trị và cụ Vũ Danh Thuần. Vàng Kiêu Kỵ được xuất đi khắp các

miền đất nước đáp ứng nhu cầu sơn thếp tượng Phật, đồ thờ, trang trí hành phi – câu đối,
tôn tạo và phục chế các công trình cổ; sản phẩm cũng được xuất khẩu sang một số nước
châu Á.
Kĩ thuật làm vàng quỳ ở Kiêu Kỵ hết sức tinh xảo và công phu. Nguyên liệu để làm
quỳ là vàng, bạc nguyên chất. Vật liệu bọc lót vàng là giấy giống: gồm giấy quỳ và vải
sơn. Giấy quỳ có màu đen, nguyên liệu nhập từ Đông Hồ, được chế biến và xử lí nhiều lần
mới thành giấy giống. Công cụ sản xuất vàng - bạc quỳ khá đơn giản gồm búa, đe, kìm
và kéo chuyên dụng. Công đoạn chế tác vàng bạc quỳ gồm hơn 50 công đoạn nhỏ từ làm
mực, keo, làm giấy giống, đến nong vàng..., quan trọng nhất vẫn là tay người thợ thủ công
và nguyên liệu.
d. Làng giấy dó Cót
Làng Cót thuộc phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, nằm ven sông Tô Lịch, phía Tây
thành phố Hà Nội. Ngoài tên Cót, trước đây làng còn có tên là Hạ Yên Quyết hoặc Bạch
Hoa Liên. Từ xa xưa, làng Cót đã nổi tiếng với sự sầm uất và sôi động của các hoạt động
làm giấy, tiền âm phủ và vàng mã. Giấy dó là nguyên liệu chính tạo nên các loại sản phẩm
của làng, phần lớn được nhập từ nơi khác về, trong đó chủ yếu là từ Đông Hồ. Giấy được
in mực, mầu tuỳ theo các loại sản phẩm, sau đó dùng máy cắt để tạo nên sản phẩm cuối
cùng. Các sản phẩm của làng có mặt ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, với
các loại tiền giấy, vàng, đồ hàng mã...

2.2.

Tác động của đô thị hoá đến phát triển kinh tế xã hội một số làng
nghề truyền thống ở thành phố Hà Nội

2.2.1. Về mặt sản phẩm
Có thể nói, quá trình đô thị hoá của Hà Nội đang ở giai đoạn phát triển sôi động
nhất từ trước đến nay. Làng nghề nói chung đã phát triển tới giai đoạn hàng hoá, tức là tồn
169



Đặng Thị Phương Anh, Cao Hoàng Hà và Bùi Thị Thu Vân

tại và phát triển theo quy luật cung cầu của thị trường và xã hội. Do vậy, sự thay đổi trong
đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, quá trình thay đổi của đô thị hoá có tác động rõ rệt về
mặt kinh tế. Sự thay đổi của đời sống kinh tế chi phối đến các nhu cầu tiêu dùng và sinh
hoạt trong đời sống và sản xuất. Đây là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến quy mô, cấu
trúc sản xuất, số lượng - chất lượng sản phẩm, giá cả, cạnh tranh trong và ngoài nước...
Quá trình khảo sát ở tất cả các làng nghề cho thấy, sự thay đổi trong quá trình sản
xuất đóng vai trò rất quan trọng. Bởi quá trình này quyết định và chi phối tới quá trình sử
dụng lao động, giá nhân công, chi phi sản xuất và giá cả đầu ra của sản phẩm. Tiết kiệm
được chi phí sản xuất, đảm bảo sự đa dạng mặt hàng trong khi vẫn tạo được các mặt hàng
chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh là xu hướng chung để tồn tại.
Hàng trăm năm cho đến hàng chục năm trước đây tuỳ từng làng nghề, đa phần
nguyên liệu của hàng thủ công được lấy tại chỗ để đảm bảo chi phí vận chuyển ở mức
thấp nhất. Làng Ngũ Xã có hệ thống thu mua các loại đồng tạp ngay tại chỗ, trong khi
nguyên liệu vàng và bạc của làng Kiêu Kỵ cũng không xa địa phương. Với điều kiện đặc
thù, làng Bát Tràng và Cót thường nhập nguyện liệu từ các vùng khác; nếu như giấy Cót
được nhập từ làng Đông Hồ - Bắc Ninh thì đất sét và chất liệu men của Bát Tràng được
nhập từ khắp cả nước. Hiện nay, do nhiều nhân tố, việc lấy nguyên liệu các làng nghề có
sự chuyên môn hoá bởi nhiều địa phương khác có nguồn nguyên liệu phong phú và đảm
bảo chất lượng hơn.
Công nghệ sản xuất hiện đại hơn, năng suất cao hướng tới giảm giá thành sản phẩm,
trong khi chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của thị trường là
trăn trở lớn của tất cả các làng nghề. Với đặc thù sản xuất của mình, sự cạnh tranh và theo
nhu cầu thị trường, họ đã mạnh dạn thay đổi và cải tiến quy trình trong quá trình sản xuất.
Tuy hướng đi là giống nhau nhưng cách thực hiện có khác nhau, do đó kết quả cũng không
đồng đều. Ở Bát Tràng, sự thay đổi mang tính đột phá chính là việc thay đổi lò nung thủ
công sang lò ga, vừa đảm bảo yếu tố môi trường, năng suất sản phẩm cao hơn và không
ảnh hưởng quá lớn đến chất lượng sản phẩm. Một số công đoạn làm đất sét, tạo khung cho

gốm cũng được thay bằng máy. Tuy nhiên, ở một số gia đình nghệ nhân có uy tín, lò ga chỉ
được sử dụng đối với các mặt hàng phổ thông, sản xuất hàng loạt; còn đối với sản phẩm
có giá trị nghệ thuật cao, công đoạn nung truyền thống vẫn được đảm bảo. Tương tự vậy,
công đoạn làm mực và keo da trâu ở làng Kiêu Kỵ cũng được các nghệ nhân cải tiến; vừa
giúp giảm phụ thuộc nguồn phụ liệu vừa giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc tạo
màu cho cốm bằng các phụ phẩm hoá chất độc hại vượt quá chất lượng cho phép ở làng
Vòng lại đem đến một tác dụng ngược bởi sự tẩy chay của thị trường. Cũng về phương
diện công nghệ, dù bị quá trình đô thị hoá tác động nhưng nhiều làng nghề vẫn giữ được
các quy trình cổ truyền do đặc thù sản xuất riêng. Rõ nét nhất là làng Kiêu Kỵ vẫn giữ
được hơn 50 công đoạn dát vàng thủ công phức tạp (làm mực, keo, giấy giống, dát mỏng
vàng - bạc, nong vàng, đánh quỳ). Ở làng Ngũ Xã, các công đoạn tạo mẫu, làm khuôn
(khuôn có nhiều loại, chủ yếu thuộc hai loại: khuôn liền và khuôn mang cá), nấu đồng và
rót đồng vẫn được giữ nguyên. Thời gian, công đoạn tạo khuôn cũng như chất liệu khuôn
hầu như không thay đổi so với trước đây. Duy chỉ có chất liệu tạo khuôn trước đây bằng
170


Tác động của đô thị hoá tới phát triển kinh tế - xã hội của một số làng nghề...

đất sét pha các phụ liệu, hiện nay có thêm cả khuôn gỗ.
Trong thời kì hoạt động sản xuất và buôn bán theo quy luật cạnh tranh của thị trường
thì việc đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu thay đổi từng ngày của xã hội là việc sống
còn đối với các làng nghề. Bên cạnh đa dạng hoá các sản phẩm, việc tìm ra các sản phẩm
phù hợp với từng phân khúc thị trường nhỏ cũng như các mặt hàng độc đáo, đặc trưng,
truyền thống tạo nên thế mạnh so với các mặt hàng ngoại nhập là bước đi đúng đắn và
thích nghi tốt. Nhận thấy sự thay đổi nhu cầu của thị trường, hầu hết các làng nghề đều
mạnh dạn đưa ra các sản phẩm mới mà trước đây ít sản xuất hoặc chưa có như nồi lẩu, đồ
chơi trẻ em, các đồ dùng gia đình của làng Bát Tràng, dát bạc thiếc ở làng Kiêu Kỵ, tranh
đồng, tượng chân dung, đồ nghệ thuật đồng ở làng Ngũ Xã hay tiền âm phủ ở làng Cót.
Tuy nhiên, việc chạy theo nhu cầu của thị trường mà không có được sản phẩm thế mạnh

như làng giấy Cót sẽ dẫn đến xu hướng mất dần làng nghề bởi nguyên liệu giấy được nhập
từ địa phương khác, các công đoạn sản xuất đều bằng máy, hầu như không có bàn tay và
khối óc của các nghệ nhân trong sản phẩm. Bát Tràng, Kiêu Kỵ và Ngũ Xã là các làng
nghề còn giữ được nhiều sản phẩm đặc trưng thế mạnh dựa vào suy nghĩ đúng đắn và
đóng góp của nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Các sản phẩm không bị mất đi thị trường, thậm
chí mở rộng hơn đó là chân đèn, lư hương, dát vàng hoành phi - câu đối, tranh đồng, đồ
thờ bằng đồng...
2.2.2. Về mặt thị trường
Thị trường làng nghề ban đầu được hình thành hoàn toàn trái ngược với lí thuyết
kinh tế học: "thị trường là môi trường địa lí của sản phẩm nơi mà có nguồn cung cấp được
hình thành để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách hàng" ("Luật cạnh tranh - Cần định
nghĩa rõ khái niệm thị trường" - Civilla Win - 26/04/2008).
Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm của nền kinh tế đất nước, thoát khỏi nền kinh
tế tự cung tự cấp, chuyển sang kinh tế nông nghiệp và trong vài chục năm gần đây đẩy
mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và áp dụng mô hình kinh tế thị trường điển hình,
thị trường cho các sản phẩm làng nghề cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Trước tiên, đối tượng khách hàng đã có vai trò nhất định trong việc duy trì sự sống
còn của làng nghề. Yếu tố cầu được xác định rõ nét hơn trong bài toán kinh tế của một
sản phẩm. Một số làng nghề đã dần biến mất hoặc thu hẹp lại dưới hình thức chuyển sang
cơ cấu kinh tế khác do sản phẩm làm ra không có khách hàng tiêu thụ. Các sản phẩm đúc
đồng của làng Ngũ Xã những năm đầu thế kỉ XX được đánh giá cao vì vào thời điểm đó
tất cả các sản phẩm gia dụng trong gia đình đô thị đều ưa chuộng chất liệu đồng. Nhưng
cùng với sự mở rộng thị trường đến những năm 80 của thế kỉ XX, khi các sản phẩm gia
dụng bằng nhôm hay inox xuất hiện tràn lan thì các sản phẩm bằng đồng với giá thành
cao hơn không còn chỗ đứng. Người dân không thể tự kiếm sống bằng nghề gia truyền
nên đã chuyển sang làm nghề khác hoặc bán đất đi nơi khác sinh sống. Một số làng nghề
khác có thể duy trì được do nhu cầu sử dụng sản phẩm đó vẫn tồn tại nhưng không mang
lại giá trị kinh tế cao do tư duy cố hữu của người làm nông nghiệp chỉ sản xuất dựa trên
những gì mình có. Sản phẩm gốm của Bát Tràng những năm đầu thập niên 90 của thế
kỉ XX vẫn đơn điệu, mẫu mã dập khuôn. Nhưng cùng với làn sóng của đô thị hóa, đứng

171


Đặng Thị Phương Anh, Cao Hoàng Hà và Bùi Thị Thu Vân

trước tác động của nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng cùng với sự mở mang về tư duy
làm kinh tế của người dân để cải thiện về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng đủ mà
không thừa sự mong mỏi của khách hàng, mang lại nguồn kinh tế tối ưu cho nhà sản xuất.
Ngày nay đến với một số làng nghề ở Hà Nội như Bát Tràng, Kiêu Kỵ,... không còn sự sản
xuất đơn lẻ, manh mún mà là những công ty, hợp tác xã, những nhóm, hội tập hợp những
người cùng sản xuất một sản phẩm lại để trước hết có sự thống nhất trong điều tra nhu
cầu khách hàng và sau đó mỗi cơ sở tự chọn cho mình một thế mạnh để vươn lên. Điều
thấy rõ nhất ngày nay trước tác động của đô thị hóa ở Hà Nội, tuy làng nghề đã thành phố
nghề, một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một đi nhưng đã giúp thanh lọc các sản
phẩm có giá trị và chất lượng. Những cơ sở sản xuất nào linh hoạt biến đổi kịp theo nhu
cầu của khách hàng - yếu tố cơ bản của nền kinh tế, đã vươn lên làm kinh tế chính từ sản
phẩm mà cha ông truyền lại cho họ.
Việc xác định được nhu cầu của khách hàng để cho ra đời những sản phẩm phù hợp
theo từng giai đoạn, nền kinh tế thị trường còn bắt nhà sản xuất muốn đứng vững phải có
một hệ thống phân phối sản phẩm đa dạng, đến tận tay khách hàng. Đô thị hóa khiến cho
việc lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng hơn. Các gia đình - cơ sở sản xuất vẫn bán lẻ
tại nhà như truyền thống bởi ngày nay khu vực làng nghề cũng được coi là một cái chợ.
Khi chất lượng cuộc sống dân cư đô thị được nâng cao họ muốn đi tìm lại những giá trị
truyền thống ở những làng quê lưu dấu vết văn hóa cổ truyền và làng nghề là một điểm
đến hấp dẫn. Đây là cơ hội cho các cơ sở sản xuất làng nghề tiêu thụ trực tiếp sản phẩm
họ làm ra. Nền kinh tế thời kỳ hội nhập cũng giúp cho người dân làng nghề tìm được các
kênh phân phối trên thị trường quốc tế. Một số cơ sở gốm Bát Tràng đã có gian hàng tại
các trung tâm thương mại lớn ở Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,... Tuy còn gặp nhiều khó khăn
trong việc mở rộng hơn nữa kênh phân phối song tác động của đô thị hóa điển hình trong
việc thông thương đã giúp các sản phẩm mang giá trị văn hóa cao đến được với người tiêu

dùng thực sự.
Sự khó khăn trong việc mở rộng hơn nữa kênh phân phối chính là bởi sự cạnh tranh
của các thị trường sản phẩm tương tự. Đô thị hóa mở cửa thị trường đến tận các làng quê
nên sản phẩm gốm Trung Quốc, Hàn Quốc được bày bán la liệt bên cạnh các sản phẩm
gốm Bát Tràng. Điều này có thể được lí giải bởi các hình thức quảng bá, xúc tiến chưa
thực sự có hiệu quả. Mặc dù đô thị hóa biến làng thành phố, biến các gia đình làm nghề
thủ công thành các cửa hàng nhưng tư duy làm kinh tế của người dân vẫn chưa hoàn toàn
thoát khỏi tư duy nông nghiệp làm ăn nhỏ lẻ, vì lợi ích trước mắt. Chính vì vậy họ không
đầu tư lớn để có lợi ích lâu dài qua các kênh quảng bá, xúc tiến. Kiêu Kỵ hoàn toàn chỉ
được biết đến bởi đó là một làng nghề cổ chứ không hề được biết đến như một nơi vẫn
đang có nghề giát vàng phục vụ cho các công trình có uy tín. Mặc dù chủ của các cơ sở
này cũng theo kịp khoa học công nghệ và truyền thông trong việc đưa hình ảnh của mình
nhiều hơn trên các trang báo hay lập website riêng. Sản phẩm đúc đồng Ngũ Xã thì lại
đang phải đối mặt với tình trạng ăn cắp nghề của thợ làm thuê. Trước lợi nhuận lớn, một
số cơ sở sản xuất gốm tại Bát Tràng đã làm những hợp đồng với đối tác nước ngoài sản
xuất sản phẩm theo yêu cầu của họ và không được in dấu bản quyền của mình trên từng
tác phẩm mặc dù đó vẫn là những sản phẩm thủ công. Việc bỏ qua vai trò to lớn của xúc
172


Tác động của đô thị hoá tới phát triển kinh tế - xã hội của một số làng nghề...

tiến, quảng bá khiến cho các sản phẩm làng nghề chưa phát huy được hết giá trị kinh tế
của nó và đang khiến cho giá trị văn hóa của nó có phần bị mai một đi. Đô thị hóa mang
lại tư duy thị trường cởi mở cho người dân làng xã nhưng cũng khiến họ phải lựa chọn
giữa một bên là hình thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, chộp giật và một bên là hệ thống
kinh tế lâu dài.
2.2.3. Về mặt nguồn nhân lực
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động sản xuất nghề nông
thôn ở Hà Nội năm 2010 đã tạo ra việc làm cho 627.000 lao động, bao gồm cả lao động địa

phương và lao động du nhập (chiếm 65% dân số nông thôn và 42% tổng số lao động công
nghiệp – tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố) với thu nhập bình quân khoảng 700.000
đ/người/tháng. Như vậy, mức thu nhập từ sản xuất có nghề cao hơn nhiều so với nguồn
thu từ nông nghiệp. Điển hình như ở làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) làm giàu
từ hiện đại hóa công nghệ truyền thống, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhờ đó các sản
phẩm làng nghề đã tìm được đầu ra, nhiều làng nghề đứng vững và phát triển. Hiện tại,
có tới 80% số hộ gia đình trong làng làm nghề gốm. Mỗi nhà sản xuất một loại sản phẩm
đặc thù: nhà làm bình, chậu hoa, nhà làm ấm chén và đồ gia dụng, nhà chuyên làm đồ
thờ. Thu nhập chính của họ cũng phụ thuộc vào nghề gốm, cao hơn từ 4 - 5 lần so với làm
nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hà Nội phát triển mạnh mẽ về đô thị, về công
nghiệp...; nhất là các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa ở thành phố đã phần nào tác động đến sự tồn tại và phát triển của các làng
nghề thủ công ở đây. Kết quả là một số làng nghề thủ công bị mai một. Nguyên nhân là
sản phẩm làng nghề làm ra không còn phù hợp với nhu cầu của người dân thành phố, nên
không thể tiêu thụ được, làm cho người thợ thủ công không có thu nhập, trở nên chán nản,
bỏ nghề. Điển hình là làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Đến nay, cả làng chỉ còn 2 gia đình
theo nghề đúc đồng. Cả 2 nhà đều truyền cho con trai (thế hệ thứ 2) nhưng đến đời thứ 3
bây giờ lớp trẻ đều không có mong muốn theo nghề.
Bên cạnh đó, một số làng nghề không còn nhân lực để sản xuất vì quá trình đô thị
hoá và chuyển dịch lao động nông thôn vào các khu công, lao động có tay nghề cao tìm
việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho
lao động làng nghề chưa được chú trọng triển khai thực hiện. Trong khi đó, số nghệ nhân
Hà Nội còn ít, các gia đình cha con, mẹ con cùng là nghệ nhân không đáng kể. Vả lại,
số nghệ nhân được phong tặng đều ở độ tuổi cao (60-70 tuổi), nên chỉ sau một thời gian
không lâu, các cụ qua đời, mang theo bao kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp.
Do đó, làng nghề trở nên thiếu nhân lực, cùng với thu nhập của nghề không cao nên
trong vài năm gần đây, số hộ làm nghề đã giảm hẳn, có nguy cơ lụi tàn.

173



Đặng Thị Phương Anh, Cao Hoàng Hà và Bùi Thị Thu Vân

2.3.

Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của làng nghề trong quá trình
đô thị hoá

Đứng trước thực trạng sự tác động của quá trình đô thị hóa làm thay đổi rõ rệt bộ
mặt các làng nghề Hà Nội, trong phạm vi bài nghiên cứu này, chúng tôi xin đưa ra một
số biện pháp thúc đẩy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực để
các làng nghề Hà Nội có sự phát triển bền vững trong tương lai.
Nguyên tắc của phát triển bền vững - đẩy mạnh khai thác tối ưu lợi ích trong hiện
tại nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của các thế hệ tương lai (Công ước quốc tế về phát triển
bền vững) là:
- Bảo vệ môi trường
- Tăng trưởng kinh tế.
- Bình đẳng xã hội.
Áp dụng cụ thể hơn đối với các làng nghề Hà Nội hiện nay, chúng tôi cho rằng:
2.3.1. Trong quá trình chế tác sản phẩm
- Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến, công nghệ cao để giảm thiểu
thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm giá thành cho sản phẩm đầu ra.
- Đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ
đối với các sản phẩm gốm Bát Tràng hiện nay đã chia thành 2 dòng sản phẩm: bình dân
và cao cấp song dòng sản phẩm bình dân cần đa dạng hơn nữa về chủng loại, kích thước,
giảm bớt sự bất tiện do thành phẩm nặng và thô. Đầu tư hơn nữa để duy trì dòng sản phẩm
cao cấp.
- Không nên sản xuất ồ ạt theo nhu cầu thị trường, chỉ quan tâm đến số lượng lớn
mà bỏ quên chất lượng, bỏ quên hồn tinh của sản phẩm thủ công cổ truyền.

- Quá trình sản xuất sản phẩm áp dụng thành tựu của công nghiệp hóa song cần bảo
vệ môi trường tự nhiên xung quanh. Mỗi cơ sở sản xuất cần xây dựng hệ thống xử lí chất
thải đảm bảo tiêu chuẩn, tránh gây ô nhiễm nguồn nước tiêu dùng, ô nhiễm không khí,...
2.3.2. Trong việc kiểm soát thị trường
- Cần có nhân lực chuyên sâu nghiên cứu thị trường, điều tra nhu cầu khách hàng
vào từng thời điểm, giai đoạn khác nhau để sản phẩm ra đời đáp ứng được mong muốn
của người tiêu dùng và không bị dư thừa, lãng phí.
- Mở rộng hơn nữa các kênh phân phối sản phẩm. Ví dụ đối với các sản phẩm thủ
công mĩ nghệ như đúc đồng Ngũ Xã hay giát vàng Kiêu Kỵ cần có nhiều hơn nữa các gian
trưng bày tại các trung tâm du lịch quốc tế, tại các hội trợ triển lãm quốc tế, tại hầu khắp
các quốc gia trên thế giới... Đó không chỉ là hình thức giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về
giá trị văn hóa Việt Nam mà còn thiết lập các đại lí phân phối sản phẩm đến tận tay người
tiêu dùng.
- Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các kênh thông tin truyền
thông để làng nghề không chỉ như một nơi còn lưu giữ được nét văn hóa cổ truyền mà
174


Tác động của đô thị hoá tới phát triển kinh tế - xã hội của một số làng nghề...

phải như một nơi vẫn đang sản xuất ra các sản phẩm có giá trị sử dụng cao.
- Kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm cạnh tranh không rõ nguồn gốc, kém
chất lượng hơn nhưng giá thành rẻ.
- Giữ gìn thương hiệu sản phẩm và tên tuổi của làng nghề là trọng trách quan trọng,
quyết định không nhỏ cho sự tồn vong của các làng nghề. Mỗi một sản phẩm của các làng
nghề từ giá trị nhỏ nhất đến lớn nhất đều nên có một dấu hiệu hoặc nhãn mác chứng tỏ
bản quyền và thương hiệu sản phẩm. Tiến xa hơn nữa là việc đăng kí bản quyền quốc tế
và thương hiệu đối với một số sản phẩm nổi tiếng và độc đáo.
2.3.3. Đối với người lao động
- Một trong những biện pháp cần thiết nhất là giáo dục ý thức người dân trong việc

duy trì, giữ gìn nghề thủ công cổ truyền. Việc giáo dục này trước hết trong gia đình theo
truyền thống ngàn đời cha truyền con nối. Sau đó, các cấp chính quyền cần thực hiện trong
việc mở các cơ sở dạy nghề cho giới trẻ, huấn luyện chủ cơ sở áp dụng khoa học công
nghệ trong sản xuất, đào tạo tư duy làm kinh tế cho từng hộ gia đình,...
- Vì là nghề thủ công nên quá trình sản xuất hoàn toàn có thể sử dụng lao động dư
thừa của xã hội như trẻ em ngoài giờ đến trường hoặc người về hưu. Việc này vừa giúp
tăng thu nhập cho người dân trong làng vừa tránh lãng phí chi phí thuê nhân công.
- Một vấn đề nan giải đối với các cơ sở sản xuất làng nghề hiện nay là việc thuê
nhân công từ nơi khác đến. Cần phải có sự đào tạo tay nghề kĩ càng và kiểm soát nghiêm
ngặt về đạo đức để ngăn chặn tình trạng ăn cắp nghề dẫn tới việc mất đi cái tinh hoa của
làng nghề cổ truyền.
2.3.4. Các giải pháp tổng thể
- Các cơ sở sản xuất, người dân trong khu vực làng nghề cần được giáo dục và ý
thức rõ ràng về việc giữ gìn cảnh quan làng nghề: tập tục sinh hoạt cộng đồng trong các
lễ tiết, lễ hội, đặc biệt là tục thờ thành hoàng làng - ông tổ nghề của làng. Bên cạnh đó là
việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong quá trình sử dụng công nghệ cao vào sản xuất.
- Các cơ sở sản xuất, người dân và toàn xã hội cần ý thức sâu sắc về việc giữ gìn
truyền thống văn hóa thông qua việc duy trì sự có mặt của các sản phẩm thủ công cổ
truyền trên thị trường. Không chỉ coi các sản phẩm đó là những mặt hàng thiết yếu cho
cuộc sống hàng ngày mà phải coi đó là quốc hồn, quốc túy để giới thiệu niềm tự hào đó
cho bạn bè năm châu.
- Các nhà quản lí cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường sản phẩm, ban
hành các quy tắc, nguyên tắc sản xuất và phân phối sản phẩm hợp lí và có hình thức xử
phạt nghiêm minh trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, của cơ sở sản xuất và
của cả chính quyền.
- Các nhà quản lí, cơ sở sản xuất và xã hội cần mở rộng hơn nữa các hình thức khai
thác giá trị của làng nghề để làng nghề Hà Nội không chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm
có giá trị mà còn là điểm đến du lịch thu hút du khách muốn khám phá các giá trị văn hóa
cổ truyền.
175



Đặng Thị Phương Anh, Cao Hoàng Hà và Bùi Thị Thu Vân

3.

Kết luận

Quá trình đô thị hoá không phải là tác nhân duy nhất ảnh hưởng tới các làng nghề
truyền thống ở khu vực Hà Nội nhưng đây được coi là yếu tố quan trọng, vừa là động lực
vừa tạo ra bối cảnh chung dẫn đến xu hướng thay đổi trong quá trình phát triển của các
làng nghề. Đô thị hoá vừa là nhân tố có thể là thay đổi động lực kinh tế, phân công lao
động xã hội, thị trường đến, vừa là nhân tố tác động cụ thể đến khả năng cầu - cung, công
nghệ, hệ thống mặt hàng sản phẩm, giá cả, khả năng cạnh tranh... của các làng nghề. Bởi
vậy, làng nghề cổ truyền phải thay đổi chính mình nếu không muốn bị loại bỏ ra khỏi quá
trình phát triển của đất nước. Quá trình đó phải được tiến hành từng bước, cẩn trọng và
nghiêm túc. Cần quan tâm tới sự đồng bộ trong thực hiện các giải pháp từ việc áp dụng
đối với công nghệ, hệ thống sản phẩm, khả năng cạnh tranh thị trường tới phát triển nguồn
nhân lực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] 2010. Làng nghề du lịch Hà Nội và khu vực phụ cận. Nxb Tài nguyên Môi trường và
Bản đồ Việt Nam.
[2] Vũ Tự Lập (chủ biên), 1991. Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Hồng. Nxb Khoa
học Xã hội.
[3] Lê Thông (chủ biên), 2004. Địa lí Kinh tế - Xã hội Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm
Hà Nội.
[4] Nguyễn Viết Thịnh, Đỗ Thị Minh Đức, 2003. Giáo trình Địa lí Kinh tế - Xã hội. Nxb
Giáo dục.
[5] Vũ Quốc Tuấn, 2010. Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát
triển. Nxb Hà Nội.

[6] Quốc Văn, 2010. 36 làng nghề Hà Nội. Nxb Thanh niên.
[7] Bùi Văn Vượng, 2002. Làng nghề truyền thống Việt Nam. Nxb Văn hoá Thông tin.
[8] 2011. Niên giám thống kê Hà Nội 2010. Nxb Thống kê.
ABSTRACT
The influence of urbanization on the socioeconomic development
of craft villages in Hanoi
The urbanization of Hanoi is proceeding at a dynamic pace and this influences
the development of the traditional trade villages in Hanoi. Some traditional trade villages
are perishing, while others are becoming more prosperous. To continue to exist, some
traditional trade villages need to improve the technology used in production, diversify
models, adjust price, improve quality and marketing and obtain trademark protection.
Artisans, employers and local government officials need to integrate all aspects of
business from production technology to marketing to employee performance.

176



×