Part-time job - Công việc hiện tại, cơ hội tương lai
Cập nhật lúc 14h51" , ngày 21/12/2005
Một chàng trai người Úc 20 tuổi đến VN thăm bạn,
thấy bạn mình - cũng 20 tuổi - xin mẹ 30.000đ đổ
xăng, lấy làm ngạc nhiên. Bởi vì ở chỗ cậu ta,
những khoản thế này thì thường phải tự giải quyết.
Bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể kiếm một công việc làm thêm ngắn hoặc dài hạn ngay khi bạn còn
là học sinh chứ chưa nói là sinh viên. Ngay cả khoản tiền đi du lịch sang VN lần đó, cậu ta cũng đã
tiết kiệm qua vài kỳ làm thêm.
Những công dân thời bao cấp
Câu chuyện này, tôi nghe lúc chuẩn bị bước vào đại học và cũng chưa từng kiếm ra đồng nào
trong đời, đã tặc lưỡi sao mà "bọn nó "khổ thế. Còn chúng ta, nào phải chỉ có tiền xăng. Còn hàng
loạt những khoản chi phí khác, không ít sinh viên của ta được bao cấp 100% từ phụ huynh. Và
trong suốt những năm ngồi trên giảng đường chưa từng biết tới một công việc làm thêm nào. Bạn
bè gọi đùa họ là "vô sản chân chính".
T.N- sinh viên báo chí năm cuối nhún vai nói rằng đến giờ cô vẫn chưa kiếm được đồng nào vìba
năm học trước chỉ viết có vài bài báo thì tất cả đều không được đăng. Thế có làm gia sư không?
Cũng đã từng thử. Nhưng vớ phải thằng bé lười quá nên chán, bỏ dạy từ buổi thứ ba. Mất hứng
với nghề gia sư luôn. Thế có làm thêm gì khác không? "Còn làm gì được, đi dán quảng cáo hay
bưng bê? Bố mẹ cấm. Bảo nuôi cho ăn học đến từng này không phải để cho cô đi làm những việc
vớ vẩn như thế. Thôi, các cụ đã chả cần, mình lại vơ vào người làm gì. Vài đồng bạc".
Vâng, chỉ là vài đồng bạc. Quả thật, nếu nhìn nhận ý nghĩa của công việc làm thêm chỉ ở mức độ
vài đồng bạc thì đúng là với một số người nó hoàn toàn không cần thiết.
Đi làm thêm = Hoàn cảnh khó khăn
Suy ra có khó khăn mới đi làm thêm hoặc đi làm thêm thì tức là hoàn cảnh khó khăn. Quan niệm
này đặc biệt được áp dụng cho tân sinh viên. Một sinh viên năm nhất sau khi đã thám thính từ
giảng đường đến thư viện liền lò dò xuất hiện ở một Trung tâm giới thiệu việc làm thì dứt khoát là
hoàn cảnh gia đình có vấn đề.
Q.H (ĐH KTQD) kể: "Năm đầu tiên, tôi có làm thêm tại một quán bar. Một hôm, tình cờ gặp mấy vị
cán sự lớp trong quán, thế là ngồi hàn huyên với nhau một lúc. Tôi hào hứng kể về sự vất vả
khủng khiếp những hôm quán đông khách. Chỉ có vậy. Và kết quả là một tháng sau tôi được nhận
một học bổng dành cho sinh viên vượt khó. Vẫn biết là học có vài tháng nhầm lẫn là chuyện
thường, nhưng ..."
Chính vì quan niệm đó mà SV ta chỉ coi công việc làm thêm như một biện pháp tình thế giải quyết
chi tiêu. Trong khivới SV phương Tây, công việc làm thêm là một cơ hội để khẳng định sự độc lập
- đặc biệt là độc lập tài chính. Do đó họ làm thêm từ rất sớm và không mấy phụ thuộc vào việc cha
mẹ kiếm ra bao nhiêu tiền.
Theo một nghiên cứu của INSEE (Viện nghiên cứu thống kê Pháp), thanh niên Pháp trước tuổi 25
thu nhập hàng năm trung bình khoảng 1000 euro (từ làm thêm) và sau đó thì tăng cho đến 11.000
euro. Công việc rất đa dạng: cứ 100 người đi làm thêm thì 30 làm trong ngành công nghiệp; 47
làm thuê trong ngành thương mại, khách sạn, nhà hàng hay dịch vụ tại gia và 19 hoạt động trong
khối dịch vụ cộng đồng hay giáo dục. Những lý do họ quyết định đi làm thêm là do tuổi tác và
mong muốn được độc lập, chứ không phải là do môi trường xã hội hay mức thu nhập cha mẹ.
Với chúng ta có vẻ như là ngược lại.
Sinh viên khi ra trường luôn phải chú thích về những công việc làm thêm trong đơn xin việc bởi
các nhà tuyển dụng rất chú ý đến chi tiết ấy. Họ coi đó là một tiêu chí đánh giá nhiều phẩm chất
quan trọng của sinh viên như: khả năng độc lập trong công việc cũng như cuộc sống, sự tháo vát
nhanh nhạy, khả năng quản lý tài chính (dễ hiểu là sinh viên sẽ quản lý đồng tiền do mình làm ra
có kế hoạch hơn nhiều so với tiền do phụ huynh chu cấp).
Khi khuyên con mình không nên đi làm thêm, hẳn nhiều bậc phụ huynh lo ngại công việc chính của
sv là học tập có thể bị ảnh hưởng. Khi đó họ đã giới hạn chữ học này chỉ trong phạm vi của giảng
đường và thư viện mà quên mất rằng có không ít thứ phải học từ cuộc sống. 18 tuổi không phải là
quá sớm để làm việc đó. Và làm thêm là một trong những cách thức không tồi để bắc một nhịp cầu
từ thư viện và giảng đường đến với cuộc sống.
Nhiều sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của công việc nhưng vẫn ngồi nhà vì lý do: không tìm được
việc làm thêm gắn với chuyên ngành học.
H. (ĐH KHXH&NV) nói từ năm 2 cô đã tìm kiếm một chân cộng tác viên trong một tờ báo điện tử.
Nhưng vì nhiều lý do, đến giờ cô vẫn chưa tìm được. Và cô từ chối mọi hình thức làm thêm khác
vì "tiếp thị hay gia sư thì giúp ích gì cho công việc sau này của tôi?".
Lại một điểm khác biệt nữa trong cách nhìn nhận giữa sinh viên ta và phương Tây. Nghiên cứu
của Viện nghiên cứu và thống kê Pháp INSEE đã chỉ ra rằng phần lớn những việc làm thêm của
thanh niên nước họ không có mối quan hệ trực tiếp đến ngành học hay đào tạo nghề hiện thời. Họ
chấp nhận những hình thức công việc đa dạng và mong muốn thông qua đó thu lượm được kinh
nghiệm sống phong phú.
Quả thật, có được một công việc gắn liền với ngành học thì rất có ích khi ra trường. Nhưng nếu
chỉ lựa chọn hoặc làm công việc loại đó hoặc không làm gì cả thì chẳng phải bạn đang tự thu hẹp
những cơ hội của mình hay sao?
Hãy tìm kiếm một"part-time job" ngay từ bây giờ và biến nó thành cơ hội của chính bạn -cơ hội cho
tương lai. Không khó với tất cả chúng ta.
(theo Sinh viên Việt Nam)