Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.28 KB, 6 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 37-42

NHÂN VẬT NỮ TRONG TÁC PHẨM CỦA ERNEST HEMINGWAY

Lê Lâm

Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn
E-mail:
Tóm tắt. Nhân vật nữ trong tác phẩm của Hemingway tập trung vào một số dạng
cơ bản như sau: Người đàn bà với những "vết thương" và khoảng trống cô đơn,
những người đàn bà lăng loàn (bitch women), những người đàn bà suy thoái thiên
chức, những người đàn bà là "nguồn sáng của thế giới" (the light of the world)...
Nhân vật nữ đã góp phần hoàn thiện bức tranh cuộc sống mà tác giả muốn thể hiện.
Từ khóa: Hemingway, nhân vật nữ, cô đơn, thiên chức...

1.

Mở đầu

“Mọi con đường, lối nẻo đi về tác phẩm của Hemingway dường như đã được khai
phá” [1]. Khối lượng đồ sộ công trình nghiên cứu về nhà văn này cũng như tác phẩm của
ông đã khẳng định với chúng ta điều đó. Tuy nhiên việc tiếp cận, nghiên cứu tác phẩm
của Hemingway khó có thể trở thành lối mòn bởi sáng tác của ông dẫu trở nên quen thuộc
với nhiều thế hệ độc giả vẫn còn tồn tại nhiều điểm chưa được khám phá và nghiên cứu
một cách thoả đáng. Ở ông luôn có sự giao thoa giữa mới và cũ, giữa cổ điển và hiện đại,
giữa dễ hiểu và khó hiểu, luôn gây nên sự tranh cãi giữa các trường nghiên cứu, tựa những
dòng hải lưu mà ngay cả những người đi biển kì cựu cũng không bao giờ khẳng định là đã
hiểu hết về chúng.


2.

Nội dung nghiên cứu

Tuy xuất hiện không nhiều nhưng trong thế giới mà Hemingway xây dựng nên, phụ
nữ vẫn chiếm vị trí quan trọng như một phần tất yếu của cuộc sống. Có cảm nhận chung
rằng khi đề cập đến vấn đề nhân vật nữ trong sáng tác của ông, nhiều nhà nghiên cứu thiên
về cách lí giải, nhìn nhận nó như là một mảng từ cuộc đời thực của tác giả chứ chưa chú ý
những nét đặc sắc trong phương thức thể hiện cũng như vai trò của nhân vật nữ trong việc
chuyển tải ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

2.1.

Nhân vật nữ nhìn từ số lượng

Đàn ông không đàn bà (Men without women) là tiêu đề tập truyện ngắn của Hemingway xuất bản năm 1927. Quả thực thế giới đàn ông - nhân vật nam trong các tác phẩm
của Hemingway xuất hiện ở thế áp đảo về số lượng. Ở công trình nghiên cứu về kiểu nhân
37


Lê Lâm

vật trung tâm trong tác phẩm Hemingway của tác giả Lê Huy Bắc, qua bảng thống kê các
nhân vật, ta thấy số lượng nam nhân vật trung tâm gấp gần 10 lần nữ nhân vật trung tâm
(79 nam, 8 nữ) [2]. Bên cạnh đó các nữ nhân vật chính, nữ nhân vật phụ xuất hiện cũng
có sự chênh lệch nam nữ gần như vậy. Rất nhiều tác phẩm của Hemingway không có hình
bóng đàn bà. Thật thú vị nếu thấy rằng số lượng những nữ nhân vật trung tâm trong các
tác phẩm của Hemingway thậm chí không nhiều bằng số lượng những người đàn bà đã đi
qua cuộc đời hào hoa và lãng tử của ông.
Lí giải điều này, đã có ý kiến cho rằng sở dĩ có sự khập khiễng “âm thịnh dương

suy” trong tác phẩm của Hemingway là do ông có một mối ác cảm với phụ nữ. Những
người phụ nữ trong tác phẩm của Hemingway không những xuất hiện ít mà còn đầy đa
đoan, trắc trở, có khi là mối di hoạ cho những người đàn ông. Nếu chỉ nhìn nhận như vậy
quả thật rất khiên cưỡng. Thực tế sáng tác văn chương cho thấy không phải lúc nào không
thích một ai đó nhà văn sẽ không cho họ xuất hiện trên trang viết của mình. Tuy ít xuất
hiện hơn so với nam giới nhưng qua những nữ nhân vật ta vẫn nhận thấy thấm đượm một
tấm lòng nhân hậu của nhà văn.
Nhìn vào các mảng đề tài lớn mà Hemingway thể hiện: Đấm bốc, săn bắn, chiến
tranh, đấu bò... ta thấy có rất ít sinh cảnh cho các nhân vật nữ. Hemingway, như nhiều nhà
nghiên cứu khẳng định, trước sau trong sáng tác vẫn kể về cuộc đời mình. Yếu tố tự truyện
in đậm trong hầu hết những tác phẩm của Hemingway. “Ông dùng trải nghiệm bản thân
như những chất liệu để kiến tạo tác phẩm. Nhân vật trung tâm của ông hầu hết là những
mảnh hoá thân từ tác giả khi đối sánh với tiểu sử. Do đó thế giới của Hemingway luôn là
thế giới của đàn ông” [2]. Đây là điểm căn bản để lí giải hiện tượng này.

2.2.

Phương thức thể hiện

Phần lớn những hình tượng nhân vật trong các sáng tác của Ernest Hemingway được
xây dựng theo một mô hình đồng dạng. Có khi đó là nhân vật lặp lại (như kiểu nhân vật
Nick Adams), có khi là những nhân vật xây dựng dựa trên những môtíp đã có, được sáng
tạo lại và mở rộng phạm vi ý nghĩa. Hầu hết các nhân vật đồng dạng này đều cô độc, mang
trong mình nỗi đau mất mát, luôn phải đối đầu với những hiểm nguy, thậm chí đối diện
với cái chết. . .
Hemingway không xây dựng kiểu nữ nhân vật trở đi trở lại tuy nhiên vẫn dễ dàng
bắt gặp những nét đồng dạng giữa các nhân vật nữ trong tác phẩm của ông. Chính vì vậy
có ý kiến nhận định rằng các nhân vật nữ của Hemingway từ cô y tá Catherine, Maria đến
nữ bá tước trẻ tuổi người Italia, Renata... tất cả đều thoát thai từ một thiếu nữ: Trudy, cô
bạn thuở thiếu thời ở miệt rừng Michigan của Nick Adams.

Có thể khái quát một số đặc điểm chung khi xây dựng hình tượng nhân vật nữ ở các
tác phẩm của Hemingway như sau:
2.2.1. Người đàn bà với những “vết thương” và khoảng trống cô đơn
Chân dung đàn bà với những “vết thương” và khoảng trống cô đơn xuất hiện ngay
từ những tác phẩm đầu tiên của Hemingway và theo suốt chặng đường sáng tác của ông.
38


Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway

Đối với truyện ngắn, bắt đầu bằng Trên miệt Michigan (Up in Michigan). Truyện kể về
Liz, cô hầu gái của gia đình Smith. Cô đem lòng yêu Jim Gilmore, anh chàng thợ rèn.
Đấy là một tình yêu đẹp (ít ra là đối với Liz) nhưng lại kết thúc buồn và hụt hẫng. Liz đã
dâng hiến cho Jim Gilmore như một cách chứng tỏ tình yêu. Tuy nhiên cái điều cô tưởng
như thiêng liêng ấy lại diễn ra một cách quá ư trần tục. Jim dường như không đoái hoài
một chút nào đến cảm giác của Liz, chỉ biết tìm khoái cảm cho riêng mình. Đây gần giống
một vụ cưỡng dâm hơn là cuộc làm tình vì tình. Cuối cùng, một mình Liz trở về trong
đêm lạnh lùng cùng đám sương mù lan toả trên bờ vịnh thị trấn Hortons. Alice Hall Petry
nhận xét: “Có sự đối lập trong ngôi đền nghệ thuật của Hemingway. Bên cạnh kiểu đàn
bà mạnh mẽ, sống bạt mạng, làm tổn thương hoặc huỷ hoại cuộc sống của những người
chung quanh họ lại có những người phụ nữ mềm yếu, mỏng manh như Catherine trong
Giã từ vũ khí, Maria trong Chuông nguyện hồn ai, hoặc nhẫn nại như Helen trong Tuyết
trên đỉnh Kilimanjaro nhưng có lẽ trong số những người phụ nữ đó đáng thương nhất là
nữ nhân vật Liz Coates trong Trên miệt Michigan” [4]. Lê Huy Bắc cũng đã nhận định:
“Dẫu Liz có cảm tình thực sự với Jim nhưng qua hành vi thô bạo ấy, cô con gái đầu lòng
của Hemingway hẳn đã bị sốc” [2]. Kết quả của mối tình đầu là sự trống rỗng, cô đơn có
lẽ còn ám ảnh cả cuộc đời Liz. Điểm qua một số truyện ngắn có nhân vật trung tâm là
nữ khác như Con mèo trong mưa (Cat in the rain), Rặng đồi tựa đàn voi trắng (Hills like
white elephants), Ánh sáng của thế giới (The light of the world), Biển đổi thay (The sea
change)... Hầu hết những nhân vật nữ đều mang những khoảng trống cô đơn. Họ đã cố

thoát khỏi nó bằng nhiều cách, thậm chí kể cả ngoại tình nhưng đa phần đều thất bại. Cô
đơn và mất mát như một lời nguyền định mệnh khó hoá giải.
Ở thể loại tiểu thuyết xem ra tình hình cũng không khả quan hơn. Brett, nữ nhân
vật trung tâm trong Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises), tiểu thuyết đầu tiên của Hemingway, xuất hiện rất ấn tượng. Cô được đánh giá là “một người phụ nữ rất đặc biệt ở thời
kì đó”, thậm chí còn “thú vị hơn những người đàn ông” [5]. Cuộc sống đầy lang chạ của
Breet đáng thương nhiều hơn đáng trách. Nó như một sự vẫy vùng để thoát khỏi sự cô đơn,
trống vắng trong tâm hồn. Bên cạnh một Brett ồn ào với rượu và những cuộc vui, ta bắt
gặp một Brett cô đơn, trống rỗng lúc tàn canh. Lên giường với nhiều gã đàn ông nhưng
người đàn ông mà cô yêu - Jake lại không thể thực hiện được cái thiên chức trời ban với
cô bởi chứng bất lực do chiến tranh mang lại. Tình yêu giữa Brett và Jake được gọi là tình
yêu thuần khiết (platonic) một cách mai mỉa và chua chát. Jame Nagel nhận xét về tình
cảnh của Brett: “Trớ trêu thay với một người đàn bà thích chuyện gối chăn, Brett lại xuất
hiện cùng với nhóm đồng tính nam...” [5]. Những người đàn bà khác trong Mặt trời vẫn
mọc đều có số phận không sáng sủa hơn Brett. Đến độ cô điếm Georgette phải thốt lên
rằng “mọi người đều ốm”, cái ốm về tinh thần nhiều hơn là thể xác.
Nhân vật Catherine (Giã từ vũ khí - A Farewell to Arms), Maria (Chuông nguyện
hồn ai - For whom the bell tolls) có những cuộc tình đẹp nhưng hạnh phúc của họ không
trọn vẹn. Với Catherine, lần lấy chồng thứ nhất, chồng chết. Lần lấy chồng thứ hai là cái
chết của chính bản thân và đứa con chưa kịp nhìn đời. Maria bị cưỡng hiếp, phải chứng
kiến người mà mình yêu bị thương, nằm chờ chết. Những kết cục không thể bi thảm hơn
dành cho người phụ nữ. Ngay cả những người đàn bà táo tợn kiểu như Pilar (Chuông
39


Lê Lâm

nguyện hồn ai), Mary (Từ ánh sáng đầu tiên - True at first light)... cũng đều mang trong
mình những khoảng trống cô đơn và những vết thương lòng khó có thể hàn gắn. Họ lạc
loài trong tình yêu, trong tình cảm vợ chồng và cuộc sống hiện tại.
2.2.2. Những người đàn bà lăng loàn

Cụm từ “bitch women” hoặc “bitch goddesses” - tạm hiểu là những người đàn bà
lăng loàn, đã được một số nhà nghiên cứu dùng khi bàn luận về những nhân vật nữ trong
tác phẩm của Hemingway. Nina Baym nhận định: “Margot và Brett là hai ví dụ nổi bật
về kiểu đàn bà lăng loàn trong tác phẩm của Hemingway” [4]. Điều này có nghĩa là còn
có những nhân vật lăng loàn khác nữa. Tuy nhiên rất khó định hình cụ thể như hai nhân
vật này. Một vụ ngoại tình rõ ràng nhất là trong truyện ngắn Cuộc đời hạnh phúc ngắn
ngủi của Francis Macomber (The short happy life of Francis Macomber) của nữ nhân vật
Margot. Brett có cuộc đời “đắm chìm trong hoan lạc” nhưng khó thể cho đó là ngoại tình.
Có những cuộc tình tay ba do nhân vật nữ chủ động. Ngoài ra còn có những cuộc tình
mang hơi hướng của Lesbian (đồng tính nữ) như ở truyện ngắn Biển đổi thay, Vườn địa
đàng (The garden of Eden)...
Tuy nhiên, cái gọi là “lăng loàn” không hẳn xấu xa. Buông thả, ngoại tình, phá
phách dường như cũng là cách để các nhân vật nữ của Hemingway chạy trốn thực tại mà
họ không muốn chấp nhận. Có lẽ đối với người đàn bà, việc chứng kiến sự hèn nhát của
đàn ông còn khó chịu hơn chứng kiến họ lăng nhăng, đa tình và bội bạc. Tất cả nhân vật
nữ trong tác phẩm của Hemingway đều không chịu đựng được kiểu đàn ông hèn nhát, kể
cả khi những người đàn ông đó mang đến cho họ tiền tài và cuộc sống vương giả. Maria
(Chẳng có ai chết - Nobody ever dies) đã có ý trách móc Enrique vì anh còn sống trong
khi những người chiến đấu cùng anh đều đã chết. Chỉ khi nhìn thấy vết thương mà “viên
bác sỹ phẫu thuật phải đút cả nắm tay đeo găng cao su của mình vào để làm vệ sinh” [3]
trên người anh cô mới loại bỏ được tạp niệm về sự hèn nhát của người yêu. Ngay sau sự
kiện Macomber (Cuộc đời hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber) bỏ chạy trối chết
trước con sư tử bị thương, vợ của ông ta - Margot đã lên giường với tay thợ săn Wilson.
Trong mắt Margot, Macomber đã mất điểm thảm hại. May thay, hay bất hạnh thay, không
có đất sống cho những kẻ hèn nhát trong sáng tác của Hemingway. Người ta đã nói nhiều
về cái gọi là “chủ nghĩa khắc kỉ” trong tác phẩm của ông. Các nhân vật của Hemingway,
kể cả nam và nữ đều không chấp nhận kiểu sống hèn nhát, bẩn thỉu, hư vô. Họ luôn hướng
tới “một nơi sạch sẽ và sáng sủa”, luôn vượt lên mọi hoàn cảnh và quan trọng là vượt qua
bản thân mình dẫu trong hành trình đó không phải lúc nào họ cũng chiến thắng.
2.2.3. Sự suy thoái thiên chức

Có thể nói sự suy thoái thiên chức cũng là một dạng của những “vết thương” ở các
nhân vật nữ của Hemingway. Những bản chất thiên phú cho phụ nữ trong tác phẩm của
Hemingway dần mai một. Nhiều người phụ nữ trở nên phi giới tính đến độ nếu không
thêm vào các đại từ chỉ giới tính, cách đặt tên, chỉ nhìn nhận họ qua hành động, cách sống
rất dễ nhầm lẫn với những người đàn ông. Pilar, Brett, Mary... là những kiểu nhân vật như
vậy. Thậm chí ở Mặt trời vẫn mọc, Hemingway còn để cho Jake gọi Brett là man (đàn
40


Nhân vật nữ trong tác phẩm của Ernest Hemingway

ông). Ở một số tác phẩm của Hemingway nhiều khi người đọc cảm giác như có một sự
hoán đổi nào đó về giới tính. Đàn bà thì bị đàn ông hoá, đàn ông lại có những nét tính
cách như đàn bà. Ở đây hoàn toàn không có chuyện để tạo nên sự bình đẳng nam nữ. Cái
nổi bật là sự bất thường về tâm lí của các nhân vật, một kiểu “vết thương” như đã nêu.
Các nhân vật nữ mà Hemingway miêu tả đều không có con hoặc không có cơ hội
làm mẹ. “Đâu chỉ riêng đứa con trong bụng Catherine chết, Maria không có thai sau lần
bị làm nhục, Pila không con, Catherine (Vườn địa đàng) với những biểu hiện của đồng
tính luyến ái; mà Brett sau bao cuộc chung đụng xác thịt vẫn không có thai. Nhân vật nữ
của Hemingway hầu như mất khả năng làm mẹ ngay từ Brett” [2]. Nhiều cuộc sinh nở của
phụ nữ được Hemingway miêu tả cùng với cái chết. Catherine chết cùng đứa con, chồng
của người đàn bà da đỏ tự tử chết khi chứng kiến những hình ảnh vượt cạn khủng khiếp
của vợ... Sự khắc nghiệt của chiến tranh, của cuộc sống đã trút gánh nặng lên những người
phụ nữ khiến họ suy thoái dần cả về hình hài lẫn thiên chức.
2.2.4. Nguồn sáng của thế giới
Nguồn sáng của thế giới (The light of the world) cũng là tiêu đề một truyện ngắn
của E. Hemingway. Tác phẩm này có điểm đặc biệt, nhân vật nữ - Alice, một cô gái làm
tiền được miêu tả bằng mối thiện cảm không che giấu. Cô là được coi như nguồn sáng
của thế giới bởi bản tính luôn chân thành, có thể là xa xỉ với cái nghề của cô và trong
thời đại của cô, nhưng đó là điều đáng quý và trân trọng. Có ý kiến nhận định: “Chính vì

mang thanh gươm phụng sự điều chân thực nên tôi (một nhân vật trong truyện) đã không
ngần ngại phong một cô điếm lên làm nguồn sáng của thế giới” [2]. Điều này có thể coi
là minh chứng để thấy rằng Hemingway luôn tôn trọng phụ nữ. Dẫu có những người đàn
bà hành hạ đàn ông, ngoại tình, thậm chí giết chồng nhưng về cơ bản nhân vật nữ (cũng
như nhân vật nam) ở các tác phẩm của Hemingway đều mang những phẩm chất tốt đẹp.
Họ dám sống thực với những cảm xúc của mình, đi đến tận cùng những điều mà họ cho là
đúng. Không bao giờ chấp nhận với sự hèn nhát, bỉ ổi. Thậm chí ở nhiều tác phẩm, người
phụ nữ là chỗ dựa tinh thần cho những người đàn ông. Những phẩm chất của họ tỏa sáng
hơn bao giờ hết trong chiến tranh, trong những hoàn cảnh bi đát và khắc nghiệt của cuộc
sống. Có những người đàn ông hèn nhát (chính xác là có lúc hèn nhát) nhưng với phụ nữ
rất hiếm gặp. Tất nhiên không loại trừ lí do khách quan là phụ nữ ít gặp hoàn cảnh để bộc
lộ sự hèn nhát và nếu có ở họ, người đọc cũng dễ cảm thông hơn.
Sự suy thoái thiên chức như đã nêu đều do hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống
mang lại nhưng “thiên tính nữ” ở những người đàn bà mà Hemingway xây dựng nên không
hề mất đi. Đó là lòng nhân hậu, sự bao dung, tình thương yêu con người. Pilar một nữ nhân
vật có vẻ xù xì thô nhám trong Chuông nguyện hồn ai nhưng lại là hiện thân của “cái đẹp,
cái cao cả, của đức tin, hi sinh và khát vọng vương đến một cuộc sống tốt đẹp hơn” [2].
Catherine, Maria, Alice thậm chí cả Brett... như những mạch nguồn tươi mát làm dịu lại
những tâm hồn đàn ông tưởng đã chai sạn bởi chiến tranh và những hoàn cảnh trớ trêu của
cuộc sống.

41


Lê Lâm

3.

Kết luận


Có thể thấy sự không bình thường ở các nhân vật nữ qua cách miêu tả của Hemingway: Những số phận đa đoan, những mảnh đời bất hạnh, những tính cách không phải
của đàn bà... Tuy nhiên khi xây dựng những nhân vật này, Hemingway hoàn toàn không
có định kiến. Nếu đặt đàn bà trong thế giới đàn ông, giữa họ mang những nét tương đồng.
Điểm nổi bật, họ đều là những nạn nhân của thời cuộc. Bị huỷ hoại bằng những tác động
của chiến tranh, thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Nói chung, cả nhân vật nam và nhân
vật nữ của Hemingway đều có một cuộc sống không bình thường. Sự không “ưu ái” cho
các nhân vật nữ ở những tác phẩm của Hemingway cho thấy cái nhìn nghiêm túc và thẳng
thắn của nhà văn về hiện thực đồng thời cũng cho thấy sự đồng cảm với thân phận con
người nói chung và người phụ nữ nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Huy Bắc (biên soạn), 2001. Hemingway những phương trời nghệ thuật. Nxb Giáo
dục.
[2] Lê Huy Bắc, 1999. Ernest Hemingway, núi băng và hiệp sĩ. Nxb Giáo dục.
[3] Lê Huy Bắc, Đào Thu Hằng (tuyển dịch), 2001. Truyện ngắn Hemingway. Nxb Văn
hoá Thông tin.
[4] Jackson J. Benson (ed), 1990. New Critical Approaches to the Short Stories of Ernest
Hemingway. Duke University press.
[5] Scott Donaldson (ed), 1996. The Cambridge companion to Hemingway. Cambridge
Universiry press.
[6] Robert O. Stephens (ed), 1977. Ernest Hemingway, The Critical Reception. Burt
Franklin & Co. Inc.
ABSTRACT
The female characters in Hemingway’s work
Some of the heroines in Hemingway’s works are: A lonely woman with scars, a
woman who is deeply disturbed (a ‘bitch’), a woman who is like a servant and a woman
who is ‘the light of the world’. The female characters in Hemingway’s work contribute a
great deal to the picture of life that the writer wants to express.

42




×