LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Võ Hồng Phúc
Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Cập nhật: 30/12/2007)
Lao động và việc làm vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề xã hội nhân văn và chính trị. Văn kiện Đại hội X của
Đảng đã nêu rõ: Giải quyết việc làm là yếu tố quyết định để phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển
kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và yêu cầu bức xúc của nhân dân...
Nỗ lực đem lại những thành tựu to lớn
Qua 7 năm 2001 - 2007, cả nước đã tạo việc làm cho 10,85 triệu lao động, giai đoạn 2001 - 2005 là 7,5 triệu lao động (tăng
25% so với giai đoạn 1996- 2000); riêng năm 2006 là 1,65 triệu lao động và năm 2007 ước tính 1,68 triệu lao động. Trong
đó, tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là hơn 8 triệu lao động, tạo việc làm thông qua Quỹ
quốc gia về việc làm là 2,37 triệu lao động, xuất khẩu lao động theo hợp đồng 456 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành
thị giảm dần: năm 2001 là 6,28% đến năm 2006 còn 5,1%.
Cơ cấu lao động đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực: Năm 2001: nông lâm ngư nghiệp: 62,7%; công nghiệp -
xây dựng: 14,5%; thương mại - dịch vụ: 22,8%; năm 2006: nông lâm ngư nghiệp: 55,7%; công nghiệp - xây dựng: 19,1%;
thương mại - dịch vụ: 25,2%.
Chất lượng lao động được nâng lên, thể hiện qua số lượng lao động đã qua đào tạo và đào tạo nghề. Trình độ học vấn
phổ thông của lao động trong độ tuổi ngày càng được nâng cao. Đến năm 2006, khoảng 26,85% lao động từ 15 tuổi trở lên
tốt nghiệp trung học cơ sở và 23,46% tốt nghiệp trung học phổ thông. Lao động qua đào tạo nghề tăng, giai đoạn 2001 -
2006 dạy nghề cho 6,6 triệu người (tăng bình quân 6,5%/năm), trong đó dạy nghề dài hạn cho 1,14 triệu người (tăng bình
quân 15%/năm); lực lượng lao động xã hội qua đào tạo năm 2006 đạt 31,5%, trong đó, có 20% qua đào tạo nghề (năm
2001 là 13,4%), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế; góp phần tạo cơ hội việc làm cho người lao động, thúc đẩy quá
trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cơ hội và thách thức đang đặt ra gay gắt
Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương
mại thế giới (WTO). Hội nhập sẽ làm tăng các cơ hội việc làm, sẽ xuất hiện những nghề mới, ở các lĩnh vực, khu vực mới.
Việc hội nhập và chuyển sang kinh tế thị trường sẽ kích thích sự di chuyển của lao động giữa các vùng và giữa các doanh
nghiệp. Cơ cấu kinh tế thay đổi cũng đòi hỏi cơ cấu lao động phải có sự điều chỉnh. Tuổi thọ của việc làm có thể sẽ ngắn
đi. Khái niệm làm việc suốt đời đối với một công việc, trong cùng một doanh nghiệp sẽ ít dần đi. Đồng thời, sẽ xảy ra tình
trạng mất việc làm ở một số lĩnh vực khác, khu vực khác. Khu vực nông thôn cũng chịu tác động nhiều chiều, có thể tiếp
cận được các thị trường nông sản mới, có thể các doanh nghiệp phi nông nghiệp ở nông thôn phát triển làm tăng cơ hội
việc làm; nhưng quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ sẽ làm một bộ phận nông dân mất đất sản xuất, dẫn đến
mất việc làm.
Thị trường lao động ngoài nước cũng được mở rộng, lao động Việt Nam có cơ hội tham gia tích cực vào quá trình phân
công lao động quốc tế, có cơ hội tiếp cận với khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tiếp cận những tri thức và công nghệ
mới. Mặc dù cơ hội mở ra trước mắt như vậy, nhưng với tình trạng chất lượng lao động ở nước ta hiện nay, khó đáp ứng
được yêu cầu của phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Lực lượng lao động ở nước ta tuy có số lượng lớn (năm 2006 là 45,6 triệu lao động), song chất lượng lao động còn thấp.
Phần lớn lao động Việt Nam (gần 70%) chưa qua đào tạo, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp hơn, chỉ chiếm
khoảng 20%. Tính đến năm 2005, số người có trình độ đại học và cao đẳng trở lên là 2,4 triệu người, chiếm 5,5% tổng số
lực lượng lao động, nhưng chất lượng còn thấp kém.
Cả nước có 6,5 triệu công nhân kỹ thuật, trong đó 4,7 triệu người không có bằng, 1,6 triệu có chứng chỉ, bằng nghề và 430
ngàn người có trình độ sơ cấp. Hiện nay còn thiếu nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề, trước hết là trong các ngành trọng
điểm (cơ khí, điện tử - kỹ thuật điện, hóa chất,...) và ở các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế mới thành lập.
Một bộ phận đáng kể là lao động trẻ chưa được đào tạo về nghề hoặc nếu được đào tạo thì còn hạn chế về kiến thức và
kỹ năng nghề nghiệp. Có đến trên 78% thanh niên ở nhóm tuổi 20 - 24 chưa được chuẩn bị về nghề khi tham gia thị trường
lao động. Năm 2005, tỷ lệ học sinh tham gia đào tạo nghề nghiệp các loại so với tổng số thanh niên thuộc nhóm tuổi này
chỉ khoảng 20% - 25%, kể cả dạy nghề ngắn hạn, trong khi tỷ lệ này của các nước phát triển tới 80% - 90% .Lao động trình
độ cao thiếu nhiều, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật.
Quy mô đào tạo cấp bậc trình độ cao đẳng, đại học tăng quá nhanh (tăng bình quân 9,35%/năm thời kỳ 2001 - 2005) và
không tương ứng với điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình, phương pháp giảng dạy,... nên không đạt yêu
cầu về chất lượng. Trong khi đó, quy mô dạy nghề lại tăng chậm nên cơ cấu đào tạo theo cấp bậc càng trở nên bất hợp lý.
Cơ cấu đào tạo theo ngành nghề cũng bất hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế. Đào tạo các ngành kỹ thuật - công
nghệ, nông - lâm - ngư chiếm tỷ trọng thấp. Tỷ trọng các ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ,... lại quá cao. Vì vậy, cùng
với cơ cấu ngành nghề đào tạo không phù hợp và chất lượng thấp, hiện nay Việt Nam đang thiếu nhiều kỹ sư, chỉ có 1,32
kỹ sư trên 1.000 dân (tỷ lệ này của Anh là 136, của Thụy Điển là 115 và của Nhật Bản là 100).
Lao động dịch vụ cao cấp các ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, bán hàng... và lao động quản lý cũng đang rơi vào tình
trạng thiếu nghiêm trọng, nhiều nghề và công việc phải thuê lao động nước ngoài.
Những năm gần đây, tuy số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tăng nhanh, song phần lớn vẫn là
lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu kiến thức xã hội và luật pháp ở nước sở tại,
tác phong làm việc kém, yếu về ngoại ngữ và khả năng giao tiếp.
Xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động. Lao động nông - lâm - ngư nghiệp hiện nay
chiếm tỷ trọng rất lớn (55,7%), song lại chỉ tạo ra 20,36% GDP. Tỷ trọng lao động các ngành công nghiệp xây dựng và dịch
vụ tăng, sẽ giảm dần tỷ trọng lao động trong ngành nông - lâm- ngư nghiệp. Khó khăn đặt ra là làm thế nào để đáp ứng
được yêu cầu về trình độ lao động trong các ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ.
Không chỉ có chuyển dịch lao động mà trong thị trường lao động liên thông, không có các rào cản về hành chính, việc dịch
chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn tất yếu diễn ra. Tập trung quá nhiều lao
động tại khu vực đô thị, các khu công nghiệp tập trung sẽ tạo áp lực về cơ sở hạ tầng, nơi ăn, chốn ở, điều kiện sinh hoạt,
giáo dục và các dịch vụ văn hóa xã hội. Di dân mạnh mẽ trong khi chất lượng lao động thấp không đáp ứng được yêu cầu
của các doanh nghiệp ở thành thị sẽ khiến cho các đô thị thừa quá nhiều lao động. Một bộ phận lớn lao động trẻ, khỏe, có
trình độ rút khỏi khu vực nông thôn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, để
lại nhiều hệ quả về mặt xã hội, cũng như kéo xa hơn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Cơ chế thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế thỏa thuận 2
bên, 3 bên ở cấp ngành, đại diện người sử dụng lao động ở doanh nghiệp chưa có, còn vai trò đại diện người lao động
(công đoàn) ở doanh nghiệp thì rất yếu. Giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong thực tế còn mang tính hành chính,
từ trên xuống và từ bên ngoài vào doanh nghiệp, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Mặc dù hệ thống thông tin và giao dịch trên thị trường lao động đã hình thành, song hoạt động còn mang tính tự phát,
phạm vi hoạt động chưa bao quát hết thị trường lao động theo lãnh thổ, cơ cấu lao động,... nên số người được tư vấn, giới
thiệu việc làm và có việc làm ổn định vẫn chưa nhiều so với số người có nhu cầu tìm việc (chỉ đáp ứng được khoảng 15-
20% nhu cầu).
Những giải pháp quantrọng
Thứ nhất, giải pháp quan trọng nhất và mang tính quyết định, nhất là nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua công
tác đào tạo và dạy nghề. Chất lượng lao động đề cập ở đây bao gồm cả trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ
năng làm việc, văn hóa ứng xử, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật.
Trước hết là phát triển mạnh hệ thống dạy nghề theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng trên cơ sở đa dạng
hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa các cơ sở dạy nghề, ngành nghề đào tạo, trình độ và phương thức đào tạo, bảo đảm cơ
cấu ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp. Phát triển dạy nghề trong doanh nghiệp và gắn với doanh nghiệp là chủ yếu;
thực hiện liên kết với các trường dạy nghề để kiểm tra, đánh giá và cấp bằng chứng chỉ học nghề trong các doanh nghiệp.
Thiết lập hệ thống kết nối giữa hướng nghiệp - dạy nghề - tư vấn, giới thiệu việc làm - doanh nghiệp, thu hút, tạo điều kiện
cho nước ngoài đầu tư các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần ban hành và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích học nghề, đặc biệt là đối với người nghèo, dân
tộc thiểu số và người tàn tật. Khuyến khích doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia dạy nghề, có chính sách ưu đãi đối
với nghệ nhân truyền nghề.
Thứ hai, hoàn thiện và phát triển hệ thống giao dịch thị trường lao động. Trong thị trường lao động, để cung - cầu lao động
gặp nhau nhanh chóng, cần có các tổ chức giới thiệu việc làm, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người lao động, giảm
thiểu chỗ làm việc trống và người thất nghiệp. Tập trung đầu tư và hoàn thiện 3 trung tâm giới thiệu việc làm ở 3 vùng kinh
tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực; đồng thời, quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở
giới thiệu việc làm ở địa phương, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện giao dịch lành mạnh và hiệu quả.
Thứ ba, huy động nguồn lực để phát triển mạnh các vùng, ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, phát triển
doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế trang trại, hợp tác xã, đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế biến
nông sản, khôi phục và phát triển các làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ sản xuất sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất
khẩu; tăng đầu tư vào nông thôn, miền núi nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động thông qua các chính
sách trợ giúp, tín dụng tạo điều kiện cho người lao động phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng lao động phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt
Nam và thông lệ quốc tế tạo điều kiện cho lao động nước ta hội nhập với thị trường lao động quốc tế, bảo đảm quyền lợi
hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, để góp phần làm lành mạnh môi trường đầu tư.
Thứ năm, chuyển sang cơ chế thị trường tất yếu có nhiều rủi ro xảy ra đối với người lao động, nhất là các nhóm đối tượng
dễ bị tổn thương. Do vậy, bên cạnh việc triển khai thật tốt các quy định về bảo hiểm xã hội đã có, cần phải gắn các chế độ
trợ cấp của bảo hiểm thất nghiệp với các hoạt động đào tạo lại, tư vấn và giới thiệu việc làm, hỗ trợ tích cực người mất
việc trở lại làm việc, giúp cho người lao động có được việc làm và thu nhập ổn định.
Gửi