Các bước “bếp núc” để có một website
Khi muốn đưa lên mạng một website về mình cũng tương tự như khi ta muốn
mời bạn bè dự tiệc, phải chuẩn bị "bếp núc" trước. Công tác chuẩn bị tốt, khả
năng thành công của "buổi tiệc" càng cao... Bài viết dưới đây sẽ mách cho bạn
cách làm các công việc này.
Dọn tiệc để làm gì ?
Dù là với tư cách cá nhân thiết kế một site, chủ nhân cũng phải hiểu rất rõ mình
đưa thông tin lên site để làm gì. Cuộc đời có bao nhiêu mặt, con người có bao
nhiêu độ tuổi thì có bấy nhiêu cách tính theo tổ-hợp-có-lặp về mục đích. Người
thích thử nghiệm thì đây là dịp thử "đánh vật" với một site để rèn kỹ năng tin học.
Có người thích chia sẻ thì muốn đưa "việc nhà" lên mạng để "bàn dân thiên hạ"
cùng thưởng ngọan. Có người yêu thầy, mến bạn thì tạo một "sân chơi cho bằng
hữu". Người của công chúng thì muốn phục vụ các fan của mình suốt ngày đêm,
năm, tháng. Người có nhu cầu tìm người đồng cảm thì "lên" một site chuyên
đề, ... Vậy thì bạn, bạn muốn tạo một site của riêng nhằm mục đích gì? Hẳn
nhiên, bạn cố gắng đừng nói là:"Ai cũng có www.gì gì đó trong danh thiếp, tui
cũng phải có", mặc dù đó cũng vẫn là một lý do chính đáng.
Biết chính xác mình tổ chức tiệc để làm gì là bạn đã giải được bài toán "khởi đầu
nan". Còn nếu bạn chưa biết mình sẽ làm gì với site này thì hãy chịu khó lướt
web nhiều nhiều một chút đã, cho phép mình "bình phẩm" người khác một cách
thoải mái. Lúc ấy bạn sẽ hiểu "vàng – đá" của một site là như thế nào.
Ai là "thực khách"?
Xin báo với bạn: "Thực khách" trên mạng thẳng thắn (và hơi thô bạo) đấy. Thích
thì nhấp "chuột" xem tiếp, còn không thì thôi, họ ra đi không một lời chào! Còn
ngược lại, nếu thích, họ sẵn sàng đưa địa chỉ trang của bạn vào mục "Favorites"
để chốc nữa, tối mai hay tháng sau xem nữa (đó chính là áp lực đòi chủ nhân
phải định kỳ cập nhật thông tin, nghiệt ngã không thua gì lao động của... Phó
Tổng Biên tập một tờ báo). Làm một website cá nhân, ai sẽ là người xem site
của bạn? Khi tôi đưa lên mạng website "Thơ TNXP"
(www.namthien.saigonnet.vn), được bạn bè ưu ái giới thiệu lên báo in, nhưng
sau tháng 3 (tháng sinh nhật TNXP TPHCM) thì nó cũng chìm biệt tăm vào dòng
đời cuồn cuộn và hối hả. Nếu còn chăng là trong góc nhớ nhỏ nhoi của một số
thân hữu và vài người ái mộ thơ xưa. Lỗi: Không cập nhật, không quảng bá! Do
đó, phải hình dung trước đối tượng "thực khách" của mình để khỏi thở vắn than
dài trước khi "cắt đứt dây chuông", trả website về thế giới ảo của nó. Về số
lượng, "thực khách" dự buffet trên site của bạn có thể chỉ là một người, cũng có
thể cả tỷ người trên hành tinh xanh này, nếu site của bạn là siêu hạng. Có cả
những khách "không mời vẫn đến" (thậm chí đó còn là những nhà "lướt web
chuyên nghiệp" hay các hacker nữa). Đa dạng như thế nên chủ site phải hiểu
rằng đối tượng chính - "thực khách phe ta" là ai, có đủ đa số "không thầm lặng"
để ủng hộ cho site mình sống còn không.
Ai là "thực khách", ngoài ước định chủ quan của chủ nhân, còn một yếu tố khác
không kém phần quan trọng: Bạn chiêu đãi món gì thế? Có thể khi khai trương
thì còn vắng khách, nhưng rồi sẽ "hữu xạ tự nhiên hương" chăng? "Hương" gì
trên site của bạn: thông tin và...?
Thực đơn của bạn: tùy ý chủ nhân hay chiều ý khách?
Nguyên lý kinh doanh: Bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có.
Thông tin trên web cũng vậy, dù ở Việt Nam, thông tin trên các site hầu như là
để biếu không, nhưng có site được truy cập nhiều, có site ít. Thông tin trên một
site, có thể được tạm chia ra theo các nhóm sau đây:
Xét theo khía cạnh tính thời sự: Có loại thông tin cần cập nhật định kỳ (giờ,
ngày, tuần, tháng) như tin nhanh, tin mới, tin "dài dài", tin phản hồi, ... Có loại đờ-
mi-cập-nhật, như tự bạch, tiểu sử văn học, thành tích, ... Có loại "thọ" lâu dài
như hình ảnh "thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường", sơ đồ nhà đất - bản
quán - phả hệ họ tộc,... Khía cạnh này là một yếu tố then chốt để web (và
internet) khác với các loại hình xuất bản truyền thống khác. Đã là internet thì
phải "nóng hổi vừa thổi vừa ăn" suốt ngày đêm, suốt cả tuần (khái niệm 24/24
giờ, 7/7 ngày trong tuần). Xét theo khía cạnh lưu trữ, sắp xếp - lọc và tìm kiếm:
có nhiều mẩu tin (nói chung, có thể là tin chữ, là một tấm hình, một biểu tượng,
ca từ một bài hát, ..) sau khi lui vào "hậu trường" rồi vẫn còn một tác dụng tích
cực. Nó lũy tiến thông tin, tạo một chiều sâu đáng kể: tính hệ thống hóa của
thông tin theo một chủ đề, một đề tài nhất định. Mà khi nó lui vào "hậu trường" –
nghĩa là được đặt vào kho lưu trữ, thì phải có cách cho "thực khách" lấy ra dễ
dàng, xỏ xâu quá khứ được. Hạn chế của các trang web tĩnh là phải "xổ" theo
nhánh, còn website dạng động, có cơ sở dữ liệu và có chương trình để sắp xếp
(sort), lọc (filter) và tìm nhanh (search). Do đó, nếu làm site chơi chơi rồi thôi thì
không nói đến, nhưng nếu đã có mục đích mời người đến dự tiệc trên site của
mình thì chủ nhân bắt buộc phải nghĩ đến khía cạnh này.
Xét theo khía cạnh chính – phụ: Có thông tin chủ đạo, thông tin tham khảo,
thông tin mở rộng và liên kết đến các site khác. Tùy theo ý bạn muốn mà site sẽ
có những "nhánh" phù hợp. Như trước đây, tôi vào site của bác sĩ Hồ Đắc Duy
thì chíp cái "Sân chơi cho bằng hữu" (thơ xướng họa, một hobby của tôi). Bên
cạnh đó, bác sĩ Duy còn tư vấn sức khỏe từ xa qua chính site này. Cũng cùng
một thông tin, nhưng đối với người này là chủ đạo, đối với người kia lại là tham
khảo. Nhưng nếu nhiều chủ đạo quá thì thực khách "ngợp" hay đôi khi, chính
chủ nhân không đủ sức kham nổi công việc "làm tươi thông tin". Mà đãi thức ăn
"thiu" thì mất khách trầm trọng là cái chắc. Trong rừng-nguyên-sinh-web hiện
nay, site của "mình" có khi chỉ là một loài thảo dã nhỏ bé, đừng để... ế vì ôm
đồm! Hãy có một phong cách đưa tin và tỏa hương rất riêng.
Và cũng như một menu chính hiệu trên bàn ăn, menu trên site giữ vai trò đình
hướng và điều độ cho thực khách việc múa "chuột", nhấn phím. Nói như thế
nghe máy móc quá, thiếu chất chíp quá. Nên nói qua chuyện khác như bàn về
chủ đề, đề tài (văn nghệ, học tập, sở thích, ...)? Hay nói về thể loại (thơ, văn,
nhạc, họa, hình ảnh, video, ..)? Hay là "chát", "forum", ...? Tôi thường lập luận:
Trên site, có những cái da thịt hiện ra mỹ miều – tươi tắn, không méo mó là có
sự góp phần quyết định của những xương sống, xương sườn, khí huyết bên
trong. Thực lòng mà nói, tôi muốn trong những cuốn sách dạy thiết kế web nên
có một chương Thông tin học thuộc về "Tốp bốn cơ sở": thông tin, kỹ thuật, mỹ
thuật, quảng bá. Công nghệ thông tin là gì, nếu không phải là công nghệ dùng để
quản lý, chuyển tải và "đọc" thông tin? Đôi khi, người ta đua theo công nghệ (vì
nó phát triển – chạy nhanh quá) mà quên mất rằng cái mình đưa lên (upload) và
lấy về (download) là thông tin.
Trở lại vấn đề, thông tin mà bạn đưa lên site là để "thực khách" ăn, thích ăn và
ăn hết, hết vẫn còn thèm chứ không phải như trong truyện tranh Nhật Bản
Đôrêmôn: Chaien-lồi-rốn có món gì, dọn ra đãi món đó; bạn bè "chân yếu tay
mềm" bắt buộc phải ăn. Cấm phàn nàn!!! Muốn không như vậy, bạn phải có định
hướng thông tin và vẽ phác ra một cấu trúc thông tin cho site của bạn trước đã.
"Giá trị gia tăng" và tương tác hai chiều: Có? Không?
Chắc bạn không muốn khách tới lầm lũi ăn rồi lầm lũi về. Có thể site bạn có một
số tiện ích "cộng thêm" như "Send this page to friends" (gửi trang này cho bạn
bè), vote (bầu phiếu đánh giá cho một sự kiện, sự việc nào đó), CLB thành viên
(members) với một số ưu đãi, NewsLetter, chúc mừng và quà tặng "điện tử" khi
bạn là người truy cập thứ 500, 1.000,... Những món đó tôi tạm gọi là "giá trị gia
tăng" của site của bạn, giống như trái ớt thiết kế thành đóa hoa trên đĩa gỏi.
Không thuần túy là thông tin mang tính chất chủ đạo, nhưng chúng làm site của
bạn "ngọt ngào" hơn.
Bên cạnh đó, lợi thế của Net giúp bạn tạo tương tác hai chiều với "thực khách":
form phản hồi, chat, forum, ... Mỗi loại hình có một tác dụng riêng, mang đậm
thời-gian-tính. Nếu có đủ phương thức tương tác này, bạn sẽ cảm thấy lúc nào
"thực khách" cũng đang cùng bạn "trên từng cây số". Và với tư cách một chủ
nhân hiếu khách, bạn sẽ tốn bộn thời gian để quản trị những món "cơm thêm"
này. Ngoài ra, bạn nghĩ xem có cách nào tạo cho "thực khách" cùng tham gia
vào nội dung của site bạn. Cũng như họ tự nướng thịt, tự cuốn bánh tráng cho
chính mình ăn vậy mà. Trang ý kiến, góc hình lưu niệm "member", "nhàn đàm –
tản mạn – nhật ký - ..." của bạn đọc? Làm chủ "mém mém" cũng là cách níu
chân họ với site của bạn. Có điều, bạn phải biết lúc nào "tiền kiểm", lúc nào "hậu
kiểm". Đố bạn biết "tiền kiểm", "hậu kiểm" là như thế nào?
Đi chợ và chi phí
Nguyên vật liệu của site là thông tin. Bạn thu thập nó từ bao nhiêu nguồn, sẽ xử
lý chúng như thế nào? Câu chữ: viết thành tin, bài – trước tiên là đúng cú pháp,
đúng chính tả; nếu càng giàu tính văn học càng tốt. Đặc biệt, có một lời khuyên
chưa bao giờ thừa cho dân biên tập web: ngắn-gọn-rõ; câu mở đầu phải thật thu
hút. Hình ảnh phải "cắt", "cúp", tạo hiệu ứng (effect) thế nào cho đẹp mà phải
nhẹ ký (file size nhỏ chứ không phải bạn nhẹ ký đâu). Ảnh có động không -
animation hay flash? Có movie không (mười lăm giây file .avi có khi cả mấy trăm
ngàn byte đấy), ... Một trang web phải có điểm nóng để thu hút sự chú ý, đừng
cho hình-nhân-nhảy-múa (ảnh động) nhiều và vô nghĩa.
Trong quá trình "đi chợ" này, những thông tin thuần túy của bạn thì bạn cứ tự
nhiên sử dụng. Nhưng nếu là thông tin của người khác thì bạn phải biết luật và
quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp (ví dụ, theo các văn bản pháp quy,
bạn được phép trích không phải trả tác quyền nếu phần trích không quá 30 %
bài viết của bạn). Bạn đừng so bì là có bao nhiêu site đại gia của Việt Nam đưa
lên nguyên xi trọn bộ truyện, thơ của các tác giả đương đại như Quang Dũng,
Nguyễn Khải, Nguyễn Nhật Ánh, ... thì sao. Hoặc là site đại gia đó đã ký hợp
đồng khai thác tác phẩm và trả nhuận bút rồi, hoặc site đại gia đó lớn tới mức
thấy hàng hóa trong chợ đời Việt Nam này đều là tài sản sân sau của riêng họ.
Tự bạn, bạn phải có lập trường và đạo đức của mình.
Toàn bộ nguyên liệu này phải được phân thành luồng - lớp: trên trang chủ
(homepage) bày hàng những gì; mỗi nút menu chọn (button) dẫn theo nhánh hay
luồng-thông-tin nào, đến lớp 2 - lớp 3 (các trang trong, trang thứ cấp) của site sẽ
hiển thị loại thông tin tới mức chi tiết nào; có siêu-liên-kết (đến những site khác)
và liên kết chéo (trong nội bộ site của bạn) không; bố cục và kết cấu trên từng
trang có phục vụ cho thực khách với tay là lấy như là mâm xoay trên bàn ăn
không (ví dụ luôn hiện menu chính, có vệt-truy-cập History, có dẫn về đầu trang-
cuối trang nếu trang quá dài, ...). Nguyên liệu dễ tạo nhưng phải được chọn lọc,
chế biến, bày hàng thật khéo thì các trang mới thấy "oách". Đừng để mình đưa
lên một trăm tấm hình mà không gây ấn tượng bằng người khác chỉ tuyển – tút
(touch) đưa lên mươi tấm. Ông bà mình có câu: "Văn hay chẳng nệ viết dài, mới
đọc đầu bài...". Vì thế, khâu biên tập thông tin website là một khâu quanquan-
trọng. Có điều, thời gian tôi lăn lộn thiết kế web thuê, thù lao nhận được là do
thiết kế mỹ – kỹ thuật chứ công biên tập thông tin và cấu trúc site thường bị lờ đi,
ít "nhà" chịu trả thù lao đó một cách đường đường chính chính.
Cả ba khâu thông tin, kỹ thuật, mỹ thuật đều có tầm quan trọng khác nhau rõ
ràng. Nhưng chỉ khi kỹ thuật bằng nhau và thông tin tương tự như nhau, lúc ấy
mỹ thuật mới là yếu tố quyết định "mức ăn thua". Phong cách trình bày trang
(style) và cả tông màu phải nhất quán từ đầu đến cuối, trừ trường hợp phá cách
một cách cố ý mà không "phô". Riêng tôi, site NetNam và site của ca sĩ Thanh
Thảo làm cho tôi ưng ý nhất, xét theo "gu" phong cách mỹ thuật.
Toàn bộ những điều trên đây, bạn có thể tự làm được (một mình hay theo
nhóm). Còn nếu không, cứ đặt một đơn vị phần mềm nào đó gia công cho. Chi
phí trọn gói bây giờ khá rẻ, không phải như thời kỳ 1997-1999, một trang phải
chi 200.000 đến 300.000 đồng tiền thiết kế.
Dọn tiệc và chi phí
Địa chỉ dọn tiệc: domain name (tên miền). Bạn phải sở hữu riêng cho mình một
domain name hay quá giang URL (địa chỉ trên mạng) của một nhà cung cấp dịch
vụ internet nào đó. "Nhà mặt tiền" như www.bimtomut.info.vn
(www.bimtomut.info) , khu cư xá hay cao ốc "xịn" như địa chỉ của tôi nêu trên,
trong hẻm như www.bimtomut. info.vn/clb_lam_quen/tam_binh, ... Tùy theo loại
"nhà" và "khu vực" mà free (miễn phí) hoặc tốn chi phí (ít hoặc nhiều). Lưu ý:
Nếu đã không có ý định kinh doanh thì không nhất thiết phải có "đuôi" .com
hay .com.vn. Thông tin riêng thì thường là .info.vn (.info). Các đuôi .com, .net,
.org, .info,... đều nằm trong quy ước (chuyển tải loại thông tin gì). Có "đuôi" đúng
cách mới là người "sành điệu"! Lấy một cái "đuôi ngoại" .com giá khoảng 9,99
đến 35 USD (trả một lần), "đuôi" Việt Nam (.com.vn) giá 500.000 đồng. Cả hai
đều chưa tính phí hàng năm duy trì quyền sở hữu tên miền. VNNIC, PA Viet
Nam, YellowPages VN, ... là những site có dịch vụ tìm xem (tên miền đó đã có
chủ chưa) và tiến hành cho bạn đăng ký tên miền (giao dịch, thanh toán trong
nước và bằng tiền đồng VN).
Sau khi có địa chỉ, phải có sảnh tiếp khách. Đó là phần không gian trên server
của nhà cung cấp dịch vụ internet (thuê chỗ trên server hay lắp đặt một server
riêng). Có site không tính phí, có site tính (ví dụ: mỗi tháng phải trả 30.000 đồng /
1 MB – tối thiểu 3 MB cộng với 10 % thuế giá trị gia tăng). Việc hosting thường
được bao trọn gói chi phí lần đầu, nhưng sẽ phát sinh phí cập nhật thông tin
(nếu bạn cần). Có những site giao cho bạn quyền tự cập nhật. Dù vậy, bạn cũng
vẫn phải tốn tiền truy cập Net để quản trị site của mình.
Khi tiệc chưa tàn...
Tiệc ăn thì có lúc chấm dứt, sayonara! Buffet trên Net chỉ chấm dứt đối với thực
khách, còn chủ nhân thì không: Còn site là còn lao động cật lực, tiệc chỉ tàn khi
trả chỗ - xuống site (chết queo!).
Lúc site còn đang hoạt động, chủ nhân vừa là chủ (giao tiếp với khách), vừa là
bếp trưởng và "bồi" (tất bật đi chợ, nấu nướng, bưng bê). Cái bập bênh hai đầu
này làm mệt đứ đừ chủ nhân. Trừ khi chủ nhân thật kiên trì với mục đích đề ra
ban đầu, hay được sự góp sức hỗ trợ của một nhóm nào đó thì site mới tồn tại,
có tuổi thọ đáng kể. Theo thống kê, số site mới ra đời cũng nhiều không kém số
site chết thực sự (xóa vật lý) hay chết chưa chôn (không cập nhật thông tin). Ở
Việt Nam mình, có khi đó là site của một đơn vị hành chánh nhà nước, một
trường – thậm chí một trường đại học – và khá nhiều doanh nghiệp. Không tin,
bạn cứ vào site www.vietnamwebsite.net và www.vnnic.net tìm xem danh sách
các site rồi gõ cửa từng địa chỉ một. Cả một rừng buffet-khẩn-hoang đấy bạn!
Do đó, mong bạn cân nhắc thật kỹ, chuẩn bị "bếp núc" thật kỹ trước khi phát
thiệp mời tôi vào tiệc với buffet trên site của bạn.
(Theo NV Group)