Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Gián án Đề thi HSG ngữ văn huyện Vĩnh Tường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.56 KB, 4 trang )

PHÒNG GD – ĐT ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
VĨNH TƯỜNG NĂM HỌC: 2010 - 2011
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút
Câu 1: Cảm nhận của em về đoạn văn sau:
“ Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng
thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không
ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
- Ba…a…a…ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật
xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như
vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó
nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như
dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết
thẹo dài bên má của ba nó nữa”.
( Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng)
Câu 2: Mưa theo nghĩa gốc là “hơi nước kết lại thành mây trong không trung rồi rơi
xuống”. Trình bày hiểu biết của em về ý nghĩa của những từ “ mưa” ở các câu thơ sau
trong Truyện Kiều - Nguyễn Du?
a. Vật mình vẫy gió tuôn mưa
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai.
b. Quản bao tháng đợi năm chờ
Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm.

Câu 3: Phân tích những thành công về nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật của thi
hào Nguyễn Du qua các đoạn trích “ Truyện Kiều” em đã học và đọc thêm ( SGK Ngữ
văn 9 – tập 1).


Ghi chú: Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên học sinh: …………………………………..;SBD: ……………………….
ĐỀ CHÍNH THỨC
PHÒNG GD – ĐT HƯỚNG DẪN CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
VĨNH TƯỜNG NĂM HOC 2010 - 2011
MÔN: NGỮ VĂN
Câu 1( 2 điểm):
* Yêu cầu về hình thức:
- Học sinh viết thành bài văn ngắn. Bố cục bài viết đầy đủ, rõ ràng.
- Biết kết hợp dẫn chứng với phân tích, bình giá vẻ đẹp của đoạn văn về nội dung, nghệ
thuật. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, đôi chỗ có thể có những cảm
nhận riêng song cần đạt được một số ý chính như sau:
- Đây là doạn văn dựng lại cảnh ngộ: sau khi sang nhà bà ngoại, được bà giải thích,
Thu hiểu ra vì sao ba có cái thẹo dài trên mặt, sự nghi ngờ ở nó đã được giải tỏa; trước
lúc ông Sáu phải lên đường, lần đầu tiên, bất ngờ, bé Thu cất tiếng gọi “ba’, rồi nó níu
giữ, liên tiếp hôn lấy hôn để “ cùng khắp” ba nó.
- Nhà văn đã sử dụng kết hợp các biện pháp so sánh, tăng tiến, liệt kê, các yếu tố miêu
tả, bình luận, v.v… cùng tập trung biểu đạt thật ấn tượng, sinh động và cảm động các
tình tiết, hành động tỏa sáng tình yêu ba hồn nhiên, mạnh mẽ, da diết có cả vương vít
nỗi niềm ân hận chân thành của bé Thu.
- Thái độ cùng hành động của bé Thu đột ngột thay đổi mà vẫn kết hòa vào mạch diễn
biến tâm lí của bé một cách tự nhiên, hấp dẫn.
- Theo câu chuyện, đến khúc đoạn này, chúng ta có thể thở phào, cười ra nước mắt,
thông cảm với bé Thu và mừng cho cha con bé. Cuộc kháng chiến cứu nước đã buộc các
gia đình và nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước phải chịu đựng biết bao nhiêu sự
thiệt thòi, mất mát, hi sinh nhưng đồng thời cũng đã giúp họ nhận rõ hơn giá trị lớn lao,
thiêng liêng của hạnh phúc gia đình riêng tư bình dị, đơn sơ và càng làm sáng thêm vẻ
đẹp tâm hồn, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.

* Biểu điểm:
- Điểm 1,75 - 2,0: Cảm nhận đúng, phong phú, có ý sâu sắc, tinh tế; diễn đạt tốt.
- Điểm 1,25 - 1,5: Cảm nhận đúng, khá đầy đủ, có ý sâu sắc, tinh tế; diễn đạt khá.
- Điểm 0,75 – 1,0: Cảm nhận được nhiều yếu tố nhưng nhìn chung còn hời hợt; diễn
đạt chưa thật hấp đẫn.
- Điểm 0,5: Cảm nhận hời hợt được vài yếu tố, diễn đạt yếu.
- Điểm 0: Sai lạc hoàn toàn.
Câu 2 (1 điểm):
Giải thích đúng nghĩa của từ “mưa” trong mỗi câu được 0,5 điểm.
a. Từ “mưa”: chỉ giọt nước mắt của người phụ nữ ở tâm trạng đau khổ.
b. Từ “mưa”: chỉ sự vất vả, gian khổ.
Câu 3 (7 điểm):
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh nhận thức đúng yêu cầu của đề về kiểu bài, nội dung, giới hạn.
- Biết cách làm bài nghị luận văn học: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; diễn đạt trong
sáng, biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.
* Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở nắm vững các trích đoạn Truyện Kiều đã học, thí sinh cần phân tích làm
nổi bật được những thành công về nghệ thuật của Nguyễn Du qua các đoạn thơ đó.
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải bám sát yêu cầu của
đề là nêu bật được những thành công về nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật của thi
hào Nguyễn Du qua các đoạn trích Truyện Kiều đã học (nếu lạc sang phân tích nhân vật
thì trừ nửa số điểm). Cụ thể cần đảm bảo được các nội dung cơ bản sau:
a. Mở bài: (0,5 điểm)
Dẫn dắt và đưa được vấn đề nghị luận – thành công về nghệ thuật miêu tả nhân vật
của Nguyễn Du qua các đoạn trích Truyện Kiều.
b. Thân bài: (6 điểm)
b1. Nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật.
- Khắc họa chân dung nhân vật chính diện ( Thúy Kiều, Thúy Vân) bằng bút pháp ước
lệ, tượng trưng ( phân tích, chứng minh qua Chị em Thúy Kiều). 1,5 điểm

Thúy Vân có vẻ đẹp tươi tắn, đoan trang, phúc hậu. vẻ đẹp như dự báo trước số phận
yên ổn của nàng sau này.
Thúy Kiều đẹp sắc sảo mặn mà, lại còn có tài năng điêu luyện theo đúng quan niệm
thẩm mĩ phong kiến: cầm, kì, thi, họa. Nàng còn là một cô gái có tâm hồn phong phú,
sâu sắc, nhạy cảm. Tài sắc nghiêng nước nghiêng thành… như dự báo trước tương lai số
phận đau khổ bất hạnh của nàng.
- Khắc họa tính cách nhân vật qua miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động
( phân tích, chứng minh qua Mã Giám Sinh mua Kiều). 1,5 điểm
Mã giám Sinh là nhân vật phản diện, được khắc họa bằng bút pháp tả thực. Hắn là một
con buôn lưu manh, giả danh một giám sinh đi hỏi vợ. Về tính danh, tung tích mập mờ.
Diện mạo trai lơ. Ngôn ngữ cộc lốc, hành động thô bỉ, xấc xược, vô lễ, ti tiện. Hắn lạnh
lùng vô cảm trước những đau khổ của con người. Người đọc sẽ nhớ mãi chân dung tên
lái buôn họ Mã với những chi tiết đắt giá.
- Miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình( phân
tích, chứng minh qua Kiều ở lầu Ngưng Bích). 1,5 điểm
Đoạn thơ là “một bức tranh tâm tình đầy xúc động”. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tuyệt
bút của thi hào trong đoạn thơ cho ta cảm nhận sâu sắc nỗi buồn tủi, cô đơn, lo sợ… của
nàng Kiều trước ngoại cảnh rộng lớn, heo hút, mịt mờ… Những lời độc thoại nội tâm
biểu lộ nỗi nhớ nhung da diết của Kiều trong cảnh “bên trời góc bể ”.
- Khắc họa tính cách nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại (qua Thúy Kiều báo ân báo oán).
0,5 điểm
Qua lời Kiều nói với Thúc Sinh, Hoạn Thư cho thấy nàng là người trọng ân nghĩa, vị
tha, sắc xảo, bao dung.
Lời đối đáp của Hoạn Thư bộc lộ rõ tính cách “khôn ngoan”, “quỷ quái tinh ma” của
nhân vật này.
b2. Đánh giá chung: 1,0 điểm
Thúy Vân, Thúy Kiều, những nhân vật chính diện được Nguyễn Du tôn vinh và được
khắc họa bằng bút pháp ước lệ cổ điển. Họ là những nhân vật lí tưởng, được mô tả với
những chi tiết chọn lọc, ngôn ngữ trang trọng phù hợp với cảm hứng tôn vinh, ngưỡng
mộ con người.

- Nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh được khắc họa bằng bút pháp tả thực, ngôn
ngữ trực diện. Nhân vật này gắn với cảm hứng phê phán, tố cáo xã hội của Nguyễn Du.
- Tôn trọng truyền thống nghệ thuật trung đại nhưng Nguyễn Du cũng in dấu ấn cá
nhân trong việc khắc họa chân dung các nhân vật. Chính vì vậy người ta thường nói: tài
sắc như Thúy Kiều, ghen như Hoạn Thư… Qua khắc họa chân dung mà thể hiện tính
cách, tư cách nhân vật cùng cảm hứng nhân văn nhân đạo của Nguyễn Du trước cuộc
đời và con người.
c. Kết bài: (0,5 điểm)
- Khẳng định tài năng nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Du thể hiện qua các
đoạn trích Truyện Kiều đã học.
- Có thể nêu ý nghĩa, tác dụng của vấn đề hoặc bộc lộ cảm nghĩ sâu đậm nhất của mình
qua phân tích…
Lưu ý: Hướng dẫn trên chỉ là những gợi ý định hướng, giám khảo cần linh hoạt khi chấm
bài. Không đếm ý cho điểm, bên cạnh ý nên chú trọng chất văn trong bài viết.

×