Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu Các nhân tố khiến giá cổ phiếu biến động doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.72 KB, 3 trang )

Các nhân tố khiến giá cổ phiếu biến động
Một thực tế gần như đã trở thành chân lý là giá cổ phiếu luôn biến
động. Nhưng không có cách nào dễ dàng để hiểu được chúng vận
động như thế nào và vì sao, cũng như không có quy tắc nào có thể
được sử dụng để có được lợi nhuận mau chóng và chắc chắn từ sự
biến động ấy. Ở một vài phương diện, chúng ta có thể dễ dàng nói
được cái gì ảnh hưởng tới giá cổ phiếu hơn là nói cái gì thực sự ảnh
hưởng vào chúng. Khi nào thì giá cổ phiếu biến động, biến động theo
chiều hướng nào, trong bao lâu? Đó là câu hỏi mà không chỉ các nhà đầu tư chứng khoán
muốn tìm lời giải đáp.
Trong nhiều năm dài, có một thuyết cơ bản, chính thống và quy ước được dùng để giải thích sự
vận động của giá cổ phiếu. Đó là thuyết quy ước về giá cổ phiếu (Conventinal Theory of Stock
Prices). Thuyết này cho rằng: Nguyên nhân cơ bản của sự vận động giá cả là sự dự đoán lợi
nhuận doanh nghiệp. Lợi nhuận của doanh nghiệp là nhân tố trực tiếp quan trọng nhất trong việc
quyết định giá cổ phiếu. Bởi giá cổ phiếu chính là giá trị hiện tại (present value) của tất cả lợi tức
cổ phần trong tương lai. Và lợi tức cổ phần chỉ có thể đến từ lợi nhuận doanh nghiệp. Do đó, khi
lợi nhuận doanh nghiệp thay đổi, giá cổ phiếu sẽ thay đổi.
Như vậy, nếu ước định được chính xác lợi tức cổ phần trong tương lai, nhà đầu tư có thể xác
định được giá trị nội tại của một cổ phiếu (hay còn gọi là giá trị thực của cổ phiếu) sau khi đã
chiết khấu ở một suất chiết khấu thích hợp.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình tài chính, viễn cảnh doanh lợi của doanh nghiệp và những nhân
tố khác ảnh hưởng đến, nhiều nhà đầu tư sẽ có kết luận khác nhau về cùng một doanh nghiệp,
cho nên giá trị thị trường với giá trị nội tại của cổ phiếu phần lớn là không thống nhất.
Khi nghĩ rằng giá cổ phiếu đang thấp hơn (hoặc cao hơn) giá trị nội tại của cổ phiếu thì nhà đầu
tư sẽ mua vào (hoặc bán ra) cổ phiếu đó. Nếu có nhiều người cùng nghĩ và làm như vậy thì họ sẽ
làm cho giá cổ phiếu tăng lên (hoặc giảm xuống) cho đến khi họ nghĩ rằng giá cả đã bằng với giá
trị nội tại.
Thực tế, giá trị nội tại của một cổ phiếu không phải là một hằng số bất biến. Nó sẽ thay đổi khi lợi
nhuận doanh nghiệp thay đổi. Và cái làm cho lợi nhuận doanh nghiệp thay đổi, chính xác hơn là
làm cho giá cổ phiếu thay đổi là do có sự thay đổi trong những điều kiện cơ bản.
Những điều kiện cơ bản có thể là:


- Sự tiến triển của nền kinh tế quốc dân, tình hình kinh tế khu vực và thế giới. Giá cổ phiếu có
chiều hướng đi lên khi nền kinh tế mạnh lên (và có chiều hướng đi xuống khi nền kinh tế yếu đi).
Bởi khi đó, kh năng về kinh doanh có triển vọng tốt đẹp, của cải tăng lên và nhiều người sẽ đầu
tư vào cổ phiếu.
- Lạm phát: Lạm phát tăng luôn là dấu hiệu cho thấy rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ
không bền vững, lãi suất sẽ tăng lên, khả năng thu lợi nhuận của doanh nghiệp bị hạ thấp làm
cho giá cổ phiếu giảm. Bất cứ khi nào lạm phát bùng lên, đồng tiền khôn ngoan sẽ rời khỏi các cổ
phiếu mà nó đã được đầu tư trước đó. Trong hầu hết các trường hợp, lịch sử của thị trường
chứng khoán cũng chính là lịch sử của lạm phát. Lạm phát càng thấp thì càng có nhiều khả năng
cổ phiếu sẽ tăng giá trị.
Biểu hiện của lạm phát là giá cả hàng hoá tăng. Đối với sự tăng giá của một mặt hàng cụ thể, nó
sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu có liên quan đến mặt hàng đó. Ví như giá dầu hoả mà tăng thì giá
xăng cũng đắt đỏ hơn, như thế chi phí chuyên chở cũng tăng lên. Điều này đến lượt nó lại làm
tăng giá mọi thứ được chuyên chở. Và những cổ phiếu thuộc ngành vận chuyển có sử dụng xăng
dầu hoặc những cổ phiếu của doanh nghiệp có lệ thuộc vào xăng dầu sẽ biến động (thường sẽ
giảm xuống).
- Tình hình biến động của lãi suất: Lãi suất tăng làm tăng chi phí vay đối với doanh nghiệp. Chi
phí này được chuyển cho cho các cổ đông vì nó sẽ hạ thấp lợi nhuận mà doanh nghiệp dùng để
thanh toán cổ tức. Cùng lúc đó, cổ tức hiện có từ cổ phiếu thường sẽ tỏ ra không mấy cạnh tranh
đối với nhà đầu tư tìm lợi tức, sẽ làm họ chuyển hướng sang tìm nguồn thu nhập tốt hơn ở bất
cứ nơi nào có lãi suất cao (giả dụ lãi suất tiết kiệm). Hơn nữa, lãi suất tăng còn gây tổn hại cho
triển vọng phát triển của doanh nghiệp vì nó khuyến khích doanh nghiệp giữ lại tiền mặt nhàn rỗi
hơn là liều lĩnh dùng số tiền đó khuếch trương kinh doanh. Chính vì vậy, lãi suất tăng sẽ dẫn đến
giá cổ phiếu giảm. Ngược lại, lãi suất giảm có tác động tốt cho doanh nghiệp vì chi phí cho vay
mượn xuống thấp, và giá cổ phiếu thường tăng lên.
Tuy nhiên, sự dao động của lãi suất không phải luôn được tiếp theo bởi sự phản ứng tương
đương và trái ngược của cổ phiếu. Chỉ khi nào lãi suất phản ánh xu hướng chủ đạo trong lạm
phát nó mới trở thành thước đo hiệu quả sự dao động của thị trường chứng khoán. Lãi suất có
xu hướng giảm khi lạm phát giảm và lạm phát giảm khiến giá cổ phiếu tăng cao hơn. Ngược lại,
lạm phát tăng cùng với lãi suất, giá các cổ phiếu sẽ giảm. Nhưng nếu lạm phát không phải là một

vấn đề nghiêm trọng và lãi suất tăng, đầu tư vào thị trường chứng khoán thường mang lại nhiều
lãi. Bởi vì trong trường hợp này, lãi suất tăng là do nền kinh tế tăng trưởng.
- Chính sách thuế của Nhà nước đối với thu nhập từ chứng khoán: Nếu khoản thuế đánh vào thu
nhập từ chứng khoán cao (hoặc tăng lên) sẽ làm cho số người đầu tư giảm xuống, từ đó làm cho
giá chứng khoán giảm.
- Những biến động về chính trị, xã hội, quân sự: Đây là những yếu tố phi kinh tế nhưng cũng ảnh
hưởng không nhỏ đến giá cổ phiếu trên thị trường. Nếu những yếu tố này có khả năng ảnh
hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tích cực thì giá cổ phiếu của doanh
nghiệp sẽ tăng lên.
- Những nhân tố nội tại gắn liền với nhà phát hành biến động: Nhân tố về kỹ thuật sản xuất: trang
thiết bị máy móc, công nghệ, tiềm năng nghiên cứu phát triển...; Nhân tố về thị trường tiêu thụ:
khả năng về cạnh tranh và mở rộng thị trường...; Nhân tố về con người: chất lượng ban lãnh đạo,
trình độ nghề nghiệp của công nhân; Tình trạng tài chính của doanh nghiệp...
Ngoài ra, các hành động lũng đoạn, tung tin đồn nhảm, các biện pháp kỹ thuật của nhà điều hành
thị trường (Sở Giao dịch, nhà tạo lập thị trường...), ý kiến của các nhà phân tích, tâm lý của nhà
đầu tư... cũng làm thị giá cổ phiếu biến động.
Về tâm lý nhà đầu tư, có hẳn một luận thuyết (dù chưa có trong kho tàng lý luận về thị trường
chứng khoán) để lý giải sự biến động của giá cổ phiếu. Đó là thuyết lòng tin về giá cổ phiếu
(confident Theory of Stock Prices). Theo thuyết này, nhân tố căn bản trong biến động của giá cổ
phiếu là sự tăng hay giảm lòng tin của nhà đầu tư đối với tương lai của giá cổ phiếu, của lợi
nhuận doanh nghiệp và của lợi tức cổ phần.
Thuyết này có vẻ như là một dị bản của thuyết quy ước bởi vì nó cho rằng lợi tức cổ phần cũng
tùy thuộc vào lợi nhuận doanh nghiệp. Nhưng trong thực tế nó khác về căn bản bởi vì nó giải
thích sự biến động về giá cổ phiếu không phải trên cơ sở của tình hình thực tế mà trên cơ sở tâm
lý của nhà đầu tư đối với thị trường. Giá trị của thuyết này là nó có thể giải thích những biến động
thất thường của giá cổ phiếu mà thuyết quy ước không giải thích nổi. Nó có thể giải thích vì sao
giá cổ phiếu trên thị trường lại xuống trong những điều kiện kinh tế rất tốt đẹp, hoặc giá cổ phiếu
trên thị trường lên trong tình hình kinh doanh xấu đi. Nó cũng có thể giải thích vì sao giá cổ phiếu
lại sụt trong khi lợi nhuận doanh nghiệp đang tăng hoặc ngược lại.
Những người theo thuyết lòng tin cho rằng thị trường không thể nào phản ứng với những dữ liệu

thống kê và kinh tế với một độ chính xác cao. Khi có một nhóm người (vừa đủ) lạc quan về thị
trường họ sẽ mua cổ phiếu khiến giá cổ phiếu được đẩy lên cao. Ngược lại, khi họ bắt đầu bi
quan thì họ sẽ bán ra, bất chấp những điều kiện cơ bản lúc đó thế nào. Lúc đó, họ có thể làm cho
giá cổ phiếu đi xuống.
Vào bất cứ thời điểm nào, trên thị trường cũng xuất hiện hai nhóm người này (nhóm người lạc
quan về thị trường và nhóm người bi quan về thị trường). Số lượng giữa hai bên hiếm khi cân
bằng. Khi số tiền do người lạc quan về thị trường đầu tư chiếm nhiều hơn, thị trường sẽ tăng giá,
và khi số tiền bán ra của người bi quan về thị trường nhiều hơn, thị trường sẽ hạ giá.
Lưu ý rằng, tổng số người lạc quan và bi quan về thị trường là không đáng kể, số tiền do họ đầu
tư mới là nhân tố quan trọng. Tỷ lệ giữa hai nhóm người này sẽ thay đổi tuỳ theo cách diễn giải
của họ về thông tin, cả về chính trị lẫn kinh doanh, cũng như những đánh giá của họ về nền kinh
tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Chính vì thế, cùng một loại chứng khoán, có người cho rằng xấu quá cần phải bán đi, nhưng
ngược lại có người cho rằng tương lai của nó rất sáng lạn cần phải mua vào. Do đó, thị trường
chứng khoán lúc nào cũng có người mua, người bán.
Như vậy, nếu một cổ phiếu nào đó được xem như hấp dẫn ở một mức giá đặc biệt nào đó, nhu
cầu mua có thể vượt xa số cung của những người muốn bán. (Nhưng tại sao họ - những người
bán - lại phải bán những cổ phiếu “hấp dẫn” của họ chứ?) Kết quả là giá sẽ tăng cho đến khi các
cổ đông hiện hữu, trong số họ có nhiều hơn, bị cám dỗ muốn bán cổ phần và sẽ có giao dịch
đồng đều hơn giữa người mua và người bán. Điều ngược lại sẽ xảy ra nếu một loại cổ phiếu
được xem như quá “đắt đỏ” ở một mức giá đặc biệt nào đó và người bán sẽ là đa số, buộc giá
rớt cho đến khi có người mua xuất hiện.
Như vậy, nguyên nhân làm giá cổ phiếu biến động rõ ràng là chưa có sự nhất trí, ngoài thế giới lý
thuyết. Và việc chọn thời điểm mua vào lúc cổ phiếu xuống giá và bán ra lúc lên giá cũng chỉ là
những vấn đề lý thuyết. Bởi rất khó xác định chu kỳ lên xuống của giá cổ phiếu. Không ai có thể
thực hiện được điều đó trong một thời gian dài. Tại một thời điểm nhất định, khó thể dự đoán
được giá cổ phiếu sẽ lên hay xuống, vì giá cả diễn biến một cách ngẫu nhiên?
Điều này không phải là không hợp lý. Học thuyết về tính ngẫu nhiên (Random Walk) được giáo
sư Maurice Kendall công bố vào năm 1953. Theo đó, giá cổ phiếu thay đổi ngẫu nhiên, không có
quy luật và không thể dự đoán được. Nếu giá của cổ phiếu có thể dự đoán được trước thì các

nhà đầu tư sẽ nhanh chóng tìm cách đạt được lợi nhuận bằng cách mua khi giá có khuynh
hướng tăng và bán khi giá có khuynh hướng giảm. Nhưng trong thực tiễn, tình trạng này không
thể tồn tại một cách lâu dài. Sự phán đoán về khả năng tăng giá trong tương lai sẽ ngay lập tức
làm giá hiện tại tăng. Nói một cách khác, giá cổ phiếu sẽ phản ứng ngay đối với bất kỳ thông tin
mới nào được tiềm ẩn trong dự đoán.
Thời điểm giá cổ phiếu bắt đầu tăng lên, có nhiều người mua hơn số người bán và ngày càng có
nhiều người chú ý và cũng mua theo. Diễn biến thay đổi đã tạo ra một giá cao hơn, cho đến lúc
một số người nắm giữ cổ phiếu đó nghĩ rằng nó không thể tiếp tục tăng nữa và quyết định bán ra
(nhiều người cũng sẽ nghĩ như vậy và bán ra theo). Cuối cùng số lượng người bán tăng lên làm
giá cổ phiếu đổi hướng và bắt đầu giảm. Và rồi chu kỳ lại lặp lại khi một số người bắt đầu nghĩ
rằng tình trạng sụt giá đã đến lúc chấm dứt và bắt đầu mua vào.
Như vậy, diễn biến giá là một chu kỳ lặp đi lặp lại, giá cứ tăng rồi lại xuống và xuống rồi lại tăng
và cứ thế. Thời gian các đợt tăng giảm giá là ngẫu nhiên bởi vì ta không biết trong bao lâu số
người mua sẽ vượt hơn số người bán hay số người bán sẽ vượt hơn số người mua. Một biến cố
ngẫu nhiên nào đó hoàn toàn không thể đoán trước có thể làm đảo ngược một chiều hướng và
quá trình cũng không cân đối về mặt giá cổ phiếu (mỗi giá lên hay xuống giữa các chu kỳ không
cân bằng nhau). Tuy nhiên, mức độ ngẫu nhiên thay đổi theo từng thời kỳ, sao cho có những giai
đoạn tốt để đầu tư và những giai đoạn không nên đầu tư.
Việc này thường phải nhờ đến phân tích kỹ thuật. Theo trường phái phân tích kỹ thuật thì giá cổ
phiếu đã phản ánh tất cả những thông tin có liên quan đến cổ phiếu đó. Do đó, lập biểu đồ từ
những thông tin có sẵn như dao động giá, khối lượng giao dịch, chỉ số chung của thị trường
chứng khoán, bán khống... sẽ cung cấp những chỉ báo về dao động giá trong tương lai.
Tuy nhiên, không phải ai lập được biểu đồ là có thể hiểu được các ẩn dụ từ các mô hình mà biểu
đồ cung cấp. Hơn nữa, cũng không có một quy tắc chuẩn nào trong việc phân tích mà thường
phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự nhạy cảm trong quan sát. Do đó, cùng một mô hình nhưng việc
đánh giá xu hướng biến động của giá cổ phiếu cũng không đồng nhất. Người thì cho rằng chu kỳ
tăng giá (hoặc giảm giá) đã chấm dứt nên tung cổ phiếu ra bán (hoặc mua vào). Nhưng người
khác không nghĩ vậy, xu hướng biến động giá còn tiếp diễn và họ tiếp tục mua vào (hoặc bán ra).
Điều này lại đi đến hệ quả: Giá cổ phiếu luôn biến động.
Admin (Theo

www.vietmanagment.com / Empirics.Net
)

×