Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên thảo luận, thực hành nhóm khi tìm hiểu, nghiên cứu về tác gia văn học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (156.25 KB, 10 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

Educational Sci. 2011, Vol. 56, No. 6, pp. 42-51

XÂY DỰNG MỘT SỐ DẠNG CÂU HỎI, BÀI TẬP
CHO SINH VIÊN THẢO LUẬN, THỰC HÀNH NHÓM
KHI TÌM HIỂU, NGHIÊN CỨU VỀ TÁC GIA VĂN HỌC

Hoàng Thị Mai

Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa
E-mail:
Tóm tắt. Vận dụng các thành tựu mới của lí luận văn học, mĩ học tiếp
nhận và lí luận dạy học; căn cứ mục tiêu và đặc điểm kiến thức kiểu bài về
tác gia văn học; phân tích thực trạng sử dụng câu hỏi và bài tập cho SV
học hợp tác ở các trường đại học Việt Nam, bài viết đi sâu nghiên cứu xây
dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho SV thảo luận, thực hành nhóm khi
tìm hiểu về tác gia văn học nhằm phát triển tư duy phê phán, tư duy sáng
tạo và kĩ năng học hợp tác cho SV.

1.

Đặt vấn đề

Kiểu bài tác gia văn học chiếm một khối lượng lớn trong các học phần Lịch sử
văn học (Văn học sử) ở đại học. Mục tiêu của nghiên cứu tác gia văn học là nhằm
“soi sáng và giải thích sự hình thành của tài năng, cắt nghĩa mối quan hệ qua lại
giữa tài năng và xã hội” [4;381]. Tuy nhiên, truyền thống nghiên cứu Văn học sử
thường chọn lối tiếp cận theo phương pháp phân kì, “mô tả” và “liệt kê sự kiện theo
lối biên niên sử” [1;72]. Đây là hướng tiếp cận quan trọng để nghiên cứu một đối
tượng trong diễn tiến lịch sử. Nhưng việc “bó hẹp ở phạm vi liệt kê theo niên đại tiểu


sử nhà văn và tác phẩm theo nguyên tắc: thi thoảng có một con voi trắng” là chưa
đủ cơ sở để lí giải các hiện tượng văn học [1;72]. Cách tiếp cận đó đã tác động trực
tiếp đến phương pháp dạy học trong nhà trường. Dù đã có nhiều cố gắng đổi mới,
nhưng hiện tại, việc thuyết trình theo kiểu “liệt kê”, “mô tả” tiểu sử, đặc điểm sáng
tác của nhà văn thường vẫn chiếm vị trí trung tâm trong các giờ Văn học sử về tác
gia văn học ở nhà trường Việt Nam. Các hoạt động hướng dẫn sinh viên (SV) cắt
nghĩa, lí giải, phê phán, trải nghiệm và sáng tạo còn hạn chế. Các câu hỏi, bài tập
cho SV thực hành, thảo luận nhóm chưa đáp ứng yêu cầu của một giờ thảo luận,
thực hành.
Vận dụng các thành tựu mới của lí luận văn học, mĩ học tiếp nhận, lí luận
dạy học; khảo sát đặc điểm kiến thức kiểu bài về tác gia văn học; trên cơ sở điều
42


Xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên thảo luận, thực hành nhóm...

tra, khảo sát thực trạng dạy học, bài viết đi sâu nghiên cứu xây dựng một số dạng
câu hỏi, bài tập cho SV thảo luận, thực hành nhóm theo hướng phát triển tư duy
phê phán, tư duy sáng tạo và kĩ năng học hợp tác cho SV.

2.

Nội dung nghiên cứu

2.1.

Thực trạng sử dụng câu hỏi, bài tập cho SV thảo luận, thực
hành nhóm về tác gia văn học

Qua dự giờ (21 tiết), tham khảo giáo án, phỏng vấn, điều tra 47 giảng viên,

hơn 400 SV khoa Ngữ văn, Sư phạm Ngữ văn một số trường ĐHSP khu vực Hà Nội
và miền Trung, chúng tôi nhận thấy, nhìn chung các câu hỏi, bài tập được đưa ra
trong giờ thảo luận về tác gia văn học chưa được thiết kế công phu và phù hợp.
Chẳng hạn, câu hỏi chưa nêu lên hoặc chưa cho thấy tính phức tạp, mâu thuẫn của
vấn đề cần phải thảo luận. Chúng thiếu “tính có vấn đề”, “tình huống gọi vấn đề”
để “lôi kéo” SV tham gia vào các cuộc tranh luận mặt đối mặt. Dạng phổ biến nhất
là câu hỏi nêu lên một đề tài, chủ đề hoặc tiểu chủ đề, chẳng hạn:
- Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của Vũ Trọng Phụng,
- Đặc điểm sáng tác của Nam Cao,
- Nghệ thuật trào phúng trong thơ Nôm Trần Tế Xương,...
Nhiệm vụ học tập không được xác định cụ thể, thiếu các câu hỏi dẫn dắt,
SV chưa bị đặt vào những tình huống buộc phải lựa chọn hoặc thể hiện quan điểm
riêng, những vấn đề chung chung, khái quát như vậy thường đã có câu trả lời trong
giáo trình, bài giảng. Chúng không có khả năng kích thích và thách đố trí tò mò,
khả năng tư duy phê phán của SV.
Dạng khác, cũng khá phổ biến là trích dẫn nhận định về một tác gia, tác phẩm
và yêu cầu SV “làm sáng tỏ nhận định đó”. Những câu hỏi dạng này có thể phù hợp
với một bài kiểm tra viết nhưng không phải là câu hỏi thú vị cho một giờ thảo luận
bởi nó không khuyến khích được sự đa dạng của các câu trả lời của SV.
Ngoài ra, khảo sát giờ dạy và thực tế giáo án cho thấy, các giờ dạy dù có câu
hỏi nhưng cũng chỉ để phục vụ cho bài giảng của thầy là chính, chưa có các câu hỏi
xuất phát từ nhu cầu, mâu thuẫn trong quá trình nhận thức của SV hoặc những
câu hỏi do chính SV đề xuất. Các hoạt động thảo luận, thực hành nhóm, vì vậy,
nhìn chung còn mang tính hình thức.

2.2.

Một số dạng câu hỏi, bài tập cho SV thảo luận, thực hành
nhóm về tác gia văn học


2.2.1.

Nhóm câu hỏi, bài tập về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của nhà
văn

* Loại yêu cầu lựa chọn những yếu tố nổi bật của thời đại; lí giải
43


Hoàng Thị Mai

sự chi phối của chúng đối với sự nghiệp và phong cách sáng tác của
nhà văn
Nhà văn sáng tác dưới tác động “không gì cưỡng nổi” của thời đại [3;442].
Theo Mạc Ngôn, “muốn viết ra những tác phẩm không có liên quan đến chính trị là
điều không thể” [5;56] bởi mỗi người sống đều phải “hít thở” không khí của thời đại.
Dù theo phương pháp tả chân hay huyền thoại, bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa
của thời đại vẫn để lại “những tia hồi quang” rõ rệt trong tác phẩm, đặc biệt trong
việc lựa chọn đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo... Vì vậy, không thể tiến hành nghiên
cứu một tác gia văn học nếu không xuất phát từ việc tìm hiểu thời đại mà nhà văn
đã sống và sáng tác; không thể lí giải thấu đáo “những khái quát hình tượng của
những nghệ sĩ tài năng (. . . ) nếu không xem xét những điều kiện thực tế trong đó
chúng nảy sinh và tiếp tục tồn tại” [3;442].
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi mặt của đời sống, mọi khuynh hướng của
thời đại đều có ảnh hưởng và ảnh hưởng như nhau đến tư tưởng và sáng tác của
nhà văn. Vì vậy, cần phải lựa chọn những yếu tố, sự kiện tiêu biểu, có liên quan
trực tiếp; lí giải được mối quan hệ ảnh hưởng, chi phối của chúng đến đặc điểm, sự
nghiệp sáng tác của nhà văn. Trong thực tế nghiên cứu và dạy học, đây là một vấn
đề có ý nghĩa nhưng khá phức tạp, có thể cho SV học hợp tác.
Một số dạng câu hỏi, bài tập tham khảo:

a) Dạng yêu cầu lựa chọn, tóm tắt các yếu tố thời đại (các biến cố chính trị,
xã hội, văn hóa, tôn giáo; các khuynh hướng, trào lưu tư tưởng; các xu hướng, quan
niệm thẩm mĩ...; lí giải, đánh giá sự chi phối của chúng đến ý thức hệ, thế giới quan,
nhân sinh quan và sáng tác của nhà văn (sự lựa chọn đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ
đạo, thể loại, phong cách...). Ví dụ:
- Hãy lựa chọn, tóm tắt 2-3 sự kiện của thời đại mà bạn cho là có tác động
sâu sắc nhất đến thế giới quan, sự lựa chọn đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo trong
sáng tác của Nguyễn Minh Châu/Chế Lan Viên sau 1975. Lí giải vì sao bạn lại chọn
như vậy?
- Có ý kiến cho rằng, Tản Đà là “một khối mâu thuẫn lớn”. Thử cắt nghĩa căn
nguyên của “khối mâu thuẫn” đó từ góc độ những biến động của lịch sử xã hội, tư
tưởng và quan điểm thẩm mĩ của thời đại?
- Trước cái chết của L.Tolstoi, M.Gorki viết: “Trong đời mình chưa bao giờ
tôi khóc thảm thiết, tuyệt vọng, cay đắng như vậy”. Theo bạn, chi tiết, sự kiện nào
trong cuộc đời và sự nghiệp của Tolstoi có thể lí giải được nguyên nhân nỗi “thảm
thiết, tuyệt vọng, cay đắng” trong tiếng khóc của Gorki? Vì sao?
b) Dạng yêu cầu cắt nghĩa nguyên nhân những thành công/hạn chế trong sáng
tác của nhà văn từ góc độ thời đại. Ví dụ:
- Thử lí giải nguyên nhân của những thành công trong sáng tác của Nam
Cao/nguyên nhân của những hạn chế của thơ ca cách mạng Việt Nam 1930-1945 từ
những góc độ thời đại?
44


Xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên thảo luận, thực hành nhóm...

* Loại yêu cầu lựa chọn những yếu tố có ý nghĩa trong tiểu sử,
cuộc đời tác giả; đánh giá sự chi phối của chúng đến sáng tác và việc
hình thành tài năng nhà văn
Được quy định bởi những quá trình xã hội rộng lớn nhưng ở một mức độ nhất

định, “sáng tác của bất kì nhà nghệ sĩ nào, bao giờ cũng bằng cách này hay cách
khác gắn liền với tiểu sử của người đó” [3;110]. Theo Mạc Ngôn, “Một nhà văn cả
đời thực ra chỉ có thể làm một việc: đem máu thịt và cả tâm hồn của mình vào trong
tác phẩm”. Mấy chục cuốn sách suy cho cùng cũng “chỉ là phiên bản của một cuốn”,
mấy trăm nhân vật suy cho cùng cũng “chỉ là các kiểu hoá thân của một nhân vật”,
các kiểu “hoá thân của nhà văn” [5;58]. Nghiên cứu tiểu sử tác giả, vì vậy, là một
cách để giải thích sáng tác.
Tuy nhiên, ngay cả đối với tác phẩm tự truyện cũng không thể đem quy tác
phẩm vào toàn bộ tâm tư, tình cảm cá nhân của người nghệ sĩ. Tiểu sử nhà văn
thường được phản ánh trong tác phẩm của họ một cách “phức tạp hơn, gián tiếp
hơn” [3;112]. Hơn nữa, một yếu tố của tác phẩm không thể được lí giải bằng bất cứ
yếu tố nào của tiểu sử. Việc lí giải mối quan hệ giữa cuộc đời, con người và tài năng
của nhà văn, do đó, là một vấn đề rất thú vị nhưng cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải
có cách tiếp cận liên ngành và phải lựa chọn được những yếu tố, sự kiện có ý nghĩa,
có bằng chứng tin cậy, rất thích hợp cho SV học hợp tác.
Một số dạng câu hỏi, bài tập tham khảo:
a) Dạng yêu cầu lựa chọn các yếu tố có ý nghĩa trong cuộc đời nhà văn. Ví
dụ:
- Lựa chọn, tóm tắt 3-4 yếu tố về truyền thống gia đình/quê hương/quan hệ
riêng tư/tôn giáo/điều kiện sáng tác của Nguyễn Du/ Kafka mà bạn cho là có chi
phối mạnh mẽ nhất đến sự lựa chọn đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo trong sáng
tác của nhà văn. Lí giải vì sao bạn lại chọn như vậy?
- Nếu phải chọn từ 3-4 yếu tố, chi tiết về tiểu sử, cuộc đời, con người cá nhân
mà bạn cho là có chi phối mạnh mẽ nhất đến sự hình thành phong cách suy tưởng
trong thơ Chế Lan Viên, bạn sẽ chọn những yếu tố, chi tiết nào? Tại sao?
- Lập một bản đồ/biểu đồ văn học với các sự kiện tiêu biểu trong cuộc đời và
sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
b) Dạng yêu cầu lí giải, đánh giá sự chi phối của các biến cố cuộc đời đến tài
năng nhà văn. Ví dụ:
- Bạn có đồng ý với ý kiến cho rằng, cảnh sống cơ hàn, chứng bệnh hủi kinh

khủng bắt Hàn Mặc Tử chịu bao phũ phàng, ruồng rẫy, “bị vứt hẳn ra ngoài cuộc
đời”, bao năm “bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn tan rã” chính là nguyên nhân
của những vần thơ kinh dị?
- Theo bạn, sự kiện bị bắt giam, bị kết án tử hình, sau đó đổi thành án khổ
sai bốn năm vào năm 1849 đóng vai trò như thế nào trong các sáng tác sau đó
của Dostoievski (trong cách bộc lộ chủ đề, cảm hứng chủ đạo, cách lựa chọn nhân
45


Hoàng Thị Mai

vật. . . )?
* Loại yêu cầu xác định và lí giải tình huống sáng tạo của nhà
văn
Sự phát triển của văn học nghệ thuật và sự tiến bộ của xã hội có một mối
tương quan phức tạp, không trùng khớp, nhiều khi là nghịch lí. Lịch sử văn chương
có thể chứng minh tính đúng đắn trong quan điểm của Mác rằng, “thời kì phồn
thịnh nhất của nó (tức nghệ thuật – HTM) tuyệt nhiên không tương ứng với sự
phát triển chung của xã hội” [3;382]. Khuất Nguyên thất thế mới có Ly tao, Hồ Chí
Minh bị giam cầm mới có Nhật kí trong tù, nước Nga thế kỉ XIX với chế độ nông
nô lạc hậu hơn nhiều nước châu Âu khác đã sản sinh ra một loạt các thiên tài như
Puskin, Gogol, Lecmontov, Tolstoi, Dostoievski, Traicovski... khiến văn hoá Nga trở
thành một trong những nền văn hoá hàng đầu thế giới. Sự lệch pha đó không thể lí
giải giản đơn, một chiều từ tác động của xã hội, thời đại mà phải xem xét một cách
toàn diện, có hệ thống từ tình huống sáng tạo của nhà văn.
Mỗi nhà văn có một điều kiện sáng tác riêng, mỗi tác phẩm được ra đời từ
những tình huống sáng tạo đặc biệt. Tình huống sáng tạo là những bức bách của
lịch sử xã hội; những áp lực, gợi ý, “thúc ép” của không khí thời đại; nỗi nhức nhối,
khát vọng, bi kịch, mâu thuẫn, động cơ bên trong thôi thúc nhà nghệ sĩ cầm bút.
Tình huống sáng tạo “giúp nhà văn chọn đề tài, gợi ý cả thể loại, phát động cả chủ

đề” và để lại những “dấu ấn thẩm mĩ đặc sắc” trong tác phẩm [6;36]. Nếu hoàn cảnh
sáng tác là một khái niệm rộng thì tình huống là những sự kiện, tiêu điểm cụ thể
của hoàn cảnh, “là hoàn cảnh có vấn đề trực tiếp thúc đẩy hành động” [6;36]. Nếu
hoàn cảnh sáng tác là những gợi ý từ bên ngoài thì tình huống sáng tạo đã bao hàm
động cơ, chủ ý của nhà văn. Tình huống sáng tạo lí giải sáng tác, đặc biệt những
sáng tác đa nghĩa, có tính mở. Xác định trúng tình huống sáng tạo là khai thông
một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận tác phẩm trong tính phức tạp và chiều sâu của
nó; góp phần đánh giá khách quan vị trí, đóng góp của nhà văn.
Một số dạng câu hỏi, bài tập tham khảo:
a) Dạng yêu cầu xác định tình huống sáng tạo của nhà văn, tác phẩm. Ví dụ:
- Tóm tắt/xác định tình huống sáng tạo của Nguyễn Đình Chiểu/ Lí Bạch.
- So sánh tình huống sáng tạo giữa Nguyễn Khuyến và Tú Xương.
b) Dạng yêu cầu giải mã sự chi phối của tình huống sáng tạo đến đặc điểm,
thành công và hạn chế trong sáng tác của nhà văn. Ví dụ:
- Lí giải nguyên nhân cảm hứng bi hùng, bi tráng trong thơ văn Nguyễn Đình
Chiểu từ góc độ tình huống sáng tạo của nhà văn.
- Nguyễn Bách Khoa cho rằng, thơ Hồ Xuân Hương chỉ là sản phẩm của những
ẩn ức tâm lí tính dục hay là phản ánh của sản phẩm đó; di tích của một tôn giáo
thờ sự sinh đẻ đã sản sinh ra Hồ Xuân Hương, một thiên tài hiếu dâm đến cực điểm.
Hãy làm một cuộc phản biện ý kiến của Nguyễn Bách Khoa và xác định tình huống
sáng tạo của Hồ Xuân Hương.
46


Xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên thảo luận, thực hành nhóm...

- Lí giải nguyên nhân những thành tựu, hạn chế của văn thơ Phan Bội
Châu/các nhà thơ Mới 1932-1945 từ góc độ tình huống sáng tạo.
2.2.2.


giả

Nhóm câu hỏi, bài tập về quan điểm, phong cách sáng tác của
nhà văn

* Loại yêu cầu “đối thoại”, phản biện quan điểm sáng tác của tác

Tsekhov nói, “Nếu phủ nhận vấn đề và ý đồ trong sáng tạo thì cần phải thừa
nhận rằng, người nghệ sĩ sáng tác một cách không chủ tâm, không có ý định, dưới
ảnh hưởng của sự kích động” [3;11]. Quan điểm sáng tác là lập trường tư tưởng nghệ
thuật mà từ đó nhà văn lựa chọn các nguyên tắc, thủ pháp nghệ thuật riêng. Tuy
nhiên, theo Platon, “chính các nhà thơ biết ít hơn ai hết họ sáng tạo theo cách nào”
[7;107]. Hơn nữa, cùng với sự biến động xã hội và sự thay đổi thế giới quan, quan
điểm sáng tác của nhà văn cũng luôn vận động. Tổ chức cho SV sắm vai phản biện
quan điểm nghệ thuật của tác giả là một cách giúp SV nhìn nhận thấu đáo hơn
nguyên tắc, phương pháp sáng tác của nhà văn; có thêm những căn cứ xác đáng để
lí giải tác phẩm; đồng thời qua các hoạt động hợp tác đa dạng để rèn luyện tư duy
phê phán, năng khiếu nghệ thuật và các kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, đối thoại,
diễn thuyết – những kĩ năng hết sức cần thiết trong xã hội hiện nay.
Một số câu hỏi, bài tập tham khảo:
- Trả lời nhóm Tự lực văn đoàn trên tờ Ngày nay số ra ngày 25.3.1937, Vũ
Trọng Phụng viết: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, tôi và các nhà văn
cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Theo bạn, tiểu thuyết
nên “cứ là tiểu thuyết” hay nên là “sự thực ở đời”? Vì sao?
- Xây dựng kịch bản, sắm vai phỏng vấn, trò chuyện với Tố Hữu về quan điểm
cho rằng, văn học cách mạng 1954-1975 chỉ là một thứ “văn học phải đạo”, “văn học
minh hoạ”.
- Đối thoại/tranh luận với Nguyễn Minh Châu về quan điểm cần phải đọc lời
“ai điếu” cho văn học cách mạng Việt Nam 1954-1975.
* Loại yêu cầu lí giải sự “lệch pha” giữa ý đồ và kết quả sáng tạo

của nhà văn
Theo Khravchenko, “Cuộc sống thường bẻ gãy những dự đồ ban đầu, thường
hống hách bắt trí tưởng tượng sáng tạo của nhà nghệ sĩ phải phụ thuộc vào nó, buộc
phải phá vỡ một quan niệm đã được hình thành của tác phẩm hoặc khái niệm về
những nhân vật để tạo nên những logic chỉnh thể, những nguyên tắc kết cấu nhất
định” [3;78]. Lịch sử sáng tác và lịch sử văn học đã ghi lại nhiều dẫn chứng về sự
không trùng khớp giữa ý đồ và kết quả sáng tạo của nhà văn. W.Scot, Dostoievski,
Gorki... đều thừa nhận sự vận động chệch hướng của tính cách, sự kiện so với dự đồ
ban đầu của nhà văn. Puskin từng gọi sự kiện Tachiana đi lấy chồng, Tolstoi thừa
nhận hành động Anna Karenina tự tử là “những đòn” sửng sốt, “không mong ước”
47


Hoàng Thị Mai

mà nhân vật đã “chơi” tác giả. Sự “lệch pha” đó nhiều khi đem lại cho tác phẩm,
hình tượng những giá trị bất ngờ, độc đáo. Phát hiện ra sự “lệch pha”, lí giải ý nghĩa
của nó sẽ góp thêm cơ sở thực tiễn để cắt nghĩa thế giới nghệ thuật tác phẩm trong
tính chỉnh thể của nó cũng như sự sáng tạo độc đáo của nhà văn.
Một số câu hỏi, bài tập tham khảo:
- Kafka từng định nghĩa vai trò của nhà văn là “Người đi tìm hạnh phúc”. Tuy
nhiên, âm hưởng bao trùm trong nhiều tác phẩm của ông lại là tư tưởng bi quan về
thân phận con người. Phải chăng giữa quan điểm và thực tế sáng tác của Kafka là
một khoảng cách đầy nghịch lí?
- Về chủ đề của tiểu thuyết Thằng ngốc, Dostoievski viết: “Ý đồ chính của tiểu
thuyết là miêu tả một con người chính diện tuyệt đẹp. Trên đời còn có gì khó hơn
ý đồ đó, nhất là ở thời buổi này.” Nhưng cuối cùng, tác phẩm hoàn thành lại vạch
rõ sự bất lực của nhân vật; “sự sụp đổ tất yếu của những ý muốn tốt đẹp của con
người đơn độc, muốn tha thứ tất cả”. Thử cắt nghĩa nguyên nhân và ý nghĩa của sự
lệch pha đó?

* Loại câu hỏi, bài tập về đặc điểm, phong cách, cá tính sáng tạo
của nhà văn
Phong cách sáng tạo của nhà văn là một vấn đề quan trọng của văn học sử.
Phong cách là sự thống nhất biện chứng giữa tính lặp lại tương đối ổn định và tính
độc đáo, có ý nghĩa của hệ thống hình tượng, phương tiện nghệ thuật mà nhà văn
sử dụng. Phong cách làm nên diện mạo riêng, chỗ đứng riêng của nhà văn, vì vậy,
không phải nhà văn nào cũng có phong cách, ngoại trừ những nhà văn có bản lĩnh
sáng tạo. “Có bao nhiêu yếu tố trong tác phẩm thì có bấy nhiêu chỗ cho phong
cách của nhà văn thể hiện” [2;28]. Tuy nhiên, phong cách thể hiện nổi bật trong xu
hướng chọn lựa đề tài, bộc lộ cảm hứng chủ đạo, nghệ thuật xây dựng nhân vật,
nghệ thuật sử dụng hệ thống hình ảnh, biểu tượng, hệ thống tu từ và thể loại.
Là cơ sở của phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn được thể hiện trước hết
ở sự độc đáo trong quan điểm, cách nhìn nhận hiện thực; sự độc đáo trong cách tư
duy và “khả năng đề xuất những nguyên tắc, biện pháp nghệ thuật mới mẻ” [2;25].
Việc nhận diện được nét đặc trưng phong cách, việc phát hiện và lí giải được
cá tính sáng tạo của nhà văn là nội dung chủ yếu của kiểu bài về tác gia văn học.
Tuy nhiên, phong cách, cá tính sáng tạo là những phạm trù lí luận trừu tượng, được
biểu hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, không dễ tiếp cận, vì vậy, thông qua hệ
thống câu hỏi, bài tập có vấn đề cho SV thảo luận nhóm là biện pháp cần thiết.
Một số dạng câu hỏi, bài tập tham khảo:
a) Dạng yêu cầu nhận diện phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Ví dụ:
- Theo bạn, tác giả văn học trung đại/Hồ Xuân Hương có cá tính sáng tạo
không? Vì sao?
- Thử nhận diện phong cách sáng tác của Hồ Chí Minh qua tập Nhật kí trong
48


Xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên thảo luận, thực hành nhóm...

tù?

b) Dạng yêu cầu liệt kê, phát hiện, cắt nghĩa các yếu tố, chi tiết trong tác
phẩm thể hiện rõ nét phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Ví dụ:
- Chọn và cắt nghĩa một số hình ảnh, biểu tượng mà bạn cho là thể hiện rõ
nét nhất phong cách, cá tính sáng tạo của Hàn Mặc Tử/Chế Lan Viên. Lí giải vì
sao bạn lại chọn như vậy?
- Theo bạn, quan điểm, cách nhìn nhận hiện thực/con người trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp có điểm gì độc đáo so với các nhà văn trước đổi mới?
c) Dạng yêu cầu khái quát phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Ví dụ:
- Thử khái quát phong cách nghệ thuật của Hemingway bằng một cụm từ/câu
ngắn gọn.
- Tìm một cụm từ có thể diễn tả được thần thái, phong cách nghệ thuật thơ
Chế Lan Viên.
- Thử tìm “con mắt thơ” của Xuân Quỳnh?
d) Dạng so sánh, đối chiếu nét độc đáo trong phong cách sáng tác của nhà
văn. Ví dụ:
- Bạn thử xác định nét độc đáo trong cách thể hiện đề tài về tình yêu trong
thơ Xuân Diệu so với Nguyễn Bính/Xuân Quỳnh/Targo?
- Nét tương đồng và khác biệt trong bút pháp thể hiện đề tài về những con
người dưới đáy xã hội giữa Nam Cao và Nguyễn Công Hoan/Tsekhop/Gorki?
* Loại yêu cầu lí giải mối quan hệ giữa tính cách con người và cá
tính sáng tạo của nhà văn
Quan hệ, ảnh hưởng giữa con người cá nhân với cá tính sáng tạo của nhà văn
là một vấn đề không đơn giản. Theo Nguyễn Định Cát, “Người nào trội về nhân
cách thì làm thơ hay trang nhã, người nào trội về khí phách thì làm thơ hay hùng
hồn, người nào giỏi về dùng chữ, đặt câu thì làm thơ hay hoa mĩ... xem thơ thì có
thể mường tượng được người” [4;24]. Nhưng Balzac thì dẫn chứng ngược lại, chẳng
hạn Rabenlais - một con người chừng mực - khác hẳn với giọng văn trào tiếu, sự
thái quá của các hình tượng và phong cách trong tác phẩm, “uống nước lã nhưng
lại ca ngợi rượu vang”; Boileau tế nhị, dịu dàng trong cách nói chuyện hoàn toàn
“không tương ứng với tinh thần châm biếm của những câu thơ táo tợn của ông”

[3;105]. Việc cắt nghĩa mối quan hệ giữa con người cá nhân và cá tính sáng tạo của
nhà văn, do đó, là một vấn đề rất thú vị, có khả năng lí giải sáng tác, nhưng cũng
không đơn giản, rất phù hợp cho SV học hợp tác.
Một số câu hỏi, bài tập tham khảo:
- Chí nam nhi là một trong trong ba chủ đề chính quán xuyến toàn bộ thơ
văn của Nguyễn Công Trứ. Thử lí giải điều này từ góc độ cá tính – con người cá
nhân của nhà thơ?
- Trong Nhật kí ở rừng, Nam Cao thổ lộ: “Mình luôn luôn biết xót thương,
49


Hoàng Thị Mai

biết mến yêu. Nhưng thầm lặng quá, kín đáo quá, ghét biểu lộ tình cảm, mặt lạnh
lùng và khinh khỉnh. Tại sao như vậy? Khổ tâm lắm lắm!”. Theo bạn, tính cách này
có mối liên hệ nào với giọng điệu trong văn Nam Cao không? Vì sao?
- Trong cuộc sống, Nguyễn Tuân nổi tiếng là người “khó tính”, “khinh bạc”,
“kiêu ngạo”, “yêu cái đẹp”, “biết yêu mình, quý trọng mình và quý trọng tự do”.
Trong sáng tác, ông nổi tiếng với thể loại tuỳ bút và dường như chỉ thích viết tuỳ
bút. Bạn thử tìm và cắt nghĩa mối dây liên hệ giữa đặc điểm cá tính con người
Nguyễn Tuân với đặc điểm thể loại sáng tác sở trường của ông?
2.2.3.

Nhóm câu hỏi, bài tập về vị trí của tác gia trong tiến trình văn
học

Định vị tác giả trong tiến trình văn học một giai đoạn, một dân tộc cũng
là phần quan trọng trong các bài về tác gia văn học. Lịch sử văn học từng để lại
rất nhiều ví dụ về sự đánh giá chủ quan đối với vị trí, đóng góp của một nhà văn.
Cervantec, Puskin, Shakespeare, Vũ Trọng Phụng, các nhà Thơ Mới... từng đã trải

qua những bước thăng trầm như vậy trong lịch sử tiếp nhận của bạn đọc. Nguyên
nhân của sự thụ cảm khác nhau đó một phần do quy luật tiếp nhận (sự chi phối tất
yếu của yếu tố chủ quan trong cảm thụ nghệ thuật), một phần do chưa coi trọng
đúng mức quan điểm lịch sử trong việc xem xét một hiện tượng có tính lịch sử.
Chọn một cách đánh giá vừa sâu sắc, vừa khách quan đối với vị trí, đóng góp của
một nhà văn, do vậy, cũng là một yêu cầu cần thiết giúp SV nâng cao nhận thức
khái quát về tài năng của một nhà văn, mở rộng trường liên tưởng, vận dụng thành
thục kĩ năng so sánh, có cái nhìn tổng quan về lịch sử văn học của một thời kì, một
dân tộc.
Một số câu hỏi, bài tập tham khảo:
- Xuân Diệu nói, thơ Tố Hữu “thoát thai từ Thơ Mới”; một số nhà nghiên cứu
khác nói, thơ Tố Hữu thoát thai từ thơ ca của phong trào cách mạng; còn Tố Hữu
thì khẳng định, “cái bụng của Thơ Mới bé quá, không chứa tôi được”. Ý kiến của
bạn?
- Theo lí luận Macxit, nhà văn sáng tạo dưới tác động “không gì cưỡng nổi”
của thời đại. Tuy nhiên, bàn về sáng tác của Dostoievski, một số nhà nghiên cứu
phương Tây cho rằng, cái có giá trị nhất trong di sản nghệ thuật của Dostoievski
hoàn toàn không liên quan gì đến thời đại mà ông sống và sáng tạo. Bởi vì cái mà
nhà văn quan tâm không phải là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn xã hội, lịch
sử nhất định mà là những vấn đề muôn thuở của nhân sinh. Quan điểm và lập luận
của bạn?

3.

Kết luận

Mô tả tiểu sử, đặc điểm sáng tác của nhà văn là một mục tiêu, phương pháp
tiếp cận không thể thiếu, nhưng hướng dẫn SV cắt nghĩa, phê phán, đánh giá sáng
50



Xây dựng một số dạng câu hỏi, bài tập cho sinh viên thảo luận, thực hành nhóm...

tác, sự đóng góp của nhà văn cũng là một mục tiêu quan trọng, một yêu cầu cấp
thiết để đổi mới phương pháp dạy học Văn học sử nói chung, tác gia văn học nói
riêng ở nhà trường đại học hiện nay. Nghiên cứu thiết kế hệ thống câu hỏi, bài tập
bám sát mục tiêu bài học, có tính thách thức trí tuệ SV, khơi gợi ở SV nhu cầu
thảo luận, tranh luận để luận giải sâu sắc vấn đề, phát triển các kĩ năng tư duy phê
phán, kĩ năng nghiên cứu và hợp tác, do đó, là yêu cầu cần thiết và cấp thiết.
Mỗi tác gia văn học trong chương trình có mục tiêu, nội dung nghiên cứu
riêng, việc xây dựng câu hỏi, bài tập cho SV thảo luận, hợp tác, vì vậy, cũng có
những căn cứ khoa học cụ thể. Một số dạng câu hỏi mà tác giả bài viết đề cập ở
trên chỉ là những dạng chung nhất để tham khảo cho một vấn đề mà bên cạnh vốn
kiến thức, nghệ thuật tổ chức, dẫn dắt của người thầy là yếu tố quyết định thành
công của một giờ thảo luận, học hợp tác của SV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hans Robert Jauss, 1970. Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa văn
học. Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1/2002
[2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 1992. Từ điển thuật ngữ văn học.
Nxb Giáo dục
[3] M.B.Khravchenko, 1978. Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học.
Nxb Tác phẩm mới
[4] Phương Lựu, 1988. Lí luận văn học tập 3. Nxb Giáo dục
[5] Mạc Ngôn, 2004. Mạc Ngôn và những lời tự bạch. Nxb Văn học
[6] Lê Văn Tùng, 1987. Bi kịch cuộc sống và vấn đề tình huống sáng tạo của các
nhà văn yêu nước từ sau 1858. tr35-45, Tạp chí Văn học số 6, tháng 11-12/1987
[7] L. Vygoski, 1981. Tâm lí học nghệ thuật. Nxb Khoa học Xã hội
ABSTRACT
Creating some types of questions and assignments
for students working in groups when they study a literary author

Applying the modern theories of literature for the readers and learners; analysing
the real situation of using cooperative questions and assignments in Vietnam colleges, the article is aimed at creating some types of questions and assignments for
students’ discussion, practicing in groups when they study a literary author at colleges in order to develop critical and creative thinking and cooperative learning
skills.

51



×