Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu Đầu tư gián tiếp: Mở cửa và soát vé docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.34 KB, 3 trang )

Đầu tư gián tiếp: Mở cửa và soát vé
Suốt sáu tháng qua, nhiều tập đoàn tài chính quốc tế như Merrill
Lynch, HSBC, Deutsche Bank, Crédit Suisse, Citigroup liên tiếp tung ra
các báo cáo về thị trường tài chính và kinh tế Việt Nam với đánh giá
tương đối khả quan.
Không chỉ nhận xét trên giấy, họ đã bắt đầu mua chứng khoán, bỏ tiền vào các doanh nghiệp. Họ
trực tiếp tham gia thành lập các quỹ, hoặc đầu tư thông qua các quỹ nước ngoài. Huy động vốn
đầu tư vào Việt Nam từ bên ngoài đang rất thuận lợi. Chuyện còn lại là của Việt Nam : mở cửa
cho vốn vào đến đâu và hấp thụ vốn thế nào cho hiệu quả.
Dưới 5% danh mục đầu tư
Trong các bản báo cáo, báo cáo của Citigroup đề ngày 27/9/2006 tỏ ra thận trọng và sát thực tế
hơn cả. Nhưng dù đã khá thận trọng, nhóm nghiên cứu của Citigroup vẫn nhận định Việt Nam là
một “powerhouse” mới (một thế lực mới nổi lên) của khu vực Đông Nam Á.
Citigroup cho rằng vấn đề đô thị hóa là một thách thức trung hạn đối với Việt Nam và Việt Nam
đang cần nhiều vốn đổ vào lĩnh vực này. Đây chính là vùng trũng thu hút vốn đầu tư cả trực tiếp
lẫn gián tiếp của nước ngoài với những ưu đãi lớn từ phía Nhà nước.
Nhận định trên lý giải một phần vì sao trong những tháng qua Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital
hướng các quỹ họ đang quản lý như VOF, VinaLand vào các dự án hạ tầng. Ông Don Lam, Tổng
giám đốc VinaCapital, thậm chí còn cho biết một quỹ chuyên đầu tư vào hạ tầng cơ sở như bãi
đậu xe ngầm, đường giao thông, các bệnh viện... đang được VinaCapital chuẩn bị gọi vốn.
Cũng trong thời gian đó, Dragon Capital tăng cường giải ngân từ các quỹ Vietnam Dragon Fund
và Vietnam Growth Fund cho việc mua cổ phiếu của CII (Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ
thuật, đang niêm yết trên sàn). Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của CII, lợi nhuận, doanh thu của
công ty không thực sự cao như các doanh nghiệp khác, nhưng giá cổ phiếu CII tăng liên tục
nhiều phiên gần đây. Chỉ có thể hiểu rằng sự tăng giá đó được hậu thuẫn bởi thực tế CII đang
nắm trong tay nhiều dự án hạ tầng giao thông đô thị.
Bây giờ các quỹ đầu tư nước ngoài có thể gọi vốn cho Việt Nam dễ dàng. Vì sao? “Các nước
đang lo ngại chu kỳ suy thoái kinh tế mười năm sắp quay trở lại Mỹ, châu Âu, trong khi châu Á
vẫn đang trên đà tăng trưởng” - một chuyên viên tài chính tại Tp.HCM phân tích - “Việt Nam đang
được đánh giá cao. Ở một chừng mực nào đó, đối với nhiều nhà tài chính quốc tế, Việt Nam
đang là mốt và theo yêu cầu của các chủ đầu tư, Việt Nam phải nằm trong danh mục đầu tư của


các quỹ.
Tuy thế, các quỹ rất thận trọng, phần dành cho Việt Nam chỉ chiếm dưới 5% danh mục đầu tư
của họ. Song, đối với thị trường tài chính nhỏ bé của Việt Nam, đó lại là số tiền lớn”.
Một nhà đầu tư nước ngoài cho biết ông thực sự “căng thẳng” khi mới đây đoàn khảo sát của JP
Morgan nói rằng khách hàng của họ háo hức đến mức sẵn sàng mua những hàng hóa nào mang
tên Việt Nam!
Bốn điểm nổi bật
Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (Ree), câu hỏi mà
các quỹ đầu tư nước ngoài lặp đi lặp lại nhiều nhất là “Năm năm tới Ree sẽ như thế nào?”.
Trước khi bỏ tiền, các quỹ nước ngoài nhận định giá trị cổ phiếu các công ty trong một tầm nhìn
trung hạn, cho dù họ là quỹ mạo hiểm. Đó là điểm nổi bật thứ nhất của tình hình đầu tư tài chính
hiện nay.
Điểm thứ hai là đã có sự chuyển động rõ rệt về quy mô doanh nghiệp đầu tư. Chỉ một năm
trước, các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp nhận vốn đầu tư tài chính, nhưng nay thì điều đó
trở nên khó khăn hơn. Các quỹ tuyên bố chỉ giải ngân vào những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả,
quy mô khá. Quỹ Penn, một quỹ của Đan Mạch, mới vào thị trường chưa lâu, nhưng đã công bố
rõ tiêu chí những doanh nghiệp đầu tư: tuổi đời từ năm năm trở lên, có tiềm năng, cần số vốn từ
vài triệu đô la Mỹ và quản trị công ty tốt.
Ở trên sàn, đã có sự bứt phá rõ nét, hình thành tốp đầu các doanh nghiệp tầm cỡ về giá trị và
khối lượng giao dịch như Vinamilk, Ree, Gemadept, CII, Sacom, Vĩnh Sơn - Sông Hinh,
Sacombank... do sự tác động mua bán của nhà đầu tư nước ngoài. Có những quỹ như Vietnam
Holding chủ trương chỉ nhắm tới những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí, ngân hàng, bảo
hiểm, viễn thông, du lịch...
Điểm nổi bật thứ ba là tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của một doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước
ngoài. Không giống như trường phái “hướng ngoại” của Việt Nam luôn kêu gọi Chính phủ nâng
tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ 30-49% lên 100%, các quỹ hầu như không đề cập
nhiều đến tỷ lệ. Điều họ mong muốn là hàng hóa gia tăng nhanh, quy mô thị trường mở rộng, tức
là thêm nhiều doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn, đẩy nhanh cổ phần hóa và
bán đấu giá cổ phần các doanh nghiệp lớn.
Chiếc bánh lớn lên quan trọng hơn tỷ lệ. Tỷ lệ tăng mà chiếc bánh vẫn nhỏ thì các quỹ biết bỏ

tiền vào đâu? Có những quỹ kiên nhẫn đợi, nhưng đã có quỹ tỏ ra sốt ruột khi tiến trình cổ phần
hóa và niêm yết những doanh nghiệp lớn đang rất chậm chạp.
Mối quan tâm hàng đầu của các quỹ là tốc độ cải cách kinh tế và tốc độ lớn lên của thị trường
trong bối cảnh Luật Chứng khoán chuẩn bị có hiệu lực vào đầu năm tới. Đây cũng là điểm nổi
bật thứ tư. Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Michael Marine, trong buổi nói chuyện về quan hệ Việt - Mỹ gần
đây nói rằng cải cách kinh tế của Việt Nam cần phải đi hết tốc lực.
Còn Citigroup, trong báo cáo nêu rõ “không thể phóng đại tốc độ cải cách và sự thay đổi dường
như sẽ diễn ra trong một chừng mực có kiểm soát”. Chính điều này đã khiến một số tập đoàn tài
chính lớn lưỡng lự. Họ vào, chủ yếu để quan sát, để nhìn nhận xu hướng thị trường, chứ không
phải bỏ tiền đầu tư ngay lập tức.
Mở cửa và kiểm soát
Thị trường tài chính Việt Nam đã mở cửa. Bây giờ không phải là thời điểm mở tiếp hay khép lại.
Kinh tế sẽ tăng tốc một khi có thị trường tài chính làm bệ đỡ. Môi trường đầu tư đang trở nên
hấp dẫn, dòng vốn cả gián tiếp và trực tiếp sẽ tiếp tục tràn vào. Vấn đề còn lại là tốc độ mở cửa
và kiểm soát dòng vốn để nó ở lại Việt Nam lâu dài và chảy vào những vùng trũng mà nền kinh tế
cần.
Ông Michael Smith, Giám đốc điều hành Ngân hàng HSBC khu vực châu Á - Thái Bình Dương,
nói điều thú vị mà các nhà đầu tư nước ngoài đang nhìn thấy ở Việt Nam chính là tốc độ mở cửa
thị trường. Nhưng mở nhanh đến đâu và rộng đến đâu thì người quyết định là Chính phủ Việt
Nam. “Chính phủ cần thực tế” - ông Michael Smith nhấn mạnh - “Thực tế như thế nào? Ở Trung
Quốc, lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu”.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, nhận xét có thể dùng quản lý ngoại hối
như một cái van để điều tiết vốn đầu tư tài chính. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài muốn
mua bán chứng khoán phải mở tài khoản ở một ngân hàng được phép và mọi giao dịch thông
qua tài khoản đó. Giao dịch chứng khoán thực hiện bằng tiền đồng, nhưng khi chuyển lợi nhuận
ra ngoài, họ được chuyển đổi thành ngoại tệ. Quản lý ngoại hối hiện nay thông thoáng đến mức
nhà đầu tư, sau khi làm các nghĩa vụ về thuế (nếu có), có thể chuyển tiền ra bất cứ lúc nào họ
muốn mà không cần phải giữ lại bao nhiêu thời gian kể từ khi chuyển tiền vào.
Nếu Việt Nam muốn kiểm soát, đề phòng việc rút vốn hàng loạt của các quỹ nước ngoài trong
trường hợp khủng hoảng thì hoàn toàn có khả năng sử dụng van này. Thí dụ một ngày, một nhà

đầu tư không được chuyển ra quá 10 triệu đô la Mỹ...
Tỷ giá hiện nay cũng là một yếu tố tác động đến thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài. Việc tỷ giá
ổn định ba năm qua với sự trượt giá của tiền đồng khoảng 1%/năm so với đô la Mỹ đã giúp đất
nước hút được nhiều ngoại tệ hơn. Nhờ đó quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã gia tăng nhanh
chóng. Số lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào ba năm gần đây gấp đôi thời gian
trước đó.
Báo cáo của Citigroup cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đến tháng 3/2006 đã đạt khoảng
10,7 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay, nhưng theo thông tin chúng tôi thu thập được, con số
trên có thể lớn hơn nhiều. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc kiểm soát một tỷ giá ổn định nhằm tạo
sự hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, tích lũy dự trữ ngoại hối lại có thể tác động không thuận lợi
đến việc nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng
xuất khẩu.
Ở một góc độ khác, Bộ Tài chính đang có những nỗ lực đáng ghi nhận về xây dựng thị trường
trái phiếu, tạo ra một lãi suất chuẩn cho thị trường, nhất là quy định gần đây về việc phát hành
trái phiếu Chính phủ lô lớn. Song, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào việc giao dịch
trái phiếu vẫn còn khá hạn hẹp. Làm sao để trái phiếu Chính phủ hấp dẫn đầu tư tài chính nước
ngoài như sức hấp dẫn của cổ phiếu? Câu trả lời ở đây không phải chỉ là cơ chế phát hành, lãi
suất, mà còn ở việc sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu sao cho hiệu quả và tăng tính
thanh khoản cho trái phiếu.
Và cuối cùng là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào tiến trình cổ phần hóa. Một dự thảo
nghị định thay thế cho Nghị định 187 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần
đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ.
Một sân chơi cổ phần hóa bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hứa hẹn ở hai
điểm. Thứ nhất, mở rộng đối tượng nhà đầu tư chiến lược bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài
và xóa bỏ cơ chế ưu đãi giảm giá bán cổ phần cho đối tượng này. Trước đây nhà đầu tư chiến
lược chỉ có thể là nhà đầu tư trong nước và họ được mua cổ phiếu ưu đãi, giảm giá 20% so với
giá đấu giá bình quân.
Thứ hai, tỷ lệ cổ phần bán đấu giá công khai lần đầu được nâng từ 20% lên 30% vốn điều lệ,
trong đó dành một tỷ lệ bán đấu giá cho nhà đầu tư chiến lược, kể cả nhà đầu tư chiến lược
nước ngoài. Đây là điều khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài mong đợi.

Giám đốc một công ty quản lý quỹ nước ngoài nói ông chờ đợi quy định này đã lâu và đã đến lúc
Việt Nam cần thôi “phân biệt đối xử” với nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Doanh nghiệp cổ phần
hóa không chỉ dành cho nhà đầu tư trong nước, để rồi sau đó nhà đầu tư nước ngoài, nếu muốn
đầu tư, phải mua lại giá cao.
“Chuyện đó không công bằng” - ông nhấn mạnh - “Nếu muốn chúng tôi đầu tư lâu dài, thì nên
cho chúng tôi tham gia mua cổ phần ngay từ đầu, tạo sự gắn bó với doanh nghiệp. Đây cũng là
phương thức kiểm soát và ngăn chặn việc rút vốn ở những thời điểm cần thiết”.
Admin (Theo
TBKTSG

×