HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG TÁC PHẨM “CAO
LƯƠNG ĐỎ” CỦA MẠC NGÔN.
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU VỀ MẠC NGÔN VÀ CAO LƯƠNG ĐỎ.
I Mạc Ngôn trên diễn đàn văn học
1.1 Cuộc đời
Mạc Ngôn (sinh ngày 17 tháng 02 năm 1955) tên thật là Quả Môn Nghiệp, sinh
tại thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, xuất thân từ nông dân. Ông đã
phải nghỉ học giữa chừng vì Cách mạng văn hóa và phải tham gia lao động nhiều
năm ở nông thôn, chăn dê ngoài đồng và luôn bị đói khát, cô đơn.
Ông nhập ngũ năm 1976. Đến năm 1984, ông trúng tuyển vào khoa Văn thuộc
học viện nghệ thuật Quân giải phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10/1987, ông
chuyển sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.
2 Sự nghiệp
Mạc Ngôn là một nhà văn tiêu biểu cho nền văn học đương đại Trung Quốc. Bút
danh Mạc Ngôn trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “không lời” được ông lấy khi
viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Ông chọn bút hiệu này để nhắc nhở mình
kiệm lời. Các tác phẩm của Mạc Ngôn thường chứa đựng những bình luận xã hội,
được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm chính trị của Lỗ Tấn và chủ nghĩa
hiện thực huyền ào của Gabriel Garcia Marquez. Những câu chuyện thường có bối
cảnh gần quê hương ông, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Năm 1981, ông cho công bố tác phẩm đầu tay và đến nay, ông đã cho in 10
truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng
sự, tùy bút,… tổng cộng trên 200 tác phẩm. Mạc Ngôn là tác giả khá gần gũi với
độc giả Việt Nam. Các tác phẩm của ông được dịch ra khoảng 18 thứ tiếng. Phần
lớn các tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Ông nhận được trên 40 giải
thưởng và danh hiệu cho sáng tác văn chương: giải Tiểu thuyết toàn quốc 1987, giải
nhất tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc 1996, giải Laure Batailin của Pháp
2001, giải Văn học Hoa ngữ New York – Mỹ 2004, giải Văn học quốc tế Nornio của
Ý 2005, Huân chương Kỵ sĩ Nghệ thuật văn hóa Pháp 2004, giải Hồng lâu mộng
2008, giải Mao Thuẫn 2011, giải Nobel 2012…
Sau Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn là nhà văn thứ hai gốc Trung Quốc nhận được
giải Nobel Văn học (2012), khi đạt giải Nobel năm 2000, Cao Hành Kiện đang
mang quốc tịch Pháp. Sự kiện Mạc Ngôn đạt giải Nobel văn chương đã giúp Trung
Quốc có thêm một tấm vé hay “giấy thông hành” để đi vào thế giới “cường quốc”
mà họ mong đợi từ lâu.
Hiện nay ông là sáng tác viên bậc 1 Cục chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân
Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
II. “Cao lương đỏ” và vị trí của tác phẩm trong hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn
2.1 Nội dung chính
Mạc Ngôn được biết tới qua tác phẩm "Cao Lương Đỏ" (Hồng cao lương gia tộc)
1997, Lê Huy Tiêu chuyển ngữ sang tiếng Việt năm 2000. Bối cảnh câu chuyện bao
trùm những năm 1920 và 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa. Câu
chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật chính, bà nội của người kể chuyện. Một
cô gái trẻ đầy khát vọng yêu đương bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong.
Ngày lên kiệu hoa, cô gái đầy chán chường ấy đã gặp và say mê một trong những
người phu kiệu khỏe mạnh, sau này đã trở thành tư lệnh Từ Chiếm Ngao, người anh
hùng phục kích đoàn xe Nhật. Ngày hôm ấy chính anh đã cứu cô khỏi tay bọn
cướp. Hai ngày sau ở nhà chồng, cô thức trắng với con dao trong tay. Ngày thứ ba
được trả về, người phu kiệu đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Ba ngày hạnh
phúc trong rừng cao lương đã đem lại cho cô một đứa con trai, cha của người kể
chuyện.
Năm 14 tuổi, người con trai gia nhập đoàn quân của Từ Chiếm Ngao, được coi
như cha nuôi. Người con gái giờ đây đã là người thiếu phụ, ngày ngày làm bánh
đem ra chiến trường khao quân. Trong một lần gánh bánh gặp đúng lúc xe giặc
đang đi qua, bà đã hy sinh. Trước khi chết bà nói cho con trai biết về người cha thật
sự, và ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi chứng kiến tình yêu và hạnh
phúc của bà.
2.2 Vị trí của tác phẩm trong hành trình sáng tạo của Mạc Ngôn
Cao lương đỏ là tiểu thuyết ăn khách ngay khi vừa ra đời tại Trung Quốc với
nguyên bản gồm 6 phần.
Cao lương đỏ như một bản nhạc tuyệt vời ngợi ca tình yêu, sự tự do phóng
khoáng của con người. Tác phẩm được kể bằng cái nhìn chủ quan của nhà văn, vừa
khốc liệt, lại vừa bay bổng, cuốn hút độc giả hết trang này qua trang khác - một kiểu kể
chuyện rất điển hình của Mạc Ngôn đó là sự hòa trộn giữa hiện thực và yếu tố kỳ ảo,
phi thường. Ngay cả cái chết trong câu chuyện cũng thật lạ kỳ, thật phi thường, nhẹ
bỗng. Cao lương đỏ là một tác phẩm lạ và rất đáng để độc giả thưởng thức.
Tác phẩm từng được giải thưởng văn học Mao Thuẫn năm 1985 - 1986, và được
đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim. Bộ phim cũng làm vinh danh cho nền
điện ảnh Trung Quốc khi đoạt được hai giải thưởng phim quốc tế.
CHƯƠNG II: NHÂN VẬT NỮ - BIỂU TƯỢNG CỦA QUÊ HƯƠNG.
I. Nhân vật Đái Phượng Liên – hình tượng quê hương Cao Mật trong tâm tưởng
1.1 Quê hương Cao Mật – nơi đẹp đẽ nhất trong tâm tưởng của Mạc Ngôn
Bắt đầu từ Báu vật của đời từng là hiện tượng trong làng văn hóa đọc khi được
dịch giả Trần Đình Hiển chuyển ngữ sang tiếng Việt, nàh văn Mạc Ngôn tiếp tục chinh
phục bạn đọc Việt Nam với một loạt các tác phẩm như: Đàn hương hình, Cây tỏi nổi
giận, Cao lương đỏ… tất cả đều xuất phát từ những hiện thực ngổn ngang và trần trụi
của làng quê Cao Mật quê hương ông.
Các nhà văn Trung Quốc đương đại (và cả các nhà văn trên thế giới) đều gắn bó
máu thịt, sống chết với một vùng đất. Có người không phải là quê hương – nơi chôn
nhau cắt rốn của mình nhưng vì hoàn cảnh mà gắn bó và coi nơi đó như là quê hương
của mình. Giống như nhà thơ Chế Lan Viết đã từng viết:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
(Tiếng hát con tàu)
Điều quan trọng là họ đã biến mảnh đất ấy thành quê hương, thành cảm hứng sáng tác
cho chính mình.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Mạc Ngôn đã có nói: " Cái ập vào đầu óc
tôi lại toàn là tình cảnh quê hương. Kỳ thực, cùng với lúc tôi đang gắng sức rời xa quê
hương, cũng từng bước tôi nhích lại quê hương một cách vô thức".
Cao lương đỏ đưa độc giả trở về thập niên 1920-1930, trên mảnh đất quê hương
của chính tác giả - mảnh đất Cao Mật của tỉnh Sơn Đông. Mảnh đất Cao Mật nghèo
khó, khắc nghiệt, hẻo lánh là thế nhưng vẫn luôn hiện diện trong tâm tưởng của Mạc
Ngôn, nó luôn trở đi trở lại và là đề tài xuyên suốt trong các sáng tác của ông, từ đó mà
Cao Mật được cả thế giới biết đến tên thông qua các sáng tác ấy. Từ nhỏ Mạc Ngôn là
đứa trẻ nghịch ngợm, lao động giỏi, thích đọc sách, thích nghe kể chuyện dân gian và
lịch sử. Ông hiểu sâu sắc cuộc sống lam lũ, cùng khổ của người nông dân và nông thôn
- nhất là vùng Cao Mật của ông cũng bởi vì cuộc đời ông từ nhỏ đã gặp không ít gian
nan, vất vả. Khái niệm “Cao Mật Sơn Đông” mà ông xây dựng nên trong tác phẩm là
khái niệm văn học, chứ không phải khái niệm địa lý.
Mặc dù làm công tác tuyên huấn, tư tưởng viết báo trong quân đội nhưng ý
nguyện của Mạc Ngôn vẫn là sáng tác văn học, đề tài mà ông vẫn hằng ấp ủ, đó là con
người, sự việc, sự vật và lịch sử của quê hương ông - vùng đất Cao Mật. Hai tiếng Cao
Mật đối với ông thân thương và gắn bó vô cùng. Cũng nhờ bộ phim Cao lương đỏ do
Trương Nghệ Mưu đạo diễn và Củng Lợi thủ vai được giải thưởng điện ảnh lớn nên
vùng quê Cao Mật của Mạc Ngôn đã vượt biên giới đi ra khắp thế giới. Từ đó 2 tiếng
“Mạc Ngôn” gắn liền với 2 tiếng “Cao Mật”. Không gian, thời gian và con người trong
Cao lương đỏ, Báu vật của đời đều là chuyện đất và người Cao Mật của Mạc Ngôn.
Trong tác phẩm Cao lương đỏ Mạc Ngôn đã viết về vùng quê Cao Mật của ông bằng
một đoạn văn chân thực và nhiều cảm xúc như sau: “Ôi Cao Mật, nơi tôi yêu nhất và
cũng là nơi tôi ghét nhất, mãi sau này lớn lên học hành, giác ngộ, tôi mới hiểu ra không
nơi nào trên trái đất đẹp nhất và xấu nhất như Cao Mật, cực kỳ siêu thoát và cũng cực
kỳ thế tục, sạch sẽ nhất và bẩn thỉu nhất, anh hùng hảo hán nhất và đầu trộm đuôi cướp
nhất, nơi biết uống rượu nhất và cũng là nơi biết yêu đương nhất. Cao Mật với bạt
ngàn cao lương đỏ, huy hoàng, dào dạt, uyển chuyển và dậy sóng biết bao”. Cao Mật
là hình ảnh do ông tưởng tượng ra trên cơ sở những trải nghiệm thực tế của tuổi thơ,
ông biến nó thành một Trung Quốc thu nhỏ, rồi đồng hoá niềm vui nỗi buồn của người
dân Cao Mật với niềm vui nỗi buồn, những vấn đề thường thấy của nhân loại. Dù trở
đi trở lại trong nhiều tác phẩm nhưng Cao Mật và người dân nơi đây vẫn luôn gây bất
ngờ.
1.2 Sự đan cài giữa hình tượng nhân vật với hình ảnh quê hương
Mạc Ngôn thường lấy hình ảnh của người dân sống trên mảnh đất quê hương để
nhào nặn thành các hình tượng văn học. Trong Cao lương đỏ, những nhân vật trong truyện
hiện ra đầy cá tính, khí phách, sống ngang tàng, lạc quan như những ngọn cao lương
thẳng tắp vút lên trên bầu trời Cao Mật. Nổi bật hơn hết là hình ảnh nhân vật Phượng
Liên. Những hành động, lời nói, lối suy nghĩ của cô dường như đều mang dáng dấp
của những con người Cao Mật.
Cuộc đời của Phượng Liên nhiều éo le, thăng trầm nhưng cũng hết sức đẹp đẽ.
Suốt cuộc đời nhiều biến động của bà luôn gắn bó với mảnh đất Cao Mật ấy. Đó là nơi
bà sinh ra, lớn lên và trở thành anh hùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Nhật.
Cao Mật cũng là noi chứng kiến cuộc đời nổi loạn của bà, chứng kiến tình yêu đẹp đẽ
nhất trong cuộc đời bà và cũng là nơi chứng kiến cảnh bà ngã xuống lúc qua đời. Ở
Phượng Liên luôn tồn tại hai trạng thái tính cách đối nghịch nhau, vừa thuần khiết
nhưng cũng rất phàm tục, vừa hiền lành lại vừa nổi loạn… Tất cả đều như đối ứng với
mảnh đất Cao Mật. Cuộc đời và tính cách của Phượng Liên như chính là thế giới thu
nhỏ của Cao Mật. Bao thăng trầm của mảnh đất Cao Mật thời kỳ kháng chiến chống
Nhật cũng chính là số phận của Phượng Liên.
Tác giả đã rất tài tình khi xậy dựng hình tượng nhân vật đan cài với hình tượng
quê hương. Điểm đặc biệt là sử dụng hai hình tượng cùng một lúc nhưng không vì thế
mà một yếu tố bị làm lu mờ đi. Ngược lại, hai yếu tố này đi song song với nhau, hỗ trợ
cho nhau và làm nổi bật nhau. Hình tượng Phượng Liên chính là hình ảnh thu nhỏ của
vùng quê Cao Mật. Nhưng biến cố của quê hương Cao Mật cũng chính là những thăng
trầm trong cuộc đời Phượng Liên.
II. Hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm
2.1 Đái Phượng Liên – nhân vật nữ trung tâm và duy nhất trong tác phẩm
Nhân vật nữ trung tâm trong tác phẩm là Đái Phượng Liên – một cô gái vừa
tròn mười sáu tuổi, “cô thiếu nữ vừa xuân thì, phát tiết dung nhan, thắm màu hoa
nguyệt” tràn đầy sức sống. Cha mẹ cô vì tham giàu nên đã gả cô cho chủ nợ họ Đơn,
lấy thằng con trai độc của họ tên là Biển Lang.
Một vài nhân vật nữ xuất hiện trong tác phẩm nhưng Phương Liên là nhân vật
trung tâm, được khắc họa rõ nét và nổi bật nhất. Bà là người đi đầu trong việc giải
phóng cá tính, là điển hình của người phụ nữ sống tự do, tự chủ. Số phận Phượng Liên
là sự hòa quyện giữa thánh thiện và phàm tục, giữa phong kiến và hiện đại, giữa tầm
thương và cao sang, giữa dòng máu thổ phỉ và nữ anh hùng dân tộc… ở bà có tất cả
những gì xấu xa nhất và cả những gì đẹp đẽ nhất của những người phụ nữ trên thế giới
này, là đại diện cho quê hương Cao Mật và cả dân dân tộc Trung Hoa. Tính cách của
một con người được nâng lên tầm vĩ mô, được hình tượng hóa, điển hình hóa thành
những điều lớn lao. Có khi vụt sáng, có khi chợt tắt nhưng luôn ẩn chứa bên trong một
sức mạnh, khao khát nội tại bền bỉ. Những gì tác giả miêu tả Phượng Liên là số phận
của những người phu nữ Trung Quốc phong kiến thời bấy giờ, cũng chính là những
khát khao phá bỏ luật lệ mà Mạc Ngôn muốn hướng tới.
2.2 Sự phản chiếu đất nước Trung Quốc đương thời thông qua hình ảnh nhân vật
nữ
Ông Peter Englund, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển nói trên Guardian rằng:
“Sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn có được là do gốc gác nông dân”.
"Ông viết về nông dân, về cuộc sống nông thôn, về những người đấu tranh để
tồn tại, đấu tranh cho phẩm giá của họ, đôi khi chiến thắng nhưng đánh mất gần hết
thời gian của cuộc đời" - Englund nói. “Nền tảng cho các cuốn sách đã được đặt ra khi
Mạc Ngôn còn nhỏ, được nghe kể các truyện dân gian mô tả chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo. Nhưng nếu chỉ nghĩ như vậy thì hơi coi thường ông. Đây không phải là thứ
ông học từ Gabriel Garcia Marquez, mà là thứ gì đó của riêng ông. Rất biết cách lồng
yếu tố siêu nhiên vào những thứ thông thường, ông là một người kể chuyện bẩm sinh”.
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, là nơi
có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều phát minh sáng chế và cả nhưng tập tục lạc hậu
thời phong kiến, một vài tập tục đó cho đến bây giờ vẫn không thay đổi. Quan niệm
trọng nam khinh nữ là một trong những tập tục tiêu biểu của Trung Hoa phong kiến, nó
đeo đẳng dai dẳng, áp đặt lên lung những người phụ nữ chân yếu tay mềm trong xã
hội. Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị coi thường, khinh rẻ. Họ là
nạn nhân của những tập tục lạc hậu, là công cụ của gia đình và xã hội, phẩm giá của
người phụ nữ chỉ là những thứ vô giá trị.
Phượng Liên sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cao Mật – Sơn Đông. Cuộc đời của
nàng cũng gắn liền với những điều hạnh phúc và khổ đau, thăng trầm với những biến
cố lịch sử nơi vùng đất ấy. Đó cũng chính là lịch sử phát triển của đất nước Trung
Quốc rộng lớn. Số phận của nàng tiêu biểu cho số phận của nhiều người phụ nữ khác
trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Với sự miêu tả chân thực, Mạc Ngôn đã cho
người đọc thấu hiểu được nỗi đau của những người phụ nữ bị gò ép trong những tập
tục lạc hậu: bị gia đình ép buộc lấy một người mà nàng không hề thương yêu; gả chồng
cho con gái là để gán nợ; phải trao cuộc đời mình cho một người không quen biết lại
còn mang bệnh trong người; khát khao yêu thương rạo rực;… Dường như người phụ
nữ chỉ là con rối vô hình để cho xã hội giật dây. Ngay cả quyền làm con người thì
người phụ nữ cũng không được hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc đáng lý ra phải thuộc về
mình, phải tự mình nắm lấy. Nhân vật Phượng Liên lại thoát ra khỏi những lễ giáo
phong kiến ràng buộc ấy để một lần sống hết mình vì chính bản thân cô yêu hết mình,
để cho những cảm xúc khát khao hạnh phúc được toát ra, bao phủ lấy cô, dệt nên một
chuyện tình thật đẹp dẽ, lớn lao.
Số phận của Phượng Liên, của Cao Mật giống như số phận của đất nước Trung
Hoa thu nhỏ. Thời phong kiến, Trung Quốc phải chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm
lược, khắp nơi là chiến trường, người người phải đứng dậy đấu tranh để giành lấy sự
sống, bảo vệ đất nước. Hình tượng Phượng Liên, hình tượng cao lương đỏ kiên cường
bất khuất như đất nước Trung Quốc sẵn sàng đứng lên, nổi dậy chống lại kẻ thù. Đất
nước Trung Quốc đã phải chịu nhiều đau thương mất mát. Vùng quê Cao Mật chính là
hình ảnh thu nhỏ cho những đau thương ấy. Quân giặc tràn lan khắp nơi, hà hiếp dân
chúng. Chính tay của những người con đất Cao Mật phải tàn phá những ruộng cao
lương đã gắn bó với họ suốt cuộc đời. Cao lương đỏ - thật đẹp đẽ, dịu dàng mà cũng
thật lẫm liệt, hào hùng. Cao lương đỏ - như chính nhan đề của tác phẩm, là không gian
của cao lương, một không gian vừa bất biến vừa đa biến. Theo như lời Mạc Ngôn thì
đó “là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất: siêu thoát nhất, thế tục nhất; trong trắng nhất, nhơ
bẩn nhất”. Cao lương là khí trời, là hơi thở. Đối với các nhân vật của Mạc Ngôn, cao
lương là cuộc sống. Họ sinh ra giữa mảnh đất bạt ngàn cao lương, họ ăn hạt cao lương
để sống, uống rượu cao lương để trưởng thành, gặp nhau trong rừng cao lương, yêu
nhau trên đống lá cao lương, chặt cây cao lương để phủ lên thi thể của người yêu, của
đồng đội…. Cao lương là nơi họ trở thành kẻ cướp nhưng cúng chính là nơi họ trở
thành anh hùng cứu quốc. Cuộc đời của cao lương chính là cuộc đời của vùng đất Cao
Mật, những biến cố của cao lương cũng chính là biến cố của con người nơi đấy – của
đất nước Trung Hoa thu nhỏ thời bấy giờ. Dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng
vẫn khao khát sống, khao khát vươn lên, thoát khỏi mọi sự ràng buộc thế tục, mọi ách
thống trị của kẻ thù để vươn tới tương lai, như những cây cao lương luôn vươn đến
mặt trời, như Phượng Liên luôn khát khao bầu trời yêu đương tự do, hạnh phúc. Đất
nước cũng mất mát, vật vã, thăng trầm như những cây cao lương, như cuộc đời của
Phượng Liên. Đó không còn là thân phận của riêng Phượng Liên nữa. Mà đó chính là
thân phân của đất nước Trung Hoa vĩ đại, đau thương.
CHƯƠNG III: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT NỮ.
I. Nghệ thuật xây dựng và dẫn dắt cốt truyện
1.1 Kết cấu đảo ngược dòng thời gian
Tiểu thuyết của mạc Ngôn chịu ảnh hưởng của trường phái cảm giác mới của
chủ nghĩa hiện đại phương Tây và Nhật Bản vào những năm 20 - 30. Dường như khi
sáng tác, Mạc Ngôn huy động mọi tế bào để khám phá hiện thực. Tác giả mượn nhân
vật trong truyện Hồng Hoàng để nói lên ý đồ sáng tác của mình:
“Sẽ có một ngày tôi soạn một vở kịch chân chính, trong đó mộng ảo và hiện thực,
khoa học và đồng thoại, thượng đế và ma quỷ, ái tình và mãi dâm, cao quý và ti tiện,
mỹ nữ và đại tiện, quá khứ và hiện tại, huân chương và bao cao su,… đều đan xen với
nhau, gắn chặt với nhau, cái nọ nối cái kia, tạo thành một thế giới hoàn chỉnh”. ( Mạc
Ngôn và những lời tự bạch, Nguyễn Thị Thại Dịch, NXB Văn học, 2004).
Thế giới nghệ thuật trong truyện của Mạc Ngôn còn chịu ảnh hưởng bởi học
thuyết phân tâm học của S.S. Freud (1856 – 1939) là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý
người Áo. Ngoài ra còn có F. Kafka, Gunter Grrase,… Dù chịu nhiều ảnh hưởng
nhưng Mạc Ngôn vẫn biến hóa tài tình để tạo ra phong cách riêng của mình. Truyện
Mạc Ngôn luôn mang màu sắc mới lạ và cuốn hút. Tiểu biểu đó là tác phẩm Cao
lương đỏ.
Biểu hiện rõ nhất trong Cao lương đỏ chính là kết cấu thời gian bị đảo ngược,
xáo trộn hoàn toàn. Đối với tiểu thuyết truyền thống, các diễn biến sự việc thường
được kể theo trình tự thời gian, từ quá khứ đến hiện tại – tương lai, từ trước đến sau.
Nhưng đối với Cao lương đỏ - với một dụng ý nghệ thuật rõ ràng, tác giả đã tạo ra sự
chênh lệch giữa các chương trong câu chuyện. Nhà văn đã để quá khứ, hiện tại, tương
lai đan xen lẫn lộn nhau trong tác phẩm của mình.
Trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn thường xuất hiện ba thế hệ nhân vật: ông bà,
bố mẹ, “tôi” và bạn bè cũng trang lứa với “tôi”. Dựa vào ba thế hệ đó, tác giả đã tạo
nên một bức tranh nhân sinh biến ảo kì diệu, đầy màu sắc. Sở dĩ có sự xáo trộn ấy là do
nhà văn đã đặt điểm nhìn theo dòng hồi ức của nhân vật “tôi”. Khi cánh cửa hồi ức
được mở ra, ông thường dùng cảm tính để phê phán, bình phẩm cuộc sống chứ không
dùng lý tính để phê phán, bình phẩm cuộc sống.
Toàn bộ tác phẩm là hồi ức của cả “bố tôi” - Đậu Quan, “ông tôi” – Từ Chiếm Ngao
và “bà tôi” – Phượng Liên. Mở đầu là mốc thời gian “theo lịch cũ, mồng chín tháng
tám năm 1939” đội quân của Tư lệnh Từ đi phục kích quân Nhật. Tiếp đó là thời gian
đi ngược chiều giả thích vì sao Tư lệnh Từ phải đứng lên chống lại quân Nhật. Mở đầu
tác phẩm là bố tôi 14 tuổi, đi theo Tư lệnh Từ, “bà tôi” 30 tuổi; tiếp đến là lúc “bà tôi”
16 tuổi lúc sắp về nhà chồng. Cuối tác phẩm là cái chết của “bà tôi” trên ruộng cao
lương, lúc đó những hồi ức lại quay về lúc bà 16 tuổi, làm con dâu nhà họ Đơn nhưng
với trái tim yêu thương cuồng nhiệt đã hòa cùng với Tư lệnh Từ - kết quả của cuộc tin
ấy chính là “bố tôi” bây giờ.
Cả không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm đều bị xáo trộn mạnh mẽ. Không
gian này tiếp nối không gian kia, có khi nhanh, có khi chậm, có lúc thoáng qua, có lúc
như dừng lại. Thời gian trôi ngược từ hiện tại đến quá khứ, rồi lại quay nhanh về hiện
tại, từ kết quả đến nguyên nhân; không nững thế thời gian còn bị đảo lộn, xáo trộn bởi
những hồi ức của người kể chuyện xưng “tôi” và của các nhân vật trong tác phẩm.
1.2 Nghệ thuật kể chuyện linh hoạt thông qua sự lưu chuyển của dòng ý thức
Nghệ thuật tự sự kiểu Mạc Ngôn cũng khá độc đáo. Tiểu thuyết truyền thống
thường dùng ngôi thứ ba để kể chuyện nhưng trong Cao lương đỏ (và nhiều tác phẩm
khác của Mạc Ngôn) người kể chuyện thường ở ngôi thứ nhất, xưng “tôi”. “Tôi” có khi
là người, có khi là vật, có khi là sự kết hợp giữa người và vật. Trong Cao lương đỏ,
nhân vật “tôi” kể lại câu chuyện của ông tôi (tư lệnh Từ Chiếm Ngao) và “bà nội tôi”
(sPhượng Liên) và “bố tôi” (Đậu Quan). Ở đây nhân vật “tôi” dường như chỉ là giả
định, nhưng là sợi dây xuyên suốt cuộc hành trình tạo ra cảm giác hư hư thực thực cho
câu chuyện. Người kể chuyện ở đây là một đứa trẻ kể lại câu chuyện đã được nghe từ
người bố - Đậu Quan về ông bà nội của mình.
Người kể chuyện trong tiểu thuyết truyền thống đứng ở vị trí cao để quan sát
nên tầm nhìn không bị hạn chế, là người biết tất cả; còn người kể chuyện xưng “tôi” lại
bị giới hạn bởi tính cá nhân, tính chủ quan, ở khả năng con người. Người kể chuyện
không thể kể về những việc mà mình không trực tiếp chứng kiến, không tham gia.
Chính vì vậy, trần thuật từ ngôi thứ nhất đem đến một cái nhìn kahsc lạ, khiến người
đọc cảm thấy sự gần gũi và đồng cảm. Trong tác phẩm của Mạc Ngôn, người kể
chuyện lại ở vị trí “thấp” hơn, không phải cái gì cũng biết. Trong Cao lương đỏ, nhân
vật “tôi” kể lại câu chuyện của ông bà nội qua những gì người bố đã kể cho “tôi” nghe.
Sự truyền miệng một câu chuyện qua nhiều thế hệ đôi khi lại mang cảm giác lệch lạc,
không chính xác. Nhưng nhờ có điểm nhìn trần thuật đa dạng, luôn thay đổi luân phiên
giữa ba dòng hồi ức khác nhau đã tạo cho tác phẩm một màu sắc nghệ thuật huyền ảo,
vừa như xa xăm vừa như gần gụi vẫy gọi. Cũng nhờ đó mà dụng ý nghệ thuật của tác
giả cũng không bị lộ, một số mạch ý được bảo lưu để cho người đọc được tự do tưởng
tượng. Mạc Ngôn đã biến cái hạn chế từ người kể chuyện ngôi thứ nhất thành điểm
mạnh, riêng biệt cho tác phẩm của mình. Câu chuyện đi theo dòng hồi ức của nhân vật
“tôi”, mà hồi ức thì khó có thể đi theo đường thẳng, theo một trật tự nhất định. Nó là
dòng hồi ức rộng lớn, đứt gãy, chắp vá, tác giả đã để điểm nhìn mặc trôi theo dòng hồi
ức của nhân vật, để nó tự cuốn đi và chi phối tác phẩm. Nhưng nếu chỉ có hồi ức của
nhân vật “tôi” thì sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán. Cao lương đỏ là câu chuyện của
nhân vật xưng “tôi” kể về cuộc đời đầy oài hùng và cũng thật đẹp đẽ của ông bà nội
mình. Nhưng câu chuyện còn được kể qua sự hồi tưởng của “bà tôi”, của người bố Đậu
Quan và cả hồi ức của nhân vật “tôi” cũng đan xen, chồng chéo lên nhau. Nhờ đó mà
tác phảm không bị đơn điệu nhàm chán, mà ngược lại lời kể trở nên linh hoạt, biến đổi
uyển chuyển, tạo ra sự hồi hộp, cuốn hút người xem hơn.
II. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật
“Nhân vật văn học” là một thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người,
một trong những dấu hiệu về sự tồn tại của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Nhân
vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với
con người hiện thực, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật có những nét rất gần với
nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn
về con người, ý nghĩa của một nhân vật văn văn học chỉ có được trong một tác phẩm
cụ thể.
2.1 Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật
Nói đến tính cách là nói đến hệ thống những yếu tố tương đối bền vững, ổn định
và quen thuộc của cá nhân, thể hiện ở cảm nhận và phản ứng của nó đối với cuộc sống
xung quanh, ở quan hệ của nó đối với chính mình và đối với những người khác. Tính
cách chính là khuynh hướng ý chí của cá nhân nảy sinh từ những quan hệ của nó và xã
hội.
Nhân vật của ông ngang tàn, khí phách, phóng túng và yêu tự do. Họ dám phá
bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo để giải phóng cá tính.
Từ Chiếm Ngao và những người khác mang trong mình dòng máu thổ phỉ
nhưng cuộc kháng chiến chống Nhật đã lột xác đưa họ trở thành những người anh
hùng dân tộc. Quân Nhật đến và tàn phá ngôi làng, người dân trong làng đã cùng Tư
lệnh Từ đứng lên chống lại quân giặc.
“Cao lương đỏ
Cao lương đỏ,
Bọn giặc Nhật đến rồi!
Bọn giặc Nhật đến rồi!
Nước mất, nhà tan.
Đồng bào ơi mau, đứng dậy,
Cầm dao, cầm sung,
Đánh giặc bảo vệ quê hương…” (Tr.107)
Mối tình kỳ lạ giữa Từ Chiếm Ngao và Phượng Liên luôn lôi cuốn, mê hoặc người
xem. “Luôn đi giữa đỏ và trắng” như Mạc Ngôn nói, “bà nội tôi”, tư lệnh Từ vừa đáng
yêu vừa đáng trách, vừa thánh thiện, vừa phàm tục. “Do nắm lấy bàn chân bà tôi, long
Từ Chiếm Ngao trỗi dậy một linh cảm vĩ đại về một cuộc sống mới sáng tạo” (Tr.92).
Từ Chiếm Ngao đã dũng cảm cướp Phượng Liên trên lung con la và chạy như bay vào
rừng cao lương, còn Phượng Liên chỉ biết chìm trong “nỗi đau đớn và niềm hạnh phúc
sắc nhọn chà sát thân kinh bà” (Tr.141). Họ đã vượt qua mọi rào cản, mọi lễ giáo
phong kiến để đến với nhau, yêu mến nhau. Hai trái tim bất kham hòa làm một, làm lu
mờ mọi rào cản khắc nghiệt trong cuộc đời này.
Tính cách của nhân vật Đái Phượng Liên trong tác phẩm Cao lương đỏ là điển
hình tiêu biểu cho người phụ nữ Trung Quốc thời phong kiến, đồng thời thông qua tính
cách nổi bật của Phượng Liên cũng thể hiện được tư tưởng mà Mạc Ngôn muốn gửi
gắm. Phượng Liên được Mạc Ngôn xây dựng với một tính cách đa chiều và khá phức
tạp. Nhân vật Phượng Liên là một cô gái thuần phác, trong sáng, tin vào tình yêu. Để
rồi, qua hàng loạt những phong ba, thăng trầm và trắc trở trong đời đã hun đúc nên một
người phụ nữ có cá tính rõ ràng, dám yêu, dám hận. Những nét tính cách đối lập luôn
tồn tại song song và thể hiện rõ nét ở nhân vật nữ này. Bà là điển hình cho kiểu người
phụ nữ mạnh mẽ, độc lập. Cầm dao trong đêm tân hôn, cùng với Từ Chiếm Ngao yêu
nhau, sau đó cùng ông trở thành một nữ anh hùng dân tộc. Khí khái và thẳng thắn, đó
là điều mà mọi người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Quốc đều ao ước được
một lần sống là chính mình như thế.
Ngay cả trong cách nói chuyện, các nhân vật cũng thể hiện tính cách của một
cách rõ nét:
“ … - Cút mẹ mày đi, một thằng học trò ranh mà dám chỉ huy cả lão! Lão đây đã làm
thổ phỉ mười năm, chưa một đứa nào dám làm phách như thế bao giờ.
Bà tôi nói:
- Chiếm Ngao, anh không được để phó chỉ huy Nhiệm bỏ đi. Nghìn quân dễ kiếm, một
tướng khó tìm.
- Đàn bà con gái biết cái gì! – Tư lệnh Từ ngao ngán nói.
- Tưởng rằng anh là anh hùng hảo hán, té ra chỉ là đồ hèn! – Bà nói.
Tư lệnh Từ lên cò sung, nói:
- Chán sống rồi hả?
Bà tôi xé áo ngực ra, lộ ra bộ ngực trắng tròn, nói:
- Bắn đi!.”
Tính cách thẳng thắn, bộc trực, mạnh mẽ của từng nhân vật không chỉ tiêu biểu cho
con người của họ mà thông qua đó, khí phách của một dân tộc Trung Hoa anh hùng
cũng được phác họa chân thực.
2.2 Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật
Toàn bộ tác phẩm Cao lương đỏ là những dòng hồi ức đang xen lẫn nhau. Vì thế
mà tâm lý nhân vật cũng đa chiều, phức tạp.
Từ Chiếm Ngao và những người đi theo ông là thổ phỉ, sống dựa trên sự bóc lột
người khác. Nhưng khi quân Nhật tràn vào và thay đổi cuộc sống của họ, cướp đi của
họ những gì thân yêu, quý giá nhất thì tâm lý họ lại thay đổi theo chiều hướng khác.
Ông muốn đứng lên đấu tranh, muốn đòi lại quyền tự do muốn quê hương ông được
thanh bình. Từ một người thổ phỉ ông đã vụt trở thành anh hùng cứu quốc.
Với một tính cách vừa mạnh mẽ, dứt khoát như một con chim khao khát bầu
trời, vừa ngoan hiền, nhút nhát như mẫu hình phụ nữ phong kiến, Mạc Ngôn đã thật tài
tình khi xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật Phượng Liên một cách sinh động, hấp
dẫn. Bà sợ gần gũi với người bà không yêu, hai đêm về nhà chồng bà nắm chặt con
dao trên tay, không dám ngủ. Bà căm ghét người cha hám tiền, người mẹ nhẫn tâm, uất
ức vì những định kiến xã hội. Nhưng trái tim của bà, lý trí của bà lại tự nguyện trao
cho người mà bà yêu thương. Ở Phượng Liên luôn toát lên phong thái của một người
phụ nữ mạnh mẽ, muốn khát khao tự do, khát khao yêu đương, khát khao làm chủ cuộc
đời mình. Bất chấp cuộc đời có diễn ra theo chiều hướng nào đi chăng nữa thì bà vẫn
luôn giữ một niềm tin kiên định vào cái hạnh phúc do mình tự tạo ra và tự nắm lấy.
Diễn biến tâm lý lúc bà sắp sửa ra đi cũng được miêu tả hết sức kỹ lưỡng, tinh
tế. Những hồi ức hiện về trong tâm trí bà thập đẹp đẽ, lúc nhanh lúc chậm nhưng thật
rõ ràng. Lúc tưởng đau đớn như muốn chết đi nhưng rồi bà lại tỉnh táo, “trong con mắt
của bà lại rực rỡ ánh sáng kỳ lạ”. Sự giằng xé trước lằn ranh của sự sống và cái chết
hết sức mong manh, giữa sự đau đớn muốn kéo bà về thế giới bên kia với miền khát
khao muốn trụ lại thế giới tươi đẹp này, để chìm đắm giữa ruộng cao lương mênh
mông, để được nhìn thấy đứa con trai và người tình cao lương của bà.
“Trời hỡi, thế nào là trinh tiết? Thế nào là chính đạo? Thế nào là lương thiện?
Thế nào là tà ác? Người chưa hề bảo cho tôi, tôi chỉ làm theo cách nghĩ của tôi, tôi
yêu hạnh phúc, tôi yêu sức mạnh, tôi yêu cái đẹp, thân tôi là của tôi, tôi phải làm chủ
cuộc đời tôi…” (Tr.144)
Tâm lý của nhân vật đều biến đổi không ngừng qua sự luân chuyển của dòng ý
thức, qua lời kể và sự hồi tưởng của các nhân vật. Tất cả dường như thật xáo trộn, lộn
xộn nhưng cũng thật rõ ràng, sáng rõ Có lúc như đan xen, có lúc laitasch biệt tạo cho
nhân vật một chiều sâu tâm lý phức tạp, đa chiều.
KẾT LUẬN
Thông qua việc pha trộn giữa ảo tưởng và hiện thực, lịch sử và tương lai; những
dòng hồi ức phức tạp, đan xen lẫn nhau; những câu chuyện về tình yêu và lòng dũng
cảm cùng hòa quyện tạo nên sự khác biệt độc đáo cho Cao lương đỏ. Mạc Ngôn đã
vượt qua truyền thống tiểu thuyết lịch sử của Trung Quốc, bỏ xa tiểu thuyết lịch sử
cách mạng để sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo mang đậm dấu ấn riêng của chính
ông, để tạo nên một huyền thoại, một biểu tượng đa nghĩa. Vì thế mà tác phẩm của ông
luôn làm lay động trái tim của rất nhiều độc giả.
Cao lương đỏ là một tác phẩm tiêu biểu của Mạc Ngôn viết về vùng quê Cao
Mật, về cuộc chiến trường kỳ của dân tộc, về tình yêu đẹp đẽ đầy khao khát.
Mạc Ngôn viết câu chuyện này “để viếng các anh hồn và oan hồn ở ruộng cao lương
mênh mông quê hương”. Địa danh Cao Mật gắn liền với cao lương đỏ luôn trở đi trở
lại trong nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn. Nhưng trong mỗi tác phẩm, trong mỗi trang
sách ta luôn nhận thấy được sự khác biệt và không lặp lại của những hình tượng vốn dĩ
đã quá quen thuộc. Niềm vui, nỗi đau, cái đói, cái rét, sự cô đơn, sự độc ác, đức hy
sinh, lòng vị tha, sự nhẫn nại, sự bỉ ổi, đồi bại… trong tác phẩm Mạc Ngôn đều được
đẩy đến mức cực hạn, nghiệt ngã. Các trạng thái cảm xúc mà tác phẩm của ông mang
lại cho người đọc hoặc thán phục, ngưỡng mộ, hoặc ghê tởm, sợ hãi, hoặc xót xa, tiếc
nuối, hoặc kinh hãi, ngỡ ngàng… đều được đẩy đến tận cùng, đến mãnh liệt Cao lương
đỏ là tác phẩm “phản tỉnh” nhìn lại chặng được đã qua của dân tộc Trung Quốc, đã đưa
tên tuổi không chỉ Mạc Ngôn mà còn cả vùng quê Cao Mật và đất nước Trung Quốc
gần hơn với thế giới.