“Dọn dẹp” những gam màu lạ trên da
Bỗng dưng một ngày nào đó, da của bạn xuất hiện những gam màu lạ
mà người ta thường “chỉ mặt đặt tên” là: nám, bớt sắc tố, tàn nhang, đồi mồi,
tăng sắc tố sau viêm hay quầng thâm mi mắt dưới. Trong y khoa, tất cả đều
được gom chung vào một mối, đó là: tăng sắc tố. Đây là tình trạng một vùng
da nào đó của cơ thể tăng lượng sắc tố đen (melanin) một cách bất thường.
Tăng sắc tố có thể ảnh hưởng đến tất cả các loại da, không phân biệt nam
hay nữ, gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều nhất là từ độ tuổi trung niên trở đi.
Nám da
Nám da thường gặp ở phụ nữ hơn, thường là do rối loạn nội tiết, do tia UV
của ánh nắng mặt trời. Nám da cũng xảy ra khi sử dụng dài hạn các thuốc ngừa
thai, hormone, sử dụng mỹ phẩm không đúng cách hoặc do nghề nghiệp phải tiếp
xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
Nám da thường xuất hiện dưới dạng những mảng nâu ở má, trán, cằm, môi
trên, mũi… Những mảng nâu này là kết quả của sự tăng lên quá mức sắc tố
melanin có trong da. Các sắc tố này nằm chủ yếu ở lớp thượng bì (lớp ngoài cùng
của da), hoặc nằm sâu trong da hay cả hai. Việc xác định vị trí của các sắc tố rất
quan trọng trong cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Thành công trong điều
trị nám da được quyết định bởi việc xác định vị trí sắc tố và phụ thuộc vào chuyên
môn của bác sĩ.
Bớt sắc tố
Hai dạng bớt sắc tố thường gặp là Hori và Ota. Chúng có biểu hiện là
những mảng tròn hoặc dạng đốm dẹt phẳng với màu xám, xanh xám, xanh đen hay
nâu. Bớt sắc tố thường gặp phải ở mặt, một bên hoặc hai bên đối xứng. Bớt sắc tố
là do sắc tố melanin đóng thành từng mảng, có thể nằm ở mọi lớp của da (thượng
bì, trung bì hay hạ bì).
Tàn nhang
Tàn nhang là những vết tròn có diện tích nhỏ, bề mặt phẳng, xuất hiện bất
kỳ vùng nào trên da, thường là khi da bị phơi nắng nhiều. Màu sắc của tàn nhang
có thể là nâu, vàng sậm hay đen hoặc thậm chí là màu đỏ với đặc điểm chung là
luôn có màu sẫm hơn so với màu da xung quanh.
Đồi mồi
Da đồi mồi là các nốt màu nâu đến đen, có kích thước to nhỏ không đồng
đều, xuất hiện rải rác trên da, chủ yếu là vùng cổ, mu bàn tay, hai bên mặt và ở
vùng trán người bị hói đầu. Da đồi mồi thường gặp ở tuổi 50 - 60, nhưng đôi khi
xuất hiện ngay ở tuổi trung niên. Nguyên nhân của da đồi mồi là do sự sinh sản
không đều của sắc tố melanin trên da. Sự hình thành sớm hay muộn các nốt đồi
mồi liên quan đến tính di truyền và tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, thói
quen sinh hoạt của từng người. Các nốt đồi mồi thường chỉ có ảnh hưởng về mặt
thẩm mỹ, không phải là dấu hiệu của ung thư da hay một bệnh lý da nào khác. Da
đồi mồi chỉ là một trong những dấu hiệu thông báo rằng cơ thể đang lão hóa, già
nua, nhiều hoạt động sinh lý bắt đầu kém đi.
Tăng sắc tố sau viêm
Dù có thể ảnh hưởng trên mọi loại màu da, nhưng tăng sắc tố sau viêm dễ
gặp hơn ở người có màu da sẫm so với người có màu da sáng. Điều này đồng
nghĩa với người Việt Nam… dễ bị tình trạng này! Mọi “biến cố” làm chấn thương
da như: vết thương, bỏng, mụn trứng cá… đều có thể gây tăng sắc tố sau viêm.
Quầng thâm mi mắt dưới
Là tình trạng mi mắt dưới có màu sậm hơn các vùng da khác quanh mắt.
Gặp ở cả nam lẫn nữ, từ độ tuổi trung niên trở đi. Cho đến nay, cơ chế sinh ra tình
trạng này vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo. Cách giải thích được nhiều
người chấp nhận là do da ở mi mắt dưới mỏng hơn da bình thường nên chúng ta dễ
thấy các mạch máu bên dưới. Và khi các mạch máu này giãn ra, bị viêm làm cho
chúng ta thấy “vòng thâm quầng” ở mi mắt dưới. Thêm vào đó, sự tập trung của
melanin ở vùng da mỏng này cũng là yếu tố gây ra quầng thâm mi mắt dưới. Gần
đây, đã có báo cáo về việc sử dụng các thuốc trị glaucoma gây ra quầng thâm mi
mắt dưới
Điều trị tăng sắc tố da
Dùng kem làm trắng da
Tăng sắc tố da có thể được điều trị bằng kem làm trắng da. Kem làm trắng
da có nhiều chủng loại, có thể là đơn chất hay phối hợp nhiều hoạt chất. Các hoạt
chất thường dùng trong kem làm trắng da là hydroquinone (thường có nồng độ 2 -
10%), tretionin, kojic acid…
Laser trị liệu
Laser trị liệu là bước đột phá trong điều trị tăng sắc tố da. Dù rằng không
phải tất cả các loại tăng sắc tố đều có đáp ứng với laser, nhưng cho đến nay, ngoài
kem làm trắng da, việc điều trị tăng sắc tố da được sử dụng ngày một nhiều bằng
phương pháp laser. Rất nhiều trường hợp tăng sắc tố da đáp ứng rất tốt với một số
loại máy laser như Fractional CO2, Q-Switch Nd-YAG, IPL… Gần đây, các loại
laser xung dài, đặc hiệu trên sắc tố đã cho thấy kết quả lâm sàng rõ hơn trong việc
điều trị tăng sắc tố da, đặc biệt là các loại tăng sắc tố mà các phương pháp điều trị
khác không mang lại hiệu quả.
Điều quan trọng là kinh nghiệm của bác sĩ trong việc xác định đúng loại
laser, cũng như các thông số điều trị thích hợp cho từng loại tăng sắc tố sẽ góp
phần quyết định vào thành công của điều trị.
Xin lưu ý rằng, ánh nắng mặt trời là “kẻ trực tiếp” gây nên tình trạng tăng
sắc tố da. Nhất thiết phải có biện pháp bảo vệ da, chống lại ánh nắng mặt trời. Nếu
không, thì dù điều trị bằng cách nào cũng khó thành công.
BS. NGUYỄN HOÀNG QUÂN