Tải bản đầy đủ (.docx) (89 trang)

Khủng hoảng tài chính và những tác động đến các doanh nghiệp tại việt nam , luận văn thạc sĩ kinh tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (477.79 KB, 89 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH

LÊ HỒNG ĐÀO
ĐỀ TÀI

KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH VÀ NHỮNG
TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP
TẠI VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ

TP. Hồ Chí Minh - Năm 2009


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ
HỒ CHÍ MINH

LÊ HỒNG ĐÀO
ĐỀ TÀI

KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH VÀ NHỮNG
TÁC ĐỘNG ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP
TẠI VIỆT NAM
Chuyên ngành: Kinh tế tài chính – Ngân hàng
Mã số: 60.31.12

LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN

TP. Hồ Chí Minh - Năm 2009


LỜI CẢM ƠN

Luận văn này là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện và nghiên cứu
nghiêm túc của tác giả cùng với sự dạy bảo, hướng dẫn tận tình của Quý
thầy cô trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Quý thầy cô đã
truyền đạt những kiến thức quý giá, hữu ích cho tác giả trong suốt quá trình
học tập và thực hiện luận văn này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Quý thầy cô Khoa đào tạo sau đại
học trường Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã luôn tận tình giúp đỡ
tác giả trong suốt thời gian qua và đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành
nhất đến PGS.TS Trần Hoàng Ngân người đã tận tình hướng dẫn tác giả
hoàn thành luận văn này.
Tôi xin kính chúc Quý thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt
được những thành quả tốt đẹp nhất trong sự nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của tác giả có sự
hỗ trợ của người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Trần Hoàng Ngân. Những
số liệu nêu trong luận văn được chính tác giả thu thập từ nhiều nguồn khác
nhau và được trích dẫn từ các tài liệu, tạp chí, website ghi trong phần tài liệu
tham khảo. Những nội dung nghiên cứu và kết quả nghiên cứu trong luận
văn là trung thực, được rút ra từ thực tiễn của quá trình nghiên cứu.

Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào tác giả xin hoàn toàn chịu trách
nhiệm trước Hội đồng chấm luận văn về kết quả luận văn của mình.
Tp.HCM, ngày … tháng … năm 2009
Tác giả

Lê Hồng Đào


MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU............................................................................................................ 1
Chương I: TỔNG QUAN VỀ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH
1.1 Khủng hoảng tài chính theo một số trường phái kinh tế.............................. 4
1.2 Các dạng của khủng hoảng tài chính.................................................................. 7
1.3 Tác động của khủng hoảng tài chính.................................................................. 8
1.4 Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay................................................................ 9
1.4.1 Các giai đoạn trước khủng hoảng tài chính của Mỹ............................ 9
1.4.2 Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay..................14
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1........................................................................................... 16
Chương II: TÁC ĐỘNG CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẾ
GIỚI ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HIỆN NAY
2.1 Việt Nam trong giai đoạn trước khủng hoảng tài chính hiện nay............17
2.2 Tác động của khủng hoảng tài chính đến một số lĩnh vực kinh
doanh tại Việt Nam....................................................................................................... 23
2.2.1 Lĩnh vực ngân hàng............................................................................... 24
2.2.2 Thị trường chứng khoán...................................................................... 27
2.2.3 Thị trường ngoại hối............................................................................. 29
2.2.4 Thị trường Bất động sản...................................................................... 31
2.2.5 Tình hình xuất khẩu.............................................................................. 35
2.2.6 Thất nghiệp.............................................................................................. 38

2.3 Những khó khăn của doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn
khủng hoảng tài chính hiện nay................................................................................ 38
2.3.1 Về huy động vốn........................................................................................... 39
2.3.1.1 Huy động vốn qua ngân hàng......................................................... 39
2.3.1.2 Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán...................41


2.3.1.3 Chuyển động vốn trên thị trường bất động sản.........................42
2.3.2 Về sản xuất kinh doanh.............................................................................. 44
2.3.3 Về tiêu thụ sản phẩm................................................................................... 45
2.3.3.1 Tiêu thụ trong nước........................................................................... 45
2.3.3.2 Xuất khẩu.............................................................................................. 46
2.4 Những nỗ lực của Nhà nước nhằm đối phó với khủng hoảng tài
chính.................................................................................................................................. 47
2.4.1 Gói kích cầu của Chính phủ...................................................................... 48
2.4.2 Thực hiện chính sách giảm thuế, hoãn thuế......................................... 50
2.4.3 Những tác động tích cực và mặt trái của những chính sách............52
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2........................................................................................... 57
Chương III: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG
CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP TẠI
VIỆT NAM
3.1 Những kiến nghị với các cơ quan ban ngành................................................ 58
3.2 Một số giải pháp nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng kinh tế
đến các doanh nghiệp tại Việt Nam......................................................................... 62
3.2.1 Quán triệt nhận thức về tác động của khủng hoảng tài chính
đến doanh nghiệp.................................................................................................... 63
3.2.2 Ứng biến nhanh với những khó khăn giai đoạn khủng hoảng .. 64
3.2.3 Xây dựng khả năng tài chính hợp lý, vững mạnh nhằm đối
phó với khủng hoảng tài chính............................................................................ 65
3.2.4 Thay đổi chiến lược kinh doanh, tổ chức lại quy mô hoạt động

cho phù hợp với thời khủng hoảng.................................................................... 66
3.2.4.1 Phát triển thị trường nội địa là lựa chọn thích hợp..................66
3.2.4.2 Thực hiện chính sách tiết kiệm nhằm giảm chi phí.................67
3.2.4.3 Thay đổi chiến lược kinh doanh cho phù hợp........................... 68


3.2.5 Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tại doanh nghiệp và nâng
cao trình độ quản lý.......................................................................................... 69
3.3 Khủng hoảng tài chính – tiền tệ là cơ hội cho một số doanh nghiệp
phát triển và chiếm thị phần....................................................................................... 70
KẾT LUẬN..................................................................................................................... 72


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
MBS: Các loại chứng từ được bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp
(mortgage-backed securities)
FED: Cục dự trữ liên bang Mỹ
CPI: Chỉ số giá bán lẻ
ICOR: Hệ số sử dụng vốn (Incremental Capital - Output Rate)
LC: Thư tín dụng (letter of credit)
WTO: Tổ chức thương mại thế giới
GDP: Tổng sản phẩm quốc nội
USD: Đô la Mỹ
VND: Đồng Việt Nam


DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Trang
Biểu đồ 2.1: Biến động lãi suất cho vay ngắn hạn năm 2008..........................26
Biểu đồ 2.2: Biến động lãi suất cho vay ngắn hạn năm 2009..........................27

Biểu đồ 2.3: Biến động VN-INDEX năm 2007................................................... 28
Biểu đồ 2.4: Biến động VN-INDEX năm 2008................................................... 28
Biểu đồ 2.5: Biến động VN-INDEX năm 2009................................................... 29
Biểu đồ 2.6: Tỷ giá hối đoái....................................................................................... 31
Biểu đồ 2.7: Xuất khẩu năm 2008............................................................................ 36
Biểu đồ 2.8: Xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu năm 2008................................. 36
Biểu đồ 2.9: Xuất khẩu năm 2009............................................................................ 37
Biểu đồ 2.10: Xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu năm 2009.............................. 37


1

PHẦN MỞ ĐẦU
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế là gì? Làm thế nào để đối phó
với khủng hoảng? Làm sao để giảm thiểu thiệt hại do tác động của khủng
hoảng? Là những câu hỏi được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, từ
nhà nghiên cứu kinh tế, người làm chính sách, doanh nghiệp, đến các cá
nhân tham gia vào nền kinh tế. Mối bận tâm này xuất phát từ những bất ổn
bên ngoài và bên trong Việt Nam. Ở bên ngoài, nền kinh tế thế giới trải qua
một loạt các khủng hoảng kế tiếp nhau như khủng hoảng cho vay địa ốc
dưới chuẩn của Mỹ, sự dao động với biên độ cực lớn trong một thời gian
ngắn của giá nguyên liệu cơ bản mà đặc biệt là dầu thô và lương thực, sự
sụp đổ của các công ty tài chính hàng đầu ở phố Wall, sự sụp đổ hệ thống
ngân hàng ở Iceland, và cuối cùng là sự suy thoái của toàn bộ các nền kinh
tế trên thế giới. Ở trong nước, vào nửa đầu năm 2008, hầu hết các chỉ số vĩ
mô của nền kinh tế của Việt Nam đều ở tình trạng báo động, trong đó đặc
biệt phải kể đến chỉ số giá bán lẻ (CPI) ở thời điểm cao nhất tăng lên đến
hơn 28% so với cùng kỳ năm trước và thâm hụt cán cân thương mại ở mức
kỷ lục tới 17,5 tỷ USD. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán bị suy giảm
rất mạnh, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng,… Mặc dù,

từ giữa năm trở đi các chỉ số vĩ mô bắt đầu đi vào ổn định với CPI và thâm
hụt cán cân thương mại hàng tháng giảm dần, nhưng bắt đầu từ quí IV/2008,
tăng trưởng kinh tế bắt đầu suy giảm, hiện tượng sa thải nhân công, doanh
nghiệp thua lỗ, sản xuất đình trệ, tiêu thụ giảm sút và nguy cơ phá sản gia
tăng.
Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều nghiên cứu, phân tích của các
chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về nguyên nhân dẫn đến các bất ổn
kinh tế vĩ mô trong nước, các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế
toàn cầu và tác động của nó đến Việt Nam, đánh giá các tác động của các
chính sách chính phủ tới nền kinh tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu này hoặc


2

thường thiên về mô tả hoặc thường dựa trên các phương pháp nghiên cứu vĩ
mô tổng hợp Keynesian - tân cổ điển. Ưu điểm của các cách tiếp cận này là
chúng thường giúp cho ta có cái nhìn nhanh chóng về tổng thể nền kinh tế.
Nhưng chúng lại có nhược điểm cơ bản là thiếu nền tảng vi mô, tức hành vi
của các chủ thể thực sự tham gia vào các hoạt động của nền kinh tế. Chính
vì thế, các nghiên cứu này thường đưa ra các giải pháp chính sách có tác
động trực tiếp và ngắn hạn, trong khi bỏ qua các tác động thứ cấp và dài
hạn. Điển hình như các nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế
Fulbright số 1, 2, 3 và 4 (2008, 2009); Ngân hàng thế giới (2008); và các
nghiên cứu của các tổ chức tài chính như HSBC, SSI, và BVSC.
Từ thực tế đó, tác giả mạnh dạn nghiên cứu và thực hiện luận văn Thạc
sĩ kinh tế với đề tài “KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH VÀ NHỮNG TÁC
ĐỘNG ĐẾN CÁC DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM”.
Mục tiêu: Nghiên cứu thực trạng, tác động của khủng hoảng tài chính thế
giới đến các doanh nghiệp tại Việt Nam; phân tích những tác động của nó và
những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải; để từ đó đưa ra một số giải pháp

nhằm hạn chế tác động đến các doanh nghiệp, góp phần tạo sự phát triển bền
vững, mạnh mẽ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phạm vi nghiên cứu: Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp thống kê (trên cơ sở số liệu thực
tế được tác giả thống kê lại theo một trình tự nhất định và có thể so sánh,
đánh giá được), tổng hợp (từ những dữ liệu chi tiết và phân tán được tác giả
tổng hợp lại để có cái nhìn tổng thể, nhận xét khái quát), phân tích (từ nguồn
dữ liệu thống kê, tổng hợp và những nguồn dữ liệu được công bố khác, tác
giả tiến hành phân tích để từ đó rút ra những nhận xét, kết luận và đồng thời
đề xuất những kiến nghị phù hợp).
Luận văn được thực hiện gồm 73 trang chính, với bố cục gồm phần mở
đầu và 3 chương:


3

Chương 1: Tổng quan về khủng hoảng tài chính.
Chương 2: Tác động của khủng hoảng tài chính thế giới đến các doanh
nghiệp Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Một số giải pháp nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng
tài chính đến các doanh nghiệp tại Việt Nam.


4

CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH
1.1 Khủng hoảng tài chính theo một số trường phái kinh tế
Khủng hoảng tài chính được hiểu là sự sụp đổ của thị trường tài chính,
khiến cho nó không thể thực hiện được hai chức năng cơ bản nhất: Ổn định
giá trị đồng tiền hoặc các tài sản tài chính như một phương tiện giao dịch,

cất trữ tài sản; Trung gian chuyển vốn tiết kiệm vào những dự án đầu tư có
hiệu quả nhất. Hệ quả là nền kinh tế bị đẩy ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng tiềm
năng, gây nên sự sụt giảm mạnh về sản lượng, việc làm, đi kèm với giảm
phát, hoặc gây nguy cơ bùng nổ lạm phát.
Có thể chia ra ba quan điểm chính về khủng hoảng tài chính: Nhóm thứ
nhất là những người theo chủ thuyết tiền tệ (Monetarists View), dẫn đầu là
Friedman và Schwartz (1963). Họ cho rằng, khủng hoảng tài chính là do sự
hoảng loạn của hệ thống ngân hàng, gây nên sự co hẹp cung tiền tệ, dẫn đến
sự suy thoái trong tổng cầu tiêu dùng và đầu tư. Họ bỏ qua những nguyên
nhân thực, như sự sụt giảm hiệu quả của nền kinh tế, sự suy sụp của nhiều
doanh nghiệp. Vì vậy, theo họ sự can thiệp của chính phủ là không cần thiết,
và thậm chí có hại, vì những doanh nghiệp đáng ra phải để cho bị phá sản,
lại có thể được cứu vớt, gây nên sự gia tăng quá mức về cung tiền tệ và gây
nên lạm phát.
Đối lập với nhóm theo chủ thuyết tiền tệ là Keynesian View, dẫn đầu là
Kindleberger (1978) và Misky (1972). Họ có quan niệm rộng hơn về khủng
hoảng tài chính và tiền tệ, mà nó bao gồm sự sụt giảm của hầu hết giá trị cổ
phiếu, sự vỡ nợ của nhiều công ty tài chính và phi tài chính, nạn giảm phát,
đi kèm với sự rối loạn của thị trường ngoại hối. Những yếu tố này gây sự sụt
giảm mạnh về tổng cầu đầu tư và tiêu dùng, nên cần phải có sự can thiệp của
nhà nước. Điều đáng nói là họ không đưa ra một đặc trưng rõ ràng về nguồn
gốc của khủng hoảng, để làm tiền đề cho một chính sách kích thích có hiệu
quả. Vì vậy, sự can thiệp của chính phủ rất dễ dẫn đến


5

lạm phát và trì trệ, như những người theo chủ thuyết tiền tệ đã lưu ý. Nhóm
thứ ba nhấn mạnh tới bản chất rủi ro của hoạt động tài chính, dẫn
đầu là Stiglitz và Weiss (1981). Theo họ hoạt động của hệ thống tài chính,

đặc biệt là ngân hàng, chịu rủi ro cao, do ngân hàng đầu tư hay tổ chức cho
vay thường không nắm rõ thông tin về khả năng sinh lợi và mức độ rủi ro
của dự án đầu tư bằng cá nhân hay tổ chức đi vay; tức là những người chủ
dự án. Sự khác biệt này về thông tin, hay sự thiếu minh bạch về thông tin
các dự án, khiến cho hệ thống tài chính có thể có vấn đề, bởi vì rằng: Ngân
hàng có thể muốn ép lãi suất thực, cộng các phí dịch vụ cho vay tăng lên để
bù cho rủi ro mất vốn có thể xẩy ra. Nhưng điều này lại khiến cho chỉ có
những dự án có độ rủi ro cao nhất mới hy vọng có đủ khả năng sinh lãi đủ
cao để trả nợ, nếu may mắn thành công. Ngược lại, nếu đó là dự án của
những doanh nghiệp vừa và nhỏ, với độ rủi ro ít (nhưng cũng chính vì vậy
mà mức sinh lãi thấp hơn), thì sẽ khó có thể đi vay được vốn. Vì vậy, khi lãi
suất cho vay tăng lên thì:
-

Sẽ có một tỷ lệ lớn hơn những chủ của các dự án với độ rủi ro cao hơn

(như đầu cơ vào bất động sản, chứng khoán thời bong bóng) đi săn lùng vốn
vay. Trong khi đó, những doanh nhiệp vừa và nhỏ, với những
nhà đầu tư cẩn trọng, sẽ bị loại ra khỏi danh sách các ứng viên. Người ta gọi
đây là sự chọn lầm phải điều nguy hại (adverse selection), theo Akerlof
(1974).
- Với những chủ dự án lớn đã vay được vốn, thì họ có xu hướng làm
thay đổi bản chất dự án hay mục đích sử dụng vốn vay, khiến cho dự án
mang tính đầu cơ cao hơn (hoặc có vẻ quan trọng hơn, để nhà nước không
thể để cho bị thất bại). Do vậy, họ có thể giàu lên nhanh chóng, nếu việc đầu
cơ thành công; và để mặc cho ngân hàng chịu tích tụ những khoản nợ xấu;
hay xã hội phải gánh vác tổn thất qua gánh nặng cứu trợ ngân sách; nếu dự
án bị thất bại. Người ta gọi đây là hiểm họa do sự vô trách



6

nhiệm.
Chính vì những lý do trên đây, những người theo trường phái kinh tế học
thể chế (institutional economics) cho rằng, hoạt động của ngân hàng nói
riêng, và hệ thống tài chính nói chung, phải được giám sát hết sức cẩn trọng,
nhằm hướng các giao dịch tới sự an toàn (Aoki, 1991; Mc Kinnon, 1991). Ví
dụ, với những dự án có độ rủi ro rất cao (nhưng cũng có thể là những cơ hội
đầu tư có tiềm năng nhất về hiệu quả, chứ không phải đầu cơ), thì cần phải
có những quỹ đầu tư đặc biệt nhằm thẩm định, giám sát, rót vốn ban đầu, và
lập cơ chế chia sẻ rủi ro. Chẳng hạn như các quỹ đầu tư mạo hiểm
(vetunture capital funds). Theo Stiglitz-Weiss, do rủi ro chọn lầm và hiểm
họa của sự vô trách nhiệm (adverse selection and moral hazard), hệ thống
các ngân hàng kinh doanh bằng cho vay lấy lãi, phải bị hạn chế, không được
phép tham gia vào các lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro quá cao này.
Ngoài sự phân loại chức năng các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu
tư, và các quỹ đầu tư theo mức độ rủi ro của từng lĩnh vực đầu tư, thì còn
cần phải có nhiều tổ chức trung gian khác, làm chức năng giám sát và cảnh
báo rủi ro. Chẳng hạn như các tổ chức xếp hạng (rating companies), mà
chúng thường xuyên theo dõi sự thay đổi trạng thái tài chính của các công ty
tài chính và phi tài chính. Sự xếp hạng này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng
của các công ty trong việc gây quỹ từ thị trường vốn hay thị trường chứng
khoán.
Nhìn chung, cho dù thuộc trường phái kinh tế nào, thì vẫn có một sự nhất
trí rằng, hệ thống tài chính cần phải được giám sát chặt chẽ, do tính phức tạp
và rủi ro của hoạt động này. Và việc thiếu sự quản lý, giám sát luôn dẫn đến
bong bóng đầu cơ. Tuy nhiên, chỉ khi mất cân đối vĩ mô trở nên rất nghiêm
trọng, thì bong bóng đầu cơ mới có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính và
kinh tế trên quy mô lớn.



7

Những nhà đoạt giải thưởng Nobel kinh tế đã phát biểu quan điểm này
bao gồm: Paul Krugman, Edmund S. Phelps, Reinhard Selten, và Josep
Stiglitz. Họ nhấn mạnh rằng, khủng hoảng là có thể tránh né được, nếu có
một hệ thống giám sát tài chính và cảnh báo rủi ro tốt. Vì vậy, họ cho rằng,
không phải cứ tự nhiên, là phải có sự can thiệp của chính phủ qua các gói
kích thích, nếu như không hiểu rõ khiếm khuyết gì trong thể chế tài chính đã
đẩy đến khủng hoảng.
1.2 Các dạng của khủng hoảng tài chính:
Khủng hoảng do chính sách vĩ mô kéo theo: Do thâm hụt ngân sách, để
bù đắp vào khoản thâm hụt này Chính phủ phát hành tiền. Trong khi đó,
Chính phủ vẫn muốn duy trì chính sách tỷ giá cố định, vì vậy Chính phủ
phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ làm cho lượng ngoại hối
giảm kéo theo giảm khả năng thanh toán của quốc gia gây ra khủng hoảng.
Khủng hoảng do hoảng loạn tài chính: Khi các chủ nợ cho vay ngắn hạn
rút lại các khoản cho vay đối với người vay không có khả năng chi trả, tâm
lý bầy đàn kéo theo làm khủng hoảng càng trầm trọng hơn.
Khủng hoảng do tâm lý ỷ lại: Các tổ chức tài chính được bảo lãnh ngầm
(họ cho rằng Nhà nước không thể để họ phá sản, vì như thế sẽ ảnh hưởng rất
lớn đến tâm lý của người gửi tiền hoặc người cho các tổ chức tài chính vay)
do đó họ đầu tư các dự án có tính rủi ro cao.
Bong bóng bể: Đây là hệ quả của khủng hoảng do tâm lý để lại, với tâm
lý ỷ lại và đầu tư rủi ro cao vô hình chung làm tăng giá trị tài sản (tăng ảo)
tạo cho nhà đầu tư kỳ vọng vào mức lợi nhuận của sự tăng giá tài sản nhưng
thực tế không diễn ra như vậy, đến một lúc nào đó, nền kinh tế không chịu
nổi áp lực của tăng giá tài sản kéo theo sự đổ vỡ của nền kinh tế.



8

Rút vốn ồ ạt và thất bại trong phối hợp: Các nhà đầu tư rút vốn đồng loạt
do mất niềm tin vào các tổ chức tài chính, điều này ảnh hưởng đến hoạt
động của các tổ chức tài chính đang hoạt động có hiệu quả hoặc các tổ chức
đang gặp một số trục trặc nhưng vẫn tồn tại được.
Khủng hoảng tài chính thường kéo theo khủng khoảng tiền tệ và khủng
hoảng ngân hàng, và khi khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng ngân hàng đi
kèm với nhau, các nhà kinh tế gọi nó là “khủng hoảng kép”.
1.3. Tác động của khủng hoảng tài chính
Khủng hoảng kinh tế không những gây ra những tác động xấu đến nền
kinh tế ở mỗi nước mà còn ảnh hưởng đến các nước khác ở trong khu vực và
thế giới. Nó kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế trong một
thời gian dài, mà thậm chí một số nền kinh tế còn tăng trưởng âm.
Khủng hoảng tài chính có thể dẫn đến phá sản hàng loạt công ty, ngân
hàng, công ty tài chính, tỷ giá hối đối mất kiểm soát, lạm phát tăng cao, tỷ lệ
thất nghiệp gia tăng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn,…
Tác động của khủng hoảng tài chính đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế
một quốc gia và hệ lụy của nó là gây cho các doanh nghiệp rất nhiều bất ổn,
khó khăn thôngg qua một số thị trường tài chính điển hình như: Thị trường
chứng khoán biến động theo xu hướng chung của thế giới, nhà đầu tư mất
niềm tin vào một kết quả hoạt động tốt của doanh nghiệp làm cho giá cổ
phiếu trên thị trường liên tục giảm đã cản trở việc huy động vốn của doanh
nghiệp; Tỷ giá hối đoái liên tục biến động, đồng tiền quá yếu hoặc quá mạnh
sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế và doanh nghiệp,
tỷ giá hối đoái tăng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, làm cán cân
thương mại nghiêng về thăng dư, góp phần làm giảm nợ nước ngoài của
quốc gia. Mặt khác, sự tăng tỷ giá hối đoái lại ảnh hưởng xấu đến việc thu
hút vốn tài chính và vốn ngắn hạn nước ngoài. Tỷ giá



9

càng tăng nhanh bao nhiêu thì vốn nước ngoài sẽ vào càng ít bấy nhiêu. Vì
vậy, tỷ giá biến động lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong định hướng
phát triển, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Thị trường bất động sản,
hàng hóa khác cũng liên tục biến động về giá, đầu ra bị hạn chế đã gây nên
không ít khó khăn cho doanh nghiệp về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và
tiêu thụ.
1.4 Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay
1.4.1 Các giai đoạn trước khủng hoảng tài chính của Mỹ
Chúng ta hãy chia thời gian cận khủng hoảng ra làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: dưới thời của cựu tổng thống Bill Clinton (1992 - 2000).
Đây được coi là thời kỳ hoàng kim của Mỹ, với tiến bộ công nghệ và hiệu
quả kinh tế cao, thặng dư ngân sách, và tỷ lệ nợ nước ngoài thấp. Nhưng
ngay vào cuối thời kỳ này đã xuất hiện hai sự kiện đáng chú ý:
-

Vỡ bong bóng chứng khoán: Điều này làm ảnh hưởng đến sự giàu có

của tầng lớp trung lưu của Mỹ, tức là làm giảm khả năng thế chấp cho các
khoản vay để đầu tư của họ vào nhà cửa, bất động sản, và các hoạt động
kinh doanh khác.
- Tự do hóa tài chính: Cụ thể là dưới áp lực của các nhóm đặc quyền tài
chính, vào năm 1999, Bill Clinton đã ký đạo luật mới (Gramm-leach-Bliey),
khai tử đạo luật Glass- Steagal (1933). Điều này cho phép các ngân hàng
thương mại tham gia vào các hoạt động đầu tư rất rủi ro (chủ yếu là trong
lĩnh vực bất động sản), làm khởi đầu bong bóng nhà đất ngay từ năm 2000.
Giai đoạn 2: Thời kỳ của cựu tổng thống George Bush (2001 - 2008), với
điểm nổi bật là mất cân đối vĩ mô ngày càng trầm trọng:

-

Mỹ chịu gánh nặng của hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afganistan, sau

sự kiện 11 tháng 9. Điều này trực tiếp làm tăng thâm hụt ngân sách.
- Thâm hụt cán cân thương mại và nợ nước ngoài của Mỹ (nhất là với


10

Trung Quốc) đã tăng trong suốt 3 thập kỷ, nhưng nhanh nhất là đến cuối
năm 2008. Nợ ròng đầu tư nước ngoài của Mỹ vào 2008 là 3,47 ngàn tỷ
dollars, tăng 1,33 ngàn tỷ, hay 62% so với cuối năm 2007. Đó là mức tăng
cao nhất kể từ năm 1976.
Nếu xét tổng số nợ của Mỹ so với GDP, thì bức tranh cho thấy một sự
bấp bênh về tài chính rõ hơn nhiều. Trong thập kỷ 80, dưới thời Regan, tổng
số nợ của Mỹ so với % của GDP bị đẩy từ 150% lên đến xấp xỉ 240%. Con
số này tăng lên rất ít trong suốt 2 nhiệm kỳ của Clinton, tới gần 250%.
Nhưng nó lại bị đẩy lên dưới thời của Bush, đạt tới 350% vào năm 2008,
vượt xa đỉnh cao trong lịch sử là 300%, khi xảy ra cuộc đại khủng hoảng
1929-1930.
Như đã nói, khi mất cân đối vĩ mô trở nên nghiêm trọng, thì bong bóng
đầu cơ dễ dàng làm khủng hoảng nổ ra. Hãy nhìn lại những diễn biến chính
đưa đến khủng hoảng:
Sau cuộc vỡ bong bóng chứng khoán vào năm 2000, Fed hạ thấp lãi suất
cơ bản nhằm mục tiêu kép: Kích thích đầu tư và tiêu dùng trong nước; Làm
giảm giá trị của đồng dollar so với các đồng ngoại tệ mạnh khác, nhằm kích
thích xuất khẩu, cho phép giảm thâm hụt ngoại thương và kiềm chế nợ nước
ngoài. Về dài hạn, sự kích thích đầu tư, đẩy mạnh tiến bộ công nghệ và tăng
năng suất lao động sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế và sức mạnh của

đồng dollar Mỹ. Điều đó dẫn đến kỳ vọng về một sự thịnh vượng dài hạn
của đất nước và người dân Mỹ.
Hiệu ứng phụ của việc giảm lãi suất cơ bản của Fed là giảm lãi suất vay,
và do đó, làm tăng tổng số cho vay đầu tư vào bất động sản. Điều này được
thúc đẩy bởi niềm tin của người dân vào sự giàu có ngày càng tăng của Mỹ;
vào dân số tiếp tục tăng; và giới hạn của đất đai; nên giá bất động sản sẽ chỉ
có tăng. Nói khác đi, bong bóng bất động sản bắt đầu hình thành.
Bong bóng nhà đất đã kích thích các ngân hàng thương mại tham


11

gia vào các hoạt động đầu cơ rủi ro cao (chủ yếu trên lĩnh vực bất động sản).
Điều này trước đây là bị cấm, do rủi ro trong đầu cơ bất động sản được coi
là vượt quá khả năng đảm bảo an toàn của các ngân hàng thương mại. Tuy
nhiên, bây giờ họ lại được phép làm, nhờ đạo luật mới, Gramm-leach-Bliey.
Tuy nhiên, để đối phó với rủi ro cao, các ngân hàng thương mại, như
Freddie Mac và Fannie Mae, đã chứng khoán hóa những khoản cho vay đầu
tư bất động sản.
Điều này trên thực tế có nghĩa là: những cá nhân hay tổ chức cho vay đầu
tư bất động sản bán các khoản cho vay của họ cho các ngân hàng thương
mại (như Freddie, Fannie). Các ngân hàng này bó các khoản vay nợ đó lại,
ứng với từng mức rủi ro, rồi lại phân nhỏ ra để làm tăng tính thanh khoản,
rồi bán ra như một thứ chứng khoán cho công chúng, thông qua các ngân
hàng đầu tư.
Khi công chúng hay những nhà đầu tư phổ thông mua các khoản cho vay
nợ được chứng khoán hóa này, họ thường mua luôn bảo hiểm, chống lại rủi
ro là khoản vay nợ được chứng khoán hóa đó có thể là nợ không trả được.
Vì vậy, quá trình này cho phép những cá nhân, tổ chức cho vay đầu tư
vào bất động sản trút được gánh nặng rủi ro sang cho tổ chức khác gánh

chịu, và thu về khoản tiền bán ra những tài sản cho vay được chứng khoán
hóa đó. Họ giàu lên nhanh chóng, nên được các công ty xếp hạng đánh giá
cao. Do vậy, các nhà đầu tư phổ thông trên thị trường vốn càng hưng phấn,
và giá bất động sản càng bị bốc lên cao.
Cho tới hết nhiệm kỳ đầu tiên của cựu tổng thống Bush (2004), bong
bóng bất động sản không làm mấy ai lo ngại, do nền kinh tế, về cơ bản là
vẫn vững vàng: tốc độ tăng năng suất và tiền lương thực tế vẫn tiếp tục được
giữ ở mức cao; cân đối vĩ mô vẫn nằm trong tầm kiểm soát.


12

Với một số lượng rất lớn các dự án đầu tư vào bất động sản, các tổ chức
bảo hiểm, như AIG, về trung bình mà nói, có thể xác định được chính xác
một tỷ lệ % khá nhỏ, rằng đầu cơ có thể bị thất bại. Tức là, họ xác định được
suất sinh lợi của mỗi đồng vốn cho vay, cũng như phí bảo hiểm cho rủi ro bị
nợ xấu. Nhờ đó, họ có thể định giá chính xác các khoản cho vay nợ được
chứng khoán hoá theo mức rủi ro của nó. Vì vậy, các tổ chức này hoạt động
rất có lãi nhờ bong bóng nhà đất, trong điều kiện cân bằng vĩ mô được duy
trì.
Sau quí 1/2005, thâm hụt ngân sách, thâm hụt ngoại thương, và nợ nước
ngoài của Mỹ thể hiện ra ngày càng trầm trọng. Fed thay đổi chính sách của
mình và đẩy lãi suất cơ bản lên 0,25% mỗi lần điều chỉnh. Mục đích là nhằm
thu hẹp đầu cơ; hạn chế bong bóng nhà đất; và lái vốn đầu tư vào các lĩnh
vực công nghệ cao, có hiệu quả dài hạn cao hơn.
Nếu vốn đầu tư được chuyển mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao, cho phép
tăng năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ và gánh nặng hai cuộc
chiến tranh không tăng vọt, thì cân đối vĩ mô sẽ đươc cải thiện. Trên thực tế,
bong bóng nhà đất không hề giảm và nợ nước ngoài ngày càng tăng. Một
trong các lý do là các ngân hàng kiếm lãi nhanh hơn nhờ bong bóng nhà đất;

và không quan tâm đáng kể tới đầu tư vào công nghệ cao, đòi hỏi thời gian
đầu tư lâu để sinh lãi. Thêm vào đó, chiến tranh ngày càng trở nên tốn kém.
Hệ quả là mất cân đối vĩ mô trở nên nghiêm trọng, buộc Fed phải mạnh tay
hơn.
Fed liên tiếp đẩy lãi suất cơ bản lên 0,25% mỗi lần điều chỉnh cho tới hết
năm 2006, và duy trì nó ở mức cao tới cuối 2008. Hệ quả là, lãi suất cho vay
để đầu cơ vào bất động sản tăng lên gấp bội và không ngừng bị đẩy lên. Số
đông tầng lớp trung lưu, đang vay nợ để đầu tư vào nhà đất, lúc này không
còn chịu đựng nổi gánh nặng lãi suất. Bong bóng nhà đất vỡ.
Vào cuối 2008, hàng loạt người vay nợ buộc phải trả lại nhà cửa, bất


13

động sản mua bằng tiền vay không có thế chấp cho ngân hàng để trừ nợ. Giá
bất động sản sụt giảm nhanh chóng. Tài sản cho vay được chứng khoán hoá
bị bán ra ào ạt, khiến cho giá của chúng sụt giảm mạnh trên thị trường
chứng khoán. Điều mà các ngân hàng, như Freddie và Fannie, và tổ chức
bảo hiểm, như AIG, không kỳ vọng xảy ra, thì nay đã trở thành thực tế: cùng
một lúc, hàng loạt con nợ bị vỡ nợ, với quy mô lớn, khiến cho vốn của các
ngân hàng bị bốc hơi nhanh chóng.
Sự hoảng loạn từ thị trường nhà đất, lan sang thị trường chứng khoán, rồi
lan sang hệ thống ngân hàng. Khủng hoảng tài chính bắt đầu diễn ra. Các sự
kiện chính như sau:
-Ngày 01 tháng 7, 2008, Bank of America mua lại Countrywide
Financials (một trong những tổ chức bán mortgage backed securities lớn
nhất).
- Ngày 08 tháng 9, 2008, Freddie Mac and Fannie Mae bị quốc hữu hoá
(với tổng tài sản hơn 5 ngàn tỷ dollars).
-


Ngày 15 tháng 9, 2008, Lehman đệ đơn phá sản (lớn nhất trong lịch sử

nước Mỹ: Tài sản 600 tỷ dollars).
- Ngày 16 tháng 9, 2008, Fed buộc phải cứu AIG với 85 tỷ dollars cứu
trợ (Tài sản của nó hơn 1 ngàn tỷ dollars).
Do các tổ chức này mất khả năng thanh toán. Sự vỡ nợ của một loạt tổ
chức trong lĩnh vực tài chính, địa ốc làm một số lượng lớn nhân viên làm
việc thuộc lĩnh vực này bị sa thải. Sự sụt giảm mạnh giá địa ốc, chứng
khoán, làm tài sản của giới trung lưu, trụ cột của sức tiêu thụ của nền kinh tế
Mỹ, bị giảm mạnh, dẫn đến sự co thắt về tổng cầu tiêu dùng hàng hóa cao
cấp và lâu bền như xe hơi, cũng như các dịch vụ giải trí. Điều này tiếp đến
làm các công ty xe hơi lớn như GM và một số lớn các nhà thầu phụ của
chúng bị phá sản. Nhiều trung tâm giải trí lớn như Las vegas bị vắng teo.
Việc rất nhiều các công ty tài chính và phi tài chính bị phá sản làm tăng số


14

lượng đội quân thất nghiệp, kéo theo sự co hẹp tổng cầu về tiêu dùng và đầu
tư, diễn ra theo đường xoáy ốc đi xuống. Mỹ là trung tâm tài chính, thị
trường tiêu thụ, và là con nợ lớn nhất thế giới, khủng hoảng tài chính và
kinh tế của Mỹ đã lan nhanh ra các nền kinh tế khác, dẫn đến khủng hoảng
kinh tế toàn cầu.
1.4.2 Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay
Từ năm 2000 cho đến nay các nhà kinh tế đã đưa ra cảnh báo về nguy
cơ xuất hiện một cuộc suy thoái kinh tế lớn bắt nguồn từ các chính sách kinh
tế tài chính của chính phủ Mỹ. Những nguyên nhân chủ yếu có thể được tóm
lượt như sau:
Thứ nhất, chính sách nới lỏng tiền tệ năm 2001 đến 2004: Để cứu nền

kinh tế thoát khỏi suy thoái kinh tế do bong bóng cũng như khủng bố 11-92001, FED đã hạ lãi suất cơ bản từ 6,5% năm 2001 xuống mức 1% năm
2003. Sau 1 năm duy trì mức lãi suất 1%, FED tăng dần và trở lại mức
5,25% vào tháng 6 năm 2006. Điều này đã dẫn cung tiền cơ sở tăng ở mức
5% đến 10% trong suốt giai đoạn 2001-2004 (Murphy, 2008).
Tương tự như giai đoạn 1920, việc duy trì mức lãi suất thấp không dẫn
đến tăng CPI. Tuy nhiên, nó lại là nguyên nhân chính dẫn đến đầu tư sai lệch
trong cơ cấu sản xuất. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu đổ tiền bạc vào các thị
trường tài sản cũng như chứng khoán và bất động sản, khiến cho các thị
trường này tăng trưởng nóng. Người tiêu dùng cũng tăng vay tín dụng để
mua nhà, ô tô và các vật dụng xa xỉ khác. Nền kinh tế bị định hướng đầu tư
sai lệch, tạo ra cấu trúc ngày càng méo mó. Biểu hiện dễ thấy nhất của tình
trạng này là tiền vay để mua bất động sản tại Mỹ đã tăng gần 3 lần trong giai
đoạn 2000-2007 (Thornton, 2008).
Thứ hai, sự hình thành các định chế tài chính do nhà nước bảo trợ: Hệ
thống tài chính của Mỹ bao gồm hai định chế tín dụng - thế chấp bất động
sản khổng lồ được nhà nước bảo trợ là Fannie Mae (Federal National


15

Mortgage Association) và Freddie Mac (The Federal Home Loan Mortgage
Corporation). Hai tổ chức này có nhiệm vụ mua lại các khoản thể chấp từ
các tổ chức tài chính khác cũng như trực tiếp tham gia vào hoạt động cho
vay thế chấp để duy trì dòng tín dụng lãi suất thấp, cho phép những gia đình
có thu nhập thấp có thể mua nhà. Để thực hiện nhiệm vụ này, Freddie và
Fannie được phép nhận tín dụng trực tiếp từ Cục ngân khố Mỹ, được miễn
thuế thu nhập, và nằm ngoài sự giám sát của Ủy ban chứng khoán Mỹ. Nhờ
những ưu đãi này, Fannie Mae và Freddie Mac đã mở rộng hoạt động cho
vay dưới chuẩn, tạo ra bong bóng bất động sản. Hơn nữa, với việc hai tổ
chức này được phép chứng khoán hóa các khoản cho vay thế chấp đó để bán

ra ngoài cho các tổ chức tài chính khác, rủi ro bong bóng bất động sản đã lan
tỏa sang toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ (Shostak, 2008).
Thứ ba, chính sách đồng nhân dân tệ yếu của Trung Quốc: Bằng chính
sách duy trì đồng nhân dân tệ yếu (chính sách tiền tệ nới lỏng và tỷ giá cố
định) (Shostak, 2006), Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích
xuất khẩu cũng như hạn chế nhập khẩu. Kết quả là quĩ dự trữ ngoại tệ của
Trung Quốc lên tới hơn 2 nghìn tỷ USD. Để bảo vệ quĩ dự trữ này, Trung
Quốc đã đầu tư ngược trở lại Mỹ bằng cách mua trái phiếu của chính phủ
Mỹ. Đây cũng là một nguyên nhân gián tiếp khiến cho mức các lãi suất của
Mỹ thấp trong giai đoạn 2000-2005.
Trên đây là ba nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng nóng của nền
kinh tế Mỹ, sự mất cân đối thương mại toàn cầu, và đỉnh điểm của quá trình
này là bong bóng bất động sản bắt đầu vỡ vào cuối năm 2007. Những dấu
hiệu cho một đợt suy thoái để hiệu chỉnh các sai lầm trong quá khứ đã hiện
diện. Tuy nhiên, một loạt các chính sách can thiệp sai lầm sau đó đã khiến
cho một cuộc suy thoái bình thường trong chu kỳ kinh doanh trở thành cuộc
khủng hoảng kinh tế sâu rộng.


16

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1, tác giả đã trình bày những cơ sở lý luận về khủng hoảng tài
chính bao gồm: Khủng hoảng tài chính theo một số trường phái kinh tế,
những tác động của khủng hoảng lên nền kinh tế và doanh nghiệp, và
nguyên nhân gây nên khủng hoảng kinh tế hiện nay. Từ đó, giúp cho ta có
cái nhìn toàn cảnh để có thể dự báo trước khi khủng hoảng xảy ra và có giải
pháp ứng phó kịp thời.
Trong chương 2, tác giả sẽ đi sâu vào nghiên cứu những nguyên nhân
gây nên cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn hiện nay và phân tích những

tác động của nó đến các doanh nghiệp tại Việt Nam.


×