Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Các xu hướng phát triển chương trình đào tạo theo quan điểm lấy người học làm trung tâm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (450.03 KB, 8 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

2012, Vol. 57, No. 5, pp. 148-155

CÁC XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
THEO QUAN ĐIỂM LẤY NGƯỜI HỌC LÀM TRUNG TÂM

Nguyễn Vũ Bích Hiền
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email:
Tóm tắt. Bài báo nghiên cứu các xu hướng phát triển chương trình đào tạo theo
quan điểm lấy người học làm trung tâm. Trên cơ sở làm rõ khái niệm phát triển
chương trình đào tạo và quan điểm lấy người học làm trung tâm, nghiên cứu nêu
lên ba xu hướng phát triển chương trình là: thiết kế chương trình theo chuẩn đầu
ra và đào tạo theo năng lực thực hiện, kêu gọi sự tham gia của nhiều bên liên quan
(những người có mối quan tâm và được hưởng lợi ích trực tiếp hay gián tiếp từ
chương trình) trong phát triển chương trình nhằm đáp ứng được nhu cầu đa dạng
của người học, đào tạo theo học chế tín chỉ được coi là một ví dụ của việc xây dựng
và tổ chức thực hiện chương trình theo quan điểm lấy người học làm trung tâm. Đó
là cách phát triển chương trình giúp người học được chủ động và được quyền quyết
định nhiều hơn cho hoạt động học tập của chính mình.
Từ khóa: Phát triển, chương trình đào tạo, quan điểm, người học, trung tâm.

1.

Đặt vấn đề

Quan điểm lấy người học làm trung tâm ra đời từ những năm từ 1920 đến 1940
được gọi là thời đại Cách mạng Giáo dục ở các nước châu Âu và bắc Mỹ. Tuy nhiên khi nó
lan sang những nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sự tiếp nhận có phần dè dặt hơn. Có
người cho rằng cụm từ “lấy người học làm trung tâm” không thực sự phù hợp với những


nước nho giáo, phật giáo với truyền thống đề cao vai trò của người thầy “nhất tự vi sư, bán
tự vi sư”. Vì vậy ở Thái Lan người ta lại ưa dùng cụm từ “quan tâm nhiều hơn tới người
học”. Về bản chất không có gì khác biệt, chỉ khác biệt ở cách dùng từ, còn vấn đề “lấy
người học làm trung tâm” đã được chứng minh tính hiệu quả của nó trong lịch sử phát
triển giáo dục thế giới.
Lại có những quan điểm nhìn nhận “lấy người học làm trung tâm” như một phương
pháp giảng dạy và gắn với việc đổi mới phương pháp theo hướng tăng cường tính chủ
động, tích cực ở người học. Và như vậy thì có hay không một chương trình đào tạo lấy
người học làm trung tâm hay chỉ có phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm?.
Chúng ta cần hiểu một cách đúng đắn rằng “lấy người học làm trung tâm” là một quan
điểm chứ không phải là một phương pháp dạy học. Quan điểm này chỉ đạo tới mọi khâu
148


Các xu hướng phát triển chương trình đào tạo...

của quá trình phát triển chương trình đào tạo và làm thay đổi bản chất của một chương
trình đào tạo.
Nghiên cứu này đi tìm hiểu từ thuật ngữ phát triển chương trình đào tạo, đặc điểm
của một chương trình đào tạo lấy người học làm trung tâm và một số xu hướng điển hình
của việc phát triển chương trình đào tạo đi theo quan điểm lấy người học làm trung tâm.

2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Phát triển chương trình đào tạo

Ở Việt Nam, curriculum development có lúc được dịch là phát triển chương trình,
có lúc là xây dựng chương trình, hoặc biên soạn chương trình. Trong bài viết này, chúng

tôi gọi curriculum development là phát triển chương trình đào tạo.
Phát triển chương trình đào tạo là quá trình biên soạn (hay xây dựng) tất cả các
môn học trong một khoá học cụ thể. Nó bao gồm các hoạt động như: thiết kế nội dung
(các khái niệm), lập kế hoạch, ứng dụng thử nghiệm và nghiên cứu khoa học nhằm đưa ra
những chương trình đào tạo mới hoặc cải thiện những chương trình đào tạo đã có.
Như vậy theo cách định nghĩa này, phát triển chương trình đào tạo bao hàm cả việc
biên soạn hay xây dựng một chương trình mới hoặc cải tiến một chương trình đào tạo hiện
có. Hơn nữa ở đây chúng ta sử dụng thuật ngữ “phát triển” chương trình đào tạo thay cho
từ “xây dựng” hay “biên soạn” chương trình đào tạo còn bởi vì “phát triển” bao hàm cả sự
thay đổi, bổ sung liên tục trong chương trình giảng dạy để giúp việc học có hiệu quả, đáp
ứng các yêu cầu của cá nhân, tổ chức hay cộng đồng. Phát triển là một chu trình mà điểm
kết thúc sẽ lại là điểm khởi đầu, kết quả là một chương trình đào tạo mới và ngày càng tốt
hơn nữa. Còn xây dựng là một quá trình và kết quả dừng lại khi chúng ta có một chương
trình mới.
Cũng giống như khái niệm chương trình đào tạo, khái niệm phát triển chương trình
đào tạo luôn có sự tranh cãi của nhiều luồng tư tưởng, nhiều quan điểm khác nhau và khó
đi đến được sự thống nhất chung.
Một trong những yếu tố làm cho thuật ngữ phát triển chương trình đào tạo trở nên
phức tạp là yếu tố môi trường nơi mà việc phát triển chương trình đào tạo được thực hiện.
Môi trường luôn luôn biến đổi và phức tạp. Để đảm bảo tính hiệu quả, chương trình đào
tạo cũng cần được thiết kế, sửa đổi sao cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội, địa phương,
nhà trường và của người học. Nếu không điều chỉnh chương trình đào tạo theo sự thay đổi
của môi trường chúng ta sẽ rơi vào tình trạng học lái xe mà không bao giờ cho xe tham
gia giao thông.
Tựu chung lại có thể hiểu phát triển chương trình đào tạo là quá trình lập kế hoạch
và hướng dẫn việc học tập của người học (bao gồm cả các hoạt động trong và ngoài lớp
học) do đơn vị đào tạo tiến hành. Có bốn hoạt động chính cần được thực hiện trong phát
triển chương trình đào tạo:
149



Nguyễn Vũ Bích Hiền

Xác định người học cần gì hoặc muốn học gì về kiến thức, kĩ năng, thái độ.
tập.

Xác định hình thức, phương pháp học tập phù hợp và các điều kiện bổ trợ việc học
Tiến hành giảng dạy và đánh giá việc học tập.

Chỉnh sửa chương trình đào tạo thường xuyên sao cho phù hợp với nhu cầu học tập
của người học.

2.2.

Quan điểm lấy người học làm trung tâm

Quan điểm cho rằng giáo dục là một quá trình truyền thụ kiến thức đã tồn tại hàng
nghìn năm trong lịch sử, điều đó ảnh hưởng tới việc phát triển chương trình. Quan điểm
này đặc biệt chú trọng tới khối lượng và độ sâu... của kiến thức. Sau một thời gian, những
yếu điểm của loại chương trình đào tạo này đã dần bộc lộ. Đó là sự quá tải về tri thức, kiến
thức nặng về lí thuyết, nặng tính hàn lâm, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người học và
đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, truyền thụ kiến thức một chiều dẫn đến sự thụ động của
người học.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với sự phát triển kinh tế và bùng nổ về khoa
học - công nghệ ở các nước châu Âu và bắc Mỹ, giáo dục cũng có những cải cách lớn.
Phát triển chương trình đào tạo thay vì chú trọng tới việc truyền thụ kiến thức (lấy nội
dung môn học làm trung tâm) đã hướng sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển năng lực
của người học.
Đứng trên quan điểm lấy người học làm trung tâm (student-centered), chương trình
đào tạo được định nghĩa là “Tất cả các hoạt động mà người học cần thực hiện, để theo học

hết khoá học và đạt được mục đích tổng thể”. Như vậy chương trình đào tạo không chỉ là
bản liệt kê nội dung cần đào tạo mà là toàn bộ quá trình đi đến đích của người học. Khóa
học được sơ đồ hóa như một cái cây với nhiều nhánh rẽ và nhiều con đường tới đích, ngắn,
dài khác nhau. Từ đó người học có thể chủ động lựa chọn con đường đến đích sao cho phù
hợp với năng lực và điều kiện của bản thân.
Chương trình đào tạo lấy người học làm trung tâm chuyển trọng tâm từ nội dung
giảng viên muốn dạy sang nội dung sinh viên cần học, và vài trò giảng viên thay đổi từ
chỗ là nguồn chủ yếu truyền thụ kiến thức sang giúp điều phối quá trình học tập của sinh
viên. Việc tổ chức hoạt động dạy học sao cho thuận lợi nhất đối với người học dù cho việc
quản lý có thể phức tạp và tốn kém hơn.
Dựa trên quan điểm đó, các nhà khoa học giáo dục cho rằng, chương trình cần thiết
kế theo hướng:
- Từng bước giúp sinh viên tham gia vào việc quyết định nội dung và phương pháp
học tập.
- Kết hợp nội dung học với kinh nghiệm sống và hoàn cảnh của người học.
- Đưa ra càng nhiều tình huống, vấn đề, bối cảnh thực tế trong khi dạy càng tốt.
150


Các xu hướng phát triển chương trình đào tạo...

1a. Chương trình liệt kê nội dung cần học trong khóa học

1b. Chương trình mô tả quá trình đi đến đích của người học
Hình 1: So sánh mô tả chương trình theo cách cũ và mới

2.3.

Các xu hướng phát triển chương trình đào tạo theo quan điểm lấy
người học làm trung tâm

Phát triển chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện.

Hiện nay trong nhiều lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề ở Việt Nam, các nhà
nghiên cứu đang quan tâm tới vấn đề phát triển chương trình đào tạo theo “năng lực thực
hiện” (competency-based education). Căn cứ vào phân tích nghề, phân tích công việc để
151


Nguyễn Vũ Bích Hiền

chính xác hóa nội dung đào tạo. Với xu hướng này, các nhà phát triển chương trình của
Việt Nam cũng đã dần dần hướng chương trình đào tạo tập trung vào năng lực của người
học, phù hợp với xu thế phát triển chương trình hiện đại trên thế giới. Việc phát triển
chương trình xuất phát từ người học chứ không phải từ người dạy. Mọi nhu cầu, hứng thú,
lợi ích, khả năng của người học đều được tính đến trong quá trình phát triển chương trình.
Người học được tạo điều kiện tham gia phát triển chương trình, tích cực chủ động tham
gia vào hoạt động lĩnh hội tri thức và kiểm tra đánh giá tri thức. Mối quan hệ tương tác
giữa người dạy và người học là mối quan hệ thông hiểu lẫn nhau (Diamond M. Robert,
2003).
Hơn nữa việc phát triển chương trình đào tạo theo “năng lực thực hiện” đặc biệt
chú trọng tới khả năng thực hành của người học, tức là việc áp dụng lí thuyết vào thực tế.
Nội dung các môn học hay module vì vậy được thiết kế dựa trên việc phân tích mức độ
những biểu hiện hành vi, thái độ... cần có của người học khi kết thúc khóa học. Nghĩa là
để tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Cần đưa những nội dung gì vào chương trình?” thì chúng
ta phải bắt đầu từ câu hỏi: “Khi kết thúc khóa học, người học sẽ phải làm được những
công việc cụ thể gì?”. Tiếp tục lật ngược lại “Làm thế nào để biết họ đã làm được những
việc đó khi kết thúc khóa học? (nội dung gì sẽ được đưa vào trong các bài kiểm tra?)”.
Và cuối cùng là “Để làm được bài kiểm tra thì người học phải được học những nội dung
gì?” (Wiggins & McTighe, 2005). Phát triển chương trình theo cách tiếp cận này, các nhà
giáo dục muốn hướng việc giảng dạy dựa theo tiêu chuẩn (standard-based teaching) chứ

không dựa trên hoạt động (activity-based instruction). Nghĩa là người ta cần phải suy nghĩ
nhiều hơn là thao tác máy móc. Thông thường, giáo viên chỉ chú trọng xem mình đã dạy
hết chương trình (theo sách giáo khoa) và đảm bảo lượng thời gian hay chưa mà ít quan
tâm tới những tiêu chuẩn, mục tiêu môn học (khoá học) đề ra đã đạt được hay chưa. Bằng
cách đảo ngược các bước phát triển chương trình kiểu truyền thống (backward design),
người ta phải bắt đầu đi từ kết quả mong muốn (tiêu chuẩn và mục tiêu) và sau đó phát
triển chương trình từ những biểu hiện của hoạt động học tập tương ứng, xác định phương
thức giảng dạy, giáo dục cần thiết để trợ giúp cho học sinh trong hoạt động học tập. Khác
với các cách phát triển chương trình thông thường, mô hình đảo ngược khuyến khích việc
chọn mục tiêu và tiêu chuẩn làm bằng chứng để đánh giá ngay từ khi bắt tay vào phát triển
chương trình của một khoá học hay một môn học. Cấu trúc khóa học như vậy giúp cho
người học có trách nhiệm nhiều hơn đối với chính hoạt động học tập của họ.
Phát triển chương trình có sự tham gia của các bên liên quan.
Tiếp theo chúng ta bàn đến cách tiếp cận cùng tham gia trong phát triển chương
trình. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, cách tiếp cận cùng tham gia trong phát
triển chương trình cho rằng công việc phát triển chương trình không nên là công việc của
cá nhân mà phải là công việc của tập thể. Dựa trên giả định rằng mọi người học hoàn toàn
khác nhau ngay từ điểm xuất phát. Trong khi học, họ sẽ tiếp tục thay đổi thông qua tương
tác với các nhóm liên quan khác nhau. Việc xây dựng chương trình đào tạo vì vậy sẽ được
tiến hành với sự tham gia của tất cả các nhóm liên quan này, tuỳ theo nguồn lực và mối
quan tâm của mỗi nhóm.
152


Các xu hướng phát triển chương trình đào tạo...

Vậy các bên liên quan trong phát triển chương trình có thể là những ai? Các bên
liên quan trong phát triển chương trình là những nhóm người hay cá nhân có mối quan
tâm về đào tạo hoặc là những người hưởng lợi từ quá trình giảng dạy (ví dụ: giảng viên,
nhà quản lí, sinh viên, chủ doanh nghiệp, giám đốc nhà máy v.v). Có thể chia các bên liên

quan thành nhóm bên trong và nhóm bên ngoài. Nhóm bên trong bao gồm các bên liên
quan tham gia hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình đào tạo và nằm trong đơn vị
đào tạo. Nhóm bên ngoài bao gồm các bên liên quan nằm ngoài đơn vị đào tạo, không
tham gia trực tiếp hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình đào tạo.

Hình 2: Xu hướng phát triển chương trình có sự tham gia của các bên liên quan [1]
Chu trình trên gồm năm bước thường bắt đầu bằng phân tích bối cảnh, đánh giá nhu
cầu đào tạo, đến phát triển khung chương trình, phát triển chương trình chi tiết, thực hiện
giảng dạy và sau đó là đánh giá và chỉnh sửa. Các bước trong quá trình này có mối liên hệ
chặt chẽ với nhau. Nếu một bước thay đổi thì cũng phải chỉnh sửa thích ứng với các bước
tiếp theo. Phát triển chương trình đào tạo là một chu trình khép kín, không có bước kết
thúc. Điều quan trọng là mỗi bước phải được giám sát và đánh giá ngay từ đầu. Mỗi bước
trong chu trình bao gồm một số hoạt động. Tuy nhiên số lượng các hoạt động phụ thuộc
vào bối cảnh, điều kiện thực tế của chính đơn vị đào tạo. Đơn vị đào tạo có thể thêm hoặc
bớt các hoạt động trong mỗi bước sao cho quá trình phát triển chương trình khả thi và có
hiệu quả nhất.
Trong chu trình phát triển chương trình, các nhóm liên quan được đặt giữa nhằm
nhấn mạnh sự tham gia trong suốt quá trình phát triển chương trình đào tạo. Tuy nhiên,
cần lưu ý là mức độ tham gia của các bên liên quan trong từng giai đoạn của chu trình
cần được tổ công tác phát triển chương trình và chính các nhóm liên quan xác định. Mỗi
ngành học trong mỗi bối cảnh khác nhau có các bên liên quan khác nhau. Tham gia vào
phát triển chương trình đào tạo, mỗi bên liên quan có những mối quan tâm khác nhau (Ví
dụ: Giảng viên hay sinh viên/ học sinh quan tâm nhiều hơn tới công việc giảng dạy được
thực hiện như thế nào trong khi nhà quản lí đào tạo hay đơn vị sử dụng nguồn nhân lực
153


Nguyễn Vũ Bích Hiền

được đào tạo lại quan tâm nhiều tới kết quả đầu ra của sản phẩm đào tạo - chất lượng sinh

viên/ học sinh). Ngoài ra, không phải mức độ tham gia của các bên liên quan đều như
nhau trong các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển chương trình. Tuỳ thuộc vào
nguồn lực có sẵn, mối quan tâm, mức độ quan trọng hay vai trò của các bên liên quan mà
đảm bảo sự tham gia của họ cho phù hợp trong mỗi giai đoạn.
Đào tạo theo học chế tín chỉ.
Cuối cùng, cũng theo xu hướng quan tâm nhiều hơn tới nhu cầu của người học, phải
nói rằng chương trình đào tạo hiện đại ngày càng có cấu trúc linh hoạt. Chương trình đạo
tạo theo tín chỉ thay cho hình thức đào tạo theo niên chế cũng là một ví dụ của xu hướng
này. Đặc trưng của hình thức đào tạo theo tín chỉ là kiến thức được cấu trúc thành các học
phần hay các module. Quá trình học tập là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng
học phần (đơn vị tín chỉ); Một đơn vị tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn
bị cá nhân. Khi tổ chức giảng dạy theo tín chỉ, lớp học được tổ chức theo từng học phần;
đầu mỗi học kì, sinh viên được đăng kí các môn học thích hợp với năng lực, hoàn cảnh của
họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành chuyên môn
chính nào đó. Người học còn có khả năng rút ngắn hay kéo dài thời gian học tập trong nhà
trường bằng cách đăng kí số lượng ít, hay nhiều môn học trong một kì học. Như vậy người
học có nhiều quyền quyết định hơn cho việc học tập của mình.
Việc chú trọng đến sự phát triển năng lực toàn diện của người học (năng lực ở đây
được hiểu là một thuộc tính nhân cách phức hợp bao gồm những kĩ năng, kĩ xảo, hình
thành trên cơ sở tri thức, gắn bó với động cơ và thói quen tương ứng, giúp người học có
thể đáp ứng được những yêu cầu mà công việc đặt ra) trong khi thời lượng học ở nhà
trường không tăng đòi hỏi chương trình phải giảm thời lượng cho việc truyền thụ tri thức
và thay vào đó là thời gian dành cho hoạt động tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo.
Điều này phản ánh xu hướng chung của chương trình hiện đại là lựa chọn một số
lượng hợp lí những nội dung cần học tập trên lớp, tránh quá tải tri thức và dành lượng thời
gian cần thiết, hợp lí cho hoạt động tự học của sinh viên. Đây chính là xu thế mà những
người xây dựng chương trình ở Việt Nam đang quan tâm và học tập.
Hình thức đào tạo theo tín chỉ đã được áp dụng từ rất lâu ở các trường của Châu
Âu, châu Mỹ và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây,
hình thức học theo tín chỉ mới thực sự được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam. Hiện nay đào

tạo theo học chế tín chỉ là 1 trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục
đại học giai đoạn 2006 - 2020 (Nghị quyết của chính phủ, 2005). Theo chủ trương của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, ngay trong năm học 2006 - 2007, các trường phải tập trung triển
khai đào tạo học chế tín chỉ và phải hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, cũng như mọi
sự đổi mới, việc chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo tín
chỉ đã và sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan cần nỗ lực giải quyết.

154


Các xu hướng phát triển chương trình đào tạo...

3.

Kết luận

Phát triển chương trình đào tạo theo quan điểm lấy người học làm trung tâm dựa
trên triết lí tôn trọng người học và quan tâm triệt để tới người học trong quá trình đào tạo.
Do đó, chương trình đào tạo cần phải được thiết kế theo chuẩn đầu ra, đào tạo theo năng
lực thực hiện, dạy cái người học cần trên thực tế chứ không phải dạy cái mà giáo viên
có. Đồng thời để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học thì công việc phát triển
chương trình cần phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan (những người có mối quan
tâm và được hưởng lợi ích trực tiếp hay gián tiếp từ chương trình). Đào tạo theo học chế
tín chỉ là một ví dụ của việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình theo quan điểm
lấy người học làm trung tâm. Đó là cách phát triển chương trình giúp người học được chủ
động và được quyền quyết định nhiều hơn cho hoạt động học tập của chính mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đặng Đình Bôi, 2006. Sổ tay phát triển chương trình đào tạo có sự tham gia. Tài
liệu từ dự án hỗ trợ phổ cập và đào tạo phục vụ lâm nghiệp và nông nghiệp vùng cao
(ETSP).

[2] Chính phủ nước CHXHCNVN, 2005. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng
11 năm 2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn
2006-2020.
[3] Diamond M. Robert, 2003. Xây dựng và đánh giá môn học và chương trình học (Designing and Assessing Courses and Curricula). Tài liệu dịch thuật lưu hành nội bộ, Tủ
sách Đại học Nông Lâm, Tp Hồ Chí Minh.
[4] Wiggins, G. & McTighe, J., 2005. Understanding by Design, tái bản lần 2. Nxb Association for Supervision and Curriculum Development, USA.
ABSTRACT
Trends in student centered curriculum development
This paper looks at curriculum development from a student’s standpoint. The research highlights three curriculum development trends: standard-based curriculum design
and competancy-based training, calling for the participation of those who have an interest and will benefit directly or indirectly from curriculum development that will meet the
diverse needs of students, and credit-based teaching, which brings in a student-centered
standpoint. Such curriculum would encourage students to be more active and take part in
learning activities on their own.

155



×