Lập kế hoạch hiệu quả: Bí quyết để
giảm tải cho cuộc sống
Việc nhà, việc cơ quan, xã hội, có quá nhiều việc cần làm và con người hiện
đại dường như không đủ thời gian để cân bằng cuộc sống. Ai cũng có hàng
núi công việc phải giải quyết nhưng số người cảm thấy hoàn thiện và thoả
mãn là rất ít. Không có gì đáng chán hơn cảm giác bạn đã làm việc cật lực
nhưng chẳng có gì mà mình thực sự muốn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do mọi người không có kế hoạch và
các quy trình rõ ràng. Thay vì nhận diện các mục tiêu cụ thể, các sự kiện
quan trọng và các ước mơ, con người thường trải qua một ngày với các công
việc rời rạc và không mấy quan trọng. Ngày kết thúc theo cách nhàm chán
và tiêu tốn nhiều năng lượng, đồng thời làm gia tăng cảm giác chán nản, xa
rời mục tiêu ban đầu. Vì thế rất ít người đạt được một cuộc sống cân bằng
thực sự.
Dưới đây là một số bước đơn giản biến cuộc sống trở nên thú vị hơn:
Bước 1: Dám nghĩ và dám ước mơ
Đừng để con người bên trong ngăn cản bạn khỏi những ước mơ lớn. Ngay
khi có ước mơ và quyết tâm thực hiện, tiềm thức của con người sẽ vạch ra
được nhiều ý tưởng để biến ước mơ thành sự thực. Bạn cần bắt đầu thu hút
mọi người, các nguồn lực và cơ hội cần thiết để thực hiện ước mơ. Những
ước mơ lớn không chỉ tạo cho bạn nguồn cảm hứng mà còn giúp bạn dám
thực hiện những ý tưởng lớn trong đời.
Bước 2: Đặt mục tiêu
Một giá trị khác của việc dám ước mơ lớn, đó là quá trình thực hiện ước mơ
giúp bạn trưởng thành hơn. Về lâu dài, đó là lợi ích lớn nhất mà bạn nhận
được khi theo đuổi các ước mơ, không phải là việc bạn có hoàn thành không
mà là việc bạn sẽ trở thành con người như thế nào trong quá trình thực hiện
nó.
Trong nhiều trường hợp, những biểu tượng của thành công có thể dễ dàng
biến mất, ví dụ như một ngôi nhà to lớn có thể bị cháy, công ty có thể bị phá
sản, các mối quan hệ kết thúc, ô tô trở nên cũ kỹ, sự danh tiếng cũng đi vào
quên lãng, nhưng những gì bạn học được, các kỹ năng mới sẽ không bao giờ
mất đi. Đó là những cái giá thực sự của thành công và bạn có thể chia sẻ
chúng với mọi người. Nhà triết học Jim Rohn đưa ra lời khuyên: “Bạn nên
đặt mục tiêu lớn đủ để trong quá trình hoàn thiện nó, bạn trở thành một
người đáng giá”. Lập kế hoạch cho các mục tiêu một cách rõ ràng là cách tốt
nhất để cân bằng cuộc sống.
Bước 3: Trở thành người có ích
Khi xác định được điều bạn muốn làm, hãy nghĩ đến việc bạn có thể giúp ích
cho ai đó không. Khi các ước mơ của bạn có yếu tố này, bạn sẽ thấy mình
đạt được mục tiêu đó trọn vẹn hơn. Con người luôn muốn là một phần có ích
và tạo được sự khác biệt trong thế giới này.
Bước 4: Cụ thể hoá mục tiêu
Một khi đã rõ những gì bạn muốn, bạn phải biến chúng thành những mục
tiêu có thể thực hiện được, tức là đo được thời gian và không gian, bao nhiêu
và khi nào. Ví dụ đừng nói miệng là bạn muốn giảm cân, hãy rõ ràng hơn,
đặt ra một con số và ngày tháng cụ thể, ví dụ như: “Vào ngày lễ Tạ ơn tới,
tôi muốn giảm 10 kg và tham gia vào chiến dịch từ thiện vào mùa Giáng
sinh”.
Bước 5: Chia nhỏ mục tiêu
Viết ra những mục tiêu của bạn một cách cụ thể và đọc danh sách đó hằng
ngày. Một số mục tiêu có thể đính kèm theo các mục tiêu ngắn hơn, ví dụ
như giảm cân có thể đính kèm mốc giảm 5 kg. Điều này sẽ giữ cho bạn một
cái đầu tỉnh táo và tập trung vào mục tiêu cần đạt được từng bước một. Đối
với những ước muốn lớn hơn, hãy nhắm mắt lại và tập trung vào từng mục
tiêu, và hỏi bản thân: “Hôm nay tôi có thể làm được gì để tiến gần tới việc
hoàn thành mục tiêu đã đề ra?”. Viết ra câu trả lời của bạn và thực hiện.