Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Vua dầu mỏ Rockefeller

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (65.07 KB, 3 trang )

Vua dầu mỏ Rockefeller
Lịch sử nước Mỹ từng có một nhà công nghiệp vừa được kính nể và khâm phục bởi tài làm giàu
nhanh chóng nhưng cũng vừa bị khiếp sợ bởi những tham vọng khôn cùng. Ðó chính là vua dầu
lửa John Davidson Rockefeller, người được mệnh danh là người giàu nhất trong những người
giàu nhất.
Trung tâm Thương mại Rockefeller ở New York (Mỹ).
Nếu như nước Mỹ vẫn từng có tham vọng thống trị thế giới, Rockefeller lại có tham vọng chi
phối cả nước Mỹ, chi phối cả chính trị, xã hội thông qua tiềm lực và ảnh hưởng kinh tế có một
không hai của mình. Từ những đồng Ðô la đầu tiên, sau 50 năm kinh doanh, Rockefeller đã tạo
cho mình một tài sản trên 900 triệu USD tại thời điểm những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20,
tức cách đây đã 100 năm. Người ta ước tính vào thời điểm hiện nay (2003), 900 triệu USD hồi
đó sẽ tương đương với 190 tỉ USD, một con số kỷ lục, hơn tất cả tài sản của 10 tỉ phú lớn nhất
hiện nay cộng lại.
Bắt đầu từ hai bàn tay trắng
Rockefeller vốn xuất thân từ một gia đình công nhân Do Thái di cư sang Mỹ. Ngay từ nhỏ, ông
đã phải vừa học vừa kiếm tiền thêm bằng nghề khuân vác và rửa bát thuê. Ông đã học cách chắt
chiu, tiết kiệm tiền từ bé. Trong hồi ký của mình, Rockefeller kể lại ông ghi chép sổ sách rất cẩn
thận từng đồng một khi bỏ ống tiết kiệm và say sưa theo dõi số tài sản nhỏ mọn ấy lớn dần qua
ngày tháng thế nào.
Rockefeller thể hiện khả năng nhạy bén với tài chính của mình như một dấu hiệu bẩm sinh. Ông
kể lại khi mới 12 tuổi đã biết "mổ lợn" và đem 50 USD tiết kiệm được cho một người hàng xóm
vay với lãi suất 7%/năm. Sau một năm khi nhận lại từ người hàng xóm cả vốn lẫn tiền lãi thì ông
bắt đầu thực sự bộc lộ ham mê làm giàu, kiếm tiền để rồi tiền phải sinh lãi, lãi mẹ phải đẻ lãi
con, càng nhiều càng tốt.
Năm 16 tuổi, Rockefeller phải bỏ học để tập làm nghề kế toán. Khi làm việc, ông đều được
những người quản lý và ông chủ đánh giá cao về tính thẳng thắn, cẩn thận và chắc chắn của
mình. Lớn lên trong một môi trường gia đình theo đạo Do Thái rất nghiêm ngặt, Rockefeller có
một cuộc sống giản dị đến khắc khổ từ thuở hàn vi. Do đó, dù mức lương kế toán chỉ có 25 USD
mỗi tháng những ông vẫn dành dụm được phần lớn tiền lương của mình với một quyết tâm được
nung nấu là có vốn để kinh doanh.
Năm 1959, khi mới 19 tuổi và với vẻn vẹn 1.000 USD tiết kiệm được cùng với 1.000 USD vay


của cha, ông đã cùng với Clark - người bạn hàng xóm - lập nên Công ty Clark & Rockefeller để
chuyên buôn bán ngũ cốc, rau quả, thực phẩm và thức ăn gia súc. Mỗi người góp vốn 2.000
USD. Với tài năng quản lí tài chính cộng với bản năng chăm chỉ, cần mẫn và biết tiết kiệm,
Công ty của Rockefeller đã nhanh chóng ăn nên làm ra ngay từ thời mới thành lập. Ngay trong
năm đầu tiên, công ty của ông đã đạt 4.400 USD lợi nhuận và năm thứ hai đạt 17.000 USD lợi
nhuận. Ðây là những con số rất đáng nể, thậm chí là một kỳ tích đối với một công ty nhỏ vào
thời điểm lúc bấy giờ.
Có một điểm rất đáng chú ý mà mãi về sau khi Rockefeller là một đại gia công nghiệp thì người
ta mới có dịp nhìn lại. Từ lúc mới bước chân vào thương trường, Rockefeller đã sớm có tư tưởng
chinh phục và thống lĩnh thị trường. Ông đã chấp nhận mức chênh lệch thương mại nhỏ để cạnh
tranh và dẫn đầu về doanh thu ngay trong năm đầu tiên với 450.000 USD, mặc dù lợi nhuận tính
trên doanh số là khá thấp.
Chớp lấy cơ hội làm giầu từ dầu mỏ
Năm 1863, khi mới nhận được một vài hợp đồng là nhà thầu phụ liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ,
Rockefeller đã nhanh nhạy phát hiện và khẳng định đây sẽ là một miếng đất màu mỡ để có thể
nhanh chóng kiếm tiền. Ðể cho việc kinh doanh được hoàn toàn theo ý mình, trước hết ông mua
lại công ty ban đầu do ông thành lập chung với Clark và sau này là một số người bạn nữa với giá
72.500 USD. Khi đã trở thành người chủ duy nhất, ông bắt đầu lao vào cuộc giành giật những
hợp đồng dầu mỏ dù là nhỏ nhất.
Mong muốn làm giàu không chưa đủ, Rockefeller còn nung nấu một quyết tâm phải có trong tay
một cái gì đó thật độc đáo để cạnh tranh và đè bẹp các đối thủ. Năm 1865, Rockefeller tìm cách
lôi kéo bằng được Samuel Andrew về làm cho công ty mình. Ðó là người đang sở hữu một số
bằng sáng chế phát minh chế biến dầu thô thành xăng chất lượng cao. Từ một doanh nhân buôn
bán, Rockefeller trở thành một nhà công nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ với Công ty Rockefeller
& Andrew.
Ðộc quyền về công nghệ chế biến dầu thô, ông tiếp tục thành lập công ty dầu mỏ "Standard Oil
Company" năm 1870 với số vốn ban đầu là 1 triệu USD. Do nắm giữ được bí quyết công nghệ,
khả năng cạnh tranh của công ty dầu mỏ thuộc quyền Rockefeller rất lớn và đã đe dọa loại khỏi
cuộc chơi không ít doanh nghiệp cùng ngành. Có thể nói đây là thành công lớn nhất của
Rockefeller trong kinh doanh trên cơ sở biết đầu tư và nắm giữ vào bí quyết công nghệ, phán

đoán chính xác vai trò và tầm quan trọng sống còn của dầu mỏ với quá trình công nghiệp hoá
của nền kinh tế.
Cuồng nhiệt với chiến lược đầy tham vọng
Những thành công nhanh chóng của Rockefeller trong ngành công nghiệp dầu mỏ còn non trẻ đã
làm cho con người kinh doanh của ông ngày càng trở nên tự tin hơn, đồng thời tham vọng của
ông ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt hơn bao giờ hết. Rockefeller đã vạch ra cho mình một
chiến lược phát triển mang tính bành trướng quyết liệt để đạt tham vọng dần chi phối và độc
quyền trong lĩnh vực chế biến dầu mỏ. Không chỉ là nhà chiến lược có khả năng phán đoán tài
tình, là nhà lãnh đạo quyết đoán có khả năng quản lý tài chính hoàn hảo và có khả năng lãnh đạo,
dùng người một cách tối ưu, Rockefeller còn có một tính cách mạnh mẽ và quyết liệt, đặc biệt
trong cạnh tranh để loại trừ các đối thủ của mình.
Cho đến nay cũng đã có không ít ý kiến nói Rockefeller đã dùng cả những thủ đoạn, chiến thuật
khó hiểu để đánh gục đối thủ bằng mọi giá. Thậm chí để có thể kiểm soát và tiến tới thống trị thị
trường dầu mỏ đồng thời tránh bị cản trở từ mọi phía, đặc biệt trong công luận và chính quyền,
ông đã kỳ công lên những kế hoạch "cạnh tranh và gặm dần" hay "thâu tóm từng phần thị
trường". Rockefeller từng đạo diễn, lên kế hoạch để cho một số công ty nhỏ tự sáp nhập vào
nhau trước khi bị ông mua lại. Làm thế là ông đã tránh sự chú ý của dư luận và chính quyền so
với trường hợp phải lần lượt đàm phán mua lại từng công ty một.
Sau 8 năm liên tục phát triển, bành trướng với một động cơ rất quyết liệt là gây ảnh hưởng và chi
phối ngành công nghiệp dầu lửa, Rockefeller đã loại trừ và mua lại gần hết các đối thủ cạnh
tranh.
Trở thành một quyền lực đáng sợ
Có thể nói chính Rockefeller là người đầu tiên có tham vọng và ý tưởng về những tập đoàn
khổng lồ, đa quốc gia cho từng lĩnh vực ngành nghề. Năm 1882, tất cả các công ty dầu mỏ mà
Rockefeller nắm giữ được hợp nhất thành một tổ hợp công nghiệp dầu mỏ khổng lồ nhất trong
lịch sử. Ðó là Tập đoàn Standard Oil Trust với số vốn điều lệ 70 triệu USD. Với chừng ấy tiền
vào thời điểm đó, Rockefeller đã là người giàu nhất nước Mỹ. Và ở bang nào của nước Mỹ cũng
có mặt "Standard Oil Trust" - công ty chế biến dầu mỏ gần như duy nhất. Khoảng hơn 90% thị
phần đã nằm gọn trong tay của Rockefeller, ông được gọi là "vua dầu mỏ" từ đấy.
Lo ngại những ảnh hưởng của Rockefeller ngày càng lớn, nhiều hoạt động chính trị xã hội có thể

bị tác động bởi vua dầu lửa thông qua ảnh hưởng của ông đến các ngành công nghiệp nói riêng
và toàn bộ nền kinh tế nói chung, năm 1890, chính quyền bang Ohio - nơi đặt trụ sở chính của
Tập đoàn Standard Oil Trust - đã ra một sắc lệnh gọi là "sắc lệnh Trust" bắt chia nhỏ tập đoàn
này thành nhiều tập đoàn độc lập, không được liên kết để độc quyền và kiểm soát thị trường.
Nhưng Rockefeller với những quan hệ gắn bó với nhiều cá nhân, chính khách đã tìm cách lách
được sắc lệnh trên. Ông cho chuyển trụ sở tập đoàn sang bang New Jersey, nơi sắc lệnh này
không có hiệu lực và đổi tên tập đoàn thành "Standard Oil New Jersey".
Thế là Rockefeller lại vẫn tiếp tục đứng đầu tập đoàn công nghiệp dầu mỏ có vị thế độc quyền
và có khả năng chi phối nền kinh tế và cả xã hội Mỹ. Mãi cho đến năm 1911, khi Rockefeller đã
72 tuổi, thôi không trực tiếp điều hành tập đoàn và rút về hậu trường thì Toà án hiến pháp Mỹ
mới lại ra được quyết định chia nhỏ tổ hợp cộng nghiệp dầu mỏ của Rockefeller thành 38 công
ty độc lập. Môi trường cạnh tranh thật sự lúc này mới được thiết lập lại trong thị trường dầu mỏ
tại Mỹ.
Sau khi nghỉ làm việc, Rockefeller đã để lại rất nhiều tiếng tốt về mình trong xã hội. Hàng chục
quỹ từ thiện do ông bỏ tiền đã được thành lập để cứu trợ người nghèo, phòng dịch bệnh, thiên tai
trên thế giới. Nhiều trường học, viện nghiên cứu, quỹ bảo trợ đào tạo do ông lập và tài trợ đến
nay vẫn được duy trì hoạt động. Ở New York có Trung tâm thương mại Rockefeller nổi tiếng...
Dù các đánh giá về ông có khác nhau thế nào đi chăng nữa, Rockefeller vẫn được khẳng định là
một doanh nhân, một nhà công nghiệp lớn. Tên tuổi ông đến nay vẫn là một trong những biểu
tượng tiêu biểu của nền kinh tế Mỹ thời kỳ công nghiệp hoá.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×