VN-Index dưới góc nhìn phân tích kỹ thuật
Thị trường chứng khoán (TTCK) là một kênh huy động vốn cho nền
kinh tế, nên sự biến động của nó sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế
quốc gia.
Những biến động trong thời gian qua của chỉ số VN-Index ít nhiều đã đóng vai trò là một nhân tố
tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng. Với nội dung đó, bài viết xin được tóm gọn lại những diễn biến
của thị trường trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những tín hiệu khả quan cho thời gian tới.
Tính từ thời điểm tháng 6/2006 cho tới những tháng đầu năm 2007, TTCK Việt Nam thật sự có
một diện mạo mới. Song song với việc chỉ số VN-Index tăng vọt là sự gia tăng về khối lượng giao
dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của TTGDCK TP. HCM, vào tháng 1/2007, nhà
đầu tư nước ngoài đã thực hiện những giao dịch cực lớn với khối lượng đặt mua đạt con số kỷ lục
- hơn 47 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 1/4 khối lượng giao dịch toàn thị trường. Giai đoạn từ tháng
1 đến hết tháng 4/2007, thị trường có nhiều điều chỉnh, VN-Index tăng đến đỉnh xấp xỉ 1.200 điểm
rồi sụt gần 25% trong hơn một tháng, kéo theo sự sụt giảm về quy mô giao dịch của nhà đầu tư
nước ngoài. Bắt đầu vào tháng 5, có những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ với cả VN-Index và quy mô
giao dịch.
Tín hiệu hồi phục được biểu hiện qua bảng “Quy mô đặt lệnh trong tháng 5” (toàn thị trường). Sau
ngày giao dịch 26/4, VN-Index bắt đầu đảo chiều và tăng liên tục. Ngày 3/5 chỉ có 5.472 lệnh đặt
mua thì đến ngày 25/5, con số này đã tăng hơn 2 lần, tốc độ tăng duy trì khá đều đặn giữa các
phiên giao dịch trong tháng hồi phục này. Số lệnh đặt bán có tăng, nhưng tốc độ không ổn định,
biến động nhiều. Nhìn chung, trong tháng 5 này sự chênh lệch giữa cung (lệnh đặt bán) và cầu
(lệnh đặt mua) là khá lớn theo từng phiên và có xu hướng cầu vượt cung. Đây có thể coi là một tín
hiệu khả quan khi các nhà đầu tư bắt đầu tin tưởng vào sự ổn định của thị trường sau một khoảng
thời gian thị trường điều chỉnh.
Biểu đồ phân tích kỹ thuật VN-Index
Trước hết, với chỉ số MACD (phân kỳ và hội tụ của đường trung bình di động), về mặt ý nghĩa, chỉ
số này lớn hơn 0 cho biết kỳ vọng hiện tại về giá chứng khoán của nhà đầu tư có khuynh hướng
đầu cơ giá lên nhiều hơn so với các kỳ vọng giá trước đó. Và ngược lại, khi giá trị của nó nhỏ hơn
0 thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng tăng giá là thấp, nói cách khác thị trường ở trạng
thái giảm, đi xuống.
Với chỉ số trung bình trượt 9 ngày (đường màu hồng), đây được gọi là đường dấu hiệu, đường
này cho thấy những tín hiệu mua hay bán khi nó cắt (hay tiếp xúc) với MACD. Biểu đồ VN-Index
cho thấy, tín hiệu tương đối rõ ràng ở hai thời điểm đầu tháng 8/2006 và đầu tháng 5/2007, khi
đường tín hiệu cắt lên trên đường MACD và vượt qua mức số 0.
Hiện VN-Index đang có những tín hiệu kéo dài khá giống giai đoạn sau tháng 8/2006. Nếu thị
trường vẫn tiếp tục như hiện nay thì việc đường biến động VN-Index đi theo hướng ngang trong
những ngày tới là có khả năng xảy ra. Trong phân tích tâm lý của các nhà đầu tư cũng thể hiện rõ
điều này: chúng ta thường nghĩ rằng, những gì trong quá khứ đã diễn ra thì tương lai có khả năng
được lập lại và đây cũng chính là mọt quan điểm nền tảng và xuyên suốt trong phân tích kỹ thuật
của Charles H. Dow.
Chỉ số thứ hai trong biểu đồ là “dải Bollinger”, chỉ số này đo lường khá chính xác độ nhạy cảm của
giá khi tiếp xúc với những đường biên tín hiệu trong dải Bollinger. Để xem xét những tín hiệu mua
và bán từ dải Bollinger, cần quan sát những điểm tiếp xúc của đường giá VN-Index hàng ngày và
hai đường biên của dải băng của nó. Những tín hiệu mua quá mức cho thấy thị trường có quá
nhiều người mua tại những mức giá tương ứng khi chúng tiếp xúc đường biên phía trên của dải
băng, theo lý thuyết, đây là tín hiệu bán lý tưởng. Ngược lại, khi đường giá tiếp xúc với Bollinger
tại đường biên phía dưới, theo lý thuyết, là những tín hiệu mua lý tưởng.
Quay lại thời điểm tháng 8/2006, có một tín hiệu rõ ràng cho những nhà đầu tư thông minh biết
nắm bắt thời cơ khi nhận thấy thị trường có những tín hiêu phục hồi, thể hiện qua đường giá chạm
mức biên dưới của dải Bollinger.
Khoảng cuối tháng 2/2007, khi chỉ số VN-Index gần đạt đến mức đỉnh, đường biến động giá chạm
biên trên của dãy Bollinger - chỉ báo thị trường có khả năng sụt giảm. Và cũng như lập luận trước
đó, đợt sụt giảm sẽ mạnh hơn khi trước đó là một xu hướng tăng được biểu hiện rõ rệt.
Những tín hiệu hiện nay của dải Bollinger cho thấy thị trường đang ở trạng thái giá cao và có khả
năng giảm nhẹ hoặc biến động theo chiều ngang trong những ngày sắp tới nếu đường giá chạm
mức biên trên của dãy Bollinger.
Chỉ số thứ 3 là chỉ số lưu lượng tiền trong giao dịch (MFI). MFI đo lường mức độ lưu thông tiền tệ
trong giao dịch, chúng phản ánh những biến động tăng/giảm trong một chu kỳ xác định. MFI cũng
có hai mức biên biến động và thông thường, trong thị trường ổn định là mức 20-80. Khi MFI đạt
mức 80 sẽ là một điểm tín hiệu bán cho những nhà đầu tư ngắn hạn, thể hiện trạng thái quá mức
trong lượng tiền giao dịch. Với MFI tại mức biên 20 có ý nghĩa chỉ báo về khả năng phục hồi giá
sau một giai đoạn giảm trước đó, khi mà một số lượng lớn tiền trong giao dịch không được lưu
thông khi thị trường sụt giảm.
Từ những điểm nằm phía trên đường biên 80 trong đồ thị trên mô tả những dấu hiệu cụ thể trong
thời gian vừa qua: chỉ số VN-Index sẽ sụt giảm ngay sau khi MFI vượt mức 80. VN-Index cũng
nhanh chóng đảo chiều khi MFI chạm mức biên 20. Chúng ta có thể thấy được điều này vào tháng
8/2006 và tháng 5/2007, nếu nhìn nhận trên quan điểm phân tích kỹ thuật thì có thể nói đó là giai
đoạn đầu của sự tăng trưởng và tiếp theo sau là một giai đoạn ổn định dài, thị trường sẽ diễn biến
rõ ràng hơn sau khi kết thúc giai đoạn bình ổn này.
Chỉ số cuối cùng, chỉ số cường độ tương đối (RSI). Thoạt nhìn biểu đồ, nhà đầu tư có thể cảm
thấy rằng chỉ số này không chính xác. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng phân tích kỹ thuật thì đây là chỉ
số rất thông dụng và được hầu hết nhà phân tích sử dụng. RSI thể hiện thời điểm mua và thời
điểm bán khi chúng tiếp xúc với 2 đường biên 30 và 70 (biên độ này sẽ được nới rộng ra là 20-80
tại những thị trường tăng trưởng).
Với thị trường Việt Nam, nếu chọn mức 30-70 chúng ta chấp nhận khoảng sai lệch (độ trễ) thì
những tín hiệu tại các mức này là đáng tin cậy. Nếu nhìn nhận thị trường tại thời điểm này và xem
xét với độ trễ là 2 ngày thì cho thấy những tín hiệu VN-Index đang tiến gần tới trạng thái mua quá
mức. Khi VN-Index đạt tới mức này thông thường sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Một là, thị trường sẽ
đảo chiều và sụt giảm. Hai là, thị trường sẽ biến động theo hướng đường giá đi ngang và tăng
giảm nhẹ.
Phân tích kỹ thuật, ở một khía cạnh nào đó được coi là một nghệ thuật trong cách nhìn nhận thị
trường. Nghệ thuật đạt đến trình độ sắc sảo là sự kết hợp các chỉ số để đưa ra một tầm nhìn chiến
lược và một quyết định đầu tư phù hợp. Khác với những nguyên lý phân tích khác, với phân tích
kỹ thuật, có thể với cùng một bối cảnh như nhau nhưng với tư duy và quan điểm khác nhau sẽ cho
ra những nhận định khác nhau về những diễn biến thị trường, mặc dù tất cả những lập luận đó
đều xuất phát dựa trên nền tảng thống kê chỉ số và lý thuyết ứng dụng trong phân tích kỹ thuật.
Admin (Theo
Đầu tư Chứng khoán Online
)