Những sai lầm trên Internet gây
bất lợi khi tìm việc
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng thường
tra cứu trên Internet để tìm hiểu thêm về sở thích, kinh nghiệm, khả
năng của ứng viên tiềm năng. Do đó, một số sai lầm trên Internet có thể
khiến nỗ lực xin việc của bạn thất bại.
Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến trên Internet người tìm việc thường mắc phải
trong các hoạt động trực tuyến của mình:
1. Không hành động khi có “sự cố”
Trong quá trình tìm việc, một số nội dung không chuyên nghiệp hay dễ gây
tranh cãi về bạn xuất hiện trên mạng. Nhưng bạn cho rằng đó chỉ là những
nội dung cá nhân, trò đùa vô hại nên không có hành động gì. Tuy nhiên, đôi
khi những chuyện đó lại khiến nhà tuyển dụng hiểu lầm hoặc đánh giá sai về
bạn. Vì vậy, khi tìm thấy những thông tin không đúng về mình, hãy nhanh
chóng loại bỏ chúng. Bắt đầu từ những nội dung trong tầm kiểm soát của
bạn như hình ảnh, lời nhận xét trên tài khoản trực tuyến riêng. Sau đó, hãy
dỡ bỏ cả những ảnh, nội dung không thích hợp của bạn do người khác post
lên. Hầu hết các trang chia sẻ hình ảnh và mạng lưới xã hội như Facebook có
tính năng cho phép bạn làm vậy. Còn nếu bạn không thể xóa, hãy liên lạc
với người post lên và đề nghị họ dỡ xuống.
2. Phớt lờ chế độ cài đặt bảo mật
Các trang mạng lưới xã hội là mỏ thông tin cho nhà tuyển dụng, họ có thể
tìm thấy bất cứ thông tin gì về bạn. Và đó là lí do bạn cần kiểm soát thông
tin nhà tuyển dụng nhận được. Chắc hẳn không phải tất cả những gì bạn post
lên mạng đều ở trạng thái “public” – ai cũng có thể nhìn và đọc được. Vì thế
hãy áp dụng chương trình cài đặt bảo mật để hạn chế những người có thể
tiếp cận thông tin của bạn.
3. Giữ im lặng
Ngày nay, thế giới online là một sự tương tác liên tục và nhà tuyển dụng
mong đợi nhận được sự chủ động của bạn trong cuộc nói chuyện. Bạn có thể
cung cấp cho nhà tuyển dụng đường link tới hồ sơ trực tuyến của mình, tới
bài báo online bạn viết cho tổ chức nghề nghiệp địa phương. Hãy năng động
và chuyên nghiệp trong cách hoạt động trên Internet bằng các comment cho
một bài viết về lĩnh vực của bạn, gửi đường link hấp dẫn cho những người
bạn trên Facebook… Nhà tuyển dụng có thể tìm thấy các hoạt động đó và có
cái nhìn tích cực hơn về bạn. Ngược lại, thụ động và im lặng trong thế giới
online sôi động sẽ khiến bạn trở thành một con người lạc hậu.
4. Bất cẩn
Hãy cẩn trọng trước bất cứ thông tin nào bạn post lên mạng bởi nhà tuyển
dụng tiềm năng có thể nhìn thấy và đưa ra cái nhìn về bạn. Một số nội dung
có thể bị chuyển đổi theo hướng tiêu cực. Do đó, hãy đảm bảo những nhận
xét, ý kiến của bạn mang tính chất xây dựng và tránh tỏ ý xem thường.
5. Lỗi thời
Hồ sơ online của bạn, đặc biệt trên những site như Facebook, được xem như
một phiên bản điện tử của hồ sơ xin việc. Vì thế, điều quan trọng là phải cập
nhật nó phù hợp với hiện tại. Hãy ghé thăm thường xuyên và nhấn mạnh tới
những keyword liên quan tới kĩ năng, sự thông thái của bạn.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng, dù bạn đã cố gắng kiểm soát thông tin online về
mình, đôi khi có thể vẫn tồn tại những nội dung không phù hợp. Hãy chuẩn
bị tinh thần rằng nhà tuyển dụng sẽ đề cập tới nó trong cuộc gặp mặt. Bạn
cần sẵn sàng giải thích để giải quyết nỗi lo của họ. Chắc chắn, các nhà tuyển
dụng sẽ đánh giá cao sự trung thực về bạn về thông tin. Hãy chứng tỏ rằng
phẩm chất và khả năng khiến bạn trở thành người nhân viên lí tưởng.