SỞ GD-ĐT QUẢNG NAM
PHÒNG GD-ĐT QUẾ SƠN
KỲ THI HỌC HỌC SINH GIỎI TOÀN HUYỆN - NĂM HỌC 2004-2005
Môn : Ngữ văn - LỚP 9
Thời gian : 150 phút ( Không kể thời gian giao đề )
VÒNG I
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1: (3,0 điểm)
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)
Xác định và phân tích giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ được nhà thơ Chế Lan
Viên sử dụng trong đoạn thơ trên.
Câu 2: (7,0 điểm)
Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Hồ Xuân Hương
( SGK Văn học 9 - Tập 1 - NXB Giáo dục)
Phân tích bài thơ trên đồng thời liên hệ với một số tác phẩm văn học cùng thời để
thấy được vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.
SỞ GD-ĐT QUẢNG NAM
PHÒNG GD-ĐT QUẾ SƠN
KỲ THI HỌC HỌC SINH GIỎI TOÀN HUYỆN - NĂM HỌC 2004-2005
Môn : Ngữ văn - LỚP 9
Thời gian : 150 phút ( Không kể thời gian giao đề )
VÒNG II
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thuý Kiều (Truyện Kiều
- Nguyễn Du) với các yêu cầu sau :
a. Đoạn văn có từ 5 đến 10 câu
b. Đoạn văn được trình bày nội dung theo cách qui nạp
c. Đoạn văn có sử dụng một trong các biện pháp tu từ : so sánh, nhân hoá, ẩn
dụ…
Câu 2: (2,0 điểm)
Viết lời bình ngắn (khoảng 10 đến 15 dòng) để thấy cái hay cái đẹp của hai câu thơ
sau :
Trời thì xanh như rút ruột mà xanh,
Cây thì biếc như vặn mình mà biếc.
(Giữa cây và khoảng trời - Thi Hoàng)
Câu 3 : (6,0 điểm)
Những ngày nghỉ học
Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa
Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau
Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề ;
Khói phì như nghẹn nỗi đau tê ;
Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ ;
Lòng của người đi réo kẻ về
Kẻ về không nói bước vương vương…
Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương
Tế Hanh
(Tư liệu Văn học 8 -NXB Giáo dục)
Cảm nhận của em về bài thơ trên.
KỲ THI HỌC SINH GIỎI TOÀN HUYỆN
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN : NGỮ VĂN 9
VÒNG I
Câu 1: (3,0 điểm)
- Xác định được biện pháp tu từ so sánh:
Đối tượng so sánh : con gặp lại nhân dân
Hình ảnh so sánh : nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim ém gặp mùa, đứa trẻ thơ đói lòng gặp
sữa, chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
(Một đối tượng được so sánh với rất nhiều hình ảnh)
- Phân tích được giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng: Với các hình ảnh so
sánh cụ thể đã gợi được không gian, thời gian của sự gặp gỡ và còn khẳng định được sự gặp lại
nầy là hợp với qui luật tự nhiên, xã hội; là cần thiết, đúng lúc, đúng thời cơ.
* Học sinh phải biết phân tích các hình ảnh so sánh để thấy được hiệu quả thẩm mỹ được tạo ra
bởi biện pháp tu từ nầy. Tuỳ theo mức độ phân tích mà định điểm sao cho phù hợp.
Câu 2: (7,0 điểm)
A. Một số định hướng chính:
I. Nội dung:
Học sinh phải phân tích để thấy được giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Bánh
trôi nước”; biết liên hệ với các tác phẩm văn học cùng thời (đã được học) đề cập đến người phụ
nữ để minh chứng cho điều nữ sĩ HXH thể hiện. Đó là vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ VN
trong xã hội phong kiến.
- Phân tích bài thơ : Có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau song làm nổi rõ đặc điểm nội dung
và nghệ thuật của bài thơ:
+ Tả cái bánh trôi qua đó nói về vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ trong chế độ phong
kiến.
+ Nghệ thuật ẩn dụ, nghệ thuật sử dụng phép đối, sử dụng ngôn ngữ giản dị nhưng đa
nghĩa.
- Liên hệ : Có thể liên hệ trong quá trình phân tích hoặc khi tổng hợp, khái quát thành những vấn
đề cụ thể nhưng nhất thiết những dẫn chứng liên hệ phải thật phù hợp và làm sáng rõ được hai nội
dung cơ bản : vẻ đẹp và thân phận.
II. Phương pháp:
- Vận dụng kiểu bài phân tích tác phẩm để phân tích bài thơ: phân tích theo kết cấu hoặc theo vấn
đề, phân tích trong ý thức phân tích là để chứng minh. Biết tổng hợp khái quát để làm nổi bật vấn
đề.
- Sử dụng tư liệu phù hợp, xử lý tư liệu có hiệu quả trong chứng minh làm nổi bật vấn đề.
- Kết cấu bài làm chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Lập luận có tính thuyết phục. Hạn chế được lỗi
điễn đạt.
B. Tiêu chuẩn cho điểm:
Điểm 7 : Bài viết đạt được các yêu cầu trên
Điểm 5-6 : Bài viết đạt tương đối yêu cầu trên song chưa có được những sáng tạo riêng.
Dẫn chứng liên hệ chính xác song phân tích không thật sâu. Mắc không quá 8 lỗi diễn đạt.
Điểm 3-4 : Bài viết ở mức trung bình khá.
Điểm 1-2 : Bài viết phân tích quá sơ sài, thiếu dẫn chứng để liên hệ hoặc tư liệu liên hệ
không phù hợp. Bố cục không rõ ràng. Văn viết không rõ ý. Mắc lỗi diễn đạt nhiều.
Điểm 0 : Sai nghiêm trọng nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng hoặc chỉ viết vài
dòng chiếu lệ.
KỲ THI HỌC SINH GIỎI TOÀN HUYỆN
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN : NGỮ VĂN 9
VÒNG II
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết được đoạn văn theo yêu cầu :
Nội dung : Cảm nghĩ về nhân vật Thuý Kiều – Thuý Kiều tượng trưng cho vẻ đẹp của con người
về tài sắc, về trí tuệ thông minh, về lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha; Thuý Kiều
tượng trưng cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến chịu nhiều bất công, oan trái...
Hình thức : Số lượng câu không vượt quá (ít quá) số lượng cho phép; nội dung phải được trình
bày theo cách qui nạp; văn phong nghệ thuật và có dùng một trong các biện pháp tu từ.
Tiêu chuẩn cho điểm: Đạt yêu cầu nêu trên :2,0 điểm (nội dung: 1,0 đ , hình thức :1,0 điểm).
Nếu không đạt đầy đủ các yêu cầu trên, tuỳ mức độ có thể trừ điểm từ 0,25-1,5 điểm . (Về hình
thức: quá (ít) số lượng câu từ 2 trở lên (trở xuống) : trừ 0,25; nội dung trình bày không đúng theo
cách qui nạp: trừ 0,5; không sử dụng biện pháp tu từ : trừ 0,5)
Câu 2 : (2,0 điểm)
Yêu cầu :
Nội dung : Lời bình phải được thực hiện trên hai thao tác : Giảng và bình. Lời bình phải cho
người đọc thấy được cái hay cái đẹp của 2 câu thơ
Giảng: cắt nghĩa, phân tích những giá trị của những hình ảnh: trời xanh, cây biếc (gợi
không gian xanh), ngôn từ : rút ruột, vặn mình (có giá trị biểu cảm), các biện pháp nghệ thuật :
lặp cấu trúc, lặp từ...(nhấn mạnh). Tất cả làm nên một không gian “giữa cây và khoảng trời” xanh,
biếc đến hết mình.
Bình: Trên cơ sở phân tích bộc lộ những cảm xúc riêng của mình.
Hình thức: Lời bình có độ dài không quá giới hạn cho phép
Tiêu chuẩn cho điểm: Tuỳ theo mức độ đạt được của bài viết mà có thể định điểm sao cho phù
hợp.
Câu 3 : (6,0 điểm)
Một số những định hướng chính:
Yêu cầu:
1.Bài viết cần có những cảm nhận về:
- Những việc làm của nhân vật “tôi” trong những ngày nghỉ học để thấy được đó là một việc làm
của con người có một trái tim nhạy cảm, một tấm lòng nhân hậu.
- Tình cảm của nhân vật “tôi” dành trao cho cảnh vật, cụ thể là chiếc tàu trên sân ga của ngày tiễn
biệt
- Tâm trạng của của nhân “tôi” trong dáng về “lẽo đẽo” và nhớ, thương đến “ngơ ngẫn”.
2. Để có được những cảm nhận sâu sắc về bài thơ, học sinh phải biết phân tích những giá trị nghệ
thuật như : kết cấu (cách đặt vấn đề, kết thúc vấn đề tạo tình huống bất ngờ), hình ảnh thơ (con
tàu, nhân vật trữ tình); ngôn ngữ (trong sáng hồn nhiên)...
3. Bài viết phải có bố cục chặt chẽ, lời văn trong sáng, giàu cảm xúc và hạn chế được lỗi diễn đạt.
Tiêu chuẩn cho điểm:
Điểm 5-6 : Bài viết đạt được các yêu cầu trên, có được những sáng tạo riêng. Mắc không
quá 8 lỗi diễn đạt.
Điểm 3-4 : Bài viết ở mức trung bình khá.
Điểm 1-2 : Bài viết còn ở dạng nêu cảm nghĩ chung chung. Bố cục không rõ ràng. Văn viết
không rõ ý. Mắc lỗi diễn đạt nhiều.
Điểm 0 : Sai nghiêm trọng nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng hoặc chỉ viết vài
dòng chiếu lệ.