5 bí quyết để đứng vững và chiếm ưu thế trong cạnh tranh hiện đại
Trong kinh doanh, cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Để tồn tại và phát triển, doanh
nghiệp luôn phải đối đầu với nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, điều
làm cho những công ty “yếu bóng vía” rất lo sợ. Tuy nhiên, tâm lý đó thật sai lầm, bởi nếu
bạn biết sự cạnh tranh với những chiến lược đúng đắn sẽ rất có lợi cho công ty nói chung
và cho cả thị trường nói riêng. Và với một chiến lược cạnh tranh đúng đắn, công ty sẽ có
cơ hội lớn hơn để mở rộng thị phần của mình.
Chúng ta hãy lấy ví dụ từ thị trường xe hơi. Trong khi nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu
của Mỹ như General Motor, Ford,… lâm vào tình cảnh lao đao trên thị trường, thì tại Nhật Bản,
hai hãng xe hơi Toyota và Honda lại đạt mức lợi nhuận lớn trong năm 2005. Điều đáng ngạc
nhiên là phần lớn trong số lợi nhuận này được tạo ra tại thị trường Mỹ, nơi tiêu thụ xe hơi nhiều
nhất thế giới. Ngày nay, gần ¾ lượng xe hơi 2 hãng này đang bán ở Mỹ cũng được sản xuất
chính tại đây. Hãy Nissan, hãng xe hơi lớn thứ ba Nhật Bản, cho dù chậm chân hơn, nhưng khi
Carlos Ghosn vào “giải cứu” Nissan năm 1999, ông nhận thấy ngay cái lối mà các nhà quản lý ở
đây đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho sự suy thoái kinh tế trong thập kỷ 90 của Nhật Bản làm Nissan
hoạt động yếu kém chỉ là chuyện tầm phào. Thực tế, thị phần nội địa của Nissan đã chính các
đối thủ nội địa giành mất. Với một loạt các kế hoạch đúng đắn, Carlos Ghosn đã giúp Nissan
nhanh chóng phục hồi và bước vào thế cạnh tranh ngang ngửa với hai “người khổng lồ” Toyota
và Honda.
Vậy để chiếm ưu thế cạnh tranh và đạt tốc độ tăng trưởng tốt thì các công ty phải cần có những
điều kiện gì? Đây là câu hỏi mà rất nhiều chủ doanh nghiệp muốn tìm ra câu trả lời.
Trước khi viết những cuốn sách bán chạy về đề tài cạnh tranh trong kinh doanh, Jason Jennings,
một chuyên gia kinh tế người Mỹ, và nhóm nghiên cứu của ông đã dành hơn một năm để nghiên
cứu mọi khía cạnh của vấn đề này. Dưới đây, tác giả của cuốn It's Not the Big That Eat the
Small... It's the Fast That Eat the Slow (Không phải kẻ lớn sẽ nuốt chửng kẻ nhỏ… mà kẻ nhanh
sẽ nuốt chửng kẻ chậm) và cuốn Think Big, Act Small (Hãy suy nghĩ những việc lớn lao, làm
những việc nhỏ bé) sẽ vén bức màn che dấu 5 bí quyết giúp các công ty giành thắng lợi trong
cuộc cạnh tranh trên thị trường:
1. Họ có những nhà quản lý không ngại khó khăn
Điều này ngụ ý rằng các nhà quản lý của công ty luôn có mặt ở những nơi “tiền tuyến” và tiếp
xúc trực tiếp với khách hàng ít nhất 50% thời gian làm việc trong ngày của họ. Jennings giải
thích: “Điều này sẽ giúp các nhà quản lý biết được mọi biến động của thị trường, mọi diễn biến
tình cảm tâm lý của khách hàng mà công ty đang phục vụ, qua đó có những phương pháp kinh
doanh và điều hành phù hợp”.
2. Họ nhanh chóng quên đi những trụ cột đã trở thành dĩ vãng
Nếu một sản phẩm, dịch vụ hay một phương pháp nào đó đã từng rất thành công nhưng khi “thời
hoàng kim” của chúng đã qua đi, họ sẽ không cố gắng để kéo dài việc theo đuổi chúng. “Họ
không bảo thủ với nguyên tắc: Nếu một điều gì đó luôn được thực hiện theo cách này, nó bắt
buộc phải được thực hiện theo cách đó”- Jennings cho biết, -“Và họ cũng từ bỏ quan niệm cho
rằng ý kiến của các CEO là bất khả xâm phạm. Nhiều công ty đã lãng phí rất nhiều thời gian vào
việc cố gắng “hà hơi thổi ngạt” cho một cái gì đó đã chết hay cố gắng làm cho một điều gì đó
phát huy hiệu quả chỉ bởi vì đó là ý kiến của CEO”.
3. Họ biết đưa ra những giải pháp thực thụ
“Ngày nay, hai chữ “giải pháp” ngày càng trở nên quan trọng trong các hoạt động kinh doanh”-
Jennings nói,- “Tuy nhiên, phần lớn các công ty vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này”.
Những công ty giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh luôn đưa ra được các giải pháp xác thực và
mang tính hiệu quả cao cho khách hàng của mình. Jennings trích dẫn câu chuyện về một công ty
lúc đầu khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực may mặc đồng phục y tá, nhưng sau đó cung cấp tất
cả các loại trang thiết bị y tế cần thiết cho bệnh viện, và giờ đây công ty này còn đảm nhiệm thêm
nhiều chức năng và dịch vụ khác cho toàn thể bệnh viện – nhờ đó tiết kiệm cho các khách hàng
nhiều triệu USD chi phí trong quá trình hoạt động. Jennings quả quyết: “Đó chính là những giải
pháp thắng lợi”.
4. Họ để các nhân viên làm việc và cảm thấy mình như là những người chủ công ty bằng
việc trả công và thưởng xứng đáng cho từng đóng góp của mỗi cá nhân vào các hoạt
động kinh doanh
“Bạn không thể khiến mọi người suy nghĩ và hành động giống như những người chủ công ty, cho
đến khi bạn trả công cho họ như những người chủ thực thụ”- Jennings nhấn mạnh,- “Nhiều
người không được trả công nếu họ không làm ra nhiều lợi nhuận, tuy nhiên nếu họ tạo ra được
nhiều kết quả kinh doanh, họ cũng phải được trả công xứng đáng. Nếu họ tạo ra những thành
quả vĩ đại, họ sẽ nhận được những khoản tiền thưởng vĩ đại”.
5. Họ tiến hành các hoạt động kinh doanh dựa trên một bộ gồm 5 hay 6 nguyên tắc cơ bản
“Trong vài năm trở lại đây, không ít công ty đã bắt đầu đề ra cho mình một bộ quy tắc hoạt động
bao gồm từ 15 đến 20 điều”- Jennings cho biết,- “Họ treo chúng lên tường, đăng tải trong các
bản tin thường kỳ và bàn bạc về những quy tắc này tại cuộc họp toàn thể công ty. Nhưng rồi sau
đó họ quay trở lại với các hoạt động thường ngày theo đúng cách mà họ vẫn làm trước kia”. Khi
một công ty có một số lượng các nguyên tắc mà về cơ bản có thể được nắm bắt một cách dễ
dàng và mọi người trong công ty đều biết đến chúng, thì việc ra quyết định trong công ty cũng sẽ
hiệu quả hơn, ngày càng có nhiều nhân viên có khả năng ra các quyết định phù hợp. Hãy làm
sao để nhân viên không phải chờ đợi các trình tự và thủ tục khi đưa ra một quyết định. Việc này
sẽ giúp đẩy nhanh đáng kể tiến trình ra quyết định trong công ty. “Để đẩy nhanh và giành thắng
lợi trong cuộc cạnh tranh, các công ty cần coi trọng yếu tố tốc độ”- Jennings cho biết,- “Các công
ty cần suy nghĩ nhanh chóng, quyết định nhanh chóng, tiếp cận thị trường nhanh chóng và duy trì
xung lượng hoạt động cho mình. Và cách duy nhất để bạn có thể đẩy nhanh tốc độ đó là đảm
bảo rằng mọi người trong công ty đều biết cách làm thế nào để đưa ra những quyết định phù
hợp”.
Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng khó khăn trong kinh doanh không phải là
cái cớ xác đáng cho nhà quản lý nào vin vào để giải thích cho những thua thiệt trong cuộc cạnh
tranh trên thị trường. Nếu nhà quản lý có những chiến lược đúng đắn và hợp lý thì công ty hoàn
toàn có thể thẳng tiến trong cạnh tranh với mọi đối thủ, ngay cả trong những thời điểm hoạt động
kinh doanh gặp khó khăn nhất.
Nguồn : bwportal