Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

BAO MƠ ƯỚC TRỞ VỀ TRÊN ĐÔI CÁNH MÙA XUÂN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (59.81 KB, 2 trang )

BAO MƠ ƯỚC TRỞ VỀ TRÊN ĐÔI CÁNH MÙA
XUÂN...
1. "Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,/Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu./Thế là
xuân. Tôi không hỏi chi nhiều./Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng." Với thi nhân Xuân
Diệu "Xuân không mùa" trong tâm thức nhà thơ lúc nào cũng tươi non, háo hức, tha thiết,
luyến lưu, rạo rực; cái nhìn của cái tôi trữ tình say mê với thiên nhiên, với cuộc đời "Một
sớm tim bỗng dịu dàng đồng vọng.../Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,/Thế là xuân. Hà
tất đủ chim, hoa?/Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,/Tình không tuổi, và xuân không ngày
tháng". Yêu xuân, cảm xuân như kiểu Xuân Diệu quả là hiếm, vừa mạnh bạo vừa cách tân,
vừa mang cá tính của nhà thơ vừa thể hiện tâm trạng mới của những nhà thơ mới. Xưa,
Nguyễn Trãi cũng từng có những câu thơ xuân thấm đẫm chất trữ tình "Hoa xoan mưa nhẹ
nở đầy sân", Nguyễn Du cũng để lại cho đời những câu thơ xuân đậm chất miêu tả "Cỏ
non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Với thi nhân cổ điển, mùa
xuân được miêu tả với những gì tinh tế nhất từ thiên nhiên, cảnh vật; với những nhà Thơ
mới thì cái nhìn về mưa xuân, tiết xuân, cảnh xuân được thể hiện qua cái nhìn tâm trạng,
qua cách cảm nhận mang đậm dấu ấn của cái tôi thi nhân. Kiểu như Xuân Diệu thì "Tình
không tuổi và xuân không ngày tháng", miễn lòng ta lai láng tình xuân.
Với thi nhân Hàn Mặc Tử cảnh xuân, sắc xuân được nhìn từ xa đến gần, từ thiên nhiên đến
con người, trong cái nhìn tâm thức có cả màu sắc, đường nét, hình khối và âm thanh
"Trong làn nắng ửng khói mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo
biếc/Trên giàn thiên lý bóng xuân sang". "Mùa xuân chín" trong cái nhìn của nhà thơ Hàn
Mặc Tử bắt đầu từ những gì tinh khôi nhất đến những dự cảm xa xôi nhất, từ "Bao cô thôn
nữ hát trên đồi" mà đã hình dung "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ
cuộc chơi", nghĩa là cái cảm giác bồi hồi trong hiện tại dự cảm cho tương lai luôn ám ảnh
các thi nhân Thơ mới. Ngay như khi Xuân Diệu khẳng định "xuân không ngày tháng" thì
cũng có nghĩa là cố trấn an mình trước bước đi âm thầm và quyết liệt của thời gian.
"Đã thấy xuân về với gió đông/Với trên màu má gái chưa chồng/bên hiên hàng xóm cô
hàng xóm/Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong". Thi nhân tương tư Nguyễn Bính cảm xuân
bắt đầu từ gió đông, từ em, từ cô láng giềng, nghĩa là từ cái tâm thức đang tương tư, đang
ngóng chờ, đang mong đợi... mong đợi từ màu má gái chưa chồng, từ đôi mắt trong của cô
hàng xóm và với cái nhìn đó thì xuân về trong háo hức, trong đợi chờ, "Bữa ấy mưa xuân


phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/Mẹ bảo:
"Thôn Đoài hát tối nay". Nhưng rồi, bằng hy vọng và ảo vọng, nhà thơ không chỉ thấy
xuân đến mà còn tưởng tượng ra cảnh xuân đi - nghĩa là tươi vui, háo hức chưa tròn đã
thấy thất vọng và buồn "Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/Hoa xoan đã nát dưới chân giày/Hội
chèo làng Đặng về qua ngõ/Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày".
Nhà thơ Chế Lan Viên không còn tâm trạng để tả xuân, cảm xuân như Xuân Diệu, Hàn
Mặc Tử, Nguyễn Bính mà dường như thảng thốt trước cảnh xuân "Tôi có chờ đâu, có đợi
đâu/Đem chi xuân lại gợi thêm sầu". Không chỉ thảng thốt mà nhà thơ muốn níu kéo nỗi
buồn từ mùa thu trước, muốn bằng cái tôi chủ quan của mình cản xuân "Ai đâu trở lại mùa
thu trước/Nhặt lấy cho tôi những lá vàng.../Về đây đem chắn nẻo xuân sang". Càng quyết
liệt níu giữ quá khứ đã tàn tạ, phôi phai, người đọc càng nhận ra nỗi khao khát đến tuyệt
vọng của nhà thơ trước những gì đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng trong mùa xuân. Âu đó
cũng là quy luật của tâm trạng con người. Những gì càng khao khát, càng khó níu giữ thì
càng cố rũ bỏ, cố xa lánh và càng cố thì càng nhận ra nỗi buồn sâu thẳm, nỗi cô đơn sâu
thẳm của lòng mình.
2. Thơ mới đã đi qua gần một thế kỷ, những bài thơ xuân vẫn mới như ngày nào, rồi từ lúc
nào không rõ trong tâm thức người Việt mùa xuân tràn đầy ước hẹn trong những vần thơ
của những nhà thơ đương đại "Khi gió đồng thơm ngát/Hương lúa chín ngọt ngào/Rợp trời
chim én liệng/Cho lòng anh nôn nao". Không gian xuân trong Mùa chim én bay của nhà
thơ Diệp Minh Tuyền rộn ràng, tươi tắn, xao động, bởi cái nhìn của thi nhân không giới
hạn trong cái tôi riêng tư, cái tôi đầy tâm trạng mà vỡ oà trong niềm hân hoan đón chờ mùa
xuân. Cũng từ cách cảm nhận đó mà đối tượng trữ tình là em cũng không bắt đầu trong ánh
mắt của anh mà từ tư thế chủ động của em, từ cái nhìn đắm say của em "Em chợt đến bên
anh/Dịu dàng như cơn gió/Và lòng anh để ngỏ/Cho tình em mơn man".
Nhà thơ Hữu Thỉnh "Trở lại mùa xuân" là để tìm về "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy..."
"Anh lại đến tìm em qua chiếc dây rất mảnh/Sương sớm lo âu gió muộn bồn chồn/Sau vết
bỏng chiếc hôn đầu ngày ấy/Ở cuối vườn có một nụ tầm xuân". Không miêu tả mùa xuân
từ màu sắc, đường nét, âm thanh mà vẫn ngọt ngào, tinh tế, vẫn rạo rực, thiết tha, bởi "nụ
tầm xuân" ở cuối vườn đủ sức gợi cho người đọc những gì tinh tế nhất trong tâm hồn mình
trước mùa xuân. Âu đó cũng là cách viết hiện đại của những nhà thơ đương đại và cũng là

cách đọc của bạn đọc hôm nay. "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng rồi anh tiếc
lắm thay...", câu ca dao thuở nào đã thấm sâu trong tâm hồn nhà thơ Hữu Thỉnh để nhà thơ
viết ra những câu thơ giàu sức gợi, sức nghĩ, sức suy tư như thế.
Với nhà thơ Bình Nguyên Trang thì "Bao mơ ước trở về trên đôi cánh mùa xuân", bởi cái
nhìn bộn bề chất văn xuôi của cuộc sống nhộn nhịp thời mở cửa. Mùa xuân trong cái nhìn
của nhà thơ từ cánh đào trước ngõ, từ mẹ dường như trẻ lại, từ em quàng chiếc khăn bắt
đầu ngày đi học, từ con mèo lười thức dậy sau mùa đông, đến tiếng cười trong nhà, và nồi
bánh đang reo... Nhà thơ nhận ra những đổi thay của con người, cảnh vật trước mùa xuân.
Con người, cảnh vật trong thơ xuân Bình Nguyên Trang gần gũi, thân quen, giản dị...
Cái tôi thi nhân trong thơ xuân đương đại không nhuốm nỗi buồn bởi hy vọng rồi ảo vọng,
thảng thốt trước bước đi quyết liệt của thời gian như những nhà Thơ mới; mà mang nỗi
háo hức trong niềm vui cộng hưởng với đất trời, với con người. Bởi thế, sự xa cách trong
ngày xuân chỉ làm tăng thêm nỗi nhớ, niềm yêu và sự hăm hở trong chờ đợi cùng đất trời
giao duyên "Một tiếng còi tàu thắp lửa trong đêm/Không biết tàu vào ga hay tàu xa thành
phố/Anh chỉ biết mùa hoa đào đã nở/Những cánh xuân thánh thiện bước lên thềm... Em
gần thế mà đường ray dài quá/Tàu lại đi dằng dặc dưới hoa đào", và tin tưởng "Đúng giao
thừa anh sẽ tới ga em". Anh tin rằng "Đúng giao thừa anh sẽ tới ga em" bởi tình yêu trong
anh đang đồng hành cùng mùa xuân của đất trời hoan hỉ "Chỉ nhìn thôi, nào phải nói gì
đâu/Đủ xao xuyến cả một trời chim én/Tìm sẽ thấy tình yêu dù không cần ước hẹn/Anh
ngàn lần chớp mắt trước Mùa Xuân" (Xuân ước hẹn - Hoàng Nhuận Cầm).

×