MỘT SỐ Ý KIẾN HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KẾ TOÁN TẬP HỢP CHI
PHÍ VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM Ở CÔNG TY T.M.T
I. NHẬN XÉT VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN NÓI CHUNG VÀ CÔNG TÁC
KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH NÓI RIÊNG
1. Đánh giá chung về tình hình quản lý sản xuất kinh doanh ở Công ty
T.M.T
Qua quá trình tìm hiểu thực tế về công tác tổ chức quản lý sản xuất, công tác
kế toán nói chung và công tác kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm nói
riêng ở Công ty T.M.T, em nhận thấy để có được quy mô sản xuất như hiện nay là
cả một quá trình phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ công nhân viên và ban
giám đốc. Công ty T.M.T là một doanh nghiệp Nhà nước đã có truyền thống gần 30
năm, đó không phải là một thời gian ngắn, các sản phẩm của công ty đã tạo được
chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Toàn bộ tài sản của công ty luôn được đổi
mới, máy móc trang thiết bị của dây truyền lắp ráp phần lớn là nhập ngoại, tạo điều
kiện tốt cho người lao động. Do vậy doanh thu hàng năm đều tăng cao so với kế
hoạch.
Tất cả các thành quả đó của công ty phải kể đến công sức của đội ngũ cán bộ
công nhân viên nhiệt tình hăng say với công việc và cán bộ quản lý đã có tư duy
đổi mới, có những quyết định sáng suốt.
Phòng kế toán được tổ chức tập trung, khoa học, hợp lý, phù hợp với yêu
cầu quản lý của công ty, kế toán trưởng có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể
cho các nhân viên trong phòng, có đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo rất cơ bản, nhiệt
tình trong công việc. Tuy công việc nhiều nhưng phòng kế toán đã áp dụng máy vi
tính trong công tác kế toán do vậy công tác kế toán đã được gọn nhẹ và chính xác.
2. Nhận xét về công tác kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm
ở Công ty T.M.T
a. Ưu điểm
Là một công ty có quy mô tương đối lớn, qua một thời gian dài công tác kế
toán của công ty đã có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, nhìn chung đã đáp ứng
được yêu cầu quản lý sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò giám đốc bằng tiền đối
với hoạt động diễn ra ở doanh nghiệp. Trong quá trình tồn tại và phát triển, công
tác kế toán của công ty luôn cố gắng thực hiện tốt theo đúng quy định, đúng chế độ
kế toán, chuẩn mực đã ban hành, áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, làm cho
công tác kế toán gọn nhẹ nhưng vẫn hiệu quả, khoa học, hợp lý. Những ưu điểm
nổi bật đáng chú ý:
* Phương pháp kế toán hàng tồn kho và phương pháp tính giá vật tư xuất
dùng: Hiện nay công ty áp dụng kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai
thường xuyên. Công ty áp dụng phương pháp này là hoàn toàn khoa học và hợp lý.
Phương pháp này giúp cho việc cung cấp thông tin về vật tư nhập kho, vật tư xuất
dùng cũng như vật tư tồn kho được dùng thường xuyên kịp thời.
Phương pháp mà kế toán Công ty sử dụng để tính giá vật tư xuất dùng là
phương pháp đích danh, phương pháp này có ưu điểm chính xác và dễ tính toán.
* Về đối tượng tập hợp chi phí và tính giá thành: Xuất phát từ đặc điểm sản
xuất, đặc điểm quy trình công nghệ, công ty đã lựa chọn đối tượng tập hợp chi phí
và đối tượng tính giá thành một cách khoa học hợp lý, điều này đã tạo điều kiện
thuận lợi cho công tác kiểm tra chi phí sản xuất một cách khoa học, đúng đắn kịp
thời, phát hiện nguyên nhân gây lãng phí, từ đó đề ra biện pháp tích cực, cung cấp
thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp để xây dựng các định mức tiêu hao, các kế
hoạch sản xuất cho kỳ tới.
* Về tổ chức bộ máy kế toán: Nhận thức được tập quan trọng của việc tiết
kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nhất là trong cơ chế thị trường Công
ty đã tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý sản xuất trước tiên là quản lý chi
phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Đội ngũ cán bộ kế toán của công ty đã đáp ứng
yêu cầu của công việc. Việc phân công trách nhiệm giữa kế toán trưởng và kế toán
tổng hợp thể hiện sự chuyên môn hoá cao trong công việc. Nhân viên kế toán trong
công ty có trình độ, có kiến thức nghề nghiệp cao, làm cho công tác kế toán có hiệu
quả hơn.
b. Nhược điểm:
* Phương pháp tính lương của nhân công trực tiếp: Lương công nhân nên
phân ra bậc lương, không nên để mặt bằng chung là 500.000/tháng, điều này dễ
dẫn đến việc tính lương không được công bằng. Ngoài ra khoản ăn ca của công
nhân trực tiếp sản xuất không được hạch toán trên TK622 mà lại hạch toán vào
TK627. Chi phí sản xuất chung, việc này có ảnh hưởng đến tâm lý của người lao
động, nếu lương chính của công nhân trực tiếp sản xuất có cộng luôn cả ăn ca thì
khi nhìn vào bảng thanh toán lương người lao động sẽ thấy yên tâm hơn về thu
nhập của mình.
* Chi phí thuê ngoài lắp ráp không tính vào chi phí nhân công trực tiếp:
Khoản chi phí thuê ngoài lắp ráp nên được hạch toán vào TK622, tuy nhiên chỉ nên
coi như một khoản thu nhập của công nhân hợp đồng ngoài biên chế, không phải
trừ các khoản BHXH, BHYT, KPCĐ. Cuối tháng kết chuyển sang TK154 để tính
giá thành chỉ cần ba tài khoản là 621, 622, 627.
* Kỳ tính giá thành không hợp lý: Kỳ tính giá thành của Công ty là năm
nghĩa là kết thúc một năm công ty mới tiến hành tập hợp các khoản chi phí thực tế
phát triển để tính giá thành các sản phẩm sản xuất trong năm. Điều này là không
hợp lý vì khi kết thúc một hợp đồng (hoàn thành một lô hàng giao cho khách hàng)
thì giá bán và doanh thu bán hàng vẫn dùng hạch toán, như vậy lợi nhuận bán
hàng, giá vốn hàng bán được tính toán không chính xác.
II. MỘT SỐ Ý KIẾN HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ GIÁ
THÀNH SẢN PHẨM
Qua thời gian nghiên cứu tìm hiểu tình hình thực tế công tác kế toán chi phí
sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty T.M.T, em nhận thấy về cơ bản
công tác kế toán đã đảm bảo yêu cầu của quản trị doanh nghiệp, đúng chế độ kế
toán hiện hành. Tuy nhiên công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản
phẩm vẫn còn một số hạn chế, nếu được khắc phục sẽ giúp cho công tác kế toán
nói chung và công tác kế toán chi phí giá thành nói riêng hoàn thiện hơn, góp phần
thúc đẩy công ty ngày càng phát triển hơn.
Dưới góc độ là một sinh viên thực tập tại Công ty, em xin mạnh dạn nêu ý
kiến của mình về phương hướng nhằm khắc phục những tồn tại để hoàn thiện hơn
công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty.
* Ý kiến 1: Về cách tính lương của công nhân trực tiếp sản xuất
Không nên áp dụng phương pháp tính lương thời gian cho công nhân trực
tiếp sản xuất. Nên áp dụng phương pháp tính lương theo sản phẩm, theo cách tính
này công nhân sẽ phát huy hết được khả năng của mình, làm theo năng lực hưởng
theo lao động. Cần phân ra mức lương cho từng chi tiết lắp ráp, cuối tháng công
nhân hoàn thành được bao nhiêu chi tiết sẽ nhân với mức lương của chi tiết đó để
tính lương trong tháng của công nhân.
Ví dụ: Quy định cho công nhân lắp bánh xe máy, nếu lắp hoàn chỉnh một
chiếc xe bánh đạt tiêu chuẩn sẽ nhận được 1.500đ. Trong tháng nếu công nhân lắp
được 300 chiếc bánh hoàn chỉnh sẽ nhận được số lương là: 1.500 x 300 =
450.000đ. Ngoài ra khoản ăn ca cũng chiếm một phần rất lớn trong tổng thu nhập
của người lao động, do vậy nên gộp khoản này vào lương chính làm cho tiền lương
chính của công nhân tăng lên, điều này sẽ khuyến khích người lao động.
* Ý kiến 2: Chi phí thuê ngoài lắp ráp xe nên đưa vào chi phí nhân công
trực tiếp. Khoản chi phí này chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản phẩm của
công ty, vả lại đây là khoản chi phí thường xuyên trực tiếp liên quan đến việc lắp
ráp xe máy, không nên hạch toán vào TK627 khoản chi phí này. Nếu đưa khoản
này vào chi phí nhân công trực tiếp này thì đây sẽ là một khoản chi phí cố định
phục vụ cho việc lắp ráp xe máy và tính giá thành sản phẩm.
* Ý kiến 3: Nên chọn kỳ tính giá thành là thời điểm kết thúc chu kỳ sản
xuất (tức là lúc đơn đặt hàng đã hoàn thành, sản phẩm đã giao cho khách hàng):
Theo phương pháp này thì mọi chi phí sản xuất phát sinh trong quá trình sản xuất
thực hiện đơn đặt hàng sẽ được tập hợp để tính giá thành cho đơn đặt hàng đó. Khi
kết thúc đơn đặt hàng các khoản chi phí thực tế phát sinh được tập hợp để tính giá
thành chính xác, do vậy doanh thu bán hàng, lợi nhuận sẽ được tính toán chính xác.