Cấu trúc nhịp thơ và nhạc âm của thơ
TRẦN THIỆN KHANH
1. Cấu trúc bên trong và cấu trúc bên ngoài của nhịp
Tại sao ta xếp bài thơ này vào thể lục bát, song thất lục bát, còn bài thơ kia lại
được đặt vào thể thất ngôn, ngũ ngôn...? Sở dĩ, chúng ta nhận diện được hình
thức bên ngoài của từng lối thơ ấy, vì ta nhìn thấy qui luật ngắt nhịp, ngắt dòng
của chúng khác nhau. Tính có nhịp điệu, và sự ngắt nhịp liên tục, từ lâu đã trở
thành yếu tố nhận diện thơ khác với văn xuôi, bài thơ này khác với bài thơ kia...
Nói cách khác, tính thơ nằm ở tính có nhịp điệu và sự hiệp vần của nó.
Từ lâu, chúng ta hiểu nhịp thơ chỉ là yếu tố bên ngoài, một yếu tố của hình thức
cụ thể cảm tính. Nay hiểu thêm, nhịp thơ là một yếu tố bên trong tạo hình thức
thơ, hình thức câu thơ. Sự sắp đặt các khổ thơ luôn luôn biểu hiện tương quan
giữa các nhịp điệu. Tương quan giữa các nhịp trong một câu thơ, dòng thơ... tạo
nên tính hệ thống, tính nội dung cho cấu trúc nhịp điệu của toàn bộ thi phẩm.
Nhịp điệu nằm bên trong bản thân kiến trúc ngôn từ và qui định kiểu kiến trúc ấy.
Muốn khám phá cấu trúc nhịp thơ, độc giả còn phải đi qua cái khoảng không vô
hình do các bước thơ tạo ra. Mỗi lần đi qua các bước thơ độc giả sẽ có những
cảm nhận, cảm giác khác nhau về tính thơ, về nội dung thông tin, biểu cảm tiềm
tàng ở phát ngôn thơ. Đi từ bước thơ này đến bước thơ kia phải mất một khoảng
thời gian nhất định và ngắt nhịp không hợp lí câu thơ sẽ vô nghĩa.
Có cấu trúc nhịp điệu bên trong và cấu trúc bên ngoài của nhịp điệu. Cấu trúc
bên ngoài biểu hiện ở cách trình bày nhịp câu thơ, nhịp khổ thơ, ở việc sử dụng
dấu câu của tác giả và khuôn nhịp chung của thể loại. Cấu trúc bên trong một
mặt ứng với nguyên tắc tổ chức nhịp điệu của từng chủ thể, mặt khác nó do nhịp
sống, tốc độ sống, cách sống của đối tượng gợi ra. Cấu trúc bên trong thể hiện
tương quan nội dung mang hình thức nằm bên trong cấu trúc bên ngoài của nhịp
điệu. Độc giả không thể đếm được nhịp bên trong của bài thơ, của đối tượng
miêu tả, mà chỉ có thể cảm được, nghe được, tưởng tượng thấy nó.
Để hiểu rõ về cấu trúc bên trong và cấu trúc bên ngoài của nhịp, dưới đây chúng
ta thử tìm hiểu một đoạn thơ của Hoài Vũ:
Anh phải về thôi, xa em thôi!
Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi.
Anh phải về thôi, xa em thôi!
Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi
Hoa khế rụng tím hầm ngầm bí mật
Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi...
(Hoàng hôn lặng lẽ - Hoài Vũ)
Câu thơ mở đầu có cấu trúc hai nhịp. Cấu trúc hai nhịp ở đây phản ánh một cảm
thức chia li khá rõ. Nhân vật trữ tình cảm thấy sự chia li đang đến gần và nhất
định sẽ xảy ra. Do đó, anh ta bộc bạch tâm thế hiện thời của mình để nhân vật
em hiểu mà chia sẻ. Tâm thế ấy trước tiên được thể hiện bằng một giọng điệu
trầm lắng, thứ nữa biểu hiện qua sự hoà thanh.
Sự hoà thanh ở nhịp thứ nhất phản ánh rõ rệt cơ chế xung động nội tâm. Cơ chế
này được cụ thể hoá thành hiệu ứng gấp khúc âm sắc. Sự hoà thanh ở nhịp thứ
hai cũng chịu sự chi phối của xung động tâm trạng, song về cơ bản, tần số nảy
sinh và biểu lộ tâm trạng của nó giảm dần, rồi thấp hơn mức bình thường ở hư
từ "thôi". Nói khác đi đến từ "thôi" nhân vật anh không thể nói rõ hơn cảm xúc
của mình. Tôi quan niệm sự khác biệt về bước sóng tâm trạng và tần số của nó
theo cách mà chúng tôi vừa chỉ ra, đã làm thành nguyên nhân sâu xa tổ chức
nên nhịp đôi cho câu thơ thứ nhất.
Xin nói rõ hơn về hiện tượng tổ chức nhịp đôi của câu thơ mở đầu. Tôi xem cấu
trúc nhịp đôi mà ta vừa quan sát được, có quan hệ biện chứng với hai bước
sóng tâm trạng. Hai bước sóng ấy chuyển hoá thành hai sự chuyển động:
chuyển động tâm trạng và chuyển động giọng điệu. Sự chuyển động của tình
cảm dễ nhận ra hơn cả. Chẳng hạn, ở vế thứ nhất, nhân vật trữ tình bộc bạch
cái ý hướng buộc "phải xa cách" để thăm dò nhân vật em. Ở vế thứ hai, anh ta
tiếp tục nhắc lại điều ấy với hai mục đích: thứ nhất - bộc lộ tâm trạng luyến nhớ
và khát khao muốn ở lại; thứ hai - khẳng định sự thực chia xa đang đến rất gần.
Cùng với sự chuyển động của tình cảm, ta quan sát được sự chuyển động của
giọng điệu. Bề ngoài, nhịp thơ đầu thể hiện hành động dứt khoát, song bên trong
chứa đựng nỗi đau chia lìa. Nhịp thứ hai có âm hưởng ngậm ngùi, song lại gần
với một lời nhắc nhở khéo léo. Nhắc nhở để chờ đợi điều gì đó thường xảy ra.
Đến đây có thể kết luận: sự phức hợp của tâm trạng tạo nên sự phức hợp của
giọng điệu. Toàn bộ sự phức hợp đó, trên một mức độ đáng kể chuyển hoá
thành cơ chế cấu trúc nhịp thơ.
Câu thơ đầu kết thúc bằng vần "ôi". Câu thơ thứ hai và câu thơ thứ tư lặp lại
nguyên vẹn khuôn vần đó để tạo nên âm vang ngôn từ, âm vang cảm xúc. Nếu
câu thơ thứ hai, câu thơ thứ tư không gieo vần "ôi" hoặc gieo vần, nhưng không
hoàn toàn trùng hợp với khuôn vần đó, chắc chắn âm điệu câu thơ sẽ khác. Sự
"khác" này sẽ làm giảm đi cái ấn tượng ban đầu của chúng ta về hình thức của
phát ngôn ta mà ta vừa nghe thấy trước đó. Chẳng hạn tính nhạc, tính thơ của
nó sẽ bị giảm sút. Vì rằng, tính thơ, tính nhạc của phát ngôn không phải lúc nào
cũng xuất hiện theo cơ chế nội sinh, mà ta thường thấy nó hiện ra khi có sự
tương tác, chuyển hoá uyển chuyển, nhịp nhàng giữa các hệ thống ngôn từ.
Thật vậy, câu thơ "Anh phải về thôi, xa em thôi" tách hai nhịp để đánh dấu giọng
và điệp vần "ôi" để củng cố tính nhạc cho nó. Ta nói hệ thống ngôn từ của câu
thơ trong sự vận động đặc thù của nó đã tạo nên tính nhạc. Tính nhạc này trở
nên nổi bật hơn khi nó tương tác, chuyển hoá sang hệ thống vần nhịp của các
câu thơ tiếp theo. Đối với trường hợp sau này, tôi nói tính nhạc hình thành theo
cơ chế ngoại sinh. Tôi quan sát thấy có hai nguyên tắc tạo nhạc cho thơ: a)
nguyên tắc 1, bao gồm: lặp vần để truyền âm; lặp thanh điệu để tạo âm hưởng
vang vọng; lặp cấu trúc câu để tạo nên một giai điệu nào đó; b) nguyên tắc 2, đối
lập và bổ sung cho nguyên tắc 1 ở chỗ: nó thường xuyên tạo ra sự vênh lệch,
trật khớp giữa các hệ thống ngôn từ. Lặp để tạo các điểm nhấn tu từ, còn vênh
lệch, trật khớp nhằm tạo nên sự đa dạng về âm thanh.
2. Nhạc âm của ngôn ngữ thơ
Theo các nhà vật lí, trong các loại âm mà tai chúng ta cảm thụ được, thì tiếng
hát, tiếng đàn... có một tần số hoàn toàn xác định, tức đối với những loại âm đó,
chúng ta có thể đo được biên độ và tần số dao động của nó. Và để phân biệt nó
với loại tạp âm chẳng hạn tiếng bước chân, tiếng máy nổ... người ta gọi nó bằng
thuật ngữ "nhạc âm". Văn bản thơ cũng có nhạc âm, bởi vì chúng ta có thể xác
định được trường độ, cao độ của các âm tiết, có thể cảm được nhạc tính của
vần, của sự lặp lại các yếu tố ngôn ngữ.
Vả chăng thì các yếu tố - chẳng hạn độ cao, độ dài và, độ mạnh của âm thanh
ngôn ngữ ngoài tính chất vật lí, còn chứa đựng yếu tố tâm lí. Bởi vì ngôn ngữ
thơ ngoài chức năng giao tiếp còn có chức năng tư duy. Nói khác đi, sự sản sinh
ra ngôn ngữ thơ bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với quá trình tư duy, với sự suy
tưởng và biên độ dao động của tình cảm con người. Cổ nhân nói "thi trung hữu
nhạc" thì nên hiểu thêm nhạc âm quan hệ với nhạc lòng.
Tiếng Việt chỉ có hai hệ thống thanh: thanh bằng và thanh trắc. Song nhạc thơ
rất đa dạng, phong phú. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Căn cứ vào mặt âm
học, sơ bộ ta có thể khẳng định, do:
a) mỗi âm tiết có độ cao - độ dài - độ mạnh của âm khác nhau
b) giải âm tần của một câu thơ thường đan xen ba mức: cao- thấp - trung bình;
c) mỗi vần và cách thức hiệp vần đều đem lại các âm sắc riêng biệt, ví dụ vần
chính tạo ra những cảm giác âm thanh khác với vần thông.
d) mỗi khuôn nhịp, khuôn vần tạo ra một giọng điệu khác nhau vì sự hoà thanh,
hoặc sự phân bố trọng âm, thay đổi cao độ của giọng nói giữa chúng không ổn
định;
e) đối với những sự kiện âm thanh phức tạp, con người khó phát âm, khó cảm
thụ, lại khó nhớ. Vì vậy, nhạc âm của ngôn ngữ vừa phải đảm bảo tính uyển
chuyển, mềm mỏng vừa phải đa dạng, hài hoà.
f) tâm trạng và "tiếng nói bên trong" của mỗi nhân vật, mỗi nhà thơ không hoàn
toàn đồng nhất, tức nó có sắc thái cá thể. Ví dụ người có tâm trạng buồn sẽ lựa
chọn hệ từ vựng có âm sắc phù hợp với nó để biểu đạt, người có tâm trạng vui
sẽ tìm đến những từ ngữ có mặt âm thanh và mặt nghĩa khác hẳn với từ ngữ gợi
âm hưởng buồn, người thích nói ngược, người thích nói xuôi,...
Nhạc âm của ngôn ngữ thơ vừa do tác giả sáng tạo nên vừa do độc giả sử dụng
và phát hiện. Kết quả sáng tạo của tác giả được thể hiện bằng văn bản ngôn từ,
ở đó, mỗi câu thơ thường có cách thức tổ chức khác nhau. Giá trị thẩm mỹ của
sự hiệp vần, cùng ý nghĩa của các khuôn nhịp đến đâu phụ thuộc vào "ngưỡng
nghe", ngưỡng cảm" - ngưỡng tiếp nhận của độc giả. Độc giả tự nghe, tự cảm,
tự phát hiện ra ý nghĩa tiềm tại ở cấu trúc nhịp điệu và tổ chức ngữ âm của văn
bản ngôn từ. Câu thơ nhiều thanh bằng, nhạc âm sẽ trầm. Dòng thơ toàn thanh
trắc, nhạc âm của nó sẽ cao và vang. Dòng thơ ngắn sẽ có âm hưởng khác với
dòng thơ dài; sự phối hợp giữa chúng sẽ để lại một kiểu âm khác với cấu trúc
câu thơ đều đặn. Tất cả điều này được giải thích từ tổ chức âm thanh, tổ chức
nhạc âm đặc trưng của nó. Mỗi câu thơ có một miền chúng ta nghe được, có
một vùng chúng ta chỉ cảm thấy. Miền chúng ta nghe được do sự cộng hưởng
của thanh điệu, vần điệu... tạo thành. Vùng chúng ta chỉ cảm thấy thuộc loại
"sóng siêu âm" do sự giao thoa giữa các hệ thống ngôn từ để lại. Nhạc âm được
lĩnh hội bằng kinh nghiệm, bằng thính giác. "Sóng siêu âm" của ngôn từ được
lĩnh hội bằng trực giác, bằng sự đồng cảm. Vì thế, không phải bao giờ chúng ta
cũng cắt nghĩa được rạch ròi cái âm hưởng nào đã cuốn hút ta, mê hoặc ta.
Hiện tượng này được chứng minh rõ hơn - khi lần đầu tiên ta tiếp xúc với bài thơ
nào đó - dù chưa hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng ta vẫn cảm thấy nó rất hay, cái
hay đầu tiên ta cảm thấy rõ rệt ở nhạc âm của nó. Tôi cho rằng mỗi bài thơ có
một loại nhạc âm. Nhạc âm đó có thể phù hợp với ngưỡng nghe của ta, sự chờ
đợi của ta, niềm ham thích của ta. Khi chúng ta vui, chúng ta sẽ nghe thấy nhạc
âm của bài thơ khác với lúc chúng ta buồn, một người thích kiểu thơ giàu tính
nhạc sẽ không mấy mặn mà trước lối thơ có năng lượng nhạc âm thấp.
Trên phương diện nhạc âm, có thể chia thơ thành hai loại: thơ nhạc và thơ phản
nhạc.
Tôi gọi thơ nhạc - tất cả những bài thơ chú trọng đến sự hiệp vần và tổ chức
nhịp điệu. Thơ nhạc thuần chất thì chỉ có giọng một bè, ít có sự gián đoạn hoặc
mâu thuẫn nội tại. Nhạc âm của thơ nhạc chỉ đặc trưng cho một thể loại mà nó
thuộc vào. Ví dụ nhạc âm của thơ lục bát khác với nhạc âm của thơ thất ngôn.
Trong phạm vi hẹp, chúng tôi dùng khái niệm Thơ nhạc để chỉ loại hình thơ cổ
điển. Thơ cổ điển qui định cụ thể về cách thức tổ chức ngữ âm, tổ chức thanh
điệu và vần điệu. Bằng cách này, thơ cổ điển đã tạo ra một kiểu nhạc riêng, một
kiểu âm riêng cho mình. Nhạc âm của thơ cổ điển mang điệu ngâm. Và chỉ đến
Thơ mới, nhạc âm mới có tính chất điệu nói.
Thơ cổ điển chỉ có nhịp của thể loại. Do vậy nhạc âm của một bài thơ cổ điển
cũng chỉ nằm trong khuôn khổ của một thể loại nào đó mà thôi. Chẳng hạn nói
đến thơ thất ngôn bát cú luật Đường, chúng ta có thể thống kê được số lượng
bước nhịp cực đại của nó. Bởi vì: a) một câu thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyện
luật Đường chỉ có hai cách ngắt nhịp: hoặc 4/3 hoặc 2/2/3; b) câu thơ Đường
luật lại rất hiếm khi phá cách, phá luật tổ chức nhịp điệu, vì phá nhịp đồng nghĩa
phá giọng điệu, phá cái âm vang riêng của thơ Đường. Tựu trung, đếm nhịp, tính
nhịp cho thơ cổ không mấy khó khăn lắm. Tìm hiểu đoạn thơ dưới đây sẽ thấy rõ
điều đó.
"Tích nhân/ dĩ thừa/ hoàng hạc khứ
Thử địa/ không dư/ Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc/ nhất khứ/ bất phục phản
Bạch vân/ thiên tải/ không du du
(Hoàng Hạc lâu - Thôi Hiệu)
Dễ thấy, về mặt hình thức sáng tạo, Thôi Hiệu đã phá luật, phá cách. Chữ cuối
cùng của câu thứ nhất, đúng cách phải gieo vần. Nhưng tác giả lại không làm
điều đó. Thêm nữa, thơ Đường rất kị lặp từ, thế mà Thôi Hiệu vẫn cứ vi phạm
luật chơi. Chỉ bốn câu thơ mà có tới ba từ "hoàng hạc", lại hai chữ "không", hai
chữ "khứ" nữa. Cũng chẳng mấy người đem động từ (khứ) đối với danh từ (lâu).
Và thật hiếm gặp lối "tam bình điệu" lẫn ý thức "coi thường" luật "nhị tứ lục phân
minh".