Cấu tạo cơ thể của động vật Ruột khoang tương đối hoàn thiện hơn động vật Thân lỗ, nhưng vẫn
ở mức độ tổ chức thấp hơn các động vật đa bào khác.
Về mức độ tổ chức cơ thể: Cơ thể Ruột khoang có cấu tạo 2 lớp tế bào, có xoang tiêu hoá ở giữa
(xoang vị), xoang này chỉ thông với bên ngoài qua một lỗ duy nhất được gọi là lỗ miệng. Mức độ tổ chức
này ứng với giai đoạn phát triển phôi của động vật đa bào là giai đoạn phôi vị có 2 lá phôi (lá phôi trong
và lá phôi ngoài). Có hai dạng thể hiện sơ đồ cấu tạo cơ thể kiểu phôi vị của Ruột khoang là dạng thủy
tức (polyp) và dạng thủy mẫu (medusa). Đây không phải là dạng cấu trúc cơ thể dùng trong phân loại mà
là dạng cấu trúc cơ thể đặc trưng cho đa dạng hình thái - sinh thái. Dạng thủy tức thích ứng với đời sống
bám vào giá thể và dạng thủy mẫu thích ứng với đời sống trôi nổi, di động.
Các tế bào bắt nguồn từ 2 lá phôi, đã có phân hoá theo chức năng:
+ Tế bào gai có cấu trúc đặc trưng, phù hợp với chức năng tấn công và tự vệ, tập trung nhiều trên tua
miệng.
+ Tế bào thần kinh có nhiều cực nối với nhau hình thành nên mạng thần kinh, gắn với các tế bào cảm
giác, rễ cơ của các tế bào biểu mô cơ nằm rải rác trong cả 2 lớp tế bào của cơ thể. Hệ thống này đã hình
thành các cung phản xạ đơn giản nhất, giúp cho con vật thích ứng nhanh với sự thay đổi điều kiện sống
của môi trường.
+ Tế bào tuyến tập trung trên thành ống tiêu hoá, tiết men tiêu hoá giúp cho con vật phân huỷ con mồi
nhanh chóng.
Tuy vậy sự phân hoá các loại tế bào này chỉ là bước đầu, trong cơ thể động vật Ruột khoang còn
có nhiều loại tế bào giữ chức năng kép.
Ví dụ như tế bào biểu mô cơ che chở, tế bào biểu mô cơ tiêu hoá, các tế bào trung gian chưa phân
hoá có thể hình các tế bào gai, tế bào sinh dục...
Sự xuất hiện các loại tế bào chuyên hoá cùng với sự hình thành khoang vị có khả năng tiêu hoá
con mồi theo lối ngoại bào đã tạo cho Ruột khoang có được khả năng bắt mồi chủ động.
Tế bào gai (cnidocyst hay nematocyst) là loại tế bào mới gặp ở Ruột khoang. Chúng là loại tế
bào tấn công và tự vệ, tập trung nhiều trên tua miệng. Đã biết khoảng 30 loại tế bào gai khác nhau về cấu
tạo và cách hoạt động. Mỗi tế bào gai có túi chứa dịch độc có bản chất là protein, khi chưa hoạt động thì
có nắp đậy. Trên bờ nắp đậy có gai cảm giác (cnidocil). Trong túi gai có các tơ gai xếp gọn. Khi gai cảm
giác bị kích thích (cơ học hay hoá học), nắp đậy mở ra và giải phóng tơ gai như lộn bít tất ra ngoài. Bề
mặt tơ gai sau khi phóng có nhiều gai nhọn giúp cho chúng xuyên sâu và cơ thể con mồi. Cấu tạo tơ gai
là ống rỗng, bên trong chứa dịch, là một loại chất độc có thể gây bỏng da hay mạnh hơn có thể gây chết
người. Người ta chưa hiểu rõ cơ chế của hoạt động tiết gai, tuy nhiên thấy rằng hoạt động phóng tế bào
gai diễn ra rất nhanh (chỉ trong vòng 3/1000 giây). Có thể giả thiết rằng, khi gai cảm giác bị kích thích thì
áp suất trong túi dịch đột ngột tăng lên làm bật tơ gai ra ngoài. Một giả thiết khác: áp suất trong túi dịch
cao, chúng sẵn sáng phóng ra bên ngoài khi nắp đậy do một cơ chế nào đó tự mở ra. Mỗi tế bào gai chỉ
hoạt động có một lần.
Hiện tượng hình thành tập đoàn khá phổ biến ở Ruột khoang. Các cơ thể do quá trình sinh sản vô
tính từ một cơ thể gốc đã hình thành tập đoàn. Ở Ruột khoang có thể thấy tập đoàn đơn hình hay đa hình.
Các cơ thể trong tập đoàn ít nhiều có mối quan hệ với nhau về cấu tạo và hoạt động sống. Mức độ phụ
thuộc giữa các cơ thể trong tập đoàn tăng dần theo quá trình phân hoá về chức năng, mở đầu là sự phân
hoá thành cơ thể dinh dưỡng và sinh sản. Ngoài ra còn có các cơ thể phân hoá theo chức năng khác nhau
như phao bơi, chuông bơi, tua bắt mồi...
Đối xứng toả tròn là đối xứng chủ yếu của ruột khoang. Đây là kiểu đối xứng qua một trục, tương
ứng với các giai đoạn phát triển của Ruột khoang (đi qua cực dinh dưỡng và cực sinh học của trứng, đi
qua cực miệng và cực đối miệng của ấu trùng planula và của ruột ở Ruột khoang trưởng thành). Trong
quá trình phát triển Ruột khoang có xu thế giảm dần bậc đối xứng. Nhiều ở giai đoạn phát triển sớm như
trứng, phôi vị, ấu trùng planula; ít hơn ở ấu trùng scyphistoma, ephyra và trưởng thành.
Có thể gặp đối xứng hai bên (đối xứng qua một mặt phẳng) ở một số Ruột khoang, trong đó phổ
biến nhất là San hô do có sự xuất hiện các gờ cơ trên vách ngăn và các rãnh thông nước trong vùng hầu.
Ở thủy tức và sứa cũng thường gặp một số loài có tua miệng tiêu giảm chỉ còn lại 1 hay 2 chiếc.
Đối xứng toả tròn của Ruột khoang phản ánh kiểu sống bám trên giá thể (thủy tức) hay sống di
chuyển bằng phản lực (sứa). Đối xứng hai bên xuất hiện do vị trí bám cạnh trục (chuông bơi của tập đoàn
thủy tức), hay do cách lấy thức ăn qua rãnh hầu (san hô).
Quá trình phát triển của Sán lá Hai vật chủ rất phức tạp, có hiện tượng xen kẽ thế hệ và di chuyển
vật chủ. Trứng theo mật vào ruột rồi theo phân ra ngoài, rơi vào nước và vỏ trứng vỡ, giải phóng ra ấu
trùng có tiêm mao (miracidium). Ấu trùng miracidium có cơ thể đầy lông bao phủ, mắt lẻ hình chữ thập,
có hạch não và một đôi nguyên đơn thận và có nhiều tế bào mầm. Sau một thời gian bơi lội tự do trong
nước ấu trùng chui vào nội quan của cơ thể ốc thuộc các giống Limnaea, Melanoides, Melania... (thường
là vào gan hay tuyến sinh dục) phát triển hình thành nên ấu trùng nang hay bào nang (sporocyst). Bào
nang có hình dạng thay đổi (hình túi hay hình trụ), mất mắt, bên trong có các tế bào mầm. Bào nang lớn
dần lên, tế bào mầm bắt đầu phân chia, hình thành nên mầm của một thế hệ mới là ấu trùng redia. Khác
với bào nang, redia có hầu, có túi ruột ngắn và có lỗ .Bào nang sẽ vỡ ra, các redia tiếp tục hoạt động
trong cơ thể ốc. Các tế bào mầm trong cơ thể redia hình thành nên cercaria có đặc điểm giống với trưởng
thành. Cercaria rời khỏi cơ thể ốc ra ngoài, nhờ có đuôi mà có thể hoạt động tự do trong nước. Sau một
thời gian, cercaria bám vào lá cây thuỷ sinh, rụng đuôi, kết vỏ cứng tạo thành bào xác (abdocercaria).
Cũng có khi cercaria có phần đầu kết vỏ trong suốt nằm trong nội quan của vật chủ trung gian thứ hai
trước khi vào vật chủ chính (được gọi là metacercaria).